Trận Thường Ðức,
cuộc thư hùng Nam-Bắc cuối cùng
Dẫn nhập
Mặc dù trận đánh tại Thường Ðức (từ ngày 15 Tháng Tám đến ngày 8 Tháng Mười
Một năm 1974), cũng như trận Long Khánh hồi Tháng Tư năm 1975, không phải là
trận đánh sau hết trong Chiến Tranh Việt Nam, nhưng đây phải được coi là cuộc đọ
sức cuối cùng trong số hằng trăm, hằng nghìn trận thư hùng lớn, nhỏ của quân đội
hai miền Nam-Bắc, một trận Ðiện Biên Phủ khác trên chiến trường Việt Nam mà kẻ
chiến thắng là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Có nhiều lý do dẫn tới nhận định trên:
1. Lý do thứ nhất là mức độ dữ dội của trận đánh tại Thường Ðức khi chưa bao
giờ có đông đến như thế các lực lượng tham chiến và hỏa lực tập trung của cả hai
bên trên một chiến trường nhỏ hẹp chỉ gồm có ngọn Ðồi 1062 và các đồi phụ chung
quanh với cao điểm trận đánh kéo dài chưa đầy một tháng.
2. Lý do thứ hai là trận đánh này, dù mức độ ác liệt chỉ thua sút có trận Cổ
Thành Quảng Trị và trận An Lộc, lại không được nhiều người biết đến do địa thế
hẻo lánh của vùng giao tranh (giáp giới với vùng Hạ Lào) và do tình hình chính
trị vào những ngày cuối của cuộc Chiến Tranh Việt Nam quá sôi động khiến báo chí
Tây phương, vốn rất ồn ào, không đưa tin đúng mức vì họ không kịp hiểu hết tầm
mức quan trọng của trận đánh mang ý nghĩa của một “cuộc thăm dò khả năng chiến
đấu một mình” của quân đội miền Nam Việt Nam chống lại các lực lượng Cộng Sản
sau khi quân chiến đấu Hoa Kỳ đã rút về nước.
3. Lý do thứ ba là số lượng cao của các lực lượng tinh nhuệ tham chiến: Quân
đội Nhân dân Cộng Sản Bắc Việt có Sư đoàn 304 Ðiện Biên cùng Sư đoàn 324B và
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có Sư Ðoàn Nhảy Dù.
4. Lý do thứ tư là cán cân thăng bằng về hỏa lực và nhân sự giữa đôi bên coi
như đã được tái lập sau khi sau khi các lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ đã thực
sự rút lui khỏi chiến trường, đem theo luôn sức yểm trợ mạnh mẽ của máy bay oanh
tạc và hải pháo của Không Quân, Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, trong
khi, về mặt súng nặng, quân Bắc Việt đã đưa vào sử dụng một số trọng pháo tân
tiến chưa thấy dùng trong Mùa Hè Ðỏ Lửa cách đó hơn hai năm. (Yếu tố này được đề
cập tới để các nhà viết quân sử không còn lý do nào để bảo rằng Quân Lực Việt
Nam Cộng Hòa có ưu thế về hỏa lực trong mọi trân đánh so với Quân đội Nhân dân
Cộng Sản Bắc Việt.)
5. Lý do sau cùng là lòng quyết chiến, quyết thắng của cả đôi bên trong trận
đánh khi Sư đoàn 304 Ðiện Biên, sau khi đã chiếm được Quận lỵ Thường Ðức và ngọn
Ðồi 1062, một cao điểm chiến lược cực kỳ hung hiểm, chính thức thách đấu vời Sư
Ðoàn Nhảy Dù để phân định cao thấp trong một trận đánh mà từ thời điểm cho tới
chiến trường đều do họ chọn lựa.
Một số tài liệu về trận đánh này cho biết chính Cộng quân đã dùng giàn thun
bắn thư rơi khiêu chiến, “thách ‘Ngụy’ Dù lên đánh”. Phải biết rằng phe Cộng Sản
vẫn hết sức ấm ức khi đành chấp nhận thảm bại trong trận chiến Cổ Thành Quảng
Trị hồi Mùa Hè năm 1972 sau khi bị các lực lượng Thủy Quân Lục Chiến và Nhảy Dù
của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, có sự yểm trợ của hỏa lực hùng hậu của Hải Quân,
Thủy Quân Lục Chiến và Không Quân Hoa Kỳ, đánh cho tan tác, để rồi các lực lượng
“Bộ đội Cụ Hồ” tinh nhuệ dưới quyền Tướng Võ Nguyên Giáp tham chiến đành phải
rút lui “không còn manh giáp”. (1)
Với các lý do được kể ra ở trên, chiến thắng của các lực lượng Nhảy Dù trước
quân Cộng Sản phải được coi là hết sức oanh liệt và dứt khoát. Sau gần ba tháng
trời, trận đánh kết thúc với việc các lực lượng Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa - dưới quyền chỉ huy tổng quát của các Tướng Ngô Quang Trưởng và Lê
Quang Lưỡng - tiêu diệt gần như toàn bộ các lực lượng tham chiến của Cộng Sản
Bắc Việt bên trong và chung quanh ngọn đồi chiến lược 1062, khẳng định trước các
nhà viết Quân sử thế giới tính ưu việt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa so với
Quân Ðội Nhân Dân Cộng Sản Bắc Việt. (2)
Bài viết này được thực hiện dựa trên tài liệu nhan đề “33 Năm Nhớ Về Mặt Trận
Thường Ðức” của Ðại Úy Võ Trung Tín và Ðại Úy Nguyễn Hữu Viên, cả hai đều là sĩ
quan của lực lượng Nhảy Dù, và đã được phổ biến rộng rãi trên mạng lưới điện
toán từ Tháng Mười Một năm 2008.
