Tiểu sử Cụ Trần Văn Ân
Cụ Trần Văn Ân sanh vào giờ Tý ngày ông Táo về trời, cuối năm Nhâm Dần, tức ngày 28 tháng 1 năm 1903, tại làng Định Yên, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên, sau thuộc quận Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc, ở tả ngạn sông Hậu Giang.(Hình phải:Trần Văn Ân diễn thuyết tại Nhật bản năm 1967)
Cụ xuất thân nhà nghèo, ông thân sinh làm Thày Thuốc Bắc, thêm nghề làm ruộng. Vì lúc sơ sinh bị nước lụt cuốn trôi may nhờ bà ngoại tình cờ bắt gặp vớt lên được cứu sống, nên để nhớ ơn bà, ông thân sinh mới đặt tên cụ là Ân . Thuở nhỏ, cụ theo bà nội và người bác tu hành theo phái Minh Sư, có pháp danh là Quang Huy, ăn trường trai, tụng kinh thầm, và không được đến trường học. Đến năm 1911, sau khi bà nội qua đời, ông thân sinh mới cho cụ vào học ở trường làng Thốt Nốt. Năm 1914, nhờ một sự tình cờ hy hữu, cụ được nhận theo học trường Chasseloup Laubat tại Sài Gòn. Vào lúc đó, không ai có thể ngờ một chú bé nhà quê nghèo nàn, không biết đi giày, ăn chay, xách hũ tương mỗi sáng đến trường, lại có thể theo học chung trường với các cậu công tử con nhà quyền thế kiêu sang. Chỉ vài năm sau, cụ trở thành một học sinh xuất sắc, thường đứng đầu trong mọi môn học. Các giáo sư của cụ đều đặn can thiệp cho cụ luôn có đủ học bổng để tiếp tục học trình. Sau này, vào năm 1979, một trong các vị giáo sư ấy, ông Tullié, ít lâu trước khi qua đời ở Pamiers, gần Toulouse, cho biết : ông luôn hãnh diện vì hai người học trò xuất sắc là Trần Văn Ân và Lévy (sau dạy đại học Sorbonne). Ông từng vận động cho cụ thi Tú Tài Pháp, nhưng chính quyền thực dân chỉ chấp nhận cho cụ thi « Tú Tài bản xứ ». Bất mãn, cụ bỏ học.
Năm 1923, nhờ Thái Ngươn Xáng, một bạn học khá giả người Việt gốc Hoa giúp đỡ, cụ đi Trung Quốc, ở tại Sán Đầu ba năm, học Hán và Anh Văn cũng như các tiếng địa phương như tiếng Hẹ, Triều Châu, Quảng Đông.
Năm 1926, cụ đi Pháp du học, nhờ một người nhà giàu tặng tiền hải phí, để mượn cụ dắt theo và lo cho hai người con của ông ta. Tại Paris, do sự giới thiệu từ Việt Nam của bác sĩ Trần Văn Đôn (sau làm Đô Trưởng, thân phụ của tướng André Đôn), cụ gặp luật sư Dương Văn Giáo, lúc đó đã là một nhân vật nổi tiếng đấu tranh cho sự độc lập của nước nhà. Từ cuộc gặp gỡ đó, cụ bắt đầu dấn thân vào chính trị.
Tại Aix en Provence, cụ cho ra đời một tờ báo sinh viên tên là Việt Nam Học Báo, do cụ làm chủ bút. Cuối năm 1927, cụ và Liêu Sanh Trân (sau là thành viên trung ương của Đảng Cộng Sản Pháp) đứng ra triệu tập Đại Hội Sinh Viên Đông Dương lần thứ nhứt, với sự tham dự của nhiều tên tuổi sẽ đóng những vai trò quan trọng trong các giai đoạn lịch sử sau đó, như: Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Trịnh Đình Thảo, Dương Văn Giáo, Trần Văn Thạch, v.v… Cụ cũng gia nhập Đảng Việt Nam Độc Lập do Nguyễn Thế Truyền lãnh đạo, và là hội viên của Hội Nhân Quyền, cũng như của Liên Minh Chống Áp Bức Thực Dân (Ligue contre l’opression coloniale).
Về nước, cụ và LS Dương Văn Giáo lập ra tờ báo Đuốc Nhà Nam. Năm 1929, cụ được mời đi dự Đại Hội Toàn Quốc lần thứ ba của Trung Hoa Quốc Dân Đảng tại Nam Kinh. Nhờ bạn Quốc Dân Đảng Trung Hoa chu cấp hoàn toàn phương tiện, bác nán lại Trung Quốc một thời gian dài, thăm viếng nhiều nơi cũng như kết giao rộng rãi.
