Saturday, July 31, 2010

Tam Ích


Siu cô nương của Mặc Đỗ

Người ta nhận thấy có hai loại tiểu thuyết nổi bật lên trong văn học: một thứ tiểu thuyết lịch sử một cá nhân (roman-histoire-d’un-individu) – nhất là tiểu thuyết từ cuối thế kỷ XIX trở về trước; và một thứ tiểu thuyết lịch sử một đoàn thể (roman-histoire-d’une-collectivité), như Trại Tân Bồi của Hoàng Công Khanh ngày trước hay En un combat douteux của Jonh Steinbeck ra đời đã lâu rồi…

Cuốn Siu cô nương là một trong một số ít ngoại lệ: đây là một cuốn tiểu thuyết… lịch sử… ba người, thêm vào đó một xác chết muốn nói nhiều, và hai con đĩ – nói cho đúng chẳng phải đĩ mà cũng chẳng phải gái chính chuyên. Đem hai con đĩ ấy qua St. Germain des Prés, họ có thể mặc một thứ áo màu khác, hay đặt họ vào sách của Francois Sagan, hai con đĩ ấy có thể sẽ là những nhân vật Trong một tháng, trong một năm – giống nhau hay khác nhau thì cũng vậy…

Sáu người, kể cả người chết, lưu động trên một sân khấu đầy màu sắc phũ phàng – một thứ màu sắc dã thú (fauvisme) lưu động trên một khung nhân sinh mất thăng bằng… Sân khấu này do một nhà văn "dàn cảnh" tên gọi là lịch sử sắp đặt âm thanh và màu sắc: Bắc Việt – nói một cách khác: Hà Nội – chung quanh những ngày đất nước sắp có một biên giới mới: vĩ tuyến 17 vạch trên một tờ giao kèo mới: Hiệp định Genève 1954.

Đây là một thứ náo nhiệt tưng bừng ít có trong lịch sử dân tộc Việt Nam, bao phủ một mảnh sống trình độ hỉ nộ ái ố… lên rất cao, một mảnh sống của cả một dân tộc mà tiếng nói của Trời Phật cổ truyền không vọng lên được… mà sự thăng bằng của con người gặp một phen thử thách rất lạ.

Máy camera của Mặc Đỗ thu một số góc cạnh vào phòng tối: Lát nữa ba người thanh niên, hai con đĩ và một xác chết sẽ hiện trên màn ảnh, và kết cuộc là ba chàng sẽ giã từ Hà Nội để vào Sài Gòn, tránh cộng sản – thực ra câu chuyện Siu cô nương đại khái cũng chỉ có thế. Bối cảnh không đậm lắm (tôi sẽ nói tới), nhưng nhân vật thì hiện ra gần hết kích thước của màn trắng – gros plan.

Ba người này là một thứ thanh niên trí thức tiểu tư sản của một thời đại mới: con người họ là kết quả của một sự hỗn hợp. Phòng thí nghiệm của lịch sử, của hoàn cảnh xã hội đã phù hợp trong ba người đủ thứ "chất hóa học" từ xa tới, từ đất nước mọc lên, từ quá khứ còn vang lại tạo nên sử tính cá nhân, từ hiện tại mất thăng bằng và từ tương lai mù mù mịt mịt… Những "chất hóa học" này phong phú và thiếu thứ tự: một chất tân quốc gia (néo-nationalisme), một chất tân tả (nouvelle gauche), một chất chống đối (homme révolté) theo danh từ của Albert Camus, một chất hiện sinh (existentialisme)… giao động trên cặn bã của chất Gide và Valéry… đã nhạt rồi, và thường khi xung đột với những thứ "hồng huyết cầu" văn hóa Nho Phật Lão của dòng máu cha ông truyền lại đến đời ba chàng thanh niên thì màu đã phai nhiều. Thêm vào đó chất nghệ sĩ… rất đậm.

Ba người đó thuộc về những hạng người yêu nước, yêu dân tộc, muốn cho lịch sử có ý nghĩa nhưng không muốn chiếm độc quyền một danh từ đẹp nào! Họ tự dựng cho họ một lý tưởng riêng, cũng như tất cả mọi người thanh niên từ hai mươi đến bốn mươi của dân tộc Việt Nam ngày nay, ai có lý tưởng nấy. Và nhất là họ không yêu nước như những người cộng sản: nghĩa là họ chống cộng.

