Sunday, February 7, 2010

Hoàng Liên


Tết Mậu Thân ở Huế

(Là 1 tù nhân quan trọng nên tác giả đã sớm được giải ra Bắc để khai thác, vì thế đã may mắn sống sót sau hàng chục năm vất vưởng trong hầu hết trại tù rùng rợn nhất tại rừng rúViệt Bắc.)

Tiếng súng nghe gần hơn, nổ liên hồi. Tôi nhìn đồng hồ: gần 4 giờ sáng. Thật làkhácthường, vì theo thông lệ Việt cộng (VC) chỉ xuất quân trong đêm tối, va rút khỏi chiến trường khi trời gần sáng. Tôi vội vàng gọi điện thoại cho tiểu khu Thừa Thiên. Không ai trả lời. Giây điện thoại bị đứt rồi chăng ? Tôi liền đánh thức vợ và các con tôi dậy, rời bước xuống tầng dưới để tìm nơi ẩn nấp. ánh đèn điện vụt tắt. Trời chưa sáng. Ánh sáng mờ nhạt, yếu ớt chỉ đủ giúp cho tôi nhận ra một hành lang dẫn đến một căn phòng nhỏ ở phía sau ngôi nhà. Đang quanh quẩn tìm một ngõ ra, tôi bỗng nghe tiếng vợ tôi gọi, rồi hai người bộ đội VC đội nón cối bước vào và yêu cầu tôi bước qua phòng khách.

Sự việc xảy ra thật nhanh chóng và đột ngột. Vừa ngồi xuống ghế, chưa kịp nhận rõ tình hình, tôi đã thấy vài bộ đội VC dẫn một số người khác tiến vào. Chỉ trong chốc lát, phòng khách rộng lớn của Toà Đại Biểu Chánh Phủ đã chật kín những người, phần đông đang mặc quần áo ngủ, vẻ mặt bàng hoàng, ngượng ngập. Không ai nói với ai một lời Trong số những người tụ tập tại đây, tôi thoáng thấy chiếc áo dài của linh mục Nguyễn Văn Thích, một học giả, một giáo sư đáng kính của đất Thần Kinh. Đó đây, những bộ mặt đăm chiêu, lo lắng. Ai cũng đang suy nghĩ biến cố vừa mới xảy ra.

Tôi nhớ lại. Cuối tháng giêng 1968, sau khi thu xếp xong công việc tại văn phòng và chia tay với các bạn đồng sự tại Đà nẵng, tôi chuẩn bị về Huế ăn Tết và thăm gia đình. Tôi xa miền Trung đã lâu, và trên bước đường phục vụ của một người công chức, luôn luôn thay đổi nhiệm sở, tôi ít có dịp trở về dưới gối song thân. Cho nên sau này, được thuyên chuyển về Đà nẵng, tôi dự trù về Huế trong dịp Tết, dù trong mấy ngày gần đây có những tin đồn rằng Việt cộng sẽ tấn công vào cố đô trong dịp đầu Xuân. Vào những ngày cuối năm, được tin chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã chấp nhận đề nghị hưu chiến của đối phương trong ba ngày Tết, tôi không ngần ngại gì nữa, giữ nguyên ý định về thăm nhà, và sẽ trở lại Đà nẵng vào ngày mồng 4.

Ngoài khung cửa sổ lớn, những chiếc máy bay trực thăng lượn nhiều vòng trên nền trời đã sáng rõ, và bắn từng hồi đạn dài. Về sau, tôi biết những máy bay đó bắn vào nhà ga Huế, và gây ra một số thương vong cho đối phương.

Số người tập trung một lúc một đông, và mấy người bộ đội VC dồn chúng tôi cả ra sân, máy bay vẫn tiếp tục lượn trên đầu chúng tôi và bắn phá mỗi lúc một dồn dập hơn, nên chúng tôi chạy vào nấp trong cái am nhỏ ở góc sân khuân viên Toà Đại Biểu Chính Phủ.

Mấy người bộ đội và công an viên chạy đi chạy lại, thì thầm thảo luận. Có lẽ họ đang phân loại chúng tôi, vì chỉ một lúc sau, khoảng mười giờ họ gọi một số người trong đó có tôi, đến tập trung ở phía trước cổng ra vào rồi dẫn chúng tôi ra khỏi Toà Đại Biểu Chính Phủ. Chúng tôi xếp hàng hai rồi chậm rãi cất bước, lòng hoang mang không biết sẽ đi về đâu, và đối phương sẽ có biện pháp gì với chúng tôi.

