Dị bản cõi người
Ăn mày kiểu Mỹ
1.
Lần đầu tôi đến Maryland với cái túi đeo lưng, đang chờ người bạn tới đón. Đây không phải là khu thương mại, lề đường vắng người đi bộ. Bên kia là khuôn viên của một trường đại học cũng không thấy ai lai vãng. Buổi chiều mùa thu êm ả, mùa của lá phong đổi màu rất đẹp.
Đang đứng bơ vơ ngắm cảnh, bỗng có người vỗ vai, tôi giật mình quay lại. Một tên đen cao lớn dềnh dàng như con bò mộng, có sức vật chết hai người cỡ tôi. Hắn xuất hiện đột ngột như từ dưới đất chui lên, trợn đôi mắt trắng dã nhìn vào tôi và chìa tay ra. Một cử chỉ xin tiền. Đúng là đồ ngang ngược chó má! Kẻ ăn xin thường tạo bộ mặt buồn rầu khốn khổ gợi lòng trắc ẩn của người khác. Tên đen này xin tiền bằng thái độ rất ngạo mạn. Dù tôi không muốn cho, nhưng phải nén giận thò tay vào túi quần móc cho hắn 25 cents. Hắn cầm lấy bằng tay trái, và tay kia tiếp tục chìa ra nữa. Tôi làm bộ lục tìm trong túi khác, cho thêm 25 cents nữa. Hắn lại cầm lấy và vẫn chìa tay, kèm theo cái lắc đầu tỏ ý chưa vừa lòng. Tôi cũng lắc đầu tỏ ý hết tiền. Hắn biết tôi từ xa tới, trong túi còn tiền nhưng không chịu cho nhiều hơn. Bàn tay như nải chuối của hắn nắm lại to như quả bóng chày, dứ dứ vào mặt tôi đe dọa. Hắn mà đấm cho một phát, tôi vỡ mặt là cái chắc. Vậy thì thằng này đâu phải ăn mày, hắn muốn ăn cướp. Dù tức điên người, nhưng tôi vẫn ngán hắn. Đường không có người đi bộ qua lại, ai sẽ gọi cảnh sát nếu tôi phản ứng và xảy ra chuyện gì trầm trọng? Biết mình thất thế, tôi đứng thụ động như con gà bất lực trước con chó sói. Hắn bỏ đi sau khi buông hai tiếng “fuck you”. Tôi nhìn theo sau lưng hắn, cơn tức tưởng chừng có thể moi gan mổ mật mà ăn tươi nuốt sống. Gần hai mươi năm qua rồi, nhắc chuyện cũ vẫn còn nghe một nỗi gì ấm ức tràn lên cổ.
2.
Mười lăm năm trước, Dorchester nổi tiếng lộn xộn của nhiều tay côn đồ quậy phá. Ban đêm ra ngoài, coi chừng bị trấn lột. Cảnh sát cũng khuyên mọi người đừng đi một mình trên những con đường vắng. Nếu chẳng may có kẻ chặn đầu muốn cướp giật, cách tự vệ duy nhất là móc cái bóp quăng ngược về phía sau và chạy thoát thân. Nếu không chạy khỏi thì sao? Dù bị mất hết tiền cũng chưa yên. Đàn bà có thể bị lôi vào xó tối hiếp dâm. Đàn ông thì bị “lắp đít”. Đó là cách hành sử của bọn súc vật.
Dorchester bây giờ tương đối khá hơn. Người Việt quy tụ về đây làm ăn đông đảo. Ra đường thường gặp người Việt. Đặc tính của dân Việt cũng không hiền, không dễ bị bắt nạt. Thanh niên Việt Nam đã từng va chạm đổ máu với bọn này. Dân quậy phá lùi dần sang những vùng khác. Nói thế không có nghĩa Dorchester hoàn toàn không còn xảy ra những chuyện “ruồi bu”.
Nhà có tiệc, tôi đi mua bia về đãi khách. Khi tôi vác thùng bia qua đường, có tiếng gọi giật ngược sau lưng “Hey! Hey you!” Qua đường xong, tôi ngó lại. Một thằng đen đứng bên kia đường ngoắc tôi và làm cử chỉ như đang đưa lon bia lên miệng uống. Tôi biết hắn muốn gọi tôi sang, nạp cho hắn vài lon bia. Ăn mày mà làm như cha thiên hạ. Giận sôi gan, tôi để thùng bia xuống, thò tay vào túi quần bật cái mũi nhọn của đồ cắt móng tay. Tôi lượng sức tên đen này có thể “chơi” được. Hắn to gấp rưỡi tôi, bù lại tôi có “đồ nghề” trong túi. Tôi quay trở lại sừng sộ, nếu hắn đánh tôi, tôi sẽ đâm túi bụi vào bụng hắn. Một tay tôi giữ mũi nhọn trong túi quần, hỏi “What do you want?” Hắn lùi ra và miệng lắp bắp “Sorry. Sorry sir. Nothing.” Thế đấy, đôi khi vì một chuyện rất nhỏ, nhưng trong lúc bất chợt thiếu cân nhắc, có thể làm người ta nổi điên và đi tù như chơi.