Trên phương diện cá nhân, họ ham sống như James Dean, họ chán chường như Sagan, họ hăng hái, họ hỉ, nộ, ố… và cũng như tất cả mọi nghệ sĩ, họ không thừa nhận những công thức hiện hữu của xã hội, họ ghét sự dung phàm vô vị của đời sống tẻ nhạt… và thái độ trí thức của họ – thái độ của những người đã lựa chọn và những người "cùng một lứa bên trời lận đận" – đượm một hương vị thất vọng và rất hiện sinh. Họ hy vọng như những kẻ… đương thất vọng. Tôi nhớ hình như Emmanuel Mounier có danh từ "l’espoir des déses érés" (hy vọng của những kẻ thất vọng) để chỉ thứ hy vọng của những nhân vật trong tác phẩm của Sartre, Camus, Malraux là những người ở duyên hải Đại Tây Dương… còn bên Việt Nam mình là một số thanh niên trí thức trong đó có nhân vật Siu cô nương.

Họ làm gì, dự định những gì, trong lúc lịch sử đương vạch biên giới tại vĩ tuyến 17 giữa đất nước, và đương thử thách một sự "hợp chất" trên đời sống hai mươi lăm triệu người?

Làm gì thì chưa biết, nhưng khi kết thúc thì tác giả dè dặt, và những nhân vật nói thứ ngôn ngữ của những người phóng biếm (cinique)… Thấy họ lên xe lửa vào Nam (ở mấy trang cuối cùng của Siu cô nương), mà lòng thì cũng nao nao xuất ngoại – một thứ nao nao chung, sản phẩm tâm lý của cái giữa thế kỷ hai mươi thiếu thăng bằng này…

Mộ nói: "Chúng mày khéo lôi thôi, tao đã nói mãi: ra đi là mất. Mất thì phải làm lại, còn cãi nhau nỗi gì?"

Lũy cãi: "Chết mất mát gì mà kêu ca".

Mộ phản đối: "Có mất. Mất một con đĩ và một cái xác chết".

Lũ tu một hớp rượu, gật gù, rất buồn: "Ừ, hai con đĩ và một cái xác chết".

Xin nói rõ: cái xác chết đây là cái xác chết của Hiểu: một thanh niên trí thức, loại bốn mươi, có học, có lý tưởng, nhưng chết vì đau ho lao nặng quá. Còn hai con đĩ: một con là Siu cô nương, một cô gái trí thức lai Tàu, làm việc cho một nhà khiêu vũ, biết nói tiếng Pháp, có trong tủ sách một vài cuốn sách hiện sinh… Mặc Đỗ đem Siu cô nương vào trong truyện làm cái cớ để cho những nhân vật khác lưu động trên sân khấu một cách mềm dẻo: một vai phụ nhưng chập chờn trong toàn diện cuốn sách như một nếp duyên… Cũng nên thêm rằng Siu yêu Mộ, và Mộ yêu Siu, hai người tự mình dấm dớ với chính mình, tự mình dối chính mình – ngâm hai câu thơ của Thế Lữ trong tâm tư – tôi nói lại – trong tâm tư – "Giữa lúc non sông mờ cát bụi…".

Còn con đĩ thứ hai là Loan, một cô gái đẹp của một nhà nho giáo, hy sinh tấm thân trong trắng cho sĩ quan Pháp để phụng sự đảng… Mà thiệt là cắc cớ: Loan lại yêu Thái, một luật sư ở Hà Nội – hai tâm hồn thương nhau nhưng tự dối mình, yêu nhau nhưng khó lấy nhau, giữa lúc một người (Loan) vào đảng cộng sản như tín đồ vào giáo đường, còn một người (Thái) lại chống cộng!

Chính cái hương vị phóng biếm ấy đã làm cho Siu cô nương có một thứ duyên văn nghệ kín đáo và đậm đà… (Nếu Mộ lấy Siu, Loan lấy Thái, và cả năm người dẫn nhau đi Sài Gòn thì – tôi nói thật – cuốn tiểu thuyết đã nhạt đi một phần lớn…). Cuối cùng, Thái từ chối Loan và Loan thức một giấc mộng nửa hư nửa thực; và Mộ từ chối Siu để Siu chạy đi tìm một anh chàng trọc phú người Trung Hoa vẫn có lối dựng tình yêu trong nhà ngân hàng, để nhào vào lòng "người yêu" một cách rất "xì ních", giấu sự đau thương giữa hai cánh tay một người lớn cơ thể hơn lớn về phần… hồn…

