Tuesday, April 2, 2013

Phê bình văn nghệ

Lời tuyên bố về
“Vấn đề phê bình văn nghệ”,
 Sài Gòn, ngày 15-1-1967

PBVH): Một sự kiện phê bình văn học quan trọng giai đoạn sau 1963 mà lâu nay ít được nhắc đến là Hội thảo về “Vấn đề phê bình văn nghệ” do Hội Bạn trẻ em Việt Nam, Hiệp hội Văn học nghệ thuật, Hội đồng Bảo vệ tinh thần Thanh thiếu nhi, tạp chí Bách khoa, tạp chí Tin văn tổ chức ngày 15/1/1967 (Hồng Bàng, Chợ Lớn), thu hút hơn 250 nhân sĩ, kí giả, văn nghệ sĩ, trí thức, sinh viên học sinh sinh và những người quan tâm đến văn học nghệ thuật.
 
Mục đich cuộc Hội thảo này, ngay lời mở đầu, đã được luật sư Bùi Chánh Thời tuyên bố là “đi tìm một nguyên tắc để làm căn bản cho sinh hoạt phê bình. Đó là phương thức xây dựng văn học và nghệ thuật cụ thể, hợp lý trong giai đoạn hiện tại, đồng thời đó là sự bảo đảm dân chủ trong sinh hoạt văn nghệ” và với phương châm “không đả động đến đời tư hay chỉ trích cá nhân”, “chỉ chấp nhận những ý kiến về văn học nghệ thuật, tuyệt đối không đề cập đến các vấn đề thuộc sinh hoạt chính trị” (Bùi Chánh Thời).
 
Nhưng thực ra nội dung bàn luận trong Hội thảo chỉ tập trung vào một hiện tượng sáng tác và phê bình nổi bật bấy giờ…. Hội thảo này khép lại bằng Lời tuyên bố của trên 250 người được xác định là “quan tâm đến tiền đồ văn nghệ nước nhà”. Dưới đây, Phê bình văn học xin giới thiệu nội dung Lời tuyên bố đó
*
LỜI TUYÊN BỐ
TRONG CUỘC HỘI THẢO VỀ VẤN ĐỀ PHÊ BÌNH VĂN NGHỆ
TỔ CHỨC TẠI SỐ 65, ĐƯỜNG HỒNG BÀNG CHOLON, NGÀY 15-1-1967
 
Trên 250 nhân sĩ, trí thức, ký giả, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh và những người quan tâm đến tiền đồ nền văn học nghệ thuật nước nhà đáp lời mời tham dự cuộc hội thảo về “Vấn đề phê bình văn nghệ” do Hội Bạn trẻ em Việt Nam, Hiệp Hội Văn học nghệ thuật, Hội đồng Bảo vệ tinh thần Thanh thiếu nhi, tạp chí Bách khoa, tạp chí Tin văn tổ chức tại trụ sở Hội Kỹ sư và Kỹ thuật Gia Việt Nam số 65, đại lộ Hồng Bàng, đồng ý với nhau rằng: một trong những nguyên nhân làm cho nền văn nghệ miền Nam càng ngày càng trở nên nghèo nàn; hiện tượng dâm ô đồi trụy ngày cảng trầm trọng là do thiếu một phong trào phê bình sáng tác và biểu diễn một cách đứng đắn. Đồng ý với nhau rằng có phê bình, văn nghệ mới phát triển, có tranh luận văn học, chân lý mới sáng tỏ, tự do dân chủ trong sinh hoạt văn nghệ mới đảm bảo.
 
Do đó:
 
1) Chúng tôi xác nhận sự cần thiết của một phong trào phê bình văn nghệ, trong đó mọi sự trao đổi ý kiến được tự do thực hiện với thái độ khách quan, theo tinh thần tôn trọng nhân cách và phát huy chân lý.
 
2) Chúng tôi hoan nghênh và hậu thuẫn trong mọi hoàn cảnh cho tất cả tác giả các bài phê bình đã qua, hiện nay và sắp tới, không phân biệt quan điểm và trường phái nghệ thuật, nhằm phát huy nền văn học hùng mạnh và tiến bộ, chống đối mọi biểu hiện dâm ô và đồi trụy, trong ý hướng bảo tồn và phát triển dân tộc.
 
3) Chúng tôi yêu cầu chính quyền nhận lấy trách nhiệm về nạn chụp mũ, vu cáo, bôi nhọ hiện đã manh nha và đang phát triển trong văn nghệ giới”
 
Làm tại Sài gòn ngày 15 tháng 1 năm 1967
 
Đồng ký
 
Thư ký đoàn: Hoàng Lan, Thái Bạch, Thanh Việt Thanh
Chủ tọa đoàn: Bùi Hữu Sủng, Hiếu Chân, Đặng Văn Nhâm, Bùi Chánh Thời, Thế Nguyên