Friday, February 5, 2010

Tết Mậu Thân 1968


Thảm sát ở Huế và
Lương tâm Dân tộc chúng ta

Sắp sửa đến Tết Canh Dần 2010, bà con ta người gốc Huế lại phải chuẩn bị đốt nén nhang trước bàn thờ người trong thân tộc của mình đã bị thảm sát oan uổng dịp Tết Mậu Thân năm 1968. Các nạn nhân bị chết đau đớn, tức tưởi đó là cha mẹ, ông bà, cô dì, chú bác, cậu mợ cũng như anh chị em ruột thịt, cùng bà con khác trong dòng họ nội ngoại của mình. Người viết bài này gốc gác ở đất Bắc, nên không có một bà con thân tộc nào, cũng như bạn hữu thân thiết nào mà nằm trong danh sách các nạn nhân đó. Dầu vậy, tôi cũng xin được chia sẻ với nỗi đau đớn khôn nguôi của các gia đình nạn nhân trong dịp tưởng nhớ vào năm thứ 42 này (1968 – 2010).

Và bài viết này được viết ra, không hề để bày tỏ sự giận dữ hận thù nào của bản thân mình đối với các người đã gây ra bao nhiêu cái chết tức tưởi đau đớn nói trên. Mà dù là một luật gia, tôi cũng không muốn đặt vấn đề thảm sát này trong góc độ pháp lý, cụ thể như vận động tổ chức một phiên tòa xét xử tội ác này theo luật hình sự quốc tế, như đã có một vài người đã gợi ý từ it lâu nay, với lý do rằng: đây là một thứ tội chống nhân loại, tôi diệt chủng (crime against humanity, genocide), nên không thể để cho chìm xuồng với nguyên tắc “thời hiệu - tố quyền bị triệt tiêu” (statute of limitations). Bởi lý do thực tế là việc vận động như vậy sẽ rất khó có kết quả. Ngay cái phiên tòa để xử tội “diệt chủng của Khmer Đỏ ở Cambodia”, dù đã khởi sự từ mấy năm nay, thì cũng chưa thấy tiến triển ra làm sao cả.

Vậy thì đúng như tiêu đề của bài viết, đây là một “vấn đề Lương tâm” đặt ra cho toàn thể dân tộc Việt nam chúng ta. Nói cho rõ hơn, thì là cần phải tiến hành một cuộc “cật vấn lương tâm” (examen de conscience như người Pháp thường nói), để suy xét, tra vấn tận đáy lòng của mỗi người về cái “tội ác tày trời” trong vụ thảm sát đến trên 6,000 người dân vô tội hồi Tết Mậu Thân năm 1968 ở Huế đó.

A/ Tóm lược nội vụ

Đã có quá nhiều sách báo viết về chuyện này, từ phiá các nhà báo, nhà nghiên cứu, cũng như những chứng từ cuả người trong gia đình các nạn nhân, cuả cơ quan nhà nước cuả Việt nam Cộng hoà, cuả người Mỹ thuộc đơn vị quân sự hay dân sự. Tất cả đều “chúng khẩu đồng từ”, đưa ra các số liệu chính xác về sự tàn bạo trong các vụ “giết người hàng loạt” do quân đội và cán bộ cộng sản gây ra trong thời gian 26 ngày chiếm đóng thành phố Huế vào dịp Tết đó. Xin chỉ ghi lại thật ngắn gọn như sau:

1 – Thành phần đội quân cộng sản tiến đánh và chiếm giữ thành phố Huế gồm khoảng trên dưới 10,000 người với quân tại địa phương và bộ đội chính quy từ ngoài Bắc vào. Số cán bộ nòng cốt nằm vùng sẵn tại Huế được ước lượng vào khoảng 200 người.

2 - Việc thanh toán các nạn nhân được tiến hành giai đoạn đầu ngay sau khi phe cộng sản chiếm giữ được thành phố, họ đã ra lệnh xử tử hình các nhân viên của Việt nam Cộng hòa theo danh sách “Sổ đen” đã lập sẵn. Có chừng vài ba trăm người bị thanh toán trong đợt này, ngay tại khu vực xung quanh nội thành của Huế.

3 - Trong giai đoạn sau cùng, sau khi quân cộng sản phải rút lui khỏi thành phố, thì có đến nhiều ngàn người “bị giết tập thể” và được chôn vùi tại nhiều nơi hẻo lánh cách xa thành phố Huế đến 20-30 cây số. Xác các nạn nhân chỉ được tìm thấy sau nhiều tháng vào cuối năm 1968 hay năm 1969.

