Saturday, April 13, 2013

PHAN KHÔI

 
PHAN KHÔI (1887 - 1959)
 
(Chương 21 của cuốn Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc)
(Tiếp theo)

3/ Đặt tên con là Phan Lang Sa
 
Chiến dịch đánh Phan Khôi được tổ chức khá quy mô, sử dụng những người có tiếng hiền lành như Nguyễn Đổng Chi, Tế Hanh, vừa dễ sai bảo, vừa được quần chúng tin cậy. Tế Hanh là người được chọn đi cùng với Phan Khôi sang Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 100 năm Lỗ Tấn, 1956.
Tế Hanh đã làm những câu thơ như sau:

Chống Pháp lại đi ôm đít Pháp
Chửi vua rút cuộc liếm giầy vua
Há mồm lại nói nền dân chủ
Đạo đức ba que quả trái mùa (1)

Trong bài "tường trình" về chuyến đi Trung quốc, Tế Hanh kể rặt tội Phan Khôi trong suốt chuyến đi: lúc nào cũng tìm cách nói xấu đảng. Nhưng còn một việc tệ hơn nữa: Phan Khôi đặt tên con trai út là Phan Lang Sa, vì mong Pháp trở lại. Trong bài tự trào, gửi cho gia đình từ Việt Bắc, năm 1949, Phan viết:
 
Hai nhà cộng lại có mười con
Năm gái năm trai nhắm cũng giòn.
Gả cưới tạm yên nguyền một nửa
Sữa măng riêng mũi máu ba hòn
Tư trào thôi hẳn đành chia rẽ
Nhân cách còn mong được vẹn tròn
Bé nhất Lang Sa mới ba tuổi
Tên mầy ghi cái nhục sông non (2)

Bài này nói lên gia cảnh và ý chí của Phan Khôi: Hai vợ, mười con. Một nửa đã lập gia đình. Ba con vợ hai còn nhỏ. Vì theo tư trào -chỉ cách mạng- mà phải chia lìa. Mong giữ vẹn toàn nhân cách. Con bé nhất ba tuổi, đặt tên là Lang Sa - Pháp để ghi "cái nhục sông núi" (mất nước). Tinh thần bài thơ đi đôi với lời Phan thường chỉ trích những hạng người "vong bổn", mới đi Tây vài năm mà đã khoe là quên hết tiếng Việt; hoặc không biết tiếng Tây mà cũng đặt tên con là Trần thị Tờ roi, Trần văn Xết (3).

Nhưng Tế Hanh đã "thuật" lại rằng nhân dịp ghé Nam Ninh thăm người con học ở đây tên là Phan Lang Sa, Phan Khôi "nói" với ông như sau:
"Thằng này sinh ngày 9 tháng 3 năm 1945. Ngày Nhật đảo chính Pháp. Tôi đặt tên nó để cho những người nào vui mừng việc Nhật lật Pháp biết là Pháp sẽ trở lại cho coi".

Và Tế Hanh kết tội: "Phan Khôi đã đáp lại lòng thù ghét của nhân dân ta đối với thực dân Pháp như thế. (...) Chỉ có một tâm hồn vong bản loại Phan Khôi mới mong Pháp trở lại mà thôi" (4).

Như vậy đủ biết sự xuyên tạc và vu khống, từ những ngòi bút có tiếng hiền lành, chân thực có tác động nguy hiểm như thế nào. Bao nhiêu kẻ khác đã chép lại giai thoại bịa ấy mà buộc Phan vào tội "phản quốc". Đến con ông cũng phải đổi tên mình thành Phan An Sa.

Nguyễn Công Hoan làm thơ:
Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi
Thọ mi mi chúc chớ hòng ai
Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc
Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài
Lô-gích, trước cam làm kiếp chó
Nhân văn, nay lại hít gì voi
Sống dai thêm tuổi cho thêm nhục
Thêm nhục cơm trời chẳng biết gai (5).

