Thursday, March 22, 2012

VM-VN


Thói xấu của người mình

Trong vài ngày nay bạn bè tới tấp chia sẻ với tôi ba bài viết nói về các đặc tính của người Việt:

2/Người khôn ngoan của Phạm Xuân Phụng

Nói chung các bài viết này đều đề cập đến các tính xấu của người Việt. Trước đây, tôi cũng đã từng có dịp đọc các bài viết của các tác giả khác.

Cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc qua các bài ấy là sự nhột nhạt. Vì các tác giả nói về các đặc tính chẳng mấy hay ho của người Việt mà tôi lại là một người Việt Nam chính cống, một thành phần của một nhóm người được đề cập đến, cho nên tôi mới nhân cơ hội này rà xét lại chính mình. Nếu tôi giống như sự mô tả của các tác giả trên thì tôi sẽ âm thầm sửa đổi bản thân. Nói nào ngay tôi không giống nhiều thì cũng giống ít chứ chẳng tài nào thoát được. Cứ nhìn nhận mình có các khuyết điểm ấy đi rồi từ từ điều chỉnh. Có khuyết điểm cũng là may mắn vì nhờ thế mà mình mới cần phải tu sửa để trở nên một con người tốt hơn và theo thời gian hy vọng sẽ trở thành người hoàn hảo. Nghe kể các vị tiên thánh trên cõi trời chỉ lo ham chơi, lơ là không chịu thực tập tốt mà bị đọa xuống cái cõi Ta bà của chúng ta đây. Tiên thánh với công phu tu hành mà còn như thế thì trách gì phàm nhân, Nay tiên thánh sống chung quanh ta thiếu gì, chỉ vì với con mắt trần tục đầy tham ái cho nên ta không nhận ra họ mà thôi. Nhận chân ra khuyết điểm là ta đã đi được một nửa đường trong việc cải thiện cá nhân, phần còn lại là hành động để tiến đến mục tiêu. Người Tây phương chẳng nói 'practice makes perfect' là gì!

Đã là con người thì ai cũng có những thói hư tật xấu. Khổ một cái là thói hư khó bỏ, tật xấu khó chừa. Người Tây phương cũng biết thế qua câu nói 'Old habits die hard'. Đây là một phần trong quan niệm giá trị xã hội. Mà đã nói đến giá trị xã hội ta phải để ý đến yếu tố không gian và thời gian. Ở một xã hội nào đó vào một lúc nào đó, công chúng xem một hành vi nào đó là bình thường. Cũng hành vi ấy nếu hành xử tại một đất nước khác trong một thời điểm khác thì nó lại được xem là bán khai, chậm tiến, kém văn minh và có khi lại dã man nữa. Thí dụ tôi xem thể thao là một hoạt động lành mạnh cho thân thể cần được khuyến khích và tiếp tục. Ấy nhưng thể thao theo kiểu Football của người Mỹ mà kết quả là làm cho bao nhiêu thanh niên bị nứt sọ, bại liệt thì tôi lại không xem là thể thao thuần túy lành mạnh nữa. Càng ngày bộ môn thể thao này càng nhuốm màu sắc thương mai. Giống như thế dân chúng các nước có thể đi đến bạo động và dùng võ lực để vây đánh đội đá banh của đối phương, có khi đánh chết cả cầu thủ đội nhà nếu phe nhà bị thua. Tệ hơn nữa là các vụ đánh bốc (boxing). Hai thanh niên thượng đài đánh nhau đến phun máu mồm máu mũi, gẫy cả răng, mặt mũi bầm tím, có khi nặng quá dẫn đến thương vong cho một bên, gây buồn thảm cho gia đình và người thân. Như thế người hâm mộ nào có khác chi kẻ giết người dù là gián tiếp. Thể thao kiểu đó theo tôi chẳng hay ho gì. Thế thì tại sao người ta không dẹp quách nó đi cho rồi. Là tại vì làm như thế là vi phạm tự do cá nhân, của không những cầu thủ mà gồm luôn người ái mộ. Người ta làm thế chẳng qua chỉ vì thực chất của loại hoạt động này là 'business' ngụy trang dưới hình thức 'sport'. Ai cũng biết sự thật của vấn đề và hậu quả tai hại của nó nhưng nó vẫn tiếp tục. Căn bản của vấn đề là từ cái tâm mà ra. Thế thì đây là tâm tốt hay tâm xấu hay tâm văn minh?

