Monday, December 31, 2012

Điện Ảnh

4 mỹ nhân gốc Việt
 
Hãy cùng điểm lại 4 mỹ nhân thực nổi tiếng và sành điệu mang dòng máu Việt trên thế giới!
 
Xuất thân từ những người mẫu, thâm nhập vào làng diễn viên, ca sỹ, truyền hình... Họ vô cùng xinh đẹp, quyến rũ và nổi tiếng. Nhưng con đường đi đến thành công của những bóng hồng này không hẳn đều khiến mọi người khâm phục…

Tuy nhiên, không ai phủ nhận rằng đó là những "điểm sáng" thực sự trong showbiz quốc tế. Và đương nhiên với danh xưng một ngôi sao, các mỹ nhân gốc Việt này luôn gây chú ý với phong cách thời trang gợi cảm cùng sự nhạy bén với các xu hướng mốt mới nhất.

Hãy cùng điểm lại 4 mỹ nhân thực sự nổi tiếng và sành điệu mang dòng máu Việt trên thế giới!

1. Tila Nguyễn
 
Mang trong mình hai dòng máu Việt và Pháp, Tila Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Thiên Thanh, sinh năm 1981 tại Singapore. Cô được biết đến với nghệ danh Tila Tequila, là một người mẫu ảnh kiêm ca sĩ nổi tiếng hiện đang sinh sống tại Houston, Mỹ.

Từng dấn thân vào sự nghiệp ca hát nhưng Tila Nguyễn chỉ thực sự nổi danh khi bước chân vào nghiệp người mẫu, nhất là sau khi được mời làm người mẫu khỏa thân cho tạp chí Playboy. Hiện Tila là gương mặt quen thuộc của các tạp chí Stuff, Maxim UK, Import Tuner. Cô cũng xuất hiện đều đặn trên các chương trình khiêu vũ của kênh Fuse TV, làm việc cùng kênh VH1 với tư cách bình luận viên.

Với vẻ đẹp hoang dại, nóng bỏng và khêu gợi, Tila có tên trong danh sách 100 cô gái sexy nhất trên Internet do độc giả tạp chí Stuff bình chọn và đứng ở vị trí 88/100 cô gái nóng bỏng nhất của Maxim UK. "Hoàng tử nhạc pop" Justin Bieber đã tiết lộ từng hết lòng ngưỡng mộ vẻ đẹp của Tila Nguyễn. Tuy nhiên, sự nổi tiếng của Tila luôn song hành bên cạnh những tai tiếng. Những scandal tình ái gây sốc, những vụ ảnh nóng đầy khiêu khích trên trang bìa tạp chí hay sự cố lộ hàng luôn gắn liền với tên tuổi người đẹp chân ngắn này.
Nhắc đến Tila Nguyễn, người ta nhớ ngay đến những trang phục siêu ngắn, bó sát và mỏng tang đầy khiêu khích. Cô thường xuyên bị giới truyền thông cũng như công chúng Mỹ lẫn khán giả Việt chỉ trích vì sự nóng bỏng quá nỗi. 
 
2. Lý Mỹ Kỳ
 
Ở Hollywood người ta gọi cô là Maggie Q, còn tên tiếng Hoa của cô là Lý Mỹ Kỳ. Mẹ là người Việt, cha là người mang quốc tịch Mỹ, Lý Mỹ Kỳ sinh ra ở Hawaii, năm 17 tuổi cô đến Nhật làm người mẫu để kiếm tiền trang trải cho việc học hành của mình. Nhưng mọi việc không suôn sẻ như mong đợi, chỉ khi quyết định sang Hồng Kông lập nghiệp, tên tuổi của Lý Mỹ Kỳ mới tỏa sáng.

Không hẳn là "bom sex" nhưng người đẹp có nghệ danh Magie Q này cũng khá nổi tiếng với những scandal, những khuôn hình nóng bỏng và tài uống rượu điệu nghệ của mình. Nhưng về khía cạnh thời trang, Lý Mỹ Kỳ luôn được xem là một trong những mỹ nhân mặc đẹp của châu Á.

Với đẳng cấp ngôi sao Hollywood, Lý Mỹ Kỳ sở hữu những trang phục hàng hiệu đắt đỏ và luôn xuất hiện với vẻ đẹp hoàn hảo từ trang phục, phụ kiện đến phong cách trang điểm. Lý Mỹ Kỳ gắn với những bộ đầm cocktail thanh lịch cùng những bộ váy dạ hội duyên dáng, gợi cảm.
 
3. Chung Lệ Đề
 
Sinh năm 1970 tại Sài Gòn nhưng lớn lên tại Canada, Chung Lệ Đề có mẹ là người Việt Nam, bố là người Việt gốc Hoa. Sở hữu một gương mặt khả ái cùng thân hình hoàn hảo, cuốn hút, cộng thêm lối diễn xuất táo bạo, Chung Lệ Đề được mệnh danh là biểu tượng sex một thời của màn ảnh Hồng Kông. Bà mẹ 3 con này còn từng được mệnh danh là "Nữ hoàng gợi cảm", "Quả bom sex của châu Á".

Cô cũng nhận được vô số lời mời tham gia quảng cáo và chụp ảnh bìa cho hàng loạt tạp chí lớn ở Hong Kong, Đài Loan và cả đại lục... Nhiều lần cô được độc giả các tạp chí thời trang lớn của Hồng Kông bình chọn là người phụ nữ gợi cảm nhất, người phụ nữ quyến rũ nhất, người phụ nữ gợi tình nhất châu Á. Không chỉ có nhan sắc mặn mà, người đẹp họ Chung còn có tài năng diễn xuất rất tuyệt vời. Cô được xem là một trong những nữ diễn viên nổi tiếng và đắt “show” nhất Hồng Kông trong thập niên 90 của thế kỷ trước.

Ở tuổi tứ tuần, Chung Lệ Đề dần rũ bỏ hình ảnh "bom sex" để hướng tới vẻ đẹp sang trọng, quý phái và mặn mà. Mỗi lần xuất hiện, cô lại khiến người hâm mộ ngây ngất với vẻ đẹp tròn trịa, đầy đặn được khoe khéo léo trong những trang phục vừa vặn và quyến rũ.
 
4. Brenda Song
 
Brenda Song sinh vào ngày 27 tháng 3 năm 1988 tại Carmichael, California. Bố cô là người H'mông (Việt Nam), mẹ cô tên Mai, là người Mỹ gốc Thái Lan. Brenda Song được xem là ngôi sao gốc Việt hiếm hoi tại Hollywood đi lên bằng tài năng thực sự. Không cảnh nóng, không ảnh nude, Brenda "đi thẳng" đến sự nổi tiếng nhờ khả năng nghệ thuật thiên phú và sự chăm chỉ học tập của mình.

Cô gái với làn da nâu và đôi mắt đen tròn vo này tuy không có chiều cao và thân hình chuẩn xác nhưng bù lại Brenda Song có vẻ đẹp dễ thương, đáng yêu. Cô còn được coi là một trong những ngôi sao mặc đẹp được tuổi teen nước Mỹ cũng như trên thế giới mến mộ.

 Với vóc dáng đậm và chiều cao khiêm tốn, Brenda rất biết cách ăn mặc để giấu khuyết điểm. Cô được yêu thích với những bộ váy trẻ trung, xinh tươi cùng cách trang điểm ấn tượng nhưng không hề gắn mác "già nua".
 
Xem phim : SAMSARA
(Nữ Tài Tử Chung Lệ Đề)

 
 
Ngọc_Trai_Đen
@khampha  -  dantri

Sunday, December 30, 2012

Du Lịch

 Du Lịch Thế Giới


 
 
 
 

Trung Ngôn

 Nỏ Thần Giả
 
Năm 2012 vừa qua tại Việt Nam, hai sự việc đã xảy ra được xem là trọng đại và đến nay vẫn còn nóng bỏng: việc cưỡng chế đất đai đưa đến đổ máu và sự bành trướng quá lộ liễu của Trung Cộng. Đây không phải là hai sự kiện bột phát, mà chỉ là những diễn tiến càng ngày càng làm cho sự việc xấu thêm. Thật vậy, những tranh chấp đất đai trong nước đã manh nha từ 20 năm trước, từ khi Hà Nội đưa ra Luật Đất Đai ban cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp -- lùi một bước đối với những bức phá tự phát của nông dân-- và tiếp theo đó là những hành động đàn áp từ trong trứng nước các vụ dân oan khiếu kiện. Còn ảnh hưởng của “bản đồ hình lưỡi bò” đối với Việt Nam thì chỉ là một hậu quả tất yếu sau hành động hồ đồ của Hà Nội dưới thời Thủ Tướng Phạm Văn Đồng khi ông ta tuyên bố đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Hoa Lục, và tiếp theo là việc nhường đất đai biên giới, di chuyển các cột mốc về phương Nam, cho khai thác tài nguyên nội địa, và những tuyên bố tránh né đối với những việc làm côn đồ của “các tàu lạ”.

Trước những bệnh tình nguy hiểm và phức tạp này, nguyên tắc trị liệu căn bản của Hippocrates là primum non nocere, tức trước tiên là đừng làm điều gì tổn thương. Vậy mà Hà Nội đã làm nhiều điều hoàn toàn trái ngược. Chính quyền các cấp đã ra tay đàn áp thô bạo những nông dân khiếu kiện về những thiệt thòi mất mát vật chất của mình; đánh đập dã man tù đày nặng nề những người biểu tình bày tỏ ưu tư trước sự thiệt hại của đất nước. Những việc làm của đảng Cộng Sản Việt Nam cho thấy đảng cầm quyền này là một tập đoàn hung hãn và thô bạo, càng ngày càng xa cách nhân dân -- nếu không nói là đang trở thành kẻ thù của nhân dân. Và từ đó người ta tự hỏi đảng Cộng Sản đã đi được bao xa kể từ khi nắm chính quyền.

Với Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà mà phần đầu được dịch vội vã từ Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ, những người Cộng sản đầu tiên đã ghi dưới quốc hiệu ba danh từ: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” để xác định hướng đi mà tân quốc gia với 14 triệu dân lúc đó phải hướng tới. Và họ đã, đang và sẽ đưa quốc gia về đâu?

“Độc lập?” Ai cũng hiểu rằng độc lập ở đây là độc lập đối với Pháp. Có người cho rằng không cần phải tranh đấu tốn hao xương máu thì vài thập niên sau, nước Việt Nam cũng sẽ độc lập nhờ cao trào giải phóng thuộc địa sau Thế Chiến Thứ Hai. Cũng có ý kiến cho rằng Hồ Chí Minh là người mê mộ phong trào Cộng Sản quốc tế, chứ nào có nghĩ gì độc lập của quê hương đất nước. Dù nghĩ thế nào đi nữa thì trong quá trình dân ta giành độc lập từ thực dân Pháp, họ Hồ và đảng Cộng Sản Việt Nam luôn luôn cho thấy là họ đã phản bội xương máu của bao nhà ái quốc và đồng bào đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc khi chiến đấu bên cạnh họ. Giờ đây, mỗi khi nhìn chữ “độc lập” trên các thông báo của nhà nước, hay khi viết lên các đơn khiếu kiện, người dân không khỏi chua chát tự hỏi bấy lâu nay VN có độc lập với kẻ thù truyền kiếp phương Bắc hay không? Các chuyến đi cầu viện trong mưu đồ thôn tính miền Nam trước 1975; các chuyến đi riêng lẻ để “cầu phong” và củng cố địa vị cá nhân trong những năm vừa qua; các hoạt động không ngừng của những đường điện thoại đỏ giữa Hà Nội và Bắc Kinh; các vụ đàn áp trí thức, sinh viên và thường dân dám bày tỏ mối ưu tư của mình đối với việc Hà Nội nhu nhược, vì quyền lợi riêng tư đã dâng hiến lãnh thổ, lãnh hải, và những quyền lợi kinh tế khác cho Bắc Kinh v.v. cho thấy tinh thần và văn hoá “Bắc thuộc” của Hà Nội, chứ không có chi gọi là “độc lập” cả -- nếu không muốn nói là “dịch chủ tái nộ”, một ông chủ mới gần kề, mưu mẹo và độc hiểm hơn.
 
