Friday, March 30, 2012

USA-HC


Pháp Đình và Cải Tổ Y Tế‏

Cách nay hai năm, luật cải tổ y tế Hoa Kỳ đã được lưỡng viện Quốc Hội thông qua và được Tổng Thống Obama ký ban hành. Có một số điều khoản đã trở thành hiệu lực kể từ năm nay, như con cái còn ở chung với cha mẹ có thể hưởng chung trong bảo hiểm của người lớn cho đến năm 26 tuổi. Ngoài ra, các điều khoản còn lại sẽ được thi hành vào hai năm tới, gồm có việc bắt buộc mọi người phải có bảo hiểm y tế, hoặc nhận từ sở làm hoặc mua riêng, nếu không sẽ bị phạt. Thế nhưng sau đó 26 tiểu bang và một nhóm tiểu thương chống luật này đã khởi đơn kiện luật này ra tòa, nại cớ tính cách bất hợp hiến của đạo luật. Lần lượt các toà án liên bang cho tới tòa kháng án liên bang đã thụ lý vụ kiện và đã đưa ra phán quyết cho vụ xử này thế nhưng một trong hai bên, nguyên, bị, không hài lòng. Vì thế cho nên cuối cùng vụ kiện đã được chuyển lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phân xử.

Vào Thứ Hai, 26/3/2012, TCPV bắt đầu nghe luật sư đại diện của hai bên, nguyên đơn và chính phủ, trình bày sự việc, trả lời các câu hỏi và các vấn đề liên hệ do các Thẩm phán nêu lên. Tòa án chỉ có sức chứa cho 400 người tham dự. Một số Thống đốc và ứng cử viên Tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa đã hiện diện tại tòa kể từ ngày xử đầu tiên. Nhiều người khác thuộc cả hai phe đã đứng bên ngoài tòa án, vừa để theo dõi diễn tiến bên trong vừa để ủng hộ phe nhà.

Có hai cách xét xử mà các Thẩm phán sẽ thực hiện lần này liên quan đến Luật Y Tế. Hoặc là đưa ra phán quyết tuyên bố toàn bộ Obamacare là vi hiến và vì thế toàn thể luật này trở thành vô hiệu và không được thi hành. Hoặc là chỉ có một số điều khoản của luật này là bất hơp hiến và như thế chỉ có các điều khoản ấy bị vô hiệu hóa mà thôi. Tuy nhiên, mặc dù chỉ có vài điều khoản bị các Thẩm phán đánh đổ nhưng nếu đó lại là điều khoản cốt lõi, toàn bộ đạo luật sẽ vì thế bị ảnh hưởng theo và cuối cùng có thể đưa đến tình trạng vô hiệu hóa toàn diện.

Mở màn phiên tòa, có Thẩm phán, Sotomayor, đặt vấn đề là luật do Quốc Hội làm ra, vậy nếu muốn hủy bỏ luật này thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phải chăng là Quốc Hội thay vì là tòa án?

Lại có một vấn đề khác được đặt ra là luật y tế có hiệu lực kể từ 2014 mà năm nay là 2012, như thế nếu tòa án phân xử từ bây giờ e rằng có sớm quá chăng, trong lúc cả hai phe đều mong muốn TCPV xử liền một khi.

Tổng số Thẩm phán là 9 vị, trong đó có 4 vị thuộc phe tự do; Breyer và ba nữ Thẩm phán Ginsburg, Sotomayor và Kagan. 5 ông còn lại; Chủ tịch Roberts, Scalia, Thomas, Alito và Kennedy thuộc phe bảo thủ. Trong số các Thẩm phán bảo thủ, ngài Kennedy lại thường lăng ba vi bộ cho nên chưa biết ý ngài sẽ như thế nào. Ông này và Chủ tịch Roberts sẽ là người cuối cùng quyết định sự thành bại của luật healthcare. Người ta bảo mặc dù các Thẩm phán trong khi tranh luận ít nhiều tỏ rõ lập trường của họ nhưng đến khi quyết định tối hậu lại có phán quyết khác hẳn. Rồi có người lại nói Thẩm phán Thomas, người Mỹ gốc Phi châu duy nhất của pháp đình xưa nay thuộc mẫu người kín đáo tối đa, không nói năng chi qua các phán quyết mà các đồng viện của ngài thông qua trong quá khứ, thành ra không biết lần này ngài sẽ hành động ra sao. Trong ba ngày nay, ngài này chỉ ngồi nghe chứ không nêu câu hỏi hay đóng góp ý kiến.

