Friday, September 10, 2010

Nguyễn Đăng Mừng


CHỊ CŨNG NHƯ SEN

Mạ sinh năm chị gái, mất hai còn ba. Chị cả Lam mười bảy tuổi, chị Luyến mười bốn, chị Ly mười hai. Thằng Hoan là út, chín tuổi. Hắn là cục cưng trong nhà, các chị sợ hắn một phép. Điều đó làm các chị vừa bực bội lại vừa như ngấm ngầm hãnh diện với hàng xóm là nhà ta có con trai nối dõi tông đường. Được nước, thằng Hoan muốn chi được nấy. Mạ còn kể là ông ngoại đã khóc rống lên khi biết mạ sinh con trai, rồi ông ngoại nhất định đặt tên là Hoan, có nghĩa là vui vẻ, mãn nguyện. Ông Ngoại giải thích thế. Ngoại mừng cũng phải, phụ nữ không có con trai là chồng có quyền lấy vợ hầu, vợ cả phải đi cưới như là trách nhiệm với gia nương. Chỉ tội ông bà nội, ông bà mất trước khi Hoan chào đời một hai năm. Ba Hoan là con trai độc nhất của nội.

Không biết tự bao giờ, làng C được "quy hoạch" thật ngăn nắp. Cả làng nhà xây về hướng Tây Nam, phía sau làng là rú, cũng là nghĩa địa. Hai đôộng cát cao được gọi là đôộng Dinh Ông và đôộng Dinh Bà như bóng cả che chở cho con cháu nằm án ngữ hai đầu rú. Cát trắng mênh mang, gió nồm và gió Nam Lào thay nhau thổi qua thổi lại, hai đôộng cát không bị bào mòn mà ngày càng cao. Dân làng bảo là do hương linh tổ tiên phò trợ. Cánh đồng trước làng mới ngăn nắp làm sao, nó vuông vức ngay thẳng như bàn cờ từ đời nảo đời nào.Tiếp giáp giữa cánh đồng và làng xóm là hồ sen.

Thầy Khải làm thơ rằng:

Dinh Ông ngọn bút thơ đề
Hồ sen nghiêng dĩa vỗ về quan văn.


“Quan văn”, giấc mơ của cả làng quanh năm chật vật lam lủ trên mảnh đất “cày lên sỏi đá”. Đất thì đen đìu hiu mà cát thì trắng não nề, mùa hè nóng bỏng chân. Cái “hồ sen nghiêng dĩa” ấy như là cả tâm hồn hoài vọng, tươi mát thanh cao của làng. Xe ông Hoan vừa vụt qua hồ…cái hồ hôm nay hiện ra nhỏ xíu, ấy mà đối với thằng Hoan thuở trước hồ rộng mênh mông, đôi chân trần của hắn chạy hoài không hết, vừa chạy vừa xuýt xoa nóng, mỗi khi băng ruộng tắt đến hồ…

Mùa gặt kéo dài từ giữa tháng ba âm lịch đến đầu tháng tư là hoàn tất. Những chân ruộng gần hồ sen trồng giống lúa nếp nên thường gặt sau cùng. Hương nếp, hương sen cùng mùi bùn quyện vào nhau thành mùi hương đặc trưng của làng quê: chơn chất, thân mật. Nước ruộng cạn dần rồi khô, chỉ còn hồ sen đón dòng họ cá lươn làm chổ trú ngụ cuối cùng trong mùa hè sắp đến, chờ ngày dân làng phá hồ bắt gọn. Hoa sen nở màu hồng tím phủ cả mặt hồ. Những gương sen tròn nghiêng nghiêng hấp dẫn đám con nít. Thỉnh thoảng tụi nhỏ hái vài lá sen làm nón đội đầu đến trường.

