Friday, February 5, 2010

Nguyễn Văn Huy


Gió Đang Đổi Chiều‏

Vào Thứ Năm, Feb.4, chính phủ Hoa Kỳ cho biết là Tổng Thống Obama sẽ tiếp kiến nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhân chuyến viếng thăm Washington của ngài trong tháng này.

Thư ký của ngài Dalai Lama nói rằng ngài sẽ có mặt tại thủ đô Hoa Kỳ vào ngày Feb 17-18.

Nghe được tin này, nhà cầm quyền Trung quốc đã tỏ ra giận dữ. Từ phát ngôn viên của Tòa Đại Sứ Trung Hoa tại Mỹ cho đến phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao của họ đều lên tiếng phản đối cuộc tiếp xúc sắp đến giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Tây Tạng, rằng làm như thế sẽ dẫn đến hậu quả căng thẳng về bang giao Mỹ-Hoa.

Nhà cầm quyền Bắc Kinh xem nhà sư Phật giáo Tây Tạng này là một thành phần nguy hiểm. Một viên chức cao cấp của Bộ Chính Trị Trung quốc, Zhu Weiqn, tuyên bố rằng, nếu cuộc gặp gỡ này xảy ra Trung Hoa sẽ phản đối mãnh liệt như từ trước đến nay. Rằng nếu nhà lãnh đạo Hoa Kỳ chọn gặp ngài Dalai Lama lần này thì sự việc này sẽ làm thiệt hại đến sự tin tưởng và hợp tác giữa hai nước và như thế thì làm sao sự việc ấy có thể giúp Hoa Kỳ khắc phục đươc tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay ?

Vào tuần trước, Hoa Kỳ đã chấp thuận bán võ khí cho Đài Loan với tổng số tiền là 6.4 tỉ USD. Sự việc này đã làm cho các nhà lãnh đạo Trung quốc tức tối, và nay lại bồi thêm cái tin Tổng Thống Mỹ sẽ tiếp kiến vị Lat Ma đời thứ 14 của Tây Tạng tại Tòa Bạch Ốc chỉ khiến cho ho bực bội thêm.

Vào năm 1979, Hoa Kỳ đóng cửa Tòa Đại Sứ của họ tại Đài Loan và chỉ giữ lại một văn phòng đại diện liên lạc. Từ đó, nước Mỹ chính thức bang giao trên cấp bậc đại sứ với Trung quốc. Tưởng rằng công nhận Trung Hoa trên trường quốc tế như thế, nhìn nhận vai trò quan trọng của nước này trong sinh hoạt quốc tế và song phương Mỹ-Hoa sẽ giúp Trung quốc hội nhập được vào sinh hoạt của cộng đồng thế giới, để họ góp một phần cho sự ổn định và phát triển kinh tế và hòa bình thế giới, giúp cho họ thay đổi cái cung cách lãnh đạo cầm quyền để trong nội bộ người dân Hoa lục được dễ thở và các lân bang Á châu được sống yên ổn, vì phàm khi con người hay quốc gia nào bị tẩy chay, cô lập, họ thường bộc phát hận thù căm phẫn và rồi có những hành động và phản ứng không ngờ và tai hại cho người khác hay nước khác Ấy thế mà kinh-nghiệm thực tế cho thấy nước Tàu vẫn duy trì một thái độ độc tài, ngoan cố cố hữu về đối nội lẫn đối ngoại, xem cộng đồng thế giới chẳng ra gì !

Về đối nội, Bắc Kinh dung dưỡng bao che các công ty chế-tạo và xuất-cảng các thực phẩm và sản phẩm có chứa độc tố và chất chì với mục đích kiếm lời bất chấp hậu quả nguy hại cho sức khỏe của dân chúng mọi lứa tuổi trên hoàn cầu, tiếp tục chính sách lãnh đạo độc đảng mặc cho người dân phản đối, tiếp tục hạn chế các quyền tự do căn bản của con người, bất chấp sự phản đối của các nước và các tổ chức nhân quyền quốc tế, tiếp tục bắt bớ những người khác biệt chính kiến và những nhà tranh đấu cho nhân quyền. Năm năm trước họ mở cửa cho hệ thống internet vào Hoa lục nhưng lại áp dụng chính sách kiểm duyệt tin tức. Người dân Trung quốc không được tự do theo dõi các tin tức được phổ biến rộng rãi trên mạng lưới internet toàn cầu như dân chúng các nước khác.

