Wednesday, December 26, 2012

Trần Vinh

 
LINH MỤC AN-TÔN TRẦN VĂN KIỆM
VỚI CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM,
MỘT TÌNH BẠN ĐẦY CẢM ĐỘNG
 
Ngày 01 tháng 11 năm 1963, cuộc đảo chính do một nhóm tướng lãnh quân đội VNCH cầm đầu nổ ra. Ngày hôm sau, họ giết chết Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Ngay sau đó bọn học sinh chúng tôi để ý thấy thầy Kiệm thay đổi rất nhiều. Dường như thầy đang trải qua một cơn chấn động lớn, vẻ mặt bơ phờ, xa vắng, chua cay. Bộ tóc của thầy vốn hơi quăn nay có vẻ biếng chải nên càng quăn thêm. Cúc cổ áo dài trắng của thầy thường không còn được cài kín, vẻ như bất cần đời! Ít lâu sau thầy mới chịu hé lộ một chút cho bọn học sinh chúng tôi biết rằng thầy lấy làm tiếc vì đã từng ủng hộ ứng cử viên tổng thống J. F. Kennedy mỗi khi có dịp tiếp xúc với các nhân viên Hoa Kì là tín hữu Công Giáo làm việc tại Sài Gòn. Thầy cho rằng Tổng thống Kennedy có trách nhiệm trong vụ lật đổ và thảm sát người bạn vong niên của thầy là Tổng thống Ngô Đình Diệm. Và năm tháng cứ trôi đi theo dòng lịch sử. Mãi mới gần đây trên Văn Nghệ Tiền Phong và trên Dunglac.net, độc giả khắp nơi mới được hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện về tình bạn vong niên hết sức cảm động giữa thầy Kiệm và cố Tổng thống Ngô Đình Diệm qua bài viết của thầy nhan đề: Có Phải Hoa Thịnh Đốn Đã Đưa Ông Diệm Về Làm Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam ?

Thầy Kiệm ví cụ Ngô như ‘một ngôi sao sáng, còn thầy chỉ là một hòn đá, ‘một cục thiên thạch’, nhưng hai vị có duyên gặp nhau trên xứ người, rồi trở thành đôi bạn tri kỉ vong niên.

Cụ Ngô sinh năm 1901, thầy Kiệm sinh 1920, cách nhau gần hai con Giáp, hai vị có duyên gặp nhau vì những lí do may mắn ngẫu nhiên: Cả hai đều tới Hoa Kì kể như đồng thời, thầy Kiệm tới trước một chút (1950), cụ Ngô tới sau (1951). Thầy Kiệm được gửi đi du học còn cụ Ngô là một chính khách sáng giá tới Hoa Kì để nghiên cứu tại chỗ chính thể và chính trường Hoa Kì, đồng thời đi tìm kiếm nhân tài trong số các sinh viên Việt Nam đang du học tại đây. Thêm vào, cả hai cùng được sự bảo trợ qúy báu của Đức hồng y F. Spellman, Tổng giám mục New York và họ sống không xa nhau, cách khoảng 60 miles: thầy Kiệm ở nhà thờ Blessed Sacrament, New Rochelle (sát bờ biển Đông Bắc thành phố New York); cụ Ngô lưu trú trong tu viện Maryknoll, Lakewood (trung bộ New Jersey). Thời đó, có rất ít người Việt sống ở Hoa Kì, đa số họ là những sinh viên du học, cho nên họ có ‘nhu cầu’ tìm gặp nhau, nhất là trong những dịp lễ tết và dễ dàng trở nên bạn bè. Riêng cụ Ngô vốn là một người Công Giáo thuần thành sẽ không mất nhiều thời giờ để tìm hiểu và kết bạn với một linh mục tuổi trẻ tài cao.

Sang năm 1951, thầy Kiệm nhận được điện tín từ Âu châu yêu cầu ra phi trường Idlewild để đón Giám mục Ngô Đình Thục (bạn đồng song của Đức hồng y F. Spellman) và bào đệ Ngô Đình Diệm. Thầy Kiệm cho đây là một vinh dự được nghênh đón 2 nhân vật, một đạo một đời, có tiếng tăm lẫy lừng thời ấy cho nên thầy vội vàng chuẩn bị xe và đóng bộ tươm tất nhất để ra phi trường. Bụng bảo dạ, thầy Kiệm tiên đoán 2 điều: một là Đức hồng y F. Spellman sẽ niềm nở tiếp đón Giám mục Ngô Đình Thục là bạn đồng song với Ngài hồi cả hai tòng học tại Roma; hai là vì cùng được Đức hồng y bảo trợ cho nên thầy Kiệm và cụ Ngô sẽ có nhiều dịp gặp gỡ và sống bên nhau. Hai tiên đoán của thầy Kiệm đều đúng.