Bối cảnh chiến trận
Trong phần nhận định tổng quát về bối cảnh cuộc chiến, các tác giả viết:
“Sau khi Hiệp Ðịnh Paris được ký kết vào cuối Tháng Giêng 1973, tình hình
chiến cuộc Việt Nam tạm lắng dịu... Vào những tháng cuối năm 1974, sau khi trao
đổi tù binh với Hoa Kỳ xong xuôi, [Cộng Sản] Bắc Việt không ngần ngại bắt đầu vi
phạm Hiệp Ðịnh Ba Lê để thực hiện ý đồ xâm lăng thôn tính Miền Nam bằng võ
lực...”
“Song song với việc Cộng Sản Bắc Việt mở mặt trận lớn đầu tiên tại Vùng 1
Chiến Thuật với ý đồ cầm chân các đơn vị Tổng Trừ Bị của Quân Lực Việt Nam Cộng
Hòa đồng thời ào ạt di chuyển bộ đội trên đường mòn Hồ Chí Minh vào các Quân Khu
2 và 3, hai Sư đoàn 304 và 324B Bắc Việt, cùng các Trung đoàn Pháo, Chiến xa bất
thần đánh chiếm quận Thường Ðức thuộc tỉnh Quảng Nam là một điểm chiến lược nhờ
địa thế núi rừng hiểm trở...”
“Ðịa hình Thường Ðức rất hiểm yếu, ba bề là núi cao, có nhiều dốc dựng đứng.
Phía Ðông bằng phẳng, từ quận Ðiện Bàn trên giao điểm Quốc Lộ 1, Liên Tỉnh Lộ 4
chạy dọc theo Sông Vu Gia dẫn vào Thường Ðức nằm ngay ngã tư Liên Tỉnh Lộ 4 và
Quốc Lộ 14 và cũng là nơi hợp lưu của hai con Sông Côn và Sông Vu Gia nước sâu,
chạy dài từ Tây sang Ðông. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho thành lập quận này
nhằm cắt đứt con đường 14, không cho Cộng quân sử dụng để di chuyển vào
Nam...”
Nói đến các động lực dẫn đến việc Cộng Sản Bắc Việt xua quân lấn chiếm Chi
Khu Thường Ðức và việc Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Ðoàn I và Vùng
I Chiến Thuật, giao cho Sư Ðoàn Nhảy Dù trọng trách tái chiếm quận này, các tác
giả viết:
“Về mặt chiến lược, Thường Ðức là một vị trí quan trọng xuất phát các cuộc
hành quân trinh sát [của các lực lượng Việt Nam Cộng Hòa], khống chế con đường
tiếp liệu Trường Sơn Ðông mà Cộng Sản Bắc Việt vừa mới khai dựng sau ngày ký
hiệp định 27/1/1973. Từ phía Bắc, quân dụng và chiến cụ theo đường mòn Hồ Chí
Minh đưa từ A Lưới đến A-Shau qua Trào, đến Bến Giàng nằm trên Liên Tỉnh Lộ 4
cách Thường Ðức không xa. Tại đây quân CSBV có những kho lẳm tồn trữ quân dụng
tiếp tế cho mặt trận Quân Khu Năm.”
“Về chính trị, với việc chiếm đóng Thường Ðức, Hà Nội có thể đánh giá được
phản ứng của Hoa Kỳ và khả năng viện trợ quân sự cho Sàigòn. Về quân sự, Hà Nội
có thể đánh giá khả năng phản kích, cơ động và hỏa lực yểm trợ chủ lực VNCH ở
Quân Khu 1, đặc biệt là các lực lượng Tổng Trừ Bị cơ động chiến lược (Nhảy
Dù).”
“Ðối với Việt Nam Cộng Hòa, trận chiến Thường Ðức đánh dấu việc vi phạm ngưng
bắn của CSBV đã đến một mức độ nghiêm trọng mới. Thường Ðức trở thành Quận lỵ
đầu tiên của VNCH rơi vào tay Cộng Sản sau ngày ngưng bắn. Ðại Lộc và Ðà Nẵng
[nơi đặt bản doanh của Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I, Vùng 1 Chiến Thuật] sẽ bị đe dọa
nghiêm trọng từ hướng Tây chỉ cách thung lũng sông Vu Gia.”
Các tác giả liệt kê lực lượng địch và bạn tham chiến như sau:
Lực lượng địch tham chiến gồm có:
- Sư đoàn 324B gồm các Trung đoàn 29, Trung đoàn 6 và Trung đoàn 803 di
chuyển từ phía Tây tỉnh Quảng Trị xuống tỉnh Quảng Nam;
- Sư đoàn 304 Ðiện Biên, Tư lệnh là Trướng Công Phê, Chính ủy là Trần Bình
chỉ huy trực tiếp trận chiến, gồm 3 Trung đoàn 66, 24 và 36 vừa tham gia trận
đánh chiếm căn cứ Dak Pek ở phía Bắc tỉnh Kontum vào giữa Tháng Năm đã bí mật di
chuyển vào khu vực Thường Ðức;
- Trung đoàn 31 thuộc Sư đoàn 2 CSBV tăng viện vào lúc cuối trận chiến;
- 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương Quảng Ðà;
- Một Trung đoàn Pháo và Trung đoàn Chiến Xa...
