Friday, April 26, 2013

Tháng Tư đen

 
Vài Cảm Nghĩ Cho
Ngày 30 Tháng 4 Năm 2013
 
Hàng năm, cứ đến ngày 30 tháng Tư là đa số người Việt mang căn cước tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại đều đến tham dự những buổi tưởng niệm Ngày Quốc Hận trong hội đoàn của mình.

 Mục đích việc tham dự không phải là để luyến nhớ quá khứ mà chính là để làm sáng tỏ chính nghĩa của quân dân Miền Nam trong cuộc chiến tự vệ chống lại sự xâm lăng của ngụy quyền Cộng sản ở Miền Bắc; và cũng là dịp để củng cố thêm niềm tin cho chính bản thân mình và cho thế hệ hậu duệ về thế tất thắng của phong trào đấu tranh đòi Tự do Dân chủ của quần chúng đang được phát động trong nước.  
 
Thật vậy, sau khi xâm chiếm được Miền Nam, Lê Duẩn đã không còn che dấu sự thật khi nói “chúng ta đánh cho Liên xô và cho Trung quốc”. Mới đây, nhân kỹ niệm 40 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, với sự tham dự của Tổng Tư Lệnh Không Quân Liên Bang Nga và Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Chủng Không Quân Trung Quốc, Phó Thủ Tưóng CSVN, Nguyễn Thượng Nhân, đã hết lòng bày tỏ “sự biết ơn sâu sắc trước các sự giúp đỡ chí tình, trong sáng về vật chat và tinh thần” của Liên Xô và Trung Quốc dành cho đảng CSVN trong cuộc chiến tranh xâm lược Miền Nam.

Các điều thú nhận trên đây chứng tỏ ngụy quyền CS Hà Nội xâm chiếm Miền Nam nhằm thực hiện tham vọng của Cộng sản Nga và Tàu là áp đặt chủ nghĩa CS lên toàn nước VN, và cũng nói lên sự hiện diện về nhân lực, vật lực, tài lực của quân đội Liên Xô và Trung Quốc ở Miền Bắc, một điều mà CSVN đã cố bưng bít trong suốt cuộc chiến vừa qua.
 
Từ sau thập niên 1960, một số hoạt đầu chính trị, cố tình hay ngây thơ, chấp nhận lời giải thích của CS Hà Nội, cho rằng cuộc chiến tranh ở VN là một cuộc “chiến tranh nhân dân”. Nhưng theo sự đánh giá khách quan của ông Uwe Siemon-Netto, người Đức, tác gỉả quyển sách “A Reporter’s Love For A Wonderful People”, thì đây chỉ là cách định nghĩa của Mao Trạch Đông và Võ Nguyên Giáp.Theo tác gỉa,“chiến tranh nhân dân” phải được hiểu là cuộc “chiến tranh của nhân dân” và thực tế đã cho thấy không phải như vậy.”Trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1975 đã có khoảng 3.8 triệu người VN bị giết; khoàng 164,000 thường dân miền Nam bị thủ tiêu trong cuộc trù diệt bởi CS trong cùng thời kỳ, theo nhà học giả chính trị Rudolf Joseph Rummel của trường đại học Hawaii. Ngũ giác đài ước đoán khoảng 950,000 lính Bắc Việt và hơn 200 ngàn binh sĩ VNCH đã ngã xuống ngoài mặt trận…
 
Từ những dẫn chứng trên, tác giả người Đức kết luận“đây không thể là một cuộc chiến tranh của nhân dân mà chính là chiến tranh chống nhân dân”. Cũng chính vị tác giả nầy đã dùng các câu hỏi rất thông thường sau đây để tự trả lời việc ai xâm lược ai trong cuộc chìến vừa qua:
 
-“Ai khởi đầu cuộc chiến tranh? Có bất kỳ đơn vị Miền Nam nào đã hoạt động ở miền Bắc không? Không.”

-“Có du kích quân Miền Nam nào vượt vĩ tuyến 17 để mổ bụng và treo cổ những người trưởng làng thân cộng cùng vợ và con cái họ ở đồng quê Miền Bắc hay không? Không.”
 