Những lời "thơ" lỗ mãng luôn luôn là thứ gậy ông đập lưng ông. Nhưng đặc biệt thâm hiểm là bài Hành động và tư tưởng phản động của Phan Khôi, đăng trên Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958, bản điện tử trên Talawas, mà Tạ Trọng Hiệp đã nói đến ở trên: Nguyễn Công Hoan là người biết nhiều về Phan Khôi hơn cả. Bài viết của ông có những chi tiết về ngày tháng khá rõ, có thể dùng được trong tiểu sử Phan Khôi. Dựa vào những sự kiện mình biết, Nguyễn Công Hoan thêm thắt, xuyên tạc, để "chứng minh" Phan Khôi là người bán nước, đã làm "chỉ điểm" cho Pháp trong suốt cuộc đời. Bài này với bài Phùng Bảo Thạch là hai "kiệt tác" về sự ô nhục của trí thức.

II ● Tìm lại cuộc đời đích thực của Phan Khôi

 
Hiện nay, một phần tác phẩm Phan Khôi đã được in lại, nhưng cuộc đời thực của ông vẫn chưa được soi tỏ. Hệ thống xuyên tạc và bôi nhọ Phan Khôi trong hơn nửa thế kỷ trong từ điển và học đường đã "giáo dục" quần chúng không nhắc đến tên ông hoặc coi ông như một người phản quốc.

Chúng tôi cố gắng tìm lại cuộc đời đích thực của Phan Khôi, ưu tiên qua những điều do chính ông viết ra, lượm lặt trong các bài ký, truyện ngắn như: Lịch sử tóc ngắn, Chuyện bà cố tôi, Bạch Thái công ty thơ ký viên, Đi học đi thi, Ông Bình Vôi, Ông Năm Chuột và bài ông trả lời phỏng vấn Lối tự học của những bậc đàn anh nước ta do bà Phan Thị Nga viết lại năm 1936 (6). Những tài liệu gia đình như Phan Khôi niên biểu của Phan Cừ, Phan An (7), Nhớ cha tôi (8)của Phan Thị Mỹ Khanh, về niên biểu, cũng chỉ phỏng chừng, nhiều sự kiện trước sau lẫn lộn, có chỗ viết sai. Những bài đánh Phan Khôi của Nguyễn Công Hoan, Đào Vũ... dù nhơ bẩn, nhưng có một số chi tiết dùng được, bởi những người này đã có dịp gần Phan Khôi trong 9 năm kháng chiến nghe ông kể chuyện rồi xuyên tạc đi, để buộc tội ông phản quốc.

♦ Tiểu sử Phan Khôi

Sinh ngày 6/10/1887 tức ngày 20/8 năm Đinh Hợi tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mất ngày 16/1/1959 tại Hà Nội. Ông nội: Phan Nhu. Cha: Phan Trân. Mẹ: Hoàng Thị Lệ, con gái tổng đốc Hoàng Diệu. Phan Khôi chỉ có một người em gái - gia đình gọi là cô Ba, bà là vợ nhà văn Sở Cuồng Lê Dư và là mẹ của Hằng Phương, vợ Vũ Ngọc Phan, Hằng Phân, vợ Hoàng Văn Chí và Hằng Huân, vợ tướng Nguyễn Sơn. Phan Khôi có người chú ruột là Phan Định, cha của Phan Thanh và Phan Bôi tức Hoàng Hữu Nam.

Bút hiệu: Chương Dân, Khải Minh Tử, Tân Việt chung với Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Văn Bá; Thông Reo chung với Nguyễn An Ninh; Tú Sơn, phiên âm chữ Tout Seul - Một Mình, để nhại Tú Mỡ... Riêng trên báo Sông Hương 1936-1937, có hơn 10 tên khác nhau: Phan Khôi, Sông Hương, Ngự Sử, Phan Nhưng, Tú Vườn, Bê Ca, K, PK, TV, ... chắc chắn là Phan Khôi; còn TT, TM, PTT... có thể cũng là Phan Khôi. Vì vậy, việc xác định văn bản Phan Khôi không dễ dàng.

