Wednesday, February 25, 2009

Cổ Bồn Ca


Thi sĩ Vũ Hoàng Chương
(1916-1976)sinh thời lúc 25 tuổi, thất tình nên có viết bài thơ Mười Hai Tháng Sáu,trong đó có các câu :

Ta gõ vào bia mười ngón rập,
Mười năm theo máu hận trào rơi.
Học làm Trang Tử thêu cơ nghiệp,
Khúc Cổ Bồn Ca gõ hát chơi.

Một trong những nhà soạn tuồng cải lương đầu tiên của nước ta, ông Trương Duy Toản (1885–1957) cũng có viết tuồng Cổ Bồn Ca năm 1917.Và Cổ Bồn Ca là bài gõ chậu mà ca, mà trong các tài liệu, có ghi tác giả là Trang Tử.Có thật thế không?

Trang Tử (365-290 BC)tên thật là Trang Chu, người đất Mông(tỉnh Hà Nam-Trung Quốc)nước Tống,sống ở thời Chiến Quốc, cùng thời với Mạnh Tử và Huệ Thi, thời kỳ đỉnh cao của các tư tưởng triết học Trung Quốc với Bách gia chư tử. Sử ký Tư Mã Thiên viết “ông có làm quan ở Tất Viên một thời, về sau sống ẩn dật ở vùng núi Nam Hoa cho đến cuối đời và tại đây, Trang Tử viết Nam Hoa Kinh,gồm hơn mười ngàn chữ”, nhằm xiển minh thêm những tư tưởng về Đạo (đức,vô thường,vô danh,vô vi)của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh, thiết lập nên tư tưởng Lão-Trang.

Theo sách Hán thư Nghệ Văn Chí,Nam Hoa Kinh buổi đầu gồm 52 thiên, bản hiện tại chỉ gồm 33 thiên,do Quách Tượng chú giải, gồm:

-Nội thiên(7 thiên): Tiêu diêu du,Tề vật luận,Dưỡng sanh chủ, Nhân gian thế, Đức sung phù, Đại tôn sư, Ứng đế vương.

-Ngoại thiên(15 thiên):Biền mẫu, Mã đề, Khứ cự,Tại hựu, Thiên địa, Thiên đạo,Thiên vận, Khắc ý,Thiện tánh,Thu thủy, Chí lạc, Đạt sinh, Sơn mộc,Điền tử phương, Trí bắc du.

-Tạp thiên(11 thiên):Canh tang sở, Từ vô quỷ, Tắc dương, Ngoại vật,Ngụ ngôn, Nhượng vương, Đạo chích, Duyệt kiếm, Ngư phụ, Liệt ngự khẩu, Thiên hạ.

Đời sau, khi xét Nam Hoa Kinh, tất cả đều cho rằng, chỉ có Nội Thiên là căn bản tư tưởng triết học yếu trọng do Trang Tử viết vì lời văn bóng bẩy, ý tưởng cao xa, còn Ngoại thiên và Tạp thiên thì chỉ quảng diễn lại những vấn đề đã được đề cập trong Nội thiên, mà văn chương lại thô thiển,vụng về và bác tạp, lại công kích Khổng Tử, nên có nghi vấn là không chắc đã do Trang Tử đã viết.

Ngoại trừ các câu chuyện được chép rõ ở trong Nam Hoa Kinh như:

Thiên Thu Thủy, đối thoại” ông không phải là cá, sao biết cá vui” giữa Huệ Thi và Trang Tử khi ngồi trên cầu sông Hào.

Thiên Tề Vật Luận,”Trang Chu mộng hóa thành bướm”nói lên cái mộng và thực, cái vi diệu của vật hóa trong vũ trụ, cái vô thường, vô vi trong đời sống và nguồn khởi dẫn của Đạo .

Những tư tưởng này, đã ảnh hưởng rộng lớn về sau trong thi ca Trung Quốc, ví như với Lý Bạch, trong bài Nguyệt hạ độc chước, với “đối ảnh thành tam nhân”hay Lý Thương Ẩn trong bài Cầm sắt:”Trang Chu hiểu mộng mê hồ điệp” hoặc tại Nhật Bản với Matsuo Basho trong bài haiku:” Em là bướm ư.Ta là giấc mộng.Trong hồn Trang Chu.”

