Thursday, October 7, 2010

Thơ Trần Văn Lương


盲 龜

淒 風 嫋 嫋 擾 漁 燈,
月 淡 盲 龜 繹 葛 藤.
白 眼 茫 茫 千 古 惑,
癡 心 冷 冷 萬 年 冰.
秋 雰 久 掩 庭 前 樹,
俗 客 難 尋 畫 裏 僧.
風 息 月 輪 沈 靜 海,
盲 龜 忽 搨 翅 高 陞.

陳 文 良

Manh Quy

Thê phong niệu niệu nhiễu ngư đăng,
Nguyệt đạm, manh quy dịch cát đằng.
Bạch nhãn mang mang thiên cổ hoặc,
Si tâm lãnh lãnh vạn niên băng.
Thu phân cửu yểm đình tiền thụ,
Tục khách nan tầm họa lý tăng.
Phong tức, nguyệt luân trầm tĩnh hải,
Manh quy hốt tháp sí cao thăng.

Con Rùa Mù (1)

Lửa chài theo gió rét buồn lay,
Trong lưới,rùa mù gắng trở xoay.
Chấp trước,lòng si thêm lạnh lẽo,
Mê mờ,mắt trắng mãi loay hoay.
Thân cây bách cũ,sương đà khuất,(2)
Mặt vị tăng xưa,khách chửa hay. (3)
Gió lặng, trăng khuya chìm đáy biển,
Rùa mù chợt chắp cánh cao bay.

Trần Văn Lương
Cali, 10/2010

Ghi chú:

(1) Tỳ kheo Thích Minh Châu , Đức Phật Của Chúng Ta (Trang nhà Suối Nguồn Hạnh Phúc của chùa Vinh Phúc Quan Độ ):

Trong kinh Tương Ưng V, đức Phật đã dạy: "Ví như này các Tỳ kheo, một người quăng một khúc gỗ có một lỗ hổng vào biển lớn. Tại đấy có con rùa mù, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần. Các ngươi nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo. Con rùa ấy, sau mỗi trăm năm, nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc cây có một lỗ hổng hay không?"

"Năm khi mười họa may ra có thể được, bạch Thế Tôn, sau một thời gian dài".

"Ta tuyên bố rằng còn mau hơn, này các Tỳ kheo, là con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có lỗ hổng ấy. Còn hơn kẻ ngu, khi một lần đã rơi vào đọa xứ, để được làm người trở lại. Vì cớ sao? Vì rằng ở đấy không có pháp hành, chánh hành, thiện nghiệp, phước nghiệp. Ở đấy, này các Tỳ kheo, chỉ có ăn thịt lẫn nhau, và chỉ có kẻ yếu bị ăn thịt.." (Tương Ưng V, 485)

"Thật khó được vậy, này các Tỳ kheo, là được làm người. Thật khó được vậy, này các Tỳ kheo, là được Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A la hán, Chánh đẳng giác, thật khó được vậy, này các Tỳ kheo, là Pháp và Luật này do Thế Tôn thuyết giảng, chiếu sáng trên đời." (Tương Ưng V, 450 - 460).

(2) Vô Môn Quan, tắc 37, Đình Tiền Bách Thụ.
Một ông tăng hỏi Thiền Sư Triệu Châu:
- Ý của Tổ Sư (Đạt Ma) từ Tây sang là gì ? ( Hán : Như hà thị Tổ Sư Tây lai ý ?)
Triệu Châu đáp:
- Cây bách trước sân (Hán: Đình tiền bách thụ tử).

Lời bình của Vô Môn Huệ Khai :
Nếu nhằm vào lời đáp của Triệu Châu mà thấy được thì trước không có Thích Ca, sau không có Di Lặc (Hán: tiền vô Thích Ca, hậu vô Di Lặc)

(3) D.T. Suzuki, Thiền Luận, quyển Thượng, bản dịch tiếng Việt của Trúc Thiên, tr. 501-503:
Quan tướng quốc Bùi Hưu khi còn làm thứ sử Tây An có lần đến viếng một kiểng chùa, vào chánh điện dâng hương cúng Phật. Chủ chùa tiếp đón. Bùi thấy trên tường có một bức họa bèn hỏi hình ai. Ông chủ chùa bảo đó là chân dung một cao tăng. Bùi hỏi: "Chân dung đây còn cao tăng đâu?"
Tăng chúng không đáp. Bùi lại hỏi: "Trong đây có Thiền nhân nào không?"
Đáp: "Gần đây có một người đến ở chung, hiện lo việc tạp dịch, ông ta có vẻ là người Thiền lắm".
Bùi nói: "Xin mời ra cho tôi hỏi thăm chút được không?"
Ông sư mới (*) liền được thỉnh ra trước mặt quan tướng quốc.
Bùi vừa thấy liền hớn hở lên tiếng ngay:
"Hưu tôi có một điều muốn hỏi, ngặt chư vị đây không đáp, vậy thỉnh đại nhân ban cho một lời".
Sư hỏi: Mời tướng công cứ hỏi.
Hưu lặp lại câu nói trên: "Còn cao tăng đâu?"
Sư hét chát chúa:
- Bùi Hưu ?
- Dạ !
Sư lặp lại câu hỏi: Còn cao tăng đâu?
Bùi Hưu tức khắc dưới câu phản vấn nhận ra ý chỉ Thiền như bắt được ngọc kế châu.

(*) Hoàng Bá Hy Vận, pháp từ của Bách Trượng Hoài Hải và là thầy của Bùi Hưu sau này.