Friday, April 6, 2012

USPS


Vì đâu nên nỗi

Hôm nay một người bạn của tôi vừa bày tỏ mối quan tâm của anh về Bưu Điện Hoa Kỳ(The United States Postal Service). (Hình phải:Logo(Tiêu chí) của Bưu Điện Hoa Kỳ)Anh hỏi tôi có biết gì về tình trạng hiện nay của cơ quan ấy hay không. Nhắc đến cơ quan này làm cho người nghe hoảng sợ. Đây là một thực tại mà nhiều người không muốn bàn đến, chỉ muốn quên cho cuộc sống được nhẹ nhàng. Biết thêm dễ bị ác mộng. Bởi vì tin tức người ta nghe được toàn là bi quan. Chẳng thế mà Lee Iaccoca đã từng nói:"Một trong những điều mà chính phủ không thể làm được là đều hành bất cứ cái gì. Điều duy nhất mà chính phủ của chúng ta điều hành được là bưu điện và hỏa xa, và cả hai đều phá sản." (One of the things the government can't do is run anything. The only things our government runs are the post office and the railroads, and both of them are bankrupt)

Bưu điện Hoa Kỳ được thành lập từ năm 1775, là một cơ quan chính phủ hoạt động độc lập trong lãnh vực tiếp nhận, xúc tiến và phân phối thư từ trong nội địa Hoa Kỳ. Được đặt dưới sự chỉ huy của một Tổng giám đốc (Post Master General) với một Hội đồng Quản trị (Board of Governors), Bưu Điện Hoa Kỳ là một cơ quan ngang tầm với một bộ trong nội các chính quyền. Cơ quan hiện có 574,000 nhân viên với 218,000 xe hơi. Trong năm 2011, Bưu điện Hoa Kỳ có tất cả 31.000 văn phòng và địa điểm, đã giao 177 tỉ thư từ. Đây là cơ quan bưu điện lớn nhất thế giới và là cơ quan chính phủ lớn hàng thứ hai tại Hoa Kỳ, chỉ sau có chính phủ liên bang.

Từ năm 1998 cho đến 2008, số thư từ bưu điện giảm 29 phần trăm. Bưu điện Hoa Kỳ mất khoảng 20 tỉ Mỹ kim từ năm 2007 đến 2010. Và số nợ của cơ quan này đã tăng từ từ 2.1 tỉ lên đến 12 tỉ đồng. Riêng trong năm 2010, ngân sách bị thâm thủng 8.5 tỉ và vào năm ngoái, 2011, cơ quan này bị lỗ khoảng 3 tỉ chỉ trong một tam cá nguyệt. Vì sao một cơ quan với số doanh thu một năm 64 tỉ Mỹ kim vào năm ngoái mà lại không có lời, ngược lại lại bị lỗ nặng như thế?

Đầu đuôi là do nền kinh tế liên quan đến kỹ nghệ nhà cửa và tài chánh bị suy thoái, sự phổ cập của các Web, và các dịch vụ kinh doanh và thư từ điện tử; Internet và e-mail.
Chi phí hoạt động, đóng góp vào quỹ hưu trí của cơ quan dành cho nhân viên hồi hưu cao.
Một lực lượng nhân sự chi phối bởi nghiệp đoàn thiếu uyển chuyển và tốn kém.
Và sự can thiệp liên tục của Quốc Hội Hoa Kỳ.

Nhằm đáp ứng với sự thay đổi của tình thế và giảm lỗ lã, cơ quan này đã nghĩ đến chuyện tái tổ chức. Kể từ ngày 5/12/2011, bưu điện Hoa Kỳ dự định sẽ đóng cửa một nửa số trung tâm điều hành thư (mail processing centers) và chấm dứt chuyển thư qua đêm, theo đó 252 trong tổng số 461 trung tâm sẽ bị đóng.

Đến ngày 13/12/2011, cơ quan đã trì hoãn việc đóng cửa 252 trung tâm và 3.700 văn phòng bưu điện địa phương cho đến tháng 5/2012.

Trong các biện pháp nhằm giảm thiểu chi phí, cơ quan chú ý đến việc:

Sử dụng máy móc tự động, gom nhiều cơ sở vào một chỗ v.v...,
Đóng 3.700 sở bưu điện nhỏ và thay thế vào đó là các 'bưu điện làng' đặt trong các tiệm thực phẩm với một số tiền trả khoán cho chủ hàng năm.
Không giao thư ngày Thứ Bảy trong tuần.
Cứ một hai năm lại tăng tiền tem thư, hiện nay là 45 xu cho thư nặng một ounce.

Theo đạo luật Postal Accountability and Enhancement Act 2006, bưu điện bị bắt buộc phải đóng trước ngân khoản tương đương với 75 năm trong vòng 10 năm, tổng số tiền trả cho chi phí y tế tương lai dành cho các nhân viên về hưu. Nói cách khác là, trong 10 năm bưu điện phải đóng cho đủ số tiền tương đương với 75 năm. Số tiền được coi là quá nặng, trong lúc cơ quan đang bị yếu kém về thu nhập. Chính vì thế, hành pháp đang kêu gọi Quốc Hội cho bưu điện được hoãn đóng số tiền này. Chính bưu điện cũng muốn Quốc Hội bãi bỏ việc đóng tiền hàng năm của cơ quan vào cái quỹ bảo hiểm y tế dành cho nhân viên hồi hưu này và để cho bưu điện tự lo liệu lấy, thay vì chính phủ liên bang phải đảm trách như hiện nay.

