Tuesday, April 16, 2013

Trần Tấn Quốc


Ngô Tổng Thống mời nhà báo
Trần Tấn Quốc vào Dinh Ðộc Lập 

Thời Ðệ Nhứt Cộng Hòa mà có một nhà báo nào được Ngô Tổng Thống mời vào Dinh Ðộc Lập đàm đạo là chuyện hiếm thấy, nếu người ta không muốn nói là khó có thể xảy ra. Thế mà đã có một nhà báo miền Nam: Ông Trần Tấn Quốc lại được mời gặp Ngô Tổng Thống đến 4 lần trong một tháng ắt phải có điều gì quan trọng lắm.(Thời Ðệ Nhứt Cộng Hòa, Ngô Tổng Thống đi kinh lý. Người mang kiếng đen là ông Trần Tấn Quốc. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Tháng Ba, 1961, ông Quốc cuốn gói về quê nhà ở Cao Lãnh, nói là để an dưỡng một thời gian sau những năm tháng dài quá vất vả gian nan với nghề nghiệp. Chớ thật ra thì đối với một người đam mê nghiệp làm báo từ thuở nhỏ như ông Quốc thì không thể an dưỡng sớm như vậy. Do đó mà những người am tường sự việc, và trong giới báo chí thì quá rành cái nguyên nhân gác bút của ông Quốc là vì cô vợ đào hát Thanh Loan, một cán bộ nằm vùng mà trong mấy kỳ trước tôi có đề cập.

Lúc bấy giờ không ai có thể tiên đoán được những gì sẽ xảy ra cho ông Trần Tấn Quốc sau khi rời Sài Gòn. Do bởi đâu đâu cũng là chính quyền quốc gia, trừ phi ông nối bước theo bà vợ đào hát Thanh Loan.

Nhưng rồi mới về Cao Lãnh ở được bảy ngày thì Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đánh công điện xuống tỉnh Kiến Phong cho Trung Tá Tỉnh Trưởng Ðinh Văn Phát bảo tìm cho được Trần Tấn Quốc, và dĩ nhiên ông Quốc phải (hay là được) trở về Sài Gòn.

Khi nhận được tin điện như vậy chính ông Trần Tấn Quốc cũng chả biết chuyện gì đây, và ông phải khăn gói trở lại Sài Gòn theo lời mời của Ngô Tổng Thống.

Sau nầy ông Quốc có kể rõ từ ngày 8 Tháng Ba đến ngày 10 Tháng Tư, 1961, trong thời gian một tháng, ông được Ngô Tổng Thống mời đến Dinh Ðộc Lập tất cả 4 lần. Nội dung đàm đạo giữa hai người thì nào ai biết được, nhưng có ai hỏi thì ông Quốc trả lời chủ yếu là để thăm dò ý kiến về các vấn đề quốc kế dân sinh, và ông được mời hội đàm với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm với tư cách một ký giả mà thôi.

Có điều là sự có mặt của ông Trần Tấn Quốc ở Sài Gòn đã đương nhiên giải tỏa được cuộc khủng hoảng giải Thanh Tâm 1960. Do bởi chính ông Quốc là người công bố hai nữ nghệ sĩ Bích Sơn và Ngọc Giàu đoạt giải nghệ sĩ triển vọng năm đó.

Ðến Tháng Năm, 1961, ông Trần Tấn Quốc được phép xuất bản tờ Tiếng Dội Miền Nam, trụ sở vẫn ở 216 đường Gia Long, Sài Gòn. Thế là ông Quốc trở lại làng báo một lần nữa.

Với chuyện trở lại Sài Gòn lần này rồi tiếp tục ra báo, ông Quốc có tâm sự rằng: Sau mấy lần hội kiến với Ngô Tổng Thống chính tổng thống có nói với ông Quốc câu nầy:

“Tôi mến ông là một nhà báo có tài, tôi quý ông là một cây bút có tiết tháo...”

Khi tờ Tiếng Dội Miền Nam ra đời, lúc đó có những bàn tán xôn xao trong giới báo chí Sài Gòn. Ðại khái như: Trần Tấn Quốc được Ngô Tổng Thống chiếu cố, trong tương lai chiếc ghế Bộ Trưởng Thông Tin sẽ giao cho ông là cái chắc! Hoặc có những lời mỉa mai xem tờ Tiếng Dội Miền Nam như là tiếng nói của nhóm “gia nô” v.v...

Sở dĩ có sự đồn đãi, mỉa mai như vậy cũng có cái lý của nó, bởi từ lúc Tờ Tiếng Dội Miền Nam ra đời thì mỗi lần Ngô Tổng Thống đi kinh lý thì y như rằng, chánh văn phòng Phủ Tổng Thống gọi điện thoại báo cho ông Quốc tháp tùng phái đoàn. Và dĩ nhiên mọi tin tức sốt dẻo liên quan đến cuộc kinh lý, và những lời huấn thị của tổng thống đã được lên tờ Tiếng Dội Miền Nam.

Ông Quốc từng nói với bạn bè, với các ký giả cộng tác với ông, rằng dầu được sự chú ý của Ngô Tổng Thống, ông không bao giờ lợi dụng thời cơ để mưu đồ tư lợi, chạy theo bả công danh. Trần Tấn Quốc này chỉ biết “hành đạo” với đầy đủ lương tâm và chức nghiệp của một ký giả độc lập. Con đường làm báo của ông luôn luôn quyết tâm phục vụ theo quan niệm sống và làm người của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh: là sử dụng ngòi bút mình để “quyết làm cho điều phải nó thắng điều quấy.”

Với 40 năm làm báo, những người hiểu biết ông đều không thấy ông bị ràng buộc vào một tổ chức chánh trị nào. Từ đó người ta có thể hiểu rằng những năm đầu của thập niên 1960 qua lời đồn đãi “Trần Tấn Quốc sẽ làm Bộ Trưởng Thông Tin” cũng chỉ là câu chuyện phù phiếm.

Tờ báo Tiếng Dội Miền Nam của ông vẫn mạnh tiến với số độc giả ủng hộ càng ngày càng cao, xuất bản liên tục cho đến ngày Ngô triều sụp đổ (ngày 1 Tháng Mười Một, 1963).

Ngành Mai