Trở lại quốc nội tiếp tục hoạt động được ít lâu, cụ buộc phải lánh về quê, và được một người bạn giới thiệu làm giám đốc một công ty rượu đang phá sản tên là Phước Hiệp, còn gọi là Distillerie de Thốt Nốt. Cụ quyết định « làm cách mạng » trong lề lối quản trị công ty, và chỉ ít lâu sau, khiến cho công ty phát đạt trở lại. Tuy vậy, cụ vẫn không quên sứ mạng của mình, và luôn sử dụng cơ sở của công ty để tiếp tục hội họp các bạn ái quốc như quý ông Phan Khắc Sửu (sau làm Quốc trưởng), Tạ Thu Thâu (lãnh tụ Đệ Tứ, bị CS đệ tam giết năm 1945), Nguyễn An Ninh (lúc đó bán dầu cù là, chủ trương báo La Lutte, sau chết tại Côn Đảo), Võ Oanh (sau theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam), Ngô Ứng Tài (thuộc Trung Hoa Quốc Dân Đảng, sau có làm chủ tịch Đảng Dân Chủ thời Đệ Nhị Cộng Hòa), Trần Văn Thạch (lãnh tụ Đệ Tứ, sau chết về tay CS đệ tam), Nguyễn Văn Tạo (sau làm tổng trưởng Lao Động trong chính phủ Hà Nội), Lê văn Thử, Nguyễn Văn Khanh, và cả bạn Trung Hoa Quốc Dân Đảng từ Trung Quốc qua thăm như Châu Lực (luật gia, sau chết trong biến loạn).
Kết quả của các cuộc hội họp đó là : vào năm 1940, cụ bỏ hết sự nghiệp lên Sài Gòn tổ chức Đảng Nhân Dân Cách Mạng. Năm sau, cụ bị bắt, ra tòa vì tội mưu toan lật đổ chính quyền Pháp tại Đông Dương, cùng với các ông Phan Khắc Sửu (lúc đó là công chức), Dương Văn Giáo, Huỳnh Ngô, Ngô Đình Đẩu, Huỳnh Hoài Lạc, Võ Oanh, Trần Quốc Bửu (sau làm chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công), BS Nguyễn Văn Nhã, v.v…
Vì thiếu bằng cớ và nhờ lời khai gỡ tội của người bạn thân là Võ Oanh, cụ chỉ bị giam tại Bà Rá, cho tới khi một người thuộc Đảng Xã Hội Pháp làm tỉnh trưởng Biên Hòa ký giấy phóng thích. Các ông Đẩu, Nhã, Lạc … cả thảy bảy người được trắng án, trong khi bảy vị khác gồm các ông Sửu, Oanh, Bửu, v.v… bị đày đi Côn Đảo. Riêng LS Giáo vì mang quốc tịch Pháp nên ngồi tù tại Sài Gòn, sau được cụ Trần Văn Ân tổ chức cứu thoát.
Ra tù, cụ lãnh chức Tổng Thư Ký Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội do Kỳ Ngoại Hầu Cường Để lãnh đạo, tại Miền Nam. Vì nghĩ tổ chức này liên hệ nhiều với người Nhật, lúc đó đang đóng quân tại Việt Nam, có thể có những trở ngại về sau này, nên cụ cùng các ông Ngô Đình Đẩu, Nguyễn Văn Sâm và Hồ Văn Ngà thành lập Việt Nam Chính Đảng, sau đổi tên là Đảng Quốc Gia Độc Lập. Cụ luôn nghĩ người Nhật sẽ bại trận.
Năm 1943, tại Sứ Bộ Nhật, trước mặt lãnh sự Iida và đại diện 13 tờ báo Nhật cùng một số bạn Việt Nam (trong số có Nguyễn Văn Sâm lúc đó được Nhật che chở dưới tên giả là Dương Sĩ Kỳ, và Phạm Ngọc Thạch, một người CS « nằm vùng »), cụ tuyên bố : « Đây là một cuộc chiến tranh sản xuất, Nhật không sản xuất lại Đồng Minh nên sẽ bại trận. Nhật Bản nên giúp người Việt Nam chúng tôi dành lại độc lập. Đó là cách thức để lưu lại một ưu thế trong hòa bình dù cho có thua chiến tranh. » Cụ đề nghị võ trang một lực lượng ái quốc, giao cho lãnh tụ Cao Đài Trần Quang Vinh chỉ huy. Cụ cũng tiên liệu việc Nhật đảo chánh Pháp sẽ không thể tránh được, và nghĩ cần có một lực lượng Việt Nam tiếp tay với Nhật lật đổ chính quyền thực dân. Cùng trong giai đoạn này, với sự giúp đỡ của người Nhật, cụ tổ chức cho LS Dương Văn Giáo trốn thoát tù Pháp, và sắp xếp để Đức Thày Huỳnh Phú Sổ liên kết với các lãnh tụ Đệ Tứ Quốc Tế như tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch (sau đều bị CS đệ tam giết, cũng như LS Dương Văn Giáo).
Hoạt động của cụ làm thực dân lo ngại và tìm mọi cách mưu hại. Người Nhật nhắm không bảo đảm nổi an ninh cho cụ nên đề nghị đưa cụ đi lánh nạn ở Singapore. Cụ can thiệp để mang theo một người bạn đang bị truy tố tên Đặng Văn Ký (sau theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam), với tính cách là cộng sự viên (người dự liệu đi cùng lúc ban đầu là ông Diệp Ba). Sau có thêm quý ông Trần Trọng Kim và Dương Bá Trạc, sang tới Singapore, cùng ở chung một chỗ.
