"Quả là đời nay không có người tài ư? Hay là vì phép thuyên tuyển trong muôn phần còn có một phần chưa thật tiện?" - Nguyễn Khuyến luận giải vấn đề lựa chọn người tốt trong kỳ thi Đình năm Tân Mùi (1871).
Khoa thi Đình năm Tân Mùi (1871), Nguyễn Khuyến đỗ Hoàng Giáp Đình Nguyên. Bài thi của ông với những luận giải và tư tưởng hết sức sắc sảo và uyên thâm.
Đề bài:
"Trẫm thường đọc sách Luận Ngữ đến chỗ Tử Cống hỏi về chính sự, Khổng Tử nói rằng: "Đủ lương thực, đủ binh lính, dân tin theo vậy". Nhân nghĩ công việc hiện nay, không gì quan trọng hơn điều đó, mà muốn thực hiện được điều đó thì sự lựa chọn người tốt lại là quan trọng hơn cả.
Trẫm từng đêm ngày lo nghĩ mà vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Đông đảo kẻ sỹ các ngươi lúc mới xuất thân ắt hẳn có sở học kinh bang tế thế. Vậy thì những loại việc thiết thực như vậy, suy từ cổ cho đến kim, nghĩ thế nào, làm thế nào để có công hiệu, hãy nói hết với Trẫm.
Các ngươi chớ lặp lại người khác, chớ bàn phù phiếm, Trẫm cũng bất tất phải hỏi nhiều để các ngươi có thì giờ rộng rãi, nói được hết ý nghĩa, xứng với ý muốn của Trẫm.
Bài làm:
Thần trộm nghĩ rằng, binh lính và lương thực là chính sự lớn lao của nước nhà, con người là chỗ dựa để chính sự được thi hành. Chính sự của đời xưa ban đầu có thành công, cuối cùng sinh tệ hại, dù ở đời đế vương nào cũng không thể tránh khỏi. Điều đó đâu phải là tệ hại của chính sự mà là tệ hại do con người làm nên vậy..... .....
Cũng vì thế mà Bệ hạ không lo về điều binh lương mà chỉ lo về việc không chọn được người giỏi. Thực lòng Bệ hạ cũng cho rằng của chưa giàu, quân chưa mạnh, tệ đoan không chỉ có một mà nguyên nhân gây nên tệ không phải mới có một ngày. Triều đình cần tiền, có thuế ruộng đất, có thuế khe đầm, có thuế các hộ muối, gỗ, có thuế các lò vàng, bạc, số thu nhập đã có nếp thường.
Gần đây việc quân phí hơi rộng nên phải đạt sở hình chuẩn (1), phải mở đồn điền, phải thi hành lệnh quyên, chuộc (2) mà của dùng chưa thấy dồi dào. Phải chăng là của cải quá nhiều không đủ, hay là có duyên cớ nào khác?
Xét ra là vì tập tục xóm làng xa xỉ, đồ dùng ăn mặc xa hoa, đó là "cái chén thủng đáy" vậy. Chốn đồng điền nhiều con em chơi bời, lười nhác. Nơi tổng xã có cường hào sâu mọt đục khoét. Nhà giầu đặt nợ lãi để kiếm cách bao chiếm. Con buôn nắm giữ giá cả để chẹt lấy lợi to. Đó là nguồn gốc của sự thiếu thốn vậy.
Thêm vào đó là trong thì Bộ, Viện, Tự Các (3) ngoài thì tỉnh, phủ, châu, huyện đã có các chức ti chủ, kinh, thông, lại mục, lại có thư lại chính ngạch, thư lại tạm tuyển. Trông coi việc thu thuế dân đã có các chức đổng lý, giám chủ, lại có các lại ở hiện trường. Trong một năm thu vào là bao nhiêu, xuất ra là bao nhiêu? Đem số thuế khóa rất hẹp hòi mà cung đốn cho bọn nhân viên rất phiền nhũng thì của cải làm sao mà không hao tán.