3.
Dorchester Ave. là con đường xương sống của Dorchester town, có nhiều tiệm quán bán buôn sầm uất. Đây cũng là con đường nhiều ăn mày. Ăn mày dưới nhiều hình thức, đủ cách đủ kiểu.
Một ông già chân tay còn nguyên vẹn, ngồi trên chiếc xe lăn. Không ai biết lý do gì khiến ông phải ngồi xe lăn. Trên túi áo của ông có gắn huy hiệu cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Ông thường “đóng đô” trước một cửa tiệm bán thuốc tây. Người Việt đi qua, ông chìa tay xin tiền. Ai đang hút thuốc, ông xin thuốc. Điều đặc biệt, ông chỉ xin của người Việt Nam mà thôi. Nhìn huy hiệu lá cờ, người ta đoán mò rằng ông là cựu chiến binh Mỹ đã từng đi chinh chiến ở Việt Nam trước năm 1975. Người Việt xa quê hương vốn có cảm tình với những gì liên quan tới đất nước mình nên ít ai từ chối bàn tay xin xỏ của ông. Người ta lầm tưởng rằng ông xin ăn, thật ra ông xin tiền uống rượu. Khi có đủ số tiền, ông vào tiệm rượu gần đó, mua một ve rượu nhỏ cho vào túi áo rồi lăn xe về ngồi ở vị trí cũ. Thỉnh thoảng ông mở nút ve, tu một ngụm nhỏ. Một ngày ông vào tiệm rượu nhiều lần. Mặt ông lúc nào cũng lừ đừ trầm cảm, người thì bốc mùi rượu. Chiều tàn, ông đem chiếc xe lăn giấu vào một chỗ khuất bên hông nhà thờ Tin Lành, rồi đi bộ. Ông đi không vững vì say. Có người bảo, ông là dân vô gia cư, giả danh cựu chiến binh để gợi lòng trắc ẩn của người Việt. Nếu là cựu chiến binh thật, ông đã được trợ cấp từ chính phủ, đâu cần phải đi xin? Dù sao ông cũng là người hiểu nỗi lòng tha hương của người Việt, biết dùng huy hiệu lá cờ Việt Nam Công Hoà như gợi nhớ thiêng liêng về một quê hương xa xôi và một thời đã lùi sâu vào quá khứ. Và sau cùng là lợi dụng.
4.
Gần một siêu thị Việt Nam, những buổi chiều chạng vạng thường xuất hiện một tên ốm nhách như con cò ma, tuổi vào khoảng trên dưới 40. Hắn đứng chờ ngoài bãi đậu xe để xin tiền những người đi chợ, với lý do rằng hắn bị mất cái bóp đựng tiền nên phải xin tiền đi xe về nhà ở Quincy. Hắn tạo bộ mặt vô cùng đau khổ làm người ta nghĩ xin tiền là điều bất đắc dĩ, chứ thật tâm hắn không muốn thế. Dù ai cho bao nhiêu, hắn cũng nài nỉ xin thêm, chừng nào không thêm được thì thôi. Tôi đã cho hắn một lần. Vài hôm sau, tôi cũng lại gặp hắn tại Dorchester. Thế thì nhà hắn đâu phải ở Quincy? Hắn cũng xin tiền với lý do cũ. Tôi nói, bữa trước tao đã cho mày một lần rồi, mày quên rồi hả? Hắn nói, mọi người nhớ tao, nhưng tao không nhớ ai cả. Tôi biết lần trước mình bị lừa, lần này tôi không mắc mưu nữa. Mãi một thời gian lâu sau, tình cờ tôi khám phá ra hắn nghiện xì ke ma túy. Hắn là bạn “chân tình” của một tên ăn cắp vặt, hay tháo gỡ những phụ tùng xe hơi trong khu vực tôi đang ở. Tên này cũng nghiện như hắn. Những lúc gần đây, cặp bài trùng này biến mất ở Dorchester. Có lẽ chúng đã vào nằm nghỉ trong một chiếc hộp kiên cố bằng bê tông cốt sắt nào đó, mà bên ngoài là nhân viên nhà tù canh giữ.
5.
Buổi tối trên lề đường Dorchester, nhất là vào mùa hè, thường hay tụ tập vài ba tên, đứng xớ rớ mà không làm gì cả. Có thằng đen, có thằng trắng. Không thấy da vàng. Có khi chúng trầm tư ra vẻ buồn rầu, có khi nói chuyện nhưng không ồn ào mất trật tự. Khó mà đoán được chúng thuộc thành phần nào trong xã hội. Ai đi qua, chúng cũng xin tiền hoặc xin thuốc lá.