“Tự do?” Hồi 1945, người ta đòi Pháp ban bố tự do hội họp, báo chí vv. Khi lấy lại dược chủ quyền, người dân muốn đi từ địa phương này sang địa phương khác, phải xin xỏ trình báo theo quy chế “hộ khẩu”. Ngày nay các sinh hoạt tôn giáo, văn hóa cũng phải được phép trước và bị canh chừng gắt gao. Các cuộc đàn áp những người dân vô tội, các bản án nặng nề dành cho các nhà trí thức, các bloggers, các văn nghệ sĩ bày tỏ mối ưu tư của mình đối với đất nước v.v. đã bị thế giới nhiều lần lên án. Tại VN hiện nay, những quyền tự do đi lại, hội họp, ngôn luận, tôn giáo v.v. là những thứ mơ hồ nhất thế giới! Có thể nói một cách tổng quát, ở các nước tự do, người dân không được phép làm những gì mà luật pháp cấm đoán, còn ở Việt Nam, người dân chỉ được làm những gì mà nhà nước cho phép. Khốn nỗi những gì nhà nước “cho phép” lại rất hạn chế, lại thay đổi thất thường, tùy lợi ích và hứng thú của các cấp quyền lực. Sự chuyên chế, trực tiếp chà đạp quyền tự do của nhân dân mà đảng Cộng Sản Việt Nam cho thấy mỗi ngày khiến người ta nhớ đến sự tham quyền của vua Charles I (1600 - 1649) của nước Anh: sau nhiều năm cực lực và dai dẳng chống đối quốc hội, thậm chí thông đồng với ngoại bang để nhằm giành lại “vương quyền thiêng liêng”, và cuối cùng bị thua. Trong khi chờ đợi bị chặt đầu trước pháp trường, ông ta vẫn ngoan cố cho rằng quyền tự do của nhân dân không thể nào được san sẻ trong chính quyền, và rằng “thần dân và chủ quyền là hai thứ hoàn toàn khác nhau.” Lịch sử cận đại đã cho thấy: Một nhà độc tài cai trị một quốc gia, hắn sẽ không toàn mạng. Một gia đình trị, gia đình đó sẽ nát tan. Một quốc gia kiêu hãnh độc đoán, sẽ đưa đến thế chiến! Còn độc đảng dốt nát, hung hãn và nhũng lạm cai trị thì sẽ đưa quốc gia đó về đâu? Nó làm cho quốc gia đó bại hoại lâu dài sau khi nó tan rã, và đất nước phải cần rất nhiều năm mới có thể hồi phục nỗi.

“Hạnh phúc?” Người ta không rõ khi Hồ Chí Minh ghi xuống hai chữ “Hạnh phúc”, thì ông lấy cảm hứng từ đâu, từ chữ Pháp le bonheur commun trong khẩu hiệu “Le but de la société est le bonheur commun” của tờ báo khuynh tả Le Tribun du Peuple (1794) của Gracchus Babeuf (bị tử hình sau đó) hay ông mượn ý niệm the Pursuit of Happiness trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ (1776). Dù là “hạnh phúc chung” (Babeuf còn gọi là “hạnh phúc dân tộc”, le bonheur du people), hay hạnh phúc cá nhân đi nữa, thì trải qua hơn nửa thế kỷ từ khi đảng Cộng Sản nắm quyền đến nay, thử hỏi trong nhân dân bao nhiêu người được hạnh phúc? Thật khôi hài và mỉa mai khi người Việt được xếp “hạnh phúc hạng nhì trên thế giới”, như kết quả một cuộc thăm dò nào đó đã cho những người được phỏng vấn tự đánh giá. Cái hạnh phúc này chỉ có thể so sánh với cái hạnh phúc của một anh tù bị biệt giam trong ngục tối cho là mình đang có, khi anh ta 2 tuần được cho ra ngoài tắm một lần, rồi sau đó lại vào ngục tối. Chẳng lẽ dân ta lại dễ thích nghi (adaptation) cảnh khổ dễ dàng và nhanh chóng như thế sao? Quanh năm kiếm sống quần quật, vất vả, bị bốc lột đủ điều nay được được dịp lên thành ăn một ly kem, nhìn ánh đèn màu quảng cáo lấp lánh, là có thể la hét lên rằng mình hạnh phúc được sao? Nếu ông cha chúng ta dễ dàng có hạnh phúc như vậy, thì có lẽ trong một ngàn năm nô lệ giặc Tàu đã không có những cuộc nổi dậy! Trên hai ngàn năm trước đây, Socrates nói rằng trong những thứ mà một người đang theo đuổi hạnh phúc cho là tốt nhất (tự bản chất của chúng cũng như do các kết quả chúng mang lại) thì công lý (justice) có giá trị nhất. Aristotle quả quyết rằng người nô lệ không thể nào hạnh phúc. Định nghĩa đời sống hạnh phúc nhất là “đời sống trầm tư mặc tưởng” (the contemplative life) – cao hơn cả cuộc sống với những lạc thú, cuộc sống chính trị với những danh dự mang lại, hay cuộc sống tạo ra tiền bạc của cải – mà chỉ những nhà thông thái thánh thiện mới có thể đạt, ông thấy chưa đủ; ông lại còn đòi hỏi họ phải thực hiện trong trọn cuộc đời. Ông viết: “Vì một con én không thể làm ra mùa hè, và một ngày cũng không thể; cho nên một ngày hay một thời gian ngắn không thể khiến cho người ta được ân điển và hạnh phúc.” Ngày nay, chúng ta không đề ra những tiêu chuẩn khắt khe như Aristote, nhưng rõ ràng chúng ta thấy người ta “hiểu” và “cảm thấy” hạnh phúc sao quá dễ dàng! Uống một ly bia với thủ trưởng; bắt tay với “đồng chí Bộ Trưởng”; bỏ tiền sắp hàng vào thăm lăng “Bác” một lần vv. đều là “hạnh phúc.” Có hơn chi một con chim trong lồng son với gạo nước đầy đủ hằng ngày!

Có lẽ đến lúc nhà cầm quyền Hà Nội nên lặng lẽ ra lệnh bỏ ba danh từ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” này đi, bởi vì chúng không những đã mất hết ý nghĩa lịch sử tốt đẹp của chúng, mà còn làm tủi thân cho những người đã hy sinh xương máu vì chúng. Tuy nhiên, nếu Hà Nội cứ nghĩ những nụ cười được ghi nhận trên các khuôn mặt người đọc và người viết các danh từ này, cũng như những người tham gia vào các cuộc thăm dò về hạnh phúc đều là “những nụ cười hạnh phúc thực sự” (duchenne smiles), thì họ nên mở một chiến dịch lớn nhắc lại với nhân dân trân trọng hơn, ngoạn mục hơn và “hoành tráng” hơn!

Trong vài năm qua, đã có những chỉ dấu báo động rằng “gạo nước trong lồng son” nói trên sẽ không còn lâu dài. Mặc dầu đảng Cộng Sản đã cố gắng giữ nguyên trạng trong guồng máy lãnh đạo trong lần đại hội thường niên vừa qua, nhưng trước và sau đó, đầu tư nước ngoài đã vô cùng lo ngại, không còn muốn bước chân vào đất nước mà “lãnh đạo chính trị” dễ bị bứng đi, và “đường lối kinh tế tài chánh” bấp bênh thay đổi thường xuyên. Đầu tư ngoại quốc lại còn e ngại vì không muốn dính líu vào các vụ cưỡng chế /khiếu kiện đất đai mà phía đối tác Việt Nam có thể gây ra, chỉ vì bồi thường thiếu minh bạch. Ngoài ra, họ cũng không yên tâm như nhiều năm trước đây vì trong vài năm nay, công xá của lao động không chuyên môn có khuynh hướng càng ngày càng tăng. Đó là chưa nói tới trình độ khoa học kỹ thuật không thấy gì phát triển: trọn thập niên vừa qua, số bằng sáng chế và các công trình nghiên cứu chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Thiếu đầu tư nước ngoài, VN đành phải ngóng về đầu tư phương Bắc, và đầu tư của các cơ sơ quốc doanh. Cái thòng lọng oan nghiệt này sẽ siết cổ dần nền kinh tế mới vừa toan cất cánh. Ngay cả nông thôn vốn là nền tảng của phát triển kinh tế từ nhiều năm nay, và là môi trường sinh sống của hơn 65% dân số, cũng không có cơ đứng vững: gạo bị các nước láng giềng cạnh tranh gay gắt; đất đai thổ nhưỡng càng ngày càng cạn kiệt và bị thời tiết, khí hậu, nước biển đe dọa.

Những vụ cưỡng chế đất đai năm 2012 là những cảnh báo nghiêm trọng buộc Hà Nội phải cẩn thận hơn, dè dặt hơn trong việc nghiên cứu áp dụng dự thảo cải cách ruộng đất mà Ngân Hàng Thế Giới đã trao cho từ mấy năm trước. Năm 2013 là năm dân chúng phải giao nộp lại ruộng đất sau hai thập niên được ban cho quyền sử dụng. Chọn giải pháp “hạn điền” 40 - 50 năm hay sở hữu vĩnh viễn ruộng đất cho cá nhân đi nữa đều chứng tỏ Hà Nội đã sai lầm 20 năm qua trong nổ lực bám víu cái cốt lõi “quyền sở hữu nhà nước” mục nát. Giải pháp lần này chắc chắn sẽ đem lại những xáo trộn không nhỏ trong gia đình, trong các cộng đồng -- nhất là các cộng đồng sắc tộc -- ngoài xã hội cũng như trong tổ chức chính quyền các cấp, tạo thêm cơ hội tham nhũng, sẽ làm tiêu hao thêm không biết bao nhiêu thì giờ, tiền của, nghị lực của cả nước – đáng lẽ có thể dùng vào những công tác tích cực khác. Khi quốc hữu hóa ruộng đất Miền Nam thì Hà Nội đã đi ngược trào lưu thế giới thời đó; nay nếu tư hữu hóa đất đai cả nước đi nữa, thì họ đã chậm hơn thế giới nửa thế kỷ, chứng tỏ khả năng quản lý kinh tế quá yếu kém của họ mà thôi. Nhưng có lẽ trể còn hơn không! Mặt khác, người dân cũng có quyền đặt nghi vấn rằng luật đất đai 2013 rồi đây cũng chỉ nhằm vá víu, đồng thời nhằm giúp cho các đảng viên và những nhóm quyền lợi thôn tính thêm đất đai chung quanh để lập ra những đồn điền trang trại mà nhà nước sẽ khuyến khích qua chính sách trung và đại canh tác dưới chiêu bài hiện đại hóa nông nghiệp. Và rồi vận mạng của những nông dân và gia đình không có đất canh tác sẽ ra sao? “Liên Minh Công Nông” mà đảng CS lớn tiếng ca tụng trong 2 cuộc chiến chỉ là một chiêu bài bịp bợm, đó là chưa kể nông dân đã bị bóc lột tận xương tủy sau 1975 để nuôi thành thị và đám đảng viên chỉ tay năm ngón, ngồi mát ăn bát vàng (một chính sách kinh tế hiếm hoi trên thế giới).

