Tuesday, September 14, 2010

Thụy Khuê


Nhân Văn Giai Phẩm
phần XIII : Văn Cao
Trích đoạn :

Lưu Hữu Phước và Tiếng gọi thanh niên

Viết về Tiến quân ca của Văn Cao, không thể không nhắc đến Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước, bài quốc ca của miền Nam trong thời kỳ chia đôi Nam Bắc.

Lưu Hữu Phước sinh ngày 21/9/1921 tại Cái Răng (Cần Thơ). Học nhạc từ nhỏ. 1940, ông ra Hà Nội học y khoa. Khoảng thời gian từ 1940-44, Lưu Hữu Phước nổi tiếng với những ca khúc lịch sử như Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hát Giang trường hận, Hồn Tử sĩ, Hờn Sông Gianh, Hội Nghị Diên Hồng... và một loạt hành khúc cho sinh viên như: Ta cùng đi, Tiếng gọi thanh niên, Bài hát của thiếu sinh, Bài hát của thiếu nữ Việt nam, Việt nữ gọi đàn... Sau Cách mạng tháng Tám, Lưu Hữu Phước sáng tác Khúc khải hoàn, Ca ngợi Hồ chủ Tịch... Ca khúc của Lưu Hữu Phước có ảnh hưởng rất lớn đối thanh niên từ thập niên bốn mươi đến ngày nay. Trong cuốn sách của Mai Văn Bộ tựa đề Lưu Hữu Phước con người và sự nghiệp (nxb Trẻ 1989) không thấy ông nhắc đến hoạt động Quốc dân đảng của Lưu Hữu Phước. Điều đó dễ hiểu. Nhưng trong tiểu thuyết Giòng sông Thanh Thuỷ của Nhất Linh, có một đoạn đáng chú ý, viết về nhân vật Ngọc (Quốc dân đảng) dẫn Tứ và Nghệ (Việt minh) đến chỗ Ngọc sẽ đầu độc hai người kia. Trên đường xuyên núi rừng, phong cảnh hùng vĩ, Ngọc vừa đi vừa hát:

"Chàng cất tiếng hát cao giọng, đi thật mau cho bước chân ăn nhịp với bài hát mà chàng cố hát thật mau:

Hồn nước muôn năm sống cùng non nước!
Ngày nay ta noi tấm gương anh hùng,
Dù khó thế mấy quyết cùng nhau bước,
Làm cho vang tiếng cháu con nòi giống Tiên Long.

Chàng chuyển sang điệp khúc:

Mau, mau đồng lòng, tay cầm tay, trông cờ nước, ta đều bước,
Tuốt gươm, thề với núi sông ...
Hồn nước muôn năm sống cùng ...

Bài hát ấy là của Lưu Hữu Phước, đảng viên Việt Quốc trong thời kỳ bí mật từ trong nước truyền ra, do Ninh dạy chàng. Ninh có nói là thay đổi lời đi đôi chút cho nó mạnh hơn và đúng bằng trắc hơn. Trời bắt đầu nắng mỗi lúc một gắt; Nghệ và Tứ không biết là bài hát gì nhưng vì nhịp quyến rũ nên cũng cố bước theo cho đúng nhịp." (Giòng Sông Thanh Thuỷ, tập 1, trang 214)

Chính Nhất Linh đã sửa lời bài Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước cho mạnh hơn và đúng bằng trắc hơn. Lời gốc của Lưu Hữu Phước như sau:

Hồn nước vẫn sống với trời, non, nước
Ngày nay, ta noi tấm gương anh hùng
Dầu khó thế mấy, quyết cùng nhau bước!
Làm cho rõ biết cháu con nòi giống Tiên Long!

Nhưng điều đó không quan trọng, điều quan trọng là Nhất Linh xác nhận: Lưu Hữu Phước theo Quốc dân đảng.

Từ đó, đưa đến một số nghi vấn khác: trong thời kỳ kháng chiến, Lưu Hữu Phước sáng tác rất ít, tại sao? Lưu Hữu Phước là người của Việt Quốc hay Việt Minh? Nếu ông là người cộng sản, tại sao, Tiếng gọi thanh niên lại được chính phủ Nguyễn Văn Xuân (của Bảo Đại) chọn làm quốc ca? (Tiếng gọi thanh niên sáng tác tháng 4/1941. Ngày 2/6/1948, được chính phủ Nguyễn Văn Xuân chọn làm quốc ca, và tiếp tục là quốc ca của Việt Nam Cộng Hoà sau 1954).

Sau ngày thống nhất đất nước, Lưu Hữu Phước, Bộ trưởng Thông tin văn hoá, ký ba Thông tri cấm lưu hành các sách báo "phản động". Bản đầu mang số 218/CT. 75, ngày 20/8/75, trong đó có danh sách 130 tác giả bị cấm toàn bộ, với những tên tuổi như: Hồ Hữu Tường, Nguyễn Vỹ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Tạ Tỵ, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Mặc Đỗ, Nguyễn Mạnh Côn, Chu Tử, Duyên Anh, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Tuý Hồng, Phan Nhật Nam... (Bản Thông tri và toàn bộ danh sách các tác phẩm, tác giả bị cấm, in trong Văn hoá Văn nghệ... Nam Việt Nam của Trần Trọng Đăng Đàn (nxb Thông Tin, 1993), phần Phụ Lục II, từ trang 697 đến 754).

Tất nhiên Lưu Hữu Phước chỉ thi hành chính sách của Trung Ương. Nhưng người nghệ sĩ, khi ký những công hàm tiêu diệt tác phẩm văn học của nửa phần đất nước, hẳn không thể không suy nghĩ, hẳn không thể không biết rằng tên mình sẽ đi vào văn học sử với một vị trí không thuận tiện. Và người Việt di tản khi hát bài Tiếng gọi thanh niên cũng nên nhớ đến tác giả trong toàn bộ hành động chính trị, văn nghệ của ông.
Đọc toàn bài : Nhân văn Giai Phẩn-VĂN CAO

Thụy Khuê
Nguồn rfi.fr