4 - Tổng số người bị giết và mất tích là trên 6,000. Mà cho đến năm 1975, thì thân nhân mới chỉ nhận diện được cỡ 3,000 tử thi. Dĩ nhiên là có một số người bị thiệt mạng vì lý do chiến trận do bị bom đạn lạc. Nhưng đa số là do bị cán bộ cộng sản ra tay giết chết rất tàn ác dã man, cốt ý nhằm “để phi tang”, vì các cán bộ này đã bị lộ diện trong thời gian công khai ra mặt nắm giữ quyền sinh sát tại Huế.

B/ Vấn đề quy trách nhiệm về cuộc thảm sát này.

Theo nguyên tắc “tội quy vu trưởng”, thì giới lãnh đạo chóp bu của đảng cộng sản ở Hanoi phải chịu trách nhiệm chính yếu về cuộc thảm sát này, bởi lý do là chính họ đã ra lệnh và chỉ huy toàn bộ chiến dịch “Tổng Tấn công và Tổng Nổi dậy” này. Người đứng đầu hồi đó là Tổng Bí thư Lê Duẫn, rồi phải kể đến Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Trung Ương Cục Miền Nam Phạm Hùng v.v…

Tiếp theo là trách nhiệm của Ban Chỉ huy chiến dịch tại địa phương, những người này đều do Hà nội trực tiếp sắp đặt, cắt cử. Hai cán bộ cao cấp phụ trách chỉ huy mặt trận ở Huế là Lê Chưởng và Lê Tư Minh.
Sau cùng là trách nhiệm của những cán bộ cộng sản “nằm vùng” sẵn tại địa phương. Họ có chừng vài trăm người, mà đã trực tiếp ra tay sát hại đồng bào mà cũng là đồng hương xứ Huế của chính họ. Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Đắc Xuân, Tống Hoàng Nguyên, Nguyễn Đình Bảy Khiêm v.v… là những người nòng cốt đi săn lùng những nạn nhân để thanh toán.

Vụ việc thảm sát này quá trầm trọng, chắc chắn là giới lãnh đạo ở thượng tầng của đảng cộng sản ở Hà nội đã phải bàn bạc, thảo luận và đưa ra kết luận về nội vụ. Nhưng vì lý do chiến tranh vẫn tiếp diễn, cho nên họ không hề chính thức công bố về chuyện này. Mà cả cho đến nay, sau trên 40 năm, chưa bao giờ giới lãnh đạo cộng sản chịu lên tiếng “nhận trách nhiệm về vụ thảm sát này”. Do đó, ta cũng đừng mong rằng sẽ có người trong hàng ngũ lãnh đạo mà vì bị lương tâm dày vò, thôi thúc, nên sẽ tự nguyện đúng ra tiết lộ “bí mật của đảng cộng sản” liên hệ đến vụ thảm sát này.

Dầu vậy, đối với mấy trăm ngàn người dân tại Huế nói riêng, cũng như mấy chục triệu đồng bào ở Miền Nam Việt nam nói chung, thì cái tội ác tày trời này sẽ không bao giờ mà đảng cộng sản lại có thể xóa bỏ hết dấu tích đi được. Bởi vì rằng:
“Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ “ đấy thôi!

Chúng ta đã có quá đày đủ chứng từ cuả các thân nhân có người nhà bị thảm sát, và cuả một số người may mắn thoát chết vì trốn thoát được trước khi bị thủ tiêu. Nhưng chúng ta chưa có được bao nhiêu chứng từ cuả những người đã tham dự, đã nhúng tay vào cuộc thảm sát này. Trong số trên 10,000 bộ đội, cán bộ, nhất là cán bộ điạ phương, thì ít nhất phải có đến 70% tức là cỡ 7,000 người lúc đó đang ở tuổi trên dưới 20. Đến nay vào năm 2010, thì số người này đã vào lưá tuổi 60 và đã giải ngũ hay về hưu cả rồi. Như vậy, số người mà còn sống sót của đội ngũ chiếm đóng Huế năm 1968 đó, thì hiện nay phải có cả đến hàng ngàn người. Mong rằng ta sẽ thâu thập thêm được chứng từ cuả chính các người “đã trực tiếp hay gián tiếp dính tay vào máu” đó, để có thêm được chứng cứ bổ túc vào hồ sơ cuả vụ thảm sát ghê rợn này.

C/ Vấn đề Lương tâm cuả toàn thể Dân tộc chúng ta.