Tôi kể về bọn này cho bạn tôi nghe. Ông bạn cho biết cũng đã gặp nhiều lần, nhưng chúng không còn xin xỏ ông điều gì nữa. Ông giải thích, khi thấy chúng sắp sửa xin mình thì mình đã xin chúng trước, “Give me one dollard. Please.” Thế là chúng cụt hứng, văng ra hai tiếng “bull shit” rồi thôi. Bởi không ai có thể mở miệng xin một kẻ vừa hỏi xin mình. Phương pháp của bạn tôi là một sáng kiến đầy tính khôi hài, chống lại sự xin xỏ. Bất cứ trong trường hợp nào, ai biết ứng dụng tính khôi hài hợp thời, đúng lúc là người thông minh.
Đàn bà và ly dị
1.
Mấy năm đầu khi mới qua Mỹ, ngoài thì giờ đi học Anh văn, tôi xin làm bán thời gian ở nhà hàng Con Gà Trống. Tôi gọi thế vì trên nóc nhà, kế bên tấm bảng hiệu đề chữ “Le Coq” còn có bức tượng con gà trống đúc bằng đồng. Nhiệm vụ của tôi là rửa chén và dọn dẹp trong bếp. Cùng làm trong bếp còn có ba anh bạn nữa. Họ lo việc nấu nướng. Hai anh lớn tuổi người Mexico đã lập gia đình, lầm lì ít nói nhưng tốt bụng. Anh thứ ba là dân Mỹ, tên John, còn độc thân, vừa đi làm vừa học đại học năm cuối. Anh ta cho biết trước kia vì ham chơi bời phóng đãng, không lo học nên bây giờ mới khổ. Dù vậy, lúc nào anh cũng cười đùa, vui vẻ, yêu đời.
Nhà hàng đắt khách, nhưng phía trước chỉ có một cô chạy bàn người Spanish duyên dáng tóc nâu, tên Sabina. Thân hình cô là khuôn mẫu lý tưởng của đàn ông. Mùa hè cô mặc váy ngắn, phô trương cặp giò thon dài, đẹp như tranh tố nữ. Thằng John ngắm nhìn Sabina một cách rất sỗ sàng, không cần phải e dè ánh mắt. Khách thường mua đồ ăn đem đi (take out) hơn ngồi ăn tại chỗ (eat in). Sabina cũng không bận gì nhiều. Những khi rỗi việc, John hay bắt chuyện với Sabina.
Có lần tôi hỏi: “Mày thích con nhỏ đó hả?”
John cười: “Thích. Bởi nó là con gà mái, tao là con gà trống.”
“Cưới nó đi.”
“Tao đâu có ngu.”
“Tại sao?”
“Nó đã một lần bỏ chồng, rồi nó cũng sẽ bỏ tao. Thói quen mà.”
“Thế tại sao mày rà rê tán tỉnh nó?”
“Chơi thôi.”
“Mày đừng hại đời người ta.”
“Hại? Mày nghĩ nó không biết sướng hả?”
“Bậy bạ! Dẹp mày đi.”
“Nó cùng một loại với vợ của thằng Andy.”
“Cùng loại là sao? Tao không hiểu.”
“Vợ thằng Andy cũng muốn bỏ chồng.”
Andy là chủ nhà hàng Con Gà Trống, một người đàn ông trung niên cần cù kiên nhẫn. Anh ăn mặc rất xềnh xoàng, nhìn vào không ai biết anh là ông chủ. Ngoài cái nhà hàng này, anh còn làm chủ hai cái nữa, cũng hiệu Con Gà Trống ở hai thành phố khác. Bởi vậy, anh chạy tới chạy lui hoài, không trụ một chỗ nào được lâu. Anh làm việc không có thì giờ nghỉ ngơi. Nhiều khi công việc của anh còn cực hơn những người làm công chúng tôi nữa. Theo thằng John kể, vợ chồng Andy có hai con. Vợ Andy là Rose không làm gì cả, chỉ lái xe đi chơi vòng vòng, John nói đùa là “fuck around”. Rose muốn ly dị. Andy năn nỉ vợ đừng ly dị, mỗi tháng sẽ cấp 3 ngàn dollards cho vợ xài riêng. Rose nói, tôi muốn chia hai tài sản của anh. Andy khóc.
Tôi hỏi: “Sao mày biết chuyện gia đình người ta?”
John nhướng mắt, cười: “Tao là em vợ của Andy.”
“Sao mày không khuyên chị mày đừng bỏ chồng?”
“Khuyên hả? Chị tao là con ngựa cái động đực. Andy là con ngựa đực chỉ biết chạy đua kiếm tiền. Nó ngu bỏ mẹ. Mất vợ là phải.”
“Mày cũng tàn nhẫn như chị của mày.”
“Đối với đàn bà, mày cũng ngu như thằng Andy.”
“Mày chỉ tổ nói dóc. Mày biết gì về đàn bà, thằng oắt con?”
“Đàn bà cần tiền, đồng thời cũng cần được mơn trớn vuốt ve và làm tình. Thiếu một trong hai yếu tố đó, nó sẽ good bye thằng chồng. Rose là đàn bà.”
“Chị mày không có tình cảm.”
“Tao không hiểu bọn Á Đông của tụi mày. Tình cảm mà làm gì trong khi nhu cầu không được thỏa mãn?
