Saturday, December 22, 2012

Nước mắm Liên Thành


Hãng nước mắm Liên Thành, một trang lịch sử

Kể từ ngày thành lập tới nay, hoạt động sản xuất của hãng nước mắm Liên Thành đã được trên trăm năm; đặc biệt gắn liền với phong trào Duy Tân của chí sĩ Phan Chu Trinh hơn một thập niên đầu thế kỷ 20 (Cơ sở của nước mắm Liên Thành xây dựng từ năm 1922. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Chúng tôi từng có dịp quen biết, thân tình với bác Tựu (hiện đã mất), trong Hội Ðồng Quản Trị của công ty cổ phần chế biến thủy hải sản Liên Thành; được bác Tựu cho biết tường tận về lai lịch của hãng nước mắm danh tiếng lâu đời này.

Hãng nước mắm Liên Thành là hoạt động sản xuất kinh doanh của Liên Thành Thương Quán, tổ chức được thành lập vào năm 1906, làm kinh tế gây quỹ hoạt động cho phong trào Duy Tân; đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân. Lập nên Liên Thành Thương Quán gồm 6 người, trong đó có Nguyễn Trọng Lợi và Nguyễn Quý Anh là hai người con trai của nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông.

Liên Thành Thương Quán đặt trụ sở tổng cuộc tại làng Thành Ðức - hiện nay trở thành di tích ở số 306 đường Trần Hưng Ðạo - thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Vài năm sau, mở thêm trụ sở phân cuộc ở Sài Gòn. Ngoài sản xuất nước mắm, Liên Thành Thương Quán còn có hoạt động ở một số lãnh vực khác như bào chế thuốc bắc, kinh doanh vải vóc, dịch vụ khách sạn... Sau năm 1922, Liên Thành Thương Quán chủ yếu sản xuất kinh doanh nước mắm; ngành nghề sản xuất kinh doanh này chưa bị giới tư bản Pháp và Hoa kiều chi phối, lũng đoạn.

Hãng nước mắm Liên Thành càng phát triển thuận lợi vì được sự ủng hộ của những người cảm tình với phong trào Duy Tân, trong đó có cả viên công sứ Pháp tại Bình Thuận.

Năm 1917, hãng nước mắm Liên Thành ở Phan Thiết chính thức dời trụ sở tổng cuộc vào Sài Gòn; và khánh thành trụ sở tổng cuộc vào năm 1922, tại số 243 đường Bến Vân Ðồn, Khánh Hội, quận 4. Cũng trong năm này, sản phẩm nước mắm Liên Thành tham gia đấu xảo tại hội chợ Marseille-Pháp, tạo được tiếng vang lớn về thứ nước chấm có hương vị đậm đà, đặc sắc có một không hai.

Từ đó hãng nước mắm Liên Thành ngày càng mở rộng mạng lưới chế biến sản xuất, đặt phân cuộc tại tỉnh lỵ Phan Thiết-Mũi Né-Hưng Long-Phú Hài-Phan Rí-Hội An,... Ðịa bàn phân phối sản phẩm nước mắm rộng khắp các tỉnh miền Trung và miền Nam; đưa qua nước Cambodia láng giềng, và Châu Âu nữa.

Một sự kiện đặc biệt của hãng nước mắm Liên Thành: vào năm 1960, ban điều hành sản xuất nước mắm Liên Thành cho xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón không mùi, từ xác cá tại Phú Hài-Phan Thiết. Ðây là một phát kiến đáng kể, để tận thu nguồn phế phẩm; sản phẩm phân bón Phú Hài nhanh chóng được các nhà vườn ở Ðà Lạt tiêu thụ mạnh mẽ.

Sau 30 tháng 4, 1975, cũng như mọi hãng xưởng sản xuất kinh doanh khác, hãng nước mắm Liên Thành đã chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước cộng sản. Trụ sở chính của (tổng cuộc) nước mắm Liên Thành ở Khánh Hội-quận 4, và phân cuộc của Liên Thành tại các nơi đều phải chuyển đổi thành các cơ sở nước mắm quốc doanh ở địa phương. Nhà máy sản xuất phân bón Phú Hài đổi thành xí nghiệp quốc doanh phân bón Phú Hài.

Riêng cơ sở chính của hãng nước mắm Liên Thành tại Khánh Hội-quận 4, sau 30 tháng 4, nhà nước cho gộp chung với 9 doanh nghiệp sản xuất nước mắm tư nhân khác trên địa bàn thành phố, lập thành xí nghiệp quốc doanh nước mắm Liên Thành; sau lại đổi thành xí nghiệp chế biến thủy hải sản Liên Thành. Tới năm 2001, xí nghiệp chế biến thủy hải sản Liên Thành được cổ phần hóa, và đổi tên thành công ty cổ phần chế biến thủy hải sản Liên Thành cho tới hôm nay.

Chúng tôi còn nhớ bác Tựu cho biết: sau ngày 30 tháng 4, ông Huỳnh Văn Dậu đang giữ trách nhiệm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của nước mắm Liên Thành. Ông phải chấp nhận quốc hữu hóa hãng nước mắm Liên Thành, nhưng yêu cầu được giữ lại tên Liên Thành.

 “Liên Thành có nghĩa là thành hoa sen; đó nguyên là tên lịch sử của Hòa Ða, thủ phủ cũ của tỉnh Bình Thuận. Các vị lập nên Liên Thành Thương Quán, chọn tên Liên Thành là mong muốn truyền cái tâm trong sạch của loài hoa sen, vươn lên từ bùn lầy, trong bối cảnh lịch sử nước mất nhà tan của thời kỳ đầu thế kỷ 20...,” bác Tựu nói. Ông Huỳnh Văn Dậu, chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị lúc đó, cũng yêu cầu: nước mắm Liên Thành phải được giữ lại bàn thờ 6 vị, gọi là 6 cụ tổ sáng lập Liên Thành Thương Quán-nước mắm Liên Thành.
 
Hãng nước mắm Liên Thành hiện nay vẫn giữ trụ sở được xây dựng từ năm 1922 ở Khánh Hội-quận 4, làm văn phòng của công ty. Xưởng chế biến sản xuất nước mắm đặt tại khu vực bờ sông Sài Gòn, thuộc quận Bình Thạnh.(Một cửa hàng nước mắm Liên Thành. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Công ty cổ phần chế biến thủy hải sản Liên Thành có 4 cửa hàng giới thiệu (và bán) sản phẩm; cung cấp sản phẩm nước mắm cho các siêu thị tại khắp thành phố. Khách mua nước mắm Liên Thành nhìn nhận: 95% nguyên liệu là cá cơm Phú Quốc; tuyệt đối không dùng các loại cá tạp khác, nhất là cá nóc có độc chất mà không ít cơ sở chế biến sản xuất nước mắm hiện nay đã sử dụng. Nước mắm Liên Thành đặc biệt khử trừ chất cholesterol, lipid và đường trong nguyên liệu chế biến sản xuất, có độ đạm cốt nhĩ là 45 độ, giữ được sự tin cậy của bà con nội trợ từ bao nhiêu năm nay.
 
Nguyễn Ðạt