Về nhân vật Lara của Boris Pasternak
Video Lara's theme - Omar Sharif
Các nhà phê bình văn học cho rằng trong khi sáng tạo nhân vật không nhà văn nào không tìm thấy - hoặc thấp thoáng hoặc gần gũi - một khuôn mặt, một giọng nói, một dáng dấp, một mẫu đời, một cá tính, ... qua đó nhà văn thêm thắt vào, tô điểm thêm để có một nhân vật của mình. Lara trong “Bác sĩ Zhivago” của Boris Pasternak chính là một nhân vật như thế. Cô không bước ra đời sống từ trang sách mà chính là từ đời sống cô đã bước vào trang sách của ông.(Hình phải:Olga Ivinskaya - Lara-ngoài đời, người đã cho Pasternak hình tượng nhân vật Lara)
Lara-ngoài đời, người đã cho Pasternak hình tượng nhân vật Lara, tên thật là Olga Ivinskaya và đã qua đời vào ngày 8 tháng Chín, 1995 tại Mạc Tư Khoa, cách đây đúng 15 năm.
Trong một lá thư gửi một người tên R. Schweizer đề ngày 7 tháng Năm, 1958, Pasternak đã viết về Olga Ivinskaya như sau: "Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, tôi đã gặp một phụ nữ trẻ, tên là Olga Ivinskaya... Nàng chính là Lara trong cuốn tiểu thuyết mà tôi bắt đầu viết chính vào thời kỳ đó... Nàng là hiện thân của niềm yêu đời và đức hy sinh... Nàng biết rõ đời sống tinh thần của tôi và mọi công việc văn chương của tôi."
Một năm sau khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Anh, Pasternak nói: "Nàng là người bạn lớn, rất lớn của tôi. Nàng đã giúp tôi trong thời gian tôi viết sách, trong cuộc đời tôi... Nàng đã bị tù 5 năm vì kết thân với tôi. Thời trẻ của tôi không có một nàng Lara độc nhất... Nàng Lara của tôi thời trẻ ấy là vốn sống chung. Còn nàng Lara của tôi thời về già thì đã được ghi khắc vào trái tim tôi bằng máu của nàng và bằng cảnh tù đày của nàng."
Sau này, vào năm 1988, trên tạp chí "Ngọn Lửa Nhỏ" của Liên Xô, người ta được đọc một bài của Ala Alova viết về Olga Ivinskaya sau khi đã tìm gặp người "bạn lớn", người tình của Pasternak. Alova miêu tả Ivinskaya là một phụ nữ chững chạc, lịch thiệp, và tác giả bài báo ngạc nhiên vì "không hề nghe thấy một tiếng thở dài, một lời than vãn, không thấy một biểu hiện gì của tuổi già trong phong thái, cử động, lời lẽ." Bà Olga toát ra vẻ nữ tính, đáng yêu, nhẹ nhàng, cởi mở.
Pasternak gặp Olga Ivinskaya năm 1946. Lúc đó Olga Ivinskaya 34 tuổi, đang làm việc cho tạp chí văn học Novy Mir và đã qua hai đời chồng. Còn Boris Pasternak, thuở đó đã 56 tuổi, cũng qua hai lần lập gia đình, và đã là một nhà văn tên tuổi. Năm 1948, Pasternak bắt đầu viết Doctor Zhivago . Tác phẩm bị nhà cầm quyền cộng sản cấm vì tội nói xấu cuộc Cách mạng Xô viết. Năm 1949, Olga bị bắt và bị tù 4 năm vì liên hệ với Pasternak. Olga cho biết trong nhà giam bà đã bị sẩy thai đứa con của tác giả Doctor Zhivago.
Pasternak kể lại buổi hẹn đầu tiên, ông gọi điện thoại đến toà soạn Novy Mir, nói với Olga: "Tôi muốn cô gọi tôi là ‘anh’, bởi vì gọi là ‘đồng chí’ nghe giả dối lắm."
Olga nhắc lại mối tình của bà và Pasternak: "...Cuốn tiểu thuyết ấy đã bắt đầu quyết định cả số phận của hai chúng tôi. Nó như một thứ bùa mê. Nó đem đến niềm hạnh phúc điên cuồng cùng nỗi đau khổ ghê gớm. Càng gần đến cái chết của nhân vật, đến dấu chấm cuối cùng, thì đoạn kết của cuộc đời chúng tôi càng gần lại."
