Thursday, February 26, 2009

Thơ Nguyễn Bích Nga


BIỂN VÀ EM

Ai đã nói tất cả những dòng sông
Cùng ra biển cả,biển là em
Là những ngày biển vẫn êm đềm
Trong tình anh và tình em hai đứa.

Những dòng sông,những dòng sông một thưở
Biển bây giờ gào thét trận cuồng phong
Và như em biển hét tận trong lòng
Làm sao nói biển thôi cuồng nộ.

Em là biển hay là dòng sông nhỏ
Qua đời anh bỏ ngõ lối đi về
Và dòng sông nhỏ hay là biển hẹn thề
Mà đứng mãi khi trời đang giông tố.

Ai đã nói biển ru lời bao la hội ngộ
Thôi em xin biển chỉ là sông
Để chốn quay về là bát ngát mênh mông
Hơn là biển mà bờ xa vô tận .

NGUYỄN BÍCH NGA

Họa sĩ Tú Duyên


TRƯỜNG PHÁI THỦ ẤN HỌA VIỆT NAM




Hình trái trên: Trần Bình Trọng:Thà làm quỷ nước Nam,còn hơn làm vương đất Bắc
Hình phải trên: Nhớ lời bác mẹ khuyên răn, làm thân con gái chớ ăn trầu người
Hình trái dưới : Qua đình ngả nón trông đình, đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu
Hình phải dưới: Đời người là một thế cờ

Source VNchanel - nguoi-viet


Wednesday, February 25, 2009

Cổ Bồn Ca


Thi sĩ Vũ Hoàng Chương
(1916-1976)sinh thời lúc 25 tuổi, thất tình nên có viết bài thơ Mười Hai Tháng Sáu,trong đó có các câu :

Ta gõ vào bia mười ngón rập,
Mười năm theo máu hận trào rơi.
Học làm Trang Tử thêu cơ nghiệp,
Khúc Cổ Bồn Ca gõ hát chơi.

Một trong những nhà soạn tuồng cải lương đầu tiên của nước ta, ông Trương Duy Toản (1885–1957) cũng có viết tuồng Cổ Bồn Ca năm 1917.Và Cổ Bồn Ca là bài gõ chậu mà ca, mà trong các tài liệu, có ghi tác giả là Trang Tử.Có thật thế không?

Trang Tử (365-290 BC)tên thật là Trang Chu, người đất Mông(tỉnh Hà Nam-Trung Quốc)nước Tống,sống ở thời Chiến Quốc, cùng thời với Mạnh Tử và Huệ Thi, thời kỳ đỉnh cao của các tư tưởng triết học Trung Quốc với Bách gia chư tử. Sử ký Tư Mã Thiên viết “ông có làm quan ở Tất Viên một thời, về sau sống ẩn dật ở vùng núi Nam Hoa cho đến cuối đời và tại đây, Trang Tử viết Nam Hoa Kinh,gồm hơn mười ngàn chữ”, nhằm xiển minh thêm những tư tưởng về Đạo (đức,vô thường,vô danh,vô vi)của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh, thiết lập nên tư tưởng Lão-Trang.

Theo sách Hán thư Nghệ Văn Chí,Nam Hoa Kinh buổi đầu gồm 52 thiên, bản hiện tại chỉ gồm 33 thiên,do Quách Tượng chú giải, gồm:

-Nội thiên(7 thiên): Tiêu diêu du,Tề vật luận,Dưỡng sanh chủ, Nhân gian thế, Đức sung phù, Đại tôn sư, Ứng đế vương.

-Ngoại thiên(15 thiên):Biền mẫu, Mã đề, Khứ cự,Tại hựu, Thiên địa, Thiên đạo,Thiên vận, Khắc ý,Thiện tánh,Thu thủy, Chí lạc, Đạt sinh, Sơn mộc,Điền tử phương, Trí bắc du.

-Tạp thiên(11 thiên):Canh tang sở, Từ vô quỷ, Tắc dương, Ngoại vật,Ngụ ngôn, Nhượng vương, Đạo chích, Duyệt kiếm, Ngư phụ, Liệt ngự khẩu, Thiên hạ.

Đời sau, khi xét Nam Hoa Kinh, tất cả đều cho rằng, chỉ có Nội Thiên là căn bản tư tưởng triết học yếu trọng do Trang Tử viết vì lời văn bóng bẩy, ý tưởng cao xa, còn Ngoại thiên và Tạp thiên thì chỉ quảng diễn lại những vấn đề đã được đề cập trong Nội thiên, mà văn chương lại thô thiển,vụng về và bác tạp, lại công kích Khổng Tử, nên có nghi vấn là không chắc đã do Trang Tử đã viết.

Ngoại trừ các câu chuyện được chép rõ ở trong Nam Hoa Kinh như:

Thiên Thu Thủy, đối thoại” ông không phải là cá, sao biết cá vui” giữa Huệ Thi và Trang Tử khi ngồi trên cầu sông Hào.

Thiên Tề Vật Luận,”Trang Chu mộng hóa thành bướm”nói lên cái mộng và thực, cái vi diệu của vật hóa trong vũ trụ, cái vô thường, vô vi trong đời sống và nguồn khởi dẫn của Đạo .

Những tư tưởng này, đã ảnh hưởng rộng lớn về sau trong thi ca Trung Quốc, ví như với Lý Bạch, trong bài Nguyệt hạ độc chước, với “đối ảnh thành tam nhân”hay Lý Thương Ẩn trong bài Cầm sắt:”Trang Chu hiểu mộng mê hồ điệp” hoặc tại Nhật Bản với Matsuo Basho trong bài haiku:” Em là bướm ư.Ta là giấc mộng.Trong hồn Trang Chu.”

Thiên Chí Lạc,viết :

”Vợ Trang Tử mất, Huệ Thi đến điếu, thấy Trang Tử ngồi duỗi xoác hai chân vừa gõ bồn vừa ca.Huệ Tử hỏi:

-Cùng người ở tới già, có con lớn mà người chết lại không khóc, cũng là đã quá lắm rồi ! Lại còn vỗ bồn mà ca, không quá lắm sao?

Trang Tử đáp:

-Không! Lúc nàng mới chết, tôi sao chẳng động lòng,nhưng nghỉ lại,hồi trước nàng vốn không sinh, chẳng những không sinh mà đó lại vốn không hình, chẳng những không hình mà đó vốn là không khí. Đó chẳng qua là tạp chất trong hư không biến ra mà có khí, khí biến ra mà có hình, hình biến ra mà có sinh, rồi lại biến ra nữa mà có tử.Khí,hình,sinh,tử,có khác nào xuân,hạ,thu,đông,bốn mùa vận hành.Vã lại,người ta đã nghỉ yên nơi Cự thất(nhà Lớn),mà tôi còn cứ than khóc, chẳng là tự tôi không thông Mệnh ư, nên tôi không khóc.”

Từ chuyện Trang Tử gõ bồn khóc vợ trên, sách Kim Cổ Kỳ Quan ,của Ung Bảo lão nhân(Yong Bao lao ren) viết khoảng cuối đời Minh, thời vua Minh Tư Tông, hiệu Sùng Trinh(1628-1644) được ông Phan Hồng Trung dịch và xuất bản tại Saigon năm 1959, tập sách này viết nhiều truyện cổ Trung quốc. Riêng về chuyện Trang Tử, được tóm lược như sau:

Trang Tử đi chơi núi, giữa đường gặp người đàn bà đang ngồi quạt mồ,thấy lạ bèn hỏi lý do.Người đàn bà đáp:

-Người chồng xấu số của thiếp vừa mất hôm qua và chôn tại đây.Lúc còn sống,vợ chồng yêu thương nhau, chết cũng không nỡ rời nhau.Chồng thiếp có dặn, nếu có tái giá, thì cũng chờ nấm mồ khô đã, rồi mới đi lấy người khác.Thiếp nghỉ, đất mới đắp, làm sao khô được, nên phải ngồi quạt cho mau khô vậy.

Trang Tử nói:

-Muốn quat cho mau khô, cũng dễ thôi, hiểm vì tay nàng yếu, nên quạt lâu khô đó thôi.Thôi để ta quạt hộ cho.

Trang Tử ngầm làm phép thuật, quạt mấy cái liền, nấm mồ bốc hết hơi nước và trở nên khô ráo.Thiếu phụ tươi cười nói:

- Cảm tạ quan nhân vất vả.

Nói rồi bèn gỡ chiếc thoa bạc cài tóc, cùng cái quạt tặng Trang Tử.Trang Tử chỉ nhận chiếc quạt.Thiếu phụ hớn hở ra về.

Về nhà,Trang Tử kể chuyện trên cho vợ là Điền Thị nghe và đưa chiếc quat cho Điền Thị xem. Điền Thị xé chiếc quạt và nguyền rủa người đàn bà quạt mồ thậm tệ.

Mấy hôm sau, Trang Tử dã chết để thử vợ. Và quả nhiên, Điền Thị đã phải lòng đứa học trò trẻ đẹp của chồng đến phúng điếu thầy. Đêm trước hợp cẩn, đứa học trò bỗng ôm bụng rên la. Gia nhân đi theo nói :

- Chỉ có óc người sống, uống mới hết bệnh.

Điền Thị nói:

-Óc người mới chết, có được không?

Gia nhân nói:

-Nếu chết chưa quá 100 ngày thì được.

Điền Thị vác búa, lui hậu liêu nơi còn quàng linh cữu Trang Tử. Điền Thị bổ mấy nhát, nắp quan tài bật ra…Trang Tử ngồi dậy.

Điền Thị khiếp sợ, té ngữa và bất tỉnh. Sau đó, vì xấu hổ, nên thắt cổ quyên sinh.

Vợ mất. Trang Tử buồn và lấy chậu ra ngồi gõ hát bài dưới đây. Sau đó mai táng vợ, đốt nhà và đi vào ngõ núi Nam Hoa.

鼓 盆 歌

堪 嗟 浮 世 事
有 如 花 開 謝
妻 死 我 必 埋
我 死 妻 必 嫁

我 若 先 死 時
一 場 大 笑 話
田 被 他 人 耕
馬 被 他 人 跨
妻 被 他 人 戀
子 被 他 人 罵

以 訾 董 常 情
相 堪 淚 不 下
世 人 笑 我 不 悲 傷
我 笑 世 人 空 斷 腸
世 事 若 完 哭 得 轉
我 亦 傷 愁 淚 萬 行

莊 子


CỖ BỒN CA

Kham ta phù thế sự
Hữu như hoa khai tạ
Thê tử ngã tất mai
Ngã tử thê tất giá .

Ngã nhược tiên tử thời
Nhất trường đại tiếu thoại
Điền bị tha nhân canh
Mã bị tha nhân khóa
Thê bị tha nhân luyến
Tử bị tha nhân mạ.

Dĩ tử đổng thường tình
Tương khan lệ bất hạ
Thế nhân tiếu ngã bất bi thương
Ngã tiếu thế nhân không đoạn trường
Thế sự nhược hoàn khốc đắc chuyển
Ngã diệc thương sầu lệ vạn hàng.

TRANG TỬ

BÀI HÁT CỖ BỒN

Ôi cuộc đời nổi trôi
Khác nào hoa nở,rụng
Vợ chết trước ta lo mai táng
Ta chết vợ sang ngang.

Ví bằng ta chết trước
Thật một trường đại hài hước
Ruộng ta người sẽ cày
Ngựa ta người sẽ cỡi
Vợ ta người sẽ thương
Con ta người mắng chửi .

