Truyện ‘Buồn Ơi Chào Mi’ của Francoise Sagan
Video Bonjour Tristesse
Francoise Sagan là bút hiệu của Francoise Quoirez, sinh ngày 21 tháng 6, 1935 tại Cajarc, miền Tây Nam nước Pháp, trong một gia đình khá giả. Bút hiệu Sagan là tên một nhân vật trong tác phẩm “Ði Tìm Thời Gian Ðã Mất” của Marcel Proust (Hình phải: Francoise Sagan (1935-2004), tác giả cuốn “Buồn Ơi Chào Mi” (Bonjour Tristesse) rất được hâm mộ tại miền Nam trước 1975). Sống lần lượt ở Paris, Lyon. Theo học tư trong các trường đạo Thiên Chúa như Oiseaux, Sacré-Coeur. Ðậu tú tài các năm 51-52. Có theo học một năm ở Ðại Học Sorbonne về ngành Giáo Dục Sơ Học. Cô viết cuốn Bonjour Tristesse năm 1953, trong vòng từ 4 tới 6 tuần lễ, được xuất bản vào năm sau. Tác phẩm đã nhanh chóng được dịch ra ít nhất là 15 thứ tiếng, và bán ra vài triệu ấn bản. Ðây là câu chuyện của cô bé Cécile, 17 tuổi, mưu mô phá vỡ mối liên hệ của ông bố mạnh thường quân đột nhiên nối lại liên hệ với một người tình cũ của ông, bằng cách sắp đặt cái chết của bà này. Cuốn sách chỉ có 188 trang nhưng đã gây chấn động ngay. Năm đầu bán 500,000 cuốn. Trước sau bán một triệu rưỡi cuốn. Cô bị phê phán gay gắt bởi mấy ông phê bình gia, bị gán tước hiệu “người phát ngôn của thế hệ hư hỏng viết một cuốn sách đề cao chủ nghĩa hưởng lạc dửng dưng.”
Năm 1957, Sagan thành hôn với nhà xuất bản sách Guy Schoeller, hơn cô 20 tuổi, nhưng ly dị hai năm sau. Lần thành hôn thứ hai là với nhà điêu khắc Mỹ Robert Westhoff, rồi cũng ly dị, nhưng được một con trai là David. Anh này có mặt bên giường mẹ vào lúc bà lâm chung. Cách đây hai năm, Sagan bị ra tòa vì bị tố là không khai thuế lợi tức với một món tiền lớn là 723,000 Mỹ kim. Bà nói đó là tiền người bạn cho vay để sửa căn nhà bị hỏa hoạn ở Normandy mà thôi. Bà bị 12 tháng tù treo. Cuộc sống của bà gây tin tức trên mặt báo (không có nghĩa là xấu) như là tiêu tiền ra nhanh hơn là tiền kiếm vào, và cũng rắc rối vì có lần dùng ma túy. Bà cũng được coi là Brigitte Bardot của văn chương Pháp. Francoise Sagan đã sáng tác trên 30 cuốn truyện và 9 vở kịch; rất nhiều truyện đã trở thành sách bán chạy nhất ở Pháp. Nhiều truyện được quay thành phim màn ảnh lớn hay phim cho truyền hình.
Vài tác phẩm đáng kể của F. Sagan: Dans Un Mois, Dans Un An (1957, cùng thời với Aimez-Vous Brahams?) Les Merveilleux Nuages (1961), La Chamade (1965).
Tháng 9 này(2010), sáu năm trước, nhà văn nữ danh tiếng Francoise Sagan rất được độc giả miền Nam trước 1975 ưa chuộng, từ trần, thọ 69 tuổi.
Vào lúc 6 giờ sáng ngày Thứ Hai 2 tháng 9, 2004, Ðài BBC Luân Ðôn trong chương trình Việt ngữ đã phát thanh cuộc phỏng vấn chủ nhiệm chủ bút nguyệt san Khởi Hành, nhà văn Viên Linh, về ảnh hưởng của nhà văn nữ Francoise Sagan, mà cuốn sách đầu tay nhan đề “Bonjour Tristesse” (Buồn Ơi Chào Mi), xuất bản năm 1954 đã đưa cô, lúc ấy 18 tuổi lên đài danh vọng. Phóng viên Lê Quỳnh muốn cho thính giả của đài biết ảnh hưởng của Sagan ra sao trong sinh hoạt văn chương ở miền Nam Việt Nam trong cuối thập niên '50, và sau đó nữa. Cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào trưa Chủ Nhật giờ California, thời lượng phát thanh khoảng 10'. Bài dưới đây nguyên văn cuộc phỏng vấn, tuy có bổ sung khi viết ra giấy, nhưng nội dung là một, chỉ thêm vào một đoạn ở phần đầu bài.
Lê Quỳnh, BBC (LQ): Sau đây là cuộc phỏng vấn nhà thơ Viên Linh, chủ nhiệm Tạp chí Khởi Hành ở Mỹ về Francoise Sagan. Từng hai lần nhận Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc ở miền Nam trước 1975, ông Viên Linh đã hoạt động văn học từ thập niên '50, khi tiểu thuyết “Buồn Ơi Chào Mi” của Sagan được dịch ta tiếng Việt. Thưa ông ảnh hưởng của Sagan như thế nào khi tác phẩm “Buồn Ơi Chào Mi” ra đời?
