Sân khấu là loại hình kỳ diệu, một loại hình duy nhứt của nghệ thuật mà con Người là phương tiện thể hiện sáng tạo, do đó sân khấu không thể không có diễn viên. Nhân vật trong kịch bản được sống lại trên sân khấu qua tài năng của diễn viên; người diễn viên tài năng góp phần nâng cao kỹ thuật sân khấu khiến cho hình thức sân khấu thêm đa dạng, thêm nhiều khả năng thể hiện sự tái tạo cuộc sống và tâm lý của mọi từng lớp nhân vật trong xã hội.
Cuộc sống phong phú bao nhiêu thì sân khấu đa dạng bấy nhiêu. Sân khấu có nhiều hình thức thể hiện như Tuồng, Chèo, Hát Bội, Cải Lương, Hát Bài Chòi, Kịch Nói, Kịch Câm. . . .
Mỗi một loại hình nghệ thuật sân khấu như Tuồng, Chèo, Hát Bội, Cải Lương, Kịch. . . đều có một chiều dài lịch sử phong phú và da dạng, có nhiều đặc trưng nghệ thuật tinh túy khác nhau, cần phải có một sự nghiên cứu sâu sắc, sưu tầm thật nhiều tài liệu và phải trực tiếp được xem các nghệ sĩ tài danh ca diễn những danh phẩm liên quan tới loại hình nghệ thuật đó thì mới có thể hiểu đươc.
Người viết xin mời quí độc giả cùng đi du ngoạn trên những chặng đường 80 năm của nghệ thuật sân khấu cải lương.
80 năm, những chặng đường của nghệ thuật Sân Khấu Cải Lương...
Như đã trình bày ở trên, nghệ thuật sân khấu là một nghệ thuật tổng hợp nhiều ngành nghệ thuật khác nhau nhưng diễn viên mới là chủ thể sáng tạo của nghệ thuật sân khấu. Do đó những ngành nghệ thuật khác như hội họa, dàn cảnh, trang trí, ánh sáng ... đều có phận sự hổ trợ cho nghệ thuật biểu diễn của diễn viên, nếu không thì tự thân của các ngành nghệ thuật đó sẽ không có ý nghĩa gì trong cái không gian của sân khấu.
Theo dõi những chặng đường của nghệ thuật sân khấu cải lương là theo dõi sự phát triển của nghệ thuật ca và diễn của người diễn viên thông qua các soạn phẩm tuồng cải lương và công việc dàn dựng của đạo diễn.
Ðặc trưng của nghệ thuật sân khấu cải lương là ca cổ nhạc và diễn xuất. Nếu diễn một vở tuồng cải lương mà không có ca những bài bản cổ nhạc thì đó là một vở kịch nói chớ không phải cải lương. Ngược lại, nếu chỉ có ca những bài ca cổ nhạc mà không có diễn xuất thì người ta sẽ hiểu đó là đờn ca tài tử chớ không phải là hát cải lương.
Ðờn Ca Tài Tử: Buổi Sơ Khai của Nghệ Thuật Sân Khấu Cải Lương
Tưởng cũng cần nhắc qua những ngày mới chào đời của nghệ thuật sân khấu cải lương.
Hồi năm 1967, Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế, trụ sở số 133 đường Cô Bắc, Saigon có tổ chức hội thảo về đề tài: “Kỷ niệm 50 năm sân khấu cải lương“. Tham dự buổi hội thảo có các ông: nhà học giả kiêm khảo cổ Vương Hồng Sển, cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, ông Thanh Trung Trần Văn Khải, nhà nghiên cứu hát bội Ðỗ Văn Rỡ, các ký giả kịch trường như các ông Trần Tấn Quốc (sáng lập viên Giải thưởng Thanh Tâm, tặng huy chương vàng cho những diễn viên nam, nữ ca, diễn hay nhứt trong năm), ký giả Hồi Ngọc, Nguyễn Ang Ca, Tô Yến Châu, Phùng Mậu, Lê Hiền, Phong Vân, Ngọc Linh, Hồng Sơn, các soạn giả cải lương của các đoàn hát đang diễn ở Saigon, Chợ Lớn, Gia Ðịnh, và các nghệ sĩ tài danh Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Duy Lân, Ba Thâu, Năm Thiên, Hai Nữ, Kim Cúc, Kim Chưởng, Minh Tơ, Thành Tôn, Chín Viễn, Tám Vân, Thành Ðươc, Hữu Phước, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Hồng Giang, Thanh Nga, Bích Sơn, Ngọc Hương, Kim Giác, Kim Hồng, Như Mai... Ban thơ ký đoàn là Thu An, Nguyễn Phương, Ngọc Linh, Kiên Giang, Ngọc Văn.
Soạn giả Duy Lân, kiêm giáo sư kịch nghệ trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon, viết và trình bày bản tham luận về “Lịch Sử 50 năm của sân khấu cải lương (1917 - 1967)“. Bản tham luận đó đươc toàn thể cử tọa buổi Hội Thảo tán thành. Theo Duy Lân, sân khấu cải lương đã đươc hình thành như sau:
- Năm 1910, ở Mỹ Tho có Ban đờn ca tài tử của ông Nguyễn Tống Triều hay Tư Triều (đờn kìm), Chín Quắn (đờn độc huyền), Mười Lý (thổi tiêu), Bảy Võ (đờn cò), cô Hai Nhiễu (đờn tranh), và cô Ba Ðắc ca. Bài ca đươc hoan nghinh nhứt là bản Tứ Ðại ốn “Bùi Kiệm - Nguyệt Nga“ .
- Năm 1911, ông Trần Chánh Chiếu, chủ của Minh Tân Khách Sạn ở ngang ga xe lửa Mỹ Tho, mời Ban Tài Tử Tư Triều đến đờn ca ở Minh Tân Khách Sạn nên thu hút đươc đông đảo khách hàng.
- Chủ rạp chiếu bóng Casino ở sau chợ Mỹ Tho thấy vậy mới mời Ban đờn ca tài tử nầy trình diễn mỗi tối Thứ Tư và Thứ Bảy trước khi chiếu phim.