Luật y tế bắt buộc các công ty bảo hiểm không được từ chối bảo hiểm cho nhưng người đã có mầm mống bật tật từ trước, ấn định giới hạn tối đa số tiền mua bảo hiểm mà công ty đòi người tiêu thụ phải trả, dân chúng phải có bảo hiểm y tế; từ hãng làm hay tự mua và nếu không có, họ sẽ bị phạt, nới rộng chương trình y tế liên bang Medicaid dành cho những gia đình có lợi tức thấp. Hiện nay có khoảng 30 triệu người không có bảo hiểm y tế.

Một trong những lý luận mà chính phủ sử dụng để bảo vệ luật y tế là Hoa Kỳ là một nước tiền tiến duy nhất trên thế giới không có luật y tế cho toàn dân. Phe Cộng Hòa chống luật y tế với lý do giản dị, luật này không được phổ thông và tốn kém hàng tỉ Mỹ kim trong khi Hoa Kỳ đang bị thâm thủng ngân sách trầm trọng và thiếu nguồn tài trợ.

Có những câu hỏi do các Thẩm phán nêu ra cho luật sư của hai bên xem ra thú vị. Chẳng hạn như, nếu chính phủ có thể buộc dân chúng mua bảo hiểm, thế chính phủ có thể sẽ buộc dân chúng mua bảo hiểm chôn cất, mua điện thoại di động hay rau tươi Broccoli được hay không. Chủ tịch Roberts nói, lần này là bảo hiểm y tế vậy lần tới sẽ là một thứ khác. Thẩm phán Scalia nói, nếu chính phủ làm được điều này thì có cái gì khác chính phủ không làm được. Thẩm phán Kennedy dè dặt bảo rằng cho phép chính phủ cưỡng bách dân như thế sẽ làm thay đổi quan hệ giữa chính phủ và công dân, và cái quyền ấy cần phải được biện minh chính đáng dựa theo đòi hỏi của Hiến pháp hay không. Thẩm phán Breyer hỏi luật sư Carvin, đại diện cho giới tiểu thương; the National Federation of Independent Business, là nếu có một bệnh dịch lan tràn khủng khiếp trên nước Mỹ, chính phủ không thể nào bắt dân chích ngừa phải không, luật sư trả lời, không thể, vì Quốc Hội không có quyền này. Còn Thẩm phán Ginsburg so sánh giữa y tế và an sinh xã hội rằng, Quốc Hội bắt thanh niên đóng thuế an sinh xã hội trong khi giới hạn, không cho họ có tiếng nói liên quan đến y tế được không.

Đại diện cho chính phủ Obama, bào chữa, bảo vệ luật y tế Patient Protection and Affordable Care Act 2009 là luật sư Verrilli Jr. Đại diện cho 26 tiểu bang khởi kiện là luật sư Paul Clement và như đã đề cập ở trên, đại diện cho giới tiểu thương là luật sư Carvin. Luật sư Long đại diện cho Tòa Kháng Án Liên Bang Richmond, Virginia. Đây là tòa dưới đã từ chối ra phán quyết tranh tụng về y tế bây giờ vì cho là quá sớm.

