Monday, March 19, 2012

ĐS17-QGHC


Trần Đình Tuấn đi chơi

Thưa các Bạn,

Đầu tuần này tôi bắt đầu chuyến đi dọc đường HCM từ Hà Nội vào Saigon bằng xe máy, mới đến Thanh Hóa thì tình cờ bạn Nguyễn Cư Trinh đang ở Saigon gọi, và nhắn tôi gửi ảnh. Tiện đây tôi gửi chung cho các bạn luôn, bạn nào không thích chuyện du lịch giang hồ thì delete đi nhé!

Tôi khởi hành ở Hà Nội (đường Láng Hòa Lạc, nối vào đường HCM) vào trưa ngày thứ Hai 12/3/2012. Trong địa phận Hà Nội đường HCM không có gì đặc sắc, mặc dù qua khỏi cảnh xe cộ chen chúc, đường vắng và không khí trong lành, khá lạnh, đã thấy rất khỏe. Vào đến địa phận tỉnh Hòa Bình phong cảnh bắt đầu đẹp, nhất là đoạn qua rừng Cúc Phương. Tôi ngừng dọc đường nhiều lần để chụp ảnh, đến Cẩm Thủy thì rẽ vào đường 217 để ghé thăm thành nhà Hồ ở cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 50km.

Sáng thứ Ba 13/3 tôi rời Thanh Hóa theo quốc lộ 1 đi Vinh. Qua địa phận Quỳnh Lưu thình lình tôi bị mấy chú Công an giao thông chặn lại về tội đi quá tốc độ (tốc độ qua phố huyện là 40km, tôi chạy 49km. Tôi hơi lo vì vừa bị mất bóp, chỉ có passport. Các chú công an hỏi "Bằng lái xe của bác đâu?" Không có" "Bác cho coi giấy chủ quyền xe" "Không có" "Bác có bảo hiểm xe không?" "Không có, tôi mới mất bóp" "Bác không có giấy tờ gì thì chúng tôi phải giữ xe" "Các anh giữ xe thì tôi đi bằng cái gì?" "Bác đi đâu?" "Tôi đi thành phố HCM" Mấy chú công an trợn tròn mắt! Cuối cùng mấy chú thông cảm ghi giấy phạt 150,000đ, đóng phạt tại chỗ xong tôi tiếp tục lên đường!

Sáng thứ Tư 14/3 tôi rời Vinh, theo QL 1 đến Hồng Lĩnh thì rẽ lên đường 8 để ra lại đường HCM. Đến khoảng 2g chiều thì đến đường 20 rẽ vào động Phong Nha (16km). Đoạn đường HCM qua Phong Nha Kẻ Bàng phong cảnh rất đẹp, toàn là núi rừng và sông suối xanh biếc. Động Phong Nha do tư nhân đầu tư, trình độ không kém các khu du lịch ở Úc và Mỹ mà tôi đã có dịp đi qua. Từ chỗ đậu xe tôi đi bộ 1,6km vào chân động (ai không muốn đi bộ thì đi xe điện), leo 525 bậc lên cửa động, leo tiếp 179 bậc nữa xuống đáy động. Động rất vĩ đại, người ta làm lối đi bằng gỗ xuyên qua lòng động, và thiết kế ánh sáng y như các động ở Mỹ và Úc. Từ trước đến giờ tôi không thích đến những khu du lịch ở VN vì chỗ nào cũng bẩn thỉu, đầy rác, làm mình xấu hổ. Động Thiên Đường trái lại, rất sạch. Bạn nào chưa có dịp đến đây có thể vào internet để xem phong cảnh ở kỳ quan này.

Ở động TĐ ra tôi hỏi thăm và được chú bảo vệ ở cổng chỉ cho đi tiếp đường 20 về phía Khe Sanh, không vòng lại, sẽ nối vào đường HCM Đông. Tôi đi theo chỉ dẫn, ai dè đi hàng giờ không thấy một bóng người, đường thì rất hẹp, hai bên là rừng già, nhiều chỗ tối, làm tôi hơi lo mặc dù đã cẩn thận mang theo bình xăng dự trữ (4 lít) và phong cảnh hoang sơ rất đẹp. Cũng may đi hồi lâu thấy có cây tre chắn ngang đường, thì ra là trạm kiểm lâm rừng Phong Nha. Mấy chú kiểm lâm vui vẻ chỉ đường cho tôi đi tiếp đến bến phà Xuân Sơn. Các bạn nào quan tâm Sử chắc biết bến phà Xuân Sơn nổi tiếng trong thời chiến tranh. Ở Xuân Sơn tôi ghé vào một tiệm sửa xe bên đường để thay nhớt (tôi đã thay nhớt ở Hà Nội trước khi khởi hành). Sau đó ghé Đồng Hới nghỉ qua đêm. Dẫn tôi lên phòng ở khách sạn Hương Quỳnh, chú nhân viên hỏi "Bác cần mát xa không? 200,000đ, Bác muốn mát xa tới sáng luôn cũng được, 500,000đ, bảo đảm em trẻ đẹp".