Trong mấy tháng cuối năm, Hà Nội đã có một vài hành động mà người ta tự hỏi đó có phải chăng đó là những nổ lực khá trễ hay là những bẩy sập giăng ra. Tiếp theo sau bản kiến nghị của một số nhỏ trí thức hải ngoại – không rõ là tự phát hay bị móc nối - là những hội thảo, nghiên cứu về Việt Nam; các cuộc tiếp xúc của các viên chức cao cấp Hà Nội với năm bảy trí thức nước ngoài thân thiện với chính quyền đương thời; các chuyến bay về Hà Nội của một số nhỏ chuyên viên kinh tế, bang giao quốc tế. Đặc biệt hiện nay có một ấn phẩm được tung ra trên mạng mà một vài người giới thiệu đã vội khen lấy khen để cho là “trung thực”, là “khách quan”, với một ít chi tiết mà người ta nghĩ rằng có thể ve vuốt được những kẻ thua cuộc. Nhưng tác giả cũng như những người giới thiệu khó mà hiểu được rằng đối với những người đã từng cảm nhận thế nào là thực sự thua cuộc, đã từng chịu tù đày cay đắng mất mát, đã từng trải qua và chứng kiến những đau đớn thể chất và tinh thần dưới chế độ cộng sản, và đối những người lúc nào cũng nghĩ tới “Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm”, thì quyển sách này chỉ làm cho họ cảm thấy vết thương trên cơ thể còn chưa liền da, và vết thương lòng càng thêm nhức nhối.

Chất xám của một thiểu số trí thức hải ngoại liệu có quý hơn chất xám của trí thức quốc nội chăng? Xin đừng quên: Trí thức quốc nội vốn là những người cùng gia đình và họ hàng thân thuộc đã, đang và sẽ chết sống cùng với sự suy thịnh kinh tế và sự tồn vong của đất nước. Nếu Hà Nội xem một ít trí thức hải ngoại là điểm tiếp xúc tốt để thực hiện các công tác lobby, “móc ngoặc” đưa đẩy Washington DC, Ottawa, Canberra, London, Paris v.v. có một chính sách hay đường lối chính trị, quân sự hay kinh tế với chút ưu ái thuận lợi cho Hà Nội mà không cần đếm xỉa đến vấn đề nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam (như Hà Nội đã thành công trước đây để được bình thường hóa quan hệ ngọai giao với Hoa Kỳ), thì đó quả là một thảm họa cho những nhà tranh đấu dân chủ trong nước nói riêng, và cho nhân dân Việt Nam nói chung. Không cần phải nói, ngày nào đảng Cộng Sản còn sử dụng bạo quyền, thì đám mafia mà quyền lợi là chất keo gắn bó chúng với nhau sẽ càng cảm thấy “độc lập”, “tự do” tung hoành, và say sưa “hạnh phúc” trên máu xương nhân dân.

Có người còn đặt ra câu hỏi khác: Liệu sẽ có một “tinh thần Diên Hồng” chăng? Chúng ta đừng quên rằng nhà Trần đưa ra “Hội Nghị Diên Hồng” là để thống nhất ý chí quốc dân, đặc biệt trong đó có một bộ phận không nhỏ vẫn còn “hoài cổ”, vẫn còn nghĩ tới nhà Lý, cũng như sự thiếu “tính cách chính thống” của các vua Trần. Tuy nhiên đa số những người hoài cổ đó không còn ở trong chính quyền. Điều đáng lưu tâm là hiện nay trong nhóm chóp bu của đảng Cộng Sản, không ít người đã và đang được Trung Cộng nuôi dưỡng, chỉ đạo, ban nhiều ân sủng, hoặc đang bị Hoa Lục nắm con bài tẩy. Những Hoàng Văn Hoan đầy rẫy này thật vô cùng nguy hiểm -- cho cả nhân dân quốc nội lẫn kiều bào hải ngoại.

Tóm lại, trước nhu cầu cấp bách phải tìm ra giải pháp ổn thỏa cho vấn đề chủ quyền ruộng đất, và phải tìm cách ứng phó thích nghi với bành trướng phương Bắc --trong bối cảnh kinh tế tài chánh không có gì sáng sủa-- người ta sẽ thấy Hà Nội càng ngày càng thêm lúng túng. Đó là vì trong hơn 60 năm nay, đảng Cộng Sản đã gieo quá nhiều hạt giống độc trên đất nước. Chỉ khi nào họ thức tỉnh, cư xử nhân bản và tôn trọng người dân trong nước, thì chúng ta người Việt hải ngoại mới có thể nghĩ rằng họ bắt đầu thay đổi. Bằng không, những chiếc “nỏ thần” mà họ có thể sẽ trao ra chỉ là những chiếc nỏ giả.

Trung Ngôn
Dec.29-2012

Saturday, December 29, 2012

Nguyễn Quang Duy


Tại Sao Nên Xem “Bên Thắng Cuộc"?
 
Hồi Tưởng 30 Tháng 4 năm 1975
 
Tối 29, tôi nằm cạnh khẩu carbine lắng nghe tiếng súng từ xa vọng lại. Cha tôi một đoàn viên Nhân Dân Tự Vệ được giao khẩu súng này và cho tôi sử dụng. Tôi thầm nghĩ nếu Việt cộng tấn công Sài Gòn tôi sẽ nổ đến viên đạn cuối cùng.

Sáng 30, tiếng của Tổng Thống Dương Văn Minh Tuyên Bố bàn giao chính quyền. Trong nhà, mẹ tôi cẩn thận cuốn nhỏ lá cờ vàng dấu kỹ dưới đáy giương quần áo. Ngòai ngõ mặc cho lời kêu gọi buông súng một đội quân hỗn hợp, dẫn đầu là một sỹ quan Dù vẫn tiếp tục tuần tra bảo vệ cư dân.

Tối 30, mở truyền hình xem tin tức, người xướng ngôn viên với khuôn mặt, cử chỉ và giọng đọc đằng đằng sát khí phát đi thông báo của “chính quyền cách mạng”. Hôm sau khuôn mặt này biến mất, những khuôn mặt mới bắt đầu xuất hiện.

Sáng 1, tôi trà trộn vào những đòan người tiếp xúc với đòan quân Bắc Việt vào “Giải Phóng” miền Nam.
Mồng 2, tôi trở lại ngôi trường Petrus Trương Vĩnh Ký bạn bè kháo nhau Võ văn Kiệt lấy trường tôi làm Tổng Hành Dinh. Về nhà tôi nói với cha tôi, tôi sẽ tiếp tục chiến đấu. Cha tôi cho biết tôi đã lớn có quyền quyết định cho chính mình.

Từ đó tôi chưa bao giờ xem mình là người thua trận và cũng chỉ xem những người bên kia như những “kẻ chiếm đóng”. Muốn lấy lại quốc gia cần phải hiểu giặc. Tôi tự phát triển phương cách để đọc sách báo cộng sản. Có bài họ viết như thế nhưng mình phải nghĩ ngược lại. Họ viết như thế này để che dấu điều gì ? Họ viết như vầy nhưng để thông tin chuyện chi ? Tôi nhanh chóng trở một "bình luận gia" chính trị "nói có sách mách có chứng".

Tôi yêu Sài Gòn nơi tôi lớn khôn với hơn 7 năm sống chung với “lũ”. Tôi thấy lại hình ảnh Sài Gòn đầy ắp trong quyển sách “Bên Thắng Cuộc”. Tôi đếm được 494 lần Sài Gòn được nhắc đến trong khi chỉ 118 lần tên của một người đã chết được dùng. Lạ thật tại sao Huy Đức lại luôn nhắc đến Sài Gòn trong tác phẩm của mình ? Sài Gòn vẫn sống trong tôi, có phải cũng sống trong lòng Huy Đức ?

Ngay khi xem một vài chương giới thiệu quyển sách tôi đã góp ý Huy Đức như sau: "Quyển sách đã và sẽ tạo nhiều tranh luận, Huy Đức ráng thu thập mọi ý kiến từ mọi phía, để rút kinh nghiệm cho quyển II. Riêng mình nhận xét quyển sách sẽ có ảnh hưởng sâu rộng tại Việt Nam." Cái tựa đề ngạo nghễ “Bên Thắng Cuộc”, cái lý lịch sỹ quan quân đội cộng sản, việc trích những bài báo tuyên truyền cộng sản tự nó đã tạo nên những phê phán bình luận.

Đã có khá nhiều nhận xét về “Bên Thắng Cuộc”, riêng tôi rất quan tâm đến lịch sử cận đại. Tôi đã phổ biến nhiều bài viết về lịch sử, về các nhân vật lịch sử như Hòang Đế Bảo Đại, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Đức Thầy Hùynh Phú Sổ và Hồ Chí Minh, vì thế tôi sẽ bình luận “Bên Thắng Cuộc” từ góc cạnh này.

Sai Lầm “Bên Thắng Cuộc”

Đầu tiên Huy Đức đã để lại khá nhiều lỗi lầm dù nhỏ nhưng rất dễ nhận ra và rất dễ để kiểm chứng. Lấy thí dụ, khi viết về vượt biên trại Trengganu là ở Mã Lai không phải ở Thái Lan hay tên trại Sungai Besi Mã Lai không phải là Sungeipesi như trong sách đã viết. Địa danh mà sai như vậy tự nó đã giảm giá trị của quyển sách.

Thứ đến Huy Đức đã sống và trưởng thành trong tuyên truyền cộng sản nên không thể nhận ra những sai lầm trong mớ thông tin Huy Đức đã tổng hợp. Lấy thí dụ, Huy Đức trích dẫn như sau: ‘Tháng 7-1946, Hồ Chí Minh tới Fonteinebleau. Khi những người Việt Nam trong Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu những đảng viên người Khmer với phái đoàn Việt Nam và đề nghị họ “đi gặp Bác Hồ”, Thiounn, người về sau là một bộ trưởng của Pol Pot, nói: “Chúng tôi trả lời, ông ta không phải là bác của chúng tôi. Họ lại bảo, chúng ta là anh em, các bạn nên thể hiện sự tôn trọng, nhưng chúng tôi cũng từ chối”.’

Vào tháng 7-1946, mặc dầu khi ấy Hồ chí Minh chỉ hơn Huy Đức và tôi vài tuổi, Hồ chí Minh đã tự tạo danh từ “Cụ Hồ” cho mình. Đến những năm đầu 1950, khi “Cụ Hồ” được triều kiến “Ông Mao”, “Ông Stalin”, để tỏ lòng sùng bái hai ”Ông” kia, “Cụ Hồ” tự mình xuống chức “Bác Hồ”. Thậm chí câu chuyện “đi gặp Bác Hồ” ở trên có thể chỉ là câu chuyện bịa, rồi được đưa vào sách của Ben Kiernan, 1996, trang 10 rồi Huy Đức nói có sách mách có chứng trong “Bên Thắng Cuộc”.

Lời lên tiếng của Thiếu tá Tiểu Đoàn phó Tiểu Đoàn 7, Thủy Quân Lục Chiến, Lê Quang Liễn là một dẫn chứng về việc ngụy tạo thông tin:

Thật ra toàn bộ anh em Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) đã bị bắt, nếu anh em chúng tôi ra hàng thì đã được hưởng qui chế đãi ngộ hàng binh như Phạm Văn Đính và một số đồng bọn thuộc Trung Đoàn 56. Vả lại, đơn vị chúng tôi lúc đó thuộc quyền của Bộ Tư Lịnh Tiền Phương Quân Đoàn I. Ở đây, vị Tư lịnh TQLC không có trách nhiệm nào hết. Người chịu trách nhiệm là Trung Tướng Lâm Quang Thi mới đúng nghĩa hơn. Khi viết toàn bộ ra hàng là điều cố tình hạ nhục anh em chúng tôi khi thất thế !!!

“Nếu ông Huy Đức biết rõ thêm về tôi là người tù cuối cùng của Lữ Đoàn 147 TQLC ra khỏi trại tù ngày 12 tháng 2 năm 1988 sau gần 13 năm tù ngục với 4 năm 7 tháng 24 ngày bị "kiên giam" còng tay, chân, bị đánh gảy xương sườn vì những chống đối tập thể trong Trại tù Bình Điền, Thừa Thiên. Thì phần trích dẫn từ bài viết của tên nhà báo Phan Xuân Huy là thiếu trách nhiệm.