Tình thế là như vậy
Nếu lệ ta chẳng rơi
Thế gian cười tớ vô tình
Tớ cười thiên hạ như bình lệ chan
Khóc mà đổi được tuần hoàn
Thì ta đã khóc muôn ngàn năm nay.

VÕ TƯ NHƯỢNG dịch
 
Đây chỉ là một dã thi(chronicle poem ),lấy sự kiện thực trong thiên Chí Lạc của Nam Hoa Kinh, khi nói về Huệ Tử,tướng quốc nước Lương, đến chia buồn cùng Trang Tử, nhân vợ chết như đã nói trên, và bài Cổ Bồn Ca này, hoặc đã có từ trước thời Minh mạt trong nhân gian,rồi Ung Bảo lão nhân đưa vào sách Kim Cổ Kỳ Quan,hoặc chính Ung Bảo viết.Cả hai đều không rõ. Nhưng xét về tư tưởng triết học huyền diệu và cao siêu mà Trang Tử đã viết trong Nam Hoa Kinh, đặc biệt ở Nội Thiên, thì ý tưởng và văn cách trong bài Cổ Bồn Ca này, chắc rằng không phải là của Trang Tử vậy.

Truyền thuyết viết rằng Trang Tử có 3 bà vợ: bà vợ đầu mất sớm, bà thứ hai thất lễ,được cho về, và bà sau cùng là Điền Thị. Điền Thị là con gái vua nước Tề, nhân khi Trang Tử qua Tề chơi, được nhà vua quý trọng và gã con gái cho.

Bản dịch bài thơ Cổ Bồn Ca trên của Bác sĩ Võ Tư Nhượng,được trích từ Đặc San Phật Đản 2541,trang 21,do Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam tại Nam California, Mỹ quốc ấn hành năm 1997.

Trương Thúy Hậu 
April,2001 

Thơ Nguyễn Ngọc San


CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ

Cổ Thành chẳng thấy thành đâu
Một vuông đất hẹp vùi sâu vạn người
Bát hương cháy đỏ giữa trời
Khôn thiêng một nén cho nguôi ngoai lòng
Cổ Thành máu chảy thành sông
Xương gom thành núi thành không còn gì
Bên ni, ừ cả bên tê
Thành hoang, gạch vụn gửi về mai sau...

NGUYỄN NGỌC SAN

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh


CÁC BỨC ẢNH NỔI TIẾNG



Dựng cờ-Vá cờ.
Hai cha con-Tiếc thương

Bài đọc thêm Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh

Tuesday, February 24, 2009

Truyện ngắn Phạm Thành Châu


BUỔI CHIỀU Ở THỊ TRẤN SÔNG PHA

Mưa càng lúc càng nặng hạt. Thị trấn Sông Pha với hai dãy phố trên quốc lộ 20 như chìm ngập trong mưa. Người đàn ông lom khom chạy, tay che đầu, cổ rụt xuống, tưởng như thế mưa sẽ không đổ xuống người. Khi đến một quán ăn, ông ta tạt vào hiên, đứng giũ giũ áo, phủi nước trên tóc rồi mới bước hẳn vào trong. Một cái quán bình thường, giống như bâùt cứ quán cơm, phở, mì nào trên quốc lộ, tỉnh lộ. Cũng mái tôle, vách ván, vài cái bàn gỗ mộc, trên để ống đũa, muỗng, mấy chai xì dầu, nước mắm...vài con ruồi bay lảng vảng. Mùi ẩm mốc, mùi đất lẫn với mùi thức ăn gợi cho ông ta cảm giác dễ chịu, tưởng như quen thuộc với nơi nầy rất lâu. Trong quán đã có vài ba người đang xì xụp ăn, mấy ly bia đã cạn. Có lẽ họ là thợ rừng vì bên lề đường có một xe be chở mấy súc gỗ to tướng, dài cỡ vài chục mét. Họ vừa ăn vừa nói chuyện nhát gừng với nhau. Người đàn ông tìm một góc, ngồi tránh gió lùa. Qua khung cửa sổ ông ta nhìn đăm đăm cái dốc cầu lỡ lói, rồi nghiêng người nhìn cho rõ cái cầu sắt, đen đủi, giống một con thú yên lặng chịu đựng cơn mưa lạnh. Mấy người đàn ông ăn xong, kêu lên.
- Tính tiền, bà chủ!

Một chị đàn bà, cỡ dưới bốn mươi, từ sau quày đi ra. Họ đối đáp, cười nói xã giao vài câu trong lúc trả tiền, rồi toán đàn ông cũng lom khom chạy ra xe, nổ máy. Chiếc xe be ì ạch leo lên giốc cầu, chậm chạp như con khủng long trườn qua giòng nước chảy xiếc phía dưới, mờ dần trong mưa.

Có tiếng lao xao ngoài đường. Mấy toán học sinh đi học về. Chúng đi từng bọn với nhau, trò chuyện. Những chiếc áo mưa đủ màu. Bọn con gái đi nép dưới hiên nhà, bọn con trai thì lội ngược giòng nước mưa, dùng chân tạt nước vào nhau, đuổi nhau...Buổi chiều mưa u ám bỗng như sống động hẳn lên vì lũ học sinh. Người đàn ông chợt nhớ lại, lần trước, cách đây vài mươi năm, ông cũng ngồi trong quán ăn nhìn ra đường và bọn học trò cũng đi học về. Cảnh vật, nhà cửa hai bên đường đã hoàn toàn đổi khác nhưng chiếc cầu sắt và lũ học trò vẫn thế, dù lần trước trời không mưa, các cô thì áo dài trắng, các cậu quần xanh áo trắng. Ông ngạc nhiên tưởng chừng những cô cậu học sinh ngoài kia vẫn cứ đi học từ lúc đó đến bây giờ. Dáng đi dịu dàng của các cô, vẻ nhanh nhẹn vô tư của các cậu vẫn thế. Và nếu không có cơn mưa, ông đã đứng trên dốc cầu ngắm các cô đi học về rồi lần xuống bờ sông, nhìn mê mãi giòng nước như ông đã làm trước đây, khi ông còn trai trẻ.

- Thưa ông dùng chi?

Chị chủ quán đứng bên ông tự lúc nào.

- Xin lỗi chị!..
- Dạ, không sao. Ông có định ăn hay uống món gì? Hay ông chỉ ngồi trú mưa, cũng không sao!
- Chị có cháo lòng không? Tôi nhớ lần trước, có ghé lại một quán ăn nào đó, hình như đằng kia kìa, có món cháo lòng ngon lắm.
- Dạ tôi cũng có cháo lòng nhưng có lẽ không ngon như ở cái quán mà trước đây ông đã ăn.
- Thú thật tôi cũng không nhớ có ngon không, nhưng ở đó có một kỷ niệm nên tất cả thành ra đẹp và ngon. Lúc nãy tôi đi tìm quán cháo lòng thì người ta chỉ đến đây. Bây giờ sao không còn thấy cái quán đó nữa, chị?
- Dạ, quán đó đã đóng cửa, bán nhà cho người khác rồi.
- Tiếc quá! Chị cho tô cháo.

Trong lúc chị chủ quán lúi húi làm việc, ông ta để ý mới biết phía trước là quán ăn, phía sau làm nơi cư ngụ của cả gia đình. Lối đi vô nhà sau nằm ngay nơi bếp, cách biệt hẳn hai nơi rõ rệt. Một cô học trò chạy ùa vào nhà.

- Thưa mẹ, con đi học về!

Nó quay qua chào ông khách.

- Chào bác ạ!
- Vâng, chào cháu!

Nó chào xong là biến mất sau cửa.

- Hùng ơi! Nhớ nấu cơm kẻo ba con về không kịp.

Tiếng con bé từ sau nhà vọng ra.

- Sao giờ nầy ba chưa về, mẹ?
- Nghe ba con nói chiều nay ghé trường đón em con rồi ra xưởng họp hành gì đó.

Chị chủ quán bưng tô cháo đến, ông ta hỏi.

- Con gái sao đặt tên Hùng như con trai?

Chị cười.

- Ở trường nó tên Hồng, ở nhà quen gọi Hùng từ lúc nhỏ, chúng tôi cắt tóc ngắn, cho mặc đồ con trai, chúng tôi thích con trai...
- Tôi thấy tên Hùng đặt cho con gái có vẻ hợp lý. Nhiều ông tên Hùng mà chẳng hùng dũng gì cả, như tôi chẳng hạn.

Chị chủ quán đặt tô cháo trên bàn, không trả lời, chỉ liếc nhìn ông khách, xong chị quay về ngồi sau quầy, khuất sau mấy bó hành xanh, ớt chín đỏ treo như những vật trang trí. Người đàn ông thong thả ăn, mắt lơ đãng nhìn ra đường mưa. Chị chủ quán chăm chú nhìn ông khách, rồi như chợt nhớ ra điều gì, chị lấy trái chanh, xắc mấy miếng, đặt trên cái đĩa nhỏ mang ra.

- Tôi quên đem chanh. Ông có uống gì không? Nước ngọt hay bia?
- Chị cho tôi xin trà nóng. Trời mưa uống trà thích lắm.
- Dạ, ông chờ cho chút, tôi có sau nhà, trà cho khách uống không được ngon.
- Cám ơn chị. Có lẽ tôi là khách đặc biệt mới được chị đãi trà ngon.
- Dạ, tôi đoán ông sành uống trà nên phải có trà thơm cho ông. Thường ngày khách chỉ uống cà phê, trà buổi sáng. Họ ngồi chuyện trò cả buổi nên chỉ dùng trà thường.

Chị chủ lại về ngồi chỗ cũ. Cô gái sau nhà đi ra, âu yếm ôm vai mẹ. Hai mẹ con chuyện trò nho nhỏ gì đấy. Ông khách nhìn và cười.

- Ra đường người ta tưởng là hai chị em. Giống nhau quá!

Chị chủ quán cũng cười.

- Nó lớn rồi, lên trung học mà cứ làm nũng với mẹ như con nít.

Chị nói với con gái.

- Nước sôi rồi, con lấy hộp trà trên bàn thờ ra đây cho mẹ. Xong rồi lo học bài, làm bài. Theo mẹ hoài, bác khách cười cho.

Ông khách không dám nhìn lâu, sợ bất nhã, nhưng cũng nhận ra chị chủ quán có đôi mắt đẹp và buồn xa xăm như đăm chiêu về một nơi nào. Bỗng ông nhíu mày lại, đôi mắt đó, hình như ông đã gặp ở đâu? Ông ngước nhìn chị, bắt gặp chị ta cũng đang nhìn ông. Cả hai bối rối. Ông đành hỏi một câu cho bớt ngượng.

- Chị lập quán nầy lâu chưa?
- Dạ, sau giải phóng độ vài năm.
- Chắc chị người vùng nầy? Tôi nhớ lần trước có thấy đâu đó mấy chữ Thị Trấn Sông Pha, hình như lúc vừa từ đèo đổ xuống, chữ lớn lắm.
- Nó còn đấy chứ, có lẽ trời mưa nên ông không thấy.

Chị chủ quán bưng bình trà và một cái tách trên một khay nhỏ.

- Mời ông dùng trà.
- Cám ơn chị. Buôn bán có khá không chị?
- Dạ, cũng đủ sống. Mọi khi trời không mưa thì giờ nầy cũng có lai rai khách đến nhậu.
- Chị cho tính tiền.