Sáng thứ Năm 15/3 tôi rời Đồng Hới, trở lên đường HCM Đông đi đến Cam Lộ, vòng xuống Đông Hà theo quốc lộ 1, ghé thăm cổ thành QuảngTrị và thánh địa La Vang rồi đi Huế. Chặng đường này cả trên đường HCM lẫn QL 1 đều có nhiều địa danh lịch sử. Nghĩa trang Trường Sơn nơi yên nghỉ của những người lính CS được xây dựng hoành tráng, chia ra thành từng tỉnh. Phong cảnh u tịch này làm tôi chạnh lòng nghĩ đến nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Không biết đến bao giờ chúng ta mới có những nghĩa trang tôn nghiêm cho những anh hùng liệt sĩ không phân biệt màu cờ sắc áo.

Tôi không nghỉ đêm ở Huế mà qua ngả đài Nam Giao, lăng Minh Mạng, ngã ba Tuần, ra đường 49 để trở lại đường HCM. Đoạn đường này dài khoảng 70km, hẹp và xấu, đặc biệt 20km cuối cực kỳ xấu, đường toàn đá cục, bụi mù mịt. Tôi lầm lũi đi trong đêm, vận tốc khoảng 15-20km. Còn cách A Lưới không đầy 10km thấy hai thanh niên đi xe máy đang loay hoay bên lề đường, một người đang nghiêng xe hình như cho người kia hút xăng, ánh đèn pin lấp loáng. Tôi vòng lại hỏi "Mấy em hết xăng phải không?" "Dạ đúng rồi" "Tôi có xăng đây". Tôi moi bình xăng dụ trữ ra xớt cho họ một ít, họ cám ơn rối rít. Tôi rời Huế lúc chưa đến 3 giờ chiều, còn thong thả chụp hình ở thành nội và lăng Minh Mạng, vậy mà đến 7g hơn, tối mịt mới mò ra được Bốt Đỏ trên đường HCM (cách A Lưới 6 km về phía Nam). Bốt Đỏ là một cái xóm chợ nhỏ xíu trên đường HCM, tôi hỏi thăm nhà trọ, được người ta chỉ vô căn nhà này, phía trước có năm bảy chiếc xe máy đậu ngổn ngang như những con ngựa buộc bên ngoài saloon trong phim cao bồi Mỹ. Tôi cũng đẩy con ngựa sắt của tôi vào. Bước vô nhà không thấy ai, tôi hỏi to "Còn phòng trọ không?" Một cô gái trắng trẻo bất ngờ thò đầu từ một cái giường có che rèm ri đô ra "Bác ơi đây không phải nhà trọ, bác qua kế bên".

Tôi bước qua kế bên và thế là tôi đã có được kinh nghiệm nghỉ qua đêm ở khách sạn -một sao (trừ một sao). Nghĩa là trong phòng chỉ có một cái giường, ngoài ra không có cái gì khác. Không nước nóng (cũng may ở đây trời không còn lạnh nhiều như ngoài Bắc), không xà bông, không khăn tắm, không dép, không everything! Giá tiền là 100,000đ.

Sáng thứ Sáu 16/3 tôi rời Bốt Đỏ đi ngược đường HCM 6km lên A Lưới cho biết địa danh lịch sử này nơi xưa kia đã từng giữ vai trò quan trọng trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. A Lưới tất nhiên ngày nay cũng chỉ là một thị trấn nhỏ như vô số thị trấn khác dọc theo đường HCM, không còn dấu vết gì của trận chiến ác liệt xưa. Từ A Lưới qua khỏi Bốt Đỏ đến A Tép là quãng đẹp nhất trên suốt đường HCM. Đây là một quãng đường dài bám theo sườn dãy Trường sơn, qua hầm A Roàng 1 và A Roàng 2, thuộc nhánh HCM Tây, rất hẻo lánh. Tôi phóng xe đi nhiều giờ mà gần như không gặp ai ngoại trừ những chỗ có công nhân tu sửa đường. Nhiều chỗ cảnh quá đẹp, ngừng xe chụp hình lại nghe được tiếng chim kêu hót líu lo. Rùng núi xanh ngắt, bông mua tím và bông trảu trắng tô điểm cho Trường sơn (cây trảu cao xừng xững, tán là có nhiều tầng, phủ bông trắng, màu sắc hài hòa rất đẹp).

