Sunday, April 22, 2012

NVHN-VN


Tình Ca Mùa Xuân
Gần đây, trong làng văn nghệ giải trí bùng lên một chuyện tranh cãi về chương trình nhạc hội "Tình Ca Mùa Xuân" tại Berlin (Bá Linh), Đức Quốc làm đúng ngày 30-4-2012.

Vì sự nhạy cảm của người Việt ở Mỹ về sự mất mát tang thương mang tính nỗi lòng "triệu người vui, triệu người buồn" cho nên mọi sinh hoạt văn hóa của ngày này đều được soi xét từ nhiều góc cạnh. Quan chức cao cấp của bên thắng lớn như ông Võ Văn Kiệt lúc còn sống cũng đã thừa nhận hiện thực này với đại ý rằng vui mừng quá thì biến thành phản cảm.

Có nhiều xu hướng muốn biến thể hoặc điều chỉnh ý nghĩa của ngày 30-4 mang tính dung hòa hơn, không dùng từ Quốc Hận, không dùng từ Giải Phóng mà gọi là ngày Thống Nhất đất nước hay là Thống Nhị lòng người gì gì đấy… Nhưng hiện nay chưa ai dùng được từ này bằng chữ một cách bình thường mà không liên tưởng đế các hình ảnh loạn ly của trận 75. Do đó, mấy người muốn tránh qua hoặc tế nhị một chút thì thường dùng âm số "ba mươi tháng tư" để chỉ biến cố này.

Rõ ràng, ngày 30-4 này tạo nên đặc điểm - sự vui mừng của một bên luôn luôn là sự đả kích và hạ nhục vào một bên. Ngay cả người đến từ miền Bắc, ai ai có chút tinh tế về cảm xúc cũng nhận biết về ngày trói buộc Miền Nam vào chế độ cộng sản. Nhiều người Bắc cũng biết như thế là chơi ác! "Các bác muốn theo cộng sản thì cứ theo đi, sao lại bắt buộc đồng bào Miền Nam dính chấu theo để cào bằng mọi sự thành khó khăn đói khổ cho cả hai miền". Hãy thử tưởng tượng Bắc Triều Tiên chiếm được Nam Hàn rồi bắt đốt hết phim ảnh nhạc kịch, bắt diễn viên tài tử đi cải tạo tư tưởng thì mới thấy rõ cường độ đau thương và òa vỡ đến tận linh hồn như thế nào. Đây cũng là tâm trạng của người từ miền Bắc nói lên một cách khách quan để xoa dịu nỗi lòng người miền Nam ra đi.

Tuy nhiên một số hồng vệ binh đội mũ tai bèo khác thì hắc ám hơn, thấy người khác tưởng niệm nỗi lòng thì la làng lên đó là tâm trạng của bọn phản động bèn rủ nhau treo cờ đỏ sao vàng, hay là cờ "mặt trận giải phóng miền Nam" cho thật nhiều lên facebook như kiểu đánh dấu gốc cây. Chọc tức người ta à?

Một số khác tỏ ra trí thức thì hơi có sự âm mưu về mặt tâm lý, kêu gọi hoà hợp hòa giải quy tụ nhân tâm về ngọn với cờ tổ quốc. Cờ nào đây? Nghĩ là tới màu đỏ lòm là thấy ngán lên tận cổ! Chọn cờ khác đi.

Nói chung ngày này đánh dấu sự chia cắt lòng người trầm trọng nhất tuy người ta chưa có điều kiện thích hợp để nói thẳng ra thôi. Sau này, hy vọng Việt Nam có một chế độ mới nào đó cần một nghị quyết thật nhân văn để điều chỉnh tâm trạng lịch sử thì mới mong người ta nguôi ngoai niềm đau chôn dấu.

"Có thể nào quên" hay là "Không thể nào quên"

Thế mà, ở một nơi được mệnh danh là Tây Âu có cộng đồng người Việt Nam hải ngoại tỵ nạn mang tính chủ lưu của miền Nam Việt Nam như Na Uy, Pháp , Đức lại có một chương trình "Tình Ca Mùa Xuân" ngay đúng dịp Quốc Hận này thì làm sao không thổi bùng lên một ngọn lửa lòng người.