1906, đỗ tú tài Hán học (9).

1906-1907: Bỏ khoa cử, học quốc ngữ và chữ Pháp với Lê Thành Tài. Hoạt động trong phong trào Duy Tân. Theo Phan Châu Trinh cắt tóc ngắn, làm bài Vè cúp tóc.

16/2/1908 ra Hà Nội học tiếng Pháp ở Đông Kinh Nghiã Thục, nhưng tới nơi, trường đã bị đóng cửa. Về Nam Định, học với Nguyễn Bá Học được 3 tháng thì bị bắt giải về Quảng Nam. Bị tù 3 năm. Trong tù, làm bài Dân quạ đình công, tự học tiếng Pháp, với thầy Ưng Điển (10). 1911, ra tù, vẫn tiếp tục hoạt động bí mật với nhóm Duy Tân và Đông Du Nam Ngãi. 1912, vào học trường Dòng Pellerin ở Huế được vài tháng, bà nội mất, trở về làng chịu tang, rồi ở lại quê.

Năm 1913 kết hôn với Lương Thị Tuệ, quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, con nhà cách mạng Lương Thúc Kỳ (11). Năm 1908, Lương Thúc Kỳ bị bắt, bị tù Côn Đảo tới 1917. Bà Lương Thị Tuệ có 8 con: Phan Thao, Phan Cừ, Phan Thị Hựu Khanh, Phan Thị Bang Khanh (12), một con trai chết năm 1935, lúc 10 tuổi, Phan Thị Mỹ Khanh, Phan Thị Tiểu Khanh, Phan Trản. Bà Nguyễn Thị Huệ, vợ thứ nhì, gặp tại Hà Nội, chung sống từ 1935, có ba con: Phan Nam Sinh, Phan Thị Thái, Phan Lang Sa, sau tự đổi tên thành Phan An Sa.

1913-1916, Phan Khôi mở lớp dậy học tại quê nhà.

1916, triều đình và chính quyền thuộc địa bỏ thi lối cũ (13). Phan Khôi nghỉ dậy, trở lại trường học tiếng Pháp với thầy Lê Hiển (14) cùng với học trò. Được Thái Phiên rủ tham gia kháng chiến vua Duy Tân, nhưng Phan không nhận. Lý do: Một mặt, không tin tưởng vào cách mạng bạo động (15), chọn con đường hoạt động văn hoá. Một mặt, cha hết sức ngăn cản bởi ông là con trai duy nhất. Nguyễn Công Hoan đã vin vào cớ ông không theo Thái Phiên để đổ tội ông làm mật thám cho Pháp ngay từ 1916.

Từ 2/1918 - 5/1919, được Nguyễn Bá Trác giới thiệu vào Nam Phong, ông viết bài báo quốc ngữ đầu tiên đăng trên Nam Phong số 8, ra tháng 2/1918, khai trương mục Nam Âm thi thoại, diễn đàn phê bình thơ sớm nhất ở Việt Nam. Đi Huế với Phạm Quỳnh dự tế Nam Giao từ 19/3/1918 đến 3/4/1918.

Theo Phan Khôi, ông làm việc chưa đầy một năm với Nam Phong thì thấy "không thể đi cùng đường với hai vị chủ bút" -tức là Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác- nên ông xin nghỉ trở về quê. Đầu năm 1919, ông Bùi Quang Chiêu từ Sài Gòn ra Hà Nội tìm trợ bút cho báo Quốc Dân Diễn Đàn của ông, Phạm Quỳnh giới thiệu Phan Khôi và đánh điện cho Phan Khôi ra Đà Nẵng xuống tàu gặp Bùi Quang Chiêu, nhờ vậy ông lại có dịp được đi ra khỏi làng.