Tôi vừa đi vừa ngừng chụp ảnh, qua khỏi P'rao, đến khu vực nhà máy thủy điện A Vương thì gặp một chú công nhân xe xúc xin quá giang về Thạnh Mỹ (24km), nhờ vậy tôi chụp được một tấm hình duy nhất đang chạy xe (tôi thả cậu xuống, vòng xe lại, chạy từ từ đến cho cậu chụp). Qua Khâm Đức, Dak Glei, Ngọc Hồi, trời đã tối. Ngọc Hồi là một thị trấn khá lớn. Đoạn đường đèo từ Ngọc Hồi đến Dak Tô trời tối mịt và vắng tanh. Rất may có một thanh niên phóng xe đi trước, tôi chỉ việc bám theo đèn đỏ của anh ta nên đi được nhanh (60km/giờ) mà vẫn có cảm giác an toàn.

Sau một đêm nghỉ ở Dak Tô, sáng thứ Bảy 17/3 tôi ghé qua đài kỷ niệm trận Đak Tô Tân Cảnh năm 1972. Các ông Phó của ĐS 17 đã từng làm việc ở Tây nguyên như các bạn Nguyễn Mạnh Phúc, Hoàng Ngọc Uyển, Ngô Ngọc Trung, Vũ Tiến Trung... có lẽ đi ngang vùng đất lịch sử này sẽ xúc động hơn tôi vì các bạn đã trải qua thời kỳ đó trên mảnh đất này. Từ 7g45 sáng ở đài kỷ niệm Dak Tô Tân Cảnh, tôi đi qua Kontum, Pleiku, ở Pleiku tôi tìm được chỗ thay ti nhún sau xe bên phải đã bị gãy từ trước khi đến Huế (ti là con bù loong nằm giữa nhún, bao chung quanh là lò xo nhún). Anh thợ hì hục cả giờ mới tháo được phần ti gãy ra và thay cái mới vào nhưng chỉ tính công có 65,000đ (tôi tặng anh 100,000đ). 4g30 chiều tôi đến Ban Mê Thuột. Suốt vùng Tây nguyên mùa này bướm bay đầy trời và ve kêu inh ỏi. Bướm nhiều đến nỗi có một con bay dạt vào trong cổ áo tôi, nó nhúc nhích ở trong ngực, tôi phải dừng xe cởi ba lớp áo, may mà nó vẫn còn bay đi được, không biết có bị chấn thương sọ não hoặc què giò hay không (vì gió tạt rất mạnh).

Đi ngang Buôn Hồ (nơi TT Thiệu ra lệnh đổ quân tái chiếm Ban Mê Thuột cũng vào khoảng thời gian này 37 năm trước, bây giờ là một thị trấn rất sầm uất) tôi rẽ thử vào một đường đất đỏ dẫn vào những xóm nhà rải rác giữa những vườn tiêu và cà phê xanh tốt. Đây chính là vùng biên cương đổi đời của biết bao gia đình trẻ của thập niên 60 (thời TT Ngô Đình Diệm), và cuối thập niên 80 (đổi mới), biến vùng đất bỏ hoang bao la này thành một trong những vùng tiêu và cà phê trù phú nhất của nhân loại.

Tối nay tôi ngủ ở đây, Ban Mê Thuột, sáng mai sẽ tiếp tục theo đường HCM về điểm cuối của nó là Chơn Thành trước khi về thành phố HCM.

Tôi khởi hành ở Buôn Ma Thuột lúc 9g sáng và về đến Saigon lúc 7g30 tối qua. Buôn Ma Thuột là thành phố thuộc loại rất lớn, đường phố to rộng, khang trang, ngang dọc, khách sạn liền liền trên những phố chính, có cả những khách sạn 4, 5 sao sang trọng và hoành tráng như ở Sài Gòn và Hà Nội. Ra khỏi Buôn Ma Thuột một quãng, tôi thấy phía xa có một chiếc xe van tấp vào lề, rồi một cặp cô dâu chú rể bước xuống. Chú rể mặc tuxedo trắng có đuôi dài phía sau, cô dâu mặc áo cưới trắng cũng có đuôi dài lê thê phía sau. Chỗ này đồng lúa xanh tươi, có lẽ là xe đón dâu, tôi đoán chắc tới đây bí quá cô dâu phải dẫn chú rể xuống ruộng cho chú tìm đường xả nước cứu thân. Ai dè đâu họ xuống ruộng chụp hình kỷ niệm đám cưới, thế là tôi cũng dừng xe chụp ké một tấm mừng đôi tân lang và tân giai nhân!