Công ty Google chấp nhận chính sách kiểm duyệt của nhà cầm quyền Trung Hoa và vì thế mà họ đã bị thế giới chỉ trích là tiếp tay cho chế độ độc tài. Ấy thế mà công an Trung quốc không để yên cho Google, họ vẫn sục sạo vào mạng lưới này để tìm kiếm tông tích và lùng bắt các nhân vật mà họ xem là chống chế độ. Tức nước vỡ bờ, công ty Google nhận thấy nhà cầm quyền Trung quốc không xem thiện chí của mình là một sự nhân nhượng cần thiết có tính cách tạm thời lúc đầu và hy vọng theo thời gian việc thông tin trên mạng đối với người dân Hoa lục sẽ được cải thiện từ từ cho đến một ngày chính sách kiểm duyệt sẽ bị hủy bỏ hoàn toàn. Tiến bộ đâu không thấy, chỉ thấy thụt lùi ngày càng tệ, thế là Google đã thông báo cho nhà cầm quyền Trung Hoa biết là họ đóng cửa văn phòng tại Bắc Kinh tạm thời và có thể sẽ rút lui toàn bộ khỏi Trung Hoa với lý do nước này đã không tôn trọng những lời cam kết. Không nhân nhượng, đại diện nhà cầm quyền tuyên bố các hoạt động của công ty nước ngoài tại Trung cộng phải hoàn toàn tuân theo luật lệ của nước họ. Nếu Google mà rút thì các công ty khác rồi cũng sẽ theo chân mà thôi. Làm ăn thương mại với độc tài đảng trị rất khó.

Về đối ngoại, Trung quốc tiếp tục tham vọng bành trướng đất đai. Ỷ vào sức mạnh quân sự họ biểu dương lực lượng trong vùng Biển Đông, công khai lấn át và xâm chiếm đất đai lãnh thỗ và các hải đão của nước khác trong vùng như đi vào chỗ không người. Họ ngày đêm duy trì một dàn gồm 1000 phi đạn chĩa thẳng vào Đài Loan với tính cách đe dọa. Họ không sốt sắng hợp tác với các nước khác để ngăn chận chương trình chế tạo võ khí nguyên tử của Iran và không sẵn sàng tham gia vào giải pháp trừng phạt kinh tế nước này. Họ giữ một thái độ tương tự như thế đôí với nước lân bang và đồng thời đàn em là Bắc Hàn. Hoa Kỳ lâu nay gặp vài lúng túng với hai nước này. Không có Bắc Kinh yểm trợ võ khí và tinh thần, Iran và North Korea sẽ không thể duy trì một thái độ ương ngạnh ảnh hưởng đến hoà bình thế giới đến thế. Ba Tư tiếp tục thách đố thế giới vừa bằng lời nói vừa bằng hành động, chế tạo nguyên tử và liên tục bắn thử các loại phi đạn tầm dài tầm trung. Bắc Hàn vẫn tiếp tục bắn phi đạn qua eo biển Nhật Bản, và mới đây hải quân của họ đã pháo kích vào phía nam và đã gặp phải sức phản pháo mãnh liệt của Nam Hàn.

