Monday, February 1, 2010

Trường Nguyễn Hoàng-Quảng Trị


Nguyễn Hoàng,
ngôi trường của tỉnh địa đầu giới tuyến

Video NGUYỄN HOÀNG TRƯỜNG TÔI - Trường củ tình xưa

Khi tôi dạy học ở đây khoảng những năm đầu thập niên 60, học sinh khi ấy có nhiều em còn phải đi chân đất lội bộ hàng 4, 5 cây số từ các vùng phụ cận tới học. Trường khi ấy còn rất nghèo nhưng đã đáp ứng được nhu cầu giáo dục cho con em trong vùng.” Ðó là lời kể của nhà văn Huy Phương, từng có một thời gian dạy học tại ngôi trường này.(Hình phải:Trường Nguyễn Hoàng,1957)

Vào trưa hôm Thứ Bảy, 30 tháng 1 vừa qua, trên ba trăm nam nữ cựu học sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị đã có cuộc họp mặt tất niên hàng năm tại nhà hàng Paracel Seafood trong thị xã Westminster.

Ông Hội Trưởng Hồ Trọng Thắng cho biết, “Hàng năm chúng tôi thường có hai cuộc họp mặt, một vào dịp Hè, một dịp Tết để anh chị em có dịp gặp gỡ nhau sống lại thời niên thiếu và cũng là dịp cho anh chị em bày tỏ được tấm tình với các thầy cô còn lại đến ngày hôm nay.”

Sau những lời hát chan chứa tình cảm trong dịp Xuân về qua bài “Ly Rượu Mừng” của ban hợp ca Nguyễn Hoàng Cali, ông hội trưởng đã lên chúc Tết thầy cô cùng anh chị em đồng môn. Cô Quỳnh Hoa và ông Anh Trị đã đại diện cho anh chị em đồng môn tích cực xây dựng Hội Ái Hữu cựu học sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị, nhận những bông hoa tươi thắm của ban chấp hành hội. (Hình phải:Anh chị em cựu học sinh trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị đang cùng cất cao tiếng hát Ly Rượu Mừng)

Sau đó cuộc họp mặt đã diễn ra rất vui vẻ, nhộn nhịp khi các trò cũ xúm quanh thầy cô hỏi han sức khỏe và chúc những lời tốt đẹp nhất để tỏ được niềm tri ân của mình với những người đã hướng dẫn mình vào đời sống có ích cho gia đình và xã hội.

Nhắc đến Quảng Trị là nhắc đến chiến tranh VN vì tỉnh Quảng Trị là tỉnh địa đầu miền giới tuyến mà trong suốt 20 năm đã phải đương đầu với cuộc phá hoại, lấn chiếm xâm lăng của các đơn vị chính qui CSBV. Chiến tranh ở đây đã có mặt khắp nơi khắp chốn nên càng thấy rõ được tinh thần hiếu học của tuổi trẻ Quảng Trị. Mặc dù học không phải để “làm vương làm tướng gì” như lời anh Trí Trần, một cựu học sinh Nguyễn Hoàng cho biết, “Chúng tôi biết khi học hết trung học đệ I hay đệ II cấp, con đường trước mặt của chúng tôi hiện ra ngay, đó là gia nhập quân ngũ để bảo vệ miền Nam trước sự xâm lăng tàn bạo của cộng sản. Chúng tôi không có chọn lựa nào khác, nhưng không phải vì thế mà tuổi trẻ chúng tôi lúc đó chán đời bỏ học.”

Nhắc lại những kỷ niệm về trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị, hầu hết các anh chị em trong Ban Chấp Hành Hội đều kể vanh vách lịch sử ngôi trường nghèo này.

Nguyễn Hoàng Quảng Trị được thành lập từ 1952 nhưng đã phát triển thật nhanh chóng trong thời đệ I Cộng Hòa với nền giáo dục khai phóng, nhân bản, cưỡng bách bậc tiểu học. Cho đến đầu thập niên 60, trung học Nguyễn Hoàng đã có những lớp thuộc đệ II cấp giúp cho nhiều học sinh tiếp tục được sự học, không phải tốn kém nhiều khi phải vào tận Huế mới có đệ II cấp. Theo các vị trong ban tổ chức thì học sinh Nguyễn Hoàng đã có nhiều người nổi danh trong quân đội và hành chánh của chính quyền VNCH. Ða phần học sinh Nguyễn Hoàng ra trường đều gia nhập quân đội qua các khóa huấn luyện của các quân trường Ðà Lạt, Thủ Ðức hay Nha Trang.

Mặc dầu luôn bị chiến tranh đe dọa nhưng trường Nguyễn Hoàng vẫn phát triển đều. Ðã có lúc như vào những năm 71, 72 trường đã phải di tản vào Ðà Nẵng, nhưng ngay khi QLVNCH tái chiếm được những phần đất bị Cộng quân dùng biển người lấn chiếm thì trường Nguyễn Hoàng đã lại trở về ngay, dù phải hoạt động trên những hoang tàn do chiến tranh để lại. Tới đầu năm 1975 thì trường Nguyễn Hoàng đã có tới 27 phòng học khá tiện nghi cung ứng cho từ 50 đến 60 lớp học. Tổng số học sinh có đến trên 3 ngàn.

Người Việt trên đường đi tìm sự sống tự do đã qua 35 năm không lúc nào không hướng mắt về quê hương mong một ngày trở lại nên trong sinh hoạt cộng đồng đâu đâu cũng thấy sự hoạt động tấp nập của giới cựu học sinh, nhất là cựu học sinh của các ngôi trường thân yêu nay đã không còn tên cũ như trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị, trường Petrus Ký, Gia Long Saigon trường Phan Thanh Giản Cần Thơ v.v...

Nguyên Huy