Viên Linh (VL): Có thể nói ảnh hưởng của cô khá mạnh trong mấy năm sau khi cuốn sách được xuất bản ở Pháp, năm 1954, và ở Saigon thì qua nhiều bài, và có đâu hai bản dịch trên báo và in thành sách với nhan đề “Buồn Ơi Chào Mi,” và “Buồn Ơi Bắt Tay,” bản sau của nhà phê bình Lê Huy Oanh. Sau đó hai năm còn cuốn “Có Một Nụ Cười (Un Certain Sourire)” nữa. Ảnh hưởng này rất là đáng kể, nhất là trong đầu thập niên '60, và đặc biệt là trên các nhà văn nữ. Các nhà phê bình của miền Nam viết khá nhiều về Sagan. Ngoài hai cuốn sách ấy, còn phim ảnh như “Aimez-vous Brahms?” quay theo cuốn truyện cùng tên của Sagan chiếu ở Saigon nữa. Tôi nhớ là cuốn “Vòng Tay Học Trò” của Nguyễn Thị Hoàng có một cốt truyện tương tự như cuốn “Có Một Nụ Cười.” Hai nhân vật của Sagan thì cô gái chưa hai mươi tuổi, người yêu của cô gấp đôi tuổi cô; còn hai nhân vật của Nguyễn Thị Hoàng, tuổi tác cũng như thế. Tôi nhớ là khi viết cuốn truyện thứ nhất, F. Sagan mới có 18 tuổi và nhân vật của cô 17 tuổi. Sự xuất hiện của họ gây sôi nổi.
LQ: Ông có nghĩ rằng nội dung những truyện ấy mang sự chống đối với đạo đức xã hội không?
VL: Không. Tôi không muốn dùng chữ đạo đức. Nếu có tôi muốn dùng chữ đức lý. Trong bối cảnh của xã hội miền Nam sau năm 1954, khi xã hội mới đang thành hình với các xô bồ, tác phẩm của Sagan được đón nhận vì nó bác bỏ các giá trị cũ. Cũng vì văn phong mới. Ngay ở Pháp, dư luận cũng đã phê phán Sagan ác liệt, có người ta coi cô là “phát ngôn viên của thế hệ hưởng lạc, buồn chán.” Người ta còn cho rằng cô hạ giá văn chương. Mặc dầu vậy cuốn “Buồn Ơi Chào Mi” bán 500,000 bản tại Pháp lúc xuất bản.
LQ: Theo ông, văn phong của Sagan như thế nào?
VL: Ðó là một văn phong ngây thơ, giản dị và cay đắng. Và buồn chán. Tôi nghĩ văn phong chỉ là một mặt, mặt khác là phong cách sống. Sagan thật sự là một ti-na-dơ khi viết “Buồn Ơi Chào Mi.” Cô viết gần giống đời sống của cô. Ngoài đời khi hai mươi tuổi cô yêu một người bốn mươi tuổi. Ðó là chuyện Un Certain Sourire (Có Một Nụ Cười). Phong cách F. Sagan gay ảnh hưởng và tôi nghĩ, trong khoảng 5 năm, miền Nam xuất hiện 5 nhà văn nữ, cũng là một khía cạnh của ảnh hưởng đó. Hiện tượng Sagan một cách nào đó đã khuyến khích các phụ nữ viết văn.
LQ: Ông nghĩ ảnh hưởng Sagan như thế nào đối với các nhà văn nữ Việt Nam ở hải ngoại? Họ nổi loạn như thế có do ảnh hưởng của Sagan không?
VL: Không. Tôi không nghĩ các nhà văn nữ bây giờ ở hải ngoại đọc Sagan, rồi mới viết, vì lâu quá rồi. Theo tôi Sagan không có ảnh hưởng gì với họ. Họ có nổi loạn gì đâu? Có ai áp bức họ đâu mà nổi loạn? Ðời sống Tây phương, con cái trên 18 tuổi là có tư cách pháp nhân riêng, chúng có làm gì, kể cả giết người, cha mẹ cũng không bị trách nhiệm. Thế thì nổi loạn cái gì? Tôi nghĩ các nhà văn nữ nếu có người viết sỗ sàng, trâng tráo, là vì họ ảnh hưởng phim ảnh, đời sống thực tế của họ. Chứ không ảnh hưởng từ văn chương Sagan.
Ðiểm báo về Sagan
Trên trang web của đài BBC, phần Việt ngữ, dưới nhan đề “Vĩnh Biệt Sagan, Buồn Ơi Chào Mi,” đài này có điểm qua phản ứng của báo chí Pháp, nhân cái chết của nhà văn như sau:
- Liberation: “Cuộc đời bà giống gió lốc, rộng lượng, đầy cảm hứng, nhanh, nổi loạn, không thể phân loại, không thể bắt chước. Chúng ta đã yêu mến Sagan, ngay cả nếu chúng ta đã không đọc hay không còn đọc sách của bà.” “Sagan không chỉ là Sagan, không chỉ là hiện tượng văn chương: một nhà văn, một phụ nữ, một thời đại.” “Bà chạy qua cuộc đời mình và sách của mình với hết tốc lực, không bao giờ phân vân.”
- Ouest-France: “Mọi tác phẩm được xuất bản của bà đều thu hút sự chú ý của báo chí và công chúng, mặc dù đôi khi bị xem là giả tạo.” “Bà gần như thành công khi gây cảm hứng cho việc sinh ra tính-từ ‘saganesque’ (đậm chất Sagan), một tính từ có thể diễn giải là nhớ nhung, buồn cười, có vẻ phù phiếm và rất sáng sủa.”
-Le Parisien: “Vĩnh Biệt Sagan, Xin Chào Nỗi Buồn.” Tờ báo nói cuộc đời Sagan là một “câu chuyện dài, đánh dấu bởi vinh quang và giàu có, rồi tiếp theo là khó khăn và thoái trào.” “Một huyền thoại đã ra đi. Bà đã là Bardot của văn học.”
Viên Linh