Thái, Mộ, Lũy, trên chuyến tàu vào Sài Gòn mơ hồ tiếc hai con đĩ trong tiềm thức mà không dám thú nhận. Vì vậy, Mộ và Lũy đã đặt mối tình với đĩ ngang cái chết thiêng liêng của một người bạn mà tình thân hữu cao quý như tất cả mọi thực thể có vị trí trên bàn thờ thần tượng. Cái chết của bạn và mối tình của con đĩ đều có địa vị trong lòng người: giữa hư và thực, giữa cái đáng tôn thờ và cái đáng chà đạp, biên giới lờ mờ không rõ ràng… Tác giả thể hiện được trường hợp tâm lý đó trong tác phẩm, kể cũng đã thực hiện được một tình thế tiểu thuyết (situation romanesque) ngộ nghĩnh trong khí hậu văn nghệ… Đọc cuốn Siu cô nương, người ta có ấn tượng như đã đọc một cuốn tiểu thuyết Âu Mỹ gần thành công. Đứng hẳn trên phương diện kỹ thuật tiểu thuyết, từ sau Thế giới đại chiến lần thứ Hai, nói về tiểu thuyết dày bốn năm trăm trang, ngoài cuốn Nhìn xuống của Sao Mai ở Hà Nội (khi chưa có biên giới tại vĩ tuyến 17) và những cuốn mà tôi không có hân hạnh được đọc, tôi thấy cuốn Siu cô nương là một thành công. Còn những truyện như Trại Tân Bồi của Hoàng Công Khanh, Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền… làm người ta nhớ đến tác phong Ả Cu chính truyện của Lỗ Tấn, Des souris et des hommes của Jonh Steinbeck – kể cả Bonjour Tritesse của François Sagan… là những nghệ phẩm không dài không ngắn mà có nhiều nhà phê bình gọi là tân truyện – nouvelle.

Phần cuối cùng của Siu cô nương mang một đề từ: "Tirer la morale DE l’histoire n’appartient pas à l’écrivain". Câu này là của R.M. Albérès, tác giả những cuốn La révolte des écrivains d’aujour d’hui; L’aventure intellectuelle du Xxe siècle, Bilan littéraire du Xxe siècle… Nếu tôi không lầm thì riêng tác giả, sở dĩ tác giả dùng câu ấy làm đề từ vì tác giả dè chừng những nhà văn có ác ý khi phê bình lại đặt ra vấn đề luân lý và đạo đức.

Ngày xưa ông Ngô Đức Kế đã bắt Truyện Kiều làm một cuốn sách giáo khoa luân lý nên Tố Như tiên sinh bị một trận… oan, mà nói đúng ra, người chịu trách nhiệm gián tiếp là ông Phạm Quỳnh. Cũng ngày xưa, Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đã một vài lần hiện ra dưới ánh đèn… luân lý nên dưới ngọn bút của vài văn nhân nho sĩ, lan tố tâm đã bị bùn tạt vào màu trinh bạch. Và cứ thế, người ta có thể bắt Khổng Tử làm nghệ sĩ…, Bồ Tùng Linh làm nhà chính trị… để công kích…!

Từ đầu thế kỷ hai mươi về trước, trong văn chương, giữa tác giả và độc giả, gần như kín đáo hẹn nhau để nói một thứ ngôn ngữ, để vọng một thứ âm thanh, tiềm tàng cùng nhau duy trì những giá trị tinh thần… những giá trị văn nghệ (có người gọi trường hợp đó là: complicité littéraire et morale). Từ đầu thế kỷ hai mươi đến giờ, giới văn nghệ bỗng một sáng quay lưng lại thứ văn chương nhân văn. Một số tiểu thuyết gia trình bày đời sống, nhân vật và tác động nhân sinh (cụ thể và trừu tượng), lồng trong khung thực tại bi đát, trần truồng, tối om, đôi khi đến… dơ nhớp… và dưới một thứ ánh sáng "siêu hình": tác giả dùng ống kính "siêu hình" để chiếu vào con người cụ thể và đời sống cụ thể. Họ không làm nhà luân lý – theo kiểu truyền thống – họ không dạy đời…