Đoàn người hướng về phía Bến Ngự, đi một quãng ngắn, rồi dừng lại trước một ngôi nhà gạch lúp ngói bên đường Trong ngôi nhà khá rộng, một số độ 20 người đang đứng lộn xộn, bao quanh mấy người bộ đội và vài thanh niên mặc thường phục, đeo một băng màu đỏ ở cánh tay. Tôi đoán những người thanh niên đó là những người nằm vùng, bấy lâu âm thầm hoạt động cho địch trong hàng ngũ chúng ta, nay cho rằng thời cơ đã đến, nên xuất đầu lộ diện. Vẻ mặt và dáng điệu cố làm ra quan trọng, họ tỏ ra hăng hái và lạc quan quá mức - và có lẽ quá sớm. Một người phương Tây, khoảng độ 30 tuổi, hơi gầy, mặc một chiếc áo mưa màu xanh đậm phủ ra ngoài bộ quần áo ngủ, đang sôi nổi phân trần với mấy công an viên VC. Bằng cử chỉ và bộ điệu, bằng những tiếng Pháp thật đơn giản, anh cố giải thích cho họ hiểu rằng anh không phải là kẻ thù của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam:

- De Gaulle, Hồ Chí Minh, Amis.

Vừa nói, hai bàn tay của chính anh lại bắt vào nhau, làm cho tôi nhớ đến hình vẽ hai bàn tay xiết chặt in trên những bao nhựa tặng phẩm của chương trình viện trợ Mỹ. Một người trong bọn chúng tôi lẩm bẩm:

Hắn là người Pháp, dạy ở trường đại học Huế.

Chúng tôi tìm chỗ ngồi trong ngôi nhà rộng, lắng nghe tiếng máy bay, tiếng đạn nổ liên hồi, dò xét thái độ của các cán bộ, bộ đội để phỏng đoán sự biến chuyển của chiến cuộc. Nhưng không có một biến cố nào xảy ra, và đến sẩm tối, mấy cán bộ dẫn chúng tôi trở về Toà Đại Biểu Chính Phủ. Lần nầy, họ đưa chúng tôi vào nhà để xe hơi rộng lớn và trống trải ở bên ngôi nhà chính. Không ăn uống gì suốt một ngày, tôi vẫn không thấy đói. Nằm dài xuống nền xi măng lạnh lẽo, tôi suy nghĩ về hoàn cảnh của chúng tòi rồi ngủ thiếp đi.

Sáng hôm sau, khi tỉnh giấc, chúng tôi lại nghe tiếng máy bay lượn vòng quanh và tiếng súng nổ đó đây từng hồi dài. Thời gian lặng lẽ và chậm rãi trôi trong sự chờ đợi căng thẳng với những nỗi thác mắc không giải đáp được. Đến chiều, không hiểu tại sao, chúng tôi lại được đưa lên một phòng ngủ trên lầu hai của ngôi nhà chính. Tại đây, đã có một số đông người được tập trung lại. Do một sự tình cờ của số mệnh, tôi bị giam giữ ngay trong căn phòng mà tôi đã sử dụng trong mấy ngày Tết ở Huế. Các vật dụng bị lục soát, xáo trộn bừa bãi trên sàn nhà. Cái xách tay đựng mỹ phẩm và nữ trang của vợ tôi bị chọc thủng và các nữ trang đã biến mất. Cái máy vô tuyến truyền hình nhỏ cũng bị đánh vỡ mặt kính. Về sau, có người cho tôi hay rằng các bộ đội VC không biết máy TV là cái gì, nên tưởng lầm là điện đài thông tin. Cũng như khi mở tủ lạnh, những bộ đội miền Bắc nhìn thấy những lon bia có cái khâu tròn để mở, vội cho đó là những quả lựu đạn.

Mất hết tài sản, tôi không thấy tiếc, bởi vì ngoài tính mạng của tôi và của những người cùng cảnh ngộ, chúng tôi đang lo mất một điều ngàn cân đáng giá hơn: vận mệnh của đất nước. Một người không quen nhìn tôi, chỉ vào cái hộp đựng nữ trang, chán nản lắc đầu. Tôi chỉ lặng lẽ mỉm cười, và người đó cũng đáp lại bằng một nụ cười thông cảm ...