Nhiều lần Triều đình đã sức phải gộp người lại hoặc bớt người đi, nhưng bọn quan lại lạm ngạch kia cứ châm chước cầu xin, mà bọn cường hào quen thói cũng không muốn thay đổi khó khăn. Chúng tập hợp nhau lại để cố nài xin, việc ấy rút cục phải nửa chừng đình chỉ. Xét ra bọn thư lại trông coi chẳng qua chỉ là sổ sách, văn án, tư trát mà thôi, công việc nào có bao lăm, suốt năm ngồi trơ, lo mưu béo thân, không thể không nhiễu hại dân.
Dân bị chúng nhiễu hại thì người thích chuộc tội cũng không dám chuộc, người thích quyên tiền cũng không dám quyên. Như vụ án tên huyện lại Phù Cát thì đủ biết. Như vậy chẳng những hư phí bổng lộc mà con đường sinh ra của cải cũng bị lấp nghẽn vậy.
Thần xin rằng, từ nay những việc như tập tục xa xỉ, ăn mặc xa hoa, con em lười nhác, hào cường bóc lột v.. v.. nhất thiết đều cấm hết mà cấm một cách dứt khoát. Ở các nha môn, trong kinh, ngoài tỉnh tùy chỗ nhiều việc, chỗ ít việc, hoặc chỉ để năm, sáu người hoặc chỉ để một, hai người; hoặc hai huyện gộp thành một huyện, hoặc ba huyện gộp làm hai huyện, cùng với bọn cai lại ở hiện trường, nhất thiết bớt đi mà bớt đi một cách dứt khoát...
Mặt thủy đạo quan hệ đến lợi hại của sứ Bắc kỳ rất nhiều. Gần đây nhiều nơi bị úng lụt, xin sức cho các địa phương tùy tình hình, khám rõ thực trạng, theo lệ phân bổ đóng góp cho những đồng điền nào mà có liên can đến thủy thế ấy, lấy tiền thuế dân nạo vét để tiện việc canh tác. Tức như trước đây nạo vét sông Đức Giang mà hai hạt Hà Nội, Nam Định không lo đê sông bị vỡ, lấp cửa Phái (4) mà năm huyện gần đấy tránh khỏi tai nạn lúa má bị ngập. Công hiệu ra sao cũng đủ thấy.
Làm như thế tức là trọng nghề nông, chăm việc gốc, tinh giảm việc chi dùng để tài nguyên được dồi dào ít bị lưu tán mà của cải tự nhiên đầy đủ.
Nhà nước xây dựng quân đội: trong kinh thì hai cánh thân binh, năm dinh cấm binh, lại có phủ ngũ quân đô thống tức như Nam Bắc quân của đời nhà Hán, ưu binh của đời nhà Lê vậy. Ngoài tỉnh thì có các cơ giản binh, có quân mộ thường xuyên, tức như hương binh nhà Tống, nhất binh nhà Lê vậy. Hàng năm triều đình cấp cơm áo, hàng ngày chăm thao diễn, việc sắp đặt cũng thật là rõ ràng. Thế mà từ khi biên thùy có chiến sự tới nay, lính miền Nam có phần đắc lực, còn lính miền Bắc thì phần nhiều rụt rè, trốn tránh, có phải quả là binh lính không mạnh chăng, hay là còn có cớ khác?
Thần xin nói về quân miền Bắc. Khi một người lính mới vào quân ngũ thì phải nộp tiền "vọng trại", tiền "công liễm" không dưới hàng trăm quan. Khi có việc xây dựng, trừ những thứ quan cấp ra các vật liệu vặt vãnh khác, nhất nhất hỏi tân binh mà lấy. Nhà cửa vật dụng của viên quản suất cũng đều do người lính cung cấp; than củi, đèn dầu, đỏi hỏi không bao giờ chán.
Có người được chọn ra chờ đợi rồi thả cho họ trốn để ban lấy tiền. Có người đã không cho phép họ về nhưng còn tạm lưu lại để đòi hỏi lễ vật. Đến như đến phiên sai phái, có thể lấy tiền mà thay, đến kỳ thao diễn có thể lấy tiền mà thuê. Ngày thường đã lấy đút lót làm sa ngã ý chí của họ rồi thì lúc lâm sự làm sao có thể lấy kỷ luật ràng buộc họ được.