Tháng 6/1919, vào Sài Gòn viết cho Quốc Dân Diễn Đàn. Vẫn theo Phan Khôi, được độ một tháng, không biết Marty nói với Bùi Quang Chiêu thế nào, mà Bùi Quang Chiêu đổi ông sang làm báo Lục Tỉnh Tân Văn do Marty điều khiển. Làm được vài tháng, vì một chuyện gì đó, dường như ông viết một bài báo công kích một viên chức cao cấp Pháp sắp lên làm toàn quyền, ông bị sa thải.

Những sự kiện trên đây cho thấy Phan Khôi dù ra khỏi Nam Phong nhưng vẫn giữ mối liên lạc khá chặt chẽ với Phạm Quỳnh và Marty.

Tháng 9/1919, trở về quê Quảng Nam.

Tháng 3/1920 ra Hải Phòng, làm thư ký cho Bạch Thái Bưởi từ 1/5/1920 đến 31/12/1920.

Cuối 1920: Nhận việc dịch Kinh Thánh - dịch toàn bộ Tân Ước và 1/3 Cựu Ước trong 5 năm, từ 1920 đến 1925, từ bản Hán văn và Pháp văn ra quốc ngữ.

1921-1922, viết Thực Nghiệp Dân Báo và Hữu Thanh ở Hà Nội.

1922 vào Nam, có thể đã liên lạc và hoạt động với nhóm Nguyễn An Ninh, Dejean de la Bâtie, khi Nguyễn An Ninh từ Pháp về lập báo La Cloche fêlée năm 1923.

1922-1925: Xuống Cà Mau ẩn náu. Học tiếng Pháp qua thư từ với Dejean de la Bâtie. Tiếp tục dịch Kinh Thánh.

1925 Phan Châu Trinh từ Pháp về, giao cho Phan Khôi việc viết lại lịch sử đời ông.

24/3/1926 Phan Châu Trinh mất: Phan Khôi soạn bản Hiệu triệu quốc dân đi dự đám tang Phan Châu Trinh và viết cuốn Phan Châu Trinh.

1926-1928: Phan Khôi viết các báo Thần Chung, Đông Pháp Thời Báo, Văn Học ở Sài Gòn và Đông Tây ở Hà Nội. Tháng 5/1928, phê bình Trần Huy Liệu, đặt vấn đề Viết sử cho đúng trên Đông Pháp Thời Báo.

1929-1932: Thời kỳ hoạt động mạnh nhất, viết các báo Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn, Trung Lập, ở Sài Gòn; Đông Tây, Phổ Thông, ở Hà Nội, đặt những vấn đề:
- 1929, Phê bình Khổng giáo trên Thần Chung. Nữ quyền và Viết tiếng Việt cho đúng trên PNTV.
- 1930, khai sinh thể loại bút chiến văn học với Phạm Quỳnh và Trần Trọng Kim trên PNTV.

- 1931, viết bài Cái cười của con rồng cháu tiên trên PNTV, phê bình cuốn Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu Chánh: đây là bài phê bình văn học đầu tiên viết theo lối hiện đại.

- Đầu 1932, công bố bài Một lối "thơ mới" trình chánh giữa làng thơ và bài thơ Tình già, cả hai được coi là bản tuyên ngôn của Thơ Mới trên Tập Văn Mùa Xuân, báo Đông Tây, rồi PNTV.

1933 ra Hà Nội viết Thực Nghiệp và Phụ Nữ Thời Đàm.

1934 về Huế viết cho Phụ Nữ Tân Văn tái bản, rồi làm chủ bút báo Tràng An. Phan Trân từ trần.

1936-1937: Lập báo Sông Hương tại Huế từ 1/8/1936 đến 27/3/1937. Viết cho Hà Nội báo. Tập hợp những bài viết trong mục Nam Âm thi thoại in thành sách Chương Dân thi thoại, Đắc Lập, Huế, 1936.

