Cô Tư Hồng và công ty đầu tiên xứ Bắc Kỳ
Cô Tư Hồng là người Việt đầu tiên mở công ty thầu tại Hà Nội và xứ Bắc Kỳ, cạnh tranh với cả người Pháp lẫn người Hoa.(Ảnh: Kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc)
Năm 1882, thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2, sau đó chiếm toàn bộ thành phố này. Để cai quản, chính quyền Pháp đã cử Bonnal sang làm công sứ Hà Nội. Sau khi ổn định thành phố, Bonnal đã cho quy hoạch khu vực quanh hồ Gươm. Đầu tiên là làm con đường chiến lược từ Khu nhượng địa Đồn Thủy vào thành (nay là phố Tràng Tiền – Tràng Thi), tiếp đó làm đường xung quanh hồ Gươm, xây dựng tòa đốc lý (nay là UBND TP Hà Nội), bưu điện, Bắc Bộ phủ… Các dự án xây dựng béo bở này hoàn toàn rơi vào tay các công ty từ Pháp sang, cùng với các nhà thầu Hoa kiều ở Hà Nội.
Đa đoan
Khi Hà Nội chính thức trở thành thành phố nhượng địa năm 1888, từ kinh tế đến các giao dịch dân sự đều theo luật của Pháp. Việc này mở ra cơ hội làm ăn lớn cho người Pháp và Hoa kiều, vì việc nhập khẩu hàng tiêu dùng và xuất khẩu gạo đều do người Hoa nắm giữ. Công ty Pháp thì thực hiện hầu hết các công trình làm từ tiền ngân sách của chính quyền thuộc địa, một số khác mở nhà máy gạch, thuốc lá, rượu…
Cho đến một ngày cuối năm 1892, có một người đàn bà An Nam đã lên tòa đốc lý xin thành lập Công ty thầu An Nam. Đó là cô Tư Hồng, tên thật là Trần Thị Lan, sinh năm 1868 trong một gia đình nghèo ở Hà Nam. Năm 17 tuổi, cô phổng phao xinh đẹp, đặc biệt là đôi mắt “Nhãn trung hữu thủy”. Cha cô nợ nần lý trưởng chưa trả được nên bị ông này ép gả cô cho hắn. Không chấp nhận phận làm lẽ, cô trốn ra Thành Nam làm thuê và lấy một anh chàng bán bún xáo trâu ngay sát bờ sông Vị Hoàng. Hai người sống với nhau 2 năm nhưng không có con.
Một lần, cô bất ngờ gặp một Hoa kiều ở Hải Phòng tên là Hồng giong thuyền mành về Nam Định thu mua lúa. Hồng phải lòng cô ngay từ lần gặp đầu tiên, ông ta bỏ tiền trả món nợ của cha cô rồi rủ cô trốn ra Hải Phòng. Theo phong tục thời đó, người Việt gọi vợ bằng tên chồng nên người ta gọi cô là thím Hồng. Cuối năm 1890, công việc xuất khẩu gạo của ông Hồng sang Hồng Kông, Thượng Hải thua lỗ khiến ông phải trốn về nước. Thím Hồng mở hiệu buôn bán tạp hóa nhỏ và vô tình gặp cô Ba, có chồng Tây là doanh nhân khi cô này cùng chồng xuống Hải Phòng nhận hàng. Biết hoàn cảnh, cô Ba rủ rê thím Hồng lên Hà Nội. Đến nơi, thím Hồng thuê căn nhà nhỏ để sống. Để giúp thím Hồng có thể giao du với đám bạn Tây, cô Ba đã nhờ người dạy thím tiếng Pháp theo lối truyền khẩu.
Lúc này, ở Hà Nội có rất nhiều phụ nữ lấy chồng Tây, hầu hết là con gái ở các tỉnh có gia cảnh nghèo khó về Hà Nội kiếm sống. Trong buổi dạ hội nhân quốc khánh Pháp 14/7/1892 ở tòa đốc lý, viên quan tư Laglan đã say mê thím Hồng. Laglan là thiếu tá hậu cần của Sở chỉ huy chiến dịch Bắc Kỳ. Sau một thời gian hai người lấy nhau và đám cưới được tổ chức tại câu lạc bộ sỹ quan trong thành. Vì là vợ quan tư nên những người quen biết gọi là cô Tư Hồng. Đây chính là thời điểm cô Tư Hồng bắt đầu làm quen với thương trường.