- Nhà hàng Cữu Long Giang, sau chợ Saigon, đường Espagne (sau gọi là đường Lê Thánh Tôn) cũng mời Ban đờn ca tài tử Tư Triều đờn ca. Lúc nầy cô Ba Ðắc ca bài Tứ đại oán Bùi Kiệm - Nguyệt Nga có ra bộ nên khán giả càng ưa thích. Từ đó sanh ra một lối ca tài tử đươc gọi là Ca Ra Bộ.
- Năm 1916, thầy André Lê Văn Thận, Cò tàu ở Sadec thành lập gánh xiếc có phụ diễn vài màn Ca Ra Bộ. Ông André Thận mời ông Mạnh Tư Trương Duy Toản làm soạn giả viết tuồng cho gánh hát của ông. Tuồng hát thời kỳ nầy chỉ là những bài Ca Ra Bộ được kết nối nhau theo lối kể chuyện. Bài thứ nhứt: Bài Tứ đại oán, Bùi Kiệm thi rớt trở về. Bài thứ 2, Bình Bán Vắn: Bùi Kiệm và Bùi ông cãi nhau về việc thi không đậu. Bài thứ 3 trở lại bài Tứ đại oán lớp Xang Dài: Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga.
- Năm 1917, ông Pierre Châu Văn Tú, chủ rạp hát Thầy Năm Tú sang lại gánh hát của ông André Thận, lập thành gánh hát Thầy Năm Tú, có tranh cảnh, y trang, dàn nhạc cổ và nhạc Tây. Soạn giả Mạnh Tư Trương Duy Toản đươc mời về viết tuồng cho gánh hát Thầy Năm Tú. Các vở tuồng nổi tiếng lúc ấy là Hạnh Nguyên Cống Hồ, Trang Tử Cổ Bồn Ca. Gánh hát Thầy Năm Tú diễn thường trực tại rạp hát Thầy Năm Tú ở sau chợ Mỹ Tho, Thứ Bảy lên hát ở rạp Eden Saigon. Về sau, Thứ Bảy và Chúa Nhựt hát tại rạp Moderne (tức là rạp Long Phụng ở đường Gia Long sau nầy.)
- Nhóm tài tử miền Tây ở Bạc Liêu có ông Bầu hát bội Bầu An tục gọi là Phó Tổng An, cha của nhạc sĩ Lê Tài Khị mà sau nầy giới nghệ sĩ sân khấu cải lương tôn vinh là Hậu Tổ của Cải Lương. Con của ông Khị là nhạc sĩ Lê Văn Chột (tự Ba Chột) và con rể của ông Khị là nhạc sĩ Trịnh Thiên Tư, là hai nhạc sĩ có công lớn trong việc ghi chép lại các bài bản cổ nhạc giúp cho việc truyền dạy cổ nhạc dễ dàng và có nề nếp quy củ hơn. Ông Trịnh Thiên Tư lại sáng tác các bài ca cổ nhạc để diễn giải lịch sử Việt Nam từ đời Hồng Bàng đến lịch sử cận đại.
- Môn đệ của nhạc sư Lê Tài Khị có ông Cao Văn Lầu, cha đẻ của bài Dạ Cổ Hồi Lang, sau nầy là bản vọng cổ và có ông Trần Văn Trung (tức soạn giả Mộng Vân), cha đẻ của các loại tuồng kiếm hiệp, La Mã. Ông Mộng Vân đã sáng tác các bài bản ngắn rất đươc phổ biến trong sân khấu cải lương như: Sương Chiều, Tú Anh, Phong Ba Ðình, Phong Nguyệt, Thủ Phong Nguyệt, Tô Võ, Giang Tô Ðiểu Ngữ, Qúy Phi Túy Tửu. . .
- Nhóm đờn ca tài tử miền Ðông đứng đầu là nhạc sư Ba Ðôi (Nguyễn Quang Ðại) có các môn đệ như nhạc sĩ Giáo Thinh, Tư Nghị, Cao Huỳnh Cư, Cao Hoài Sang và những môn đệ như Chín Kỳ, Hai Phát, Tư Huyện, Hai Biểu, Sáu Quý, Bảy Hàm, Hai Khuê, Năm Hưng...
Như đã kể trên, từ Ca Ra Bộ tới Hát Cải Lương, lối hát mới chỉ cần một khoảng thời gian bảy năm để tự khẳng định cho mình một phong cách ca diễn mới. Các nhạc sĩ, các ca sĩ trong phong trào đờn ca tài tử ở các địa phương đều tự rèn luyện mình để trở thành những nhạc sĩ, diễn viên tiền phong của ngành nghệ thuật sân khấu cải lương.
Ca Ra Bộ thì chủ yếu là ca, người ca sĩ phải có giọng tốt, lối ca hay, chỉ cần ca thật hay để diễn đạt tình cảm của bài ca, còn điệu bộ thì chỉ là những cử chỉ minh họa theo lời ca.
Hát cải lương thì bài ca là bài hát mang tính sân khấu biểu diễn. Trong hát cải lương, ca và diễn quan trọng như nhau, có trường hợp phải múa, phải có những động tác hình thể để diễn đạt tâm trạng nhân vật mà không cần lời nói, có khi lời nói đối thoại bình thường mà hiệu quả cao hơn ca.
Từ Ca Ra Bộ tới Hát Cải Lương, nghệ thuật sân khấu cải lương đã chịu nhiều ảnh hưởng của Hát Bội và các loại hình nghệ thuật sân khấu khác như Hí Khúc Trung Quốc, Kịch của nước Pháp, của nước Anh. Hát cải lương, nghệ sĩ nào ca hay thì đươc gọi là kép ca, đào ca hay kép mùi, đào mùi. Những người không có giọng tốt nhưng diễn hay thì gọi là kép diễn, đào diễn, còn được gọi theo tính chất của nhân vật mà họ tự diễn như kép độc, đào độc, kép lẳng, hề, lão, mụ...
Từ bước đầu hình thành, sân khấu cải lương đã chia thành hai dòng sân khấu lớn: Cải lương tuồng Tàu và cải lương tuồng Tây mà người dân mê xem hát gọi là cải lương tuồng cổ và cải lương tuồng xã hội.
Vai trò của người soạn giả kiêm đạo diễn (hồi xưa gọi là thầy tuồng) có ảnh hưởng quan trọng trong việc định hình cho loại hình nghệ thuật sân khấu theo dòng tuồng Tàu hay tuồng Tây thông qua soạn phẩm sân khấu của mình.