“Tôi biết Phan Xuân Huy là thành phần đối lập cơ hội với chế độ VNCH trước năm 1975 mà tôi tận trung phục vụ. Có lẽ trong những ngày tháng đầu sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Phan Xuân Huy-cũng như một số người nhẹ dạ - vì muốn tìm chỗ đứng an toàn trong lòng chế độ mới bằng những bài viết, những câu nói , với những nhận thức "sâu sắc của mình" về cái hay, cái đẹp của chế độ XHCN. Một nhà báo chân chính phải viết cho sự thật, vì lương tâm thì đừng bao giờ gán, chụp cho những người vắng mặt những gì vì lợi ích cho bản thân, phe nhóm. Tôi gửi đến tác giả Huy Đức những nhận xét của tôi về phần trích dẫn trong sách và mong được hoàn chỉnh sự chính xác cũng như trách nhiệm của người viết…”

Huy Đức đã xin lỗi, cám ơn và hứa sẽ bổ sung khi viết lại. Chỗ láu cá của tuyên truyền cộng sản là tờ Tin Sáng (hay Tia Sáng ?) phỏng vấn bà “LQL” (tên ông Lê Quang Liễn đựơc viết tắt). Nếu vì một lý do gì đó ông Lê Quang Liễn không lên tiếng như thế thì sự bịa đặt lại được Huy Đức ghi chép như một sự kiện lịch sử. Viết sử không phải là như thế.

Trong quyển “Bên Thắng Cuộc”, phần “Con đường Bác đi” Huy Đức đã trích dẫn tòan bộ huyền thọai về Hồ Chí Minh và bà Nguyễn Thị Năm do Hòang Tùng dàn dựng. Nhờ một chút may mắn tôi đã phát hiện trong tập tài liệu Phát động quần chúng và tăng gia sản xuất của tác giả C.B. do báo Nhân Dân xuất bản năm 1955, trang 27 và 28, có bài "Địa chủ ác ghê". Bài này nguyên thủy được đăng trên báo Nhân Dân ngày 21 tháng 7 năm 1953. Tác giả C.B. (Của Bác ?) chính là một bút hiệu của Hồ Chí Minh.

Qua bút hiệu C.B. chính Hồ chí Minh đã đấu tố bà Nguyễn thị Năm, đấu tố hai con của bà Năm và đấu tố những người bênh vực bà. Vụ án bà Nguyễn thị Năm đã gây chấn động lòng người vì thế mới có huyền thọai do Hòang Tùng dàn dựng. Xin mời đọc bài “Vai trò của Hồ Chí Minh trong Cải cách ruộng đất” đăng trên  để nắm rõ sự việc.

Gần đây có hai bức thư của Hồ Chí Minh gởi Stalin được phát hiện lưu trữ tại Cục Lưu trữ Quốc gia Nga. Nội dung các bức thư là xin được xem xét và cấp chỉ dẫn cho Chương trình Cải cách Ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam. Tôi đã viết bài khác :”Huyền thoại và sự thực: Hồ Chí Minh trong Cải cách Ruộng đất” đăng trên  Đáng tiếc “Bên Thắng Cuộc” chưa để mắt tới hai bài viết này.

Huy Đức công khai nhìn nhận các bài báo cộng sản là sản phẩm tuyên truyền. Người cộng sản trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tuyên truyền vì thế các các bài phỏng vấn cũng không tránh khỏi chỉ là sản phẩm tuyên truyền. Gần đây rất nhiều tài liệu, bài viết, hồi ký có thể phá đổ không ít các sản phẩm tuyên truyền được tổng hợp trong tác phẩm “Bên Thắng Cuộc”.

Tôi chỉ đưa ra một vài dẫn chứng cho thấy tổng hợp của bịa đặt, bịa đặt, huyền thọai, bịa đặt, huyền thọai … từ các sản phẩm tuyên truyền cộng sản không phải là sách sử.

Giáo sư Sử học David Marr

Năm 1990, bà Luật sư Ngô Bá Thành, dân biểu hai chế độ, có đến thuyết trình tại Viện Đại Học Quốc Gia Úc Đại Lợi. Buổi thuyết trình được Giáo sư Sử học David Marr chủ tọa. Bà Thành dẻo miệng ca ngợi ông Marr. Sau khi đặt câu hỏi với bà Thành, tôi quay qua ông Marr tuyên bố: “Sử chúng tôi sẽ do chúng tôi viết chứ không phải là các ông”. Ông Marr trả lời đại khái như sau “Tôi viết, rồi viết lại, rồi người khác sẽ viết lại…

Tôi rất thông cảm những người nghiên cứu về sử Việt cận đại như ông Marr. Tài liệu của cộng sản vừa thiếu, lại đầy những bịa đặt và huyền thọai. Không phải là họ không biết nhưng không sống với cộng sản khó nhận ra sự thực đằng sau các sản phẩm tuyên truyền. Tiếc một điều khi học giả Tây Phương sử dụng nó, người mình lại xem nó khách quan, trung thực và chuyên môn, rồi tin theo như tin kinh điển. Bởi thế cộng sản mới mượn tay các học giả Tây Phương để chứng thực các huyền thọai do cộng sản tạo ra. Nếu đảng Cộng sản còn thống trị thì có viết khách quan cách mấy cũng vẫn chỉ là tuyên truyền cho cộng sản.

Nói thế không phải là phủ nhận công lao của họ. Tôi vẫn thầm cảm ơn ông Marr vì nếu không có ông thu thập được tập tài liệu Phát động quần chúng trong đó có bài Hồ chí Minh đấu tố bà Nguyễn Thị Năm thì không có cơ duyên tôi phát hiện nó để phá vỡ một huyền thọai.

Tôi vẫn cảm ơn ông nguyễn Minh Cần, ông Hòang Tùng, ông Bùi Tín, ông Vũ Thư Hiên, ông Đoàn Duy Thành,… đã viết về bà Nguyễn Thị Năm, tên bà đã in vào đầu tôi, để đến khi thấy tên Nguyễn Thị Năm trên "Địa chủ ác ghê" tôi đã nhận ngay đây là một bằng chứng tội ác của Hồ Chí Minh. Việc phá vỡ huyền thọai sẽ giúp chúng ta viết lại sử người mình.

Khi tôi tuyên bố “Sử chúng tôi sẽ do chúng tôi viết” tôi còn một ý nữa. Tôi tự tin sẽ có ngày đồng bào tôi đứng lên giành lại chủ quyền dân tộc, mở một trang sử mới, viết lại trang sử cũ.

Nói thế để thấy công việc Huy Đức đang làm “đi tìm sự thật” là một công việc vô cùng khó khăn.

Vở Bi Hài Kịch “Bên Thắng Cuộc”

Với tôi tác phẩm “Bên Thắng Cuộc” chỉ là một vở bi hài kịch. Các diễn viên nổi bật là giới cầm quyền cộng sản Việt Nam. Họ theo “Con đường Bác đi” con đường bi đác Xã Hội Chủ Nghĩa, một con đường chỉ có trong trí tưởng tượng của ông Mác, ông Lênin, ông Stalin, ông Mao,… Rồi ông Hồ và giới cầm quyền cứ theo đó mà đi. Nó bi thương ở chỗ khi họ thấy sai thì họ cho sửa, họ sửa rồi lại vẫn tiếp tục sai, họ càng sửa lại càng sai, cứ thế càng ngày đất nước càng lâm vào bế tắc.

Huy Đức có một nhận xét đáng chú ý: “…thực sự may mắn cho người dân Campuchia khi những người được Hà Nội đưa lên nắm quyền ở Phnom Penh, đặc biệt là Hun Sen, đã không nghe theo Hà Nội một cách mù quáng. Khi đứng trước thời cuộc mới, họ đã biết quyết định dựa trên quyền lợi của dân tộc mình… Ngày 18-10-1991, khi Việt Nam không còn can thiệp được vào các quyết định của Phnom Penh, Campuchia đã sửa đổi hiến pháp theo hướng từ bỏ chủ nghĩa xã hội: chấp nhận kinh tế thị trường tự do và hệ thống chính trị đa đảng. Tên nước, quốc kỳ, quốc ca, ngày quốc khánh thời Sihanouk được đưa ra dùng trở lại. Hai chữ “cách mạng” trong tên gọi Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, đảng mà Việt Nam giúp dựng lên, đã được bỏ đi…

Nó là một hài kịch ở chỗ giới lãnh đạo cộng sản luôn tự hào là họ đã tự giành được “độc lập”, là đất nước luôn luôn "độc lập", nhưng cái đầu của họ, tư tưởng của họ vướng mắc 4 chữ “Xã Hội Chủ Nghã” mà chính họ cũng không hiểu “Xã Hội Chủ Nghiã” là giống chi chi.

Dự Đóan Quyển II

Nhân vật chính của vở bi hài kịch là Võ Văn Kiệt. Tên ông xuất hiện nhiều nhất 175 lần. Ông xuất hiện ngay đầu tác phẩm, bên trong tác phẩm và rồi lại xuất hiện nhiều lần trong Phụ Lục II trước khi kết thúc quyển I. Tôi vẫn thường đọc các bài viết của Huy Đức nên liên tưởng đến bài “Bẫy Việt Vị của Thủ Tướng”. Bài viết cho biết “hậu duệ” Nguyễn Tấn Dũng là kết quả tuần lễ du hành Hàn Quốc của Đỗ Mười và Võ văn Kiệt. Bởi thế bản chất của “hậu duệ” Nguyễn Tấn Dũng vừa cực đoan như Đỗ Mười vừa táo bạo chấp nhận cải cách như Võ văn Kiệt. Nội dung Quyển II đã được Huy Đức cho biết trước.

Có người cho rằng Huy Đức đi giữa 2 lằn đạn. Tôi nghĩ khác Huy Đức đang đi tìm sự thật, anh đang đi giữa lòng dân tộc để tìm một lối ra.

Là một thành viên Khối 8406, Khối chúng tôi chủ trương đi tìm sự thật vì khi sự thật được phơi bày là lúc chế độ cộng sản sẽ bị giải thể để Việt Nam có tự do có dân chủ. Tôi mong được đọc bản tu sửa quyển I và chờ đợi để được bình luận quyển II.

Tại Sao Nên Đọc “Bên Thắng Cuộc” ?

Nếu ai xem Huy Đức như một tên Việt cộng, nên xem “Bên Thắng Cuộc” để biết người biết ta, biết mà kịp thời lên tiếng.

Nếu ai xem Huy Đức là một tên phản động, nên xem “Bên Thắng Cuộc” vì nó là suy nghĩ của đại đa số quần chúng Việt Nam, biết để tránh bị bánh xe lịch sử nghiền nát.

Nếu ai đang đấu tranh cho tự do dân chủ phải xem “Bên Thắng Cuộc” để quyết tâm “Sử chúng ta sẽ do chúng ta viết”, mở một trang sử mới, viết lại trang sử cũ.

Nếu ai chỉ xem mình là người bình thường rất cần xem “Bên Thắng Cuộc” để thấy chính mình trong vở bi hài kịch “Bên Thắng Cuộc” để cùng đứng lên giành lại tự do.

Xuân năm nay chưa phải là xuân tự do. Xuân tới khi sự thật đã phơi bày sẽ là xuân tự do cho dân tộc. Hãy mở cửa lòng đón nhận Huy Đức người đi tìm sự thật.

Chúc Mừng Năm Mới

Nguyễn Quang Duy
 Melbourne, Úc Đại Lợi

Friday, December 28, 2012

NHVblog

 
Lạ thay! Kẻ đi cướp phá bắt đền nạn nhân
 
Báo Người lao động đưa tin: “Công an, bộ đội đề nghị anh em ông Vươn bồi thường hơn 57 triệu đồng”. Đọc tin này, chắc ai cũng thấy những chuyện như vậy chỉ có trong “Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam” mà thôi.

