Friday, April 5, 2013

Nguyễn Văn Huy

 
TÔI ĐI NHA SĨ
 
Vào buổi sáng Thứ Ba, 2/4, tôi đến một văn phòng nha khoa trong vùng South Bay theo hẹn.

Hàng năm tôi đến nơi đây hai lần sau khi nhận được thư và lời nhắn của nhân viên văn phòng gởi trong điện thoại. Thường thì nha sĩ chỉ có mỗi một việc là làm sạch răng cho tôi chứ kỳ dư chẳng có chuyện gì khác. Có lẽ một phần là do bởi lối sống của tôi và một phần là do may mắn. Về sức khỏe, nói chung cũng thế. Đến bác sĩ ở nhà thương Kaiser hàng năm kết quả khám nghiệm và thử máu tổng quát cho thấy mọi sự đều ở mức bình thường, chưa cần đến báo động đỏ. Có lẽ vì thế mà tôi tảng lờ, quên luôn bác sĩ và nha sĩ trong hai năm nay. Có đi gặp họ, có lẽ kết quả cũng thế mà thôi.

Vào ngày hẹn 2/4 vừa qua, tôi là người khách đầu tiên trong ngày. Sau khi bước vào bên trong văn phòng nha khoa không đầy năm phút, tôi được cô "receptionist" hướng dẫn ngồi lên ghế làm răng. An tọa xong, một cô phụ tá nha sĩ người Mỹ trông xinh xắn, vui vẻ và cao ráo, với giọng nói nhỏ nhẹ bước ra chào, và hỏi tôi có vấn đề sức khỏe gì hay không và rồi bắt đầu thủ tục. Cô mở computer lên và bắt đầu thủ tục chụp hình X-ray hai hàm răng. Chụp hình đến đâu hàm răng của tôi hiện ra tức thì trên màn hình để ngay bên cạnh. Sau khi phần chụp hình hoàn tất, nha sĩ từ trong phòng bước ra bắt tay vào việc. Vị nha sĩ là người Việt Nam, có cùng họ Nguyễn giống tôi. Ông còn rất trẻ. Ông nói năng vui vẻ. Vào lần gặp trước, ông có hỏi han tôi về thân thế, gia đình và sở thích của tôi. Ông ấy cũng cho biết ông sống trong vùng South Bay từ nhỏ cùng với cha mẹ và anh em hồi mới đến Mỹ. Ông nói được tiếng Việt nhưng không đọc được. Ông bảo hàng năm ông có đưa vợ con đi chơi xa trong dịp hè. Qua người khác, tôi được biết người phụ nữ trẻ ngồi quầy tiếp khách là vợ ông nha sĩ. Bà ấy là dược sĩ, có hành nghề, nhưng vào những lúc rảnh bà ghé ra văn phòng nha khoa của ông chồng phụ giúp lo phần giấy tờ. Tôi đoán bà làm thế một phần là vì bà thuộc loại năng động, không thích ngồi không, một phần là vì muốn tiết kiệm chi phí không muốn mướn thêm nhân viên, và một phần, biết đâu đấy, nhất cử tam tứ tiện, canh giữ ông chồng, phòng ngừa bất trắc từ trong trứng nước!!.