Sau khi trả tiền, ông khách nhìn ra đường.

- Mưa lớn quá!
- Mọi năm, tháng nầy đâu có mưa. Hôm qua trời còn nắng mà cũng không lạnh.

Và chị ngập ngừng.

- Trời còn mưa...Nếu không vội, mời ông cứ ngồi.
- Cám ơn chị, tôi định đi loanh quanh đây, nhưng mưa quá!
- Có lẽ ông muốn tìm ai?
- Tôi tìm một người quen. Thú thật, tôi chỉ nhớ tên, chứ không nhớ rõ người, lâu quá!
- Chắc ông biết nhà?
- Thì cái quán đằng kia, nhưng đã đổi chủ rồi nên tôi chỉ đi lang thang cho đỡ buồn. Nói đúng ra, tôi tìm một kỷ niệm. Mà chị biết, kỷ niệm thì người thích thì giữ, người không thích không muốn nhớ đến. Nhiều khi chuyện không đâu, chẳng có gì đáng nhớ, lại nhớ suốt đời...

Chị chủ quán về lại sau quày, có vẻ tò mò.

- Người quen mà mình quên mặt! Thế làm sao ông tìm?
- Giả như có tìm ra người, chắc gì người nhớ ra mình. Lâu quá! Cỡ vài mươi năm, cho nên tôi tìm cho biết thôi. Tôi nói thế nầy, chắc chị thông cảm với tôi liền. Bây giờ, tình cờ chị tìm thấy quyển vở, quyển sách thời còn đi học, hay rõ hơn, chị đọc lại quyển lưu bút chẳng hạn, chị sẽ bồi hồi nhớ lại tất cả, thương yêu tất cả. Mà những người bạn trước kia, nay đã khác rồi, từ gương mặt đến tâm hồn, suy nghĩ, cho nên trong những giây phút hồi tưởng đó, cách tốt nhất là chị đến trường cũ đứng nhìn, chị sẽ thấy lại cả một quãng đời thanh xuân với bạn bè ngày trước... Nghĩa là nó ở một thế giới khác, cách biệt hẳn với hiện tại. Tôi cũng thế, tôi muốn đến đấy, ngồi lại cái quán ăn cách đây mấy chục năm, gọi một tô cháo, ăn xong, lang thang trên đường nầy, đứng ở dốc cầu kia, ngắm mấy cô nữ sinh đi học về, rồi xuống dưới bờ nhìn giòng sông. Cũng may, con đường còn nguyên, cây cầu còn nguyên, giòng nước thì vẫn thế, chỉ có cái quán ăn không còn mà thôi. Cái lạ là người tôi muốn tìm, tôi cũng ước ao cô ta vẫn chỉ độ mười sáu, mười bảy tuổi thôi. Không phải cho tôi bây giờ, mà để tôi tìm thấy tôi lần đầu tiên trong đời được cô ta ban cho cái hạnh phúc đẹp đẽ, thánh thiện của tình yêu. Cho nên tôi nói với chị là tôi đi tìm dĩ vãng, tìm người cũng có, nhưng lại không muốn gặp người.

Ông khách nói một hơi như sợ không còn dịp để thổ lộ ý nghĩ mình. Chị chủ quán có vẻ thông cảm.

- Coi bộ ông cũng lãng mạn dữ. Nhưng giả dụ, nay, ông gặp lại người cũ, dĩ nhiên bây giờ già rồi, xấu rồi, ông còn giữ tình cảm, đúng ra, tình yêu của ông đối với người đó không?
- Chị với tôi đều lớn tuổi rồi, nên tôi nói chị sẽ hiểu ngay. Tình yêu lúc đầu là dáng người, ánh mắt, miệng cười, lời nói... Rồi theo thời gian nó không là hình bóng nữa mà là sự cảm thông, chấp nhận nhau. Ý tôi muốn nói là dù cô ta có thế nào tôi vẫn cứ yêu thương. Tôi yêu cái tình mà tôi tin rằng cô ta yêu tôi, yêu cả tình tôi yêu cô ta nữa. Thật khó giải thích! ...Qua bao năm dài những gì còn lại là tấm lòng chứ không phải sắc diện bề ngoài.

Bàn của ông khách cách chỗ ngồi của chị chủ quán độ năm mét, nhưng tiếng mưa nghe rào rào trên mái tôle, ông khách sợ người nghe không rõ, không thông cảm nên ông nói lớn tiếng. Chị chủ quán có vẻ bối rối, nhìn ra đường rồi chị lại cúi xuống lấy ấm nước đến rót vào bình trà cho ông khách.

- Ông bảo đi tìm người ta mà lại không muốn gặp, vậy ông đến đây làm gì?... Để tôi bỏ thêm ít trà nữa.
- Cám ơn chị. Thật tâm, tôi muốn gặp nhưng sợ người ta quên nên không dám đối diện. Mà dù có còn nhớ, tôi cũng không nên xáo trộn cuộc sống của người ta. Chắc chắn cô ta đã lập gia đình, có con cái, sống với hạnh phúc bình thường của một người bình thường.

Chị chủ quán đi lấy hộp trà, mở ra, nghiêng đổ một ít vào lòng bàn tay rồi mở nắp bình trà, cẩn thận bỏ vào. Ông khách ngước nhìn chị, hai khuôn mặt gần sát nhau, ông thấy rõ đôi mắt đen chăm chú vào bình trà, chiếc mũi thon, hơi hếch lên, vẻ nghịch ngợm, miệng mím lại nửa như làm nghiêm, nửa như cười, gò má hồng, da mịn. Ông nghe cả hơi thở nặng nề từ đồi ngực căng, phập phồng sức sống của tuổi sung mãn. Ông nói nhỏ.

- Cám ơn chị, trà thơm quá! Vị đậm và có hậu.

Chị chủ vẫn cúi xuống, lắc nhẹ bình trà.

- Ông chờ một lát cho trà ngấm. Trà Blao ướp ngâu, chúng tôi thường uống trà nầy, quen rồi.

Chị quay về quày.

- Nghe ông kể tôi cũng tò mò, muốn biết câu chuyện ra sao và tên của người hân hạnh được ông nhớ mãi, suốt mấy mươi năm. Tôi sẽ cố tìm giúp ông, biết đâu tôi sẽ tìm thấy. Tôi là người ở địa phương nầy.
- Lúc nãy chị bảo tôi lãng mạn, có lẽ đúng. Chuyện chẳng có gì. Với người khác không đáng để nhớ, nhưng với tôi lại là một biến cố lớn trong đời. Đại khái như thế nầy. Năm đó, tôi học đại học sắp ra trường, ở Sài Gòn. Trong dịp tôi theo mấy người anh họ đi dự đám cưới của một người bà con trên Đa Lạt, lúc quay về chúng tôi đồng ý sẽ ghé Nha Trang chơi. Tôi nhớ đó là lần đầu tôi theo quốc lộ 20 nên tất cả đều mới lạ và đẹp. Đèo Ngoạn Mục, Đa Nhim, Sông Pha... Lúc vừa vào thị trấn Sông Pha thì xe bị trục trặc, người lái xe bảo phải chờ hơn hai tiếng đồng hồ để người phụ tài đi mua phụ tùng về thay. Chúng tôi rủ nhau vào quán đằng kia. Trong khi các người anh nhậu nhẹt, tôi chỉ kêu một tô cháo lòng. Cô con gái của chủ quán đem cháo ra. Tôi đoán thế vì tôi thấy cô đi học về, vào nhà rồi ra phụ với gia đình ngay. Cô trông rất có duyên và vui. Bây giờ gặp lại, có lẽ tôi không nhận ra, chỉ còn ấn tượng là cô có đôi mắt đẹp, đen nhánh, như cười, môi hồng tự nhiên. Tôi bảo cô “Anh đi chiếc xe đò kia kìa, nó bị hư phải sửa, ít nhất vài tiếng nữa. Anh ra đằng dốc cầu kia đứng chơi, khi nào xe đó sửa xong, em bảo họ chờ một lát và cho người ra kêu anh, được không?” “Được chứ, nhưng nếu kêu anh, anh sẽ thưởng gì?” “Nếu là người phụ việc ở đây, anh sẽ biếu ít tiền để cám ơn” “Nếu em gọi?” Tôi đùa “Nếu là em, anh sẽ tặng em quả tim của anh, để em nấu cháo, khách sẽ khen ngon” Cô vờ làm vẻ sợ hãi “Anh nói nghe mà ghê!” Tính tôi vẫn thế, đến chỗ lạ là thích lang thang, nghiêng ngó cảnh vật, đường sá, nhất là nơi nào có chiếc cầu bắc qua sông là tôi có thể đứng ngắm nhà cửa bên kia bờ, ngắm giòng nước không bao giờ chán. Tôi nhớ rất rõ, khi tôi đứng dưới dốc cầu, mặt trời lặn sau dãy rừng cây âm u phía xa, màu mây trời làm đỏ rực mặt sông, tiếng chim về tổ gọi nhau...Chị có ra đó đứng ngắm cảnh chiều tà lần nào chưa? Đẹp lắm! Vẻ êm đềm của thị trấn yên tĩnh, hiền hòa nầy cứ ở mãi trong trí tôi, biến thành ước ao ngày nào được về đây sống, và mỗi buổi chiều ra ngắm giòng sông... Trong lúc đang mơ màng thì tôi nghe tiếng kêu “Anh đó, về lẹ lên, xe sắp chạy rồi!” Tôi ngẩn lên thấy cô học trò, con chủ quán, vừa chạy trên bờ vừa kêu. Cái bờ sông, tuy không cao lắm, nhưng có cỏ, nên cô bị trược chân, gượng lại không được, cứ chạy chúi nhủi xuống phía tôi. Tôi giữ được tay cô nhưng cô cũng ngã nhào vào người tôi, khiến tôi cũng suýt ngã theo. Đôi mắt cô ngước nhìn tôi sáng long lanh. Cô mắc cỡ nên má cô hồng. Tóc cô dài và đen, vướng đầy cánh tay tôi. Không hiểu sao tôi lại đủ can đảm hôn lên môi cô, chỉ hôn phớt thôi. Môi cô mềm, hơi thở cô thơm như của trẻ thơ. Đó là nụ hôn khiến tôi rung động, hạnh phúc nhất trong đời. Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn cảm tưởng như mới đây. Cô đẩy tôi ra, lùi lại, nhìn sửng tôi rồi cô cười và nói “Chạy tìm anh bắt mệt!” Tôi nói “Cám ơn em”. Có lẽ cô bị xúc động nên cứ lúng túng không lên được bờ dốc. Tôi nắm tay cô kéo đi “Anh tên Hùng, em tên gì?” “Phúc Lan” “Anh sẽ trở lại thăm em” Lên khỏi bờ sông, cô gỡ tay tôi ra và chạy trước. Cô mới lớn, hơi cao và ốm nhưng dáng đi đã uyển chuyển, tóc cô bay trong gió...

Chị chủ quán bỗng kêu lên.

- Thôi chết, trời mưa mà tôi quên đậy mớ củi, ướt hết!

Chị khoác áo mưa, cứ để đầu trần chạy ra cửa, vòng ra sau hè. Người đàn ông không quan tâm, rót nước trà uống, ông ta như muốn kể cho riêng mình nghe. Một lát chị quay vào, cởi áo mưa treo trước hiên. Đầu tóc, mặt mũi ướt đẫm nước mưa. Chị nói.

- Mưa lớn quá, ướt hết cả!

