Saturday, February 21, 2009

CON GÀ TRỐNG CÔ ĐƠN


Hoài đột ngột thức giấc bởi tiếng gà gáy sáng, chàng giơ tay xem đồng hồ, mới gần 4 giờ. Mấy năm không hề nghe tiếng gà gáy, chàng đã quen tự thức giấc theo giờ đã định. Hôm qua dọn tới nhà mới, chàng có thấy con gà trống quanh quẩn dưới giàn nho, nhưng bận bịu dọn dẹp đồ đạc, không mấy để ý, không ngờ chính nó làm phiền chàng sáng nay. Sửa soạn đi làm thì sớm quá, ngủ lại thì không được, Hoài đành trỗi dậy định ra nhà bếp pha café, cũng là lúc Thương, vợ chàng, vừa ngáp vừa nói nhỏ:

- Anh không ngủ thêm? - Chịu thôi, con gà mắc dịch – em cũng bị nó đánh thức à, hay do anh trở mình? Hoài hỏi vợ. - Cả hai – Mà thôi, anh rán ngủ thêm đi, còn sớm. Thương nhỏ nhẹ.

Hoài lưỡng lự một lát rồi nói: - Thôi, anh đi pha café uống chờ sáng vậy, em muốn thức với anh tới sáng không? - Muốn . Nhưng anh đi nhè nhẹ để cho tụi nhỏ nó ngủ.

- Được thôi. Nói rồi Hoài ra nhà bếp bật đèn, loay hoay pha café. Dưới ánh đèn lờ mờ từ ngoài đường hắt vào, Hoài có thể thấy con gà trống đậu gần bờ rào dưới giàn nho. Tự dưng chợt liên tưởng tới chuyện "Ngàn Lẽ Một Đêm”, khi con gà chê ông chủ nhà ngu, không biết dạy vợ, chàng mĩm cười một mình. Mới hôm nào đây cư sĩ Vô Lai nói với chàng, trong tất cả mọi sự tranh chấp, thì sự tranh chấp giữa âm và dương mà tượng trưng nhất là giữa con trống và con mái, có tính cách quyết liệt hơn cả, con trống là Hùng, con mái là Thư, từ đó ta nói quyết một trận thư hùng, hoặc một trận sống mái…

Pha café xong, Hoài bưng vào phòng ngủ. Thương dáng nằm nghiêng, tóc xõa đầy mặt gối, thấy chồng vào, quay lại hỏi :

- Anh còn thấy con gà không?
- Còn.

- Anh định làm gì nó?

- Dễ thôi, bỏ nó ra ngoài lộ, muốn đi đâu nó đi.

- Tội nghiệp nó, hay để nuôi đi anh, em sẽ mua cho nó vài con gà mái.

- Không được đâu, em thấy mình bị mất ngủ rồi chứ. Anh không hiểu người chủ cũ sao chỉ nuôi có một con gà trống duy nhất trong khu vườn rộng như vậy.

- Em nghĩ là ổng bán hết trước khi dọn đi, còn con này bị sót lại.

- Chứ không phải ổng bắt ăn thịt dần, con này chưa bắt kịp…

- Anh nói hay nhỉ, ở đây ai mà làm thịt gà.

- Sao lại không, nông trại ở Mỹ người ta còn làm thịt cả dê, trừu thấm tháp gì mấy con gà!

- Hồi còn ở bên nhà, em nghe nói bên Mỹ người ta không ăn thịt gà làm tại nhà, sợ bị nhiễm bệnh, chỉ mua thịt ở các siêu thị thôi. Làm gà bỏ lông đâu đó còn bị phạt nữa.

- À, vệ sinh là chuyện khác.

Hoài nhấp một ngụm café định nói thêm thì Thương chợt cắt ngang:

- Thế sao anh không làm thịt nó?

- Không, đơn giản là anh không muốn ăn thịt gà công nghiệp, gà thả bên mình ngon hơn nhiều. - Chắc tại anh có tính hoài cổ nên…

- Sao em không nói là anh bảo thủ luôn đi !

- Lại sắp giận rồi chứ gì, em chỉ muốn nói…

- Thôi đừng nói chuyện đó nữa. Hoài đưa tay ngăn vợ . Làm sao anh có thể nói hết cho em nghe những điều yêu điều ghét của anh, bởi chính anh cũng còn bị mâu thuẫn nũa mà! Hoài cổ cũng có, bảo thủ cũng có. Anh thấy anh như cái cây bị nhổ lên trồng lại, chùm rễ một số ít đâm ra hút nước, tạo nhựa nuôi cây, nhưng đa số đều có chiều hướng quay vào, co lại, có lẽ cần thời gian khá lâu mới cây này mới xanh tốt trở lại.