Đoạn đường gần 400 km từ Buôn Ma Thuột về Tp HCM không có gì đặc sắc, làng xã liền liền, chỗ nào cũng bụi đỏ nhếch nhác. Nhiều đoạn đường đang xây dựng, đá lổm nhổm, chỉ đi được dưới 20km/giờ. Hai bên đường nhiều chỗ hàng cây số ngập rác. Gần Dak Song, trên đoạn đường đèo khá đẹp, hai bên là rừng thông, có một chiếc xe đò Mai Linh tốc hành mang biển số 3549X02 chạy ngang, một hành khách kéo cửa kính quăng túi nilon rác ra ngoài, chai plastic và rác rơi tung tóe trên đường. Một đoạn khác tôi đang đổ dốc với tốc độ khá nhanh (60km/giờ, cảm giác nhanh như lái xe ở tốc độ 90 miles trên xa lộ Mỹ), một chiếc xe du lịch đang chạy ngược chiều gần đến tôi bỗng bất ngờ rẽ trái. Trong một tic tac tôi lạnh sống lưng, rất may chưa kịp thắng (xe gắn máy sẽ lật nếu trong lúc hoảng hốt tôi đạp thắng chân [bánh sau] mạnh hơn bóp thắng tay [bánh trước] ở tốc độ cao), tài xế chiếc xe đó đã lạng trở vào phần đường phía trái, thì ra anh ta né một cái ổ trâu!

Tôi lần lượt qua Gia Nghĩa, nghỉ ăn trưa ở Kiến Đức, rồi đi tiếp xuống Đồng Xoài, thành phố khá lớn. Gần đến Chơn Thành là hết đường HCM, tôi rẽ vào quốc lộ 13, từ đây về Sài Gòn là 92 km xa lộ mỗi bên 2 làn xe hơi và một làn xe máy, có dải phân cách ở giữa. Càng về gần đến Sài Gòn xe cộ càng đông, từ đường nhánh đâm ra, chạy ngược chiều, bất ngờ quẹo chữ u, bộ hành leo qua dải phân cách, xe tải ba bánh kềng càng bò chậm rãi, xe máy uốn lượn ào ào như mắc cửi... Đi suốt một tuần từ Bắc vào Nam, qua những cung đường cheo leo, hiểm trở, và vắng lặng nhất, chưa bao giờ tôi có cảm giác bất an như lúc này. Hai con mắt lúc nào cũng phải căng ra, chăm chú vừa liếc nhìn bảng tên đường vừa quan sát chung quanh, sẵn sàng đối phó với những tình huống bất ngờ. Việt Nam mình có một ưu điểm là các cửa tiệm đều ghi địa chỉ trên bảng hiệu cho nên xác định vị trí dễ hơn ở Mỹ.

So với những thành phố lớn ở Tây nguyên, Sài Gòn như một con cá voi khổng lồ bên cạnh bầy cá bống. Tôi lớn lên ở thành phố này, đã trở về thăm nhà hàng mấy chục lần thế mà vẫn không thuộc nổi những đường phố mới mọc lên chằng chịt trên những đồng ruộng xưa. Lần này cũng thế. Vừa đi vừa ngó dáo dác một hồi lâu trên những con đường rộng rãi, xa lạ, chen chúc xe cộ, bỗng dưng liếc mắt nhìn địa chỉ các cửa hàng san sát bên lề đường, thấy "đường Đinh Bộ Lĩnh, Phường 26 Quận Bình Thạnh" Ủa tới nhà mình rồi!

Cám ơn anh Trí, bạn Phúc, bạn Hùng cố đô, và tất cả các bạn khác, đặc biệt bạn Huy và bạn Nhạc đã có những nhận xét rất khích lệ.

Trả lời bạn Huy: tiền và passport tôi cất riêng nên không bị mất.

Trả lời bạn Nhạc: tôi thực hiện được chuyến đi này vì đã giữ bí mật từ đầu đến đuôi, nếu lộ ra thì không thể nào thực hiện được vì tất cả mọi người sẽ bảo mình là khùng, là già dịch, v.v...

Trần Đình Tuấn
March.18-2012
Facebook/ds17