Gió Nam Lào buổi sáng thổi nhè nhẹ, mang hương sen đến đánh thức Hoan. Hắn đang mơ một giấc mơ xa vời: được cầm một bông sen hàm tiếu để hít hít, hay bóc một gương sen tươi nhẩn nha ăn những hạt beo béo giòn giòn bên trong. Ở giữa hạt là tim sen nhỏ như que tăm màu xanh lá mạ, ăn vào đắng ngắt, nhăn mặt mà thích thú. Từ nhỏ đến đến giờ chỉ một đôi lần hắn được thưởng thức hương vị đó. Hắn cũng không bao giờ quên trận đòn đầu tiên trong đời vì tội ăn cắp sen. Cái roi tre của ba rít xuống mông nó, “Tau đánh cho mi bỏ cái nòi trộm cướp”. Hắn nhớ như in hình ảnh mạ co rúm người mỗi lần roi vút xuống. Hoan tức nhất là tiếng các chị, đã không bênh vực lại còn chêm vào: “Ăn cắp của chùa là tội lớn lắm”. Chùa đối với các chị là chốn linh thiêng, đi ngang qua chùa phải cúi đầu im lặng. Sen là của chùa, ai đụng vào là mang tội. Vậy nên lúc đem Hoan ra giếng tắm, chị Lam chỉ an ủi lấy lệ: “Bữa nay em không được ăn cắp sen của chùa nữa nghe chưa, Phật phạt đó, mai mốt chết không được về tây phương cực lạc mô”. Hoan chẳng biết tây phương cực lạc là chổ mô, khóc thút thít.

Hồ được chùa đấu thầu trồng sen từ mấy năm nay, chủ yếu là lấy bông trang trí cho ngày Phật Đản. Hạt sen được các chị trong gia đình Phật tử xâu lại phơi khô đem vào Huế bán lấy tiền mua hương đèn. Giữ hồ sen là ông Tỳ đầu trọc, thường mặc bộ bà ba màu đà. Ông tu tại gia, có vợ và một bầy con cùng trang lứa với nhà Hoan. Ông Tỳ thường cầm cây roi tre đi bất thần trong đêm vòng vòng hồ sen. Con nít trong làng loáng thoáng bên hồ là ông vút vút cây roi tre đuổi đi.

Hôm đó tốp của Hoan trên đường đi học về thấy mấy gương sen gần bờ, tụi nó bàn bạc nhỏ to, hẹn nhau chờ trời tối sẽ ra hồ hái. Lần đó, mấy cái gương sen được hái trót lọt. Năm, sáu đứa chạy ra đồng chia nhau ngồi ăn hạt sen rồi chôn vỏ xuống đất cày. Được vài hôm thì bị ông Tỳ tóm được, ông dùng dây chuối trói vào gốc tre kêu gia đình tới nhận. Từ đó Hoan ghét cay ghét đắng ông Tỳ, ghét luôn các chị hay mặc áo lam đi chùa vào những ngày rằm, mồng một.

Chùa mới được xây trên đồng, mặt tiền của liên tỉnh lộ, cách trường tiểu học vài trăm mét. Chùa cũ nghe đâu nằm trên rú, cuối làng, gần đôộng Dinh Ông. Hoan chưa thấy chùa cũ lần nào nhưng chùa mới đẹp lắm. Bọn Hoan đi học sớm thường ghé chùa, nằm trước hành lang ôn bài. Nhiều khi ngủ quên bị ông Tỳ trót mấy roi vào mông đau quắn, cả bọn ôm vở chạy.

Buổi sáng. Chị Luyến soạn ra những mẫu giấy kiếng được cất giữ từ hôm tết. Đó là những mẫu giấy vuông gói bánh in nhiều màu, đứa nào ăn xong bánh là nộp lại giấy gói bánh cho chị. Chị cẩn thận vuốt thẳng thớm cất vào rương. Có lần kiến làm tổ trong rương áo quần của chị, phải đem ra phơi nắng.

Chị Lam vót những thanh tre chuẩn bị làm lồng đèn. Hoan mon men đến gần các chị, lăng xăng thấy tội, mấy chị nháy mắt cười với nhau và canh chừng, sợ cu cậu nổi chướng lên hay phá đám. Hoan thỏ thẻ với chị Lam: “Nhớ làm cho em một cái lồng “Bánh hú” đẹp hơn cái của thằng Trị”. Chị Lam cười hiền như mọi khi: “Lồng đèn trái ú chơ không phải cái bánh hú!” Hoan cười nhe răng sún, hắn thèm được cầm chiếc lồng đèn chạy rong quanh xóm, cùng đám bạn đi rước đèn như trung thu năm ngoái.