Chị ra sau quày, lấy khăn xoa đầu tóc, lau mặt, rồi hỉ mũi sụt suỵt. Người đàn ông kêu lên.

- Chị bị cảm rồi đó!
- Cám ơn, tôi sẽ uống thuốc. Ông kể tới đâu rồi? Xin lỗi, tôi vội quá.
- Chuyện đến đó là hết, chẳng có gì hay ho.
- Ông hứa trở lại, rồi ông có trở lại không?
- Thú thật, đôi khi tôi cũng quên bẵng đi. Chẳng phải tôi có người yêu khác, mà cuộc đời cứ bắt đầu óc mình quay cuồng với bao chuyện rắc rối, khi nhớ đến cô bé đó thì lại tự hẹn mình chờ dịp thuận tiện. Rồi vụ đổi đời năm bảy lăm, tôi không thể đi đâu được. Bây giờ tôi ở xa lắm. Hơn nửa đời người, bao nhiêu biến chuyển, chỉ còn đọng lại trong tâm hồn tôi kỷ niệm nhỏ bé với cô Phúc Lan và buổi chiều Sông Pha năm nào. Tôi nhớ người cũ, cảnh cũ lắm mới tìm về đây. Tôi thấy thích ở đây, ở đến già đến chết cũng được.

Chị chủ quán cười.

- Nếu ông về ở đây, hễ đến quán nầy, tôi tính nửa giá thôi. Nhưng bây giờ ông định làm gì, có muốn gặp lại cô bé ngày xưa không? Theo ông kể, có lẽ tuổi cô ta cũng cỡ tôi, cũng đi học cùng trường với tôi, nhưng sao nghe cái tên lạ quá. Để tôi giúp ông, tôi sẽ hỏi các bạn tôi ở đây, dù cô ta có đi nơi khác cũng còn bà con, bạn bè biết cô ta. Nhưng hỏi ra thì báo cho ông cách nào. Ông có địa chỉ không? Ông có muốn nhắn gì với cô ta không?
- Ý kiến chị vậy mà hay. Tôi chỉ cần biết cô ta ở đâu để có dịp tôi chỉ đến nhìn thôi, chứ không gặp. E cô ta đã quên hẳn tôi rồi! Lại nữa tôi không muốn xáo trộn cuộc sống của cô ta. Tôi là kẻ ngoại cuộc rồi.
- Ông cứ cho tôi địa chỉ, khi tìm ra, tôi sẽ báo cho ông.

Rồi chị cười.

- Tôi cũng bắt chước cô bé ngày xưa của ông, hỏi ông, nếu tìm ra cô ta, ông thưởng gì cho tôi? Tôi không cần tiền cũng không cần quả tim của ông.
- Chà, khó thật! Thôi thì như chị nói, tôi sẽ đến quán nầy hằng ngày, suốt quãng đời còn lại của tôi.
- Đùa với ông thôi, bây giờ ông cho tôi địa chỉ, nhưng bà xã ông nổi ghen thì không phải lỗi của tôi đâu nghe.
- Tôi chẳng có gia đình. Tôi đã là thanh niên râu rồi, lỡ thì rồi! Chị có giấy cho tôi xin tờ, cây viết nữa.

Chị chủ quán gọi lớn.

- Hùng ơi, đem cho mẹ cây viết và tờ giấy.

Cô bé chạy ra.

- Con đem cho bác đằng kia.

Chị chủ quán ngồi nhìn con gái và ông khách, ngạc nhiên thấy hao hao như hai cha con. Ông khách hỏi ý kiến chị chủ quán.

- Có lẽ tôi nên viết mấy giòng cho cô ta để nhắc lại chuyện cũ xem cô có nhớ ra không. Tôi nên gọi cô ta là chị, là bà hay là cô?
- Tôi thấy ông nên viết là bà hợp lý hơn.
- Phải rồi, gọi là bà đứng đắn hơn. Rủi người ta không nhớ ra mình cũng không bảo rằng mình thiếu lịch sự.

Người đàn ông ngồi nép vào vách để tránh bụi mưa, chống cằm suy nghĩ một lúc rồi cắm cúi viết. Được độ nửa trang ông đọc lại rồi đem đến cho chị chủ quán.

- Chị xem tôi viết thế nầy có được không?

“Kính gửi bà Phúc Lan,
“Tôi tên Hùng, cách đây gần hai mươi năm, tôi là người khách đến quán của gia đình bà ăn tô cháo. Xong, tôi ra bờ sông ngắm cảnh trong lúc chờ xe đò hỏng phải sửa chữa. Bà có ra gọi tôi vì xe đã sửa xong, tôi được biết tên bà là Phúc Lan. Tuy chỉ có thế nhưng tôi vẫn nhớ đến bà mãi. Hôm nay tôi ghé lại Sông Pha thì quán của gia đình bà không còn nữa! Tôi chỉ mong được biết tin về bà bây giờ ra sao? Bà chắc đã có gia đình, tôi thì cũng lớn tuổi rồi, không còn như ngày xưa! Thế nên tôi chỉ ước mong bà xem tôi như một người bạn nếu bà còn nhớ ra tôi. Còn như bà đã quên bẵng tôi thì tôi xin lỗi bà về những giòng chữ vô duyên nầy. Tôi đã kể hết cho chị chủ quán, người đưa mãnh giấy nầy, nếu tò mò, xin bà cứ hỏi chị ta. Kính chúc bà và ông nhà và các cháu khang an, vạn sự như ý. Kính thư . Hùng”

Chị chủ quán đọc xong.

- Ông viết thế nầy đủ rồi, nếu cô ta có hỏi gì về ông, tôi sẽ kể lại như ông đã kể cho tôi nghe.
- Cám ơn chị. Tiếc quá, hôm nay trời mưa, tôi không thể đi lòng vòng thị trấn nầy.
- Ở đây buồn lắm, trời mưa lại càng buồn hơn. Ông từng đi đây đi đó...mà lại thích ở đây cũng lạ! Nếu ông chờ, hy vọng ngày mai mưa sẽ tạnh.
- Sáng sớm tôi phải đi rồi. Chào chị!

Nói xong ông ta lại xòe tay che đầu, rụt cổ lại đi nép vào hàng hiên. Chị chủ quán ngồi nhìn theo ông ta cho đến khi đi khuất. Chị bần thần đọc lại lá thư rồi xé, ném vào bếp lửa, chỉ giữ lại cái địa chỉ.

Sông Pha Ngày...tháng...năm...

“Anh thân yêu,

“Buổi chiều, lúc anh rời quán, em muốn chạy theo kêu anh, cho anh rõ rằng người anh muốn tìm là em, nhưng không hiểu sao, em chỉ biết ngồi chết lặng. Tối đó, em cứ thao thức mãi. Tưởng tượng anh đang ở trong quán trọ đằng kia, ngay tại Sông Pha nầy...Anh gần đó mà sao em thấy xa vời quá! Tình yêu của em, ước mơ của em, hạnh phúc của em...em tưởng là tuyệt vọng, bây giờ đã hiện ra, nhưng em không còn quyền quyết định nữa!

“Và giờ đây, em đang khóc khi viết cho anh. Khóc vì mừng và giận anh. Sao anh hẹn mà không trở lại? Chỉ một cái trượt chân định mệnh, em ngã vào vòng tay anh, em gỡ tay anh ra nhưng em không gỡ được linh hồn em, cuộc đời em ra khỏi anh. Đã bao buổi chiều em ra ngồi ở dốc cầu, âm thầm khóc vì nhớ anh. Em tưởng như anh còn đứng đấy. Dáng anh cao, mắt anh sáng, miệng tươi cười với em. Vì lời hứa của anh mà em hy vọng mãi. Nghe tiếng xe đò ngừng trước đường là em hồi hộp, thầm nhủ rằng anh đang xuống xe và đến với em. Chỗ anh ngồi trong quán, không lúc nào là em không nhìn chừng. Em yêu thương cả đến chỗ ngồi của anh! Và tên anh, nghe người ta gọi nhau, em cũng rung động, nhớ anh.

“Với tuổi thơ ngây, em chỉ cầu mong được gặp anh, nhìn anh, chuyện trò cùng anh, thế thôi. Đến khi trưởng thành, nụ hôn của anh, vòng tay anh thành ước mơ được anh ấp ủ, được quấn quít bên anh.

“Khi quyết định lấy chồng, em cũng ra dốc cầu ngồi khóc đến sưng cả mắt mà chẳng biết tâm sự với ai. Em chỉ biết kêu lên với giòng sông, với gió chiều “Xin hẹn anh kiếp sau” tưởng như gió sẽ đưa lời của em đến với anh. Nhưng biết anh nơi đâu?

"Chiều nay em cũng lại ra đấy, đứng nhìn giòng sông, lòng em vui khi anh đã quay lại nhưng không khỏi ngậm ngùi vì những ước mơ chẳng còn gì. Em cũng đành thì thầm với giòng sông, với gió chiều “Xin hẹn anh kiếp sau”. Anh bảo rằng đã quên em, chỉ nhớ đôi mắt em rất vui, rất đẹp. Bây giờ đôi mắt em không còn vui, cũng chẳng còn đẹp đến độ anh đã gặp mà không nhận ra em! Em thì giây phút đầu đã biết ngay là anh, nhưng không hiểu anh có còn nghĩ đến em không? Đến khi nghe anh kể lại, khi anh nhắc đến tên anh, tên em, em phải chạy ra ngoài mưa đứng khóc. Em khóc say sưa, khóc nức nở. Anh ngồi đó mà em không thể nào ôm anh để kể lể bao thương nhớ của em chất chứa bấy lâu nay. Yêu anh, nhớ anh đã là một hạnh phúc. Được biết anh cũng nhớ đến em, hạnh phúc và lòng biết ơn anh tràn ngập lòng em. Bao nhiêu năm rồi, nụ hôn của anh, có bao giờ em quên. Nhiều đêm em nằm mơ, thấy gặp lại anh, em khóc vì vui mừng, nhưng khi tỉnh dậy, biết chỉ là giấc mơ, em càng khóc vì càng nhớ anh hơn. Và ngay khi đang viết thư nầy, em cũng đầm đìa nước mắt...Chiều hôm qua, anh đến với em. Có phải là giấc mơ không anh?

"Dù sao cũng là một an ủi cho em, không bỏ công em lập quán bên đường để chờ anh. Đứa con gái đầu lòng, em đặt tên anh để mỗi ngày gọi anh cho đỡ nhớ, và em cũng không ngờ nó lại phảng phất giống anh.

"Từ hôm nay em lại nhìn chừng về phía bàn anh ngồi, lại hy vọng anh sẽ quay về. Anh vẫn thế, nhưng em đã thay đổi. Em đã có chồng, có con. Em thương chồng, thương con. Em có một gia đình bình thường, một hạnh phúc bình thường như anh đã bảo. Lý trí em thì nghe theo lời anh “Không muốn xáo trộn cuộc sống của em” Nhưng tự tim em, tự tâm hồn em, cứ mong ngóng được gặp lại anh hằng ngày.

“Hay là thế nầy. Chúng ta thỏa thuận, cứ vào gần cuối mùa Xuân, mỗi năm anh về thăm em một lần, cũng vào buổi chiều như hôm trước. Anh như là khách lạ, ghé vào quán của em. Anh đừng chuyện trò, hỏi han gì em. Anh cứ ngồi đấy, để em được nhìn thấy anh trong chốc lát, là ban cho em hạnh phúc tuyệt vời rồi. Xin anh đừng liên lạc gì với em cả. Em không ghi địa chỉ của em là vì thế.