Trước khi lên đường đi Singapore, cụ dặn ông Trần Quang Vinh khi theo Nhật tham gia đảo chánh thực dân nhớ đừng giết hại người Pháp. Cụ nói : « Mình chống thực dân chứ không thù ghét người Pháp. Dân tộc Pháp sẽ là bạn của dân tộc Việt. Nên nhân lúc người Pháp thất thế mà làm ơn với họ ». Cụ cũng dặn các bạn thuộc Đảng Quốc Gia Độc Lập nên nhượng bộ cho anh em Đệ Tứ đóng vai trò lãnh đạo để tạo thanh thế cho tổ chức này chặn đường phe Cộng Sản Đệ Tam. Ngoài ra cụ xin Đức Thày Huỳnh Phú Sổ gia nhập Việt Minh để tránh tình trạng phe Cộng Sản Đệ Tam độc quyền thao túng, nắm thế thượng phong.
Tại Singapore, cụ kín đáo học và nói thông thạo tiếng Nhật, trong khi vẫn không ngừng hoạt động. Khi ông Dương Bá Trạc lâm bệnh, cụ chăm sóc tận tình như đối với một người cha, và lúc ông qua đời, cụ đọc điếu văn bằng tiếng Nhật, trước sự ngạc nhiên của quan khách Nhật hiện diện. Người Nhật giao cho cụ điều khiển một chương trình phát thanh bằng Anh Ngữ. Cùng cộng tác dưới quyền cụ có hai học giả giáo sư đại học bị Nhật bắt, một ông người Anh và một ông người Hòa Lan. Vào năm 1945, người Nhật đưa cụ đi Djakarta. Ở đây, cụ nghe tin nước nhà độc lập. Tức thời, cụ đòi trở về Việt Nam. Nhưng người Nhật chỉ chịu đưa cụ trở lại Singapore, và mãi tới khi được tin phu nhân qua đời để lại sáu con thơ, họ mới đành phải đưa cụ về nước, trong điều kiện rất khó khăn, bằng máy bay hai chỗ, vừa phải tránh oanh tạc, vừa lẩn trốn máy bay săn giặc của Đồng Minh. Sở dĩ có sự chần chờ của Nhật trong việc đưa cụ về nước là vì lập trường thống nhất đất nước lập tức của cụ lúc bấy giờ có thể gây khó khăn cho họ.
Về tới Việt Nam, cụ được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Nam Kỳ. Những nhân vật có tiếng tăm của Hội Đồng Nam Kỳ hết lòng ủng hộ cụ vào lúc đó, nay còn nhớ được là: Nha Sĩ Nguyễn Xuân Bái (thân phụ ông Nguyễn Xuân Oánh), Bác Sĩ Trần Như Lân, Kỹ Sư Lưu Văn Lang (nhạc phụ của BS Trần văn Đỗ) , các ông Hồ Văn Ngà, Đinh Khắc Thiệt (thân Nhật, chú của ông Đinh Thạch Bích), Trương Văn Bền, Kha Vạng Cân (Phó Chủ Tịch Hội Đồng Nam Kỳ). Trong thời gian tại nhiệm, cụ cách chức 12 ông Đốc Phủ tham nhũng, trong số đó có cả những người thân Nhật.
Tháng 7 năm 1945, Thủ Tướng Trần Trọng Kim mời cụ cùng với các ông Ngô Đình Diệm (được Nhật che chở ở Sài Gòn, giao cho sĩ quan Cao Đài Nguyễn Thành Phương giữ an ninh), và Vũ Đình Dy (mới ở Nhật về), ra Huế tham gia một chính phủ đoàn kết quốc gia. Lúc lên đường, có thêm BS Lê Toàn, và bí thư của cụ là ông Nguyễn Văn Tệ. Đi được tới Nha Trang thì phái đoàn bị Cộng Sản kéo người bao vây. Khi bọn này sắp sửa hành hung, thì quân đội Nhật tới kịp giải cứu, nhưng phái đoàn phải quay trở về Sài Gòn. Cùng lúc đó, Tạ Thu Thâu bị Cộng Sản Đệ Tam hạ sát tại Quảng Ngãi, đánh dấu giai đoạn Cộng Sản Đệ Tam công khai ra mặt giết hại người của các phe nhóm khác.
Cũng vào khoảng thời gian này, Nguyễn Văn Sâm ra Huế lãnh chức Khâm Sai Nam Việt. Ông cũng bị người của Cộng Sản giữ lại ở Nha Trang. Trước sự cấp bách của tình thế, cụ Trần Văn Ân và ông Hồ Văn Ngà tức tốc đến gặp Thống Đốc Nhật Minoda, đòi trao trả chính quyền cho người Việt. Sau khi hội ý với các tướng lãnh và viên chức Nhật, ông Minoda long trọng chuyển giao quyền hành cho cụ tại Dinh Gia Long. Lập tức cụ bổ nhiệm Hồ Văn Ngà làm Phó Khâm Sai Nam Việt, Kha Vạng Cân làm Đô Trưởng Sài Gòn Chợ Lớn (với chức vụ này, ông Cân đã ra lệnh hạ hết các tượng đồng của người Pháp). Ba ngày sau, Nguyễn Văn Sâm mới thoát nạn về tới.
