Thursday, March 5, 2015

Australia

BỐN MƯƠI NĂM -
BỐN CÂU CHUYỆN Ở BỐN MELBOURNE POSTCODES

Người Việt đến định cư tại Úc qua nhiều diện khác nhau, nhưng chính yếu nhất vẫn là tỵ nạn vào những thập niên 70, 80 và đầu 90 và đoàn tụ gia đình vào những thập niên sau đó. Những mẩu chuyện thương tâm và can đảm của người Việt tỵ nạn đã được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ, tuy nhiên sau khi được định cư tại các quốc gia đệ tam, những người Việt tỵ nạn may mắn sống sót này và gia đình của họ đã thầm lặng và cần mẫn tái lập cuộc sống mới của họ tại các quốc gia thu nhận họ. Tuyệt đại đa số bày tỏ rằng: là những người may mắn sống sót và được nước Úc và người dân Úc mở rộng vòng tay đón nhận, họ không ước mong gì hơn là mau chóng không trở thành gánh nặng cho nước Úc và bằng mọi giá trả ơn qua những đóng góp cụ thể mà bản thân họ hoặc con cháu họ sau này sẽ làm để đền ơn, đáp nghĩa cho nước Úc giàu lòng nhân ái và quảng đại này.

Tiếp theo đây là 4 câu chuyện của 4 người Việt bình thường trong cộng đồng người Việt Tự Do tại Melbourne, Victoria. Họ đến từ 4 vùng Đông, Tây, Nam, Bắc và hiện đang sống tại những khu vực hiện có đông người Việt cư ngụ và đến định cư cách đây 40 năm. Họ là những người đến Úc theo diện tỵ nạn hay đoàn tụ gia đình. Họ thuộc những lứa tuổi khác nhau, thành phần khác nhau, gia cảnh khác nhau và đến từ những vùng khác nhau tại Việt-Nam, tuy nhiên trong cả 4 câu chuyện họ có một mẫu số chung tiêu biểu cho hầu hết thế hệ đi trước của người Việt tỵ nạn tại Úc, đó là:
Lòng tri ân sâu xa
Một ý chí mãnh liệt làm lại cuộc đời
Sự hy sinh cao cả bằng mọi giá dành cho sự thành đạt của con cái họ như là một món quà trả ơn đối với nước Úc


Tuy chỉ có 4 câu chuyện, nhưng chúng tôi đã phải vô cùng vất vả và khó khăn trong việc thuyết phục những gia đình trong Cộng Đồng người Việt để cho chúng tôi đăng tải câu chuyện của họ vì bản chất vốn thích thầm lặng và khiêm tốn của người Việt nói chung. Chúng tôi vì thế vô cùng tri ân bốn anh chị và gia đình đã đồng ý cho chúng tôi phỏng vấn và trưng bày những hình ảnh về cuộc hành trình tới Úc, những nổ lực định cư và những đóng góp âm thầm nhưng quý giá của họ cho gia đình, con cháu, cộng đồng, xã hội và nước Úc trong 40 năm qua.(Trích gia đình 1 ở Richmond)


1.- RICHMOND – POST CODE 3121

 Ông Phan Cảnh Hưng sanh năm 1954 tại Bình Định, Việt Nam.

Ông Hưng là người con trai út của một gia đình mất 3 còn 4 người con. Mẹ ông mất khi ông mới sanh ra chưa được 1 tuổi. Cha ông tái giá và trong khi mẹ kế của ông đang có bầu thì cha ông lại đi tập kết ra Bắc. Mẹ kế của ông phải làm nghề bánh tráng để nuôi 5 người con nheo nhóc trong một hoàn cảnh vô cùng cơ cực và thiếu thốn. Vì nhà nghèo nên ngay khi còn nhỏ ông đã không được đi học và phải ở nhà phụ mẹ làm bánh tráng.