“Em van anh, đừng thực hiện ý định về sống suốt đời ở thị trấn nầy. Dốc cầu còn đó, giòng sông còn đó, ánh nắng chiều vẫn vậy. Nếu anh về ở hẳn nơi đây, mỗi chiều anh ra đứng đấy thì cái thảm cỏ kia sẽ làm trượt chân em. Lần nầy, em biết, sẽ không gỡ tay anh ra được nữa”

Phạm thành Châu

(Trích trong tập truyện NHỚ HUẾ)

Monday, February 23, 2009

Thơ Trần Bích Tiên


NÓI VỚI EM LỚP SÁU


Này em lớp sáu này em nhỏ
Gặp em rồi không quên em đâu
Chiều nay hai đứa về qua phố
Rất tự nhiên mà mình quen nhau.

Em chạy tung tăng không mắc cở
Chị thì bước chậm ì theo sau
Tuổi mười hai chị xa vời quá
Chị gọi em chờ,em chạy mau.

Này em lớp sáu này em nhỏ
Em hảy dừng chân một chút lâu
Chị vuốt tóc em rồi chị nhớ
Tóc em thơm ngát mùi hương cau.

Hương cau vườn chị xa như tuổi
Ba má chị nằm dưới mộ sâu
Vườn củ nhà xưa tàn với lửa
Chị đi về hai buổi âm u.

Gập em ngoài phố mình như bạn
Thôi mộng trong bàn tay nắm nhau
Chị ngắt cho em hoa cúc nhỏ
Em cười cái miệng mới xinh sao.

Ngày xưa chị cũng như em chứ
Cũng rất ngây thơ rất ngọt ngào
Chị nhớ mỗi chiều tan học sớm
Bạn bè đuổi bướm thật xôn xao.

Những con bướm lượn trên bờ cỏ
Chị cũng như em chạy đuổi mau
Bây giờ bướm biệt trên đường phố
Em đuổi sương mù thôi chiêm bao.

Này em lớp sáu này em nhỏ
"Gặp em tôi muôn thuở không quên”
Trời ơi câu đó ngày hôm trước
Ai rót vào hồn chị hởi em ?

Sách trên tay chị nghe chừng nặng
Sao cặp em đầy vẫn nhẹ tênh ?
Thôi nhé em về con phố dưới
Giữ hoài cho chị tuổi Hoa Niên.

TRẦN BÍCH TIÊN

Nguồn Tạp chí Vanhocnghethuat

Sunday, February 22, 2009

Hòn Vọng Phu


Hòn Vọng Phu

Video độc tấu đàn bầu Hòn Vọng Phu 2

Tại Đông phương, hình ảnh người vợ trông chồng hóa đá, được các dân tộc cụ thể hóa qua hình ảnh Núi Vọng Phu như ở Trung Quốc, Nam Dương, Việt Nam...
Ở Nam dương, tại đảo Bornéo, có núi Mont Kinabalu (4.095m) là Hòn Vọng Phu nổi tiếng tại vùng Đông Á (Mã Lai-Nam Dương-Brunei) (hình phải)

Ở Việt Nam, có hai địa danh được gọi là Hòn Vọng Phu :
- Một ở tỉnh Lạng Sơn - Nàng Tô Thị (hình trái)

-Một ở tỉnh Bình Định - Núi Bà

Từ hình ảnh đau thương và cảm động của người chinh phụ chờ chồng hóa đá này, các văn, thi sĩ thể hiện qua nhiều hình thái: Nhạc, Thơ, Tuồng... làm phong phú và đa dạng các bộ môn văn học nghệ thuật nước nhà.

 
1.- Về âm nhạc, nhạc sĩ LÊ THƯƠNG (1914-1996-Hình phải), vốn từ miền Bắc vào ở trong miền Nam rất sớm,năm1941. Ông là một trong các nhạc sĩ hàng đầu của nền tân nhac Việt Nam, từ thập kỷ 30 của thế kỷ trước. Theo tài liệu viết của bác sĩ Phạm Anh DũngAdd Image thì khoảng năm 1943, tại tỉnh Bến Tre, ông viết bản nhạc HÒN VỌNG PHU 1, bằng âm điệu gần gũi âm giai Ngũ cung của dân ca Việt Nam với ảnh hưởng từ Chinh Phụ Ngâm, thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn mà Đoàn Thị Điểm, đã dịch ra chữ Nôm. Sau đó, ông viết tiếp HÒN VỌNG PHU 2 (Ai xuôi vạn lý 1946), HÒN VỌNG PHU 3 (Người chinh phu về 1947). Đây là những bản nhạc hay nhất của nền âm nhạc Việt Nam.

2.- Về cải lương, có vỡ tuồng tâm lý xã hội Hòn Vọng Phu, do TRUNG TÂM LÀNG VĂN, sản xuất tháng 6 năm 2006. Đây là một việc làm rất đáng ca ngợi, nhất là nhằm phục vụ giới thưởng ngoạn của thế hệ thứ 2 của cộng đồng người Việt hải ngoại. Mong rằng, Trung Tâm Làng Văn tiếp tục, các vở tương tự, kế tiếp.

3.- Về thơ chữ Hán, có bài hai bài VỌNG PHU THẠCH của CAO BÁ QUÁT và NGUYỄN DU như sau:

VỌNG PHU THẠCH


Độc lập sơn đầu đệ nhất phong
Chu điêu phấn tạ vị thùy dung
Âm thư cữu đoạn nhân hà xứ
Thiên hải vô nhai lộ kỷ trùng
Huyết lệ yên hòa minh nguyệt thấp,
Hương hoàn vân tích lục đài phong.
Thiên hoang địa lão tình do tạc,
Dạ dạ xao tàn bích đổng chung.

CAO BÁ QUÁT

HÒN VỌNG PHU

Đứng sững đầu non đỉnh tuyệt vời,
Son phai phấn lạt biết vì ai?
Người nơi nao vắng không tin tức?
Đường mấy trùng xa cách biển trời?
Mây phủ rêu xanh,làn tóc rủ,
Khói dầm trắng bạc,giọt chân rơi.
Trời già đất cỗi tình khôn chuyển,
Động biếc chuông đêm vẫn đổ hồi!

HOÀNG TẠO dịch

VỌNG PHU THẠCH

Thạch da? Nhân da ? Bỉ hà nhân?
Độc lập sơn đầu thiên bách xuân.
Vạn kiếp điếu vô vân vũ mộng,
Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân.
Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ,
Đài triện trường minh nhất đoạn văn.
Tứ vọng liên sơn diêu vô tế,
Độc giao nhi nữ thiện nhi luân.

NGUYỄN DU

NÚI TRÔNG CHỒNG

Đá hay người chẳng biết là ai?
Đỉnh núi ngàn xuân đứng miệt mài.
Bỏ mộng mây mưa từ vạn kiếp,
Giữ thân trinh tiết đến muôn đời.
Ba thu mưa lệ hoài không dứt,
Một áng văn rêu mãi tuyệt vời.
Núi biếc mênh mông trùng điệp điệp,
Luân thường phận gái gánh trên vai.

VƯƠNG HẢI ĐÀ dịch

Từ sự tích chuyện Trầu Cau, Thiếu Phụ Nam Xương... đến Hòn Vọng Phu, quả thật người Việt ta, rất đáng tự hào về sự thủy chung của các truyện truyền kỳ lịch sử của chính mình vậy.

Nguyễn Nga Bích

CA NHẠC
Hòn Vọng Phu 1 & 2

Hòn Vọng Phu 3
Sự tích Hòn Vọng Phu


CẢI LƯƠNG
Hòn Vọng Phu 1

Hòn Vọng Phu 2

張 翠 后 詩


夏懷

鳳 紅 鳳 紅
(鳳 尾 紅 花)
落 花 靡 白 滿 衣
蟬 鳴 奮 發 混 風 吹.

夏 紅 夏 紅 1972 年
驚 胡 啡 傷 印 履
大 路 羣 羣 恐 避 危.

夏 懷 夏 懷
嘆 金 翹 夭 夭 記
鳳 容 兮 今 日 何 爲 ?

夏 懷 離 別 喪 傷 度
萬 古 丹 心 使 淚 詩.

張 翠 后

Thơ Phạm Cây Trâm


ĐỜI VẮNG EM NHỚ MÃI SAI GÒN

Nắng sơ ý đậu lên bờ vai ảo
Áo em bay trắng nhớ phố Saigon
Anh vụng dại mang biển trời mong ước
Mỗi đêm về ngớ ngẩn ngủ đầu non.

Đã một thuở dặm đường xa bám gót
Dấu chân em tha thiết dẵm lên hoài
Như linh cảm có điều chi bất trắc
Hồi hộp lòng và thổn thức mơ ai...

Chút cảm giác mang hương tình tản mạn
Biển mênh mông, thuyền mất hướng quay về
Cuồng điên quay rượu thơ đêm buồn chán
Reo đời mình oan nghiệt nhớ thương quê.

Đời từ đó nối hai bờ hư thực
Chiếc cầu vồng ngũ sắc - cổ thi xanh
Ngồi cuối phố uống rượu ca Tư Mã"
Phượng hề" ôi! Thơ ta độc hành.

Giờ mất em với non thề biển hẹn
Đợi chờ chi nay không có - có không
Từ trời xanh em mặc tình mưa nắng
Cõi lòng anh mây thanh thản phiêu bồng.

Đèn đêm nay chong hắt hiu phố lạnh
Viễn xứ buồn canh cánh tứ hoang mang
Đời vắng em nhớ Saigon nhớ quá
Rượu cạn một mình nhớ mãi Việt Nam.

Em mất hút để ta đời thơ thẩn
Mang tâm hồn thác loạn sống đêm nay
Giữa thế giới mịt mù đầy ảo mộng
Quờ quạng đường đi năm tháng quắt quay.

Nay đơn độc giữa thói đời đen bạc
Mưa cuồng điên anh đứng lặng bơ vơ
Mang chút lửa ấm cuối đời lê lết
Chờ vòng tay em tối hẹn ước mơ...

PHẠM CÂY TRÂM

Đọc truyện



BỨC HỌA KHỎA THÂN
CỦA NHÀ VĂN PHẠM THÀNH CHÂU

Khoảng hơn 2 năm trước, trên Việt Báo online có đăng tin là Ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhà sách Khai Trí ở Saigon trước 1975 mà ai cũng biết, khi từ Mỹ về Việt Nam, có mang theo mấy thùng sách, và đã bị hải quan cọng sản Việt Nam tịch thu tại phi trường Tân Sơn Nhất, trong đó có chừng hơn 100 quyển truyện “Nhớ Huế” của nhà văn Phạm Thành Châu. Thấy chuyện lạ, tôi bèn cố tìm đọc cho được cuốn truyện “Nhớ Huế” này, và qua đó đã hiểu rõ được tại sao cụ Nguyễn, đã trên 80 tuổi, rất nỗi tiếng trong nghành kinh doanh sách báo ở Việt Nam trước đây, đã phải gặp tai ương văn hoá này. Điều này có nghĩa là nhà văn Phạm Thành Châu đã không tránh khỏi cặp mắt sành đời, gạn lọc của Cụ về các tác phẩm văn học,nghệ thuật trong các thập niên qua. Đó là trường hợp tập truyện “Nhớ Huế.”