1 - Dòng sân khấu cải lương tuồng Tàu
Năm 1917, ông Mạnh Tư Trương Duy Toản là soạn giả, viết tuồng và dạy ca, dạy hát cho diễn viên của gánh hát Thầy Năm Tú. Ông Trương Duy Toản giỏi về Nho học nên các vở tuồng đầu tiên của ông viết là những tuồng viết theo tích của truyện Tàu như Hạnh Nguyên Cống Hồ, Trang Tử Cổ Bồn Ca, Trang Châu Mộng Hồ Ðiệp...
Năm 1920, ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, nguyên là thơ ký của hãng rượu Phước Hiệp do ông Vương Thiệu làm chủ. Ông Vương Thiệu trước kia là một nghệ sĩ đoàn hát Tiều, giải nghệ để kinh doanh nghề nấu rượu nên trong những cuộc tiệc liên hoan trong nội bộ của hãng rượu Phước Hiệp, ông Vương Thiệu rước gánh hát Tiều (những bạn đồng nghiệp cũ của ông) về hát cho công nhân xem. Ông Nguyễn Trọng Quyền làm quen với các nghệ sĩ của đoàn hát Tiều, học đờn cò và học hát Tiều vì ông giỏi chữ Nho và biết nói rành tiếng Tiều, tiếng Quảng. Khi thấy gánh hát của Thầy Năm Tú, gánh Nam Ðồng Ban của ông Hai Cu (Mỹ Tho) thu hút đông đảo khán giả, việc kinh doanh đoàn hát mang lại nhiều lợi nhuận nên ông Vương Có (con của ông Vương Thiệu) lập ra gánh hát Tập Ích Ban và mời ông Nguyễn Trọng Quyền làm thầy tuồng.
Ông Nguyễn Trọng Quyền, bút hiệu Mộc Quán đã sáng tác cho gánh hát Tập Ích Ban những vở tuồng cải lương Châu Trần Kết Nghĩa, Tây Sương Ký, Thố Nhận Oan Ương và nhuận sắc tuồng Bội Phu Quả Báo của ông Phạm Công Bình. Từ năm 1923 đến năm 1953, ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền làm soạn giả cho các gánh hát Huỳnh Kỳ của ông Bầu Phước Georges, gánh hát Tái Ðồng Ban của ông Hai Cu, gánh hát Hữu Thành của ông Bầu Nguyễn Bá Phương ở Thốt Nốt, gánh hát Phụng Hảo 3 của ông Bầu Nguyễn Bửu, gánh hát Kỳ Quan của ông Bầu Năm Hý, gánh hát Thái Bình của ông Bầu Tư Thới, và gánh hát Phụng Hảo 4 của ông Bầu Châu Văn Sáu.
Ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền làm soạn giả trong 50 năm, sáng tác đươc 85 vở tuồng cải lương và 3 truyện thơ, đa số các tuồng đó đươc nhà in Phạm Văn Thìn xuất bản và đươc nhiều đoàn hát sử dụng như tuồng Phụng Nghi Ðình, Mạnh Lệ Quân thốt hài, San Hậu (viết theo tuồng hát bội San Hậu), Tây Sương Ký, Tái Sanh Duyên, Vạn Huê Lầu.
Là thầy tuồng khi nghệ thuật cải lương mới đươc khai sanh, ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền là người thầy trực tiếp chỉ dạy ca, hát cho các nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Vân, Từ Anh, Bảy Nhiêu, Tư Út, Sáu Trâm, Ngọc Hải, Sáu Ngọc Sương, Tường Vi, Tư Thới, Thanh Tao. . . Các nghệ sĩ Năm Châu, Bảy Nhiêu, Năm Phỉ mỗi khi nhắc đến ông Nguyễn Trọng Quyền đều hết lòng cung kính, gọi là một bậc minh sư. Cô Phùng Há, Sáu Trâm và Ngọc Hải là học trò và là dưỡng nữ của ông Nguyễn Trọng Quyền. Giới nghệ sĩ sân khấu cải lương tiền phong và các nghệ sĩ tài danh của những thập niên 1950, 1960, 1970 đều tôn vinh ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền là Hậu Tổ của cải lương.
Ông Nguyễn Trọng Quyền, bút danh Mộc Quán, sanh năm 1876, tại làng Thạnh Hòa, xã Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên, con của ông Nguyễn Văn Tường và bà Trương Thị Thạnh. Ông Nguyễn Trọng Quyền bị đứt mạch máu não, trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Châu Ðốc, ngày 21 tháng 9 năm 1953 (Quý Tỵ).
Ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền là người khai sanh ra dòng nghệ thuật sân khấu tuồng Tàu. Ông đã viết lời Việt và sửa cách phát âm theo lối Việt một số bản nhạc của sân khấu hát Tiều, hát Quảng để dùng trong các tuồng Tàu do ông sáng tác. Các bài bản đó đến nay trở thành cổ nhạc Việt Nam tuy vẫn còn giữ cái tên của nhạc Tiều hay nhạc Quảng cũ như Ú Liu Ú Xáng, Xang Xừ Líu, Xáng Xáng Lìu, Khốc Hồng Thiên, Xách Xủi, Tân Xái Phí, Bạc Cấm Lùng, Dì Phảnh, Mành Bản...
Ông đã sử dụng lối ước lệ và tượng trưng của Hát Bội, rút kinh nghiệm của loại Hát Tiều và lối hát của Hý Khúc Trung Quốc (thời Nguyên) để biến chế thành một lối hát tuồng Tàu cho các nghệ sĩ Việt Nam, (Phùng Há, Năm Phỉ, Năm Châu, Bảy Nhiêu, Tư Thới. . .)
Ðặc trưng của lối hát tuồng Tàu (phỏng theo lối hát Hý Khúc Trung Quốc) như sau:
Trong nghệ thuật biểu diễn tuồng Tàu, yếu tố âm nhạc, đặc biệt là các bài ca chiếm địa vị chính yếu. Vì vậy những lời thoại đối đáp giữa các nhân vật không thể tự nhiên như ngôn ngữ ở ngoài đời thường mà phải ngâm nga, nhấn nhá theo tiết tấu và âm điệu nhạc. Người ta gọi ngôn ngữ tuồng kết hợp với âm nhạc như vậy là ngôn ngữ đã đươc âm nhạc hóa.