Thiên Chí Lạc,viết :

”Vợ Trang Tử mất, Huệ Thi đến điếu, thấy Trang Tử ngồi duỗi xoác hai chân vừa gõ bồn vừa ca.Huệ Tử hỏi:

-Cùng người ở tới già, có con lớn mà người chết lại không khóc, cũng là đã quá lắm rồi ! Lại còn vỗ bồn mà ca, không quá lắm sao?

Trang Tử đáp:

-Không! Lúc nàng mới chết, tôi sao chẳng động lòng,nhưng nghỉ lại,hồi trước nàng vốn không sinh, chẳng những không sinh mà đó lại vốn không hình, chẳng những không hình mà đó vốn là không khí. Đó chẳng qua là tạp chất trong hư không biến ra mà có khí, khí biến ra mà có hình, hình biến ra mà có sinh, rồi lại biến ra nữa mà có tử.Khí,hình,sinh,tử,có khác nào xuân,hạ,thu,đông,bốn mùa vận hành.Vã lại,người ta đã nghỉ yên nơi Cự thất(nhà Lớn),mà tôi còn cứ than khóc, chẳng là tự tôi không thông Mệnh ư, nên tôi không khóc.”

Từ chuyện Trang Tử gõ bồn khóc vợ trên, sách Kim Cổ Kỳ Quan ,của Ung Bảo lão nhân(Yong Bao lao ren) viết khoảng cuối đời Minh, thời vua Minh Tư Tông, hiệu Sùng Trinh(1628-1644) được ông Phan Hồng Trung dịch và xuất bản tại Saigon năm 1959, tập sách này viết nhiều truyện cổ Trung quốc. Riêng về chuyện Trang Tử, được tóm lược như sau:

Trang Tử đi chơi núi, giữa đường gặp người đàn bà đang ngồi quạt mồ,thấy lạ bèn hỏi lý do.Người đàn bà đáp:

-Người chồng xấu số của thiếp vừa mất hôm qua và chôn tại đây.Lúc còn sống,vợ chồng yêu thương nhau, chết cũng không nỡ rời nhau.Chồng thiếp có dặn, nếu có tái giá, thì cũng chờ nấm mồ khô đã, rồi mới đi lấy người khác.Thiếp nghỉ, đất mới đắp, làm sao khô được, nên phải ngồi quạt cho mau khô vậy.

Trang Tử nói:

-Muốn quat cho mau khô, cũng dễ thôi, hiểm vì tay nàng yếu, nên quạt lâu khô đó thôi.Thôi để ta quạt hộ cho.

Trang Tử ngầm làm phép thuật, quạt mấy cái liền, nấm mồ bốc hết hơi nước và trở nên khô ráo.Thiếu phụ tươi cười nói:

- Cảm tạ quan nhân vất vả.

Nói rồi bèn gỡ chiếc thoa bạc cài tóc, cùng cái quạt tặng Trang Tử.Trang Tử chỉ nhận chiếc quạt.Thiếu phụ hớn hở ra về.

Về nhà,Trang Tử kể chuyện trên cho vợ là Điền Thị nghe và đưa chiếc quat cho Điền Thị xem. Điền Thị xé chiếc quạt và nguyền rủa người đàn bà quạt mồ thậm tệ.

Mấy hôm sau, Trang Tử dã chết để thử vợ. Và quả nhiên, Điền Thị đã phải lòng đứa học trò trẻ đẹp của chồng đến phúng điếu thầy. Đêm trước hợp cẩn, đứa học trò bỗng ôm bụng rên la. Gia nhân đi theo nói :

- Chỉ có óc người sống, uống mới hết bệnh.

Điền Thị nói:

-Óc người mới chết, có được không?

Gia nhân nói:

-Nếu chết chưa quá 100 ngày thì được.