Lúc đó, biết tôi đã trở lại Toà Đại Biểu Chính Phủ, nhà tôi bưng đến một bát cơm. Tôi chia đều cho mấy người bên cạnh, nhưng không ai muốn ăn, và cả tôi cũng không thấy đói, mặc dù không ăn uống gì từ ngày hôm qua. Chúng tôi chỉ hút thuốc lá và trầm ngâm suy nghĩ. Chiến cuộc rồi sẽ biến chuyển như thế nào ? Số phận những người bị bắt rồi sẽ ra sao ? Chính sách VC đối với những người bị bắt trong chiến tranh là như thế nào ? Ngoài Huế ra, VC có tấn công vào vùng khác nữa không, và chính phủ ta đã có những biện pháp nào đề đối phó với tình hình ? Chúng tôi hoàn toàn bị cô lập, không nhận được tin tức gì bên ngoài, chỉ biết rằng điện và nước đã bị cắt đứt.

Tiếng máy bay trực thăng vẫn xành xạch dội lên trên nền trời đầy sát khí, và đạn vẫn nổ không ngớt. Ngoài khung cửa sổ, trời đã ngã về chiều, một buổi chiều đầu Xuân u ám, với gió lạnh buốt, như đang chờ đợi một biến cố nào đó sắp xảy ra. Và bao trùm lên trên mọi cảm giác và suy tư, cái ý thức bị mất tự đo dần dần trở nên rõ rệt hơn, như một mảnh vải bị thấm nước, cứ thẩm màu xuống mãi.

Cánh cửa lớn chợt được mở ra. Một cán bộ mặc đồng phục màu ka ki xanh rêu bước vào, nhìn quanh một lượt, rồi gọi tên một số người trong đó có tôi. Chúng tôi đứng lên, bước theo người cán bộ xuống tầng dưới, rồi ra ngoài sân. Ở đó một đám đông đang xếp hàng đứng đợi. phần lớn, họ còn rất trẻ. Lát sau, tôi biết đó là những học sinh thiểu số người Thượng du đang theo học tại một trường dạy nghề đặc biệt dành riêng cho họ. Tôi bỗng ngạc nhiên nhận ra một người quen: anh Bảo Lộc, phó tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên. Chúng tôi nhìn nhau bỡ ngỡ: người nọ không ngờ người kia cũng bị bắt.
Mấy cán bộ bắt đầu trói tay chúng tôi, cứ hai người buộc tay lại với nhau. Không ai nói ra,nhưng ai cũng hiểu rằng mình sẽ bị đưa đi xa. Tôi nói mấy lời từ biệt với nhà tôi, và cúi xuống hôn đứa con trai út chưa đầy mười tuổi. Nó bàng hoàng, ngơ ngác nhìn tôi. Có lẽ nó ý thức được đó là giây phút bi đát đối với gia đình, và nước mắt trào ra ngoài mí mắt, lặng lẽ, các chị nó còn ẩn nấp trong một căn hầm của Viện Đại Học Huế ở sát Toà Đại Biểu Chính Phủ.

Vào phút chót, đứa con gái nhỏ của chúng tôi chạy vội ra, vừa khóc vừa đưa cho tôi một cái xách tay đựng hai cái áo lót, một cái khăn, và một cái bi đông đựng nước. Một người cán bộ khoát tay ra hiệu, bảo tôi đừng lấy:

- Không cần thiết, đến trại sẽ có đủ mọi thứ.

Nhưng tôi vẫn cầm lấy, bùi ngùi cảm động trước sự chăm sóc của con.

Chiều đã xuống, một buổi chiều nặng trĩu mây chì, buổi chiều của những gì sắp chấm dứt, của chia lìa. Tôi rùng mình trong cơn gió buốt: chiếc áo len màu đen tôi đang mặc không đủ giữ sức ấm cho cơ thể. Một lần cuối cùng, tôi nhìn những người thân, nhìn quang cảnh hỗn độn của đám người bị giam giữ với những nét mặt lo âu, và tôi thông cảm nỗi hoảng hết của những thân nhân vào tiếp tế. Tôi nhìn mái am cổ kính, mấy hàng cây cao trong sân, ngôi nhà rộng lớn kiến trúc như một nhà ga hàng không, và, không hiểu sao, linh cảm rằng mình sẽ trở lại nơi này, và cuộc chia tay ngắn ngủi và bi đát này không phải là vĩnh biệt...

Hoàng Liên