Về động tác hình thể thì cũng không phải diễn như ở cuộc sống bình thường mà là phải đươc nâng lên thành múa, thành vũ đạo. Người trong nghề gọi là các động tác được cường điệu, đươc vũ đạo hóa. Ví dụ từ việc dâng trà, cách phất tay áo, tay vuốt râu, mỗi bước đi...nói chung để biểu lộ cảm xúc của nhân vật thì động tác hình thể phải được cách điệu hóa, đươc nâng lên thành vũ đạo kết hợp nhuần nhuyễn với cách ca ngâm và hát thay cho những lời đối thoại bình thường.
Trong nghệ thuật hát tuồng Tàu (theo loại hát của Hý Khúc Trung Quốc), một điểm quan trọng không thể thiếu là khi động tác hình thể được "vũ điệu hóa" và lời thoại được "âm nhạc hóa" thì tiết tấu của ca và diễn phải được "cường điệu hóa". Tiếng trống, thanh la và tiếng mỏ đệm theo động tác diễn xuất của diễn viên làm tăng thêm biểu cảm tâm lý của nhân vật mà họ thụ diễn, làm tăng thêm kịch tính của lớp diễn đó, đến độ diễn viên chớp mắt, đảo tròng con ngươi, ngón tay run rẩy đều theo nhịp trống điểm. Vì vậy, tiết tấu có một vai trò đặc biệt trong việc biểu diễn hý khúc, trong việc hát tuồng Tàu, tiết tấu kết hợp chặt chẻ với động tác hát, nói lối, diễn, đánh võ, múa bộ, đồng thời tiết tấu là một thủ pháp thiết yếu dùng để làm tăng thêm kịch tính.
Các gánh hát Tập Ích Ban, Huỳnh Kỳ, Văn Hí Ban, Văn Võ Hí Ban, Tiến Hóa, Phụng Hảo, Tam Phụng, Nam Phi, Thái Bình, Nam Phong. . . đều hát tuồng Tàu và theo phong cách biểu diễn như đã kể (1920 - 1950).
Về sau, các đoàn hát Thanh Bình - Kim Mai, Minh Tô, Huỳnh Long, Khánh Hồng... hát những vở tuồng của ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, tuy có cải sửa đôi chút hoặc giản lược những bài bản của Tàu nhưng cách diễn xuất, điệu bộ và nhạc nền vẫn giữ lối cách điệu hóa như xưa và bỏ việc đánh trống chiến, bỏ gỏ thanh la.
2 - Dòng sân khấu cải lương tuồng Tây.
Dòng sân khấu tuồng Tây song hành với dòng sân khấu tuồng Tàu để tạo nên những sắc thái đa dạng cho ngành nghệ thuật sân khấu cải lương non trẻ.
Năm 1917, Ông Pierre Châu Văn Tú, du học bên Pháp trở về nước, đem áp dụng những điều sở đắc của ông về nghệ thuật sân khấu Pháp trong việc xây dựng một rạp hát (rạp hát Thầy Năm Tú ở sau chợï Mỹ Tho), lập một đoàn hát cải lương với bảng hiệu là gánh hát Thầy Năm Tú và một xưởng chế tạo máy hát dĩa với nhản hiệu “La voix du maitre“.
Thầy Năm Tú đã nâng hình thức Ca Ra Bộ thành hình thức hát cải lương, có tuồng tích do soạn giả Mạnh Tư Trương Duy Toản sáng tác. Ðêm diễn cải lương của gánh hát thầy Năm Tú có phông, màn, tranh cảnh trang trí, có dàn đèn, có dàn đờn cổ nhạc đờn cho diễn viên ca và khi màn hát buông xuống, có dàn đờn tân nhạc đờn giúp vui cho khán giả trong khi chờ dọn cảnh màn sau. Tuy nhiên không phải ông Châu Văn Tú là người khơi nguồn cho dòng sân khấu cải lương tuồng Tây mà chính là nghệ sĩ Năm Châu, kép hát của gánh Thầy Năm Tú, mới là người có công lớn trong việc mở một lối đi cho sân khấu, khác với các vở tuồng Tàu đang rất thịnh hành trong thời điểm nầy.
Nghệ sĩ Năm Châu, tức Nguyễn Thành Châu, sanh ngày 09 tháng 01 năm 1906, tại tổng Thuận Trị, làng Ðiều Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Cha của anh là công chức Tòa Bố tỉnh Mỹ Tho, vì làm mích lòng ông Tỉnh Trưởng người Pháp, bị thuyên chuyển ra làm việc ở đảo Phú Quốc. Anh Năm Châu học năm thứ hai trường Collège de Mỹtho (Ban Trung Học), khi bãi trường, anh ra Phú Quốc thăm cha. Vì bão tố, tàu bè không trở về đất liền kịp ngày tựu trường, anh bị trễ nên bị cúp học bổng và bị đuổi. Gia đình định cho anh học tiếp ở trường Taberd, nhưng anh quyết định tự lập, theo nghiệp cầm ca, anh gia nhập gánh hát Thầy Năm Tú năm 1922.
Năm 1923, nghệ sĩ Năm Châu gia nhập gánh hát Trần Ðắc, anh sáng tác vở tuồng cải lương đầu tiên là Nghĩa Bộc Thủ Phần, vở tuồng kế là Tiễn Biệt Phu.
Năm 1924, anh sáng tác các vở: Tái Sanh Duyên, Mổ Tim Tỷ Can, Thôi Tử Thí Tề Quân, Võ Tòng Sát Tẩu, Anh Hùng Náo Tam Môn Nhai. Những vở nầy trước đây soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền sáng tác cho gánh hát Tập Ích Ban. Khi mới vào nghề sáng tác, nghệ sĩ Năm Châu vẫn phải dựa theo cốt truyện Tàu và mô phỏng theo một số tác phẩm của bậc tiền bối Nguyễn Trọng Quyền, nhưng dưới ngòi bút của nghệ sĩ Năm Châu, cũng là những truyện như Anh Hùng Náo Tam Môn Nhai, Võ Tòng sát tẩu. . . lời văn bớt những chữ nho, bớt điển tích của Tàu và bài ca nặng về những bài bản cổ nhạc Việt Nam. Vì vậy cùng là một tựa tuồng, cốt chuyện giống nhau nhưng cách diễn những vở tuồng của nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu sáng tác đã lượt bỏ khá nhiều lối ca, lối diễn theo phong cách tuồng Tàu.