Điền Thị vác búa, lui hậu liêu nơi còn quàng linh cữu Trang Tử. Điền Thị bổ mấy nhát, nắp quan tài bật ra…Trang Tử ngồi dậy.

Điền Thị khiếp sợ, té ngữa và bất tỉnh. Sau đó, vì xấu hổ, nên thắt cổ quyên sinh.

Vợ mất. Trang Tử buồn và lấy chậu ra ngồi gõ hát bài dưới đây. Sau đó mai táng vợ, đốt nhà và đi vào ngõ núi Nam Hoa.

鼓 盆 歌

堪 嗟 浮 世 事
有 如 花 開 謝
妻 死 我 必 埋
我 死 妻 必 嫁

我 若 先 死 時
一 場 大 笑 話
田 被 他 人 耕
馬 被 他 人 跨
妻 被 他 人 戀
子 被 他 人 罵

以 訾 董 常 情
相 堪 淚 不 下
世 人 笑 我 不 悲 傷
我 笑 世 人 空 斷 腸
世 事 若 完 哭 得 轉
我 亦 傷 愁 淚 萬 行

莊 子


CỖ BỒN CA

Kham ta phù thế sự
Hữu như hoa khai tạ
Thê tử ngã tất mai
Ngã tử thê tất giá .

Ngã nhược tiên tử thời
Nhất trường đại tiếu thoại
Điền bị tha nhân canh
Mã bị tha nhân khóa
Thê bị tha nhân luyến
Tử bị tha nhân mạ.

Dĩ tử đổng thường tình
Tương khan lệ bất hạ
Thế nhân tiếu ngã bất bi thương
Ngã tiếu thế nhân không đoạn trường
Thế sự nhược hoàn khốc đắc chuyển
Ngã diệc thương sầu lệ vạn hàng.

TRANG TỬ

BÀI HÁT CỖ BỒN

Ôi cuộc đời nổi trôi
Khác nào hoa nở,rụng
Vợ chết trước ta lo mai táng
Ta chết vợ sang ngang.

Ví bằng ta chết trước
Thật một trường đại hài hước
Ruộng ta người sẽ cày
Ngựa ta người sẽ cỡi
Vợ ta người sẽ thương
Con ta người mắng chửi .

Tình thế là như vậy
Nếu lệ ta chẳng rơi
Thế gian cười tớ vô tình
Tớ cười thiên hạ như bình lệ chan
Khóc mà đổi được tuần hoàn
Thì ta đã khóc muôn ngàn năm nay.

VÕ TƯ NHƯỢNG dịch
 
Đây chỉ là một dã thi(chronicle poem ),lấy sự kiện thực trong thiên Chí Lạc của Nam Hoa Kinh, khi nói về Huệ Tử,tướng quốc nước Lương, đến chia buồn cùng Trang Tử, nhân vợ chết như đã nói trên, và bài Cổ Bồn Ca này, hoặc đã có từ trước thời Minh mạt trong nhân gian,rồi Ung Bảo lão nhân đưa vào sách Kim Cổ Kỳ Quan,hoặc chính Ung Bảo viết.Cả hai đều không rõ. Nhưng xét về tư tưởng triết học huyền diệu và cao siêu mà Trang Tử đã viết trong Nam Hoa Kinh, đặc biệt ở Nội Thiên, thì ý tưởng và văn cách trong bài Cổ Bồn Ca này, chắc rằng không phải là của Trang Tử vậy.

Truyền thuyết viết rằng Trang Tử có 3 bà vợ: bà vợ đầu mất sớm, bà thứ hai thất lễ,được cho về, và bà sau cùng là Điền Thị. Điền Thị là con gái vua nước Tề, nhân khi Trang Tử qua Tề chơi, được nhà vua quý trọng và gã con gái cho.

Bản dịch bài thơ Cổ Bồn Ca trên của Bác sĩ Võ Tư Nhượng,được trích từ Đặc San Phật Đản 2541,trang 21,do Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam tại Nam California, Mỹ quốc ấn hành năm 1997.

Trương Thúy Hậu 
April,2001