Tuesday, February 9, 2010

Huy Phương


Màu đỏ là màu anh trót... chê
Tôi biết nhiều người không thích màu đỏ, đã những không thích mà còn dị ứng nữa, hễ thấy màu đỏ là máu sôi lên, bằng chứng là đã có người lên tiếng thắc mắc, là cái cà vạt của dân biểu Mỹ gốc Việt Cao Quang Ánh mang hồi tháng 1 năm 2010 khi đi thăm Việt Nam, vì sao lại màu đỏ mà không là một màu nào khác!

Phần tôi thì thời niên thiếu đã không thích màu đỏ rồi, bạn thử nghĩ thích làm sao được ví như khi bạn có một người yêu, một ngày nào đó, sang ngang, để lại những vần thơ than thở:

Rồi một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác
Gió hỡi làm sao gió lạnh nhiều.” (TTKh)

Và từ đó tôi bắt đầu thiếu thiện cảm với những thiếu nữ mặc áo màu đỏ! Thêm một lý do nữa tôi không thích màu đỏ vì đó là màu của pháo: “rồi một này kia pháo nhuộm đường!”, pháo vu quy của cô hàng xóm, pháo của những người thiếu nữ không quen biết nhưng ngày vui của họ để lại chút bâng khuâng trong lòng chàng trai mới lớn. Và nếu màu hoa phượng ở sân trường kia có đỏ thì nó cũng báo hiệu một mùa chia ly, chia ly rồi thì bao giờ có sum họp toàn vẹn trở lại.

“Lớn lên, trong những năm lá cờ Việt Minh bắt đầu hiện diện đã thấy bao nhiêu là máu hãi hùng. Cứ mỗi đêm nghe tiếng chó sủa ran trong xóm, sáng ra thế nào cũng thấy có xác nằm đường, chặt đầu hay đâm thủng ruột, rồi khúc ‘tiến quân ca’ nổi lên: ‘Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước!’Ai đó đã nói rằng: Chế độ Cộng Sản là sắt máu” thì đâu có gì là ngạc nhiên. Người Tàu từ xưa đã thích màu đỏ, từ lễ lược, đình miếu những ngày lễ Tết, ở đâu cũng thấy một màu đỏ. Mao Trạch Ðông phất ngọn cờ đỏ, gần mười lăm năm trường chinh, thôn tính xong toàn bộ nước Tàu năm 1949, quốc kỳ với ngôi sao lớn và bốn ngôi sao nhỏ nằm chung quanh. Ðảng Cộng Sản Việt Nam cũng tình nguyện nhuộm đỏ đất nước, có lá cờ đỏ màu máu với một ngôi sao vàng năm cánh, tượng trưng cho “sĩ-nông-công-thương-binh”. Từ cải cách ruộng đất năm 53-56, khởi nghĩa Quỳnh Lưu 1956 tại miền Bắc, thảm sát Mậu Thân tại Huế năm 1968, đến việc trả thù toàn bộ dân chúng miền Nam sau 30 tháng 4-1975 đều nhuộm đầy máu đỏ của “sĩ-nông-công-thương-binh” như ước nguyện của Văn Cao lấy máu in lên cờ.
Cộng Sản rất thích màu đỏ nên có Quảng Trường Ðỏ, Hồng Quân, Hồng Kỳ rồi hội Lưỡi Liềm Ðỏ (!),Cao Lương Ðỏ, sổ đỏ (giấy chủ quyền nhà đất), nhạc đỏ (nhạc hùng CS)...

Vào cuối thập niên 1860, Việt Nam có giặc Cờ Vàng (Hoàng Sùng Anh), giặc Cờ Ðen (Lưu Vĩnh Phúc), giặc Cờ Trắng (Bàn Văn Nhị, Lương Văn Lợi) vẫn quấy nhiễu ở vùng Việt Bắc, thời nay sử gia Vũ Ngự Chiêu gọi thêm tên giặc Cờ Ðỏ (Hồ Chí Minh). Tháng 4 năm 1975, Cộng Sản nhuộm đỏ đất nước bắt đầu với tuổi thơ với cái khăn quàng đỏ mang trên cổ, biểu tượng và đồng phục của đội viên Ðội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, bản sao của Ðội Thiếu Niên Toàn liên bang mang tên Lenin, bắt buộc những đứa trẻ vào đội luôn phải đeo khăn quàng đỏ khi còn học trung học (cấp 1 và cấp 2.) Ba góc của chiếc khăn quàng đỏ hình tam giác biểu trưng của sự liên kết giữa 3 thế hệ trong gia đình và 3 tổ chức nòng cốt của chủ nghĩa xã hội: thế hệ cha - thế hệ anh - thế hệ em tương ứng với 3 tổ chức Ðảng Cộng Sản - Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản - Ðội Thiếu Niên Tiền Phong.