Như đã viết ở trên, tác giả bài viết này không nhằm đặt vấn đề trên phương diện pháp lý. Mà đây là vấn đề của lương tâm, của đạo lý làm người. Dân tộc Việt nam chúng ta vốn từ xa xưa đã có một truyền thống nhân đạo và nhân ái rất tốt đẹp vững chắc, con người luôn sống thuận thảo, hòa nhã với nhau trong các làng mạc, thôn ấp theo khuôn khổ đạo đức từ bi của tôn giáo, thông qua các vị tu sĩ, các bậc tôn trưởng, các vị sĩ phu quân tử trong mỗi một cộng đồng điạ phương. Ấy thế mà chỉ vì do cái “chủ trương cách mạng bạo lực sắt máu cuả đảng cộng sản du nhập từ nước ngoài vào”, cho nên đã xảy ra cuộc “anh em coi nhau như kẻ thù, để mà ra tay tàn sát không một chút xót thương đối với mấy ngàn thường dân vô tội” ở một thành phố nổi tiếng là một cố đô đã bao nhiêu năm trước. Đó quả thật là một điều khủng khiếp quá sức, đến độ lương tâm cuả bất kỳ người Việt nam nào mà lại không động lòng xót thương và ray rứt thắc mắc, dày vò trước sự thể “anh em một nhà mà thù hận, chém giết nhau quá man rợ” đến thế!
Và cho đến nay, đã trên 40 năm sau khi sự việc thảm sát xảy ra, giới lãnh đạo cộng sản vẫn một mực ngoan cố, vẫn tìm mọi cách để giấu nhẹm và né tránh cái trách nhiệm cuả mình trong vụ phát động cuộc chém giết này. Thế thì toàn thể dân tộc chúng ta phải cùng hợp lại với nhau để mà “đồng lòng lên tiếng đòi hỏi đảng cộng sản phải công khai đứng ra nhìn nhận cái lỗi lầm, cái sai trái cuả mình trong cuộc thảm sát này”. Đồng thời họ cũng phải có “lời xin lỗi chân thành đối với vong linh cuả những nạn nhân đã bị họ ra tay tàn sát vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968 oan nghiệt” đó.

Nhân dân Việt nam chúng ta kiên quyết đòi hỏi giới lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay ở Hà Nội phải “làm điều tối thiểu là phải nhận cái tội lỗi tày trời đó”. Nhất quyết chúng ta không thể dung tha cho cái thái độ ngạo mạn, ngang ngược như thế này mãi mãi được nưã. Và chúng ta cũng tiếp tục lên án cái đảng và nhà nước cộng sản hiện vẫn đang tiếp tục sử dụng thủ đoạn côn đồ để hành hung các tu sĩ và tín đồ các tôn giáo tại các điạ phương, cụ thể như ở Đồng Chiêm, ở Cồn Dầu, ở Lâm Đồng, ở Cao nguyên Trung phần v.v…

Trong niềm tưởng nhớ và xót thương vô hạn đối với bao nhiêu nạn nhân vô tôi đã bị cán bộ cộng sản tàn sát cực kỳ dã man hồi Tết Mậu Thân năm 1968 tại cố đô Huế, chúng ta cùng hiệp nhau cất lên “tiếng nói lương tâm cuả tập thể Dân tộc Việt nam mình” để đòi hỏi đảng cộng sản phải hành xử thích đáng hầu chuộc lại được “cái tôị lỗi Trời không dung, Đất không tha này”.

D/ Kinh nghiệm cuả “Uỷ Ban Sự Thật và Hoà Giải” ở Nam Phi.

Sau khi chế độ Kỳ thị chủng tộc Apartheid chấm dứt ở Nam Phi, thì Tổng Thống Nelson Mandela đã phát động một chiến dịch nhằm hàn gắn những đổ vỡ, hận thù trong xã hội do sự tàn bạo độc ác cuả giời cầm quyền da trắng đã gây ra bao nhiêu tội ác khủng khiếp đối với đa số người da đen trong nước, bằng cách thiết lập “Uỷ Ban Sự Thật và Hoà Giải” nhằm công khai hoá những sự vi phạm về tự do và nhân phẩm, nhân quyền đối với người dân, để rồi tìm cách xoá bỏ loại trừ hết được những sự chia rẽ, hiềm khích thù hận trong nội bộ cuả đại gia đình dân tộc. Nhờ có chiến dịch này, mà Nam Phi đã tránh được các vụ đổ máu do những vụ ân oán trả thù lẫn nhau, giưã người da đen đa số hiện đang nắm giữ quyền bính và người da trắng thiểu số mà nay đã mất hết quyền hành để mà làm mưa làm gió, tác oai tác quái như thời còn chế độ Apartheid.

Uỷ Ban này cũng được thiết lập tại nhiều quốc gia khác nưã, cụ thể như ở Nam Hàn, ở Maroc, ở các nước Châu Mỹ La tinh v.v… Thiết tưởng dân tộc Việt nam chúng ta cũng có thể rút kinh nghiệm cuả người tại Nam Phi và tại các nước khác, để tìm cách hàn gắn lại sự đổ vỡ hận thù đã do người cộng sản gây ra từ bao nhiêu năm nay vậy.

Đoàn Thanh Liêm
California, cuối năm Kỷ sửu 2010