- Toàn bộ rể cây không hút nước thì cây khó xanh lại quá, ngày càng héo tàn thì có. Thương chen vào

- Ý anh muốn nói là xã hội ảnh hưởng con người, cũng như cách nuôi làm thay đổi con gà

- Hoài tiếp - Cách nuôi công nghiệp đã làm con gà trống mất nhiều khả năng bẩm sinh. Em hãy tưởng tượng chú Cồ dẫn một đàn dăm bảy ả gà mái kiếm ăn trong vườn, được con dế, con mồi béo bở thì Cồ túc túc liên hồi gọi ả gà mái lại cùng ăn, thật là tình! Thỉnh thoảng Cồ ta lại nhảy lên bờ rào gáy vang một hồi ra chiều ta đây vua một cõi, dương oai tình địch đâu đó hãy tránh xa vườn ngự uyển này kẻo một trận thư hùng sẽ xẩy ra. Với cặp mắt tròn ve nhỏ xíu nhưng rất tinh anh, Cồ còn nhiệm vụ canh chừng diều quạ từ trên cao xuống bắt gà con. Hễ nghe Cồ oác lên tiếng báo động, ngay lập tức đàn gà con lủi ngay vào ẩn dưới cánh gà mẹ hoặc bụi bờ gần nhất, có con mới mấy ngày tuổi chạy không kịp cũng biết giả chết nằm ẹp tại chỗ, trông thật buồn cười và tội nghiệp. Hiểm nguy qua đi, họ hàng nhà gà lại nhởn nhơ, thanh bình kiếm ăn trong vườn, Cồ ta lại có đất dụng võ, thi triển được hết khả năng thiên phú. Đâu có như gà công nghiệp, ăn toàn thức ăn biến chế, lớn nhanh như thổi nhưng chạy không nhanh, đứng không vững, mất khả năng dẫn mái, đấu đá…

- Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, anh ạ, ông cha mình đã nói như vậy rồi, gà ở đây khác, người ở đây cũng khác, anh khéo liệu mà thay đổi cách sống đó – Thương, thừa gió bẻ măng.

Hoài thấy vợ vẫn không muốn hiểu mình nói gì, bởi nàng chỉ muốn chàng như cục bột để nàng nhào nặn, bèn nói :
- Anh đã mất hơn là đã thay đổi. Em nhớ đi, bên nhà, anh thực sự là chủ một gia đình. - Ai truất quyền ấy của anh đâu nào.

Khoan, để anh nói đã – Hoài đưa tay ngăn vợ - Bên nhà mọi thứ anh lo toan hết, em lo việc nhà và nuôi dạy con cái. Anh chỉ tìm thấy hạnh phúc an bình trong cái trật tự ấy. Duy một điều anh không bằng lòng em là sanh con không cho con bú, bởi anh nghĩ mẹ không cho con bú là chưa làm tròn một trách nhiệm thiêng liêng, còn ích kỷ. Sở dĩ cái cây nẩy nầm lớn lên được là nhờ cái hạt tiêu huỷ biến thành, và nữa, biết đâu do không cho con bú mà người Âu, Mỹ bị ung thư vú nhiều, có thể sữa bị ứ đọng đâu đó trong bầu vú không thoát ra ngoài đươc gây nên, chứ hồi ông bà mình tới giờ, có ai nói ung thư vú đâu !

- Anh nói cái hạt tiêu hao đi để cây con nẩy mầm sinh trưởng thì em đồng ý, chứ nói không cho con bú là ích kỷ thì em không chịu đâu. Một cái hạt nẩy sinh được một cây con, chứ người mẹ sinh đứa này đứa khác, cho bú mau già lắm anh ơi, thẩm mỹ mà anh ! Phải tươi trẻ chứ! Cho bú cái núm vú nó phồng lên như trái cau khô, coi sao được! Ai chẳng muốn trẻ mãi không già, phải không? Bù lại cho em đã có khoa học tiến bộ, các loại thuốc, các loại sữa, chúng cũng khoẻ mạnh kém gì trẻ bú sữa mẹ. Một đằng vợ tươi trẻ, một đằng với vài ba đứa con, vợ đã hom hem, anh chọn đằng nào ?