Thật vậy, trong hơn hai năm cụ Diệm sống tại Hoa Kì, thầy Kiệm đã có nhiều dịp gặp gỡ, sống chung, giúp đỡ và làm bạn tâm tình với cụ.

Thầy Kiệm kể lại, mỗi lần cụ Diệm tới Manhattan tiếp chính khách tại khách sạn, cụ thường nhờ thầy đưa đón. Có khi thầy Kiệm móc tiền túi ra trả tiền khách sạn cho cụ vì biết cụ Diệm sống rất thanh bạch. Cụ Diệm còn nhờ thầy Kiệm giúp cho cả những việc nhỏ khác. Trong số những sinh viên bạn bè du học thời đó như các ông Huỳnh Văn Lang, Đỗ Vạng Lí, Bùi Công Văn, Bùi Kiến Thành, Nguyễn Thái, Nguyễn Ngọc Linh, Nguyễn Văn Thơ, bà Nguyệt Minh, Nguyễn Đình Hòa…(2) thì riêng ông Nguyễn Đình Hòa có thân phụ quen biết cụ Diệm, cho nên khi ông Hòa lập gia đình, cụ Diệm nhờ thầy Kiệm đưa đi mua quà tặng cho đôi tân hôn.

Một lần, vì muốn cho cụ Diệm được chút thay đổi thoải mái, thầy Kiệm mời cụ tới ở chơi cuối tuần với thầy. Cụ Diệm nhận lời ngay. Song vì thầy Kiệm sống chung với các linh mục giáo xứ không tiện tiếp đón khách riêng, thầy đã ngỏ lời xin các nữ tu Ursuline giúp đỡ. Các nữ tu Ursuline là những vị giàu lòng nhân ái và có học lực rất cao, đang điều hành ngôi trường College of New Rochelle bề thế. Họ sẵn lòng dành cho vị khách qúy của thầy Kiệm một căn phòng rộng rãi, khang trang, mời khách ăn ở 2 ngày cuối tuần. Mỗi bữa ăn có một vị nữ tu, là giáo sư, ân cần phục thị cụ Diệm và thầy Kiệm. Khi thầy Kiệm hỏi cụ có ngủ ngon giấc không thì cụ Diệm thành thật nói: ‘Bầu khí rất thanh tĩnh, giường ngủ rất êm ái thơm tho, nhưng họ cần gì mà phải thay chăn đệm mỗi tối, và khăn lau trong buồng tắm một ngày ba lần’!

Tình bạn giữa cụ Diệm và thầy Kiệm thân thiết đến nỗi hai vị có thể đem nói với nhau những ý nghĩ thầm kín và có cả những cú ‘sửa lưng’vui vui của một đàn anh đối với một đàn em. Trong giáo xứ, thầy Kiệm kết bạn với một tín hữu người Trung Hoa. Thầy giới thiệu người tín hữu này với cụ Diệm. Không lâu sau, người bạn Trung Hoa viết thiệp mời cụ Diệm và thầy Kiệm tới nhà dùng cơm. Thiệp mời khách tới nhà vào ‘đệ lục nhật’. Lúc đó vốn Hán học của thầy Kiệm còn giới hạn cho nên thầy thắc mắc tại sao người Công Giáo lại mời nhau dùng cơm vào ngày thứ sáu phải kiêng thịt. Cụ Diệm vui vẻ giải thích cho thầy rằng ‘đệ lục nhật’ của người Trung Hoa tức là ngày thứ bảy của ta. Có lần người ta hỏi quê quán của thầy Kiệm, thầy nói thầy là người làng Phát Diệm, thì cụ Diệm húc nhẹ cùi chỏ vào thầy rồi trả lời thay: ‘Cha Kiệm là người Phát Diễm đó’. Cụ nhắc cho thầy tục lệ kị húy của người Việt mình, đồng thời chỉ cho thầy biết tuy là viết một chữ Hán nhưng có thể đọc hai âm, vừa là Diệm vừa là Diễm.