Thậm chí, có nhiều người nhiều lần đào ngũ, còn nhất luật cho là thất lạc.Có người thua trận, làm hỏng việc vẫn chỉ khép vào tội nhẹ. Họ đã cho rằng cầu mong có thể sống được thì ai còn chịu xông mình vào nơi nước sôi lửa bỏng quyết đánh không lùi làm gì nữa. Vì thế, chưa đến trận mạc đã tìm cách sống, chưa chạm gươm đao đã có bụng lùi. Nên cuối cùng quân lính trở thành vô dụng vậy.
Thần trộm cho rằng, việc quân phải lấy nghiêm làm chủ... Kỷ luật không nghiệm, tội ở người quản suất. Thần xin nghiêm cấm thu tiền của lính, ai phạm tội nhất định giết chết, nêu rõ phép huấn luyện, ai trái lệnh nhất định bị tử hình,.
Hương binh mới chọn có ngạch nhất định; xin chọn người địa phương, ai có tài nghệ phẩm vọng vốn được hương binh tin phục thì cất làm chức quản suất. Ngày thường tình ý đôi bên đã tin cậy nhau thì ắt lúc lâm sự họ sẽ ra sức. Hàng năm cuối mùa xuân, cứ mỗi tỉnh chọn lấy một viên võ biền thông thuộc nghề võ tới nha môn các phủ huyện, tập hợp hương binh để huấn luyện một tháng rồi nghỉ. Ai giỏi thì thưởng, không thì phạt.
Lại cấp khí giới cho họ tàng trữ ở nha môn các phủ huyện để tiện khi hoãn cấp, kịp dùng. Khi xảy ra sự cố, tỉnh báo cho phủ huyện biết, phủ huyện tin cho viên quản suất tập hợp hương dũng nhận khí giới ra mà sử dụng. Không có việc gì thì quân lính giải tán về nơi đồng ruộng. Như vậy thì Triều đình không phải bỏ kinh phí ra nuôi quân mà có quân dùng. Lại phỏng theo cách "thi can đảm" của đời Lê thì cũng có thể chọn được người lính quả cảm.
Quân lính Bắc kỳ lại thay phiên nhau tới đóng ở Kinh sư để khó nhọc đều nhau và làm quen với kỷ luật ràng buộc thì cái thói lười nhác kia cũng trở thành phấn chấn. Hễ ai bỏ hàng ngũ, làm hỏng việc quan, nhất thiết phải cho phép tùy nghi sử trí. Hễ ai có công xung phong hãm trận thì không tiếc hậu thưởng báo đền. Trong lúc vô sự làm cho quân lính biết sợ tướng, không sợ giặc, biết có phép mà không có mình. Rồi sau tiến lên giận giặc, giết thù, ai cũng lo tự mình cố gắng, có cái vinh được chết, không chịu sống thừa, có cái chí tiến thủ, không bụng dạ lo riêng. Thế thì quân đội vô dụng sẽ trở thành đội quân hùng cường vậy.
Tuy nhiên, trên đây điều mà thần bàn về binh và lương ấy, chỉ là một "phép suông" mà thôi.. Thực ra, xe không tiến lên là vì ngựa không chịu đi, chính sự không nên nổi là vì người không chịu làm.
Quả là đời nay không có người tài ư? Hay là vì phép thuyên tuyển trong muôn phần còn có một phần chưa thật tiện? Trong phương pháp thuyên tuyển của Triều đình, có người do khoa bảng mà bổ quan, có người do tân sinh, ấm sinh mà bổ quan, có người do lại điển mà bổ quan, có người do quân công mà đổi bổ, có người do quyên tiền, khảo hạch mà bổ quan. Đường lối vào quan rất nhiều.
Nên chi, muốn ngăn chặn sự xin xỏ, dập tắt điều gian dối, không thể không bằng vào tư cách ( 5). Đã bằng vào tư cách thì ai có điều kiện nhiều hơn, dù tư chất thấp kém mấy cũng được dự. Ai mà thứ bậc chưa đến, dù liêm chính mấy cũng phải tra cứu thêm. Như thế cũng không thể không có tệ hại được.