Đối với Hoa Kỳ, Trung Hoa đã và đang duy trì một cán cân ngoại thương chênh lệch bất lợi cho nước Mỹ; xuất cảng hàng hóa qua thị trường Mỹ rất nhiều trong khi nhập cảng rất ít. Trung cộng tiếp tục giữ giá đồng bạc của họ, mặc cho các cấp lãnh đạo chính trị và kinh tế Hoa Kỳ đã nhiều lần kêu gọi họ cần phải điều chỉnh lại. Họ áp lực Hoa Kỳ nhân nhượng họ cả về chính trị và nước này cũng đã chấp nhận, điển hình là trường hợp của Taiwan và Tibet; Hoa Kỳ xem Đài Loan là một phần của Trung Hoa nhưng cương-quyết không chấp nhận việc Trung quốc thôn tính Đài Loan bằng võ lực và Hoa Kỳ cho biết Bắc Kinh cần phải nói chuyện với Tây Tạng để tìm một giải pháp dành cho người dân xứ này có một sự tự trị. Tin mới nhất cho biết cuộc gặp gỡ giữa đại diện của ngài Đạt Lai Lạt Ma với nhà cầm quyền Trung quốc tại Bắc Kinh về vấn đề Tây Tạng đã không đạt được kết quả nào. Từ nay trở đi, Mỹ sẽ không nhượng bộ Trung quốc nữa sau khi đã tỏ thiện chí trong các lãnh vực chính trị, ngoại thương, tiền tệ, an toàn internet, kinh tế thế giới, môi trường, khí hậu v.v... Hoa kỳ sẽ nghiêm chỉnh đặt lại các vấn đề này với Trung quốc và việc sẽ làm đầu tiên trong tháng này là Tổng Thống Hoa Kỳ Obama sẽ tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Tòa Bach Cung.

Đúng ra, ông Obama đã gặp nhà lãnh đạo Tây Tạng vào tháng 10 năm ngoái, nhưng để tránh đi cái rắc rối cho Tổng Thống Hoa Kỳ khi gặp các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vào một tháng sau đó, cho nên cuộc tiếp đã được hai bên đồng ý dời lại. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc đã cho các nhà báo biết là ông Tổng Thống đã nói với các nhà lãnh đạo Trung quốc trong chuyến viếng thăm năm ngoái là ông sẽ gặp ngài Dalai Lama và sẽ giữ nguyên ý định đó. Hoa Kỳ hy vọng là quan hệ Mỹ Hoa đủ vững chãi để cả hai có thể cùng hoạt động trong những địa hạt quan tâm hỗ tương như khí hậu, kinh tế toàn cầu và ngăn cản phổ biến (võ khí hạt nhân) và thảo luận ngay thẳng và thành thật những vấn đề bất đồng.

Có giải thích hoặc nói thế nào đi chăng nữa cũng bằng thừa vì họ không có muốn nghe; họ chỉ muốn người khác làm theo cái ý của họ do đã quen cái thói độc tài gia trưởng chậm tiến. Cũng với tác phong ấy, Trung quốc hăm he trừng phạt các công ty Hoa Kỳ đã đồng ý bán võ khí cho Đài Loan. Phát ngôn viên Bộ ngoại Giao Trung Hoa, Ma Zhaoxu, trong tuần này đã nói với báo chí rằng các công ty Hoa Kỳ đã bỏ ngoài tai sự chống đối của Trung quốc và vẫn tiếp tục bán võ khí cho Đài Loan, rằng Trung quốc sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty này.

Để xem họ sẽ trừng phạt bốn công ty Hoa Kỳ ra làm sao. Giới chức quân sự Hoa Kỳ bảo cái việc bán võ khí cho Đài Loan là việc làm vẫn có từ trước đến nay và việc ấy rất cần thiết cho sự thăng bằng lực luợng, dù chỉ là tương đối, trong eo biển Đài Loan.

Trung Hoa có một dân số đông nhất thế giới, đứng hàng thứ hai về quân sự và thứ ba về kinh tế. Chính vì thế mà họ có một thái độ kiêu ngạo. Họ gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng là một nhà sư Phật giáo, Buddhist monk, không hơn không kém và coi ngài là một thành phần nguy hiểm, dangerous separatist, và dứt khoát không chịu nói chuyện với ngài, mặc dù ngài đã bày tỏ chủ trương không đòi độc lập hẳn mà chỉ cần tự trị.