Mặc dù học hành vất vả, nhưng cuối tuần thầy Kiệm vẫn dành thời giờ để liên lạc với cụ Diệm. Vì biết cụ hết sức ưu tư trước tình hình chính trị bế tắc, cho nên để giúp cho cụ được thư giãn đôi chút, thầy Kiệm đã mách cho cụ một cái thú chơi nghệ thuật lịch lãm, đó là thú chụp hình. Bởi thầy Kiệm vốn say mê môn chụp ảnh nghệ thuật. Thầy có đủ loại máy ảnh, lại được tự do xử dụng phòng tối của trường học giáo xứ. Hơn nữa, tại Đại học Fordam, khi muốn phân tích thành phần các thể chất, thầy Kiệm được các giáo sư dạy cho phương pháp dùng điện thế rất cao để chụp quang phổ (spectrum). Khi cụ Diệm đồng ý, thầy Kiệm đưa cụ đi mua máy ảnh, sách dậy chụp và rửa hình. Chuyện này khiến cho thầy Kiệm sau này đã lấy làm ân hận. Vì thầy dẫn đưa cụ Diệm vào cái thú chụp hình và chơi ảnh nghệ thuật cho nên khi cụ bị lật đổ, bọn phản loạn đã lục soát văn phòng của cụ và phao tin cụ ‘chơi hình khỏa thân’. Kì thực cụ Diệm chỉ có những tờ báo Photography chụp phong cảnh và người mẫu chứ không phải là loại báo ‘Playboy’.

Cũng vào giai đoạn này, khi có dịp thư thả tâm tình, thầy Kiệm nhiều lần hỏi thẳng cụ Diệm nhận xét gì về nhân vật Hồ Chí Minh. Thời còn là sinh viên Thần học tại Trường Lí Đoán Thượng Kiệm, Phát Diệm (tức trường Thần học Phát Diệm), thầy Kiệm đã từng sống chung với Luật sư Trần Văn Chương và ông Ngô Đình Nhu. Chính Đức giám mục Lê Hữu Từ đã tiếp nhận ông bà Luật sư Trần Văn Chương và ông bà Ngô Đình Nhu về ẩn náu tại Khu An Toàn Phát Diệm hồi 1945. Ngài gửi bà Chương và bà Nhu (con gái của ông bà Chương) tại tu viện Mến Thánh Giá Lưu Phương, còn hai ông Chương và Nhu thì phải ăn mặc như một thầy tu và sống chung với các sinh viên trường Thần học Thượng Kiệm. Lúc đó thầy Kiệm lấy làm lạ, sao cụ Diệm không về Phát Diệm cùng với ông Nhu, hay là ông Hồ Chí Minh vẫn muốn giữ cụ Diệm lại. Nay ở bên Hoa Kì, có dịp thuận tiện, thầy Kiệm lại đưa điều thắc mắc xưa ra để hỏi cụ Diệm. Thầy muốn biết ông Hồ và cụ Diệm đã đối xử với nhau thế nào và cụ Diệm nghĩ gì về ông Hồ. Nhưng thầy Kiệm chẳng được toại nguyện; thầy xác nhận không một lần nào ông Diệm bình luận với thầy hay bất cứ ai về ông Hồ.