Đường lối làm quan đã nhiều thì người đáng được bổ làm quan cũng nhiều, không thể không kịp định ra kỳ hạn để bổ nhiệm họ. Do đó mà người đáng được bổ thì chạy vạy ở cửa quan trên, người hết hạn phải đổi thì chẳng còn lòng nào mà nghĩ đến dân. Lòng tư một lúc đã sai thì việc công cũng bị bỏ trễ vậy. Tuy có lệ sát hạch vào tiết trọng xuân, những vết tích giỏi kém xét đầu ngọn bút, sự trạng thiện ác, bằng cứ trên tờ giấy, uốn nắn nên lời, góp nhặt thành câu, cũng khó lòng mà tin hết.
Thần xin rằng, từ nay có người được tiến cử thì đối chiếu với nha môn tiến cử ấy mà bổ làm việc ở một Phiền nha (6) trong kinh sư một năm để kiểm nghiệm có công trạng xác thực hay không. Những người thi đỗ, hạch đỗ thì xin tuân theo lệ cũ: học tập chính sự ở kinh sư 3 năm, hoặc học khoa xây dựng, hoặc học khoa hình danh, hoặc học khoa lại, khoa binh, để xem cái học thiết thực mà bổ. Bất tất bảo họ tình nguyện để nuôi dựng thói liêm sỉ. Đối với các viên phủ huyện thì lấy sáu năm làm một hạn, ai đáng được thăng chức thì trao cho họ quan hàm được thăng. Để cho họ ở lâu 1 chức vụ thì với người làm được việc mới có thể trách cứ họ làm nên công hiệu hay không?
Nếu cứ 3 năm một lần đổi thì phí tổn lúc đưa đón, phiền hà khi đổi thay, tai hại cho dân cũng không sao nói xiết. Lại cứ 5 năm một lần, đặc cách chọn 1 viên đại thần thanh liêm cần mẫn, giỏi giang sung làm chức "Truất trắc sứ" (7) ở các đạo. Viên này sẽ đi thăm hỏi khắp nơi, xem xét tình hình điền hao của dân, đồng điền hoang rậm hay mở mang, chính sự sửa sang hay bê trễ, rồi bằng cứ vào điều đó mà định cao thấp. Người bất tài thì bị truất giáng, người tài giỏi thì được thăng thưởng. Quan trên, ai mà cất nhắc không xứng đáng, hoặc có người hiền tài mà không biết cất nhắc thì cũng tâu xin sử lý, phạt tội thích đáng.
Làm như vậy thì người liêm chính có sự khuyến khích, người tham ô có sự răn đe mà điều uất ức của dân cũng có thể thâu suốt lên trên vậy...
Công hiệu đủ binh, đủ lương, thần biết được rằng cốt chỗ "có được người". Mà công hiệu "có được người", thần lại biết rằng cốt ở chữ tín. Gọi là tín tức là "đích thực" vậy, mà cũng có cái ý "xác thực không thể sửa chửa, dứt khoát không thể thay đổi". Tử Cống cho rằng tín là công hiệu của việc "đủ lương, đủ binh". Tiên nho cho rằng tín không phải là điều "binh, lương" nhưng có thể đặt trước.
Thần lại trộm nghĩ rằng: tín lại không phải là điều mà việc "có được người" có thể ở trước được. Không "có được người" thì binh lương không thể đầy đủ. Việc "được người" thật là quan trọng. Nhưng có khi "được người" rồi mà vẫn không thi hành được là vì chưa dùng được chữ tín. Trong điều tín của ông Vua, chỉ có thưởng phạt là tối quan trọng. Có thế mới cổ vũ được mọi người, vang động được cả bốn phương. Không có ai khuyên mà tự ý làm điều thiện, không có gì răn đe mà không tự ý làm điều ác, chỉ có người hiền quân tử mới có thể làm được như thế.