Ba chị xúm vào làm khung, chị Luyến giỏi thủ công, uốn tre rất khéo thành khung “bánh” ú và khung hoa sen, Hoan nằm mơ cũng không làm được. Trưa về quăng cặp vở là Hoan xán lại ngồi chò hỏ bên đám lồng đèn. Chị Lam chăm chỉ phết hồ dán từng miếng vào khung tre. Được bốn cái đèn hoa sen nhỏ, cái lớn nhất là của chị Lam, nhỏ nhất của Hoan. Hoan sướng rơn nhưng còn nằn nì: “Chị cho em cầm lồng đèn trái ú đi một vòng trước nhà thằng Trị trước khi đem treo”. Khốn nỗi lồng đèn làm xong mà đèn sáp không có, lại không có tiền mua. Xin ba thì không dám, chị Lam biết rõ nhà mình nghèo, không đủ tiền mua thức ăn mỗi khi đi chợ. Bốn chị em tụm lại với nhau, chi Ly đã mếu máo: “Nếu không có đèn thì em ở nhà, sợ chị phụ trách oanh vũ la”.

Thấy chị Lam chị Luyến mặt mày buồn xo. Hoan chợt làm tài lanh “Răng không xin Mạ”. Đó là nghề của cu cậu, hể đòi chi không được là hắn lăn đùng vào bụng mạ, xoắn lấy hai cái túi áo cánh mà đòi. Mắt cả ba chị hửng một chút vui. Chị Lam ghé tai Hoan bảo nhỏ: “Chiều Hoan xin mạ hai lon gạo đi đổi đèn sáp nghe, mạ không cho phải khóc thiệt lớn nghe chưa. Trưa ni chị cho đi theo vào chùa tập văn nghệ. Nhớ năn nỉ mạ hí”. Hoan hãnh diện ra mặt, nhiêm vụ của hắn đã được giao, hắn sẽ vòi cho bằng được hai lon gạo, hắn sẽ khóc và rặn ra càng nhiều nước mắt càng tốt.

Buổi chiều. Chị Lam mặc áo dài ngắm nghía. Chị Luyến và chị Ly mặc váy màu xanh ngắn cũn cỡn, áo lam bó sát vì áo váy may từ năm ngoái, bằng tiền bán mấy thùng lúa đi mót được, các chị lại đang tuổi nhổ giò. Mỗi lần các chị đi chùa là Hoan chạy dọi. Ba phải cầm cây roi tre ngăn lại mới yên. Lần này chị Lam cho Hoan theo để xem sinh hoạt tập thể, với điều kiện là chỉ ngồi ở gốc cây, không được phá đám. Nếu không vâng lời tối sẽ không cho đi thả đèn. Hoan chưa thấy hoa đăng lần nào, chỉ tưởng tượng mặt hồ sẽ sáng lên, những chiếc lồng đèn sẽ trôi lòng vòng quanh hồ lấp lánh sắc màu. Từ nhà đến chùa phải ngang qua hồ sen. Bọn trẻ trong xóm đang mót những gương và bông sen còn sót lại. Chúng đùa giỡn té nước vào nhau thật hấp dẫn. Hoan ngập ngừng đứng lại, mười phần thích tham dự trò chơi. Nước có chổ sâu tới ngang cổ tụi nhỏ. Đứa nào cũng biết bơi, Hoan thì không. Các chị không bao giờ cho Hoan tắm ao hồ, sợ chết đuối. Mạ thường dặn “Coi chừng em, thóng mắm đầu giàn của mạ đó”. Chị Lam nghiêm giọng; “Đi mau lên kẻo trể”. Hoan lủi thủi đi theo các chị mà lòng không vui, cứ ngoái nhìn đám bạn giơ cao những gương sen vừa hái được chọc tức: “Ê xuống đây tau cho”.

Hôm nay ngày rằm tháng tư, ngày Phật Đản. Cổng tre trước chùa trang trí thật đẹp. Biển cổng màu vàng chữ xanh có dán chữ Phật Lịch 2005. Hai bên cổng có treo nhiều cờ phật giáo bay chấp chới. Các anh chị huynh trưởng đang tập nhiều bài đồng ca cho các em oanh vũ. Ngồi bên gốc cây một mình nhìn các chị cầm tay nhau kết dây thân ái lan rộng muôn nhà mà lòng Hoan cứ nghĩ miên man về hồ sen, về đám bạn đang còn bơi lội thỏa thích, và những gương sen…

Lợi dụng lúc các chị vào chùa họp, Hoan chạy băng băng qua nhiều đám ruộng vừa gặt xong hướng về hồ. Cả ba chị của hắn phát hiện, băng đồng chạy theo, may còn kịp. Hoan nhảy ùm xuống nước cùng đám trẻ. Những gương sen còn sót tụi bạn Hoan đã hái hết rồi. Chỉ còn vài bông ngoài xa. Hoan lội dần ra, dần ra. Nước ngang bụng, ngang ngực rồi ngang cổ. Hoan hụt chân chới với rồi chìm nghĩm. Hắn nghe mơ hồ giọng khóc kêu của các chị. Chị Lam nắm tay hắn kéo lên bờ vừa run vừa khóc. Hoan ọc ra vài búng nước, mặt tái mét. Cả bốn chị em ướt sũng, bùn đất bê bết áo lam. Gió nồm về chiều thổi mạnh càng làm mấy chị em run lập cập. Chị Lam nói run rẩy: “Thôi về nhà đi, nói với ba mạ là phụ thu hoạch sen với chùa bị trượt chân xuống hồ”. Chị Lam nắm tay Hoan đi trước, theo sau là chị Luyến và chị Ly.

