Thursday, October 21, 2010

Đại Học Việt Nam


Đại Học Việt Nam Dạy Gì Về Lòng Yêu Nước ?


Đại học Việt Nam dạy gì về lòng yêu nước ? Thầy giáo giảng về lòng yêu nước trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa và dự án khai thác Bauxite là các em không được quan tâm, không nên lo lắng, vì việc này không phải là việc của các em. Việc này đã có đảng và nhà nước lên tiếng, việc của đảng và nhà nước nên các em không có được đòi hỏi hay biểu tình, biểu lộ gì cả, không được nghe các thế lực thù địch tuyên truyền phản động”.

VRNs (11/09/2010) - Hà Nội - Bước vào đầu năm học mới khoá học 2010-2011, sinh viên các trường đại học, đặc biệt là các tân sinh viên được nhà trường cho học môn chính trị đại cương rất rốt ráo. Trong đó có những buổi học nói về lòng yêu nước cho sinh viên yêu nước theo định hướng của đảng.

Mới đây, chúng tôi có tiếp xúc với rất nhiều sinh viên của các trường đại học khác nhau tại Hà Nội, từ sinh viên năm đầu đến những sinh viên năm cuối. Được các bạn cho biết về giáo trình các bài giảng về môn chính trị và những buổi lên lớp của các giáo viên môn chính trị cũng như cách học của các sinh viên.

Một trong số các trường có sinh viên mà chúng tôi tiếp xúc đó là trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cách đây vài năm về trước trường này có số lượng sinh viên tham gia lại chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Đại sứ quán TC rất đông, nhưng họ cùng nhiều người yêu nước khác bị công an đàn áp và giải tán không cho biểu lộ lòng yêu nước trước Toà đại sứ TC đang có ý đồ xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Có lẽ vì vậy, nên bài học đầu tiên mà giáo viên muốn truyền tải cho sinh viên, học sinh là lòng yêu nước phải theo định hướng của đảng ?.

Một nhóm sinh viên cho biết : “Trong bài học môn chính trị, giáo viên có đề cập đến lòng yêu nước và vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và dự án Bauxite. Chúng tôi mới nghe như vậy thì rất là háo hứng, chăm chú nghe thấy giảng. Nhưng sự thất vọng đã mau chóng ập đến với chúng tôi. Thầy giáo giảng về lòng yêu nước trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa và dự án khai thác Bauxite là các em không được quan tâm, không nên lo lắng, vì việc này không phải là việc của các em. Việc này đã có đảng và nhà nước lên tiếng, việc của đảng và nhà nước nên các em không có được đòi hỏi hay biểu tình, biểu lộ gì cả, không được nghe các thế lực thù địch tuyên truyền phản động”.

Sinh viên cũng cho biết là đa số các giáo viên đến từ bên học viện an ninh hay học viện chính trị gì đó.

Họ chia sẻ về tâm tư, lòng yêu nước bị chặn nghẹn trong lòng “nghe thầy giáo giảng bài như vậy, rất nhiều sinh viên muốn lên tiếng để hỏi lại thầy tại sao sinh viên, học sinh lại không được quan tâm đến vấn đề quốc gia, dân tộc. Biểu lộ lòng yêu nước khi đòi lại chủ quyền biển đảo cho dân tộc là tâm khảm của mỗi con dân đất việt”.

Nỗi khổ, khó khăn trong mái trường đại học khiến cho các bạn phải im lặng “chúng tôi muốn đưa ra những thắc mắc đó, nhưng lại sợ nhà trường cho vào sổ đen, liệt vào thành phần này nọ thì khó mà qua được mấy năm học, rồi không tốt nghiệp được, không có bằng, hay là bằng yếu kém thì phí hoài tiền của của cha mẹ lo cho ăn học, nên chúng tôi im lặng, mặc cho thầy nói gì thì nói”.