Công ty đầu tiên của người Việt
Thời điểm này, nhà thầu cung cấp thực phẩm cho các đơn vị quân đội Pháp đóng trên đất Bắc Kỳ phần lớn là Hoa kiều. Biết chồng có tiếng nói quan trọng trong đấu thầu thực phẩm cho quân đội, Tư Hồng quyết định thành lập công ty do chính cô làm giám đốc. Ngay sau khi công ty ra đời, nhờ tác động của chồng, cô đã trúng thầu dự án cung cấp thực phẩm cho một đơn vị quân Pháp đóng ở Phúc Yên. Tuy nhiên, cô chỉ thực sự nổi tiếng khắp Bắc Kỳ và xứ An Nam khi trúng thầu dự án lớn: phá tường thành Hà Nội. Do hoàn cảnh lịch sử, sau khi đánh bại quân Tây Sơn năm 1802, Nguyễn Ánh quyết định dời kinh đô vào Huế, hạ cấp Thăng Long xuống Bắc Thành (tức thành ở phía Bắc), rồi sai phá thành nhà Lê để xây lại với diện tích nhỏ hơn. Thành mới hình vuông mỗi chiều dài hơn cây số. Lấy lý do cần thêm đất để mở mang phía Tây thành phố, chính quyền thuộc địa mà đại diện là Toàn quyền Đông Dương Lanessan đã ký với Công ty Bazin của Pháp hợp đồng cho phép Bazin được nhận 60.000 đồng và 90 ha đất để thực hiện dự án này
Nhưng Bazin không đứng ra làm mà bán lại gói thầu. Tham gia đấu thầu có 2 công ty của Pháp, 2 công ty của Hoa kiều và duy nhất một công ty Việt Nam là công ty của cô Tư Hồng. Biết mình vốn ít, thiết bị máy móc không có gì, nhưng cô nghĩ đến nguồn nhân công giá rẻ là những người nông dân, cùng với số gạch đá cũ của thành đem bán cũng mang lại số tiền rất lớn. Cô quyết định bỏ thầu thấp nhất và thắng thầu. Để có đủ nhân công, cô về Hà Nam thuê nông dân và thưởng tiền cho bất cứ ai giới thiệu từ 10 phu trở lên. Muốn giảm chi phí, cô trực tiếp vào tận làng rèn Hòe Thị (xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) đặt làm búa chim và xà beng. Cô thuê ông Nguyễn Quang Minh, lúc ấy có chân trong Hội đồng thành phố làm xe cút kít, thuê một thanh niên khi đó mới 20 tuổi là Bạch Thái Bưởi (ông sinh năm 1874, sau này trở thành nhà tư sản lớn kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường sông – NV) dựng lán trại cho phu ở, từ đó có thể kiểm soát an ninh, dịch bệnh.
Giám đốc Tư Hồng chia phu thành từng nhóm, mỗi nhóm 12 người do 1 người phụ trách và 4 nhóm hợp thành một đội. Cô chọn người ăn to nói lớn làm đội trưởng. Công việc giao cho đội trưởng và đội trưởng giao việc cho các nhóm. Nhờ biết cách tổ chức khoa học, có lúc công trường của Công ty thầu An Nam có tới gần 1.000 người lao động, nhưng công việc vẫn trôi chảy. Khởi công từ năm 1894, nhưng chỉ hơn 2 năm sau dự án của Tư Hồng đã hoàn thành công việc, sớm hơn thời hạn gần 6 tháng.
Số vật liệu cũ cô dùng để xây ngôi biệt thự bề thế ở làng Hội Vũ (nay là ngõ Hội Vũ), xây dãy nhà đầu phố Quán Sứ, Hàng Da, Cửa Đông cho thuê. Đầu thế kỷ XX, doanh nhân Tư Hồng tham gia kinh doanh vận tải đường sông, biển, trên tàu trừ lái tàu và xúc than là đàn ông, còn lại toàn thủy thủ nữ. Vừa cung cấp thực phẩm cho quân đội, cô còn cung cấp thức ăn cho các nhà tù ở Bắc Kỳ. Thành công vang dội trong kinh doanh, nhưng đời tư cô Tư Hồng lại bất hạnh, trải qua nhiều đời chồng nhưng không có con. Âu cũng là số phận của một người phụ nữ nổi tiếng xứ Bắc Kỳ xưa.
Nguyễn Ngọc Tiến