Sau đó, phong trào quần chúng do Cộng Sản thao túng nổi lên, khiến cụ và các ông Sâm, Ngà, Cân, buộc phải rút lui, cho tới khi thực dân Pháp theo chân quân đội Anh trở lại Miền Nam mới lập ra Ủy Ban Phong Tỏa Sài Gòn Chợ Lớn. Chỉ ít lâu sau, Hồ Văn Ngà bị Cộng Sản đệ tam bắt đem về giam tại Rạch Giá. Cụ và Nguyễn Văn Sâm phải đi trốn. Cùng một bà vợ Trung Hoa, cụ giả dạng làm người Tàu, tới ẩn náu trong Chợ Lớn. Đầu năm 1946, cụ nhờ bạn Trung Hoa đưa đi trốn tại Nam Vang, rồi theo người buôn lậu vượt biên qua Thái Lan với tên giả là Trần Huệ Dân (cần nhắc lại là cụ nói thông thạo các loại tiếng Tàu thông dụng ở Miền Nam). Cả thực dân lẫn Cộng Sản Đệ Tam đều ráo riết truy lùng cụ trong suốt thời gian này.
Đối với Cộng Sản Đệ Tam lúc đó, cụ chủ trương « đánh chung đi riêng », tức là cùng chung sức đánh thực dân, nhưng các phe nhóm không Cộng Sản vẫn duy trì tổ chức và cơ sở riêng biệt, chứ không sát nhập vào lực lượng do Cộng Sản Đệ Tam điều động. Tuy nhiên, chủ trương này bị đa số các đồng chí của cụ trong Đảng Quốc Gia Độc Lập chống đối, vì họ cho rằng làm như thế sẽ phân tán lực lượng chống thực dân. Họ chủ trương đánh đổ thực dân trước đã, rồi sau đó ai cai trị cũng được, cai trị thế nào cũng được, miễn là lấy lại được chủ quyền cho người Việt. Cụ Trần Văn Ân là một trong số ít người vào lúc ấy đã ý thức được rằng hiểm họa cho nước nhà sẽ không phải là chế độ thực dân đang trên đà sụp đổ khắp nơi , mà chính là : Cộng Sản.
Trong điều kiện đó, Đảng Quốc Gia Độc Lập tan rã. Đa số ủy viên trung ương lần lượt theo Cộng Sản Đệ Tam. Trần Quang Vinh, Trưởng Ban Tổ Chức của Đảng và là Tư Lệnh Bộ Đội Cao Đài (do Nhật võ trang và huấn luyện) bị Cộng Sản tuyên truyền kết án là tội phạm chiến tranh, nên bỏ trốn (ông bị Cộng Sản Đệ Tam bắt được, đem nhốt tại Kim Quy Rạch Giá chung với Hồ Văn Ngà cho tới khi Nguyễn Thành Phương và Vũ Tam Anh đem quân tới phá khám cứu ra, rủi cho Hồ Văn Ngà tối hôm đó có người giữ ngục là học trò cũ mời về nhà dùng cơm nên không được giải cứu, để hôm sau bị đập chết bằng củi đòn – Trần Quang Vinh sau có làm Bộ Trưởng Quốc Phòng, và cũng chết trong tù Cộng Sản sau năm 1975). Sau Tướng Vinh, bộ đội Cao Đài được giao cho một tướng trẻ là Nguyễn Văn Thành chỉ huy. Rủi thay, tướng Thành cũng lại kéo quân theo Cộng Sản Đệ Tam nốt, khiến Đảng Quốc Gia Độc Lập không còn lực lượng quân sự để tiếp thu khí giới do người Nhật sẵn sàng chuyển giao. (Tướng Thành sau bị án tử hình và bị giam tại Côn Đảo cùng với cụ Trần Văn Ân – khi ra tù ông làm cố vấn cho cụ ở Bộ Chiêu Hồi – sau ông bị Cộng Sản liệng lựu đạn sập nhà chết ở Tây Ninh, lúc ông lãnh trách nhiệm giữ an ninh cho Tòa Thánh). Về phía Hòa Hảo thì Đức Thày Huỳnh Phú Sổ bị Cộng Sản Đệ tam vu khống là việt gian, và bị người của Cộng Sản khủng bố, nên cũng phải rút khỏi Sài Gòn.