Đến giữa năm 1953, tình bạn giữa cụ Diệm và thầy Kiệm bước sang giai đoạn mới: Khoảng trung tuần tháng 6 năm 1953, cụ Diệm gọi điện thoại báo cho thầy Kiệm biết tin Quốc trưởng Bảo Đại mời cụ về nước chấp chính. Theo thầy Kiệm nhận xét thì trước khi nổ ra trận Điện Biên Phủ (13.3.1954), dường như quần chúng và ngay cả nhiều chính khách Hoa Kì biết rất ít về đất nước và con người Việt Nam. Thậm chí có người còn hỏi thẳng thầy Kiệm nước Việt Nam ở chỗ nào trên bản đồ thế giới và phụ nữ Việt Nam đã biết mặc quần áo chưa?! Thầy Kiệm đem mối ưu tư này của mình giãi bầy cùng cụ Diệm thì cụ trả lời: ‘Được Mĩ bật đèn xanh, không phản đối việc tôi quy cố hương là đủ. Chắc rằng về nước nhà rồi, tôi sẽ còn cần họ tiếp sức mới hãn ngữ được đường tiến của Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh và Hà Nội. Như vậy là bõ công tôi sống hơn hai năm ở Hoa Kì. Việc tôi trở về sẽ không do Hoa Thịnh Đốn quyết định, nhưng sẽ tùy thuộc công cuộc Hoàng đế Bảo Đại dàn xếp với Champs- Élysées có hanh thông hay chăng’. Và để trấn an thầy Kiệm cụ Diệm nói tiếp: ‘Sang Âu châu, gặp nhà vua rồi, nhìn thấy tiền đồ sáng tỏ hơn, tôi sẽ từ bên đó đánh điện cho cha rõ, để cha thông báo cho các anh chị em bên này yên lòng’.

Kế đó cụ Diệm rời tu viện Maryknoll, Lakewood, New Jersey để về nhà ông bà Bùi Công Văn phía Đông Bắc Central Park, Manhattan. Buổi tiễn chân cụ Diệm đi Âu châu có 5 người là ông bà Bùi Công Văn, Đỗ Vạng Lí, Bùi Kiến Thành và thầy Kiệm. Chính bà Bùi Công Văn phát hiện cụ Diệm không thắt cà vạt cho nên ông Bùi Kiến Thành (người thường biếu tiền cho cụ Diệm. Ông Thành là con cụ Bùi Kiến Tín) vội chạy đi mua cà vạt cho cụ Diệm (3).

Ngay hôm sau, từ Paris, cụ Diệm gửi cho thầy Kiệm điện tín nói: ‘Tout va bien’. Thế nhưng cuộc điều đình với Pháp của Quốc trưởng Bảo Đại không đem lại kết quả, cho nên cụ Diệm đã gửi thư cho thầy Kiệm cho biết cụ bỏ Pháp để sang tạm trú tại tu viện Saint André, Bruges, nước Bỉ.

Thầy Kiệm cố ý mô tả hoàn cảnh và diễn tiến buổi tiễn chân cụ Diệm rời Hoa Kì đi Âu châu đáp ứng lời kêu gọi lần thứ nhất của Quốc trưởng Bảo Đại để chứng minh cho hậu thế: cụ Diệm về chấp chính không phải là do Hoa Thịnh Đốn dàn dựng. (Điều này cũng được hồi kí của ông Bùi Diễm công minh xác nhận. Xin xem Chú thích số 4).

Trận Điện Biên Phủ nổ ra ngày 13.3.1954 giữa quân Pháp và quân CSVN. (Quân Pháp thua trận ngày 26.6 1954). Ngày 16.6.1954, Thủ tướng Bửu Lộc và chính phủ từ chức. Quốc trưởng Bảo Đại ra sắc lệnh số 38/QT ủy cho cụ Diệm lập chính phủ mới với toàn quyền dân sự và quân sự (5).

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã ổn định được miền Nam. Ngày 23.10.1955, tổ chức trưng cầu dân ý phế bỏ Quốc trưởng Bảo Đại. Ngày 26.10.1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống nước Việt Nam Cộng Hòa.

Đúng vào thời kì khai mở nền Cộng Hòa này, thầy Kiệm bỏ trường New York University để về nước.