Năm 1926, nghệ sĩ Năm Châu gia nhập gánh hát Tái Ðồng Ban của ông Bầu Hai Cu (cha của kép Hai Giỏi, người chồng quá cố của cô Năm Phỉ). Năm Châu sáng tác vở Mộc Quế Anh dâng cây.
Thành phần đào kép của gánh hát Tái Ðồng Ban gồm nhiều nghệ sĩ tài danh như bên đào có: Phùng Há, Ba Liên, Ba Nhàn, Ba Ðiều, Tư Nhỏ, Sáu Trâm, Sáu Tò; bên kép có: Năm Châu, Tám Mẹo, Ba Du, Tư Út, Hai Ngỡi, Hai Bông, Bảy Nhiêu, Tư Thới, Tư Chơi. Gánh Tái Ðồng Ban mời ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền làm thầy tuồng vì vậy các vở tuồng ăn khách cũ của ông ở gánh Tập Ích Ban được dựng lại như tuồng Giọt Máu Chung Tình (tức Võ Ðông Sơ - Bạch Thu Hà), Phụng Nghi Ðình, Hoa Mộc Lan. . .
Minh sư xuất cao đồ, ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền chẳng những đào luyện nghệ thuật ca hát, diễn xuất cho các nghệ sĩ Năm Châu, Bảy Nhiêu... mà còn dạy cho các nghệ sĩ nầy kỷ thuật sáng tác tuồng cải lương. Năm Châu và nhóm nghệ sĩ trong gánh hát Tái Ðồng Ban như Tư Chơi, Tư Trang, Năm Nở, Duy Lân, Bảy Nhiêu sáng tác được nhiều tuồng cải lương. Một số tuồng của các soạn giả vừa kể thiên về tuồng xã hội Việt Nam, dựa theo cốt truyện của các tiểu thuyết của ông Hồ Biểu Chánh (Ngọn Cỏ Gió Ðùa, Tội Của Ai, Kiếp Nghèo Phận Bạc, Những trẻ lạc loài..). hoặc tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn (Hồn Bướm Mơ Tiên, Ðoạn Tuyệt, Hoa Rơi Cửa Phật, Gánh Hàng Hoa, Nửa Chừng Xuân, Một Tối Tân Hôn...)
Ðến cuối thập niên 1930, nghệ sĩ Tư Chơi có những sáng tác mới, không dựa theo các tiểu thuyết của Tây hay của Việt như các vở tuồng Khúc Oan Vô Lượng, Gánh cải Trạng Nguyên, Lỡ Tay Trót Ðã Nhúng Chàm, và nghệ sĩ Tư Chơi là người nghệ sĩ đầu tiên sử dụng nhạc Pháp lời Việt trong các vở tuồng Hoạt Kê Hài Hước của anh. Các vở Hoạt Kê Hài Hước (opérette) viết theo luật Tam Duy Nhất của nền kịch cổ điển Pháp (Hành động duy nhất, Thời gian duy nhất, Địa diểm duy nhất) và các bài ca thịnh hành của Pháp như J’ai deux amours, C’est à Capri, Tant qu’il y aura des étoiles, Marinella, Tango Chinois,... được viết lời Việt dùng trong các vở Hoạt Kê Hài Hước đó.
Từ những năm 1929 đến năm 1936, nghệ sĩ Năm Châu chuyển hướng sáng tác, anh lấy cốt truyện của tiểu thuyết Pháp hoặc lấy các vở kịch cổ điển của nước Pháp, nước Anh để sáng tác thành tuồng cải lương. Năm 1929, nghệ sĩ Năm Châu sáng tác vở Bằng Hữu Binh Nhung (phóng tác theo Les trois mousquetaires). Những vở phỏng dịch hoặc phóng tác theo tiểu thuyết và kịch cổ điển Anh, Pháp của Năm Châu, Duy Lân có:
Áo người quân tử (L’homme en habit)
Túy Hoa vương nữ (Marie Tudor của Victor Hugo)
Giá trò và danh dự (Le Cid của Corneille)
Bằng hữu binh nhung (Les trois mousquetaires)
Miếng thịt người (Le marchand de Venise)
Gió ngược chiều (Ruy Blas)
Tơ vương đến thác (Trà Hoa Nữ) (La dame aux camélias)
Cánh bườm đen (Tristan et Iseult)
Giai nhân và ác quỷ (La belle et la bête)
Sân khấu cải lương tuồng Tây là tiếng gọi chung những vở tuồng không phải diễn theo phong cách cải lương tuồng Tàu (y phục cổ trang, ca diễn theo trình thức vũ đạo hóa, âm nhạc hóa với tiết tấu cường điệu.). Cải lương tuồng Tây gồm có những vở phóng tác theo kịch Anh, kịch Pháp hoặc tiểu thuyết của Pháp, và những vở tuồng xã hội Việt Nam phóng tác theo các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Phú Ðức, Nhất Linh, Khái Hưng, nhóm Tự Lực Văn Ðoàn...
Phong cách diễn xuất tuồng Tây chú trọng ca và diễn xuất tự nhiên, gần với cuộc sống thật thường ngày theo chủ trương của nghệ sĩ Năm Châu là xây dựng “Một sân khấu Thật và Ðẹp”.
3 - Năm 1930 - 1940, thời kỳ bá chủ của các loại tuồng Tiên, tuồng Phật và tuồng kiếm hiệp La Mã.
Năm 1930, nạn kinh tế khủng hoảng đổ ập xuống Ðông Dương nói chung và miền Nam nói riêng, làm ảnh hưởng tới đời sống của mọi tầng lớp trong xã hội. Lúa gạo xuống giá chỉ còn một cắc hai (0,12) một giạ 40 lít mà dân chúng không có tiền để mua, lấy đâu ra tiền để mua vé coi hát. Những gánh hát đại ban như gánh hát Trần Ðắc, Huỳnh Kỳ, Nghĩa Hiệp Ban, Nam Hưng Ban, Phước Trung Nam, Ðồng Thinh, Phước Tường đều lần lượt bị rã gánh.