Thông thường, nha sĩ nói chuyện với tôi một cách vui vẻ. Trong lúc đang làm răng, bên cạnh có cô phụ tá người Mỹ, ông nha sĩ cứ nói tiếng Việt với tôi tỉnh bơ. Tôi chỉ có nghe mà không có ý kiến. Mình đang nằm ngửa trên ghế, mắt nhắm tịt để tránh ánh đèn chói chang đang rọi vào mặt, miệng lại phải há ra khá lâu, nhúc nhích một chút sẽ bị sặc nước, quai hàm đã phát mỏi, hỏi rằng trong hoàn cảnh như thế làm sao mình có thể đáp ứng, góp ý, chia sẻ hay trả lời ông nha sĩ cho được. Lần này, lúc bước ra gặp tôi, ông nha sĩ cũng vẫn giữ vài cử chỉ lịch sự tối thiểu. Ông đưa tay ra bắt tay tôi và hỏi:"Anh vẫn khỏe?" Tôi trả lời:"Thưa bác sĩ, tôi vẫn bình thường." Ông hỏi tôi:"Thế lần trước anh đến đây làm răng được bao lâu rồi.?". Tôi trả lời:"Dạ, mới năm ngoái." Ông bèn lôi sổ sách ra xem xong và nói:"Được một năm rưỡi rồi." Tôi thêm:"Ôi, thời gian qua nhanh quá, thế mà tôi cứ tưởng là năm trước." Nghe thế, ông nha sĩ đưa giấy tờ cho tôi xem và giải thích là văn phòng có gởi cho tôi thư nhắc nhở ba lần vào năm ngoái. Tôi không còn nhớ chính xác, có lẽ một phần vì chuyện nay đã thuộc về dĩ vãng, một phần là vì trí nhớ của tôi sút giảm do "tuổi già", một phần trong thời gian ấy tôi đang "lao động vinh quang" kiếm chút cháo, và có thể một phần vì chủ quan, bản thân không có vấn đề đau răng nhức răng, cho nên tôi đã lờ tịt thư nhắc nhở của văn phòng. Thế nhưng tôi vẫn cố chống chế:"Có thể trong số các thư nhận được văn phòng gởi cho vợ tôi hoặc có thể thư bị đi lạc không chừng!". Nha sĩ nghe thế bèn nói:"Có thể Bưu điện giao lộn thư qua địa chỉ khác." Nói xong, nha sĩ bắt tay vào việc. Căn cứ vào các hình X-ray, răng lợi của tôi vẫn tốt. Do đó mà ngày hôm ấy nha sĩ chỉ có "clean" răng cho tôi mà thôi. Ông làm việc kỹ lưỡng. Trước hết, ông chậm rãi dùng các móc sắt khều và cạo các kẽ răng, chân răng, mặt trong của răng, rồi đến phần ngoài. Kế đó, ông làm thủ tục chà sạch và đánh bóng răng. Sau đó ông dùng hai tay cầm chặt dây floss kéo xuyên qua hai răng, đưa xuống tận chân răng, kéo qua kéo lại. Lúc làm việc này, ông phải dùng sức vì các răng của tôi mọc chặt chẽ sát sạt vào nhau. So với các văn phòng trước ông nha sĩ này làm việc đàng hoàng, có trách nhiệm với phương pháp làm răng hiện đại. Căn cứ vào bằng cấp treo trên tường, tôi biết ông ấy tốt nghiệm Tiến sĩ Nha khoa tại University of California, San Fransisco. Ông nha sĩ nhắc nhở tôi là bảo hiểm nha khoa của tôi cho phép tôi được "clean" răng hai lần một năm, và "deep cleaning" mỗi năm rưỡi một lần.