-“Chế độ Miền Nam có tàn sát cả một giai cấp hàng chục ngàn người trên lãnh thổ của họ sau năm 1954 bằng cách tiêu diệt phú hào địa chủ và các đối thủ khác theo cách thống trị lối Sô Viết của họ hay không? Không”.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều tác gỉả ngoại quốc, trong thời gian gần đây, đã nói lên, thay cho chúng ta, chính nghĩa của chế độ VNCH trong cuộc chiến tự vệ chống lại sự xâm lược của CSVN. Và như mọi người đã biết, các tài liệu giải mật ở Lầu Năm Góc đã phơi bày việc Hoa kỳ, để được bắt tay với Trung cộng, đã không giữ lời cam kết giúp VNCH chống lại cuộc xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt với sự chi viện hùng hậu của Liên Xô và Trung Cộng. Hậu quả là Cộng sản Bắc Việt đã áp đặt chế độ độc tài đảng trị lên toàn thể đất nước thân yêu VN từ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975.
 
Như mọi người đã chứng kiến, qua lịch sử từ cổ chí kim, không có một chế độ độc tài nào có thể tồn tại vĩnh viễn. Điển hình là sự sụp đổ vừa qua của các nước độc tài đảng trị của cộng sản ở Liên Xô vả ở các nước Đông Âu.Tiếp đến là sự sụp đổ mới đây của các nước độc tài cá nhân ở Tunisia, Egypt, Lybia, và sắp tới sẽ là Syria. Miến Điện, một nước độc tài quân phiệt, cũng đã tự chuyển biến để tránh bị sụp đổ bằng cách chấp nhận đối lập và tự do báo chí. Thực tế nầy đã chứng minh bánh xe lịch sử đang lăn về hướng Tự do, Dân chủ và không có một sức mạnh nào có thể ngăn cản được.
 
Giữa lúc bánh xe lịch sử đang chuyển mình trên đường nghiền nát những thể chế chính trị đi ngược lại lòng dân, ngược chiều lại trào lưu Dân chủ, Tự do thì tại VN, nhà cầm quyền cộng sản vẫn ngoan cố lội dòng nước ngược.Một nghịch lý là nhân dịp nhà nước CSVN bày trò tham khảo ý dân để sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 thì Tổng Bí Thư Đảng và Chủ Tịch Quốc Hội đã vội kết tội những góp ý của quần chúng đòi Tự do, Dân chủ là “suy thoái chính trị, đạo đức,xã hội, và cần phải được xử lý”.

Chế độ Hà nội vẫn nhất quyết ôm chặt lấy Điều 4 của Hiến Pháp để dành độc quyền chính trị cho đảng cộng sản, tức chỉ có đảng mới là lực lượng duy nhất xứng đáng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Điều nầy đồng nghĩa với việc cả chính phủ, kinh tế quốc dân, và nhất là quân đội đều phải đặt dưới sự chỉ đạo của đảng. Nhưng cho dù một người có sự hiểu biết tầm thường đến đâu đi nữa cũng nhận rõ là nếu còn Điều 4 nầy thì làm gì có tam quyền Hành Pháp,Lập Pháp,Tư Pháp phân lập?; làm gì còn có Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước?; làm gì người dân còn có đầy đủ quyền tự do khi mà Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp không còn độc lập; khi mà quân đội chỉ biết “còn đảng còn mình” thay vì phải bảo vệ đất nước, bảo vệ sinh mạng và tài sản của nhân dân đúng như danh xưng của nó là Quân Đội Nhân Dân?
 
Chính vì những nguyên nhân nêu trên đã phát sinh ra phong trào phản kháng sự độc quyền lãnh đạo của đảng CSVN, bắt đầu là Kiến Nghi của 72 nhà trí thức, theo sau là Tuyên Bố của Công Dân Tự Do, rồi đến Thơ Góp Ý của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo VN, Lời Tuyên Bố của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ thuộc Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất, Lời Kêu Gọi của cụ Lê Quang Liêm thuộc Phật Giáo Hòa Hảo, và gần nhất là Lời Kêu Gọi của Khối 8406.
 
Mức độ của sự phản kháng đã được nâng cao về hình thức lẫn nội dung.Việc phản kháng bắt đầu dưới hình thức Kiến Nghi và Góp Ý, tức là có sự mặc nhiên công nhận nhà nước CSVN và nội dung hàm ý một sự đạo đạt lên nhà nước ý kiến đề nghị hay lời thỉnh cầu.