Nhiều đạo giáo mới ra đời trong thời gian đất nước lâm vào cơn khủng khoảng nầy (đạo Cao Ðài khai đạo nhằm ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần 1926; Hòa Hảo khai đạo ngày 18 tháng 5 năm 1939...) dân chúng quá khổ sở nên vào chùa, gia nhập đạo giáo để khẩn cầu Trời Phật cứu khổ cứu nạn, giúp cho mưa thuận gió hòa, nông ngư đắc lợi.
Ông Trương Văn Thông, Bầu gánh hát Tân Thinh để tâm đến việc người dân sùng đạo khi gặp cảnh khó khăn, nên chủ trương cho gánh hát Tân Thinh của ông hát những tuồng Tiên, tuồng Phật như: Thích Ca đắc đạo, Ngũ Nương Tiên xuất thế, Bình Linh Hội, Hổn Ngươn trận, Quan Âm Diệu Thiện... Ông bầu Trương Văn Thông lại cho áp dụng nhiều trò xảo thuật như mỗi bước đi của thái tử Sỉ Ðạt Ta là nở một hoa sen, hoạt cảnh trong 10 phút đổi 7 cảnh từ tạo thiên lập địa tới triều đại vua cha của Sỉ Ðạt Ta, nhiều cảnh Phật hóa phép diệt quỷ, trừ ma tới cám dỗ khi Người tu dưới cội bồ đề... Dân đang cầu mong có phép Tiên phép Phật cứu khổ cứu nàn, vô xem hát của gánh Tân Thinh, dân thấy những cảnh hóa phép của Tiên, của Phật nên rất thích.
Gánh hát Tân Thinh vẫn thu hút đông đảo khán giả ngay trong thời kỳ cả nước ta đang lâm vào cơn kinh tế khủng hoảng nhờ vào các tuồng Tiên, tuồng Phật kể trên.
Gánh hát Văn Võ Hí Ban bắt chước gánh Tân Thinh, hát tuồng Tam Tạng thỉnh kinh, Mục Liên Thanh Ðề, Quan Âm Thị Kính, cũng thu hút được nhiều khán giả.
Gánh hát Thỉ Phát Khuê hát tuồng Quan âm Diệu Thiện, Phập nhập Niết Bàn.
Gánh hát Tân Thiếu Niên hát tuồng Phong Thần, Phong Kiếm Xuân Thu, Tôn Tẩn đại chiến Hải Triều, Na Tra lóc thịt, Nam Du Huê Quang, Bắc Du Chôn Võ, Ðông Du Bát Tiên, Tây Du Tam Tạng. . . Các gánh hát triệt để khai thác các trò xảo thuật, thần tiên đấu phép, thăng thiên, độn thổ...
Tuồng Tiên, tuồng Phật lấn áp các loại tuồng Tàu, tuồng tâm lý xã hội nhưng thời gian đó không lâu vì sau cuộc khủng hoảng kinh tế (năm 1934) dân chúng tỏ ra không thiết tha gì đến các tuồng Tiên, Phật đó nữa.
Năm 1934 đến năm 1945, môn phái tuồng Kiếm Hiệp ra đời và bản vọng cổ trở thành bản nhạc vua sân khấu.
Khi miền Nam thoát khỏi nạn khủng hoảng kinh tế, lúa gạo có giá trở lại, mức sống của người dân được nâng cao nên nhu cầu xem hát, giải trí cũng tăng. Lúc đó ở Saigon ngoài hai hãng dĩa hát có từ trước là hãng Pathé, Béka, nay có thêm mấy hãng mới: Asia, Odéon,. Tửu quán Ðức Thành Hưng ở đường d’Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn) là trung tâm thi thố đờn ca cổ nhạc, quy tụ được rất nhiều nam, nữ danh ca của các miền Lục Tỉnh.
Những danh ca vọng cổ trong làng dĩa nhựa được yêu chuộng nhất trong thời điểm nầy có các nữ danh ca: Tư Sạng, Ngọc Nữ, Năm Cần Thơ, Ba Bến Tre, Ba Trà Vinh, Tư Bé, Hai Ðá, Ba Ðược. . .Nam danh ca có: Năm Nghĩa, Tám Thưa, Hồng Châu, Năm Phồi, Ba Giáo, Tám Bằng, Thanh Tao, Tư Xe, Bảy Bửu, Út Trà Ôn, Bảy Cao...
Bản vọng cổ từ nhịp 8, tăng lên thành nhịp 16, rồi 32 nhịp, được kỹ thuật ca luyến láy và những giọng ca thiên phú làm tăng thêm giá trị đến độ bản vọng cổ được coi là một bản nhạc vua của sân khấu cải lương. Những danh ca vọng cổ dù chưa rành kỷ thuật diễn xuất cũng được trao cho vai kép chánh vì thời điểm nầy khán giả thích nghe ca vọng cổ.
Soạn giả Mộng Vân (Nguyễn Văn Trung) là soạn giả từ năm1932 đến năm 1952, người Bạc Liêu, muốn khai thác tối đa những giọng ca vọng cổ của các danh ca Bạc Liêu nên ông lập ra một môn phái mới, đó là môn phái tuồng kiếm hiệp kỳ tình. Tuồng của soạn giả Mộng Vân viết dựa theo các tiểu thuyết kiếm hiệp xuất bản tại Hà Nội mà người ta gọi là loại tiểu thuyết ba xu. Tiểu thuyết kiếm hiệp như Long Hình Quái Khách, Bồng Lai Hiệp Khách, Người Nhạn Trắng, Thiếu Lâm Trường Hận, Hỏa thiêu Hồng Liên Tư, Lục Kiếm Ðồng, Bích Liên Giáo Chủ... của các tác giả Lý Ngọc Hưng, Lâm Tuyền, Thanh Bình, Hải Bằng...Các tuồng kiếm hiệp của Mộng Vân sáng tác cũng giữ nguyên tựa của tiểu thuyết, được cung cấp cho ba đoàn hát lớn, ba đoàn hát nầy theo phong cách diễn xuất của loại tuồng kiếm hiệp mà kỷ thuật dàn dựng và ca diễn được quy định theo một trình thức như sau: “Ðấu poignard, nhảy cửa sổ, ca vọng cổ, phựt đèn màu”. Soạn giả Mộng Vân sáng tác thêm nhiều bài bản nhỏ để hát trước khi vô vọng cổ, làm cho bản vọng cổ thêm hấp dẫn, đa dạng và khiến cho khán giả thích thú đến độ phải vỗ tay khi nghe nghệ sĩ danh ca vô chữ Hò đầu của bài vọng cổ. Các bài bản nhỏ đã làm giàu thêm cho vốn liếng cổ nhạc đó là: Giang Tô, Phong Nguyệt, Thủ Phong Nguyệt, Tô Võ Chăn Dê, Lạc Xuân Hoa, Nhạn Về, Kiều Nương, Sương Chiều, Tú Anh, Uyên Ương Hồ Vũ, Vạn Huê Trường Hận, Chi Hoa Trường Hận...