Cướp xong đòi đền bù?

NhavuonRõ ràng, không cần chứng minh nhiều thì ai cũng đã biết anh em Đoàn Văn Vươn đã buộc phải chống lại việc một đám quân đội, công an với đầy đủ trang bị vũ khí đến vây nhà họ khi ngôi nhà đó không hề là đối tượng để bị bao vây, cướp phá: Nó nằm bên ngoài khu vực có lệnh cưỡng chế. Mặt khác, kể cả lệnh cưỡng chế đất đai nhà họ cũng trái pháp luật, vậy thì dù dưới danh nghĩa nào, việc anh em nhà Đoàn Văn Vươn chống lại đám người đã bất chấp pháp luật nhằm bao vây tiêu diệt họ là chính đáng, chính nghĩa. Dù đám người đó mang danh hiệu nào, lực lượng nào.

Thế nhưng, luật pháp đã dẫn đến việc anh em nhà Đoàn Văn Vươn bị truy tố tội giết người, bị giam cầm gần cả năm nay. Còn đám quân quan đã phá nhà, bắn súng, bắt phụ nữ trẻ em đánh đập, vơ vét tài sản, kể cả con chó con của họ thì… nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Ngược đời hơn, bây giờ đám người tự dưng đến nổ mìn, nổ súng phá nhà, bắt đánh người, kia lại còn đòi nạn nhân phải bồi thường.

Cần phải xác định rằng, dù dưới nhãn mác nào, danh hiệu nào nhưng khi quay súng bắn vào nhân dân, chống lại lợi ích hợp pháp của nhân dân, thì những người đó, lực lượng đó phải được gọi là lực lượng phản động. Họ đã làm ngược lại nhiệm vụ và sứ mệnh của họ là phục vụ nhân dân. Trong trường hợp này, thì đó phải gọi là một đám cướp có vũ trang, xét về phương diện luật pháp.
 
Nếu nói rằng, họ chỉ thi hành mệnh lệnh mà bị thiệt thòi cần đền bù, thì hãy đòi ngay chính những kẻ đã huy động họ đưa đến chỗ để họ vi phạm pháp luật ấy mà đòi. Lực lượng công an do Đỗ Hữu Ca, giám đốc Công an Hải Phòng, người tổ chức “Trận đánh đẹp” phải chịu trách nhiệm đền bù cho họ các tổn thất tinh thần và thể chất. Bên cạnh đó Lê Văn Mải – Trưởng Công an huyện Tiên Lãng cũng là đồng phạm. Về phía chỉ huy quân sự Tiên Lãng do ai huy động, người đó phải chịu trách nhiệm với những kẻ đã bị đưa đi cướp. Kể cả tổn thất về tính mạng nếu có.

Vậy mà bây giờ những kẻ đi cướp lại ngang nhiên đòi nạn nhân bồi thường.
Thử hỏi có đất nước nào, xã hội nào bình thường mà dung túng những hiện tượng đó hay không?
X
ưa nay trên thế giới, chẳng có quốc gia nào mà nạn nhân lại phải đền bù cho bọn cướp được coi là pháp luật. Loại trừ những toán thổ phỉ cậy mạnh hiếp yếu trong rừng sâu hoặc bọn Tàu cướp bóc ngoài biển Đông đang làm với ngư dân Việt Nam mà thôi.
 
Đền bù tổn thất tinh thần?
 
Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như lực lượng công an nhân dân Việt Nam luôn được khoa trương và quảng cáo, tự hào là anh hùng, là bách chiến bách thắng, là gan dạ và dũng cảm… đủ các loại ngôn từ ca ngợi. Thế mà chỉ một chiếc bình ga không nổ, vài loạt đạn hoa cải thôi đã hồn xiêu phách lạc. Không những không bắt được thủ phạm dù đã tốn hàng đống đạn, hàng đống mìn với cả đội quân gồm người và chó hừng hực khí thế đông như kiến cỏ bao vây tứ bề.

Vậy thì sự dũng cảm ở đâu khi chỉ có loạt đạn hoa cải mà đã tổn thất về tinh thần đến tận 57 triệu đồng?

Nếu đó không phải là đạn hoa cải, không phải là cái bình ga chưa nổ mà là bom, đạn bắng thẳng, súng cối, chó nghiệp vụ như họ đã sử dụng với gia đình ông Vươn thì tinh thần họ liệu có còn chút nào không? Hay khi đó tinh thần đã là “liệt sĩ” tất cả chứ đâu còn mà “tổn thất”?

Hỡi ôi, cháy nhà mới ra mặt chuột, người dân mới thật sự thấy cái anh hùng, dũng cảm, gan dạ của họ đến đâu khi chỉ nghe vài tiếng nổ đã hồn xiêu phách lạc tổn thất tinh thần?

Hèn chi trên biển, Tàu lạ cứ thế hung hăng, ngư dân cứ vậy mà chịu bắt bớ, giam cầm, cướp bóc rồi đòi tiền chuộc.
 
Phải chăng người xưa đã nói không sai: “Thầy nào, tớ nấy”
 
Hà Nội, 29/12/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Thursday, December 27, 2012

Trận Thường Ðức


Trận Thường Ðức,
cuộc thư hùng Nam-Bắc cuối cùng

Dẫn nhập

Mặc dù trận đánh tại Thường Ðức (từ ngày 15 Tháng Tám đến ngày 8 Tháng Mười Một năm 1974), cũng như trận Long Khánh hồi Tháng Tư năm 1975, không phải là trận đánh sau hết trong Chiến Tranh Việt Nam, nhưng đây phải được coi là cuộc đọ sức cuối cùng trong số hằng trăm, hằng nghìn trận thư hùng lớn, nhỏ của quân đội hai miền Nam-Bắc, một trận Ðiện Biên Phủ khác trên chiến trường Việt Nam mà kẻ chiến thắng là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
 
Có nhiều lý do dẫn tới nhận định trên:

1. Lý do thứ nhất là mức độ dữ dội của trận đánh tại Thường Ðức khi chưa bao giờ có đông đến như thế các lực lượng tham chiến và hỏa lực tập trung của cả hai bên trên một chiến trường nhỏ hẹp chỉ gồm có ngọn Ðồi 1062 và các đồi phụ chung quanh với cao điểm trận đánh kéo dài chưa đầy một tháng.

2. Lý do thứ hai là trận đánh này, dù mức độ ác liệt chỉ thua sút có trận Cổ Thành Quảng Trị và trận An Lộc, lại không được nhiều người biết đến do địa thế hẻo lánh của vùng giao tranh (giáp giới với vùng Hạ Lào) và do tình hình chính trị vào những ngày cuối của cuộc Chiến Tranh Việt Nam quá sôi động khiến báo chí Tây phương, vốn rất ồn ào, không đưa tin đúng mức vì họ không kịp hiểu hết tầm mức quan trọng của trận đánh mang ý nghĩa của một “cuộc thăm dò khả năng chiến đấu một mình” của quân đội miền Nam Việt Nam chống lại các lực lượng Cộng Sản sau khi quân chiến đấu Hoa Kỳ đã rút về nước.

3. Lý do thứ ba là số lượng cao của các lực lượng tinh nhuệ tham chiến: Quân đội Nhân dân Cộng Sản Bắc Việt có Sư đoàn 304 Ðiện Biên cùng Sư đoàn 324B và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có Sư Ðoàn Nhảy Dù.

4. Lý do thứ tư là cán cân thăng bằng về hỏa lực và nhân sự giữa đôi bên coi như đã được tái lập sau khi sau khi các lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ đã thực sự rút lui khỏi chiến trường, đem theo luôn sức yểm trợ mạnh mẽ của máy bay oanh tạc và hải pháo của Không Quân, Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, trong khi, về mặt súng nặng, quân Bắc Việt đã đưa vào sử dụng một số trọng pháo tân tiến chưa thấy dùng trong Mùa Hè Ðỏ Lửa cách đó hơn hai năm. (Yếu tố này được đề cập tới để các nhà viết quân sử không còn lý do nào để bảo rằng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có ưu thế về hỏa lực trong mọi trân đánh so với Quân đội Nhân dân Cộng Sản Bắc Việt.)

5. Lý do sau cùng là lòng quyết chiến, quyết thắng của cả đôi bên trong trận đánh khi Sư đoàn 304 Ðiện Biên, sau khi đã chiếm được Quận lỵ Thường Ðức và ngọn Ðồi 1062, một cao điểm chiến lược cực kỳ hung hiểm, chính thức thách đấu vời Sư Ðoàn Nhảy Dù để phân định cao thấp trong một trận đánh mà từ thời điểm cho tới chiến trường đều do họ chọn lựa.

Một số tài liệu về trận đánh này cho biết chính Cộng quân đã dùng giàn thun bắn thư rơi khiêu chiến, “thách ‘Ngụy’ Dù lên đánh”. Phải biết rằng phe Cộng Sản vẫn hết sức ấm ức khi đành chấp nhận thảm bại trong trận chiến Cổ Thành Quảng Trị hồi Mùa Hè năm 1972 sau khi bị các lực lượng Thủy Quân Lục Chiến và Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, có sự yểm trợ của hỏa lực hùng hậu của Hải Quân, Thủy Quân Lục Chiến và Không Quân Hoa Kỳ, đánh cho tan tác, để rồi các lực lượng “Bộ đội Cụ Hồ” tinh nhuệ dưới quyền Tướng Võ Nguyên Giáp tham chiến đành phải rút lui “không còn manh giáp”. (1)

Với các lý do được kể ra ở trên, chiến thắng của các lực lượng Nhảy Dù trước quân Cộng Sản phải được coi là hết sức oanh liệt và dứt khoát. Sau gần ba tháng trời, trận đánh kết thúc với việc các lực lượng Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa - dưới quyền chỉ huy tổng quát của các Tướng Ngô Quang Trưởng và Lê Quang Lưỡng - tiêu diệt gần như toàn bộ các lực lượng tham chiến của Cộng Sản Bắc Việt bên trong và chung quanh ngọn đồi chiến lược 1062, khẳng định trước các nhà viết Quân sử thế giới tính ưu việt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa so với Quân Ðội Nhân Dân Cộng Sản Bắc Việt. (2)

Bài viết này được thực hiện dựa trên tài liệu nhan đề “33 Năm Nhớ Về Mặt Trận Thường Ðức” của Ðại Úy Võ Trung Tín và Ðại Úy Nguyễn Hữu Viên, cả hai đều là sĩ quan của lực lượng Nhảy Dù, và đã được phổ biến rộng rãi trên mạng lưới điện toán từ Tháng Mười Một năm 2008.
 
Bối cảnh chiến trận
 
Trong phần nhận định tổng quát về bối cảnh cuộc chiến, các tác giả viết:

“Sau khi Hiệp Ðịnh Paris được ký kết vào cuối Tháng Giêng 1973, tình hình chiến cuộc Việt Nam tạm lắng dịu... Vào những tháng cuối năm 1974, sau khi trao đổi tù binh với Hoa Kỳ xong xuôi, [Cộng Sản] Bắc Việt không ngần ngại bắt đầu vi phạm Hiệp Ðịnh Ba Lê để thực hiện ý đồ xâm lăng thôn tính Miền Nam bằng võ lực...”

“Song song với việc Cộng Sản Bắc Việt mở mặt trận lớn đầu tiên tại Vùng 1 Chiến Thuật với ý đồ cầm chân các đơn vị Tổng Trừ Bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đồng thời ào ạt di chuyển bộ đội trên đường mòn Hồ Chí Minh vào các Quân Khu 2 và 3, hai Sư đoàn 304 và 324B Bắc Việt, cùng các Trung đoàn Pháo, Chiến xa bất thần đánh chiếm quận Thường Ðức thuộc tỉnh Quảng Nam là một điểm chiến lược nhờ địa thế núi rừng hiểm trở...”