Nhưng về sau đã chuyển sang hình thức “Tuyên Bố”, “LờiTuyên Bố”, hay “Lời Kêu Gọi:” tức là đã minh thị không công nhận nhà nước CSVN, và nội dung là lấy quyền tự quyết dân tộc để đưa ra các yêu sách đòi nhà cầm quyền cộng sản phải thực thi. Các yêu sách nầy không chỉ đơn thuần đòi sửa đổi hay hủy bỏ Điều 4 Hiến Pháp, hay tách rời đảng ra khỏi quân đội v.v.., mà còn đi xa tới việc đòi trả quyền thật sự làm chủ đất nước lại cho nhân dân, đòi bầu cử Quốc Hội Lập Hiến có sự giám sát của quốc tế v.v. Phải chăng đây là dấu hiệu mở đầu cho “cuộc đấu tranh bất bạo động” để dẫn tới cuộc “cách mạng đòi quyền tự quyết dân tộc.”?
 
Đảng CSVN đã cướp chính quyền bằng bạo lực, đã duy trì chế độ chuyên chính của họ bằng bạo lực, và đã đặt đảng nằm trên pháp luật, thì việc trông chờ chế độ Hà Nội đáp ứng các “Tuyên Bố” hoăc “Lời Kêu Gọi” vửa nêu trên phải chăng chỉ là một điều hoang tưởng? Chắc chắn là không. Phong trào đối kháng của thiểu số 72 nhà trí thức, của các vị lãnh đạo tôn giáo lần nầy đã được “quần chúng hóa” và đã thể hiện qua việc quần chúng sốt sắng tham gia vào việc ký tên ủng hộ Tuyên Bố của Công Dân Tự Do, và Thơ Góp Ý của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo VN.
 
Khối lượng quần chúng tham gia hưởng ứng này đang trở thành một sức mạnh tiềm tàng, có thể trở thành “lực lượng hành động” khi các yêu sách của họ không được đáp ứng. Tới lúc đó, lực lượng hành động ắt phải đối đầu với lưc lượng công an quân đội, một công cụ bảo vệ đắc lực cho sự tồn vong của Đảng và nhà nước CSVN.
 
Trước mắt, phong trào đối kháng ở trong nước hiện đang có nhiều yếu tố thuận lợi như :

-Có sự kết hợp và hưởng ứng của tầng lớp trí thức, của các tôn giáo lớn như Hòa Hảo, Phật Giáo, và nhất là của Công Giáo.
-Có điều kiện về thông tin và kết nối hành động nhờ vào phương tiện truyền thông đại chúng như email, facebook,twitter, thoát khỏi bức tường bưng bít tuyên truyền của nhà nước CSVN.
-Giới trẻ trong nước đã nhập cuộc, điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Vy, qua diễn đàn “danlambao”. Anh Nguyễn Vy đã lên tiếng kêu gọi: “tại sao mười mấy ngàn người cùng lý tưởng nhưng mình không thể cùng nhau biến chữ ký thành hành động.Chẳng lẽ mười mấy ngàn người như mình sẽ chỉ ký và ngồi đợi ngưởi mình ký tên phản đối sẽ chấp thuận.Có ông vua nào ngồi yên và chấp thuận một tờ sớ yêu cầu thoái vị? Điều nầy là điên rồ, và tại sao mười mấy ngàn người, chí ít cũng có kiến thức và yêu nước như mình lại ngồi chờ đợi một điều điên rồ như vậy….Mình sẽ cùng hợp lại, trong mười mấy ngàn người nầy, ít nhất là mười ngàn người đang sinh sống tại VN. Mình sẽ cùng gặp mặt,cùng xuống đường, trực tiếp kêu gọi người dân ủng hộ cùng đứng vào hàng ngũ với mình để có Tự do,Dân chủ cho VN, bầu cử Dân chủ cho VN chứ không phải đòi lại Trường Sa hoặc chống Trung cộng. Hai điều nầy chế độ sau sẽ thực hiện vì đảng cộng sản không có khả năng thực hiện. …”. -
-Có thêm sáu tháng để phong trào đối kháng tiếp nhận them chữ ký ủng hộ của quần chúng, trực tiếp mở rộng lực lượng hành động theo lời kêu gọi của người bạn trẻ Nguyễn Vy, sau khi Quốc Hội cộng sản ra thông báo dời ngày góp ý cho Hiến Pháp đến ngày 30 - 9 - 2013 thay vì 7 - 3 - 2013.
 
Nếu giải pháp một cuộc diễn biến hoà bình vừa phân tích nêu trên bị loại bỏ, vậy chỉ còn lại khả năng một cuộc đối đầu giữa một bên đòi trả lại quyền làm chủ that sự đất nước cho dân để người dân soạn thảo Hiến Pháp, và một bên quyết giành cho đảng cộng sản quyền lãnh đạo đất nước và quyền tự làm Hiến Pháp.
 