Vì thương hoàn cảnh của ông nên khi ông được gần 7 tuổi, một người bác của ông đã làm giấy tờ và giúp cho ông được đi học tiểu học. Ông vừa đi học vừa phụ giúp mẹ làm bánh tráng. Ông ở nhà nhiều hơn đi học, nhưng học rất khá và luôn đứng đầu lớp. Ông thi đậu vào trường trung học công lập nhưng lại phải ở nhà vì mẹ ông không có khả năng cho ông học lên trung học. Ông tiếp tục ở nhà làm bánh tráng trong 3 năm. Thấy ông thông minh và hiếu học một vị thầy giáo đứng ra bảo trợ cho ông đi học lại. Ông học nhảy lớp 2 lần để kịp tuổi, ông đậu tú Tài 1 và Tú Tài 2 tại Nha Trang, ban B, môn Toán năm 1970.

Ông thi đậu vào Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 1971. Ông vừa ra trường năm 1975 thì miền Nam thất thủ. Vì là sinh viên trước năm 75 ông bị chuyển đi dạy ở tận đảo Phú Quốc, nơi ông dạy môn Toán lớp 12. Năm 1979, ông lập gia đình và người con gái lớn của ông ra đời năm 1980 tại Phú Quốc. Ông nói, cuộc sống thầy giáo của ông thật thiếu thốn và đói ăn đến độ phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của phụ huynh và học sinh.

Năm 1981, ông với vợ và con gái vượt biên bằng thuyền sang Thái Lan. Sau 3 tháng ở trại tỵ nạn Songkla và Panat Nikhom gia đình ông được phái đoàn Úc nhận cho định cư. Ông và gia đình đến Melbourne vào tháng 9 năm 1981. Lúc ấy ông chỉ mới 27 tuổi. Chỉ hơn 2 tuần đến Úc, ông đã đi làm farm tại Lilydale trong khi tiếp tục học tiếng Anh trong vòng 4 tháng tại Nunawading Migrant Hostel.

Sau 1 năm ở trong hostel, năm 1982, ông và gia đình xin được nhà chính phủ và dọn về ở khu Housing tại đường Elizabeth St, Richmond. Cũng trong năm này người con gái thứ nhì của ông ra đời và ông xin được việc làm công nhân ở hảng xe Holden (từ năm 1982-1988). Tuy nhiên, vào cuối tuần ông vẫn tiếp tục đi làm farm (từ năm 1982-1988). Ông cố gắng dành dụm tiền để hy vọng sẽ đi học lại thay vì đi làm hãng suốt đời.

Tuy nhiên, không may cho ông, cuộc hôn nhân của ông bị đổ vỡ vào cuối năm 1988. Lúc bấy giờ 2 con của ông chỉ mới có 7 và 5 tuổi đang theo học tại trường Richmond West Primary School. Khi việc này xãy ra, ông chọn đi ra khỏi nhà của Bộ Gia Cư để cho vợ và 2 con của ông ở lại đó, nhưng hai người con gái nhỏ của ông nhất quyết đòi theo ông, nên cả 3 cha con trở thành không nơi nương tựa. Sau khi ở nhà người em vợ qua đêm, ông và hai con được một người bạn cho tạm tá túc 1 tuần lễ, trước khi được một người bạn khác cho share phòng tại vùng Richmond để ở.

Cuối năm 1989, ông bị đột quỵ tim trầm trọng, bị bán thân bất toại, mất trí nhớ và khả năng nói. Bác sĩ và nhà thương nghĩ rằng vì tình trạng của ông quá nặng, ông có thể sẽ không sống quá 2 tháng và nếu sống sót ông sẽ trở thành tàn phế và không bao giờ đi lại được nữa. Khi hồi tỉnh lại, ông xin 2 con về ở tạm với vợ cũ của ông trong khi ông còn phải nằm bệnh viện. Vì quá lo lắng cho tương lai và hoàn cảnh của hai con, ông quyết chí phải hồi phục càng sớm càng tốt. Dưới sự kinh ngạc của bác sĩ và các nhân viên điều trị của bệnh viện, sáu tháng sau ngày nhập viện cấp cứu, ông đã đứng và đi được. Ông xin xuất viện sớm để về với 2 người con nhỏ của ông tại căn flat mà Bộ Gia Cư, qua sự can thiệp của nhà thương St Vincent, đã cấp cho ông và hai con tại Richmond.