Còn một số tiểu thuyết gia khác nữa tạo ra một thứ văn chương khách quan phi ngã (littérature impersonnelle) tác giả không có mặt trong sách, tác giả kể… như những máy chụp hình ghi ngoại cảnh vào ống kính, ghi màu sắc, âm thanh… ghi cả những thực thể trừu tượng và siêu hình trong trí người, trong lòng người, trong tác động của nhân sinh. Văn học tiểu thuyết thứ hai này – sau khi thế kỷ mười chín chấm dứt ở Pháp với chủ nghĩa tả chân và duy nhiên – trưởng thành ở Mỹ và một ngày một rộng… Kết quả của một quá trình biến chất mơ hồ là kỹ thuật của những nhà tiểu thuyết Mỹ là một thứ kỹ thuật mà người ta gọi là tâm lý khách quan (psychologie objective) đượm một hương vị độc thoại về tình cảm (monologue interieur). Kỹ thuật này là một sản phẩm gián tiếp của chủ nghĩa duy nhiên (naturalisme), bắt đầu từ hậu bán thế kỷ XIX bên Pháp với Emile Zola, phát triển ở Mỹ vào tiền bán thế kỷ XX, và thấp thoáng ở Tàu với Lỗ Tấn, Lao Xá, Tào Ngu, màu sắc và "kiến trúc" có khác nhưng nguyên lý văn nghệ không xa bao nhiêu… Tác giả không có mặt trong tác phẩm và người đọc truyện như ngắm tranh ấn tượng và dã thú… Những ý tưởng sẽ tự nhiên phát hiện từ sự kiện trong chuyện. Tác giả trọng sự tự do của độc giả: người đọc cứ việc đọc… như khán giả cứ việc nhìn màn ảnh… có khác là ở trên màn ảnh thì các "cảnh" cứ việc tiếp nhau theo một tốc độ bắt thị giác làm việc nhiều hơn lý trí. Còn coi sách thì người đọc sách có thì giờ sống với sự kiện, và từ sự kiện, ý tưởng hiện ra trong thông minh của con người: trong sách không có nhà truyền giáo, nhà chính trị… làm "văn chương", nói "văn chương" mù mịt… dạy người như những nhà luân lý hay những triết gia thử thách sự kiên tâm của con người. Từ sự kiện, nó nói lấy. Từ sự kiện, "triết lý" tiềm tàng phát sinh rồi hiện ra trong trí người đọc: người có tự do, muốn nghĩ sao về việc xảy ra thì nghĩ… không bắt buộc phải đeo cùng một thứ kính với kính tác giả… không bắt buộc phải theo, phải đồng ý, phải sùng bái chẳng hạn…

Mà cũng phải, nếu phải theo, phải đồng ý, tôi cho là con người "nghèo" đi! Con người chẳng phải chỉ "nghèo" đi vì tôn giáo như Ludwig Feuerbach đã nói (L’homme s’appauvrit en enrichissant Dieu) mà còn nghèo đi vì tất cả mọi thần tượng lớn nhỏ, xa gần, cao thấp, cụ thể hay trừu tượng… dù thần tượng đó hiện ra dưới hình thức một bức tượng để trong giáo đường, dưới hình thức một hệ thống ý tưởng, hay dưới hình thức một ý tưởng trong thư viện… Xin thú thực là tôi thích đọc tiểu thuyết Mỹ hơn tiểu thuyết Pháp là vì vậy. Người ta có thể đọc Pour qui sonne le glas của Hemingway hai lần, nhưng đọc Jules Romain chưa tới nửa sách đã thấy nản. Thế thì cái chuyện La condition hummaine hay L’espoir của Malraux, Drôle de jeu của Roger Vailland…, in nhiều lần cũng không phải là lạ!

Nếu chúng ta cứ đeo mớ kính luân lý và đạo đức mà phê bình tiểu thuyết Mỹ thì chỉ có một cách là đóng cửa văn hóa lại! Xin thú thật là tôi đã đọc một truyện ngắn của Hemingway nhan đề Le Révolutionnaire (Nhà cách mạng) dài vỏn vẹn có một trang sách không hơn không kém, mà tôi đã suy nghĩ rất nhiều… Một chuyện vặt, rất vặt, không đầu không đuôi, vậy mà những chi tiết trong chuyện nói rất nhiều – xin nói lại: nói rất nhiều… Tôi cứ tưởng đọc mấy trang Nho giáo của Trần Trọng Kim hay một bài đại luận của Lương Khải Siêu dịch ra tiếng Việt, cũng đã suy nghĩ về nhân sinh, về cách mạng, về con người… chẳng hạn dài như tôi đã suy nghĩ trong khi đọc một truyện rất ngắn của Hemingway vậy…

Mặc Đỗ có chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết Âu Mỹ – nhất là Mỹ – để tự tạo cho mình một kỹ thuật không? Tôi tin rằng có một phần nào. Người viết Siu cô nương có lẽ đã ý thức được việc ấy nên cũng ngại, ngại rằng có người sẽ đeo những thứ kính… chính trị, kính… lý tưởng, kính… luân lý màu sắc khác chẳng hạn để nhìn sách mình, anh đã để một đề từ (épigraphe) trên phần cuối cùng Siu cô nương.

Tác giả đã thành công trong kỹ thuật dựng một cuốn tiểu thuyết; nhưng anh cũng sợ, nếu người ta muốn nghiêm khắc, người ta sẽ cố tìm sâu trong lá… Hoàn cảnh lịch sử về văn hóa Việt Nam là một hoàn cảnh đầy những luận cứ để cho mỗi một công trình văn hóa gì, dù hoàn hảo, cũng mang một vài khuyết điểm là ít…!