Đầu mùa Xuân năm nay 2004, nhà xuất bản Hoàng Thị Thúy lại cho ra thêm tập truyện thứ 2 của nhà văn Phạm Thành Châu “Bức Hoạ Khoả Thân”, lại càng làm tăng thêm cái vẽ lạ lẫm và ngát hương của vườn hoa, vốn đa dạng và phong phú của văn học hải ngoại gần 30 năm qua.

Bức Hoạ Khoả Thân dày 236 trang ,khổ giấy 14-21cm, in tại nhà in Walter Bros. Virginia,trên giấy trắng tốt,trình bày trang nhả ,mỹ thuật, hình bìa màu do hoạ sĩ Đinh Cường vẽ,cùng các phụ bản của Joseph Hoà,Ngô Vương Toại và Đinh Cường. Có in hình tác giả và các nhận xét về tập truyện “Nhớ Huế”của các bậc nỗi tiếng ở bìa sau. Đó là phần hình thức.

Đi sâu vào nội dung của tập truyện,người đọc sẽ thấy ngay đề Tựa, trong đó tác giả, nhà văn Phạm Thành Châu cho là ”chuyện giải trí, không phải là văn chương”.Có thật thế không ?

Bức Hoạ Khoả Thân , gồm 14 truyện ngắn và 2 truyện rất ngắn,các đề tài được đề cập đến vẫn là những quan tâm muôn thuở của con người nói chung và người Việt nói riêng, bao gồm:Số mệnh con người và những huyền bí của nó,hình ảnh người phụ nữ VN, người chiến sĩ quân lực VNCH, bức tranh xã hội miền Nam VN sau năm 1975, người Việt hải ngoại và xã hội đa văn hoá, tệ nạn phá thai cùng các truyện tình yêu linh tinh khác,với phong cách suy nghỉ, diễn đạt và hành văn rất mực riêng biệt của Phạm Thành Châu.

Ở thế kỷ trước, khi luận về tác phẩm văn học, Cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu chung qui lại trong “văn phong,văn ý, văn tứ, văn tài và văn tâm” điều này thuộc phạm trù của các nhà phê bình văn học (literary criticists), ở đây người đọc truyện (books/readers), chỉ xin được phép tạm mượn cái sành ăn của thi sỉ rau sắng chùa Hương, mộc mạc và bình dị, đi thẳng mà lạm bàn, như sau :

Bức Hoạ Khoả Thân như một tô phở, tuy đơn giản nhưng rất phong phu (trong tô phở có đến 24 thành phần khác nhau và được nấu rất kỷ) Phở phải ăn nóng và ăn nhanh mới ngon Cũng như khi gặp truyện hay,người đọc thường bị cuốn hút, phải đọc luôn một mạch. Nhiều truyện của Phạm Thành Châu được gặp trong trường hợp này.Với lại đôi khi, cũng có nhiều cái tưng tửng mà tác giả,viết trong các câu đối thoại, rất thú vị, chẳng hạn trong truyện “Hoạn Thư tập sự ” khi Lan giận Tứ vì ghen : ”Lan tức quá trả lời. - Kệ chó tui ! ” (BHKT tr.159) làm người đọc có dịp được cười một mình và khựng lại, nó như nét chấm phá vô tình nhưng tuyệt diệu, như trong nghệ thuật Thư họa (calligraphy) vậy.

Văn học vốn có sứ mệnh của nó,nhà văn khi đặt các vấn nạn xã hội vào trong tác phẩm của mình, đều tìm cách lý giải,phân tích và cố đưa ra cái Thiên hướng ( God will) cho mọi người,mọi nơi và mọi thời đại.

Có những vấn đề cấp thời phải khẳng định và có thái độ rỏ rệt, trong cuộc sống hằng ngày thuộc lãnh vực đạo đức như nạn phá thai, tác giả đã dứt khoát có quan điểm ngay: ”Nói gì hả? Tôi không phá thai, phá thiếc gì hết. Con tôi, tôi sinh tôi nuôi.Tôi không cần anh.Nó không cần cha.Thứ cha sát nhân, thứ cha giết con như anh …”như ở truyện “Đứa con đầu lòng” (BHKH tr.202).

Câu chuyện cảm động về sự hi sinh cao cả và lý tưởng quốc gia của người lính VN cọng hoà trong cuộc chiến sau cùng năm 1975 ”Ông phó bảo đã tốt nghiệp sĩ quan Thủ Đức mà lại trốn chui trốn nhủi thì nhục lắm… ( Chuyện người Nghĩa quân-BHKT tr.145) làm người đọc chạnh lòng và bi phẩn, khi nghỉ đến những giai đoạn ngặt nghèo và dâu bể, có một không hai trong lịch sử dân tộc vừa qua.

Mặt khác, trong hai truyện thật ngắn, có thể là tác giả đã có dụng ý riêng, để vinh danh và đề cao cái thiên chức của người phụ nữ Việt Nam trong vai trò: làm mẹ,làm vợ,làm dâu, tác giả viết tình nghĩa, thiết tha và đầy tính đạo lý. Thật vậy, không ai không chia xẻ được những đức hạnh khả phong và cao quí của cuộc đời của người vợ, trong bổn phận làm dâu,ïnhư trong truyện” Hồn Em đi theo Anh” : “Khi còn ở Việt Nam, bà Tư là dâu trưởng trong gia tộc.Từ ngày về nhà chồng,bà thường phải quán xuyến mọi việc kỵ giỗ thay chồng vì chồng thường hành quân xa.Những tờ lịch trên tường chi chít những ghi chép về các ngày cúng kỵ…BHKT tr.121”. Cũng như cái chính chuyên trong hạnh phúc gia đình của người phụ nữ Việt Nam trong truyện Bạn về xứ Bạn “ Ánh nắng chiều soi nghiêng bóng người trên con đường vắng. Bà đứng sau lưng chồng, nhìn theo dáng mệt mỏi của người đàn ông đang khuất đần sau hàng cây bên kia đường…..Chắc gì lại gặp nhau lần nữa….BHKT tr.119” . Điều này, độc giả cũng sẽ được bắt gặp thêm nữa ở Hạnh, người vợ thuỷ chung với người chồng bệnh hoạn trong hoàn cảnh khắc nghiệt thường gặp phải ở quê nhà, trong “Nha Trang ngày về”(BHKT tr.127-140).

Thêm vào đó, nếu văn học nhân gian là sản phẩm biến thiên của địa lý văn hoá, (ví như chuyện Tấm Cám ở VN có khác với chuyện tương tự Cinderella ở phương Tây), thì những chuyện nhân gian (folktales)như “Liễu Chương Đài” trong văn hoc cổ Trung Quốc, lại rất gần gủi với văn chương Việt Nam (BHKT tr.219-230), hoặc chính của Việt Nam, mà tiêu biểu về tình bạn (và tình yêu), như truyện Lưu Bình-Dương Lễ, lại cũng được tác giả đặc biệt viết lại, ( kiểu như Lỗ Tấn(1881-1936)ở Trung quốc, trong”Cố sự tân biên”) ở một hình thái khác, mới mẽ hơn, thiên biến dưới góc cạnh đa văn hoá và chủng tộc, của người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, như truyện “Bạn vàng”, rất sinh động và tài hoa, kể cả dùng luôn Anh ngữ đối thoại, từ cô gái Mễ :”Helo, honey! I have baby four months, but I told him three months. Bye.”( BHKT tr.91).

Ngoài ra, các truyện còn lại thuộc thể tài bao quát này, đều mang yếu tính nhân bản, dân tộc, khoa học và đại chúng mà bản chất văn học vốn thủ đắc như là phụ giúp, cùng các bộ môn khác, để tiến trình lịch sử xã hội đi nhanh về phía trước được thuận tiện hơn.

Bù lại, những ưu tư muôn thưở của nhân thế như sự huyền bí, số mệnh,ma quỉ của các truyện “ Lá số tử vi”,”Bí ẩn của một chuyện tình”,mà” Bức Hoạ Khoả Thân” cũng là một truyện tác giả dùng làm đề tựa cuốn sách, thì trong chừng mực nào đó, tác giả lại rất ý tứ và tế nhị,khi muốn được độc giả tiếp tay lý giải, như trong truyện Lá số tử vi : “Bây giờ thì mời bạn cho ý kiến” con người có số mạng không? BHKT tr.78. “. Ở đây, tuy rất ít, nhưng e chừng, ý có lộng giả thành chân là, thêm vào một chút huyền bí, ma quái như trong các truyện Liêu trai và” khoả thân” cho nó, cho có tính thời thượng, bắt mắt và xô về phía trước như là đề tài chính của tập truyện, âu đó cũng là những yêu cầu thường tình cần thiết vậy.

Ở những điều này,hình như gần gủi với một loại được gọi là văn chương Ông Ba Bị (hobgoblin literary) đòi dỗ dành và bắt bí mà triết gia Mỹ,Ralph Waldo Emerson (1803-1882) đã có bàn khi nói đến tính kiên định của tác phẩm (consistency of work) trong quyển Self-Reliance của Ông, mà tác giả Bức Hoạ Khoả Thân đã viết như là : “Ở xứ Mỹ,việc kiếm sống cùng những dị biệt văn hoá khiến tâm trí đa số người Việt căng thẳng, đến độ có người muốn điên cái đầu, có người bị đứt mạch máu…Đọc chuyện tôi, bạn sẽ có được đôi phút thư giản. Tựa-BHKT.

Để nhờ góp ý từ Bạn đọc qua Bức Hoạ Khoả Thân, tác giả viêt ”Quí vị phải tìm cho ra một vài điều…nếu không ra…(Tựa-BHKT tr.3)” thì theo tôi,nếu tác giả có dụng ý riêng thì không nói làm gì, nếu không vì thế thì, nó là chỗ này đây, về mặt ngữ học(linguistics-phraseology) đã có trong đó, mà phải nói, về các câu hát ru em miền Trung, nếu không e chừng là có lỗi với tác giả, độc giả và chính mình nữa, ví dụ phải là :
-Bạn về xứ bạn (chớ) biết gửi sầu về(à) nơi mô : thay vì…không biết giải(mối)sầu cùng ai. Vì rằng: xứ bạn-nơi mô. ( Bạn về xứ Bạn-BHKT tr.117)
-Anh ham vợ bé bỏ bè con thơ : thay vì …Anh ham vợ nhỏ. Chữ bé đi theo chữ bè, thuộc trác âm vận. (Hoạn Thư tập sự-BHKT tr.161) .

Gần 2500 năm về trước, trong quyển Aphorisms, Hippocrates(460 BC- 370 BC)đã viết : ”Đời thì ngắn, nghệ thuật thì vĩnh cửu, cơ hội sẽ không còn, mà kinh nghiệm thì bạc đãi, nên khó phán xét”.Vì rằng,tiểu thuyết như là bệnh l‎ý cần biện giải,mà độc giả là những thầy lang ước lệ khi định bệnh.Biết vậy, nhưng cũng phải nói là Bức Hoạ Khoả Thân, qua những lạm bàn bất túc nêu trên, quả thật, nó không thuộc loại giải trí không phải là văn chương, như tác giả đã viết(Tựa-BHKT tr.3) . Phải chăng nhà văn họ Phạm lại bắt chước cụ Nguyễn Du(1865-1820): “ Mua vui cũng được một vài trống canh.”.