Nếu show này đánh ở Đông Âu như Ba Lan, Tiệp, Hung, Bun gì đấy…, nơi có cộng đồng người Việt từ miền Bắc thì chắc là không ai để ý gì nhiều. Nếu MC của show là Lại Văn Sâm thì cũng không ai nói nhưng đằng này show này do nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn điều khiển chương trình. Dù gì bác Ngạn cũng là một trademark của văn nhân danh sĩ của miền Nam gắn bó với văn hóa lịch sử Việt Nam Cộng Hòa nối dài ra hải ngoại. Ai thì không nói, nhưng là bác Ngạn thì không thể khinh suất về mặt văn hóa lịch sử.

Ngoài ra, các ca sĩ chuyên hát nhạc chiến chinh lãng mạn thời VNCH mà thành danh lớn thì khó lòng khi hát mà không liên tưởng gì đến tháng một ngày đen tối không thể nào nhạt nhòa trong ký ức. Ngày 30-4, làm câu cảm thán "có thể nào quên!" hay "không thể nào quên!" cũng đã trở thành chung một định nghĩa. Kêu gọi quên đi để coi đó mà một ngày bình thường trong quảng đường nhân sinh của 365 ngày chính ra là một sự dối lòng lộ liễu nhất.

Do đó, với bất cứ lý do thuận tiện về thời gian thời tiết, tuần lễ lao động ở Âu Châu gì gì đấy mà ra show, các nhà văn nghệ có căn cước tỵ nan cộng sản, đặc biệt ca sĩ đến từ Mỹ chọn hát "Tình Ca Mùa Xuân" là điều hời hợt về mặt lương tâm và công lý cho những người nằm xuống trong trận 75.

Tình Ca Mùa Xuân lại là tên một ca khúc nhạc đỏ

Cũng nói thêm, nếu chọn chủ đề "Nỗi Lòng Mùa Xuân" hay là cụm từ gì có chút chất trữ tình bi lệ như kiểu các chương trình tưởng niệm của hải ngoại thì cũng chưa chắc ai tranh cãi về chuyện giải trí. Đằng này "Tình Ca Mùa Xuân" lại là một ca khúc nhạc đỏ nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Hoàn từng làm bộ trưởng văn hóa thời cộng sản. Nghe thật là chướng tai quá đi!

Nhạc sĩ Trần Hoàn nổi tiếng về sáng tác những bài ca trữ tình sâu lắng nhưng mặt khác lại là một đồ phu văn hóa kiểu như hồng vệ binh bên Tàu.

Khách quan mà nói, đành rằng bài "Tình Ca Mùa Xuân" nghe có rất nhiều yếu tố trữ tình sâu lắng, giai điệu hơi bị hay nhưng nghe lại lời ca sẽ người dân Nam Việt Nam không thể nào bị ru ngủ mà quên đi cơn ác mộng khoai sắn ăn độn sau năm 1975. "Trong ánh mắt em cười có màu xanh khoai sắn, trong bàn tay xinh xắn có hình dòng kênh xanh…" (Trích lại ca từ "Tình Ca Mùa Xuân) - nghe vất vả kinh tế mới quá khiến nhiều gia đình bị kẹt lại sau năm 75, nghe bài này trên loa phường hàng đêm là muốn chạy mất dép, cột điện cũng ước gì có chân mà chạy. Ác mộng như lại hiện về.

Tuy nhiều người cho rằng "Tình Ca Mùa Xuân" đã trở thành một thành ngữ thông dụng để miêu tả niềm hạnh phúc hân hoan, tình yêu đôi lứa. Nhưng như thế mà chọn hát đúng vào ngày Việt Nam Cộng Hòa mất nước là cũng chà đạp lên sự đau khổ của người khác.