“Ðịa hình Thường Ðức rất hiểm yếu, ba bề là núi cao, có nhiều dốc dựng đứng. Phía Ðông bằng phẳng, từ quận Ðiện Bàn trên giao điểm Quốc Lộ 1, Liên Tỉnh Lộ 4 chạy dọc theo Sông Vu Gia dẫn vào Thường Ðức nằm ngay ngã tư Liên Tỉnh Lộ 4 và Quốc Lộ 14 và cũng là nơi hợp lưu của hai con Sông Côn và Sông Vu Gia nước sâu, chạy dài từ Tây sang Ðông. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho thành lập quận này nhằm cắt đứt con đường 14, không cho Cộng quân sử dụng để di chuyển vào Nam...”

Nói đến các động lực dẫn đến việc Cộng Sản Bắc Việt xua quân lấn chiếm Chi Khu Thường Ðức và việc Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Ðoàn I và Vùng I Chiến Thuật, giao cho Sư Ðoàn Nhảy Dù trọng trách tái chiếm quận này, các tác giả viết:

“Về mặt chiến lược, Thường Ðức là một vị trí quan trọng xuất phát các cuộc hành quân trinh sát [của các lực lượng Việt Nam Cộng Hòa], khống chế con đường tiếp liệu Trường Sơn Ðông mà Cộng Sản Bắc Việt vừa mới khai dựng sau ngày ký hiệp định 27/1/1973. Từ phía Bắc, quân dụng và chiến cụ theo đường mòn Hồ Chí Minh đưa từ A Lưới đến A-Shau qua Trào, đến Bến Giàng nằm trên Liên Tỉnh Lộ 4 cách Thường Ðức không xa. Tại đây quân CSBV có những kho lẳm tồn trữ quân dụng tiếp tế cho mặt trận Quân Khu Năm.”

“Về chính trị, với việc chiếm đóng Thường Ðức, Hà Nội có thể đánh giá được phản ứng của Hoa Kỳ và khả năng viện trợ quân sự cho Sàigòn. Về quân sự, Hà Nội có thể đánh giá khả năng phản kích, cơ động và hỏa lực yểm trợ chủ lực VNCH ở Quân Khu 1, đặc biệt là các lực lượng Tổng Trừ Bị cơ động chiến lược (Nhảy Dù).”

 “Ðối với Việt Nam Cộng Hòa, trận chiến Thường Ðức đánh dấu việc vi phạm ngưng bắn của CSBV đã đến một mức độ nghiêm trọng mới. Thường Ðức trở thành Quận lỵ đầu tiên của VNCH rơi vào tay Cộng Sản sau ngày ngưng bắn. Ðại Lộc và Ðà Nẵng [nơi đặt bản doanh của Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I, Vùng 1 Chiến Thuật] sẽ bị đe dọa nghiêm trọng từ hướng Tây chỉ cách thung lũng sông Vu Gia.”

Các tác giả liệt kê lực lượng địch và bạn tham chiến như sau:

Lực lượng địch tham chiến gồm có:
- Sư đoàn 324B gồm các Trung đoàn 29, Trung đoàn 6 và Trung đoàn 803 di chuyển từ phía Tây tỉnh Quảng Trị xuống tỉnh Quảng Nam;
- Sư đoàn 304 Ðiện Biên, Tư lệnh là Trướng Công Phê, Chính ủy là Trần Bình chỉ huy trực tiếp trận chiến, gồm 3 Trung đoàn 66, 24 và 36 vừa tham gia trận đánh chiếm căn cứ Dak Pek ở phía Bắc tỉnh Kontum vào giữa Tháng Năm đã bí mật di chuyển vào khu vực Thường Ðức;
- Trung đoàn 31 thuộc Sư đoàn 2 CSBV tăng viện vào lúc cuối trận chiến;
- 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương Quảng Ðà;
- Một Trung đoàn Pháo và Trung đoàn Chiến Xa...
(Các tác giả cũng ghi nhận rằng, về mặt súng nặng, các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt đã đưa vào sử dụng loại súng cối 160 ly có sức công phá lớn, ngoài các loại vũ khí nặng khác mà họ từng sử dụng trong trận chiến như hỏa tiễn 122 ly, sơn pháo 130 ly, pháo 105 ly, pháo 85 ly, cối 82 ly và cối 61 ly.)

“Lực lượng bạn:
- Tiểu Ðoàn 79 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng;
- Hai Ðại Ðội Ðịa Phương Quân;
- Một Ðại Ðội Cảnh Sát Dã Chiến;
- Một Trung Ðội Viễn Thám;
- 16 Trung Ðội Nghĩa Quân;
- Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn Văn Ðỉnh làm Lữ Ðoàn Trưởng, gồm 3 Tiểu Ðoàn 1, 8, 9 Nhảy Dù và Tiểu Ðoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù;
- Lữ Ðoàn 3 Nhảy Dù do Trung Tá Lê Văn Phát làm Lữ Ðoàn Trưởng, gồm 3 Tiểu Ðoàn 2, 3, 6 Nhảy Dù và Tiểu Ðoàn 2 Pháo Binh Nhảy Dù.

Một số diễn tiến tiêu biểu trong trận Thường Ðức

Về diễn tiến các cuộc giao tranh vô cùng ác liệt trong trận Thường Ðức, nhất là trận đánh để tái chiếm Ðồi 1062 đã lọt vào tay Cộng Quân sau khi họ tràn ngập Chi Khu Thượng Ðức ngày 7 Tháng Tám năm 1974, xin trích dẫn một đoạn tiêu biểu trong bài viết của hai tác giả Võ Trung Tín và Nguyễn Hữu Viên:

“Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù tấn công 1062:

Trời sẫm tối, chờ bắt tay với Tiểu Ðoàn 9 không được, Ðại Ðội 11 phải tạm đóng quân đêm tại B và B1. Ðêm đó, đặc công địch bò trở lại đột kích B1 bằng B-40 rồi bỏ chạy. Chuẩn Úy Tuyến, Trung Ðội Trưởng, bị hy sinh. Sáng hôm sau, 20/8/1974, địch pháo kích mạnh mẽ bằng đạn 122 ly vào B và B1 nhưng không chính xác nên [ta] không bị tổn thất. Khoảng 11 giờ trưa, Thiếu Tá Quý và Ðại Ðội 14 bắt tay với Tiểu Ðoàn 9 cũng xuất hiện và đóng chốt tại B2.

Kế đó, TÐ1ND tiếp tục tiến về cứ điểm C, một tiền đồn mạnh mẽ của quân CS Bắc Việt. Ðại Ðội 14 đi đầu và chạm địch. Thiếu Tá Nguyễn Văn Quý đi với cánh quân bọc hậu là Ðại Ðội 11 của Ðại Úy Thế. Một phần vì địa thế hiểm trở, thêm vào đó yếu tố bất ngờ không còn nữa. Ðịch đã chuẩn bị sẵn sàng với hầm hố kiên cố để đón Ðại Ðội 14. Lại thêm rừng cây cổ thụ cao lớn, ta sử dụng pháo binh rất khó vì sợ đạn chạm ngọn cây nổ từ cao gây thương tích cho quân bạn...

Sau [3 ngày cầm cự] khi địch tháo chạy vì sự tấn công quá dũng mãnh của các chiến sĩ thiện chiến Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù, hai Ðại Ðội 11 và 14 chia nhau bố trí lập vị trí phòng thủ sơ khởi để ngăn ngừa địch phản công. Một trận mưa cối sơn pháo 130 ly của Bắc quân bủa xuống, tiếng nổ vang khắp rừng già, khói phủ mù mịt trân địa. Nhờ bung rộng ra và hầm hố kiên cố của địch để lại, nên binh sĩ ta tránh được thiệt hại nặng nề bởi trận mưa pháo tập trung và chính xác này.

Càng tiến gần về 1062, địa thế càng hiểm trở, rừng rậm rạp hơn, cây to nhiều hơn, sườn dốc đứng hơn. Từ cứ điểm C nhìn lên mục tiêu, ở cao hơn 2 vòng cao độ (theo bản đồ quân sự tương đương 20 thước). Cách xa chừng 150 thước, ta thấy rõ địch đang lố nhố chạy tới, chạy lui tăng cường phòng thủ. Thiếu Tá Quý gọi xin pháo binh bắn “cắm chỉ” lên mục tiêu đó ngày và đêm. Ðây được gọi là mục tiêu D, một trong 5 đỉnh của 1062. Giữa C và D là một thung lũng (eo yên ngựa) sâu khoảng hơn 20 thước. Như vậy, quân ta nếu tấn công mục tiêu D, ít nhất phải vượt lên một dốc đứng cao tới hơn 40 thước. Từ D, địch thỉnh thoảng bắn trực xạ bằng đại bác và thượng liên xuống mục tiêu D, nhưng không gây thiệt hại đáng kể nào cho quân bạn.

Lúc này Tiểu Ðoàn 8 và 9 còn cách quá xa 1062, chỉ có Tiểu Ðoàn 1 là gần và đang ở cao địa, không ai bảo vệ cạnh sườn để tiếp ứng kịp thời. Ðịa thế địch hiểm trở, dễ thủ, khó công. Ðịch chuẩn bị chiến trường đợi ta với những trận địa pháo và hầm hố kiên cố. Ðỉnh 1062 có 5 đỉnh nhỏ. Năm đỉnh nhỏ này nằm theo thế liên hoàn, yểm trợ cho nhau bằng hỏa lực dễ dàng. Diện tích rộng khoảng 2 đại đội mới bao phủ nổi.

Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù quyết định đột kích đêm và lợi dụng gió Ðông làm một trận hỏa công. Lực lượng xung kích gồm 2 Trung Ðội với Thiếu Úy Lê Văn Bá chỉ huy một Trung Ðội thuộc Ðại Ðội 14 và Thiếu Úy Trần Thanh Quang chỉ huy một Trung Ðội của Ðại Ðội 11... Ðại Ðội 11 làm thành phần trừ bị sẵn sàng tiếp ứng kịp thời cho lực lượng tấn công... Hỏa lực yểm trợ gồm súng cối 60 ly và 81 ly đã được chuẩn bị yếu tố tác xạ sẵn sàng.
S
áu giờ chiều, ánh sáng mặt trời trong rừng già đã tắt hẳn. Hai Trung Ðội bắt đầu xuất phát. Thiếu Úy Quang dẫn Trung Ðội đi bên trái, Trung Ðội của Thiếu Úy Bá bên phải. Họ giữ đội hình đi song song và cách nhau khoảng từ 30 đến 40 thước. Pháo binh 105ly của ta vẫn đều đều bắn cắm chỉ trên mục tiêu để địch lo trốn trong hầm, không ngóc đầu lên quan sat quân ta đang di chuyển. Một giờ, hai giờ, rồi ba giờ trôi qua.

Tình hình vẫn yên tĩnh, một thứ yên lặng ngộp thở, vì mọi người đều lo cho số phận của đồng đội mình. Hệ thống liên lạc vẫn tốt. Thiếu Úy Quang thì thầm trong máy:
- Rất gần địch, tiếng chửi thề của chúng nó nghe rõ mồn một, Ðích Thân.
- Ðược! Cẩn thận nghe Quang! Thiếu Tá Quý trả lời nho nhỏ trong máy với gọng Huế chay.

Bỗng nghe một loat đạn nổ bên phải rồi im lặng. Pháo binh [ta] ngưng tác xa, hai cánh quân vừa bắn vừa hô xung phong vang rền cả núi rừng hoang vu. Lửa bắt đầu cháy trên mục tiêu, nhiều nhất là bên cánh Thiếu Úy Quang. Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù xin Pháo Binh chuyển tác xạ về hướng Tây để bắn chận quân địch. Tiếng của Quang vang trong máy:
- Chiếm được đỉnh rồi, Ðích Thân! Hầm quá nhiều và kiên cố, làm toàn bằng cây to. Mấy đứa con đang bung rộng chờ cánh quân bên phải!