Màu đỏ của máu chính là màu của chiếc khăn choàng đấu bò “capote de brega” mà chàng “metador” mỗi khi phất lên, con bò mộng phải say máu, đâm đôi sừng nhọn hoắt để húc vào. Chàng đấu bò uốn mình tránh né và vung chiếc khăn màu đỏ sang một hướng khác khiến chú bò hung hãn phải xoay mình, húc đầu theo những lần kế tiếp, cho đến lúc mệt nhoài để những anh hùng chiến thắng xuyên những mũi tên vào đầu con vật. Màu đỏ thôi thúc sự giết chóc và bạo tàn.

Ở miền Nam trước tháng 4 năm 1975, hình như màu đỏ không được tôn trọng, người ta cũng biết trong chuyện học hành hay thi đua, thi đấu, “cầm đèn đỏ” có nghĩ là về hạng chót, và tay đua xe đạp luôn luôn được vinh dự mặc áo vàng lúc về đến đích. Quan tài người chết sơn màu đỏ chứ không phải màu đen như ở Tây phương. Mặt khác, những ông bạn già chắc cũng còn nhớ có một thời mà ngành hiến binh đội nón kết màu đỏ nên nhân gian mới có thành ngữ “hiến binh gác cửa!”

Màu đỏ quả thật là một màu đáng ghét, nhất là khi ở giữa lại có một ngôi sao vàng. Lá cờ này đi đến đâu gieo máu và lửa đến đó, khiến người miền Nam phải kinh hoàng, vượt rừng lội biển ra đi. Ấn tượng khó chịu đó đã khiến cho chủ một tiệm sang băng video, Trần Trường trở thành đối tượng của sự phẫn nộ trong cộng đồng người Việt tị nạn tại Little Saigon ở miền Nam California vào đầu năm 1999, khi y treo hình cờ đỏ sao vàng của Cộng Sản và hình Hồ Chí Minh trong tiệm cho thuê video của y trên đường Bolsa và đã lên tiếng thách thức sự can thiệp của cộng đồng người Việt. Biến cố xuống đường và tranh đấu trong 55 ngày đêm với sự tham dự của hàng chục nghìn người Việt tỵ nạn Cộng Sản là một thái độ dứt khoát với lá cờ đỏ này. Từ lâu, khó mà thấy một ngọn cờ đỏ nào được treo tại các đất nước tự do, ngoài phố hay ngay cả trong sân trường đại học, nơi có người Việt di cư sinh sống, ngoại trừ những cơ sở của những tòa “đại sứ không dân” đang bị nguyền rủa.

Hình ảnh một lá cờ đỏ trên màn ảnh, trên một trang báo, trên một bức tranh, trên một chiếc T Shirt nào cũng có thể gây phẫn nộ cho quần chúng nhạy cảm. Nhiều khi cả một hình ảnh trang trí dưới chân cầu xa lộ như ở Dallas, hay trên sợi dây nịt của một ca sĩ cũng kéo theo một đám đông phản đối. Kẻ bàn quan cho đó là quá đáng, người địa phương lại càng lạ lùng, nhưng quả thật phải hiểu rằng đó là một điều gì người ta vừa khinh ghét, vừa hãi hùng.

Dù không nói ra và cũng chẳng có ai minh định, người ta xem màu vàng hiện nay như biểu tượng cho quốc gia và tự do, màu đỏ là sự đối nghịch. Cho nên khi người đạo diễn mô tả một con chim bồ câu rải hạt “lúa đỏ” trên cánh đồng, thì người ta phải hiểu ngay dụng ý của những thước phim này muốn nói gì!

Quả thật là tôi ghét màu đỏ từ trong gan ruột, ngoại trừ màu đỏ của cái bao “lì xì” ngày Tết, và cũng từ đó hiểu ra rằng nhiều người quên nỗi sợ xưa kia, đã bắt đầu khoái màu đỏ vì họ ngửi thấy mùi tiền.

Huy Phương

Nguồn nguoi-viet.com