Ca sĩ trung tâm Thuý Nga, Asia ai mà cố ca cố hát trong đợt này thì cũng là sự mất mát về danh nghĩa và phong thái thời thượng của văn hóa đại nhạc hội. May thay có hai ca sĩ Đan Nguyên và Nguyễn Hồng Nhung quyết định bỏ show nhờ đó show này chưa diễn đã bể không thì lại mang tiếng chết.

Nhà bác Nguyễn Ngọc Ngạn cũng đã lên youtube giải bày về lý do lý trấu, nghe cũng rất êm ái xoa dịu làm sao!. Tuy nhiên, nghe kỹ mấy lần thì lời giải thích này thì thấy không thoả đáng cho lắm. Bác ấy bảo là đây là một chương trình lưu diễn ba shows liên tục, tình cờ trúng ngày 30-4 cho tuần lễ lao động. Thà huỷ rồi nói đại đi là có trở ngại về thời gian, thời tiết, sự hời hợt mang tính "Thống Nhị" của hai miền văn hóa và lịch sử thì còn dễ nghe hơn nhiều. "Hy vọng ban tổ chức sẽ cân nhắc một chủ đề thích hợp trong những năm tới thì nghe còn có lý hơn". Đằng này bác ấy có ý không còn phân biệt tháng ngày. Trời đất!

Vậy thì thiên hạ hay tổ chức các lễ chu niên để làm gì chứ! Tháng ngày là cột mốc để ghi dấu thời gian, là một đặc điểm ghi nhận ký ức hoài niệm đặc biệt là trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật. Trận 30-4 còn nặng hơn vụ chìm tàu Titanic của 100 năm gây nên bao nhiêu rúng động về linh cảm tâm hồn tan tác. Cảm khái nhân văn do đó mang tính thảm họa nhiều hơn di tích thế làm ai ai cũng xót xa khi phải nghĩ về. Trong tiếng Anh gọi ngày 30-4 là "The Fall of Saigon" truyền thông quốc tế còn ghi dấu nữa là.

Sâu xa hơn, Bá Linh nơi có có bức tường ô nhục do Stalin dựng nên chia cắt đất nước hùng mạnh ra làm hai bộ phận trong thời cộng sản. Thủ đô Bá Linh bị khoanh vùng như là một nơi biên tình giao thoa điểm giữa độc tài và tự do. Thế rồi cuối cùng phe tự do đã lên ngôi, nhân dân Đức Ý Chí đã thống nhất. Hai số phận Đức Quốc và Việt Nam vì thế mà khác nhau quá xa về vận mệnh dân tộc. "Tình ca Bomnal" tại Bá Linh là một sự lệch pha trầm trọng, mang tính âm mưu. Nếu chọn lịch trình ngược lại thì người ta còn bớt hiếu kỳ. Phân tích xa hơn, càng thấy rõ những dư luận chỉ trích ban tổ chức đại nhạc hội "Tình Ca Bomnal" cho dù có nặng lời vẫn còn chưa đủ.

Với một trạng thái tâm lý vô bờ nhất trước hai luồng cảm xúc "hữu nhân hoan hỷ hữu nhân sầu" mà nhiều người trong chúng ta đang thể nghiệm. Càng đến gần ngày 30-4, lòng người Việt hải ngoại nhất là ở Hoa Kỳ trở nên triền miên về mặt lý tính. Không lẽ buông xuôi thế sự để chôn dấu sự mất mát, chỉ còn là hờn trách định mệnh trong cảnh nước mất nhà tan. Như một bài thơ Đường tả nỗi đau của văn nhân danh sĩ trước cảnh mất nước mất nhà.


Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa,
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia.
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.

Khương Hữu Dũng dịch là:

Nước lồng khói tỏa, cát trăng pha,
Thuyền đỗ sông Hoài cạnh tửu gia.
Con hát biết chi hờn mất nước,
Cách sông còn hát Hậu Ðình Hoa.

"Tình Ca Mùa Xuân" ở vào ngày 30-4 chính là một cái Hậu Đình Hoa không hơn không kém.

Trần Đông Đức