Nếu như sức mạnh của nhà nước cộng sản dựa vào lực lượng quân đội, thì sức mạnh của phong trào đối kháng sẽ phải dựa vào lực lượng hành động. Lực lượng nầy sẽ được hình thành khi hàng ngũ những người đã và đang ký tên ủng hộ phong trào đấu tranh tự nguyện nhập cuộc để hành động, theo như lời kêu gọi của người bạn trẻ Nguyễn Vy.
 
Trong lúc phong trào đấu tranh đang có những yếu tố thuận lợi như đã ghi nhận,thì tiềm lực của lực lượng hành động, một khi đã được hình thành, nhất định phải vượt xa con số  lần xuống đường biểu tình trước đây của quần chúng tại Hà Nội và Sàigòn đề chống Tàu cộng và đòi lại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho VN.Và nếu như lần nầy con số đó lên tới vài chục ngàn, hay nhiều hơn nữa, thì khả năng trấn áp của công an và quân đội sẽ như thế nào?
 
Một tiền lệ trong năm 2011 ở Ai Cập cho thấy khi đại bộ phận quần chúng đứng lên nhập cuộc thì quân đội sẽ ngã về phiá quần chúng. Rõ ràng là chỉ khi Hội Đồng Quân Sự nhận thấy hàng sĩ quan cấp úy chỉ huy xe tăng bao vây quảng trường Xanh Tahir bỏ ngũ, quay về với đoàn người biểu tình, thì các tướng lảnh mới áp lực buộc Tổng Thống Mubarak phải từ chức.
 
Riêng ở trong nước, mới đây, ngày 17- 3 - 2013 tại tỉnh Vĩnh Phúc, các hàng rào chận đường của lực lượng công an đủ loai đã không ngăn cản nổi làn sóng của hàng ngàn dân, cùng gia đình nạn nhân, đẩy cổ xe mang quan tài của anh Nguyễn Anh Tuấn đến trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Tinh để đòi công lý. Nạn nhân Nguyễn Anh Tuấn đã bị chết oan mà nghi can là con rể và con gái của Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tinh. Giám đốc công an tỉnh, sau đó, phải mở cuộc điều tra khởi tố và bắt giữ 4 nghi can, thay vi lúc đầu qui trách cái chết của anh Tuấn là “uống rượu”, “sặc nước”, và “chết đuối”.

Hai tiền lệ trên cho thấy quần chúng, khi được kích động bởi mục tiêu tranh đấu chính đáng, có thể mau chóng kết hợp lại thành một đối lực, trong khí thế của sự tức nước vỡ bờ, bắt buộc đối phương phải cân nhắc khi tìm biện pháp đối phó.
 
Trước cao trào hiện tại đang đòi đảng CSVN trả lại quyền làm chủ đất nước cho nhân dân, một quyền chính đáng rất phổ thông trên toàn thế giới, việc đại bộ phận quần chúng mọi cấp, mọi giới ở các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và Sàigòn, chịu kết hợp thành những lực lượng hành động, có qui mô lớn từ năm tới mười vạn người xuống đường biểu dương sức mạnh, không phải là một điều xa vời. Và tới lúc đó, việc các sĩ quan và binh lính trẻ trong lực lượng quân đội và công an của nhà nước cộng sản, thay vỉ nổ súng vào đồng bào hay thân nhân của mỉnh, thì họ sẽ quay về đứng trong hàng ngũ quần chúng, không phải lả điều không thể xảy ra.

Gỉả định nầy đã dựa vào việc họ có học hơn tầng lớp cuồng tín và quá khích của những năm 1945 hoặc 1954, bổng lộc của họ cũng không đáng kể so với những đặc quyền và đặc lợi của giới lãnh đạo CS, và nhất là họ có đủ trình độ để nhận ra những sai lầm của chế độ mà họ đang phục vụ.
 
Có thể nói đây là một viễn kiến lạc quan cho cuộc đối đầu lịch sử ít tốn kém xương máu, giữa quần chúng bị áp bức và chế độ đảng trị của CSVN trong những ngày sắp tới. Hồn thiêng sông núi của đất nước còn đó thì cơ may người dân giành lại được quyền làm chủ đất nước theo viễn kiến trên không phải là điều không thể xảy ra.
 
Triệu Huỳnh Võ
Elk Grove, Ngày 4 tháng 4 năm 2013
  danlambao  -