Trung quốc nói là cuộc tiếp kiến của Tổng Thống Hoa Kỳ dành cho ngài Dalai Lama sẽ làm thiệt hại đến sự tin tưởng và sự hợp tác giữa hai quốc gia, thực tế cho thấy là không đúng. Thử hỏi trên thế giới này có nước nào còn tin tưởng được Trung quốc với dã tâm bành trướng và thôn tính các lân bang, với các hoạt động thương mại kiếm lời bất chính; thực phẩm cũng như hàng hóa, mà trong đó tiền được xem là cứu cánh thay vì phúc lợi và sức khoẻ của dân chúng toàn cầu. Quần chúng ngày nay rất ngán ngẫm các sản phẩm và thực phẩm xuất phát từ Trung quốc. Ai là người đã đánh mất niềm tin nơi người khác ngoài Trung quốc. Cho nên Bắc Kinh mà nói đến "trust" thì mọi người cần phải hiểu ngược lại là không còn đáng tin nữa. Mà khi đã không tin thì nói gì đền hợp tác, cooperation. Ấy thế mà họ lại đi trách Hoa Kỳ, một điều ngược ngạo. Thử hỏi Hoa Kỳ là một cường quốc lãnh đạo thế giới mà Trung quốc còn dở giọng đe dọa như thế thì các nước nhỏ khác ở Á châu còn phải chịu áp lực nặng nề của họ đến thế nào !

Thế giới ngày nay chỉ còn sót lại vài nước độc tài đảng trị và lãnh đạo của họ hoàn toàn đi ngược lại quyền lợi của đại đa số dân chúng. Các nước này rất nguy hiểm vì không chịu nhận chân ra thực tế văn minh tiến bộ của loài người để mà cùng phát triển và dựa vào nhau để sinh tồn. Họ chẳng thực tâm hợp tác hay nhượng bộ một ai. Ngược lại, ho cứ muốn đi theo con đường riêng của họ, gây ra đau khổ cho chính dân chúng của họ và gây ra sự bất ổn cho nước khác và cộng đồng thế giới. Ngay như ông Tổng Thống Hoa Kỳ với chủ trương thay đổi để mong cầu một sự hợp tác duy trì hoà bình, thịnh vượng, và trong sạch lâu dài trên quả đất, ấy thế mà từ Trung Đông cho đến Á châu, các xứ độc tài này đã không chịu hợp tác. Trung quốc bảo ngài Đạt Lai Lạt Ma là con người nguy hiểm, nhưng thật ra Trung Hoa lại là nước nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay. Không có sự giúp sức và yểm trợ của Trung quốc thì hai nước Iran và Bắc Hàn đã không dám lộng hành như bây giờ. Chiến tranh nguyên tử mà xảy ra thì nơi xuất phát sẽ là một trong hai chỗ này.

Gần hơn nữa, Trung quốc là cái họa lâu dài cho Việt Nam. Ho xâm lấn Việt Nam theo chính sách tuần tự, từ từ. Phá hoại kinh tế trước bằng cách xâm nhập hàng hóa bất hợp pháp hoặc xâm nhập nhân sự được ngụy trang dưới hình thức hợp tác thương mại. Khi thuận tiện, họ xâm lăng công khai bằng quân sự. Trên cõi đời, mọi sự chỉ có tính cách tương đối, chẳng có cái gì trường tồn bất biến. Ngày hôm nay là kẻ thù của nhau nhưng ngày mai có thể lại là đồng minh. Quyền lợi đất nước là trên hết.

Tại Hoa Kỳ, dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ, thì quyền lợi của nước Mỹ là tối thượng. Quan niệm Cộng Hòa thì chống Cộng còn Dân Chủ là nhu nhược làm lợi cho Cộng Sản không còn hợp thời và thực tế nữa. Trong liên hệ quốc tế, sự giao hảo cũng vâỵ, được đặt trên quyền lợi hỗ tương. Chế độ nào rồi cũng thay đổi cho hợp thời thế, nhưng đất nước và dân tộc là trường tồn. Trong trường kỳ, để ngừa cái họa Bắc xâm, Việt Nam chỉ có thể trông mong vào sự giúp đỡ và hợp tác của Hoa Kỳ mà thôi.

Chính các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Hoa Kỳ đều xác nhận là nước Mỹ vẫn còn duy trì lực lượng quân sự tại Á châu, và tại Thái Bình Dương chẳng qua chỉ là vì quyền lợi của nước Mỹ.

Nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam biết lợi dụng cái quyền lợi tương đồng ấy và biết lo cho dân cho nước và bớt được các tham lam ích kỷ giới hạn trong vòng phe cánh và gia đình mới hy vọng tránh được cái nhục mất nước vào tay ngoại bang.


Nguyễn Văn Huy
Đọc thêm guardian.co.uk