Phe Cộng Hòa muốn hủy toàn bộ luật y tế hay ít ra hai điều khoản chính và từ đó luật sẽ bị ảnh hưởng. Thứ nhất là điều khoản bắt buộc thanh niên phải mua bảo hiểm. Thứ hai là nới rộng bảo hiểm y tế cho các gia đình có lợi tức thấp mà theo chương trình y tế liên bang Medicaid hiện nay họ không hội đủ điều kiện căn cứ vào tiêu chuẩn lợi tức.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy là trên 50 phần trăm số người được thăm dò đều đồng ý là toàn dân cần có bảo hiểm y tế. Và đa số người được thăm dò không chấp nhận điều luật bắt buộc dân chúng phải mua bảo hiểm. Làm như thế là xâm phạm tự do cá nhân, bắt dân chúng làm cái việc mà họ không muốn làm. Việc tài trợ cho chương trình y tế dựa trên sự cắt xén các chương trình y tế liên bang hiện hữu và tiền mua bảo hiểm của thanh niên, cái giới ít có cơ hội sử dụng bảo hiểm, viếng thăm nhà thương và bác sĩ vì tình trạng tương đối khỏe mạnh của họ. Các công ty bảo hiểm sẽ chi ra nhiều tiền hơn vì luật y tế bắt họ phải nhận những người mua bảo hiểm có sẵn mầm mống bệnh hoạn và lại không phân biệt tuổi tác và tình trạng sức khỏe. Hãng bảo hiểm kinh doanh với mục đích kiếm lời. Luật bắt họ nhận vào khách hàng bệnh sẵn, nhất là bệnh hiểm nghèo, tốn kém như thế, họ chỉ có đường sập tiệm. Vậy thì để đền bù, hiểu ngầm là chính phủ phải đền bù cho họ để họ sinh tồn chứ, bằng cách buộc nhóm thanh niên khỏe mạnh, ít bệnh tật, phải mua bảo hiểm. Nói cách khác, ép một thành phần khỏe mạnh nộp tiền cho tư bản bảo hiểm bù vào chỗ tốn phí kia là ổn thỏa thôi. Khổ một cái là dân chúng có ý thức và quen sống tự do lâu ngày cho nên chính phủ buộc họ thế nào được. Thế thì giải pháp tốt nhất là lôi nhau ra tòa, nhờ tòa án xử thôi. Với chi phí y tế khổng lồ như thế này, có lẽ các biện pháp thuế khóa sẽ phải được thực thi thôi.

Tòa Kháng Án liên bang Richmond, Virginia cho rằng vụ kiện tụng này bây giờ đem ra xử là sớm quá. Vào thời điểm bầu cử Tổng thống và Quốc Hội như năm nay đây là một vấn đề chính trị tế nhị. Có lẽ vì thế mà tòa dưới không muốn can dự cũng nên. Thế nhưng TCPV không đồng ý, sẽ xử cho xong. Có một đạo luật của thế kỷ thứ 19 tên là the Anti-Injunction Act, liên quan đến thuế vụ, theo đó luật cấm tòa án không được xử các vụ kiện tranh tụng về thuế cho tới khi nào tiền thuế đã được thâu. Tòa Richmond dựa vào luật này và đưa ra lý do từ chối xử là, luật y tế, đặc biệt là điều khoản bắt buộc dân chúng phải có bảo hiểm y tế, có hiệu lực kể từ 2014. Người nào không có thì vào thời gian khai thuế cho 2014 tức là đầu năm 2015 sẽ phải nộp phạt và số tiền phạt này sẽ được khai và kèm theo mẫu khai thuế của năm 2014. Hiện nay còn sớm quá, chưa thể khai thuế cho năm ấy và chưa có vấn đề nộp phạt thì làm sao mà tòa xử vụ tranh tụng này cho được. Nếu cứ tiến hành, e rằng như thế là không đúng với nột dung của đạo luật cũ cả 145 năm nói trên. TCPV nghĩ khác, thuế (tax) và tiền phạt (penalty) là hai mục hoàn toàn khác nhau. Cho nên TCPV sẽ phân xử.

Sau ba ngày dài hỏi han, đối chất, và nghe kỹ các luật sư đại diện cho chính phủ Obama và 26 tiểu bang cũng như giới tiểu thương và tòa kháng án liên bang Richmond, TCPV từ nay trở đi sẽ rút vào họp kín nội bộ. Phán quyết sẽ được trình làng và số phận của Obamacare sẽ được quyết định một phần hay toàn phần vào cuối tháng Sáu tới đây.

Nếu vào tháng 11 tới, ứng viên Cộng Hòa đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, dù là bất cứ người nào, họ cam kết sẽ cùng với Hạ viện ra sức hủy bỏ luật cải tổ y tế liên bang.

Nếu TCPV phán rằng điều khoản của luật y tế bắt buộc dân chúng phải mua bảo hiểm là bất hợp hiến, các phần còn lại khó mà đứng vững được. Không khéo cả một công trình tốn kém về nhân lực và tài lực của cả từ hành pháp cho tới lập pháp trong các năm qua nhằm tạo dựng nên một bộ Luật Y Tế lịch sử của Hoa Kỳ có triển vọng tan thành mây khói!

Nguyễn Văn Huy
CA,March.29-2012