Trời tối đen như mực, vẫn chưa liên lạc được Thiếu Úy Bá. Mười lăm phút sau, Thiếu Tá Quý đứng dưới mục tiêu C thấy trên D có từng cụm lửa lóe lên chen lẫn trận địa pháo bằng súng cối sơn pháo 130 ly của địch.
Tiếng của Quang vang lên trong máy:
- Chúng pháo dữ dội quá, Ðích Thân, nhưng hầm hố kiên cố, không sao!
“Rồi hàng loạt tiếng đạn AK-47 kêu rít, tiếng Quang hét trong máy:
-Chúng nó phản công, đông lắm! Cho Pháo Binh bắn trên đầu tôi, tụi nó đông như kiến! Mau lên! Pháo! Pháo mau lên!

“Ban đêm tời tối, Ðại Ðội 11 trừ bị cho Quang và Bá đang ở lưng đồi yên ngựa. Trung Ðội Thiếu Úy Bá thì không liên lạc được ngay từ loạt đạn đầu, sau này mới biết được là Bá và 4 binh sĩ đã hy sinh vì mìn Claymore... ngay từ lúc đó.
“Thiếu Tá Ngô Tùng Châu (Tiểu Ðoàn Trưởng) bảo Quý:
- Nếu thấy không được thì bảo Quang rút về, đừng hy sinh nhiều, ta sẽ tìm cách khác.
“Nhưng Quang không nghe lệnh (hoặc không thể nghe lệnh!). Hai Trung Ðội đột kích của Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù đã gặp sự kháng cự phản công quá mãnh liệt, quân số địch rất đông. Từ đỉnh cao, khe núi, và các địa đạo trong rừng cây ùa ra như đàn ong vỡ tổ! Lính Nhảy Dù rỉa bắn không nghỉ tay. Trước khi gần hết đạn, Quang gọi Thiếu Tá Quý phải kêu Pháo Binh bắn đạn nổ chụp ngay trên đầu thí quân, quyết liều sống chết với quân Cộng Sản Bắc Việt. Thiếu úy Quang đã tập trung đạn của các binh sĩ bị thương, bảo họ rút, còn Quang thì ở lại bắn tới hết đạn và anh dũng hy sinh trên mục tiêu D...
“Các đạn pháo CVT đã sát hại 10 phần địch và 3 phần quân bạn. Xác địch và ta nằm ngổn ngang trên đỉnh Ðồi 1062. Trung Ðội của Thiếu Úy Quang có 15 chiến sĩ anh dũng hy sinh...”


Mức độ hy sinh không bờ bến của các chiến sĩ Nhảy Dù:
Về những hy sinh to lớn của các chiến sĩ Nhảy Dù tại mặt trận Thường Ðức như sự hy sinh vừa kể của Thiếu Úy Quang và 15 chiến sĩ thuộc trung đội dưới quyền của vị sĩ quan này, các tác giả viết: “'Cái giá' để chiếm được Ðồi 1062 thực sự là một cái giá rất cao, cao nhất của chiến trận mà các chiến sĩ Dù đã gặp phải từ trước tới nay. Năm Tiểu Ðoàn Dù bị tổn thất nặng, nặng nhất là Tiểu Ðoàn 3 của Thiếu Tá Võ Thanh Ðồng, quân số hao hụt gần 50 phần trăm.”

Trong phạm vi của bài viết ngày hôm nay, chỉ xin trích dẫn một vài đoạn tiêu biểu trong bài viết của hai tác giả đã được đề cập tới, nói lên những gai lửa của trận chiến cùng những hy sinh, gian khổ không bút mực nào tả xiết mà các chiến sĩ Nhảy Dù đã cống hiến cho dân chúng miền Nam Việt Nam, chỉ với một mục đích không hề lay chuyển của Sư Ðoàn bách chiến, bách thắng này là bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của miền Nam tự do trước cuộc tấn công xâm lược điên cuồng của Cộng Sản Bắc Việt, có sự yểm trợ tối đa của Cộng Sản Quốc Tế và sự đồng lõa, cố ý cũng có mà vô tình cũng có, của phần còn lại của thế giới hồi các thập niên 1950, 1960 và 1970 trong thế kỷ trước.

“Trước khi gần hết đạn, Quang gọi Thiếu Tá Quý phải kêu Pháo Binh bắn đạn nổ chụp ngay trên đầu thí quân, quyết liều sống chết với Cộng Sản Bắc Việt. Thiếu Úy Quang đã tập trung đạn của các binh sĩ bị thương, bảo họ rút, còn Quang thì ở lại bắn tới hết đạn và anh dũng hy sinh trên mục tiêu D (đã trích dẫn)... Một quả lựu đạn đã rơi trúng nơi trú ẩn của Thiếu Úy Ðoàn Tấn và Chuẩn Úy Ðến thuộc Ðại Ðội 81 khiến hai anh bị thương vong. Lúc quả lựu đạn vừa rơi tới, Thiếu Úy Tấn định nhào lại lấy thân mình che cho đồng đội, nhưng không kịp nữa...

Thiếu Tá Vân nghe tiếng Ðại Úy Ðàng hét trong máy xin pháo binh và phi cơ bắn lên đỉnh đồi, vì địch đã tràn ngập! Hai bên phải đánh cận chiến bằng lưỡi lê và lựu đạn, nhưng địch nhiều quá, cứ liều chết nhào tới tấn công. Ðại Úy Ðàng và anh em trong Ðại Ðội cầm cự, xông xáo, tả xung, hữu đột, người nào trên mình cũng bị nhiều vết thương, áo ướt đầy máu. Ðàng nguyên là cận vệ của Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh.

Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn gọi 3 phi tuần khu trục giội bom napalm xuống đốt cháy sườn đồi. Sau đó, từng đợt pháo binh bắn hỏa tập trợ chiến. Sau khi pháo dứt, những cán binh Bắc Việt lại tràn lên thấy Ðàng bị thương nặng còn ngất ngư vì trúng nhiều mảnh, anh dùng hơi tàn rút súng định tự sát, thì người anh bị ghim như lông nhím. Ðàng ngồi chết trân mà đôi mắt hãy còn trợn trừng không khuất phục... Ðại Ðội 34 của Trung Úy Thư, lên tiếp ứng thì gặp địch tràn tới đánh tơi bời thật hung hiểm vô cùng! Ðịch hô: “Hàng sống, chống chết,” nhưng Thư cứ hăng máu lấy AR-15 quạt và kêu pháo binh bắn đạn nổ chụp lên đầu để cùng chết chung với 5 phần địch 1 phần bạn. Một mình Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù mà phải cầm cự với cả Trung đoàn của Sư đoàn 304 [Ðiện Biên], địch cho các đơn vị thay phiên tấn công gần một ngày. Các sĩ quan dũng mãnh của Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù như Ðại Úy Phạm Văn Thư, Thiếu Úy Tô Văn Nhị đã gọi pháo binh bắn lên đầu để cùng chết chung với hằng trăm xác địch...”

Về con số các chiến sĩ Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong chiến dịch kéo dài gần ba tháng trời tại Thường Ðức, thiết tưởng cũng chỉ cần nêu tên một số các sĩ quan ưu tú Dù đã bỏ mình trong trận chiến này -thêm vào con số hằng trăm, hằng nghìn chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thuộc nhiều quân, binh chủng đã bỏ mình trong trận đánh- cũng đủ thấy mức độ hy sinh to lớn của tập thể chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam tự do trước đây, theo đúng nghĩa của tinh thần thượng võ và khí phách “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.”

Qua bài viết của hai tác giả “35 Năm Nhớ về Mặt Trận Thường Ðức,” các sĩ quan Nhảy Dù sau đây đã bỏ mình ngay trên chiến trường: Thiếu Úy Hoàng Văn Tiến, Thiếu Úy Nghiêm Sĩ Thành, Chuẩn Úy Tuyến, Thiếu Úy Quang, Trung Úy Bằng, Trung Úy Khánh (Truyền Tin), Thiếu Úy Ðoàn Tấn, Chuẩn Úy Ðến, Trung Úy Vũ Ðức Tiềm, Ðại Úy Ngụy Văn Ðàng, Trung Úy Phạm Văn Thư, Thiếu Úy Tô Văn Nhị, Chuẩn Úy Bảo, Trung Úy Thịnh, Thiếu Úy Trần Ðại Thanh, Thiếu Úy Lê Hải Bằng... Một số sĩ quan khác có thể cũng đã tử trận trong chiến dịch tái chiếm Thường Ðức, mà vì lý do này hay lý do khác, đã không thấy được kể tên. Dĩ nhiên là con số Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ Thiên Thần Mũ Ðỏ hy sinh trong trận này còn cao hơn nhiều so vối số các sĩ quan tử trận.
Trận Thường Ðức ác liệt không thể tưởng
Sau hết, về cường độ các cuộc giao tranh và mức độ ác liệt của trận chiến Thường Ðức, hai tác giả đã đưa ra các nhận định sau đây trong bài viết của họ:

“Ðỉnh 1062 là một nấm mồ tập thể khổng lồ, chôn không biết bao nhiêu sinh mạng của cả hai bên. Mỗi khi quân ta vừa chiếm được 1062, thì lập tức địch dội pháo, điên cuồng xông lên quyết chiếm lại cho bằng được. Cả hai bên mất đi, giành lại đỉnh 1062 nhiều lần... 'Cái giá' để chiếm được Ðồi 1062 thực sự là một cái giá rất cao, cao nhất của chiến trận mà các chiến sĩ Dù đã gặp phải từ trước tới nay. Năm tiểu đoàn Dù bị tổn thất nặng, nặng nhất là Tiểu Ðoàn 3 của Thiếu Tá Võ Thanh Ðồng, quân số hao hụt gần 50 phần trăm (đã trích dẫn)...

Gần một tháng quần thảo, ta và địch đều bị tổn thất nặng quanh đỉnh 1062. Chiếm xong lại mất, mất rồi thì chiếm lại bằng mọi giá... Vào giờ này, lực lượng địch bu quanh 1062 dày đặc như ruồi bu quanh viên kẹo... Cối 75 ly và sơn pháo của địch từ những cao độ phía Tây Bắc bắn từng nhịp 4 trái, và bộ đội Bắc Việt từ hướng đó đồng loạt tiến vào. Cộng quân dùng chiến thuật biển người, chẳng điều động, ẩn núp gì cả. Lính Nhảy Dù đồng đứng dậy khỏi giao thông hào bắn trả mãnh liệt. Súng bắn không cần nhắm. Lựu đạn ném không cần lấy đà. Hàng hàng, lớp lớp Cộng quân rơi rụng...”

Theo lời hai tác giả, tổn thất chung cuộc của ta và địch sau ba tháng giao tranh là như sau:

“Từ khi khởi đầu chiến dịch Thường Ðức vào ngày 15 Tháng Tám, liên tục trong 3 tháng chiến đấu ác liệt quanh khu vực Ðồi 1062, các đơn vị Nhảy Dù đã thiệt hại đến 50 phần trăm quân số, với gần 500 chết và 2,000 bị thương. Sư Ðoàn Nhảy Dù sử dụng luân phiên tổng cộng 7 Tiểu Ðoàn trong chiến dịch này, và đến giữa Tháng Mười Một có đến 6 Tiểu Ðoàn hoạt động trong khu vực Ðồi 1062.”

“Ba Trung đoàn Cộng Sản Bắc Việt (24, 29, 66) gần như bị xóa tên với 2,000 bộ đội chết và 5,000 bị thương...”