1937-1941: Vào Sài Gòn dậy trường Chấn Thanh. Viết tiểu thuyết. In cuốn Trở vỏ lửa ra, Phổ Thông Bán Nguyệt San số 41, ra ngày 16/8/1939 tại Hà Nội.

Viết báo Tao Đàn từ tháng 3/1939.

1940, viết cho Dân Báo.

1941, Chấn Thanh đóng cửa. Phan Khôi về Quảng Nam ở đến 1946.

19/8/1945:Việt Minh cướp chính quyền.

Ngày 2/3/46: Thành lập chính phủ liên hiệp.

Ngày 6/3/1946: Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ với Pháp. Theo Nguyễn Công Hoan, tháng 6/1946, trong một buổi mít tinh ở Quảng Nam, Phan Khôi lên diễn đàn đả phá hiệp định sơ bộ. Phan Khôi được bầu làm chủ nhiệm chi bộ Quảng Ngãi của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Theo Hoàng Văn Chí, cán bộ địa phương định phá hủy nhà thờ Hoàng Diệu, Phan Khôi cực lực phản đối, họ toan bắt Phan Khôi, nhưng nể Phan Thao, con trai ông, là cán bộ cao cấp. Phan Khôi viết thư cho Huỳnh Thúc Kháng (16) nhờ can thiệp. Hồ Chí Minh giải quyết khéo léo: viết thư mời Phan Khôi ra Hà Nội, giao cho Phan Bôi (17) phụ trách việc quản thúc. Phan Khôi ra Hà Nội, nhưng không chịu ở nhà Phan Bôi, lên 80 Quan Thánh ở với Khái Hưng.

Theo Nguyễn Công Hoan, đêm 12/7/1946, công an bao vây nhà Khái Hưng, Phan Khôi bị bắt tại đây:
"Ở Quảng Nam ít lâu, hắn bèn ra Hà Nội, họp với Trung Ương Đảng Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng của hắn để đề nghị một chương trình chống chính phủ. Chương trình của hắn là gây một cuộc rắc rối về ngoại giao giữa chính phủ Pháp, để dồn chính phủ đến một nước cờ bí, phải đi đến chỗ tự lật đổ, hoặc bị thực dân Pháp đánh bại.

Vừa lúc đó, Phan Khôi tiếp được giấy của Bộ Nội Vụ tập hợp Hội Nghị Văn Hoá. Sau khi họp với bọn "đồng chí" ở Quảng Nam, đặt kế hoạch hoạt động trong thời gian hắn vắng mặt, hắn tạm rời tỉnh Quảng Nam. Đến thủ đô hắn xin vào yết kiến cụ Huỳnh Thúc Kháng khi ấy là bộ trưởng Bộ Nội Vụ. Nhưng cụ Huỳnh đã rõ bộ mặt nhơ bẩn của hắn không thèm tiếp.

Đêm 12/7, trong khi hắn đương họp bàn với bọn đầu sỏ Quốc Dân Đảng ở 80 đường Quan Thánh, thì xẩy ra việc công an ta đến khám tòa báo Việt Nam của đảng ấy tại trụ sở ấy. Bọn phản động trong nhà nổ súng ra để chống cự. Tức thì công an buộc lòng phải bắt bớ người. Trong số những người bị bắt có Phan Khôi. Song Phan Khôi lại một lần nữa được chính phủ tha cho về suy nghĩ tội lỗi mà hối cải. Trong thời gian Phan Khôi ở Hà Nội, thì chi bộ Quốc Dân Đảng ở Quảng Nam tiếp tục thực hiện chương trình hắn đã vạch ra (...) Thấy việc bán nước mỗi ngày một khó khăn hơn, Phan Khôi phải ở lại Hà Nội để bàn việc củng cố đảng hắn. Nhưng tối ngày 19 tháng 12 toàn quốc đứng dậy làm cuộc kháng chiến Phan Khôi giật nẩy mình, muốn về Quảng Nam thì nghẽn đường, không đi được. Lại có một người em họ ở trong chính phủ bảo đảm cho, nên hắn được- hoặc bắt buộc- đi theo kháng chiến" (18).