(Các tác giả cũng ghi nhận rằng, về mặt súng nặng, các lực lượng Cộng Sản Bắc
Việt đã đưa vào sử dụng loại súng cối 160 ly có sức công phá lớn, ngoài các loại
vũ khí nặng khác mà họ từng sử dụng trong trận chiến như hỏa tiễn 122 ly, sơn
pháo 130 ly, pháo 105 ly, pháo 85 ly, cối 82 ly và cối 61 ly.)
“Lực lượng bạn:
- Tiểu Ðoàn 79 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng;
- Hai Ðại Ðội Ðịa Phương Quân;
- Một Ðại Ðội Cảnh Sát Dã Chiến;
- Một Trung Ðội Viễn Thám;
- 16 Trung Ðội Nghĩa Quân;
- Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn Văn Ðỉnh làm Lữ Ðoàn Trưởng, gồm 3
Tiểu Ðoàn 1, 8, 9 Nhảy Dù và Tiểu Ðoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù;
- Lữ Ðoàn 3 Nhảy Dù do Trung Tá Lê Văn Phát làm Lữ Ðoàn Trưởng, gồm 3 Tiểu
Ðoàn 2, 3, 6 Nhảy Dù và Tiểu Ðoàn 2 Pháo Binh Nhảy Dù.
Một số diễn tiến tiêu biểu trong trận Thường Ðức
Về diễn tiến các cuộc giao tranh vô cùng ác liệt trong trận Thường Ðức, nhất
là trận đánh để tái chiếm Ðồi 1062 đã lọt vào tay Cộng Quân sau khi họ tràn ngập
Chi Khu Thượng Ðức ngày 7 Tháng Tám năm 1974, xin trích dẫn một đoạn tiêu biểu
trong bài viết của hai tác giả Võ Trung Tín và Nguyễn Hữu Viên:
“Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù tấn công 1062:
Trời sẫm tối, chờ bắt tay với Tiểu Ðoàn 9 không được, Ðại Ðội 11 phải tạm
đóng quân đêm tại B và B1. Ðêm đó, đặc công địch bò trở lại đột kích B1 bằng
B-40 rồi bỏ chạy. Chuẩn Úy Tuyến, Trung Ðội Trưởng, bị hy sinh. Sáng hôm sau,
20/8/1974, địch pháo kích mạnh mẽ bằng đạn 122 ly vào B và B1 nhưng không chính
xác nên [ta] không bị tổn thất. Khoảng 11 giờ trưa, Thiếu Tá Quý và Ðại Ðội 14
bắt tay với Tiểu Ðoàn 9 cũng xuất hiện và đóng chốt tại B2.
Kế đó, TÐ1ND tiếp tục tiến về cứ điểm C, một tiền đồn mạnh mẽ của quân CS Bắc
Việt. Ðại Ðội 14 đi đầu và chạm địch. Thiếu Tá Nguyễn Văn Quý đi với cánh quân
bọc hậu là Ðại Ðội 11 của Ðại Úy Thế. Một phần vì địa thế hiểm trở, thêm vào đó
yếu tố bất ngờ không còn nữa. Ðịch đã chuẩn bị sẵn sàng với hầm hố kiên cố để
đón Ðại Ðội 14. Lại thêm rừng cây cổ thụ cao lớn, ta sử dụng pháo binh rất khó
vì sợ đạn chạm ngọn cây nổ từ cao gây thương tích cho quân bạn...
Sau [3 ngày cầm cự] khi địch tháo chạy vì sự tấn công quá dũng mãnh của các
chiến sĩ thiện chiến Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù, hai Ðại Ðội 11 và 14 chia nhau bố trí
lập vị trí phòng thủ sơ khởi để ngăn ngừa địch phản công. Một trận mưa cối sơn
pháo 130 ly của Bắc quân bủa xuống, tiếng nổ vang khắp rừng già, khói phủ mù mịt
trân địa. Nhờ bung rộng ra và hầm hố kiên cố của địch để lại, nên binh sĩ ta
tránh được thiệt hại nặng nề bởi trận mưa pháo tập trung và chính xác này.
Càng tiến gần về 1062, địa thế càng hiểm trở, rừng rậm rạp hơn, cây to nhiều
hơn, sườn dốc đứng hơn. Từ cứ điểm C nhìn lên mục tiêu, ở cao hơn 2 vòng cao độ
(theo bản đồ quân sự tương đương 20 thước). Cách xa chừng 150 thước, ta thấy rõ
địch đang lố nhố chạy tới, chạy lui tăng cường phòng thủ. Thiếu Tá Quý gọi xin
pháo binh bắn “cắm chỉ” lên mục tiêu đó ngày và đêm. Ðây được gọi là mục tiêu D,
một trong 5 đỉnh của 1062. Giữa C và D là một thung lũng (eo yên ngựa) sâu
khoảng hơn 20 thước. Như vậy, quân ta nếu tấn công mục tiêu D, ít nhất phải vượt
lên một dốc đứng cao tới hơn 40 thước. Từ D, địch thỉnh thoảng bắn trực xạ bằng
đại bác và thượng liên xuống mục tiêu D, nhưng không gây thiệt hại đáng kể nào
cho quân bạn.
Lúc này Tiểu Ðoàn 8 và 9 còn cách quá xa 1062, chỉ có Tiểu Ðoàn 1 là gần và
đang ở cao địa, không ai bảo vệ cạnh sườn để tiếp ứng kịp thời. Ðịa thế địch
hiểm trở, dễ thủ, khó công. Ðịch chuẩn bị chiến trường đợi ta với những trận địa
pháo và hầm hố kiên cố. Ðỉnh 1062 có 5 đỉnh nhỏ. Năm đỉnh nhỏ này nằm theo thế
liên hoàn, yểm trợ cho nhau bằng hỏa lực dễ dàng. Diện tích rộng khoảng 2 đại
đội mới bao phủ nổi.
Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù quyết định đột kích đêm và lợi dụng gió Ðông làm một trận
hỏa công. Lực lượng xung kích gồm 2 Trung Ðội với Thiếu Úy Lê Văn Bá chỉ huy một
Trung Ðội thuộc Ðại Ðội 14 và Thiếu Úy Trần Thanh Quang chỉ huy một Trung Ðội
của Ðại Ðội 11... Ðại Ðội 11 làm thành phần trừ bị sẵn sàng tiếp ứng kịp thời
cho lực lượng tấn công... Hỏa lực yểm trợ gồm súng cối 60 ly và 81 ly đã được
chuẩn bị yếu tố tác xạ sẵn sàng.
S
áu giờ chiều, ánh sáng mặt trời trong rừng già đã tắt hẳn. Hai Trung Ðội bắt
đầu xuất phát. Thiếu Úy Quang dẫn Trung Ðội đi bên trái, Trung Ðội của Thiếu Úy
Bá bên phải. Họ giữ đội hình đi song song và cách nhau khoảng từ 30 đến 40
thước. Pháo binh 105ly của ta vẫn đều đều bắn cắm chỉ trên mục tiêu để địch lo
trốn trong hầm, không ngóc đầu lên quan sat quân ta đang di chuyển. Một giờ, hai
giờ, rồi ba giờ trôi qua.
Tình hình vẫn yên tĩnh, một thứ yên lặng ngộp thở, vì mọi người đều lo cho số
phận của đồng đội mình. Hệ thống liên lạc vẫn tốt. Thiếu Úy Quang thì thầm trong
máy:
- Rất gần địch, tiếng chửi thề của chúng nó nghe rõ mồn một, Ðích Thân.
- Ðược! Cẩn thận nghe Quang! Thiếu Tá Quý trả lời nho nhỏ trong máy với gọng
Huế chay.
Bỗng nghe một loat đạn nổ bên phải rồi im lặng. Pháo binh [ta] ngưng tác xa,
hai cánh quân vừa bắn vừa hô xung phong vang rền cả núi rừng hoang vu. Lửa bắt
đầu cháy trên mục tiêu, nhiều nhất là bên cánh Thiếu Úy Quang. Bộ Chỉ Huy Tiểu
Ðoàn 1 Nhảy Dù xin Pháo Binh chuyển tác xạ về hướng Tây để bắn chận quân địch.
Tiếng của Quang vang trong máy:
- Chiếm được đỉnh rồi, Ðích Thân! Hầm quá nhiều và kiên cố, làm toàn bằng cây
to. Mấy đứa con đang bung rộng chờ cánh quân bên phải!
Trời tối đen như mực, vẫn chưa liên lạc được Thiếu Úy Bá. Mười lăm phút sau,
Thiếu Tá Quý đứng dưới mục tiêu C thấy trên D có từng cụm lửa lóe lên chen lẫn
trận địa pháo bằng súng cối sơn pháo 130 ly của địch.
Tiếng của Quang vang lên trong máy:
- Chúng pháo dữ dội quá, Ðích Thân, nhưng hầm hố kiên cố, không sao!
“Rồi hàng loạt tiếng đạn AK-47 kêu rít, tiếng Quang hét trong máy:
-Chúng nó phản công, đông lắm! Cho Pháo Binh bắn trên đầu tôi, tụi nó đông
như kiến! Mau lên! Pháo! Pháo mau lên!
“Ban đêm tời tối, Ðại Ðội 11 trừ bị cho Quang và Bá đang ở lưng đồi yên ngựa.
Trung Ðội Thiếu Úy Bá thì không liên lạc được ngay từ loạt đạn đầu, sau này mới
biết được là Bá và 4 binh sĩ đã hy sinh vì mìn Claymore... ngay từ lúc đó.
“Thiếu Tá Ngô Tùng Châu (Tiểu Ðoàn Trưởng) bảo Quý:
- Nếu thấy không được thì bảo Quang rút về, đừng hy sinh nhiều, ta sẽ tìm
cách khác.
“Nhưng Quang không nghe lệnh (hoặc không thể nghe lệnh!). Hai Trung Ðội đột
kích của Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù đã gặp sự kháng cự phản công quá mãnh liệt, quân số
địch rất đông. Từ đỉnh cao, khe núi, và các địa đạo trong rừng cây ùa ra như đàn
ong vỡ tổ! Lính Nhảy Dù rỉa bắn không nghỉ tay. Trước khi gần hết đạn, Quang gọi
Thiếu Tá Quý phải kêu Pháo Binh bắn đạn nổ chụp ngay trên đầu thí quân, quyết
liều sống chết với quân Cộng Sản Bắc Việt. Thiếu úy Quang đã tập trung đạn của
các binh sĩ bị thương, bảo họ rút, còn Quang thì ở lại bắn tới hết đạn và anh
dũng hy sinh trên mục tiêu D...
“Các đạn pháo CVT đã sát hại 10 phần địch và 3 phần quân bạn. Xác địch và ta
nằm ngổn ngang trên đỉnh Ðồi 1062. Trung Ðội của Thiếu Úy Quang có 15 chiến sĩ
anh dũng hy sinh...”