“Nhưng làm người phải có đạo nghĩa.”
“Fuck! Đạo nghĩa không nuôi sống được ai. Lợi là trên hết.”
“Thằng tồi, mày chết không có người khóc. Rose cũng vậy.”
“Hahaha, chết rồi thì còn mẹ gì nữa? Tao không cần ai khóc cho tao.”
Tôi làm ở nhà hàng được tám tháng, cặp Andy và Rose chính thức ly dị bằng một phán quyết của tòa. Tài sản chia làm hai. Hằng tháng Andy còn phải cung cấp cho Rose một số tiền nuôi hai đứa bé. Nhà hàng Con Gà Trống, chỗ tôi đang làm thuộc quyền sở hữu của Rose. Rose đăng báo bán nhà hàng. Tôi mất việc.
Ngày chia tay, thằng John nói: “Để rồi coi, thằng Andy sẽ lấy con vợ khác, rồi cũng sẽ ly dị và chia tài sản, nếu nó vẫn còn tiếp tục làm con ngựa đực chỉ biết chạy đua mà không biết mơn trớn con ngựa cái của nó. Ly dị và chia tài sản nhiều lần như vậy, sau cùng nó chỉ còn cái quần lót.”
Từ dạo đó, tôi không hề gặp lại thằng John, hay bất cứ người nào cùng làm chung nơi nhà hàng Con Gà Trống.
2.
Tại một ngã tư có đèn hiệu giao thông, mỗi sáng từ 6 đến 8 giờ, ai đi qua cũng thấy một người đàn ông bán báo. Dù trời mưa hay tuyết đổ, người đàn ông ấy vẫn có mặt rất đúng giờ tại địa điểm cố định. Lúc xe ngừng đèn đỏ, anh ôm chồng báo lăng xăng chạy tới chạy lui. Bên ngoài anh khoác một chiếc áo cánh màu cam chói lọi dễ nhìn thấy. Phía trước may một cái túi lớn và hai bên có hai túi nhỏ. Mỗi túi đựng một loại tiền khác nhau. Anh thối tiền thật nhanh, kịp cho xe chạy lúc đèn xanh. Mỗi xấp báo giá 50 cents. Tôi tính mỗi sáng anh bán tối đa cũng không hơn 100 xấp. Tổng cộng tiền bán không hơn 50 dollrds. Nếu trừ tiền mua, anh còn được bao nhiêu? Ở cái xứ đắt đỏ này, anh sống thế nào với số tiền nhỏ nhoi ấy? Tôi tự hỏi, anh là người khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, trắng trẻo, đẹp trai, sao không tìm một việc làm nào khả dĩ kiếm được nhiều tiền hơn? Anh lại là người Mỹ, ngôn ngữ thông rành thì tìm một công việc nhẹ nhàng cũng dễ thôi. Thế tại sao anh cứ phải đi bán báo?
Nhà tôi ở gần ngã tư đèn hiệu. Ngày nào cũng thấy anh bán báo. Anh trở thành một hình ảnh quen thuộc của tôi. Ngược lại, tôi cũng là hình ảnh quen thuộc của anh. Thấy tôi, dù đang bận rộn, anh cũng mỉm cười gật đầu. Một hôm, lúc anh dọn những số báo dư lên xe chuẩn bị đi về, tôi la cà tới bắt chuyện. Sau khi hoàn tất thủ tục chào hỏi nhau, anh ngồi trên đống báo bên lề đường, tôi đứng dựa vào cái bệ trồng hoa.
Tôi nói tôi tên Lâm. Anh cũng tự giới thiệu là Kent.
“Mày làm việc vất vả quá. Tiền kiếm được có khá không?”
“Đủ sống. Thường là dư.”
“Một xấp báo 50 cents chưa trừ tiền mua. Mỗi ngày mày bán được bao nhiêu mà bảo đủ và dư?”
“Báo sống bằng quảng cáo, tao không phải trả tiền mua. Một xấp 50 cents, nhiều lúc người ta đưa luôn một dollard, khỏi thối. Mày tính đi, trong 2 tiếng đồng ở đây, tao kiếm khoảng 50 dollards.”
“Mọi người hào sảng nhỉ? Nhưng mày có thể kiếm nhiều hơn, nếu làm một việc khác trong hãng xưởng hoặc văn phòng. Với mày, tao nghĩ xin việc không khó.”
“Tao biết. Tao biết, nhưng...”
“Nhưng sao?”
“Mày muốn biết hả?”
“Xin lỗi. Tao hơi tò mò.”
“Tại đàn bà hết.”
“Mày không làm việc khác là do mày. Sao nói tại đàn bà?”
“Tao trả thù đàn bà.”
“Cái gì? Coi chừng ở tù đấy.”
“Mày là Tàu hả?”
“Không. Tao Việt Nam.”
“Tàu hay Việt cũng vậy thôi.”
“Cũng vậy là sao?”
“Tụi mày có lối suy nghĩ khác với người Mỹ.”