Một thời gian sau, tình thế lắng đọng, cụ từ Thái Lan trở về phụ giúp Đức Thày thành lập Đảng Dân Xã, do cụ lãnh viết tuyên ngôn vào tháng tám năm 1946, trong một cuộc họp tại nhà ông Hội Đồng Nguyễn Văn Nhiều, đường Palikao, Chợ Lớn (ít lâu sau Cộng Sản Đệ Tam biết chuyện này, đang đêm bắt Hội Đồng Nhiều chặt ra ba khúc, liệng xuống đường mương). Ngoài Đức Thày ra, có mặt hôm đó còn có các ông Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Bảo Toàn. Ít lâu sau, cụ cho ra đời báo Quần Chúng, và được Đảng Dân Xã chỉ thị tham gia chính phủ của Tướng Nguyễn Văn Xuân. Trước khi tham chánh, cụ đặt cho Tướng Xuân ba điều kiện :
* Thứ nhất : cải danh xưng chính phủ Nam Kỳ Tự Trị thành Chính Phủ Lâm Thời Nam Phần Việt Nam, để phá kế hoạch phân ly ba miền theo cách thức « chia để trị » của thực dân. Thật vậy, chính phủ lâm thời Nam Phần Việt Nam được định nghĩa như một chính phủ TẠM THỜI của Miền Nam, trong khi chờ đợi một giải pháp thống nhất. Đó chính là phủ nhận một cách quả quyết chiêu bài « Nam Kỳ tự trị », đặt nguyên tắc thống nhất đất nước hầu dọn đường cho một giải pháp không Cộng Sản trên toàn lãnh thổ Việt Nam, sau này mới được gọi là « giải pháp Quốc Gia ».
* Thứ nhì là không chấp nhận cho quân đội giáo phái làm lính « partisan » cho Pháp, không đặt họ dưới sự chỉ huy của Pháp, để có thể đương đầu với Cộng Sản mà vẫn giữ được chính nghĩa, hầu sau này đi đến sự tổ chức một « Quân Đội Quốc Gia », gắn liền với « giải pháp Quốc Gia » vừa nói ở trên.
* Điều kiện cuối cùng là trong một ngày, ông Xuân phải gặp cụ đầu tiên lúc sáng, và sau cùng lúc tối, để phối hợp làm việc cho hữu hiệu.
Các sự toan tính giữa cụ và Tướng Xuân được giữ bí mật cho đến ngày chính phủ trình diện Hội Đồng Nam Kỳ. Bài diễn văn ra mắt nội các của Tướng Xuân do cụ và Nguyễn Văn Sâm soạn thảo. Các thành viên chính phủ được cho biết nhưng bị cụ hăm dọa, không ông nào dám hé răng. Đến ngày ra mắt, Hội Đồng Nam Kỳ bỏ phiếu tín nhiệm nội các mới, khiến thực dân bị đặt trước một sự đã rồi, không làm sao khác hơn là chỉ thị báo chí ém nhẹm chuyện này đi. Hai ngày sau, có hai người Cộng Sản đang bị Pháp giam, tự nhiên được thả, và ra tay bắn chết Nguyễn Văn Sâm trên xe buýt ở đường Cây Mai, Chợ Lớn. Sáng hôm đó, ngày 10 tháng 10 1947, ông Sâm đi cùng với cụ đến dự lễ kỷ niệm ngày Song Thập ở Tòa lãnh Sự Trung Hoa, rồi cùng về làm việc ở báo quán Quần Chúng. Tới chiều, ông Sâm mới đi xe buýt về nhà bạn trong Chợ Lớn. Lúc bị bắt lại, hai hung thủ Cộng Sản khai được lệnh giết cả Trần Văn Ân lẫn Nguyễn Văn Sâm.
Năm 1948, cụ đề nghị lá cờ vàng ba sọc đỏ, lấy ý nghĩa quẻ Càn (biểu tượng Thái Dương như cờ Nhật, mà cũng là phương Nam trong Phục Hy Đồ), màu đỏ (Hỏa cũng thuộc phương Nam, tượng trưng phấn đấu, vui vẻ), màu vàng (đất, quẻ khôn, đối với càn), và kích thước « tam thiên lưỡng địa », đồng thời cũng có ý nghĩa ba gạch đỏ tượng trưng cho ba kỳ hợp trong nền vàng tượng trưng đất nước Việt Nam …
Trong cùng thời gian, cụ đưa ông Phan Khắc Sửu xuống Long Xuyên thuyết phục Tướng Nguyễn Giác Ngộ không theo ông Trần Văn Soái mà cứ tiếp tục ở lại chiến khu chống thực dân. Cụ cũng đích thân tới Tây Ninh vận động chống lại việc ông Lê Văn Hoạch (cựu Thủ Tướng) kêu gọi Tòa Thánh lập bộ đội thân Pháp. Lập trường của cụ là: bộ đội Cao Đài phải là nghĩa quân cách mạng chứ không thể tùy thuộc thực dân. Tuy nhiên điều làm cho thực dân tức giận nhứt là việc cụ hết sức ngăn cản không để cho quân đội Bình Xuyên về Đô Thành với thực dân và lập một vùng biệt lập để quy tụ những nhóm kháng chiến không Cộng Sản về đó, hầu sau này có được một lực lượng ái quốc có chính nghĩa đánh lại Cộng Sản. Sau khi Trung Tá Savani, chỉ huy Phòng Nhì, thất bại trong việc thương thuyết với cụ để bộ đội Bình Xuyên ra hàng Pháp, Tướng de la Tour hai lần viết thư đến Thủ Tướng Xuân hăm dọa : « quá 24 giờ mà ông Ân không ra đi thì tôi sẽ không chịu trách hiệm về an ninh của ông ấy ». Tướng Xuân không trả lời. Cụ lần lựa tới hơn một tháng sau mới quyết định lấy danh nghĩa Bộ Trưởng Thông Tin để lên đường công du … Pháp Quốc !