Mất job, bị bán thân bất toại, nhưng vì số tiền ông đã dành dụm trong suốt 5 năm đi làm hãng và farm của ông, Bộ An Sinh Xã Hội chỉ cấp cho 3 cha con ông $65/tuần để sống. Ông cắn răng chấp nhận tất cả miễn là con mình không trở thành con của chính phủ hay mất cả cha lẫn mẹ. Với sự giúp đỡ của hai con, ông nhất quyết phải đi lại được không cần xe lăn, tập nói lại và tự chăm sóc lấy mình và nuôi con ăn học đến nơi đến

Với một cố gắng và một ý chí phi thường, ông đã không hề sử dụng đến xe lăn sau khi bị đột qụy mà bác sĩ cho rằng ông sẽ không bao giờ có thể đi lại được nữa. Hơn thế nữa, chẳng những ông đã tự mình đi lại, mặc dù thật chậm chạp và vô cùng vất vã, ông còn tự học thêm tiếng Anh để có thể dạy kèm Toán cho 2 con của mình cho đến hết lớp 12. Không có tiền cho con học thêm, ông tự dạy kèm con của ông, kết quả là người con gái lớn đã vào được trường Camberwell High School và người con gái út đậu vào trường tuyển nữ Trung Học Mac Robertson. Nhưng vì muốn hai chị em học cùng một nơi, con gái út của ông đã chọn đi học tại Camberwell High School thay vì Mac Robertson.

Kết quả, người cha tật nguyền bán thân bất toại này, một disability pensioner, đã một mình dạy dỗ, nuôi nấng, chăm sóc hai người con gái 7 và 5 tuổi đạt được kết quả như sau:

Diana Phan - đậu VCE với số điểm 99.70 và tốt nghiệp Bác Sĩ Y Khoa tại Đại Học Melbourne năm 2003.
Mary Phan - đậu VCE với số điểm 99.40 và tốt nghiệp Bác sĩ Nha Khoa tại Đại Học Melbourne năm 2005.

Ngày nay, ông đã trở thành ông Ngoại của 2 người con của Bs. Diana Phan (5 tuổi và 9 tháng tuổi) và tình nguyện coi cháu cho con gái đi làm. Ông vẫn còn một phần bán thân bất khiển dụng, nhưng nhất quyết không dùng xe lăn hay chống gậy, tự lo lấy mọi việc cho mình và chăm sóc, thương yêu con và cháu như ông đã làm trong suốt 25 năm qua.

Được hỏi, động lực nào và bí quyết nào đã giúp ông thành công trong việc vượt qua những khó khăn và trở ngại to lớn để cho ông và con cái ông có được ngày hôm nay. Ông nói:
“Vì tôi thương con tôi, tôi sợ mất con tôi và con tôi mất tôi. Tôi đã trải qua kinh nghiệm mất mẹ, mất cha, cực khổ vì thế tôi phải cố sống, cố phấn đấu cho con tôi....bí quyết duy nhất tôi dùng để dạy con tôi là phải biết tự chủ, tự kỷ luật và cố gắng hết mình, không bao giờ bỏ cuộc hoặc chào thua trước nghịch cảnh. Tôi là một người rất may mắn được sống sót và cưu mang bởi nước Úc giàu có và đầy lòng nhân đạo này. Tôi mong các con tôi sẽ tiếp tục đóng góp khả năng của chúng nhiều hơn nữa cho nước Úc này”