“Tao chỉ muốn biết tại sao mày không làm việc khác?”
“Vợ chồng tao ly dị. Nếu tao làm tiền check thì hằng tháng phải cấp dưỡng cho vợ con. Tao đi bán báo, khỏi khai lợi tức. Coi như thất nghiệp, khỏi phải cấp dưỡng.”
“Cấp dưỡng nuôi con là bổn phận làm cha.”
“Nhưng con vợ tao không làm gì cả. Nó sống bằng tiền của tao và đi chơi với thằng khác. Mày nghĩ có tức không?”
“Tao hiểu rồi. Luật pháp xứ này ưu tiên cho đàn bà, chơi ép đàn ông.”
“Như vậy là mày hiểu rồi đó.”
“Không lẽ mày đi bán báo suốt đời?”
“Chừng nào con vợ tao lấy chồng khác hoặc nó đi làm, tao cũng sẽ đi làm tiền check.”
3.
Ở Việt Nam, anh Bé làm thợ hồ. Vợ Bé tên là Mỹ, con lai trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Chị làm nghề uốn tóc. Hai vợ chồng sang Hoa Kỳ theo diện con lai. Cũng như bao nhiêu người khác, thời gian đầu anh chị lãnh tiền trợ cấp và đi học Anh văn. Chị học rất tiến bộ, nghe giỏi nói nhanh. Có lẽ cái ngôn ngữ này đã có sẵn trong huyết quản di truyền từ người cha. Anh Bé cùng học một lượt với vợ, nhưng chậm hiểu, và mỗi lần phát âm cứ như có ngậm một trái chanh trong miệng.
Sau khi dứt tiền trợ cấp, anh Bé làm cho một công ty sơn sửa nhà. Chị Mỹ trở lại nghề uốn tóc trong một thẩm mỹ viện. Đời sống vật chất tương đối đầy đủ. Gia đình êm ấm. Chị sinh cho anh một đứa con kháu khỉnh dễ thương, mang nhiều nét Âu Mỹ như mẹ. Nhìn vào thằng bé, không ai nghĩ nó có pha dòng máu Việt Nam trong người. Ngày nhập quốc tịch Hoa Kỳ, anh Bé đổi tên là Peter, chị Mỹ thay bằng Mary. Một thời gian sau, anh chị hoàn toàn không còn dùng tên cũ nữa. Người ta gọi anh là Píđờ, và chị là Mérì.
Píđờ miệt mài làm việc, ít khi đi chơi. Mérì thương chồng, khuyên anh nên đi chỗ này chỗ nọ cho khuây khỏa tinh thần, nhưng anh từ chối. Vì vậy, Mérì thường đi một mình. Ông bà nội ở Việt Nam nghe anh chị có được thằng bé, cũng muốn nhìn mặt cháu. Trong một chuyến về thăm lại quê hương, hai vợ chồng Píđờ Mérì cùng đi.
Về quê được mươi ngày, không hiểu tại sao thằng bé ôm bụng khóc la ỏm tỏi. Vợ chồng mang con đi khám bệnh. Sau khi rọi X quang, bác sĩ nói trong bụng nó có một vật gì bằng kim khí, giải phẫu mới lấy ra được. Khi giải phẫu cần phải tiếp máu. Píđờ nghe người ta nói, máu của ngân hàng máu Việt Nam có thể mang mầm bệnh Siđa, hoặc của người nghiện ma túy. Để tránh những bất trắc có thể xảy ra cho tương lai đứa con, Píđờ tình nguyện hiến máu của chính mình. Kết quả xét nghiệm, máu hai cha con không cùng loại. Píđờ thuộc máu B. Thằng bé máu O. Do đó, máu của Píđờ không dùng được cho con. Công cuộc giải phẫu tiến hành với máu của ngân hàng máu Việt Nam tiếp cho thằng bé. Người ta lấy ra được một cái kẹp giấy bằng kim khí. Không biết nó nuốt vào bụng trong trường hợp nào. Cô y tá nói không cùng loại máu, không phải cha con. Píđờ bị một cú sốc lớn. Mérì nhìn cô y tá như kẻ thù truyền kiếp. Về nhà, Mérì bảo, bác sĩ không nói, y tá thì biết gì mà nói? Hơn nữa, cái nền y khoa chậm tiến của Việt Nam thường có những nhầm lẫn chết người. Làm sao tin được? Trở lại Mỹ, Píđờ mang mặc cảm khôn nguôi về lời nói của cô y tá.
Píđờ vẫn đi làm đều đặn cho công ty sơn sửa nhà. Một buổi trưa anh xin nghỉ việc vì vô ý bị một thanh gỗ đập vào bàn chân. Anh về nhà, cửa vẫn đóng. Giờ này, Mérì đang làm trong thẩm mỹ viện. Thằng con đang ở nhà trẻ. Anh mở khoá cửa vào nhà. Cảnh tượng trước mắt làm anh sửng sốt đến tê điếng cả người. Mérì đang nằm với thằng Mỹ trên giường. Cả hai đều trần truồng. Sau một phút bất ngờ, Píđờ chạy vào nhà bếp xách con dao. Mérì mặc vội quần áo, phóng xuống giường, chặn Píđờ lại và nói chuyện gì cũng phải từ từ giải quyết, dùng dao búa là ở tù đấy. Trong lúc Mérì chặn Píđờ, thằng Mỹ mở cửa chuồn êm.