Đây là lúc chứng thực mối tình bạn thắm thiết giữa cụ Diệm và thầy Kiệm. Tục ngữ có câu: Giầu đổi bạn, sang đổi vợ. Cụ Diệm thì khác, nay đường đường là một vị nguyên thủ quốc gia, cụ vẫn không quên người bạn trẻ hồi còn bôn ba ở hải ngoại. Được tin thầy Kiệm đã về nước, cụ Diệm cho Bác sĩ Trần Kim Tuyến tới Tiểu chủng viện Phát Diệm, Phú Nhuận, mời thầy vào Dinh Độc Lập. Tổng thống chỉ thị đón thầy Kiệm vào cổng chính, mở cả 2 cánh cửa. Các gia nhân đứng đón chào ngoài cổng đều mặc quốc phục, họ đưa thầy lên lầu phía trái, nơi Tổng thống cũng bận quốc phục đang ngồi. Nghi lễ đón bạn của Tổng thống bề ngoài xem ra rất trang trọng theo cổ tục, nhưng câu chuyện hàn huyên riêng tư giữa hai vị vẫn hoàn toàn thân mật không chút xã giao, khách sáo. Thầy Kiệm đã dám hỏi Tổng thống những câu hỏi hết sức riêng tư và nhậy cảm. Chẳng hạn như thầy hỏi Tổng thống tại sao truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, tại sao ‘giận’ Đức cha Lê Hữu Từ. Tổng thống trả lời: ‘Vì chính nhà vua muốn truất phế tôi sau khi tôi dẹp yên bọn theo Pháp phá hoại quốc gia và thành lập xong một chính phủ có đầy đủ sức hoạt động. Té ra nhà vua đã lợi dụng tôi như một con cờ thí nhận việc dọn đường phục bích mà thôi. Trước sau Hoàng thượng vẫn nuôi mộng một ngày sẽ trở lại Huế ngồi lên ngai cũ các vua Nguyễn. Tôi đã hứa khi được Hoàng đế mời về chấp chính thì mình sẽ vâng nghe các Thánh chỉ sáng suốt của Ngài. Nhưng Thánh chỉ đòi tôi rút lui vào lúc quốc sự còn ngổn ngang, thì nhất định là thiếu sáng suốt, làm sao tôi có thể phụng mệnh Thánh chỉ được’. Trả lời câu hỏi thứ hai của thầy Kiệm, Tổng thống nói: ‘Tôi đâu dám giận Đức Cha? Chỉ có Đức Cha giận tôi mà thôi. Khi tôi mời Ngài tránh nạn vào Nam, Ngài đã không chịu. Cha còn nhớ chăng? Cuối năm 1952, tôi có nhờ Cha biên thư cho Ngài mà căn dặn chấm dứt chương trình xây trường Louis Pasteur ở Hà Nội, để dùng tiền mua đất xây nhà ở Sài Gòn phòng biến. Ngài đã không nghe khiến cho địa phận Phát Diệm bây giờ lâm vào cảnh cơ cực ở vũng lầy Phú Nhuận. Tới giai đoạn Hiệp định Genève, tôi hết sức hô hào dân lành bỏ Bắc vào Nam, thì Ngài lại đòi tôi làm một việc mộng tưởng đầy máu xương, là giúp Ngài cố thủ tại Phát Diệm! Cha ơi! Tôi rất đau khổ vì mất một ông bạn cố tri, từng là ân nhân của tôi và cùng tôi xuất thân từ Quảng Trị!’

Thế rồi từ đó, trong suốt thời Đệ Nhất Cộng Hòa, thầy Kiệm đã rút lui vào hậu trường để ‘phục vụ Tổng thống Diệm với tư cách quan sát viên miễn phí’, bởi vì thầy ý thức rõ rệt những chuyện ‘đượm nặng mùi chính trị đảng phái, một linh mục như tôi cần tránh xa’. Mặc dù đã cố gắng thu mình vào hậu trường chính trị, nhưng với vai trò ‘quan sát viên’ tự nguyện cho Tổng thống, thầy vẫn có những dịp gặp gỡ Tổng thống hoặc là như một người bạn tâm tình hoặc là để tư vấn những chuyện có liên quan tới tôn giáo. Chẳng hạn như thầy Kiệm đã được Tổng thống mời tham dự cuộc họp vào ngày 15 tháng 8 năm 1963 cùng với một số chức sắc tôn giáo để bàn về chính sách của Hoa Kì và Vatican giữa lúc dầu sôi lửa bỏng. Nhưng thầy Kiệm, vốn chỉ là một nhà tu hành, không có phép mầu nào, không thể ‘hô phong hoán vũ’, đành bất lực nhìn người bạn thân thiết của mình tứ bề thọ địch rồi cuối cùng bị sát hại thảm thương.