Ba mạ đi vắng, may quá. Cả ba chị đem áo lam đi giặt để tối có áo đi chùa. Nhìn hình ảnh hai chị hai đầu vắt cho khô chiếc áo mà thấy thương. Hoan khóc thút thít, ân hận. Chị Lam đốt rơm để hong áo. Cả ba chị vừa hong vừa cười rúc rích.

Ba mạ về. Áo quần các chị đã khô. Cơm chiều được dọn giữa sân, trên một cái nia lớn. Các chị và mạ ăn chay với dĩa muối ớt. Hoan ngồi gần ba, thức ăn có khoanh cá ngừ và một dĩa cà chấm ruốc.

Các chị lại súng sính áo lam, có vài chổ chưa khô, đi chùa. Lần này Hoan không đòi chạy theo vì đã được các chị giao nhiệm vụ. Trăng chưa lên. Chạng vạng tối, Hoan lấy hết can đảm đến gần mạ lí nhí: “Mạ cho con xin hai lon gạo đi đổi đèn sáp để thả đèn túi ni (tối nay). Lồng đèn có rồi mà chưa có sáp. Mạ cho đi…” Hắn nói nhỏ, nũng nịu, cảm động. Hắn hồi hộp lắm, lỡ mạ không ừ thì sao. Hắn sẽ khóc thật to, sẽ rống lên thê thiết. Nhưng may quá, mạ cười: “Chi mà hai lon dữ rứa, một lon là đủ”. Nói rứa nhưng Hoan vẫn nghe hai lần tiếng lạo xạo vào cái rá tre, có nghĩa là hai lon. Hắn sướng rơn.

Hoan bưng rá gạo chạy nhanh ra đường xóm, còn nghe tiếng kêu với theo của mạ “ Đi chậm thôi, đừng chạy mà bổ (té) đổ gạo là khỏi thả đèn nghe chưa”. Quán o Ba tù mù đèn dầu. Bàn tay nhăn nheo soạn ra sáu cây đèn màu đỏ, hai cây lớn bằng ngón tay cái, bốn cây nhỏ bằng ngón út. O Ba lẩm nhẩm tính toán rồi phán: “Sáu cây đèn vị chi là…còn dư mà o không có tiền, o thối … góc bánh đường”. Nghe đến đường là mắt Hoan sáng lên. Cục đường này là của riêng hắn. Nước miếng ứa ra, hắn đã từng thèm đường đến đổi đang đêm bò qua bụi mía nhà bác hắn, cắn vào thân mía hít lấy hít để. Sáng hôm sau bác hắn phát hiện là… hồi hôm chuột phá mía.

Hoan mừng rơn cầm mấy cây đèn và cục đường, chạy lúc thúc dọc đường xóm nhập nhoạng tối. Một tay vừa giữ mấy cây đèn sáp vừa nắm lưng quần, tay kia đưa gói đường lên miệng, lấy răng khều miếng giấy bọc, hắn cẩn thẩn đặt cục đuờng trên môi dưới le lưỡi liếm một cái, rồi vừa đi vừa mút mút, ngọt ơi là ngọt, từng giòng mật thấm vào lưỡi, chảy qua cổ, xuống dạ dày, tới đâu nghe tới đó. Hoan không dám cắn, sợ hết, rồi thòm thèm. Hắn cắn thêm một miếng nhỏ nhẻ nhai. Bất giác Hoan nghĩ đến các chị, chắc các chị cũng thèm ngọt như mình. Chị Ly đã từng bị mạ la vì đi mua đường về kho cá khi nào cũng có dấu răng. Hắn thương các chị, ứa nước mắt.