Ở các nước có tiếng là văn minh, mỗi lần xảy ra một biến cố dân chúng ùn ùn kéo nhau đi hôi của các cửa tiệm. Tân tiến sao lại làm như thế. Rồi biến cố động đất sóng thần xảy ra ở Nhật Bản, người ta không tiếc lời ca ngợi khâm phục tinh thần trách nhiệm và kỷ luật cao độ của dân chúng Nhật và khen ngợi nước Nhật không tiếc lời. Sự kiện này đúng, thế nhưng ta cũng không nên làm quá, nói mãi. Nói đi thì phải nói lại, trong lịch sử thế giới, dân tộc phù tang là một dân tộc đã từng là dã man nhất thế giới đối với các dân tộc khác chứ văn minh nỗi gì. Cứ hỏi dân Triều tiên, Trung quốc, Phi và Việt Nam sẽ rõ ngay thôi. Nói như thế để chúng ta có một cái nhìn trọn vẹn và nhận rằng có lúc này lúc khác.

Nếu soi rọi kỹ, xã hội nào cũng vậy, chứ không cứ gì Việt Nam, đều có những thói xấu, kể ra cả ngày không hết. Có một điểu là khi đọc qua ba bài viết của ba tác giả nói trên tôi thấy họ khách quan ghi nhận các thói hư tật xấu của một dân tộc và cho vài lời nhận xét và phê bình về dân tộc ấy, cứ như thể họ là người ngoại quốc, chẳng có rây mơ rễ má với thành phần mà họ đang bàn. Họ chẳng có đóng góp ý kiến xây dựng nhằm giảm thiểu các thói hư tật xấu hoặc triệt tiêu nó giúp xã hội thăng tiến và hoàn hảo. Qua các hình ảnh mà họ trưng dẫn, tôi thấy có lúc họ ca tụng quá đáng một dân tộc khác và không muốn gần gũi dân tộc cũ của mình. Và rồi tôi so sánh hai thành phần, một bên là các tác giả hoàn hảo hoàn toàn, còn bên kia là đa số quần chúng, càng soi ra càng thấy lộ ra khuyết điểm. Tác giả các bài viết gồm toàn các vị trí thức, trong khi đa số dân chúng lại thuộc lớp bình dân chẳng phân biệt tốt xấu, hay dở. Người học thấp nói chuyện trình độ cao quả là khó khăn, thế thì các vị trí thức sao không chịu hạ trình độ của mình xuống thấp rồi nói cho dân chúng nghe để hai bên có sự cảm thông, thì rồi họ sẽ sẵn sàng sửa chữa. Việc khó khăn như thế đòi hỏi phải có thời gian, từ từ mà thực hiện, có lo gì! Có những thói quen theo thời gian đã trở nên không còn hợp thời hợp cảnh nữa tác giả cứ việc nhẹ nhàng nhắc nhở người ta sử chữa, đâu cần nói nặng đến thế. Trừ phi họ theo sách lược thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng?

Đến đây tôi thấy nhà cầm quyền, giáo dục, tự ái dân tộc, tự ái cá nhân, nhận thức sự thật v.v...đóng một vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi thói quen của một dân tộc.

Các nhà lãnh đạo đất nước hay cộng đồng hãy làm gương trước, cùng với các nhà giáo dục và mỗi cá nhân ý thức được vai trò của mình trong cuộc cách mạng xóa nhòa thói hư tật xấu và hành động thích ứng thì rồi một ngày nào cũng sẽ thành công thôi. Nước khác làm được thì ta cũng làm được thôi.