“Cả hai bên đều kiệt sức sau một chiến dịch đẫm máu.” (Tài liệu: Col. William E. LeGro trong “Vietnam from Ceasefire to Capitulation”)
Từ trận chiến Thường Ðức đến cuộc Chiến Tranh Việt Nam
Trận đánh Thường Ðức, trận đọ sức cuối cùng của quân đội hai miền Nam, Bắc trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam vừa qua, ngoài việc cho thấy tính ưu việt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước Quân đội Nhân dân Cộng Sản Bắc Việt, còn tiêu biểu cho những hy sinh không bờ bến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, bất kể họ là Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Ðộng Quân, Không Quân, Hải Quân, Bộ Binh, Ðịa Phương Quân hoặc Nghĩa Quân... qua cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam Việt Nam trước 1975 trong bối cảnh cuộc chiến dấu cho tự do của nhân loại bị phản bội khi chiếc tiền đồn chống Cộng tại Ðông Nam Á bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn.

Không ai có thể tưởng tượng được rằng, chỉ vì một ngọn đồi khô cằn tại một quận lỵ đèo heo hút gió xa cách những vùng cư dân trù phú dưới miền đồng bằng duyên hải miền Trung, Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I, Vùng I Chiến Thuật, đành phải chấp nhận đưa lá bài chủ lực của mình tại Vùng Hỏa Tuyến, là hai Lữ Ðoàn của Sư Ðoàn Nhảy Dù, vào trận địa để thanh toán mục tiêu, tức là nhổ cho bằng được cái chốt địch đang ngạo nghễ chiếm đóng Ðồi 1062 ngó xuống quận Thường Ðức đặng từ đó đưa pháo tầm xa về khống chế các cơ sở quân sự -trong đó có bản doanh của Quân Ðoàn I- và dân sự cùng phố phường, làng xã của dân chúng tại miền duyên hải Quảng Nam-Ðà Nẵng.

Phải biết rằng, trong tình thế lúc bấy giờ, các lực lượng Tổng Trừ Bị trấn đóng tại Quân Ðoàn I, như Sư Ðoàn Nhảy Dù và Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến cùng với các Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân thiện chiến, đang bị căng kéo và dàn mỏng đến mức tối đa trên địa hình hiểm trở của Vùng I Chiến Thuật, chiếc ải địa đầu của miền Nam Việt Nam, nơi xuất phát và cũng là nơi đánh dấu biết bao nhiêu trận đánh lớn trong cuộc Chiến Tranh Quốc-Cộng kể từ khi đất nước Việt Nam bị chia đôi bằng con sông Bến Hải cho tới năm 1975.

Ðiều rõ ràng nhất và cũng là điều nổi bật nhất chính là mức độ hy sinh rất cao, cao đến độ không bờ bến, của tất cả các lực lượng tham chiến trong chiến dịch chiếm lại Ðồi 1062 và giành lại quận Thường Ðức khỏi tay Cộng quân, trong đó phải kể tới rất nhiều lần các chiến sĩ Nhảy Dù đã kêu phi pháo dội bão lửa ngay trên đầu mình để thí một mạng của mình đổi lấy bốn, năm mạng của địch quân. Chưa có trận đánh nào mà, chỉ trong khoảng thời gian không đầy ba tháng, lại có nhiều sĩ quan ưu tú và binh sĩ kiên cường của Sư Ðoàn Nhảy Dù phải hy sinh tại mặt trận đến thế. Chưa có trận đánh nào mà, chỉ trong khoảng thời gian không đầy ba tháng, các lực lượng chính quy Cộng Sản Bắc Việt và du kích địa phương, đặc biệt là Sư đoàn 304 Ðiện Biên, đã phải tổn thất nặng nề đến như vậy, mặc dù, giống hệt như quân đội Pháp trong Trận Ðiện Biên Phủ 20 năm về trước, chính quân Cộng Sản là kẻ lựa chọn chiến trường và thời điểm giao tranh, tức là đúng vào lúc họ có được ưu thế chiến lược và chiến thuật cao nhất để bảo đảm rằng họ sẽ là kẻ chiến thắng trong trận thư hùng.

Những hy sinh vô bờ bến đó của các chiến sĩ Nhảy Dù càng trở nên cay đắng hơn khi, không đầy một năm sau, toàn bộ miền Nam Việt Nam đành rơi vào tay quân Cộng Sản vì lý do không phải quân đội và nhân dân miền Nam tự do yếu hèn mà chính vì sự phản bội trắng trợn của Ðồng Minh Hoa Kỳ và thái độ a dua đến mức trâng tráo của phần còn lại của thế giới vốn đã bị bùa mê, thuốc lú của Cộng Sản Quốc Tế làm cho ngu muội đi tự lúc nào. Những cái chết như thế, vào giờ thứ 25 của cuộc chiến, phải được coi là những thiệt thòi lớn lao nhất trong đời người chiến sĩ và đối với những người thân yêu của họ còn lại trên cõi đời.

Những người Việt Nam tị nạn Cộng Sản tại hải ngoại, mỗi khi đốt một ngọn nến, thắp một nén hương trước bàn thờ tổ quốc và anh linh các anh hùng, liệt nữ cùng các tử sĩ của Việt Nam Cộng Hòa nhân dịp Tết đến, Xuân về, hãy nhớ đến cách riêng những hy sinh to lớn của các chiến sĩ từng tham chiến tại mặt trận Thường Ðức vào những ngày tháng cuối của năm 1974 -y như những hy sinh của các chiến binh đánh trận Xuân Lộc hồi Tháng Tư năm 1975- bởi vì đây là những trận đánh để đời làm vang danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và làm xấu hổ những nhà viết sử đầy thiên vị của cả bạn lẫn thù đã và đang nỗ lực bôi nhọ sức chiến đấu dũng mãnh, tinh thần thượng võ và ý chí quyết chiến, quyết thắng của người chiến binh Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam, chỉ với mục đích không mấy lương thiện là chạy tội cho sự lầm mê và phản bội của thế giới khi họ cùng hè nhau bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa vào tay quân Cộng Sản đặng chuốc lấy hư danh rằng chính họ đã giúp “mang lại hòa bình và chấm dứt đổ máu cho dân chúng Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc”. Chính sự cầu an và lòng thương hại không đúng chỗ đó của thế giới đã đẩy đưa dân tộc Việt Nam đến thảm cảnh ngày nay, khi toàn bộ một dân tộc gồm gần 90 triệu người đang phải sống lầm than cơ cực và thiếu tự do, dân chủ dưới ách cai trị vừa độc tài vừa ngu muội mà cũng vừa khiếp nhược trước ngoại bang của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Thật chẳng được cái tích sự gì khi con, em những người tị nạn Việt Nam thuộc các thế hệ thứ nhì, thứ ba, thứ tư... phải đọc và phải học về lịch sử cuộc Chiến Tranh Việt Nam do chính các sử gia Hoa Kỳ viết, có sự tham khảo các sách báo tuyên truyền của Cộng Sản Việt Nam, mà trang nào, chương nào cũng chỉ đổ cái lỗi để mất miền Nam Việt Nam vào tay quân Cộng Sản Bắc Việt xâm lược hồi Tháng Tư năm 1975 cho dân chúng và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa -đặc biệt là đổ thừa cho chính quyền Ngô Ðình Diệm độc tài, gia đình trị và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tham nhũng, bất lực cũng như viện lý do Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thiếu khả năng chiến đấu- bất chấp các đánh giá trung thực và lương thiện của nhiều danh tướng mang các quốc tịch Mỹ, Pháp, Ðại Hàn, Úc Ðại Lợi, Trung Hoa Dân Quốc, và Israel về quân đội đó.

Lời cuối cho thiên anh hùng ca

Ðến đây, thiết tưởng không gì bằng hãy mượn lời thơ sau đây của SVSQ Lê Chiến, Khóa 8/72 SQTB Ðồng Ðế, Nha Trang, viết để tưởng niệm các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tham dự mặt trận Thường Ðức năm 1974:

Giặc qua Sông Côn về Thường Ðức
Trong cơn gió lạnh cuối Trường Sơn
Quân ngược dòng sông đêm thao thức
Di binh, chuyển pháo tấn công đồn

Anh Biệt Ðộng Quân đêm phòng thủ
Nhìn qua ánh sáng lỗ châu mai
Thêm một đêm dài không giấc ngủ
Khói thuốc cay mờ trong mắt ai

Anh lính Ðịa Phương trong lô-cốt
Tay cầm ống phóng bảy-mươi-hai
Bên xóm nhà xa đèn ai đốt
Lập lòe ánh lửa bóng liêu trai

Anh lính Pháo Binh ghi tọa độ
Sẵn sàng yểm trợ pháo tầm xa
Chùi súng, thông nòng lo tu bổ
Tay sờ thép lạnh ướt sương pha

Anh Thiết Kỵ về đường liên tỉnh
Băng ngang Ðại Lộc đến Hà Nha
Vó câu dong ruổi như đời lính
Từ độ lửa binh chẳng về nhà

Anh lính Không Quân từ Ðà Nẵng
Phi pháo từng đêm chặn giặc về
Có lẽ đêm nay anh thức trắng
Ðợi chờ phi vụ đắng cà-phê

Anh Nhảy Dù về từ Quảng Trị
Ba-lô, súng đạn tới Cầu Chìm
Nhận đồ tiếp tế trên chiến lũy
Nghe hờn sông núi dậy trong tim

Ðại pháo từng đêm trên chiến trận
Xe tăng, bộc phá mở hàng rào
Anh vẫn hiên ngang làm bổn phận
Quê mẹ vì ai tẩm máu đào

Hơn ba mươi năm ngày lịch sử
Thường Ðức quê tôi những ngày buồn
Cũng bóng tre xanh người Thượng nữ
Vu Gia sông cũ nước xuôi nguồn

Tôi nhớ ơn anh, người lính chiến
Tháng ngày bảo vệ xóm làng tôi
Những kẻ hy sinh trên trận tuyến
Ngàn sau còn nhớ mãi không thôi...

Hôm nay đây, 35 năm sau trận đánh Thường Ðức lịch sử, nhân lúc Tết đến, Xuân về, bài này được viết lên như là một nén hương lòng kính dâng đến anh linh các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thuộc mọi Quân, Binh chủng, Cảnh Sát Quốc Gia, Lực Lượng Ðặc Biệt, lực lượng Xây Dựng Nông Thôn và các lực lượng Bán Quân Sự... đã đem chính máu đào của mình ra bảo vệ miền Nam tự do chống lại nanh vuốt Cộng Sản xâm lược cho đến hơi thở cuối cùng.

Hỡi những người tị nạn Việt Nam đang vui hưởng tự do, dân chủ tại các nước bên ngoài Việt Nam, hãy nhớ lấy cái căn cước tị nạn của mình và chớ quên ơn các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã vị quốc vong thân để cho mình và gia đình mình được sống còn trong thịnh vượng và hạnh phúc cho tới ngày nay!

Vann Phan
 
Ghi chú:

(1) “Sau đó, Bắc quân tháo lui vì chịu không nổi phi pháo của Việt Nam Cộng Hòa ngày đêm dập vào các điểm trú quân của họ. Bộ chỉ huy Cộng quân thấy khó giữ 1062, nên ra lịnh rút lui trong đêm tối...” (Ðại Úy Võ Trung Tín và Ðại Úy Nguyễn Hữu Viên, “35 Năm Nhớ Về Mặt Trận Thường Ðức”)

(2) Trận Thường Ðức cũng còn là trận đánh vẻ vang để đời sau cùng của vị Tư Lệnh cuối cùng của Sư Ðoàn Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa, Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng. Ông đã áp dụng chiến thuật xa luân chiến để hai Lữ Ðoàn Nhảy Dù thay phiên nhau giao tranh và gây thiệt hại nặng nề cho hai Sư đoàn 304 (Ðiện Biên) và 324B cùng một Trung đoàn của Sư đoàn 2 Cộng Sản Bắc Việt và các lực lượng địa phương. (V.P.)