Ngô Tổng thống, người bạn vong niên của thầy Kiệm đã ra người thiên cổ cách nay 44 năm, nhưng thầy Kiệm vẫn ôm mãi trong lòng tình bạn thắm thiết chân thành. Thầy lấy làm đau lòng vì cho rằng Ngô Tổng thống là người thành tâm yêu nước yêu dân, vậy ‘mà bình sinh gặp rất nhiều hạng người thuộc hắc đạo đã không biết nhận xét chân tướng của ông, và công trình xây dựng của ông, lại còn vu khống cho ông đủ mọi thứ tội ác, sau cùng đã giết ông một cách dã man’, mặc dù Tổng thống đã chịu đầu hàng để tránh cho dân và quân đội khỏi lâm cảnh chém giết lẫn nhau.

Nỗi đau của thầy Kiệm còn nhức nhối không nguôi vì thầy thấy tại hải ngoại cũng như trong nước, nhiều người cầm bút vẫn viết về Tổng thống một cách bất công. Thư viện khắp nơi chứa đầy những tài liệu hoàn toàn bất lợi cho Tổng thống. Tuy nhiên, bóng đêm không mãi mãi ngự trị. Trời cũng như người không mãi mãi phụ kẻ công chính. Tới nay, điểm lại, càng ngày càng có nhiều tác giả là những nhà chính trị, sử gia, nhà văn, nhà giáo, nhà báo, thẩm phán, luật sư, quân nhân....đã công khai nói lên sự thật, mạnh dạn làm chứng cho lẽ phải, rằng: Tổng thống Ngô Đình Diệm là một nhà ái quốc, công nhiều tội ít (6).

Thế cho nên dù không hề có tham vọng viết lịch sử như các bậc thức giả kể trên, nhưng thầy Kiệm phải cầm bút như một thôi thúc của tình bạn chân thành đối với Ngô Tổng thống để viết bài Có Phải Hoa Thịnh Đốn Đã Đưa Ông Diệm Về Làm Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam? Mục đích làm sáng tỏ việc Cụ Ngô về nước chấp chánh không do người Mĩ dàn dựng. Chỉ sau khi cụ Ngô đã ổn định được miền Nam, người Mĩ mới lộ liễu nhúng tay vào, rồi tìm cách lèo lái… và cuối cùng chấp thuận kế hoạch tai hại ‘thay ngựa giữa đường’! Bài viết này như một dấu ấn cuối cùng về tình bạn thắm thiết đầy cảm động giữa thầy Kiệm và cố Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Thời gian như bóng câu vút qua song. Trong khi tìm tài liệu để viết về thầy Kiệm kính yêu, chúng tôi được xem một bức hình của thầy chụp gần đây, bất giác cảm thấy bùi ngùi, nhớ lại hình dáng thầy vào những năm 60 tinh anh hoạt bát, mà nay đã gần cửu thập. Rồi lại liên tưởng đến‘những người muôn năm cũ’! Ôi mái trường xưa, các thầy, và bạn bè mến yêu, ai còn ai mất.

Sống trên cõi đời, mỗi người có một phận số khác nhau. Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng vậy, thầy Kiệm cũng vậy, ai ai cũng vậy. Khi xuôi tay nhắm mắt, tất cả những thứ người ta muốn chiếm hữu suốt cả cuộc đời đều phải bỏ lại, chỉ những gì tốt đẹp và hữu ích người ta đã cho đi, đã cống hiến thì sẽ còn lại mãi mãi mà thôi. Người đời sau sẽ nhớ tới Ngô Tổng thống như một nhà ái quốc chân chính, dám hi sinh mạng sống vì chính nghĩa. Lũ môn sinh chúng tôi và các nhà quan tâm tới nền học thuật nước nhà sẽ nhớ tới thầy Kiệm như là một tu sĩ ‘một lòng giảng Đạo’, như một nhà văn hóa, một công dân ‘tận tụy phục vụ tổ quốc’ bằng các nỗ lực phục vụ đạo đời, nhất là công trình biên soạn về chữ Nôm giá trị của thầy. Thầy Kiệm còn là mẫu mực về tình bạn trung thành, qúy trọng và giúp đỡ bạn lúc hàn vi, khiêm tốn lui vào bóng tối lúc bạn ở trên tuyệt đỉnh danh vọng, và không bao giờ bỏ rơi bạn khi bạn ngã ngựa, trái lại hết sức cố gắng làm cho hậu thế hiểu đúng về bạn hầu đem công chính trả lại cho bạn.
 
Đọc hết toàn bài :  LINH MỤC AN-TÔN TRẦN VĂN KIỆM
 
Trần Vinh
 2007