Nghe thế tôi nhớ lại lời nói của người bà con bên vợ tôi vài năm trước. "Deep cleaning" là một thủ tục làm sạch chân răng. Nha sĩ sẽ đâm dụng cụ sâu vào phần chân răng bao phủ bởi lợi để làm sạch sẽ phần này. Để làm được việc ấy, có khi nha sĩ phải mổ phần lợi của bệnh nhân ra. Hậu quả, sau khi thủ tục hoàn tất, đương sự sẽ bị đau đớn, cả hàm sẽ bị rêm từ chân răng cho tới phần trên mặt của răng, bị mất cảm giác, răng lợi trệu trạo, ăn uống không còn thấy ngon nữa. Và cái sự đau đớn này sẽ kéo dài cả tháng trời. Vào thời gian đó, qua sự giới thiệu của một người bạn, tôi có đến văn phòng nha sĩ này. Đây cũng chính là nơi người bà con nói trên đến làm răng. Tôi nghe người bạn khen ông nha sĩ này làm việc mát tay, nói năng nhẹ nhàng, mà lại gần nhà, cho nên tôi mò đến thử xem sao. Ta đâu có thể nào biết hết mọi sự cho được, chính vì thế cũng cần dựa vào sự quảng cáo và giới thiệu của bạn bè. Sau khi ngồi vào ghế không lâu, ông nha sĩ, cũng gốc người Việt Nam, biết là tôi chưa làm "deep cleaning" bao giờ bèn nhắc tôi phải trở lại văn phòng lần sau để cho ông làm việc ấy. Trong văn phòng ấy ngoài ông nha sĩ ra tôi thấy có một nữ nha sĩ nữa, đồng thời cũng là vợ ông. Chưa chi ông bàn về "deep cleaning" và sau đó thư ký của ông gọi liên tiếp về nhà tôi nhắn nhủ lấy hẹn, rồi tôi lại nhớ đến nhận xét của người bà con kể trên, thế là tôi phớt tỉnh Ăng lê đối với mấy cú điện thoại ấy. Rượt tôi mãi, nhận thấy đối phương êm ru bà rù, chẳng buồn phúc đáp, rồi chắc vì quá chán bệnh nhân này cho nên nha sĩ ấy đã "tha" cho tôi. Lúc ấy tôi mới cảm thấy độc lập tự do là đáng quí. Rồi qua một người bạn khác, tôi biết chị không thích văn phòng nha khoa ấy dù là gần nhà. Lý do người phụ nữ này nêu ra thật giản dị; chị bảo ông nha sĩ có tay nghề vững, đối đáp vui vẻ, nhẹ nhàng với khách hàng, chị không thấy có vấn đề, chỉ có vì thái độ bất lịch sự của người receptionist mà chị đã tránh xa văn phòng ấy. Như thế ta thấy sự thành công trong kinh doanh tùy thuộc nhiều yếu tố, nội tại và ngoại lai. Nha sĩ tốt mà nhân viên không khéo cư xử với khách, văn phòng dơ bẩn, dụng cụ thiếu vệ sinh....thì việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Đến một ngày kia, trong một dịp giỗ chạp, tình cờ tôi hỏi thăm tìm kiếm nha sĩ thì được người họ hàng bên vợ giới thiệu ông nha sĩ trẻ này với đầy nhiệt tình. Nghe thế tôi bèn mon men đi đến. Lần đầu tiên gặp gỡ, tôi có thiện cảm với ông nha sĩ này; đúng với tên cúng cơm của ông. Tôi cũng nhận ra đầu óc kinh doanh của ông nhưng xem đó là chuyện tự nhiên, vừa giữ được khách, vừa bảo đảm được lợi tức của ông. Chồng là nha sĩ, vợ lại là dược sĩ, còn trẻ, còn khỏe, có máu kinh doanh, khôn khéo, một mình một cõi như thế, lại thêm lối sống giản dị, hai vợ chồng ông này không thể...nghèo được. Gần hai năm trước, sau khi ngồi yên trên ghế, ông nha sĩ này bèn tuyên bố; không hề báo trước, là ông sẽ "deep clean" răng cho tôi. Nghe thế, nhớ lại lời kể của người bà con vợ không lâu trước đó tôi hơi hoảng. Ông nha sĩ mới từ tốn giải thích cho tôi là, thủ tục này sẽ gây đau đớn, nếu tôi nhắm không chịu nổi, cứ cho ông biết, ông sẽ làm một hàm thôi, hàm còn lại sẽ làm vào lần sau. Và ngay trong lúc ông đang clean, nếu đau quá, nhớ báo động liền để ông ấy ngưng lại ngay. Lúc ấy tôi nghĩ, trước sau gì cũng phải trải qua giai đoạn này, bây giờ không làm thì trong tương lai cũng phải làm thôi. Vả lại, tình thế đã tới nước này, rút lui quá trễ rồi. Ngoài ra, tự ái nam nhi nổi lên, tôi nghĩ deep cleaning có làm ai chết bao giờ đâu, cứ ngồi yên cho ông nha sĩ làm sạch răng, xem sự việc nó ra làm sao. Tôi nhận thấy thủ tục này có đau hơn và lâu hơn thủ tục clean bình thường chút đỉnh. Thế là ông nha sĩ hoàn tất cả hai hàm. Ông giải thích là răng lợi của tôi ở trong tình trạng tốt cho nên không đòi hỏi nhiều thời gian.