Bất ngờ bị vợ phản công, Hoài đâm lúng túng, đáp gọn :

- Tươi trẻ là dĩ nhiên rồi. - Vậy từ nay không nhắc chuyện cũ nữa nghe – Thương vừa cười vừa nói - Thời khoa học tiến bộ, mình phải ứng dụng những cái hay cái mới phục vụ con người, chậm chạp như anh là thua luôn !

- Ứng dụng đúng thì tốt thôi, chỉ sợ cái hay khó theo, mà cái dở dễ nhiễm – Hoài vớt vát - Hoặc chưa biết hay dở cũng hùa theo, như em nhớ vụ bơm vú bằng chất silicon không, khối người bị ung thư, tới nay hãng sản xuất phải đền tới 5 tỉ đô la cho các nạn nhân. Và cũng từ đặc tính chuộng mốt thời thượng mà anh rút ra được kết luận là đàn bà dễ thích ứng cái mới, xã hội mới hơn đàn ông. - Chưa chắc à nghe.

- Sao không chắc, này nhé, hồi còn nhỏ em đã từng nghe những tiếng như lấy chồng, về nhà chồng chứ gì ? Thì đấy chính là em đã được sửa soạn để thay đổi, để hội nhập. Từ khi có trí khôn, cô đã lờ mờ rằng sẽ phải lìa bỏ cha mẹ, anh em để về nhà chồng, trong thời gian chờ đợi đó, cô phải trau dồi công dung ngôn hạnh, sẵn sàng để về, có khi phải liều lĩnh để về một nơi xa lạ, vậy nên cái tinh thần hội nhập đã có sẵn trong huyết quản cô, kịp lúc di tản chiến thuật, lìa bỏ quê cha đất tổ, về Tân thế giới, cô sống trong xã hội này dễ dàng, phần được luật pháp bảo vệ, phần được nâng lên lady first, cô tự coi không những ngang hàng với chồng về mọi mặt, mà còn lấn lướt chồng…

- Anh cứ nói thêm cho em không hà !

- Chẳng dám nói thêm đâu, chứ không phải đã có lần em đòi ly dị nếu anh không đậu được cái bằng y tá chích dạo như ở bên nhà à? Bên mình chỉ có đàn ông để vợ, chứ đàn bà có ai để chồng, cụ thể là người ta thường nói : đàn bà goá, chứ ai nói đàn ông goá đâu, hoặc tiếng quan phu, thì càng xa lạ hơn hơn. Chồng kiếm không ra, có đâu mà để !

- Anh làm như đàn ông bên mình quý, hiếm lắm đấy.

- Chứ sao, còn dược gọi là đức ông chồng, đức lang quân cơ đấy.

- Đã rõ là anh hoài cổ chưa, anh tiếc nuối cái dĩ vãng ấy, có nghề chích dạo, nuôi vợ con, sang đây…

- Không phải anh tiếc nuối, mà chỉ nhắc nhở em rằng anh cưới em về sống với nhau trong sự bảo bọc của anh.

- Thì cũng là cảnh chồng chúa vợ tôi thôi, em mừng là đã thoát được cái quãng đời như nô lệ đó. Thời ấy, em không ra ngoài đời tranh đua kiếm tiền, nhưng cũng bận rộn từ sáng tới khuya. - Bởi thế mới có câu : Của chồng công vợ, em nghĩ chồng chúa vợ tôi không đúng đâu, mà do tổ chức xã hội từ lâu như vậy. Người mình vẫn gọi vợ là nội tướng, là nhà tôi, vẫn tương kính như tân. - Xí, đến đấy mà tương kính như tân, chưa cưới được vợ thì đi mòn đường chết cỏ, cưới được vợ thì bỏ lững bỏ lơ, chưa kể quên luôn nhà ông bà ngoại sắp nhỏ quay về hướng nào!

- Em làm như anh tệ lắm vậy đó. Cái nóng bỏng thưở ban đầu ai giữ mãi được. Em không nghe người ta nói, trâu bò sống với nhau lâu, thương nhau hơn, hoặc một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ, chứ người ta sống với nhau lâu, sinh ghét nhau. Em với anh còn sống với nhau được, là nhờ yếu tố tình nghĩa, phong tục tập quán xã hội luân lý đạo đức, chứ cái tánh đỏng đảnh của em dễ xa nhau quá !