Khi được hỏi về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa đang diễn biến vô cùng phức tạp tại Biển Đông, sinh viên chia sẻ “chúng tôi biết hết chứ, giặc “tàu lạ” thỉnh thoảng lại bắn giết ngư dân Việt Nam, rồi đâm thủng tàu của họ, bắt và tra tấn, đòi tiền chuộc, chúng tôi biết “tàu lạ” đó là của nước nào chứ. Nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng và internet đó anh. Chúng tôi cũng muốn lên tiếng bày tỏ lòng yêu nước của mình nhưng chúng tôi không được phép”.

Họ nói tiếp “ngày trước sinh viên đòi lại chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại Toà đại sứ TC thì bị công an đàn áp, thời gian gần đây, chúng tôi thấy xuất hiện nhiều các tờ rơi, khẩu hiệu, truyền đơn đòi lại chủ quyền biển đảo, chúng tôi rất là ủng hộ việc này và mong muốn người dân khắp nước ai ai cũng làm việc này, chúng tôi nếu có cơ hội cũng sẽ làm, nhưng chắc là công an theo dõi nghê lắm

Bài học trên lớp về môn chính trị thì học sinh học tập như thế nào ?, Nhóm nữ sinh viên trường Ngoại ngữ nói “nghe mãi những điều ấy cũng chán, những buổi học đó thường thì các sinh viên đến lớp cho có mặt, nhưng hoặc là họ ngủ, hoặc là nghe nhạc, rồi đầu cứ gật gật coi như đồng ý với bài giảng của giáo viên”.

Nhóm nữ sinh này nói tiếp “lòng yêu quê hương, dân tộc, yêu đất nước là dòng máu chảy trong người rồi, chả có ai có thể ngăn cản được nó, bắt dòng máu yêu nước đó phải rỉ nhiều, rỉ ít hay không được rỉ hoặc phải yêu nước theo cách của ai. Tình yêu quê hương đất nước là một thứ tình yêu trong tương quan tự do, ai cũng có lòng yêu nước và có quyền yêu nước. Từ xa xưa cha ông tiền nhân chúng ta đã hi sinh để giữ trọn hồn thiêng sông núi, thế hệ chúng tôi cũng sẵn sàng hi sinh cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam thân yêu khi bờ cõi dân tộc bị lâm nguy, chúng tôi hi sinh vì đất nước chứ không phải vì một nhóm người nào cả trong đất nước Việt Nam”.

Thật đáng tự hào và có được sự an tâm với những tâm tư, bộc lộ tấm lòng yêu nước của sinh viên, học sinh Việt Nam trong bối cảnh Hoàng Sa, Trường Sa yêu dấu đang bị cấu xé bởi ngoại bang.

Nghĩ về bài học đầu năm cùng những tấm lòng yêu nước của thế hệ trẻ mà thấy sao chua xót, đau lòng. Nếu như bài học yêu nước từ trong trường học mà các sinh viên được giáo dục theo sinh viên nói thì quả là nguy hiểm. Tại sao tình yêu đối với dân tộc lại không được bày tỏ ? tại sao các vấn đề an nguy, sống còn của quốc gia, dân tộc mà lại giáo dục học sinh là không phải việc của họ ?. Có lẽ sinh viên, học sinh và nhân dân Việt Nam không phải là con dân đất Việt sao ? Chỉ có đảng và nhà nước mới được lên tiếng, sự sống còn của dân tộc chỉ có đảng mới có quyền quyết định ?

Tình yêu đối với quê hương, dân tộc là quyền và trách nhiệm của mỗi người dân thuộc dòng giống, quốc gia Việt Nam, không phân biệt già trẻ, trai gái, người giàu, kẻ nghèo hèn, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo… mỗi người dân đó phải có quyền và trách nhiệm lên tiếng đối với mọi vấn đề liên quan đến vận mệnh của dân tộc, đất nước mình trong mọi lúc, mọi nơi mag không phụ thuộc vào bắt cứ một tổ chức nào. Quyền và trách nhiệm yêu nước là sự tự do của mỗi nhân vị trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Yêu Nước là sự Tự Do, mỗi người phải có quyền và trách nhiệm yêu nước trong sự tự do ấy.

Paulus Lê Sơn
2010/09/11
Nguồn : lytuongnguoiviet.com