Theo Phan Khôi, ngày 6/7/1946 ông ra đến Hà Nội, nhưng được người bạn thân báo tin cụ Huỳnh Thúc Kháng khuyên đừng gặp cụ. Ông quanh quẩn ở lại Hà Nội xem tình hình, ngày 12/7/46, ông dự buổi họp của Trung Ương Quốc Dân Đảng ở toà báo Việt Nam.

Theo Hoàng Văn Chí, sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, Phan Bôi được lệnh đưa Phan Khôi lên Việt Bắc. Phan dịch sách và làm biên khảo.

Tổng kết các thông tin của Phan Khôi, Hoàng Văn Chí, Nguyễn Công Hoan, xin tạm hình dung bối cảnh này như sau:
Phan Khôi thấy có thể bị Việt Minh bắt ở Quảng Nam, nên ông viết thư cho Huỳnh Thúc Kháng, tìm cách chính thức ra Hà Nội. Cụ Huỳnh viết thư mời ông ra dự Hội Nghị Văn Hoá, nhưng ngại không tiếp ông sợ bị liên lụy, chắc bản thân cụ cũng không vững. Ở Hà Nội, Phan Khôi hội họp với Quốc Dân Đảng, trụ sở 90 Quan Thánh, nhà Khái Hưng. Ông bị bắt tại đây, nhưng lại được thả ngay, vì lẽ gì? Vì em họ Phan Bôi làm bộ trưởng Nội Vụ và con trai Phan Thao làm chủ nhiệm báo Nhân Dân chăng? Chưa chắc. Rất có thể vì Hồ Chí Minh không dám thẳng tay với Phan Khôi. Sau khi được tha, ông vẫn tiếp tục hội họp với Quốc Dân Đảng, mặc dù ông đã chán nản vì thấy tổ chức này lỏng lẻo, chẳng có chính sách gì rõ ràng, có lúc ông muốn tìm đường ra ngoại quốc.

Theo Đào Vũ, nhà cửa, ruộng đất của gia đình Phan Khôi ở Điện Bàn bị tịch thu trong Cải Cách Ruộng Đất.

1954-55: Về Hà Nội, gặp lại vợ con từ Quảng Nam ra. Ở số 51 Trần Hưng Đạo. In Việt ngữ nghiên cứu (19).

1956: Lãnh đạo tinh thần phong trào NVGP. Làm chủ nhiệm báo Nhân Văn.

1957: Được cử đi Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm 100 năm sinh Lỗ Tấn, có Tế Hanh đi cùng.

1958: NVGP bị thanh trừng. Phan Khôi bị đuổi khỏi 51 Trần Hưng Đạo, dọn về 10 Nguyễn Thượng Hiền, rồi 73 phố Thuốc Bắc.

Phan Khôi mất ngày 16/1/1959. Chôn ở nghĩa trang Hợp Thiện, phía đông Hà Nội. Trên mộ đề Chương Dân. Mộ phần bị "thất lạc" trong chiến tranh - theo gia đình.

Lại Nguyên Ân cho biết từ giữa năm 2000, ông bắt đầu sưu tầm tác phẩm Phan Khôi. Đến nay đã ra được 5 tập Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo, từ 1928 đến 1932 và cuốn Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn, do các nxb Đà Nẵng, Hội Nhà Văn và Tri Thức in; riêng sưu tập 1932, khổ 16x24. Các sách này đã đưa lên website Lại Nguyên Ân: lainguyenan.free.fr (20). Tổng cộng: 4706 trang. Công trình này dành cho giới nghiên cứu, và là bước đầu tiến tới một tuyển tập Phan Khôi, ngắn gọn hơn, cho mọi từng lớp độc giả.