Mức độ hy sinh không bờ bến của các chiến sĩ Nhảy Dù:
Về những hy sinh to lớn của các chiến sĩ Nhảy Dù tại mặt trận Thường Ðức như
sự hy sinh vừa kể của Thiếu Úy Quang và 15 chiến sĩ thuộc trung đội dưới quyền
của vị sĩ quan này, các tác giả viết: “'Cái giá' để chiếm được Ðồi 1062 thực sự
là một cái giá rất cao, cao nhất của chiến trận mà các chiến sĩ Dù đã gặp phải
từ trước tới nay. Năm Tiểu Ðoàn Dù bị tổn thất nặng, nặng nhất là Tiểu Ðoàn 3
của Thiếu Tá Võ Thanh Ðồng, quân số hao hụt gần 50 phần trăm.”
Trong phạm vi của bài viết ngày hôm nay, chỉ xin trích dẫn một vài đoạn tiêu
biểu trong bài viết của hai tác giả đã được đề cập tới, nói lên những gai lửa
của trận chiến cùng những hy sinh, gian khổ không bút mực nào tả xiết mà các
chiến sĩ Nhảy Dù đã cống hiến cho dân chúng miền Nam Việt Nam, chỉ với một mục
đích không hề lay chuyển của Sư Ðoàn bách chiến, bách thắng này là bảo vệ sự vẹn
toàn lãnh thổ của miền Nam tự do trước cuộc tấn công xâm lược điên cuồng của
Cộng Sản Bắc Việt, có sự yểm trợ tối đa của Cộng Sản Quốc Tế và sự đồng lõa, cố
ý cũng có mà vô tình cũng có, của phần còn lại của thế giới hồi các thập niên
1950, 1960 và 1970 trong thế kỷ trước.
“Trước khi gần hết đạn, Quang gọi Thiếu Tá Quý phải kêu Pháo Binh bắn đạn nổ
chụp ngay trên đầu thí quân, quyết liều sống chết với Cộng Sản Bắc Việt. Thiếu
Úy Quang đã tập trung đạn của các binh sĩ bị thương, bảo họ rút, còn Quang thì ở
lại bắn tới hết đạn và anh dũng hy sinh trên mục tiêu D (đã trích dẫn)... Một
quả lựu đạn đã rơi trúng nơi trú ẩn của Thiếu Úy Ðoàn Tấn và Chuẩn Úy Ðến thuộc
Ðại Ðội 81 khiến hai anh bị thương vong. Lúc quả lựu đạn vừa rơi tới, Thiếu Úy
Tấn định nhào lại lấy thân mình che cho đồng đội, nhưng không kịp nữa...
Thiếu Tá Vân nghe tiếng Ðại Úy Ðàng hét trong máy xin pháo binh và phi cơ bắn
lên đỉnh đồi, vì địch đã tràn ngập! Hai bên phải đánh cận chiến bằng lưỡi lê và
lựu đạn, nhưng địch nhiều quá, cứ liều chết nhào tới tấn công. Ðại Úy Ðàng và
anh em trong Ðại Ðội cầm cự, xông xáo, tả xung, hữu đột, người nào trên mình
cũng bị nhiều vết thương, áo ướt đầy máu. Ðàng nguyên là cận vệ của Trung Tướng
Nguyễn Viết Thanh.
Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn gọi 3 phi tuần khu trục giội bom napalm xuống đốt cháy
sườn đồi. Sau đó, từng đợt pháo binh bắn hỏa tập trợ chiến. Sau khi pháo dứt,
những cán binh Bắc Việt lại tràn lên thấy Ðàng bị thương nặng còn ngất ngư vì
trúng nhiều mảnh, anh dùng hơi tàn rút súng định tự sát, thì người anh bị ghim
như lông nhím. Ðàng ngồi chết trân mà đôi mắt hãy còn trợn trừng không khuất
phục... Ðại Ðội 34 của Trung Úy Thư, lên tiếp ứng thì gặp địch tràn tới đánh tơi
bời thật hung hiểm vô cùng! Ðịch hô: “Hàng sống, chống chết,” nhưng Thư cứ hăng
máu lấy AR-15 quạt và kêu pháo binh bắn đạn nổ chụp lên đầu để cùng chết chung
với 5 phần địch 1 phần bạn. Một mình Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù mà phải cầm cự với cả
Trung đoàn của Sư đoàn 304 [Ðiện Biên], địch cho các đơn vị thay phiên tấn công
gần một ngày. Các sĩ quan dũng mãnh của Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù như Ðại Úy Phạm Văn
Thư, Thiếu Úy Tô Văn Nhị đã gọi pháo binh bắn lên đầu để cùng chết chung với
hằng trăm xác địch...”
Về con số các chiến sĩ Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong
chiến dịch kéo dài gần ba tháng trời tại Thường Ðức, thiết tưởng cũng chỉ cần
nêu tên một số các sĩ quan ưu tú Dù đã bỏ mình trong trận chiến này -thêm vào
con số hằng trăm, hằng nghìn chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thuộc nhiều
quân, binh chủng đã bỏ mình trong trận đánh- cũng đủ thấy mức độ hy sinh to lớn
của tập thể chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam
tự do trước đây, theo đúng nghĩa của tinh thần thượng võ và khí phách “chiến đấu
đến hơi thở cuối cùng.”