Ba đoàn hát hát các tuồng kiếm hiệp La Mã đó là gánh Phát Thanh của Bầu Ba Tẹt (tức kép Thiện Tâm), gánh Hậu Tấn - Bảy Cao và gánh Hậu Tấn - Năm Nghĩa. (Các danh ca vọng cổ Năm Nghĩa, Bảy Cao, Ba Khuê, Năm Phồi đều là người quê quán ở Bạc Liêu, đồng quê hương với soạn giả Mộng Vân). Các danh ca đệ tử của soạn giả Mộng Vân đều trở thành các bầu gánh hát nổi danh, tiếp tục con đường sáng tác và biểu diễn các tuồng kiếp hiệp: nghệ sĩ Thiện Tâm (Ba Tẹt, Bầu đoàn Phát Thanh), Bảy Cao (Bầu đoàn Hoa Sen), Năm Nghĩa (Bầu đoàn Thanh Minh), Vân Sinh (Bầu đoàn Hương Hoa), Ba Khuê (Bầu đoàn Hữu Tâm), Thanh Tao (bầu đoàn Thanh Tao), Út Trà Ôn (bầu đoàn Thống Nhứt)...
Cải lương tuồng kiếm hiệp La Mã đã đẩy lui các loại tuồng Tiên, tuồng Phật và làm cho các loại tuồng Tàu, tuồng Tây và tuồng xã hội Việt Nam phải chịu một thời gian điêu đứng.
Nối tiếp con đường sáng tác các tuồng kiếm hiệp của Mộng Vân có hai soạn giả Sáu Phát và Sáu Hải.
Soạn giả Sáu Hải có trình độ Tây học, anh không sáng tác các tuồng theo truyện kiếm hiệp xuất bản ở Việt Nam mà dựa theo những truyện kiếm hiệp Tây Phương để phóng tác (truyện le Capitan, Le pont de soupire của Michel Zévaco, truyện Le compte de Monte Cristo, ...) Tuồng của soạn giả Sáu Hải bao giờ cũng chú trọng văn chương trau chuốc, kỷ thuật tinh tế. Ngày nay nhiều bài ca như các bản Nam Xuân qua Nam Ai, những bản Oán ca độc chiếc của Sáu Hải còn lưu lại là những áng văn chương rất hay, được dùng trong việc dạy ca của các lò cổ nhạc.
4 - Thời Vàng Son của sân khấu cải lương.(1954 - 1975)
Từ năm 1945 đến năm 1954, các đoàn hát cải lương chỉ hát được ở những thành phố lớn vì tình hình an ninh ở các quận, huyện, làng xã không được bảo đảm. Các đoàn hát diễn lại những tuồng Tàu, tuồng kiếm hiệp, tuồng Phật (Quan Âm Thị Kính) và ít hát tuồng xã hội và nhất là ít có tuồng tích sáng tác mới vì trong thời kỳ có chiến tranh Việt Pháp, tình hình kiểm duyệt rất là khó khăn.
Từ Năm 1954 đến năm 1975, có thể nói đây là một thời vàng son của sân khấu cải lương.
Năm 1954, hòa bình được lập lại, dân chúng làm ăn phát đạt, nhu cầu giải trí gia tăng, việc giao thông thuận lợi nên nhiều nghệ sĩ vay tiền để lập gánh hát mới hoặc phát triển thêm những cơ cấu tổ chức của gánh hát cũ. Thời điểm nầy có những gánh hát đại ban như Thanh Minh (Thanh Minh Thanh Nga), Hoa Sen, Việt Kịch Năm Châu, Kim Thanh - Út Trà Ôn, Thủ Ðô Ba Bản, Kim Chung, Dạ Lý Hương, Hữu Tâm, Hương Hoa, Việt Hùng - Minh Chí, Kim Chưởng, Hương Mùa Thu, Trăng Mùa Thu, Trâm Vàng, Ánh Chiêu Dương, Thúy Nga - Phước Trọng, Thủ Ðô Tấn Tài, Út Bạch Lan - Thành Ðược, Thanh Hương - Hùng Minh, ...
Những soạn giả cải lương được khán giả ái mộ có Năm Châu, Tư Trang, Năm Nở, Duy Lân, Mộng Vân, Bảy Cao, Năm Nghóa, Tư Thới, cô Bảy Nam, Trần Văn May, Thiếu Linh, Nguyễn Phương, Lê Khanh, Mộc Linh, Hà Triều Hoa Phượng, Hồng Khâm, Kiên Giang Hà Huy Hà, Viễn Châu, Ngọc Huyền Lan, Ngọc Văn, Hồi Ngọc, Thu An, Vân An, Ngọc Linh, Nhị Kiều, Phương Ngọc, Nguyễn Liêu, Thế Châu, Hồng Kinh, Minh Nguyệt, Yên Ba, Loan Thảo, . . .
Ðoàn Hoa Sen của ông Bầu Bảy Cao theo khuynh hướng tuồng cải lương chiến tranh, được khán giả tặng cho danh hiệu tuồng “cắc bùm”, gồm có các vở Nợ Núi Sông, Mộng Hòa Bình, Ðàn Chim Sắt, Ðêm lạnh trong tù.
Ðoàn Thanh Minh (Thanh Minh Thanh Nga) dẫn đầu loại tuồng dã sử Việt Nam và các tuồng xã hội cận đại: (dã sử) Ðồ Bàn Di Hận, Biên Thùy Nổi Sóng, Hồi Trống Vân Lâu, Nẻo Tắt Hoành Sơn, Áo Gấm Khôi Nguyên, Cầu Gỗ Hồng Mai Thôn, Núi Liễu Sông Bằng, Ðường Lên Xứ Thái, Tình Tráng Sĩ, Ðường Về Núi Lam, Cành đào Thăng Long... Các vở tuồng xã hội có: Tấm lòng của biển, Con gái chị Hằng, Ðêm Vĩnh biệt, Rồi ba mươi năm sau, Tần nương thất, Ðôi mắt người xưa, Bóng chim tăm cá, Bọt biển, Chuyện tình và tiền, Lệnh của Bà, Chuyện tình 17, Hoa đồng cỏ nội, Chuyện xóm mình, Chén trà của quỷ, Tiền rừng bạc biển, Bông hồng cày áo, Vàng sáu bạc mười, ...