Cặp Píđờ Mérì ly dị. Mérì không đòi hỏi điều kiện Píđờ cấp dưỡng cho con. Hơn ai hết, chị biết thằng bé không phải con của Píđờ.
Píđờ rời khỏi tiểu bang trong hận thù đàn bà. Anh chuyển nghề làm tài xế xe truck chạy xuyên bang. Có lẽ, bây giờ thù hận đã nguôi ngoai. Nghe đâu anh đang chuẩn bị về Việt Nam cưới vợ.
Những người H.O
1.
Mạch Tô Tử người Việt gốc Hoa, tù cải tạo 8 năm vì đi lính Việt Nam Cộng Hòa. Ra tù, anh vượt biên, nằm ở trại tị nạn Philippinnes 7 tháng. Sau đó, anh sang Mỹ bằng máy bay American Ailines. Máy bay đáp phi trường New York. Anh còn phải đi thêm một chặng đường nữa, về Boston. Một cô hướng dẫn viên đưa anh đến trạm chuyển tiếp, bảo ngồi đợi đấy. Đã có vài đợt người đến rồi đi, anh chẳng biết chuyến bay nào tới lượt mình. Anh đưa vé máy bay, nhờ người chỉ dẫn. Người ta bảo “Stay here. Sit down and wait.” Mấy tháng học Anh văn ở Philippinnes, anh lỏm bỏm hiểu rằng người ta bảo ngồi chờ ở đây. Đợt mới đến cũng đã vào cửa soát vé hết rồi. Anh ngồi lại một mình, chờ trong sự sốt ruột. Trên loa phóng thanh nhiều lần kêu, “Mắc Chu Chu, Mắc Chu Chu...” và một loạt tiếng Anh rối nùi nghe không được. Anh biết Mắc Chu Chu là tên của một người hành khách nào đó. Kêu mãi không thấy thằng cha Mắc Chu Chu, một cô soát vé tới chỗ anh ngồi, yêu cầu cho coi vé. Vừa nhìn thấy cái tên trên vé, cô la lên, “You’re Mắc Chu Chu.” Anh cải, “No. My name’s Mạch Tô Tử.” Cô soát vé vẫn nói, “You’re Mắc Chu Chu” và cầm tay đưa anh qua cửa cho kịp chuyến bay. Lúc bấy giờ anh mới biết Mạch Tô Tử phát âm theo kiểu Mỹ là Mắc Chu Chu.
Tôi gặp lại Mạch Tô Tử, sau 17 năm anh định cư trên xứ Mỹ. Hiện tại, anh là chủ một tiệm giặt. Nhà cửa đàng hoàng. Tiền bạc có dư. Đời sống thong dong. Anh với tôi ngồi nhắc chuyện cũ. Kỷ niệm dù vui nhưng khi nhắc lại, nụ cười bao giờ cũng thấm thía nỗi buồn.
Nhớ lại hồi còn ở trại cải tạo trên miền thượng du Bắc Việt, anh gầy còm đói ăn, chân tay xương xẩu như con bọ ngựa trời. Những ngày cuối năm, trại lập một ban văn nghệ giúp vui trong ba ngày Tết. Mạch Tô Tử chẳng biết gảy đàn đánh trống chi cả, nhưng biết hát một bản tiếng Tàu theo điệu cải lương hồ quảng. Đó là lý do anh được chọn vào ban văn nghệ. Chương trình có nhiều tiết mục với những bài đơn ca, đồng ca, và vũ ballet. Màn vũ ballet được chuẩn bị công phu nhất, phải huy động thêm một số người may jupe. Trại tù kiếm đâu cho ra một cái bàn máy may? Anh em phải ngồi xỏ từng đường kim mũi chỉ. Vải may jupe được cắt ra từ những chiếc mền màu đỏ, sản phẩm của Trung Quốc viện trợ cho nước anh em xã hội chủ nghĩa.