Trước khi khởi hành, cụ yêu cầu các đồng chí nên tiếp tục cộng tác với Thủ Tướng Xuân, để trong giai đoạn khó khăn, có thể vừa né Pháp, vừa né Cộng Sản. Đa số phản đối, muốn bỏ vào bưng đánh hai mặt, Pháp và Cộng Sản. Thương tâm nhứt là trường hợp ông Lâm Ngọc Đường, do cụ đưa vào lập Sở Công An cho chính phủ Nguyễn Văn Xuân, trong lúc thực dân nhứt định không chịu giao ngành Công An Mật Vụ cho chính quyền Việt Nam. Sau khi cụ đi khỏi, ông Đường bỏ vào bưng với Bình Xuyên. Đến khi Tướng Lê Văn Viễn đem lực lượng Bình Xuyên về với Thủ Hiến Trần Văn Hữu, ông cô thế, bị Cộng Sản vây bắt, đóng nọc vào mắt, tai, mũi, miệng, hậu môn, rồi hành hạ ông đến hơi thở cuối cùng.
Qua tới Pháp, cụ mở một mặt trận ngoại giao với nhiều cuộc diễn thuyết, đặc biệt là tại Palais de la Mutualité, Paris, tháng 10 năm 1948, với sự chủ tọa danh dự của ông Chủ Tịch Liên Minh Nhân Quyền (Ligue des Droits de l’Homme). Suốt nhiều tháng sau đó, cụ không ngừng tiếp xúc với các dân biểu, nghị sĩ, các nhận vật trong báo giới, văn đàn v.v… để gây cảm tình đối với nguyện vọng dành độc lập của người dân Việt.
Năm 1949, nhờ sự can thiệp của Đảng Xã Hội (SFIO) và đảng MRP, chính phủ Pháp buộc phải chấp nhận cho cụ trở về nước. Vừa về tới là cụ thành lập Việt Nam Dân Chúng Liên Đoàn, gọi là Việt Đoàn, để hậu thuẫn cho giải pháp Bảo Đại, được cụ coi như một giai đoạn quan trọng của sự hình thành giải pháp quốc gia. Cụ cũng sáng lập báo Đời Mới, với nhiều cây bút về sau trở thành nổi tiếng dưới bầu trời Nam Việt.
Cũng năm 1949, cụ tổ chức « Tiệc Bình Dân » để Quốc Trưởng Bảo Đại vừa về nước có dịp tiếp xúc với các tầng lớp dân chúng, đặc biệt là những người đang hoạt động tại chiến khu. Cũng chính vào dịp đó mà Quốc Trưởng Bảo Đại và Tướng Lê Văn Viễn gặp nhau lần đầu tiên.
Năm 1950, cụ được mời đi dự Hội Nghị Hòa Bình San Francisco, nhưng giờ chót bị Tướng de Lattre de Tassigny tước thông hành không cho đi. Liền hôm sau, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Dean Rusk can thiệp mời cụ sang Mỹ, nhưng với chủ trương không làm bẽ mặt đối phương, cụ khéo léo chối từ. Cũng năm đó, cụ làm cố vấn cho chính phủ Nguyễn Phan Long, và, sang năm 1951, vận động thành công cho Việt Nam lần đầu tiên tham dự một Hội Nghị Quốc Tế như một Quốc Gia độc lập, do một cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc tổ chức. Đó là Hội Nghị Kinh Tế Viễn Đông (ECAFE).
Năm 1953 cụ đề nghị và đứng ra tổ chức Hội Nghị Toàn Quốc quy tụ 212 đai biểu đại diện cho mọi thành phần dân chúng. Giờ chót, cụ kêu gọi Đại Hội biểu quyết chống lại mô hình « Liên Hiệp Pháp » vì theo cụ mô hình này che dấu một sự lệ thuộc trá hình, làm mất đi chính nghĩa của chính quyền quốc gia. Cụ đưa ra khẩu hiệu : « Độc Lập mà không liên lập là cô lập – Liên lập mà không Độc Lập là lệ thuộc ». Hội Nghị Toàn Quốc bầu chống lại Liên Hiệp Pháp. Thực dân lại thêm một lần nữa bị đặt trước một sự đã rồi.
\Suốt những năm từ 1949 tới 1954 cụ đi lại Pháp Quốc nhiều lần để vận động chính giới Pháp ủng hộ một giải pháp quốc gia cho một Việt Nam độc lập.