Thường tình người ta thích yên tĩnh, vui chơi.. Nếu không có gì để kích thích khuyên lơn họ, không giao cho họ việc làm, không giao cho họ trách nhiệm phải lập công trạng thì dù là người có tài làm được việc, họ cũng chỉ chống chèo tùy tiện, lấp liếm cho qua chuyện mà thôi. Cho nên phải thưởng cho một người để khuyến khích muôn ngàn người. Phải giết một người cho muôn ngàn người biết sợ. Phải làm cho thiên hạ biết đích xác rằng: có công thì nhất định Triều đình thưởng, không thể lấy ý riêng cầu may mà được. Có tội thì nhất định Triều đình giết, không thể lấy riêng cầu may mà thoát.
Như vậy lấy đó mà lập pháp, pháp nhất định lập. Lấy đó mà thi hành chính sự, chính sự nhất định được thi hành. Lấy đó mà làm cho nước giàu thì điều hại nhất định bị bãi bỏ, điều lợi nhất định được dấy lên, nước sẽ giàu. Lấy thế mà sắp đặt việc quân, thì hiệu lệnh nhất định được phân minh, kỷ luật nhất định nghiêm túc mà quân sẽ mạnh. Rồi ra cái thói cẩu thả ít dần, cái tệ lơ là mất dần và đời thái bình thịnh trị có thể đạt được vậy.
Thần cúi trông Bệ hạ lấy một chữ tín ấy để khích lệ bản thân. Việc tiến hiền nếu như đã không thể thôi thì lúc đầu là tiến hiền, lúc sau là dùng hiền, cũng phải dùng chữ tín, chớ có bất nhất. Hiệu lệnh nghiêm minh chính là đem chữ tín ra để đặt làm hiệu lệnh. Chế độ dứt khoát chính là đem chữ tín ra đặt làm chế độ. Run rẩy, sợ hãi, không một ý nghĩ nào không để vào chữ tín. Trọn ngày quần quật, không một lúc nào không nhằm vào chữ tín. Như vậy thì rồi sau muôn việc nên, trị công thành, có thể vượt qua Hán, Đường mà theo kịp Thương, Chu vậy....
Theo Quốc triều đình sách văn, Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Đình Chú dịch
Nguyễn Khuyến: "Người bất tài thì bị truất giáng, người tài giỏi thì được thăng thưởng. Quan trên, ai mà cất nhắc không xứng đáng, hoặc có người hiền tài mà không biết cất nhắc thì cũng tâu xin sử lý, phạt tội thích đáng".
Chú dẫn:
Ở đây chúng tôi chỉ trích những đoạn quan trọng, bỏ đi những đoạn mở đầu, kết thúc theo thể thức một bài văn trường quy hoặc những đoạn trích dẫn sử sách nước ngoài không cần thiết.
(1) Sở hình chuẩn: một kiểu thương cục ngày xưa, do nhà nước phong kiến lập ra, có mục đích mua vào các hàng hóa khi nào giá rẻ rồi bán ra khi nào giá cao, nhằm điều hoà giá cả.
(2) Quyên: nộp tiền mua chức tước; Chuộc: nộp tiền để chuộc tội
(3) Bộ, Viện, Tự, Các: các cơ quan ở triều đình
(4) Cửa Phái: có lẽ là cửa sông Thiên Phái, một con sông nhỏ nối sông Sắt với sông Đáy có tác dụng tiêu úng ở mấy huyện; ý yên; Bình Lục, Vụ Bản, Thanh liêm.... (Hà Nam Ninh)
(5) Tư cách: Cần hiểu như thẻ lệ quy định
(6) Phiền nha: Cơ quan nhiều việc phức tạp
(7) Truất trắc sứ: Một chức thanh tra, xét định việc thăng, giáng các quan lại
(Tài liệu được trích trong: Nguyễn Khuyến - Tác phẩm, Nhà xuất bản Văn học, năm 1971)
Source quocgiahanhchanh
Đọc thêm:
http://thanglong.ece.jhu.edu/Covan/Nguyenkhuyen/nguyenkhuyen.html
http://vietsciences.free.fr/vietnam/vanhoa/khoacu/ailachukhao.htm
http://www.vietnhim.com/dongnhim/archive/index.php/t-10046.html
http://www.thuvien-ebook.com/forums/showthread.php?t=2121