Hoan lặng lẽ vào nhà, dấu mạ, gói cục đường vào giấy vở rồi cất vào cặp, ngồi chờ các chị về. Mạ phụ Hoan đốt hai cây lớn vào đèn bánh ú. Ánh sáng hắt hiu, gió xao xuyến lung lay ánh đèn nhiều màu. Mạ hôn lên tóc Hoan bảo: “Lần đầu nhà mình có đèn mừng Phật Đản, con thích không?”. Hoan dán mắt không chớp vào ánh xanh đỏ như bị thôi miên, mê đi vì thích.

Trăng đã lên cao. Các chị về mặt ai cũng ngời lên rạng rỡ. Hoan đã cắm bốn cây đèn sáp vào lồng đèn. Hắn nhìn các chị ngầm khoe công. Chị Lam thưa: “Ba mạ cho chúng con ra hồ thả đèn và phóng sanh”. Mạ dặn “coi chừng em nghe chưa, không được lội xuống hồ”. Mấy chị em nháy mắt nhau cười ý nhị.


Chị Lam đi trước, tay xách cái bị lác có chai nước đựng mấy con cá lia thia. Hình như chị dấu thêm cái gì trong đó mà Hoan chưa biết. Mấy chị em xách lồng đèn theo sau, Hoan không quên cầm theo cục đường đã rịn nước. Phật tử và trẻ con quay quanh hồ, trên bờ cỏ. Những cây đèn được thắp lên, nhiều màu sắc nhấp nha trên hồ nước. Hoan reo lên khi đèn của hắn được đưa xuống nước: “Đèn của em sáng nhất, chạy nhanh nhất”. Gió nhẹ đưa những ngọn đèn xa bờ, leo lét, chực tắt vì gió. Những ngọn đèn lao chao trên mặt nước gợn sóng nhẹ một lúc rồi dần tắt. Niềm vui ngắn ngủi cũng đủ làm chị em Hoan hạnh phúc. Các chị luôn miệng A Di Đà Phật… lúc phóng sanh cá. Hoan cũng bắt chước đọc theo, giọng ra chiều nghiêm nghị.

Trăng rằm sáng, soi rõ những đôi mắt đen các chị ngời lên sung sướng. Chị Lam bảo: “ Mình ngồi đây chờ người ta về hết rồi hú hồn cho thằng Hoan, chị có mang theo cơm, các em vắt thành bảy vắt. Nam bảy vía, nữ chín vía”. Chị lấy trong bị ra nắm cơm và thẻ nhang. Bà con gia đình Phật tử đã về hết, còn vài ngọn đèn chưa tắt, liu riu giữa hồ. Chị em ngồi khoanh lại vắt cơm. Hoan cầm chặt cục đường, lấy hết can đảm nói “Em có cục đường”, “Đường mô rứa?” “Mạ cho hai lon gạo, còn dư, o Ba thối lại cục đường”. Chị Lam xoa tóc Hoan “ Em ăn đi”. Hoan nói nhỏ rưng rưng “Em không ăn một mình, các chị cũng thèm đường chớ bộ”. Im lặng. Rồi bốn chị em khóc òa. “Ừ thì chia, Hoan cắn trước đi, đến Luyến đến Ly rồi chị còn lại mấy cũng được” Hoan cắn khẽ khàng một chút, Luyến và Ly cũng thế. Chị Lam lại bảo: “Các em phải cắn thêm một lượt mới hết, cắn đi Hoan, Ly, Luyến…”. Chị nói như khóc. Gió nồm thổi. Nước hồ ì oạp. Bốn chị em ôm chặt lấy nhau rưng rức.

Chị Lam đứng lên thắp bó nhang cháy lòe. Hươ hươ bó nhang cho tắt lửa ngọn, chị cầu khấn: “Hú ba hồn bảy vía thằng Hoan về ăn cơm cá cha mạ…”. Rồi chị hít vào rõ to, lại khấn “Hú ba hồn bảy vía…”. Áo dài lam và tóc chị bay chới với, giọng chị thì thào, thì thào. Ba chị em Hoan theo sau, nước mắt lành lạnh trên má. Từ hồ về nhà là bảy ngọn lá chuối, trên đó có vắt cơm nhỏ như cái trứng gà, bên cạnh là chấm lửa cây nhang nhấp nháy, rung rinh. Ba hồn bảy vía của Hoan cùng về theo chị em. Đường làng râm ran tiếng dế.