Bây giờ có bạn sẽ hỏi về vấn đề nội dung của Siu cô nương. Tôi xin nói: khen hay chê Siu cô nương là tùy ở chủ quan của mỗi người. Ở đời ai cũng có đeo một thứ kính vũ trụ và nhân sinh riêng để nhìn đời sống và sự nghiệp lớn nhỏ của nhân sinh.

Nói cho đúng, vấn đề nội dung này rắc rối lắm! Lôi vũ của Tào Ngu một sớm bỗng lên thảm xanh, La Tempête của Ehrenbourg ngày xưa cả Hội Văn nghệ Liên Xô cho là phản tả chân xã hội và nếu không có Staline thì đã vào sọt rác… thì những người đương thời (như các bạn văn nghệ và tôi) của những cuốn sách đương thời ăn nói làm sao cho ổn, cho hợp với không gian và thời gian – nhất là thời gian?

Ai muốn phê bình nội dung Siu cô nương làm sao thì phê bình… Tôi tuy không cùng tư tưởng với các bạn nhóm Quan Điểm nhưng cũng không đề cập. Tôi hẵng đeo kính thuần văn nghệ để đọc sách Siu cô nương của Mặc Đỗ, để đọc truyện ngắn Ba con cáo của Bình Nguyên Lộc, để ngắm tranh ấn tượng hình dung những người "một sáng bụng thấy đói, trăm năm thân phải liều" méo mó, gầy ốm, tởm… của một vài họa sĩ ấn tượng chẳng hạn…

Nhưng đã nói chuyện nội dung thì cũng xin nói nốt một chi tiết. Trên phương diện kỹ thuật tiểu thuyết (technique romanesque), Mặc Đỗ đã thành công. Nhưng về nội dung, tôi có một điều trách tác giả.

Ấy là tác giả thiên về nhân vật và động tác, quên đi một ít màu sắc của bối cảnh. Cái quãng thời gian chung quanh ngày Hiệp ước Genève năm 1954 trên đất Hà Nội là những ngày rất phong phú, đầy ăm ắp… Khí hậu dày như sương mù; không khí náo nhiệt và bề bộn, toàn diện căng thẳng những hỉ nộ ái ố… Không khí đổ vỡ tràn khắp nơi, chan hòa khắp chốn. Nhân sinh mất thăng bằng, nếp sống gãy đổ, các giá trị nghiêng lệch… Bối cảnh chung đó, tưởng họa sĩ nên vẽ bằng những nét phũ phàng của phái ấn tượng hay dã thú, phải rậm, dày, sâu – nhất là bối cảnh ấy lại quy định tác động của con người – của Mộ, Thái, Lũy… Mặc Đỗ một phần nào, đã quên điều ấy nên khí hậu tinh thần trong tác phẩm hình như hơi thiếu… Sartre có nói một cuốn tiểu thuyết là một cái gương và đọc tiểu thuyết là nhảy vào trong gương… Vụt một cái, người ta có ấn tượng là ở bên kia cái gương… giữa những người, những vật quen quen (người đây là nhân vật; vật đây nói chung là bối cảnh). Người ta "nhảy" vào Siu cô nương là để tìm một số người quen quen: Thái, Mộ, Lũy… kể cả người chết và gái điếm, coi có thể tìm một chút đồng hóa (identification) nào chăng, và là để sống giữa một bối cảnh vừa quen vừa lạ… Quen ở chỗ Hà Nội là nơi "nghìn năm văn vật đất Thăng Long", ai cũng đã ít nhiều thở những thứ không khí. Lạ ở chỗ đương xảy ra một chuyện lớn trong lịch sử: cảnh có lạ, người có lạ, màu sắc đương biến, ngấn "phong vũ biểu" đương xuống lên và xuống lên một nhịp loạn… Ở trường hợp thứ hai, Mặc Đỗ đã quên đi một ít nét, thiếu đi một vài mẩu: người nhảy vào "gương" thấy thông minh của mình hơi ngạc nhiên và óc tò mò của mình phải làm việc nhiều hơn một chút… Có lẽ Mặc Đỗ sẽ trả lời tôi rằng chính tác động và ngôn ngữ nhân vật – theo kỹ thuật sáng tác của tiểu thuyết gia Mỹ phỏng của điện ảnh – tạo ra và gợi ra bối cảnh?

1959
Tam Ích
(trong tập Ý Văn 1)
Nguồn vietmessenger