Nhà văn, bao giờ cũng vậy, như người đi vào khu rừng thưa, nên dễ bị phát hiện. Người đọc, như kẻ tìm trầm. Trong khu rừng rậm tìm gì cũng khó. Đó là ý niệm chung muôn thưở và cũng là cội nguồn của sáng tạo, sáng tác và tìm kiếm, phát hiện về cả hai phía. Còn việc tới đâu, ra sao thì: “Đắc thất thốn tâm trí” do ở tấm lòng, như thi hào Đổ Phủ (712-770)đã nói.

Cuối cùng , trong niềm tương cảm thụ đắc, giữa người đọc và người viết, như là sợi dây vô hình, cố kết tự nhiên vốn có của bất cứ không gian và thời gian nào trong lãnh vực văn học,nghệ thuật đều là những thịnh tình đẹp đẻ và đáng quý, nên chi, từ xuất xứ này, có thể nói rằng :

Tác giả của”Bức Hoạ Khoả Thân” ví như một con hạc trắng đang sãi rộng đôi cánh ngoài đồng nội. Và”Nhớ Huế” cũng như “Bức Hoạ Khoả Thân”, không phải như là hai cái đế để con hạc gỗ mun đứng lên ở trong nội thất Văn miếu. Điều này, có nghĩa là người đọc tin cậy và chờ đợi, các tác phẩm mới của nhà văn Phạm Thành Châu.

Và nếu có gì vụng về, thô thiển, bất cập, thái quá và bất ý ở đây, xin được tác giả” Bức Hoạ Khoả Thân” và bạn đọc vui lòng lượng thứ cho.


TRƯƠNG THUÝ HẬU

Độc giả cần sách,liên lạc:
Ô.Phạm Thành Châu. 7004 Beverly Lane Springfield.VA 22150 .USA
Điện thoại (703) 569.0124 Email:pham.t.chau@juno.com
Giá 12 us dollars,kể cả bưu phí tại Mỹ.

Thơ Lê Thi Thư


VỌNG CỐ NHÂN


Ở bên này tả ngạn sông Hương
Gót nhỏ người đi thấm bụi đường
Hạ đỏ thuyền tình nghiêng sóng vỗ
Thu vàng bể ái rối tơ vương

Có phải tay ngà buông chén ngọc
Hay là quốc sắc nhuốm phong sương
Ru con ai hát câu thơ cổ
“Vọng cố nhân hề thiên nhất phương”

LÊ THI THƯ

XIN ĐƯỢC MỘT LẦN VINH DANH


Kính đến các niên trưởng, huynh trưởng và bằng hữu,

-Viết những giòng này trong tột cùng cảm xúc được một lần vinh danh lá CỜ VÀNG thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam.

-Chuyến đi bộ 4 ngày lần thứ 89 (Four Days Marches) lớn nhất thế giới được tổ chức tại tỉnh Nijmegen / Hòa Lan, chấm dứt hôm thứ sáu, 22 tháng 7 năm 2006 vừa qua. Ngoài hơn 40.000 tham dự viên đi bộ còn có khoảng 900.000 khán giả đến xem ngày cuối ( 3 thế hệ với Lưu Tấn Phước (cựu) quân nhân VNCH với số tuổi 60 của thế hệ thứ nhất và Bùi Thanh Thảo quân nhân đến từ Mỹ, 32 tuổi, của thế hệ thứ 3. Hình trên)

3 THẾ HỆ - MỘT TẤM LÒNG - MỘT NIỀM TIN

Ngày nào cũng có người khen cờ đẹp! Ngày nào cũng có người hỏi cờ quốc gia nào. Cũng có người thấy lá cờ, dơ ngón tay cái la lớn "VIET NAM - VIET NAM". Cũng không thiếu những người xin đi chung và xin được cầm cờ!

- 4 ngày với nắng gắt, mưa rào, gió lộng và dẫy dồi chập chùng 6 ngọn.
- 4 ngày với mồ hôi và những bàn chân phồng căng rướm máụ
- 4 ngày trong niềm hãnh diện và xúc động dạt dào được đi dưới ngọn cờ vàng.
- Sau 4 ngày và hơn 120km (75 miles), sau những ly nước, bánh kẹo, trái cây của dân làng cho dọc đường để rồi ngày cuối phái đoàn Việt Nam đi với những nhánh hoa được trao tặng, giữa tiếng reo hò, vỗ tay ủng hộ, cổ võ của hàng ngàn khán giả dọc đường suốt nhiều cây số trước khi đến đích. Những nụ cười rạng rỡ của ngày cuối có vị mặn của mồ hôi, máu và nước mắt.

Kính đến tất cả lời chúc "chân cứng đá mềm", lời nguyền "quyết chiến - quyết thắng" và lời chào:

TỔ QUỐC MUÔN NĂM - DÂN TỘC TRƯỜNG TỒN

Nguyễn Điền Lăng

Nguồn:Trận chiến dựng lại Cờ Vàng

Saturday, February 21, 2009

Luân Lý Giáo Khoa Thư


Đọc

Luân Lý Giáo Khoa Thư
Bộ sách trong VIỆT NAM TIỂU HỌC TÙNG THƯ
do các nhà sư phạm tiền bối lỗi lạc :
TRẦN TRỌNG KIM-NGUYỄN VĂN NGỌC-ĐẶNG ĐÌNH PHÚC-ĐỖ THẬN
viết dành cho Lớp Sơ Đẳng

Nha Học-Chánh Đông Pháp
Xuất bản năm 1941

Nguồn vietnamlibrary

CON GÀ TRỐNG CÔ ĐƠN


Hoài đột ngột thức giấc bởi tiếng gà gáy sáng, chàng giơ tay xem đồng hồ, mới gần 4 giờ. Mấy năm không hề nghe tiếng gà gáy, chàng đã quen tự thức giấc theo giờ đã định. Hôm qua dọn tới nhà mới, chàng có thấy con gà trống quanh quẩn dưới giàn nho, nhưng bận bịu dọn dẹp đồ đạc, không mấy để ý, không ngờ chính nó làm phiền chàng sáng nay. Sửa soạn đi làm thì sớm quá, ngủ lại thì không được, Hoài đành trỗi dậy định ra nhà bếp pha café, cũng là lúc Thương, vợ chàng, vừa ngáp vừa nói nhỏ:

- Anh không ngủ thêm? - Chịu thôi, con gà mắc dịch – em cũng bị nó đánh thức à, hay do anh trở mình? Hoài hỏi vợ. - Cả hai – Mà thôi, anh rán ngủ thêm đi, còn sớm. Thương nhỏ nhẹ.

Hoài lưỡng lự một lát rồi nói: - Thôi, anh đi pha café uống chờ sáng vậy, em muốn thức với anh tới sáng không? - Muốn . Nhưng anh đi nhè nhẹ để cho tụi nhỏ nó ngủ.

- Được thôi. Nói rồi Hoài ra nhà bếp bật đèn, loay hoay pha café. Dưới ánh đèn lờ mờ từ ngoài đường hắt vào, Hoài có thể thấy con gà trống đậu gần bờ rào dưới giàn nho. Tự dưng chợt liên tưởng tới chuyện "Ngàn Lẽ Một Đêm”, khi con gà chê ông chủ nhà ngu, không biết dạy vợ, chàng mĩm cười một mình. Mới hôm nào đây cư sĩ Vô Lai nói với chàng, trong tất cả mọi sự tranh chấp, thì sự tranh chấp giữa âm và dương mà tượng trưng nhất là giữa con trống và con mái, có tính cách quyết liệt hơn cả, con trống là Hùng, con mái là Thư, từ đó ta nói quyết một trận thư hùng, hoặc một trận sống mái…

Pha café xong, Hoài bưng vào phòng ngủ. Thương dáng nằm nghiêng, tóc xõa đầy mặt gối, thấy chồng vào, quay lại hỏi :

- Anh còn thấy con gà không?
- Còn.

- Anh định làm gì nó?

- Dễ thôi, bỏ nó ra ngoài lộ, muốn đi đâu nó đi.

- Tội nghiệp nó, hay để nuôi đi anh, em sẽ mua cho nó vài con gà mái.

- Không được đâu, em thấy mình bị mất ngủ rồi chứ. Anh không hiểu người chủ cũ sao chỉ nuôi có một con gà trống duy nhất trong khu vườn rộng như vậy.

- Em nghĩ là ổng bán hết trước khi dọn đi, còn con này bị sót lại.

- Chứ không phải ổng bắt ăn thịt dần, con này chưa bắt kịp…

- Anh nói hay nhỉ, ở đây ai mà làm thịt gà.

- Sao lại không, nông trại ở Mỹ người ta còn làm thịt cả dê, trừu thấm tháp gì mấy con gà!

- Hồi còn ở bên nhà, em nghe nói bên Mỹ người ta không ăn thịt gà làm tại nhà, sợ bị nhiễm bệnh, chỉ mua thịt ở các siêu thị thôi. Làm gà bỏ lông đâu đó còn bị phạt nữa.

- À, vệ sinh là chuyện khác.

Hoài nhấp một ngụm café định nói thêm thì Thương chợt cắt ngang:

- Thế sao anh không làm thịt nó?

- Không, đơn giản là anh không muốn ăn thịt gà công nghiệp, gà thả bên mình ngon hơn nhiều. - Chắc tại anh có tính hoài cổ nên…

- Sao em không nói là anh bảo thủ luôn đi !

- Lại sắp giận rồi chứ gì, em chỉ muốn nói…

- Thôi đừng nói chuyện đó nữa. Hoài đưa tay ngăn vợ . Làm sao anh có thể nói hết cho em nghe những điều yêu điều ghét của anh, bởi chính anh cũng còn bị mâu thuẫn nũa mà! Hoài cổ cũng có, bảo thủ cũng có. Anh thấy anh như cái cây bị nhổ lên trồng lại, chùm rễ một số ít đâm ra hút nước, tạo nhựa nuôi cây, nhưng đa số đều có chiều hướng quay vào, co lại, có lẽ cần thời gian khá lâu mới cây này mới xanh tốt trở lại.

- Toàn bộ rể cây không hút nước thì cây khó xanh lại quá, ngày càng héo tàn thì có. Thương chen vào

- Ý anh muốn nói là xã hội ảnh hưởng con người, cũng như cách nuôi làm thay đổi con gà

- Hoài tiếp - Cách nuôi công nghiệp đã làm con gà trống mất nhiều khả năng bẩm sinh. Em hãy tưởng tượng chú Cồ dẫn một đàn dăm bảy ả gà mái kiếm ăn trong vườn, được con dế, con mồi béo bở thì Cồ túc túc liên hồi gọi ả gà mái lại cùng ăn, thật là tình! Thỉnh thoảng Cồ ta lại nhảy lên bờ rào gáy vang một hồi ra chiều ta đây vua một cõi, dương oai tình địch đâu đó hãy tránh xa vườn ngự uyển này kẻo một trận thư hùng sẽ xẩy ra. Với cặp mắt tròn ve nhỏ xíu nhưng rất tinh anh, Cồ còn nhiệm vụ canh chừng diều quạ từ trên cao xuống bắt gà con. Hễ nghe Cồ oác lên tiếng báo động, ngay lập tức đàn gà con lủi ngay vào ẩn dưới cánh gà mẹ hoặc bụi bờ gần nhất, có con mới mấy ngày tuổi chạy không kịp cũng biết giả chết nằm ẹp tại chỗ, trông thật buồn cười và tội nghiệp. Hiểm nguy qua đi, họ hàng nhà gà lại nhởn nhơ, thanh bình kiếm ăn trong vườn, Cồ ta lại có đất dụng võ, thi triển được hết khả năng thiên phú. Đâu có như gà công nghiệp, ăn toàn thức ăn biến chế, lớn nhanh như thổi nhưng chạy không nhanh, đứng không vững, mất khả năng dẫn mái, đấu đá…

- Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, anh ạ, ông cha mình đã nói như vậy rồi, gà ở đây khác, người ở đây cũng khác, anh khéo liệu mà thay đổi cách sống đó – Thương, thừa gió bẻ măng.