Dấu hiệu tai họa đến với hai người vào ngày 21 tháng Ba, 1947 qua bài báo "trứ danh" của Suacop trên tờ "Văn hoá và Đời sống", lên án Pasternak là người "bất mãn với thực tế mới, không thân thiện với cuộc Cách mạng Liên Xô, xa rời thực tế, không viết bài cổ động chính trị, không tham quan các nhà máy. Boris Pasternak là một ‘người đi trên mây’, là kẻ thù của nhân dân.”
Tháng 10 năm 1949, Olga Ivinskaya bị bắt vì tội “có ý đồ cùng Pasternak trốn ra nước ngoài.” Viên dự thẩm đòi Olga phải cho biết nội dung cuốn tiểu thuyết “Chống Liên Xô” và bắt Olga viết bản tự khai rằng cuốn tiểu thuyết của Pasternak vu khống thực tế Liên Xô.
Olga không chịu viết lời phản bội, và bị đưa đi trại cải tạo.
Năm 1953, sau khi Stalin chết, Olga được thả. Nhưng đến năm 1960, sau khi Pasternak qua đời, Olga lại bị bắt và bị kết án tám năm. Nguyên nhân cũng chỉ vì mối tình của bà và Pasternak.
Cuốn phim “Bác Sĩ Zhivago” chúng ta đã được xem ở Sài Gòn trong những năm 60, nhưng ở Nga, mãi đến năm 1994 - dân Mạc Tư Khoa mới được xem.
Trong mấy bài thơ của Pasternak, chúng ta có thể đọc được hai câu sau đây:
Cánh tay phải của tôi
Lau nước mắt giùm tôi
Olga Ivinskaia đã ra đi, nhưng nàng Lara vẫn còn ở lại mãi mãi với người đọc chúng ta. Hãy tưởng tượng “cánh tay phải” của ông đang lau cho ông những giọt nước mắt. Hãy tưởng tượng Pasternak là một người hạnh phúc.
Nếu trí nhớ tôi không tệ nội dung bài này tôi đã viết đâu đó trên tờ Người Việt, trên tạp chí Văn/Văn Học vào tháng Mười 1995. Thế nhưng, tôi đã không theo dõi câu chuyện của Olga sau ngày bà ra đi. Giờ đây đi tìm lại câu chuyện nhân vật Lara của Boris Pasternak tôi đọc thấy một Olga Ivinskaya khác trên The New York Times số ra ngày 27, tháng Mười Một, 1997 qua bài viết của Alessandra Stanley dưới tựa đề Model For Dr. Zhivago’s Lara Betrayed Pasternak to KGB. Bài báo cho biết năm 1961, khi bị giam trong ngục tù Xô viết vì tội đã câu kết với Pasternak, bà Olga Ivinskaya đã viết thư cho Nikita Khrushchev xin trả tự do và nhắc ông nhớ rằng bà đã từng hợp tác với nhà cầm quyền trong việc dập tắt tiếng nói của Pasternak. Như từng huỷ bỏ cuộc gặp gỡ giữa Pasternak và người nước ngoài, trì hoãn việc in ấn cuốn Bác sĩ Zhivago ở phương Tây và thuyết phục Pasternak đừng rời khỏi Liên Xô sau khi ông bị cưỡng bức không nhận giải Nobel văn học 1958. Lá thư này thuộc thư khố Ủy ban Trung Ương Đảng Cộng sản và được trích đăng trên tờ Moskovsky Komsomolets vào đầu tháng Mười Một, 1997.
Nhưng người dân Nga cũng như con trai cả của Pasternak cho rằng đó là một bài báo “kinh tởm và dơ bẩn” đánh vào một người phụ nữ chỉ vì bà muốn tự cứu lấy mình. Cô Irina Yemelyanova, con gái của Olga Ivinskaya, trong cuộc trả lời bằng điện thoại với The New York Times từ Paris cho biết mẹ bà trải qua tám năm tù trong gulag mà nói bà là nhân viên K.G.B. là đã sỉ nhục mẹ bà.
Nguyễn Xuân Hoàng
Nguồn: VOA