Năm 1954, Quốc Trưởng Bảo Đại bổ nhiệm ông Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng Toàn Quyền Nam Việt. Ông Diệm với cụ là chỗ quen biết và giao thiệp tốt đẹp từ hơn mười năm trước. Sau khi ông Diệm cầm quyền, cụ có gặp lại ông vài lần, lần nào cũng có cảm tưởng đạt đến một sự tương đồng quan điểm. Lúc ấy, các lực lượng quần chúng Miền Nam đã từng tranh đấu chống thực dân và Cộng Sản tụ tập lại trong một tổ chức tên là Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia, do Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc lãnh đạo. Cụ được mời làm cố vấn cho Mặt Trận này. Cụ cũng được mời tham gia phái đoàn của Mặt Trận tới hội kiến với Thủ Tướng Diệm tại Dinh Độc Lập. Phái đoàn còn có các ông Sĩ Thanh, Lai Hữu Tài, Nguyễn Long Thành Nam, Ngài Bảo Đạo Lê Thiện Phước v.v… Cụ được mời ngồi cạnh Thủ Tướng Diệm và phát biểu đại ý như sau:
«Thưa Thủ Tướng, dư luận đến từ những người thân cận với Thủ Tướng thường đề ra những phê phán khắt khe về Giáo Phái, cho là người Giáo Phái dơ dáy, dốt nát, không đứng đắn. Tuy nhiên, xin Thủ Tướng nhận cho rằng : dân có dốt, có hư, mới cần đến Thủ Tướng, mới phải mời Thủ Tướng lại cai trị họ. Họ thiếu ăn học, chân lấm tay bùn, nhưng họ là người của đất nước này. Đời sống của họ gắn liền với đồng quê lầy lội kia, và khi cần, họ sẽ không ngần ngại liều chết để bảo vệ vùng đất ấy. Đám trí thức và trưởng giả được những người thân cận Thủ Tướng quý trọng, đến khi hữu sự sẽ lo vắt giò lên cổ mà chạy trước. Những người ấy khôn ngoan và có nhiều phương tiện, họ đi đâu mà chẳng sống được ? Ngược lại, chính vì người Giáo Phái nghèo nàn thất học, mà họ chỉ có một đường sống duy nhứt, đó là sống với quê hương, và chết một cách duy nhứt, đó là chết trong lòng ruộng đồng của tổ tiên họ để lại.
Thưa Thủ Tướng, mục tiêu của chúng ta ngày nay là ngăn cản không cho Cộng Sản tràn xuống Nam Việt. Người dân quê Giáo Phái, với tín ngưỡng chân thật và tình ràng buộc với quê cha đất tổ, chính là lực lượng chống Cộng Sản hăng say nhứt của Miền Nam này. Dựa vào họ là dựa vào quần chúng, là lấy sức mạnh từ người dân. Xa rời họ là ly khai với quần chúng, là lấy thế lực bên ngoài để cai trị dân. Xin Thủ Tướng xét rõ ».
Thủ Tướng Diệm tỏ vẻ đồng ý, nhưng chỉ hứa sẽ « xem lại » vấn đề …
Ít lâu sau sảy ra cuộc xung đột giữa chính phủ Ngô Đình Diệm với các lực lượng thành viên của Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia. Các bộ đội Hòa Hảo và Cao Đài dần dần thất thế. Tướng Trình Minh Thế ngả theo chính phủ. Lực lượng Bình Xuyên rút ra chiến khu Rừng Sát. Cụ và phần lớn trí thức thành viên của Mặt Trận cũng buộc phải rút theo với họ. Một thời gian sau, cụ và ông Nguyễn Hữu Thuần vượt vòng vây ra gặp Tỉnh Trưởng Biên Hòa là ông Nguyễn Linh Chiêu (anh của Dược Sĩ Nguyễn Quốc Nam hiện ở Paris), tuyên bố : muốn thương thuyết. Ông Chiêu tiếp đãi cụ niềm nở, mời ăn sáng, rồi đưa đi gặp ông Mai Hữu Xuân. Sau đó cụ thương thuyết với các ông Dương Văn Minh và Nguyễn Khánh trên một chiếc tàu suốt ba hay bốn ngày liền. Đang lúc ấy thì có ông Hồ Hữu Tường từ chiến khu ra tới. Ông Tường nhận đem bản thỏa hiệp về bưng cho Tướng Lê Văn Viễn quyết định. Cụ và ông Thuần ký giấy ở lại không trở về chiến khu. Tiếp đó, cụ bị kết án tử hình và bị giam tại Côn Đảo suốt chín năm dài.
Trong tù, cụ chuyên cần thiền định, nối lại với lối sống tu hành lúc nhỏ dưới ảnh hưởng của bà nội và ông bác Minh Sư… Cụ cũng cố công tìm tòi hiện đại hóa Triết Học Đông Phương, và để giải trí, cụ làm thơ cũng như dịch được hơn sáu trăm bài thơ Trung Quốc đủ mọi thời đại. Ngoài ra, cụ dạy Hán và Anh Văn cho bạn cùng khám, và khuyên nhủ cải thiện được hai người thường phạm tử hình vì can tội sát nhân.