Tối đêm giao thừa năm ấy là đêm vui nhất trong đời tù của chúng tôi. Tù nhân được ra khỏi phòng giam xem văn nghệ. Sân khấu dựng lộ thiên giữa sân trại. 8 giờ tối, ông trại trưởng cầm giấy lên đọc diễn văn khai mạc và nói về truyền thống hào hùng của dân ta. Ông vừa mở đầu bằng câu “dân tộc ta là dân tộc máu vàng da đỏ”, anh em tù nhân ngồi bên dưới cười rộ lên vì sự nói ngược của trại trưởng. Sau đó là màn vũ ballet. Mạch Tô Tử là một trong những vũ công mặc jupe đỏ giả làm vũ nữ. Anh luống cuống thế nào mà vũ sai nhịp với những người khác. Anh trở thành con rối trên sân khấu. Nhất là khi đá cái chân lên cao, lúc mọi người hạ chân xuống, anh lại đá chân lên. Cái chân lạc nhịp lẻ loi một cách khôi hài. Vũ nữ ballet gì mà cái chân đen đủi khẳng khiu như ống sậy. Dù không muốn làm hề trên sân khấu, nhưng do sự luống cuống đã biến anh thành một tên hề. Mọi người cười nôn ruột. Mọi người càng cười, Mạch Tô Tử càng mất bình tĩnh. Vô tình anh đã đóng một vai hề trong đêm ấy. Và ở một tiết mục khác, Mạch Tô Tử hát cải lương hồ quảng bằng tiếng Tàu. Đây là tiết mục lạ, được sự theo dõi thích thú. Đang hát nửa chừng, anh đứng ngớ ra, gãi đầu. Ông trại trưởng ngồi hàng danh dự nhỏm lên, hỏi “Hết rồi sao?” Anh nói “Còn nữa, nhưng tôi quên phần sau.” Trại trưởng bảo “Thế thì hát lại từ đầu. Bài hay đấy.” Anh bắt đầu lại bài hát nhưng cũng quên nửa chừng và đứng gãi đầu. Trại trưởng hỏi “Cho các anh nghỉ lao động nửa tháng để tập dượt, các anh làm gì?” Mạch Tô Tử nói “Bình thường tôi tập múa ballet và hát rất nhuần nguyễn. Đêm nay sao... kỳ quá!” Trại trưởng bảo “Thôi đi. Chả ra làm sao cả.” Nói xong, ông lắc đầu cười. Mạch Tô Tử với điệu bộ và mặt mày nhăn nhó như con khỉ ăn ớt khi trả lời với trại trưởng, cũng làm anh em tù nhân cười ồn như giữa chợ. Mấy hôm sau, trong một cuộc họp bình bầu, Mạch Tô Tử bị anh em chỉ trích rằng thiếu trách nhiệm, phá hỏng chương trình văn nghệ. Khi đưa kết quả bình bầu lên ban chỉ huy duyệt, ông trại trưởng sửa lại: Mạch Tô Tử là diễn viên hề xuất sắc nhất!
2.
Tháng Hai ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, trời còn lạnh lắm. Gia đình ông Trần Bang đến Boston, nhằm lúc đang bị ảnh hưởng bão tuyết từ Trung Mỹ thổi sang làm thời tiết càng lạnh thêm. Gió quét mạnh qua những cành cây trụi lá. Gió thốc vào khe hở làm rung chuyển cửa sổ chắn gió. Ông Bang ngồi co ro trong nhà nhìn ra cửa kiếng. Trời đất ảm đạm buồn hiu, cảnh vật trơ mình chịu rét. Ông đang đói. Vợ con ông cũng đói.
Ông Bang đi Mỹ theo diện H.O. Hội nhà thờ đứng ra làm bảo lãnh, và một nhân viên người Việt của hội phụ trách đưa đón, lo cho gia đình ông lúc đầu. Ông đến phi trường ngồi chờ gần 3 tiếng đồng hồ mới thấy một thằng mặt mày đỏ gay, cầm tấm bảng đề tên ông, dáo dác đi tìm. Ông đến với nó, trước khi nó nhìn thấy ông. Nó say rượu, trời ạ! Nó viện đủ mọi lý do để bào chữa cho cho sự chậm trễ, nhưng ông biết lý do chính là uống rượu mà nó không nói. Nó chở gia đình ông về căn nhà thuê sẵn, phát cho mỗi người một ổ bánh mì thịt. Nó tự giới thiệu tên là Hoàng, lăng xăng chỉ dẫn những tiện nghi trong nhà, rồi dúi vào tay ông 20 dollards. Nó bảo, ứng trước cho ông xài tạm, mai nó sẽ tới đây lo những thủ tục kế tiếp. Rồi nó biến mất. Trưa hôm sau, vẫn chưa thấy nó vác mặt tới. Thủ tục thì từ từ lo cũng được, nhưng ông đang cần ăn. Biết tìm nó ở đâu? Nhà không có điện thoại, nó cũng không cho số. Làm sao liên lạc với nó? Ông thầm rủa thằng Hoàng mắc dịch. Chờ hoài không được, ông Bang muốn đi ra ngoài, tìm thứ gì mua ăn tạm. Vừa mở cửa, gió quất vào mặt. Ông dội ngược trở vô, đóng ngay cửa lại. Lạnh khủng khiếp. Lúc còn ở Việt Nam, ông không tưởng tượng được cái lạnh chết người thế này. Bây giờ, dù muốn dù không, cũng phải ngồi thụ động chờ thằng mắc dịch. Buổi chiều nó tới, người bèo nhèo, mặt đờ đẫn. Lại say nữa! Nó mang theo mấy ổ bánh mì, vài hộp cá tuna. Nó giải thích lý do tới trễ. Nhìn cái mặt láu cá của nó, ông biết là thằng chẳng ra gì. Ông không muốn nghe, cần ăn trước đã. Ông ghét nó, nhưng không thể không cần nó trong lúc này. Ông Bang kể lại giai đoạn đầu khi mới đến Mỹ như thế.