Tôi nhớ vào một buổi lễ Phật Đản, vị Hòa Thượng trụ trì tại một ngôi chùa trong vùng tôi cư ngụ có đăng đàn thuyết pháp. Hôm ấy trong phần thuyết giảng, ngài có nói rằng vào kiếp sau, sau khi được tái sinh và nếu được chọn, ngài sẽ không muốn được sinh ra trong một gia đình quyền thế hay giàu sang phú quý tại Hoa Kỳ. Ngược lại ngài muốn được làm một nhà lãnh đạo chính trị Trung quốc. Nghe thế tôi rất ngạc nhiên. Nhưng ngài giải thích tiếp. Đó chẳng phải là vì quyền lợi chính trị hay cá nhân. Nước Việt Nam chúng ta là một nước nhỏ nằm cạnh nước Tàu quá to. Ảnh hưởng văn hóa của Tàu đối với Việt Nam vì thế không tránh khỏi. Mà Trung quốc bao gồm đầy rẫy hủ tục. Có những tục lệ xấu thuộc loại mê tín dị đoan mà nhiều người hiểu lầm là thuộc về Phật giáo khiến cho đạo Phật bị mang tiếng rất nhiều. Ngồi ở cương vị của nhà lãnh đạo của một nước đông dân nhất thế giới ngài mới có cái khả năng xóa bỏ hết các hủ tục, mê tín dị đoan, làm sạch sẽ xã hội và nhờ thế mới chấn chỉnh được thói quen của cả một khối lớn phật tử trong vùng. Hóa ra Hòa thượng có tham vọng phục vụ đạo pháp ở một phạm vi rộng lớn và cao cả quá.

Tinh thần tự giác, tự trọng và phục thiện của mỗi cá nhân quan trọng trong việc cải tiến cá nhân và từ đó dẫn đến cải tiến tác phong xã hội.

Cuối cùng, nếu thường xuyên nghiền ngẫm và áp dụng được lời khuyên của Đức Đạt lai Lạt ma dưới đây thì lo gì ngày mai trời lại không sáng.

"Hãy suy tư cẩn thận vì Tư tưởng sẽ biến thành Lời nói,
Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời nói sẽ biến thành Hành động,
Hãy hành xử cẩn thận vì Hành động sẽ biến thành Thói quen,
Hãy chú trọng Thói quen vì chúng hình thành Nhân cách,
Hãy chú trọng Nhân cách vì nó hình thành Số mệnh,
Và Số mệnh của anh sẽ là Cuộc đời của anh."
- Dalai Lama

"Bạn không thể hy vọng xây dựng một thế giới tốt lành hơn mà không cải thiện các cá nhân. Để đạt được mục đích ấy mỗi người chúng ta phải tự lo cải thiện cá nhân mình, và đồng thời cùng chia sẻ trách nhiệm chung với tất cả nhân loại."
- Marie Curie.

(You cannot hope to build a better world without improving the individuals. To that end each of us must work for his own improvement, and at the same time share a general responsibility for all humanity.)

"Tôi chắc người nào đọc (Đắc Nhân Tâm) cũng thấy tính tình của mình thay đổi được ít nhiều, nhưng theo đúng được hết các qui tắc của Dale Carnegie thì hiếm lắm. Đọc qua tưởng là dễ mà áp dụng mới thấy khó. Chỉ tại cái bản ngã của con người."
- Nguyễn Hiến Lê

Chê gì thì chê, nhưng xa Việt Nam, xa Little Saigon, xa chợ búa Việt Nam, xa tiệm ăn Việt Nam, xa người Việt Nam ta vẫn thấy nhớ làm sao ấy. Ở hết đời tại Hoa Kỳ, tôi cũng chẳng thể nào trở thành người Mỹ thiệt thọ được. Hỡi những "người Việt xấu xí" của tôi ơi, quý vị vui lòng điều chỉnh sinh hoạt hằng ngày cho tốt hơn để tất cả chúng ta sẽ trở nên đáng yêu hơn.
 
Nguyễn Văn Huy