Qua bài viết của hai tác giả “35 Năm Nhớ về Mặt Trận Thường Ðức,” các sĩ quan
Nhảy Dù sau đây đã bỏ mình ngay trên chiến trường: Thiếu Úy Hoàng Văn Tiến,
Thiếu Úy Nghiêm Sĩ Thành, Chuẩn Úy Tuyến, Thiếu Úy Quang, Trung Úy Bằng, Trung
Úy Khánh (Truyền Tin), Thiếu Úy Ðoàn Tấn, Chuẩn Úy Ðến, Trung Úy Vũ Ðức Tiềm,
Ðại Úy Ngụy Văn Ðàng, Trung Úy Phạm Văn Thư, Thiếu Úy Tô Văn Nhị, Chuẩn Úy Bảo,
Trung Úy Thịnh, Thiếu Úy Trần Ðại Thanh, Thiếu Úy Lê Hải Bằng... Một số sĩ quan
khác có thể cũng đã tử trận trong chiến dịch tái chiếm Thường Ðức, mà vì lý do
này hay lý do khác, đã không thấy được kể tên. Dĩ nhiên là con số Hạ Sĩ Quan và
Binh Sĩ Thiên Thần Mũ Ðỏ hy sinh trong trận này còn cao hơn nhiều so vối số các
sĩ quan tử trận.
Trận Thường Ðức ác liệt không thể tưởng
Sau hết, về cường độ các cuộc giao tranh và mức độ ác liệt của trận chiến
Thường Ðức, hai tác giả đã đưa ra các nhận định sau đây trong bài viết của
họ:
“Ðỉnh 1062 là một nấm mồ tập thể khổng lồ, chôn không biết bao nhiêu sinh
mạng của cả hai bên. Mỗi khi quân ta vừa chiếm được 1062, thì lập tức địch dội
pháo, điên cuồng xông lên quyết chiếm lại cho bằng được. Cả hai bên mất đi,
giành lại đỉnh 1062 nhiều lần... 'Cái giá' để chiếm được Ðồi 1062 thực sự là một
cái giá rất cao, cao nhất của chiến trận mà các chiến sĩ Dù đã gặp phải từ trước
tới nay. Năm tiểu đoàn Dù bị tổn thất nặng, nặng nhất là Tiểu Ðoàn 3 của Thiếu
Tá Võ Thanh Ðồng, quân số hao hụt gần 50 phần trăm (đã trích dẫn)...
Gần một tháng quần thảo, ta và địch đều bị tổn thất nặng quanh đỉnh 1062.
Chiếm xong lại mất, mất rồi thì chiếm lại bằng mọi giá... Vào giờ này, lực lượng
địch bu quanh 1062 dày đặc như ruồi bu quanh viên kẹo... Cối 75 ly và sơn pháo
của địch từ những cao độ phía Tây Bắc bắn từng nhịp 4 trái, và bộ đội Bắc Việt
từ hướng đó đồng loạt tiến vào. Cộng quân dùng chiến thuật biển người, chẳng
điều động, ẩn núp gì cả. Lính Nhảy Dù đồng đứng dậy khỏi giao thông hào bắn trả
mãnh liệt. Súng bắn không cần nhắm. Lựu đạn ném không cần lấy đà. Hàng hàng, lớp
lớp Cộng quân rơi rụng...”
Theo lời hai tác giả, tổn thất chung cuộc của ta và địch sau ba tháng giao
tranh là như sau:
“Từ khi khởi đầu chiến dịch Thường Ðức vào ngày 15 Tháng Tám, liên tục trong
3 tháng chiến đấu ác liệt quanh khu vực Ðồi 1062, các đơn vị Nhảy Dù đã thiệt
hại đến 50 phần trăm quân số, với gần 500 chết và 2,000 bị thương. Sư Ðoàn Nhảy
Dù sử dụng luân phiên tổng cộng 7 Tiểu Ðoàn trong chiến dịch này, và đến giữa
Tháng Mười Một có đến 6 Tiểu Ðoàn hoạt động trong khu vực Ðồi 1062.”
“Ba Trung đoàn Cộng Sản Bắc Việt (24, 29, 66) gần như bị xóa tên với 2,000 bộ
đội chết và 5,000 bị thương...”
“Cả hai bên đều kiệt sức sau một chiến dịch đẫm máu.” (Tài liệu: Col. William
E. LeGro trong “Vietnam from Ceasefire to Capitulation”)
Từ trận chiến Thường Ðức đến cuộc Chiến Tranh Việt Nam
Trận đánh Thường Ðức, trận đọ sức cuối cùng của quân đội hai miền Nam, Bắc
trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam vừa qua, ngoài việc cho thấy tính ưu việt của
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước Quân đội Nhân dân Cộng Sản Bắc Việt, còn tiêu
biểu cho những hy sinh không bờ bến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, bất kể họ là
Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Ðộng Quân, Không Quân, Hải Quân, Bộ Binh, Ðịa
Phương Quân hoặc Nghĩa Quân... qua cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam Việt Nam trước
1975 trong bối cảnh cuộc chiến dấu cho tự do của nhân loại bị phản bội khi chiếc
tiền đồn chống Cộng tại Ðông Nam Á bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn.
Không ai có thể tưởng tượng được rằng, chỉ vì một ngọn đồi khô cằn tại một
quận lỵ đèo heo hút gió xa cách những vùng cư dân trù phú dưới miền đồng bằng
duyên hải miền Trung, Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I, Vùng I Chiến Thuật, đành phải chấp
nhận đưa lá bài chủ lực của mình tại Vùng Hỏa Tuyến, là hai Lữ Ðoàn của Sư Ðoàn
Nhảy Dù, vào trận địa để thanh toán mục tiêu, tức là nhổ cho bằng được cái chốt
địch đang ngạo nghễ chiếm đóng Ðồi 1062 ngó xuống quận Thường Ðức đặng từ đó đưa
pháo tầm xa về khống chế các cơ sở quân sự -trong đó có bản doanh của Quân Ðoàn
I- và dân sự cùng phố phường, làng xã của dân chúng tại miền duyên hải Quảng
Nam-Ðà Nẵng.