Mỗi một đoàn hát tùy theo quan điểm nghệ thuật của người chủ Bầu, chọn cho gánh hát của mình một loại hình nghệ thuật sân khấu thích hợïp. Ví dụ đoàn hát Phụng Hảo của bà Bảy Phùng Há thì thích trình diễn những vở tuồng Tàu; đoàn Kim Chưởng, đoàn Hương Mùa Thu hát những vở tuồng hương xa, kiếm hiệp; đoàn Việt Kịch Năm Châu, đoàn Thanh Minh Thanh Nga, đoàn Dạ Lý Hương thì chuyên diễn tuồng xã hội cận đại; đoàn Minh Tơ, Huỳnh Long chuyên hát tuồng Tàu theo lối cải lương Hồ Quảng...
Các soạn giả sáng tác các vở tuồng tự do theo quan điểm của mình, trình bày nhiều vấn đề xã hội và lý giải theo quan niệm và sở thích riêng. Ðặc biệt là trong giai đoạn sân khấu cải lương phát triển rầm rộ đó, soạn giả, thầy tuồng, họa sĩ và các chuyên viên kỷ thuật sân khấu có nhiều thuận tiện để áp dụng những thành tựu khoa học, văn học và mỹ thuật của xã hội vào trong tác phẩm của mình.
5- Sân khấu cải lương sau năm 1975. . .
Sau năm 1975, tất cả các đoàn hát cải lương cũ bị giải tán hết. Những đoàn mới thành lập là do Ðảng và Sở Văn Hóa Thông Tin dựng lên và quản lý với danh nghĩa là đoàn cải lương tập thể và đoàn hát Quốc Doanh. Các đoàn cải lương tập thể đều do cán bộ của Sở Văn Hóa Thông Tin làm trưởng đoàn. Có các đoàn cải lương Saigon 1, Saigon 2, Saigon 3, đoàn Thanh Nga, đoàn Phước Chung, đoàn Hương Mùa Thu, 2 đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ và Huỳnh Long, hai đoàn kịch nói Kim Cương và Bông Hồng. Một đoàn cải lương Quốc doanh Ðoàn Văn Công.
Năm 1975, rạp hát cải lương có: Hưng Ðạo, Nguyễn Văn Hảo, Quốc Thanh, Thăng Long, Kim Châu, Ðại Ðồng Cao Thắng, rạp Olympic, rạp Kinh Thành (Cầu Ông Lãnh), rạp Long Vân, rạp Lao Ðộng B, rạp Lệ Thanh B, rạp Hào Huê Chợ Lớn, rạp Thủ Ðô, Kinh Thành (Kim Biên), rạp Cây Gõ, rạp Quốc Thái, rạp Cao Ðồng Hưng, Rạp Ðại Ðồng Gia Ðịnh, rạp Kinh Thành Tân Ðịnh, rạp Hòa Bình...(20 rạp dành cho hát cải lương).
Ðến năm 2000, tất cả các rạp hát kể trên, trừ rạp Hưng Ðạo là còn dành cho hát cải lương, còn các rạp hát kia đã được Sở Văn Hóa ký họp đồng cho mướn làm vũ trường, dancing hoặc restaurant, nhà hàng tổ chức tiệc cưới...
Các đoàn hát cải lương tập thể cũng lần lượt được giải tán, chỉ còn lại ba đoàn cải lương quốc doanh Trần Hữu Trang 1, 2, 3.
Soạn giả được tự do sáng tác tuồng cải lương theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Khi nào đề cương tuồng được Ban chỉ huy trại sáng tác thông qua (đúng định hướng XHCN) thì được vô trại sáng tác. Phải được Hội đồng duyệt của Trại sáng tác thông qua phát thảo 1, người sáng tác sẽ viết kỹ hơn, có viết bài ca thành phác thảo 2. Phác thảo 2 được thông qua thì mới tới việc hoàn chỉnh vở tuồng trên kịch bản. Rồi được thông qua lần thứ ba, tuồng sẽ được đưa lên sàn tập. Lại được kiểm duyệt khi chạy đường giây. Khi được thông qua lần thứ tư thì tuồng sẽ được hội đồng duyệt duyệt sơ khảo. Và lần duyệt thứ năm là duyệt phúc khảo. 5 lần kiểm duyệt mà qua được trót lọt hết thì mới hát cho khán giả xem.
Ðến khán giả thì khán giả không xem nữa vì họ muốn coi hát chớ không phải đi nghe thông cáo hay xem chỉ thị. Trên đây là một lời tự thú của một soạn giả, bạn của tôi ở trong nuớc gởi thơ cho tôi. Ðó cũng là một lời giải thích tại sao Cải Lương bị khán giả bỏ rơi, cải lương đang dẩy chết!
Quí vị đã du ngoạn trên các nẽo đường lang thang của nghệ thuật sân khấu cải lương từ năm 1917 đến năm 2005, chỉ là như cỡi ngựa xem hoa, với một bài báo ngắn, người viết chỉ có thể nói một cách tổng quát sự hình thành và những bước trưởng thành của nghệ thuật sân khấu cải lương. Nếu đi sâu từng bộ môn như văn chương, cốt chuyện tuồng cải lương, hội họa trang trí, cổ nhạc, nhạc nền...v..v..thì mỗi ngành nghệ thuật đó đều đòi hỏi phải có những công trình nghiên cứu nghiêm túc.
Như trên đã kể, nghệ thuật sân khấu là một loại hình nghệ thuật của nhiều ngành nghệ thuật khác tổng họp như văn, thơ, nhạc, múa, hội họa, kiến trúc... Những thành tựu của các ngành nghệ thuật vừa kể có góp phần làm phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương và ngược lại, nghệ thuật sân khấu cải lương cũng ảnh hưởng tới sự quảng bá và sự phát triển của các ngành nghệ thuật tổng hợp đó.