Năm 2009, Phạm Hồng Toàn in sưu tập Sông Hương, tuần báo ra ngày thứ bẩy (1/8/1936-27/3/1937), Lao Động và Đông Tây, 2009, gồm 2 tập, khổ 19x26.

Hiện nay, chỉ còn những bài báo của Phan Khôi trong khoảng 1918-1928 và 1933-1942, chưa được in thành sách. Sưu tập của Thanh Lãng trước 1975 tại Sài Gòn, được xuất bản dưới tiêu đề 13 năm tranh luận văn học 1932-1945, gồm 3 tập, Văn Học, TP.HCM, 1995, trong đó có một số bài của Phan Khôi.

Bộ sách này so với bản ronéo của Thanh Lãng có chỗ bị cắt, không hoàn toàn trung thành với bản chính như việc làm của Lại Nguyên Ân.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê
 
Chú thích:
 
(1) Thơ họa "Con rùa đá” của Tế Hanh - 1957.
(2) Phan Thị Mỹ Khanh, Nhớ cha tôi, nxb Đà Nẵng, 2001, trang 161.
(3) Phan Khôi, Cái thói nói tiếng Lang Sa, Đông Pháp thời báo, số 733 (19/6/1928).
(4) Báo Độc Lập số 357 (1/5/1958), in lại trong Bọn NVGP trước toà án dư luận, trang 138-139.
(5) Thơ họa của Nguyễn Công Hoan - 1957.
(6) Phan Thị Nga, Lối tự học của những bậc đàn anh nước ta, 13 năm tranh luận văn học, tập I, trang 255-159.
(7) Bài in trong cuốn Chương Dân thi thoại, nxb Đà Nẵng, 1996.
(8) Nxb Đà Nẵng, 2001.
(9) Nhiều chỗ ghi 1905, là sai, vì 1905 không có kỳ thi hương.
(10) Chúng tôi dùng bản Phan Thị Nga, năm 1936. Các con Phan Khôi sau này ghi là Ưng Diễn.
(11) Lương Thúc Kỳ, đỗ cử nhân 1900, làm quan tại Huế, theo phong trào Duy Tân, sau có dạy trường Dục Thanh, trường đầu tiên của phong trào Duy Tân, mở năm 1905 ở Phan Thiết, được ít lâu thị bị bắt. Lương Thúc Kỳ mất năm 1947.
(12) Còn có tên là Phan Thị Yến, cùng chồng và con chết vì bom tháng 9/1952.
(13) Khoa thi hương cuối, ở Bắc: 1915 và ở Trung: 1918.
(14) Theo bản Phan Thị Nga. Các con ông ghi là Lê Hiên.
(15) Trong hai bài: Địa vị của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong cuộc biến ở Huế năm 1916 (Sông Hương số 7-8-9 ra ngày 12/9-19/9 và 26/9/1936) và Mấy cuộc vận động quần chúng ở nước ta (Sông Hương số 29-30-31 ra ngày 27/2- 13/3 và 20/3/1937), sưu tập Sông Hương của Phạm Hồng Toàn; Phan Khôi nói rất rõ bối cảnh những cuộc cách mạng bạo lực và phân tích sự thất bại của những phong trào này.
(16) Là bộ trưởng Nội Vụ trong chính phủ liên hiệp lúc bấy giờ.
(17) Là em họ Phan Khôi. Phan Bôi tức Hoàng Hữu Nam là Ủy viên Trung Ương Đảng, thứ trưởng Bộ Nội Vụ.
(18) Nguyễn Công Hoan, Hành động và tư tưởng phản động của Phan Khôi cho đến thời ký toàn quốc kháng chiến, Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958.
(19) Do nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoàng Cầm trách nhiệm, in tại Hà Nội, 1955.
(20) Bản điện tử có vài chỗ sửa lại chữ của Phan Khôi, ví dụ tấn sĩ thành tiến sĩ, có lẽ không nên.

@diendantheky