Phải biết rằng, trong tình thế lúc bấy giờ, các lực lượng Tổng Trừ Bị trấn
đóng tại Quân Ðoàn I, như Sư Ðoàn Nhảy Dù và Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến cùng
với các Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân thiện chiến, đang bị căng kéo và dàn mỏng đến
mức tối đa trên địa hình hiểm trở của Vùng I Chiến Thuật, chiếc ải địa đầu của
miền Nam Việt Nam, nơi xuất phát và cũng là nơi đánh dấu biết bao nhiêu trận
đánh lớn trong cuộc Chiến Tranh Quốc-Cộng kể từ khi đất nước Việt Nam bị chia
đôi bằng con sông Bến Hải cho tới năm 1975.
Ðiều rõ ràng nhất và cũng là điều nổi bật nhất chính là mức độ hy sinh rất
cao, cao đến độ không bờ bến, của tất cả các lực lượng tham chiến trong chiến
dịch chiếm lại Ðồi 1062 và giành lại quận Thường Ðức khỏi tay Cộng quân, trong
đó phải kể tới rất nhiều lần các chiến sĩ Nhảy Dù đã kêu phi pháo dội bão lửa
ngay trên đầu mình để thí một mạng của mình đổi lấy bốn, năm mạng của địch quân.
Chưa có trận đánh nào mà, chỉ trong khoảng thời gian không đầy ba tháng, lại có
nhiều sĩ quan ưu tú và binh sĩ kiên cường của Sư Ðoàn Nhảy Dù phải hy sinh tại
mặt trận đến thế. Chưa có trận đánh nào mà, chỉ trong khoảng thời gian không đầy
ba tháng, các lực lượng chính quy Cộng Sản Bắc Việt và du kích địa phương, đặc
biệt là Sư đoàn 304 Ðiện Biên, đã phải tổn thất nặng nề đến như vậy, mặc dù,
giống hệt như quân đội Pháp trong Trận Ðiện Biên Phủ 20 năm về trước, chính quân
Cộng Sản là kẻ lựa chọn chiến trường và thời điểm giao tranh, tức là đúng vào
lúc họ có được ưu thế chiến lược và chiến thuật cao nhất để bảo đảm rằng họ sẽ
là kẻ chiến thắng trong trận thư hùng.
Những hy sinh vô bờ bến đó của các chiến sĩ Nhảy Dù càng trở nên cay đắng hơn
khi, không đầy một năm sau, toàn bộ miền Nam Việt Nam đành rơi vào tay quân Cộng
Sản vì lý do không phải quân đội và nhân dân miền Nam tự do yếu hèn mà chính vì
sự phản bội trắng trợn của Ðồng Minh Hoa Kỳ và thái độ a dua đến mức trâng tráo
của phần còn lại của thế giới vốn đã bị bùa mê, thuốc lú của Cộng Sản Quốc Tế
làm cho ngu muội đi tự lúc nào. Những cái chết như thế, vào giờ thứ 25 của cuộc
chiến, phải được coi là những thiệt thòi lớn lao nhất trong đời người chiến sĩ
và đối với những người thân yêu của họ còn lại trên cõi đời.
Những người Việt Nam tị nạn Cộng Sản tại hải ngoại, mỗi khi đốt một ngọn nến,
thắp một nén hương trước bàn thờ tổ quốc và anh linh các anh hùng, liệt nữ cùng
các tử sĩ của Việt Nam Cộng Hòa nhân dịp Tết đến, Xuân về, hãy nhớ đến cách
riêng những hy sinh to lớn của các chiến sĩ từng tham chiến tại mặt trận Thường
Ðức vào những ngày tháng cuối của năm 1974 -y như những hy sinh của các chiến
binh đánh trận Xuân Lộc hồi Tháng Tư năm 1975- bởi vì đây là những trận đánh để
đời làm vang danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và làm xấu hổ những nhà viết sử đầy
thiên vị của cả bạn lẫn thù đã và đang nỗ lực bôi nhọ sức chiến đấu dũng mãnh,
tinh thần thượng võ và ý chí quyết chiến, quyết thắng của người chiến binh Cộng
Hòa tại miền Nam Việt Nam, chỉ với mục đích không mấy lương thiện là chạy tội
cho sự lầm mê và phản bội của thế giới khi họ cùng hè nhau bỏ rơi Việt Nam Cộng
Hòa vào tay quân Cộng Sản đặng chuốc lấy hư danh rằng chính họ đã giúp “mang lại
hòa bình và chấm dứt đổ máu cho dân chúng Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc”.
Chính sự cầu an và lòng thương hại không đúng chỗ đó của thế giới đã đẩy đưa dân
tộc Việt Nam đến thảm cảnh ngày nay, khi toàn bộ một dân tộc gồm gần 90 triệu
người đang phải sống lầm than cơ cực và thiếu tự do, dân chủ dưới ách cai trị
vừa độc tài vừa ngu muội mà cũng vừa khiếp nhược trước ngoại bang của đảng Cộng
Sản Việt Nam.
