Tuesday, March 3, 2015

Tim Pham

NGƯỜI BÁN RAU CẢI “PHẢN ĐỘNG”


Một chiều hè năm 1977, anh em chúng tôi ngồi quây quần trên nền gạch bên ngọn đèn dầu le lói để dùng bữa tối. Bữa cơm tối chỉ có năm anh chị em chúng tôi vì ba tôi đang bị giam trong ngục tù cộng sản, còn mẹ tôi thì vẫn còn đâu đó trên con đường Lê Thánh Tôn gần chợ Bến Thành mua bán từng chiếc quần áo cũ để kiếm tiền nuôi con. Sau bữa cơm, tôi bước ra đường để hóng một chút gió trời vì trong nhà quá nóng nực và tối om do cúp điện.

Con đường nhỏ trước nhà sáng sủa hơn nhờ những bóng đèn đường mới gắn. Những bóng đèn đường này là nơi bọn trẻ con chúng tôi tụ tập, nô đùa vào những đêm cúp điện. Thật ra, người ta không gắn những bóng đèn này để phục vụ bọn trẻ con như chúng tôi, cũng không phải vì lý do an toàn giao thông, mà là để ngăn chặn tình trạng cướp hàng hóa xảy ra thường xuyên mỗi khi các xe tải chở gạo, trái cây, hoa quả từ các miền quê lên thành phố ngang qua xóm tôi. Những chiếc xe tải khi chạy qua con đường nhỏ trước nhà tôi đều được bao trùm cẩn thận và phải chạy hết tốc độ để thanh niên và bọn trẻ con trong xóm khỏi đu lên xe và tuồn hàng hóa xuống đường. Những ai đã từng được tận mắt chứng kiến cảnh thanh niên và trẻ con xóm tôi đu lên xe tải và nhảy xuống với một quầy chuối trên tay khi xe đang chạy ở tốc độ cao đều phải công nhận rằng trình độ nhảy tàu lửa của những nhân viên tình báo trong những bộ phim dài nhiều tập của Liên Xô, Ba Lan, hay CHDC Đức là còn rất kém.


Thế nhưng vào khoảng 7 giờ tối hôm đó, đường phố bỗng vắng lặng khác thường. Lũ trẻ con đứng chờ xe tải chạy ngang qua để leo lên cướp đang tiu ngỉu, thất vọng, thì từ phía cuối đường, nhiều chiếc xe Jeep chở đầy công an, mật vụ ập đến và dừng lại trước một con hẻm nhỏ. Từ trên xe, những tên công an, mật vụ đầu gấu hùng hổ nhảy xuống và xông thẳng vào nhà một người đàn ông bán rau cải.

Ông Thắng tuổi trạc 60, mái tóc bạc trắng, là người có thân hình thấp nhỏ, ốm yếu, gầy còm. Hai vợ chồng ông di cư vào Nam năm 1954 rồi sinh con, đẻ cái, và sinh sống bằng nghề bán rau cải ở chợ Gò Vấp. Họ có với nhau đến tám mặt con, tất cả đều chưa có gia đình, vẫn sống với bố mẹ vì gia cảnh nghèo túng.

Bọn trẻ đang buồn rầu vì không có xe tải để cướp bỗng vui hẳn lên và chạy đến nhà ông Thắng để xem náo nhiệt. Tôi cũng chạy theo lũ bạn trong xóm đến xem. Sau khi ập vào nhà ông, họ còng tay, trói chân ông lại và đọc lệnh bắt ông với tôi danh “phản động, xuyên tạc chống chính quyền cách mạng”. Ông và mọi người trong nhà khóc lóc, kêu oan vô cùng thảm thiết, nhưng tất cả đều vô hiệu. Sau khi đã đọc lệnh bắt, họ lấy một cái bao bố thật to trùm ông lại từ đầu đến chân rồi đè ông xuống đất. Khi ông tìm cách đứng lên thì liền bị họ dùng báng súng đập túi bụi vào đầu và mình ông. Máu từ đầu ông chảy ra thấm ướt cả bao bố. Sau đó, họ đè ông xuống nền gạch và dùng dây thừng cột chặt bao bố lại chỉ còn hai bàn chân thò ra ngoài. Các con ông cố níu kéo, van xin thì cũng bị họ dùng báng súng đánh xối xả vào đầu, máu me lai láng ướt hết cả quần áo.