Ông Hoan gần sáu mươi tuổi, nhân chuyến về làng được mời dự khánh thành chùa. Chùa được xây dựng từ năm 1959. Qua chiến tranh chùa bị sập một phần. Có lúc chùa được dùng làm kho lương thực của hợp tác xã nông nghiệp. Chùa là linh hồn của làng. Có chùa dân làng sẽ sống tử tế hơn, ông Hoan nghĩ thế, nên dù không là Phật tử, ông luôn ủng hộ việc tôn tạo ngôi chùa. Lúc cúng xong ông Hoan được mời dùng xôi chè với khuôn hội. Nhìn những chén chè đậu xanh đánh vàng tươi mà sao ông nghe cay nơi khóe mắt. Ông nhớ cục đường, nhớ đêm rằm thả đèn trên hồ sen, những kỷ niệm ngày thơ mà gần nửa thế kỷ này không sao quên được. Ông chỉ sống ở làng đến mười hai tuổi, thế mà khi về già ông lại thương làng chi lạ.

Ông Hoan ra đứng trước sân chùa, dưới gốc cây bồ đề ngày xưa nhìn lung về phía hồ sen. Cây cổ thụ gần bằng tuổi ông, ngọn cây tỏa rộng, rậm rì lao xao gió. Ông đã đi nhiều nơi, lên rừng xuống biển, từng sống những ngày tháng cùng cực vô vọng. Ông cũng đã từng ở những thành phố lớn xa hoa sang trọng nhưng chưa bao giờ coi đó là quê nhà của mình. Bà Lam đến bên ông, níu vai ông khẽ khàng:

-Cậu nhớ cái lần sắp bị chết đuối không?

-Các chị chạy ra không kịp là em chết rồi.

-Nhiều khi đi chùa về ngang qua hồ chị lại nhớ cái đêm chị em mình chia nhau cục đường. Dì Luyến có khỏe không?

-Dạ khỏe, khi nào điện thoại cho em chị cũng khóc. Sang năm thế nào cũng rủ chị ấy về một chuyến.

-Dì Ly mất gần bốn năm rồi phải không hè? Bữa ni chị hay quên lắm. Dì Ly còn sống năm nay cũng trên sáu mươi rồi. Bên Mỹ người ta có cúng không cậu, có nhang để thắp, có bàn thờ Phật không cậu?

Ông Hoan cầm khăn tay lau nước mắt. Bà Lam khóc thút thít.

-Cậu cũng già lắm rồi đó, nhớ đi chùa nghe. Con người ta ai cũng phải già, chỉ có tâm Phật là muôn đời vẫn trẻ.

Nhìn khuôn mặt chị đầm đìa nước mắt, ông Hoan nhớ lại không biết bao lần các chị đã khóc với cậu em trai như thế. Mỗi lần uống rượu với bạn bè ông thường ngâm bài thơ Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, đến đoạn: "Một chị hai chị cũng như sen, khuyên nốt em trai dòng lệ sót," giọng ông thống thiết, đục khàn tiếng khóc đàn ông một đời nợ chị. Ông nhớ những lát khoai luộc các chị gửi lên cho em hồi còn ở trại cải tạo, những đồng tiền nhăn nheo đẩm mồ hôi nước mắt các chị cho cậu em lúc trốn vào Nam. Vậy mà mỗi lần về biếu chị vài trăm là thế nào chị cũng cúng chùa, sửa sang mồ mã. “Chị ăn chay trường trai, có tiêu pha chi mô, cậu đừng lo”. Vài năm ông mới về thăm một lần, bao nhiêu việc hương khói chỉ một mình chị Lam. Chị bảo “Con trai cũng như con gái, đều được tổ tiên sinh ra, phải có trách nhiệm cậu à”. Chị không được học hành như ông nhưng đã dạy ông bao điều tốt đẹp.

Nắng chiều đổ nghiêng bóng hai chị em, lung lay trên những đám ruộng vàng gốc rạ. Họ đi về hướng hồ sen.

Nắng tháng bảy rát cháy, hồ sen một nửa khô cứng bùn đen, trơ những dĩa sen còn chút màu xanh rách bươm chới với. Giọng hò của ai …hơ ơ…dài da diết: “Sen xa hồ sen khô hồ cạn…ơ hơ…Lựu xa đào lựu ngã đào nghiêng…” trong đêm văn nghệ tha hương còn vẳng bên tai ông. Nước mắt ông nhòe đi, lung linh hình ảnh mấy chị em ôm chặt nhau bên hồ sen thơ ấu…Gió Nam Lào ù ù như tiếng hú hồn xa xưa hú chị em về với những ngày “cơm cha cá mạ” .

Nguyễn Đăng Mừng
Nguồn: chantran