Hoài thấy vợ vẫn không muốn hiểu mình nói gì, bởi nàng chỉ muốn chàng như cục bột để nàng nhào nặn, bèn nói :
- Anh đã mất hơn là đã thay đổi. Em nhớ đi, bên nhà, anh thực sự là chủ một gia đình. - Ai truất quyền ấy của anh đâu nào.

Khoan, để anh nói đã – Hoài đưa tay ngăn vợ - Bên nhà mọi thứ anh lo toan hết, em lo việc nhà và nuôi dạy con cái. Anh chỉ tìm thấy hạnh phúc an bình trong cái trật tự ấy. Duy một điều anh không bằng lòng em là sanh con không cho con bú, bởi anh nghĩ mẹ không cho con bú là chưa làm tròn một trách nhiệm thiêng liêng, còn ích kỷ. Sở dĩ cái cây nẩy nầm lớn lên được là nhờ cái hạt tiêu huỷ biến thành, và nữa, biết đâu do không cho con bú mà người Âu, Mỹ bị ung thư vú nhiều, có thể sữa bị ứ đọng đâu đó trong bầu vú không thoát ra ngoài đươc gây nên, chứ hồi ông bà mình tới giờ, có ai nói ung thư vú đâu !

- Anh nói cái hạt tiêu hao đi để cây con nẩy mầm sinh trưởng thì em đồng ý, chứ nói không cho con bú là ích kỷ thì em không chịu đâu. Một cái hạt nẩy sinh được một cây con, chứ người mẹ sinh đứa này đứa khác, cho bú mau già lắm anh ơi, thẩm mỹ mà anh ! Phải tươi trẻ chứ! Cho bú cái núm vú nó phồng lên như trái cau khô, coi sao được! Ai chẳng muốn trẻ mãi không già, phải không? Bù lại cho em đã có khoa học tiến bộ, các loại thuốc, các loại sữa, chúng cũng khoẻ mạnh kém gì trẻ bú sữa mẹ. Một đằng vợ tươi trẻ, một đằng với vài ba đứa con, vợ đã hom hem, anh chọn đằng nào ?

Bất ngờ bị vợ phản công, Hoài đâm lúng túng, đáp gọn :

- Tươi trẻ là dĩ nhiên rồi. - Vậy từ nay không nhắc chuyện cũ nữa nghe – Thương vừa cười vừa nói - Thời khoa học tiến bộ, mình phải ứng dụng những cái hay cái mới phục vụ con người, chậm chạp như anh là thua luôn !

- Ứng dụng đúng thì tốt thôi, chỉ sợ cái hay khó theo, mà cái dở dễ nhiễm – Hoài vớt vát - Hoặc chưa biết hay dở cũng hùa theo, như em nhớ vụ bơm vú bằng chất silicon không, khối người bị ung thư, tới nay hãng sản xuất phải đền tới 5 tỉ đô la cho các nạn nhân. Và cũng từ đặc tính chuộng mốt thời thượng mà anh rút ra được kết luận là đàn bà dễ thích ứng cái mới, xã hội mới hơn đàn ông. - Chưa chắc à nghe.

- Sao không chắc, này nhé, hồi còn nhỏ em đã từng nghe những tiếng như lấy chồng, về nhà chồng chứ gì ? Thì đấy chính là em đã được sửa soạn để thay đổi, để hội nhập. Từ khi có trí khôn, cô đã lờ mờ rằng sẽ phải lìa bỏ cha mẹ, anh em để về nhà chồng, trong thời gian chờ đợi đó, cô phải trau dồi công dung ngôn hạnh, sẵn sàng để về, có khi phải liều lĩnh để về một nơi xa lạ, vậy nên cái tinh thần hội nhập đã có sẵn trong huyết quản cô, kịp lúc di tản chiến thuật, lìa bỏ quê cha đất tổ, về Tân thế giới, cô sống trong xã hội này dễ dàng, phần được luật pháp bảo vệ, phần được nâng lên lady first, cô tự coi không những ngang hàng với chồng về mọi mặt, mà còn lấn lướt chồng…

- Anh cứ nói thêm cho em không hà !

- Chẳng dám nói thêm đâu, chứ không phải đã có lần em đòi ly dị nếu anh không đậu được cái bằng y tá chích dạo như ở bên nhà à? Bên mình chỉ có đàn ông để vợ, chứ đàn bà có ai để chồng, cụ thể là người ta thường nói : đàn bà goá, chứ ai nói đàn ông goá đâu, hoặc tiếng quan phu, thì càng xa lạ hơn hơn. Chồng kiếm không ra, có đâu mà để !

- Anh làm như đàn ông bên mình quý, hiếm lắm đấy.

- Chứ sao, còn dược gọi là đức ông chồng, đức lang quân cơ đấy.

- Đã rõ là anh hoài cổ chưa, anh tiếc nuối cái dĩ vãng ấy, có nghề chích dạo, nuôi vợ con, sang đây…

- Không phải anh tiếc nuối, mà chỉ nhắc nhở em rằng anh cưới em về sống với nhau trong sự bảo bọc của anh.

- Thì cũng là cảnh chồng chúa vợ tôi thôi, em mừng là đã thoát được cái quãng đời như nô lệ đó. Thời ấy, em không ra ngoài đời tranh đua kiếm tiền, nhưng cũng bận rộn từ sáng tới khuya. - Bởi thế mới có câu : Của chồng công vợ, em nghĩ chồng chúa vợ tôi không đúng đâu, mà do tổ chức xã hội từ lâu như vậy. Người mình vẫn gọi vợ là nội tướng, là nhà tôi, vẫn tương kính như tân. - Xí, đến đấy mà tương kính như tân, chưa cưới được vợ thì đi mòn đường chết cỏ, cưới được vợ thì bỏ lững bỏ lơ, chưa kể quên luôn nhà ông bà ngoại sắp nhỏ quay về hướng nào!

- Em làm như anh tệ lắm vậy đó. Cái nóng bỏng thưở ban đầu ai giữ mãi được. Em không nghe người ta nói, trâu bò sống với nhau lâu, thương nhau hơn, hoặc một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ, chứ người ta sống với nhau lâu, sinh ghét nhau. Em với anh còn sống với nhau được, là nhờ yếu tố tình nghĩa, phong tục tập quán xã hội luân lý đạo đức, chứ cái tánh đỏng đảnh của em dễ xa nhau quá !

- Xa cũng được, ly cũng được, mà tách cũng được, sợ gì ai. Ăn có thưở, ở có thời, xưa khác, nay khác. Anh mà không lột xác thì rồi cũng có ngày… Bên mình, khi ván đã đóng thuyền, người ta sợ lìa bỏ chồng con, sẽ bị xã hội lên án: Đồ trắc nết. Phần sợ kinh tế khó khăn, đàn ông thì vì: chữ trinh đáng giá ngàn vàng, ít ai muốn second-hand, chứ bên Mỹ này, ấy à: mười hai bến nước, trong nhờ, đục chạy. Anh đừng có hăm doạ. Em còn nhẫn nhịn tới nay là còn sợ cảnh vỡ đàn tan nghé, con cái hư hỏng đấy thôi, chứ không phải đồ bỏ đâu à nha.

- Ra là em phải chịu đựng anh nhiều thế à,nào, những gì nói anh nghe thử.

- Nhiều lắm, anh không thấy là vì anh chủ quan đấy thôi, em đã nói là anh cần phải lột xác đi.

- Có lột thì cũng phải từ từ chứ, đâu phải muốn là được ngay. Anh đây này, thịt xương hầm muối mặn biển Đông, ăn lúa đồng sông Cửu, trái cây sông Hậu, uống nước ngọt Đồng nai, tai quen nghe dân ca, tục ngữ, Vân Kiều, hồn chất chứa ân oán núi sông, một thất phu vong quốc, nay một bước lánh nạn quê người, lòng những mong có ngày quay về đất tổ, thì thôi không dễ một sáng một chiều thay đổi được đâu.. Vả, anh còn xét lại có nên thay đổi hay không, bởi anh nghĩ, chính xã hội này rồi sẽ phải khác đi. Nó còn non trẻ, chưa đủ chu kỳ để thấy những lệch lạc của xã hội bốn, năm ngàn năm văn hiến đã được bổ khuyết. Tới một thời điểm nào, người ta thấy phải trả lại cho cha mẹ quyền xử phạt của phương Đông để tránh hậu quả là con cái quá hư hỏng, đến độ chỉ còn cho nó ăn đạn hoặc trấn nước là biện pháp cuối, bởi cây tre không uốn khi còn măng sữa. Cũng cùng chung lẽ ấy,vợ chồng thì vui ở buồn đi, thảng hoặc có gặp tình địch cũng nhịn mà chào nó, vì cái nhân quyền mà luật pháp cấm làm dữ, hành hung. Em biết không, luật pháp của mình trước đây, sẽ tha bổng người chồng giết chết gian phu tại nhà y, bởi suy luận là khi bắt gặp cảnh ấy, người chồng quá tức giận.

- Luật xưa rồi và dã man quá anh ơi, không ai được giết người hoặc kết tội người khác, trước toà án, vả lại, luật là phải bảo vệ kẻ yếu, như đàn bà con nít…

- Đàn bà con nít ở đây chẳng yếu chút nào, mà ngày càng mạnh lên; cứ cái đà này, một ngày kia phải có luật đăc biệt bảo vệ đàn ông, bởi có một số đã thoái hoá, nhu nhược, mất bản chất đàn ông, vì bị đàn bà, con nít chèn ép quá, gần giống như loại gà trống công nghiệp vậy; ấy cũng đúng luật tự nhiên, bộ phận hoặc chức năng nào trong con người, không hoặc ít dùng, sẽ bị thui chột đi.

Khoảng một tháng sau cái đêm thức giấc bất ngờ do tiếng gà gáy ấy, vào một buổi chiều hoàng hôn dịu mát, Hoài lái xe về phía Los Angeles, chợt thấy một con gà trống giống như con gà nhà chàng - bởi cũng sau hôm ấy, con gà tự nhiên biến mất – đang loay hoay tìm cách bay lên một cành thấp bên cạnh xa lộ để ngủ, Hoài cho xe lại gần rồi ngừng quan sát một lát. Trong cái vắng vẻ của đất trồng nông nghiệp mênh mông, chú gà trông cô đơn làm sao! Hoài tự hỏi hay là gà nhà mình, có thể lắm, mới có cách nhà có 3 miles, tội nghiệp chưa, ăn bờ ngủ bụi cả tháng nay, không bạn không bè không vợ không con, một mình dấn thân trên con đường vô định… À, mi là gà thả chứ không phải là gà công nghiệp như ta tưởng, mi biết gáy to và có lẽ đấu đá hay… à à, ở một vài khía cạnh nào đó ta còn thua mi xa, Hoài trầm ngâm thêm giây lát rồi lên xe rồ máy chạy tiếp; nhớ lại cái đêm nói qua nói lại với vợ, lòng bỗng thấy trống trải, cô đơn.


Nguyễn Hữu Quý

Los Angeles ,1996.