Khi không còn ai dám van xin, níu kéo nữa thì họ bắt đầu nắm lấy đầu dây thừng cột bao bố và kéo ông ra đường. Con hẻm nhỏ từ nhà ra xe đầy sỏi đá, miểng chai, và những vũng nước mưa lớn. Trời đã nhá nhem tối, chúng tôi đi theo khá xa phía sau mà vẫn nghe được tiếng ông khóc lóc, kêu oan. Dưới bóng đèn đêm, máu từ đầu và mình ông chảy ra tạo thành một vệt dài trên đường và hòa vào những vũng nước mưa. Hai cô con gái của ông vừa chạy theo vừa khóc ngất lên vì đau xót cho cha mình. Khi đã kéo ông đến chiếc xe cuối cùng trong đoàn, họ ném ông xuống sàn xe và đoàn xe vội vã kéo đi, cũng hùng hổ như khi đã đến, và chẳng mấy chốc, đoàn xe đã nhanh chóng lẫn vào màn đêm cuối phố.

Con phố nhỏ bỗng im lặng như tờ. Trẻ con nhìn nhau ngơ ngác. Người lớn nhìn nhau bàng hoàng, hoang mang, lo sợ. Bọn trẻ không còn nô đùa vui vẻ như những đêm cúp điện khác. Chúng tụm năm, tụm bảy kể cho nhau nghe cảnh tượng kinh hoàng mà chúng vừa chứng kiến. Bọn trẻ trong xóm sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên chưa bao giờ có dịp tận mắt nhìn thấy những tội ác dã man của cộng sản. Riêng tôi thì không hề ngạc nhiên. Sinh ra và lớn lên giữa vùng chiến tuyến ở miền Trung, tôi đã được thấy và được nghe rất nhiều về những tôi ác của cộng sản. Tôi đã chứng kiến cảnh Việt cộng ngày ngày pháo kích vào khu dân cư ở Hội An, được thấy cảnh những chiếc xe đò nổ tan xác và đẫm ướt máu nằm bên vệ đường, gần cầu Thanh Quýt trên đường từ Hội An ra Đà Nẵng, vì mìn của cộng sản. Điều tôi thắc mắc duy nhất vào lúcđó là tại sao họ không dẫn hoặc khiêng ông ra xe mà lại kéo ông ở dưới đường đến một chiếc xe xa nhất trong đoàn như vậy.

Đó là lần cuối cùng gia đình ông được nhìn thấy ông. Những năm tháng sau đó, họ đi tìm kiếm, thăm hỏi khắp nơi từ công an quận đến công an thành phố, đến các nhà tù, nhưng vẫn tuyệt nhiên không biết được gì về nơi ông bị giam hoặc ông còn sống hay đã chết. Căn nhà nhỏ, đông đảo, đầy tiếng cười của ông trước kia bỗng trở nên u uẩn như một ngôi nhà hoang. Chiều nào người ta cũng nhìn thấy vợ ông ngồi bất động sau song cửa lưới của hàng hiên trước nhà, đôi mắt buồn rầu dõi về cuối phố như đang mong mỏi, trông chờ một phép lạ nào có thể mang ông trở lại. Mọi người trong xóm không ai dám đến nhà hỏi thăm, an ủi vì sợ liên lụy, chuốc họa vào thân. Họ bảo nhau là ông đã bị bà tổ trưởng dân phố tố cáo vì đã nói xấu chế độ. Mỗi khi có người trong xóm đến nhà mua rau cải, bà thường hay kể rằng giấc mơ lớn nhất của vợ chồng bà là dành giụm đủ tiền để dắt nhau về thăm lại bà con, bạn bè, mồ cha, đất tổ,…thăm lại Hà Nội xưa.

Vài năm sau, nhà tôi dọn về Bình Thạnh. Những lần có dịp về thăm lại con phố cũ, tôi thường ái ngại nhìn bà. Bà vẫn ngồi đó, sau song cửa lưới,…đôi mắt thẩn thờ trông về cuối phố…Giấc mơ cùng chồng về thăm lại quê xưa chắc hẳn sẽ không bao giờ có thể trở thành hiện thực.

Lời người viết: Vì tôn trọng sự riêng tư của nạn nhân, tên của người bán rau cải đã được thay bằng một tên khác, mong quý vị tha lỗi.

Tim Pham
@Facebook/TP