Monday, October 4, 2010

Nhân văn giai phẩm


Nhân văn giai phẩm
Phần XV: Phan Khôi -
Chương 1a : Những phong trào chống Pháp đầu thế kỷ XX

Trích đoạn:

Huyền thoại Hồ Chí Minh bắt nguồn từ cái tên Nguyễn Ái Quốc. Những bài ký tên Nguyễn Ái Quấc trên các tờ báo ở Paris, đã có ảnh hưởng lớn đến giới trí thức trong nước. Nhưng ai là người viết những bài báo này ? Nguyễn Tất Thành có phải là tác giả như Hồ Chí Minh đã nhìn nhận hay không ? Giải quyết vấn đề văn bản này, sẽ hiểu được thái độ "khi quân" của Phan Khôi trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm.(Hình phải:Ảnh chụp tờ báo Việt Nam Hồn số tháng giêng năm 1926-Thụy Khuê)

Phan Châu Trinh, lãnh đạo tinh thần phong trào Duy Tân. Phan Khôi, lãnh đạo tinh thần phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Đông Kinh Nghiã Thục (gắn bó với Duy Tân và Đông Du) chỉ tồn tại một năm. Nhân Văn Giai Phẩm tồn tại năm tháng. Nhưng cả phong trào hai đều có công lớn trong việc đổi mới văn học và đòi hỏi dân chủ cho đất nước. Lịch sử Phan Châu Trinh đã rõ ràng tường tận. Lịch sử Phan Khôi, hoặc bị nhục mạ như một người bán nước, hoặc không ai biết đến.

Việc tìm lại chân dung đích thực của Phan Khôi, đưa chúng ta trở lại tìm hiểu lịch sử chống Pháp đầu thế kỷ XX, môi trường phát xuất một con người. Để:

1) Xác định vị trí Phan Khôi trong văn học và trong lịch sử phức tạp của cuộc kháng chiến chống Pháp
2) Hiểu thái độ Phan Khôi, đôi khi coi thường, đôi khi miệt thị Hồ Chí Minh, khác hẳn với toàn bộ thành viên của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
3) Hiểu sự thanh trừng và hạ nhục Phan Khôi sau Nhân Văn Giai Phẩm

Muốn hiểu sự đối đầu, gần như khinh mạn này của Phan Khôi đối với Hồ Chí Minh, cần xem lại khung cảnh lịch sử mà hai nhân vật đã sống, để xác định những nét nổi bật của Phan Khôi như một nhà văn hoá đối lập với nhà lãnh tụ Hồ Chí Minh. Một học giả mà công lao xây dựng nền quốc học ngang với Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn.

Bước sang thế kỷ XXI đã 10 năm và đất nước đã thống nhất 35 năm, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên sửa soạn viết lại lịch sử Việt nam một cách khoa học và đúng đắn, không thể trông cậy mãi vào các nhà nghiên cứu nước ngoài để tìm lại sự thực về lịch sử dân tộc: Georges Boudarel và gần đây, Heinz Schutte đã viết về Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm (bản dịch trên Talawas) một cách trung thực. Daniel Hémery, Pierre Brocheux đều tìm cách vẽ những chân dung Hồ Chí Minh khác với cách nhìn chính thống. Những công trình này rất bổ ích, nhưng không thể thay thế cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam của chính người Việt.

Những điều vô lý trong tiểu sử Hồ Chí Minh, chỉ có thể tháo gỡ qua những tìm kiếm của người Việt, trong sự nhìn lại toàn diện bối cảnh lịch sử, văn hoá Việt Nam mà người ngoại quốc khó có thể thấy được. Về phía người Việt, dường như có một quy ước bất thành văn "không đụng đến bác Hồ", ở một số nhà nghiên cứu phái tả. Lác đác một vài bài của các nhà phái hữu, nhưng thường phiến diện, không có những kiến giải chắc chắn. Cả hai thái độ đều không mang lại cho lịch sử Việt Nam một ánh sáng mới nào.

Đã đến lúc, phải tìm lại chân dung đích thực của những nhà cách mạng, những người đã bị bôi nhọ, chôn vùi như Phan Khôi, bên cạnh những người được sùng bái thái quá như Hồ Chí Minh, để thế hệ sau có những điểm tựa mà đánh giá lại lịch sử, một cách công bằng, trung thực.

Đọc toàn bài tại : rfi.fr

Thụy Khuê
Nguồn rfi.fr
Đọc thêm talawas