- Xa cũng được, ly cũng được, mà tách cũng được, sợ gì ai. Ăn có thưở, ở có thời, xưa khác, nay khác. Anh mà không lột xác thì rồi cũng có ngày… Bên mình, khi ván đã đóng thuyền, người ta sợ lìa bỏ chồng con, sẽ bị xã hội lên án: Đồ trắc nết. Phần sợ kinh tế khó khăn, đàn ông thì vì: chữ trinh đáng giá ngàn vàng, ít ai muốn second-hand, chứ bên Mỹ này, ấy à: mười hai bến nước, trong nhờ, đục chạy. Anh đừng có hăm doạ. Em còn nhẫn nhịn tới nay là còn sợ cảnh vỡ đàn tan nghé, con cái hư hỏng đấy thôi, chứ không phải đồ bỏ đâu à nha.

- Ra là em phải chịu đựng anh nhiều thế à,nào, những gì nói anh nghe thử.

- Nhiều lắm, anh không thấy là vì anh chủ quan đấy thôi, em đã nói là anh cần phải lột xác đi.

- Có lột thì cũng phải từ từ chứ, đâu phải muốn là được ngay. Anh đây này, thịt xương hầm muối mặn biển Đông, ăn lúa đồng sông Cửu, trái cây sông Hậu, uống nước ngọt Đồng nai, tai quen nghe dân ca, tục ngữ, Vân Kiều, hồn chất chứa ân oán núi sông, một thất phu vong quốc, nay một bước lánh nạn quê người, lòng những mong có ngày quay về đất tổ, thì thôi không dễ một sáng một chiều thay đổi được đâu.. Vả, anh còn xét lại có nên thay đổi hay không, bởi anh nghĩ, chính xã hội này rồi sẽ phải khác đi. Nó còn non trẻ, chưa đủ chu kỳ để thấy những lệch lạc của xã hội bốn, năm ngàn năm văn hiến đã được bổ khuyết. Tới một thời điểm nào, người ta thấy phải trả lại cho cha mẹ quyền xử phạt của phương Đông để tránh hậu quả là con cái quá hư hỏng, đến độ chỉ còn cho nó ăn đạn hoặc trấn nước là biện pháp cuối, bởi cây tre không uốn khi còn măng sữa. Cũng cùng chung lẽ ấy,vợ chồng thì vui ở buồn đi, thảng hoặc có gặp tình địch cũng nhịn mà chào nó, vì cái nhân quyền mà luật pháp cấm làm dữ, hành hung. Em biết không, luật pháp của mình trước đây, sẽ tha bổng người chồng giết chết gian phu tại nhà y, bởi suy luận là khi bắt gặp cảnh ấy, người chồng quá tức giận.

- Luật xưa rồi và dã man quá anh ơi, không ai được giết người hoặc kết tội người khác, trước toà án, vả lại, luật là phải bảo vệ kẻ yếu, như đàn bà con nít…

- Đàn bà con nít ở đây chẳng yếu chút nào, mà ngày càng mạnh lên; cứ cái đà này, một ngày kia phải có luật đăc biệt bảo vệ đàn ông, bởi có một số đã thoái hoá, nhu nhược, mất bản chất đàn ông, vì bị đàn bà, con nít chèn ép quá, gần giống như loại gà trống công nghiệp vậy; ấy cũng đúng luật tự nhiên, bộ phận hoặc chức năng nào trong con người, không hoặc ít dùng, sẽ bị thui chột đi.

Khoảng một tháng sau cái đêm thức giấc bất ngờ do tiếng gà gáy ấy, vào một buổi chiều hoàng hôn dịu mát, Hoài lái xe về phía Los Angeles, chợt thấy một con gà trống giống như con gà nhà chàng - bởi cũng sau hôm ấy, con gà tự nhiên biến mất – đang loay hoay tìm cách bay lên một cành thấp bên cạnh xa lộ để ngủ, Hoài cho xe lại gần rồi ngừng quan sát một lát. Trong cái vắng vẻ của đất trồng nông nghiệp mênh mông, chú gà trông cô đơn làm sao! Hoài tự hỏi hay là gà nhà mình, có thể lắm, mới có cách nhà có 3 miles, tội nghiệp chưa, ăn bờ ngủ bụi cả tháng nay, không bạn không bè không vợ không con, một mình dấn thân trên con đường vô định… À, mi là gà thả chứ không phải là gà công nghiệp như ta tưởng, mi biết gáy to và có lẽ đấu đá hay… à à, ở một vài khía cạnh nào đó ta còn thua mi xa, Hoài trầm ngâm thêm giây lát rồi lên xe rồ máy chạy tiếp; nhớ lại cái đêm nói qua nói lại với vợ, lòng bỗng thấy trống trải, cô đơn.


Nguyễn Hữu Quý

Los Angeles ,1996.