Thật chẳng được cái tích sự gì khi con, em những người tị nạn Việt Nam thuộc
các thế hệ thứ nhì, thứ ba, thứ tư... phải đọc và phải học về lịch sử cuộc Chiến
Tranh Việt Nam do chính các sử gia Hoa Kỳ viết, có sự tham khảo các sách báo
tuyên truyền của Cộng Sản Việt Nam, mà trang nào, chương nào cũng chỉ đổ cái lỗi
để mất miền Nam Việt Nam vào tay quân Cộng Sản Bắc Việt xâm lược hồi Tháng Tư
năm 1975 cho dân chúng và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa -đặc biệt là đổ thừa cho
chính quyền Ngô Ðình Diệm độc tài, gia đình trị và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu
tham nhũng, bất lực cũng như viện lý do Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thiếu khả
năng chiến đấu- bất chấp các đánh giá trung thực và lương thiện của nhiều danh
tướng mang các quốc tịch Mỹ, Pháp, Ðại Hàn, Úc Ðại Lợi, Trung Hoa Dân Quốc, và
Israel về quân đội đó.
Lời cuối cho thiên anh hùng ca
Ðến đây, thiết tưởng không gì bằng hãy mượn lời thơ sau đây của SVSQ Lê
Chiến, Khóa 8/72 SQTB Ðồng Ðế, Nha Trang, viết để tưởng niệm các chiến sĩ Quân
Lực Việt Nam Cộng Hòa tham dự mặt trận Thường Ðức năm 1974:
Giặc qua Sông Côn về Thường Ðức
Trong cơn gió lạnh cuối Trường Sơn
Quân ngược dòng sông đêm thao thức
Di binh, chuyển pháo tấn công đồn
Anh Biệt Ðộng Quân đêm phòng thủ
Nhìn qua ánh sáng lỗ châu mai
Thêm một đêm dài không giấc ngủ
Khói thuốc cay mờ trong mắt ai
Anh lính Ðịa Phương trong lô-cốt
Tay cầm ống phóng bảy-mươi-hai
Bên xóm nhà xa đèn ai đốt
Lập lòe ánh lửa bóng liêu trai
Anh lính Pháo Binh ghi tọa độ
Sẵn sàng yểm trợ pháo tầm xa
Chùi súng, thông nòng lo tu bổ
Tay sờ thép lạnh ướt sương pha
Anh Thiết Kỵ về đường liên tỉnh
Băng ngang Ðại Lộc đến Hà Nha
Vó câu dong ruổi như đời lính
Từ độ lửa binh chẳng về nhà
Anh lính Không Quân từ Ðà Nẵng
Phi pháo từng đêm chặn giặc về
Có lẽ đêm nay anh thức trắng
Ðợi chờ phi vụ đắng cà-phê
Anh Nhảy Dù về từ Quảng Trị
Ba-lô, súng đạn tới Cầu Chìm
Nhận đồ tiếp tế trên chiến lũy
Nghe hờn sông núi dậy trong tim
Ðại pháo từng đêm trên chiến trận
Xe tăng, bộc phá mở hàng rào
Anh vẫn hiên ngang làm bổn phận
Quê mẹ vì ai tẩm máu đào
Hơn ba mươi năm ngày lịch sử
Thường Ðức quê tôi những ngày buồn
Cũng bóng tre xanh người Thượng nữ
Vu Gia sông cũ nước xuôi nguồn
Tôi nhớ ơn anh, người lính chiến
Tháng ngày bảo vệ xóm làng tôi
Những kẻ hy sinh trên trận tuyến
Ngàn sau còn nhớ mãi không thôi...
Hôm nay đây, 35 năm sau trận đánh Thường Ðức lịch sử, nhân lúc Tết đến, Xuân
về, bài này được viết lên như là một nén hương lòng kính dâng đến anh linh các
chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thuộc mọi Quân, Binh chủng, Cảnh Sát Quốc
Gia, Lực Lượng Ðặc Biệt, lực lượng Xây Dựng Nông Thôn và các lực lượng Bán Quân
Sự... đã đem chính máu đào của mình ra bảo vệ miền Nam tự do chống lại nanh vuốt
Cộng Sản xâm lược cho đến hơi thở cuối cùng.
Hỡi những người tị nạn Việt Nam đang vui hưởng tự do, dân chủ tại các nước
bên ngoài Việt Nam, hãy nhớ lấy cái căn cước tị nạn của mình và chớ quên ơn các
chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã vị quốc vong thân để cho mình và gia đình mình
được sống còn trong thịnh vượng và hạnh phúc cho tới ngày nay!
Vann Phan
Ghi chú:
(1) “Sau đó, Bắc quân tháo lui vì chịu không nổi phi pháo của Việt Nam Cộng
Hòa ngày đêm dập vào các điểm trú quân của họ. Bộ chỉ huy Cộng quân thấy khó giữ
1062, nên ra lịnh rút lui trong đêm tối...” (Ðại Úy Võ Trung Tín và Ðại Úy
Nguyễn Hữu Viên, “35 Năm Nhớ Về Mặt Trận Thường Ðức”)
(2) Trận Thường Ðức cũng còn là trận đánh vẻ vang để đời sau cùng của vị Tư
Lệnh cuối cùng của Sư Ðoàn Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa, Chuẩn Tướng Lê Quang
Lưỡng. Ông đã áp dụng chiến thuật xa luân chiến để hai Lữ Ðoàn Nhảy Dù thay
phiên nhau giao tranh và gây thiệt hại nặng nề cho hai Sư đoàn 304 (Ðiện Biên)
và 324B cùng một Trung đoàn của Sư đoàn 2 Cộng Sản Bắc Việt và các lực lượng địa
phương. (V.P.)