Tôi có thiện cảm với ông nha sĩ trẻ này cho nên định bụng vào ngày gặp ông hôm 2/4 tôi sẽ làm một phát quảng cáo chương trình Càn Khôn Thập Linh South Bay. Ngày hôm đó, dường như ông không được vui. Ông ít nói hẳn. Lúc sáng sớm khi đến văn phòng ông tôi ngồi chờ ngoài xe ở bãi đậu. Một lúc sau tôi nhìn thấy ông lái chiếc mini-van Toyota đến. Đậu cái vèo trong parking lot xong, ông nha sĩ bước xuống trước, tiến thẳng vào văn phòng. Bà vợ ông cùng đi chung xe bước xuống sau vài giây. Tôi nhận thấy vợ chồng ông không sánh đôi với nhau, mà lại kẻ trước người sau, tôi đã nghĩ ngợi miên man. Không biết do thói quen họ làm thế hay vì hôm ấy cơm không lành canh không ngọt mà ra cớ sự. Tôi nghĩ sự thể ấy có thể cũng chỉ là sinh hoạt bình thường giữa hai vợ chồng đã chung sống nhiều năm với một đàn con mà thôi, chẳng khác gi cái câu mà tôi đã đọc được: "Khi một người đàn ông mới lấy vợ trông háp-py, chúng ta BIẾT tại sao. Nhưng khi một người đàn ông lấy vợ đã được mười năm trông háp-py chúng ta TỰ HỎI tại sao." (When a newly married man looks happy, we KNOW why. But when a ten-year married man looks happy we WONDER why). Đang tính sẽ sinh hoạt để giới thiệu với ông nha sĩ cái lớp Tai chi South Bay, nhưng vừa làm răng cho tôi xong, ông ấy rút nhanh vào phòng trong thành ra cái sứ mạng của tôi đối với ông đã không thành. Thôi thì không nói chuyện được với ông chồng tôi chuyển qua bà vợ ông ấy vậy. Có người sẽ thắc mắc tại sao tôi muốn làm như thế?

Rất giản dị, tôi biết cái gì hay tôi muốn chia sẽ nó với người khác, mục đích lợi lạc cho họ chứ không phải cho tôi, vừa trên phương diện cá nhân, vừa trên phương diện kinh doanh. Trước khi ra xe, gặp lúc bà vợ ông nha sĩ còn ngồi gần cửa, tôi bèn hành nghề "salesman". Tôi nói với chị là vùng South Bay vừa tổ chức một lớp học Tai chi do hai nữ huấn luyện viên hướng dẫn, địa điểm là công viên Arthur Lee Johnson, thuộc thành phố Gardena, mỗi tuần vào hai buổi chiều Thứ Tư và Thứ Sáu, từ 6:30 đến 8:30, học miễn phí, học viên cùng đóng góp tượng trưng để trang trải chi phí phòng ốc mượn của chính phủ mà thôi. Chị và gia đình, họ hàng và bạn bè nếu muốn và nếu thu xếp được giờ giấc có thể tham gia lớp học để đạt sự khỏe khoắn thể chất, tinh thần và tâm linh này. Có một lý do nữa tôi không tiện nói ra nhưng hy vọng chị ấy có sự nhạy cảm về kinh doanh nhận thức được. Hai vợ chồng ông nha sĩ là thành phần khoa bảng cao, trẻ trung, muốn thu hoạch thêm, thì đây chính là cơ hội tốt để cộng đồng biết mặt biết tên; vợ chồng ông ấy mà chịu đến đây thì chúng tôi sẽ giới thiệu với mọi người. Càng có nhiều người biết thì văn phòng nha khoa của ông sẽ phát đạt ra, chỉ từ lợi tới lợi, chẳng có thiệt hại cái gì. Cuối cùng nếu không được như thế chẳng qua là vì hai ông bà ấy không có nhân duyên với lớp Tai chi này mà thôi.

Tôi nhớ cứ mỗi lần ngồi thiền cuối ngày tại cái lớp CK10 South Bay này, huấn luyện viên thường nhắc nhở học viên, trong lúc đang ngồi thẳng người, hai bàn tay ngửa lên đặt trên đầu gối, hãy nhớ đến hai việc có ý nghĩa mà mình vừa làm trong tuần, tôi nhớ tới màn quảng cáo lớp Tai chi với chị dược sĩ thuộc văn phòng nha khoa Sepulveda, South Bay ngày hôm trước và màn ăn trưa với một người bạn thân thiết cùng ngày mà cười thầm một mình.

"Ý nghĩa cuộc đời là gì? Được hạnh phúc và hữu dụng."
(What is the meaning of life? To be happy and useful. - Tenzin Gyatso 14th Dalai Lama)

"Cách tốt nhất giúp bạn lên tinh thần là hãy làm cho người khác lên tinh thần."
(The best way to cheer yourself is to cheer sombody else up. - Mark Twain)

 Nguyễn Văn Huy
3/4/2013