Một hôm, tình cờ ông Bang gặp và làm quen một người Việt Nam. Người ấy khuyên nên dời về ở Dorchester, nơi nhiều người Việt quy tụ, có chuyện gì người đồng hương chỉ dẫn cho nhau cũng dễ.
Gia đình ông Bang có 4 người lớn, đều đi làm cả. Ông bảo, già sắp xuống lổ rồi, học làm đ. gì. Lo kiếm tiền gửi về Việt Nam giúp anh em bà con trước. Ông đi làm bằng xe “Van”. Tôi hỏi, sao không mua chiếc xe nhỏ, gọn nhẹ lại ít tốn xăng? Ông bảo, mua xe đâu chỉ nghĩ đến mình? Còn phải nghĩ đến những anh em H.O mới đến Mỹ nữa. Mình liên lạc với các hội đoàn để biết ngày giờ họ đến và ra phi trường đón cho kịp lúc. Xe nhỏ làm sao chở hết người và đồ đạc? Tôi nói, chuyện đó đã có sponsor lo rồi. Cần gì tới ông? Ông Bang cười mỉa, gia đình nào mới tới mà xui xẻo gặp phải thằng như thằng Hoàng mắc dịch là gặp tai nạn. Lúc đó họ cần có tôi. Tôi hỏi, ông làm chuyện này có lương không? Ông bảo, làm thiện nguyện mà lương bổng gì!
Gia đình ông Bang dọn nhà, cần người khuân vác. Trong khi vợ con đang thu xếp đồ đạc, ông Bang bỏ đi mất. Bà Bang phải mướn thêm người phụ giúp. Chiều, ông về với vẻ người phờ phạc. Bà hỏi, ông đi đâu cả ngày nay? Ông bảo, đi dọn nhà giúp bạn. Bà giơ hai tay thất vọng về một ông chồng có lối hành sử lạ đời. Kêu trời không thấu!
Ông Bang có xe. Ai cần đi đâu, ông chở. Ai cần việc gì, ông giúp tận tình, không kể khó nhọc. Chuyện nhà của ông, có vợ con lo. Thượng Đế sinh ra ông để lo cho người khác. Lòng tốt của ông ai cũng nhìn thấy. Chỉ phải cái tật nói dai, nói dài, nói nhảm, nói bắt quàng từ chuyện nọ xọ chuyện kia. Ông lại hay nổi nóng bất thường, gây gổ với vợ con. Người ta nghi ông có vấn đề không ổn, khuyên đi bác sĩ tâm thần. Sau đó, một người bạn làm hồ sơ và thông dịch, đưa ông đến văn phòng SSI (Supplimental Security Income) xin tiền trợ cấp.
Nhân viên phỏng vấn hỏi: “Ông khoẻ không?”
Trần Bang nói: “Tôi khoẻ.”
“Ông có gì lo buồn không?”
“Không.”
“Có gì bất mãn không?”
“Không.”
“Bác sĩ tâm thần nói ông có vấn đề.”
“Vấn đề gì?”
“Tâm lý không bình thường.”
“Bác sĩ có thể nhầm lẫn.”
“Ông có đi làm không?”
“Trước kia thì có. Bây giờ thất nghiệp.”
“Tại sao?”
“Người ta không cho làm.”
“Tai sao không cho làm?”
“Cái đó phải hỏi ông giám đốc.”
“Ông đến đây với mục đích gì?”
“Không có mục đích gì hết.”
“Vậy ông đến đây làm gì?”
“Bạn bảo đi thì đi cho vui thôi.”
“Đây là văn phòng SSI.”
“Tôi biết.”
“Muốn nhận tiền SSI phải có bệnh. Ông có bệnh gì không?”
“Không.”
“Người ta nói ông bị bệnh tâm thần.”
“Thằng nào nói thế, tôi đánh bỏ mẹ nó.” Ông Bang giận dữ đứng phắt dậy.
Nhân viên phỏng vấn khoát tay: “Người ta nói, chứ không phải tôi nói.”
“Người ta là thằng nào? Muốn bêu xấu tôi hả?” Ông hầm hầm bước khỏi văn phòng SSI.
Hai tháng sau, bất ngờ ông Bang được thông báo cho hưởng tiền trợ cấp từ SSI.
Tôi hỏi một chuyên viên tâm lý của trường đại học Harvard về trường hợp khó hiểu của ông Bang. Và được trả lời, bộ môn tâm lý của trường có làm một cuộc khảo sát rộng lớn qua những người đã từng đi tù cải tạo ở Việt Nam. Phần đông khi ra khỏi tù, ít nhiều họ đều bị chấn thương tinh thần gây ra những xáo trộn bất thường tâm lý. Bệnh này thể hiện dưới nhiều hình thức, gọi chung là “Hội Chứng Việt Nam”.
Lâm Chương