Tháng 11 năm 1963, anh em ông Diệm bị sát hại. Cụ vẫn tiếp tục ngồi tù. Mãi tới ngày 7 tháng 2 năm 1964, sau khi Tướng Khánh «chỉnh lý» Tướng Dương Văn Minh, cụ mới được thả (tướng Khánh là cháu họ xa, kêu cụ bằng cậu). Nhìn lại chín năm tù tử tội, với những lúc bị nhốt dưới hầm tàu với heo, với «kỷ niệm» hai năm trường bị còng chân, sáu tháng nhốt hầm tối «cachot», cụ không hề tỏ lời oán hận. Cụ nói: «mong ông Diệm thành công, và chỉ lo mất nước trong tay Cộng Sản».
Khi ra tù, cụ đã lớn tuổi. Với quá trình đấu tranh không ngừng nghỉ từ năm 1926, và sau chín năm tù tử tội cam khổ, người ta có thể nghĩ rằng cụ sẽ dành những năm tháng còn lại của cuộc đời để nghỉ ngơi hưởng nhàn. Tuy nhiên, cụ đã cương quyết chối từ cái quyền được an dưỡng tuổi già hoàn toàn chính đáng đó, để lại lập tức tiếp tục dấn thân vào con đường phục vụ đất nước. Cụ bất kể địa vị to lớn của mình trong các giai đoạn lịch sử đã qua, để không ngần ngại hòa mình vào chính trường lúc đó, thậm chí nhận lãnh những chức vụ mà nhiều người cho là không xứng đáng với tầm vóc của cụ, như : Tổng Trưởng Thông Tin, Tổng Trưởng Chiêu Hồi, Chủ Tịch Ủy ban Soạn Thảo Sắc Luật Bầu Cử Quốc Hội Lập Hiến, Ủy Viên Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Phụ Tá Đặc Biệt Văn Hóa Chính Trị Phủ Tổng Thống, Cố vấn Phái Đoàn Việt Nam Cộng Hòa tại Hội Nghị La Celle St Cloud v.v… Cũng trong thời gian này, cụ nhiều lần được mời đi nói chuyện tại quốc ngoại, với những thành quả hiện còn được nhiều người trong cũng như ngoài nước thán phục.
Sống đời lưu vong tại Pháp Quốc, cụ và phu nhân nối kết những chuỗi ngày an bần lạc Đạo, ăn tiền trợ cấp xã hội, ở trong một căn phố dành cho người nghèo (HLM – Habitation à loyer modéré). Suốt cuộc đời trải dài một thế kỷ, với bao nỗ lực đấu tranh, cụ đã không mưu cầu được gì cho bản thân và gia đình mình. Trong cuộc sống nghèo nàn nơi đất khách, cụ dành thời giờ gây dựng kiến thức cho bạn trẻ, những mong có người tiếp nối chí nguyện của mình, và chuyên tâm ghi lại những kỷ niệm lịch sử của cuộc đời cụ, để cho hậu thế khỏi rơi vào những nhận định sai lạc, lấy từ những tài liệu của thực dân hay của đám trí thức thiên tả chuyên chạy theo thị hiếu thời thượng mà bóp méo sự thật . Nhắc lại những kỷ niệm xưa cũng là dịp để cụ tưởng nhớ các bạn « đồng tâm đồng đức », đã đem sanh mạng máu xương lót trải trên con đường lịch sử nước nhà. Hàng năm cụ không quên cúng giỗ từng người, Đức Thày, Sâm, Ngà, Thâu, Thạch, Hùm, Chánh, La Anh, Châu Lực, v.v…
Khi sức khỏe dần dần suy sút, hình ảnh của cụ như lu mờ đi trước những tử đệ vẫn thường quen với vóc dáng và phong độ của một Trần Văn Ân hùng hồn mạnh dạn, của nhà hùng biện dấy động lòng người, của người đấu sĩ luôn hăng hái dấn thân, của bậc triết gia thông thái, kiến thức mênh mông, của nhà chính trị tinh tế, với óc nhận định sâu sắc và trí thông minh làm kinh ngạc người đối diện, của nhà văn đầy hứng cảm, hồn thơ dào dạt, của một Trần Văn Ân hào hoa, với giọng nói tiếng cười luôn đem lại hứng khởi tươi vui … Khi ấy, khi ngôi sao Trần Văn Ân không còn chiếu sáng như xưa, thì những anh em còn quây quần bên cụ lại được chiêm ngưỡng một gương sống khác : đó là gương tận tụy hy sinh gần như toàn diện, với nụ cười đạo đức, bình thản trước nghịch cảnh, của phu nhân của cụ. Quả thực, cụ và phu nhân đã nối tiếp nhau thể hiện qua cuộc sống hằng ngày, cái tinh thần VÔ CẦU BẤT CHẤP mà cụ thường nhắc nhở.
Ngày hôm nay xin cáo với Đất Trời: Trần Văn Ân, Pháp Danh Quang Huy, đã từ biệt cõi đời, hòa trong HỒN NƯỚC, tìm về CHÂN NHƯ, trong GIẤC NGỦ MUÔN ĐỜI …
Trong giấc ngủ muôn đời
Xin dang tay đón người
Đặt người trong ánh sáng
Nguồn sáng của Bầu Trời
(phỏng theo Esdras)
Nguyễn Hoài Vân
11 tháng 9 năm 2002
Nguồn namkyluctinh