Hiến pháp giao quyền cho Quốc Hội Hoa Kỳ thành lập bưu điện. Cơ quan này được độc quyền trong việc giao thư. Mặc dầu mang tiếng là hoạt động độc lập nhưng muốn làm gì phải được Quốc Hội cho phép. Thí dụ, không có tiền cơ quan cần giảm bớt một ngày đưa thư trong tuần, Quốc Hội không đồng ý. Cái khó khăn của bưu điện Hoa Kỳ nằm ở chỗ này. Được xem như một cơ quan tư, vì phần lớn không nhận tiền từ người thọ thuế, nhưng lại không được tự do điều hành như một cơ quan tư.

Ở các nước trên thế giới, bưu điện của họ cũng gặp trở ngại này. Thế nhưng các quốc gia tại Âu châu đã thoát cảnh này nhờ áp dụng các giải pháp mở rộng gồm luôn tư hữu hóa một phần hay toàn phần ngành bưu điện của họ. Họ chấp nhận cải cách bằng cách hoạt động theo lối của công ty tư nhân, áp dụng phương pháp quản trị tân kỳ, thù lao lao động, tài chánh, tiếp thị và đầu tư vốn tư bản. Khu vực tư có thể góp phần hùn vốn lớn nếu muốn. Chấm dứt độc quyền của bưu điện và cho phép tư nhân được cùng cạnh tranh. Như thế kết quả là sự biến cải cơ quan bưu điện thành loại dịch vụ bình thường như các công ty tư nhân khác.

Trong 5 năm qua, bưu điện Hoa Kỳ đã cắt giảm 140.000 công việc, một phần tư lực lượng nhân sự.

Cơ quan dự trù sẽ bị cắt 3 tỉ ngân sách.
Giảm đưa thư một ngày trong tuần, như thế thư sẽ được giao chậm mất một ngày. Riêng tạp chí, thời gian có thể kéo dài ra đến chín ngày. Và vì thế các tin tức nhận được sẽ bị mất thời gian tính. Có một điều đáng ngại là thuốc men gởi qua đường bưu điện sẽ bị chậm hơn và vì thế sức khỏe của bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng.

Hiện nay có hai công ty đang cạnh tranh với bưu điện Hoa Kỳ là UPS(Hình phải:Logo của UPS)  và FedEx. Tuy nhiên họ không được nhận và giao thư thường First Class, một độc quyền của bưu điện. Họ bị giới hạn vào việc giao các kiện hàng và thư từ cần gởi cấp tốc mà thôi.

Một cơ quan nửa nạc nửa mỡ, bán công bán tư, thành lập với mục đích công ích và kinh doanh, bị điều khiển bởi một ông chủ tập thể là Quốc Hội, bị ràng buộc bởi Hiến Pháp, bị trói tay bởi hệ thống công vụ rườm rà và một nghiệp đoàn cứng nhắc khiến Bưu điện gặp khó khăn trong việc sa thải nhân viên kém hiệu năng, gặp lúc kinh tế khó khăn, không bắt kịp đà tiến của kỹ thuật hiện đại, thu nhập giảm sút. Muốn cải tổ lại để sống còn thì lại bị ngay Hiến Pháp. Quốc Hội và nghiệp đoàn kềm chế. Các biện pháp cải cách bị trì hoãn. Tấn thối lưỡng nan.

Có hai lý do mà chính phủ Hoa Kỳ cần phải giúp Bưu điện.(Hình phải:Xe Logo của FedEX)) Thứ nhất, uy tín của nước Mỹ. Không thể để một cơ quan công lập đi đến phá sản. Thứ hai, cơ quan này sụp đổ hậu quả sẽ khó lường về xã hội và kinh tế, nhất là vào giai đoạn kinh tế Hoa Kỳ chưa hồi phục và tình trạng thất nghiệp vẫn còn cao như hiện nay. Chính phủ liên bang vài năm trước đã chi ra cả gần trăm tỉ Mỹ kim để cứu nguy kỹ nghệ xe hơi Hoa Kỳ mà một thời đã từng là niềm tự hào của dân tộc. Thế nhưng Bưu điện không giống Detroit. Các công ty xe hơi hoàn toàn do tư nhân điều hành và quản trị. Họ lại sản xuất ra sản phẩm cụ thể. Họ được rảnh tay trong việc lèo lái, tái cấu trúc công ty và đáp ứng thị trường, nhu cầu và thị hiếu của giới tiêu thụ một cách nhanh nhẹn, kịp thời với các kiểu sáng chế mới mẻ và mỹ thuật. Ngoài ra, công ty còn có được sự thông cảm và hợp tác của nghiệp đoàn. Họ chỉ có thiếu tiền. Với sự tài trợ của chính phủ, chỉ một thời gian ngắn sau, họ đã xoay chuyển hẳn tình thế. Xe hơi chế tạo ra được bán chạy, công ty trở thành lời to. Họ mướn thêm nhân viên mới, đồng thời bồi hoàn gần hết số nợ chính phủ. Bưu điện thì khác hẳn, chỉ có bán tem, thu tiền cho việc nhận, chuyển và giao thư từ và bưu kiện, nặng về dịch vụ hơn là sản xuất.

Trong xã hội, mọi người và mọi ngành nghề đều có liên hệ mật thiết với nhau. Sự thất bại của người này và ngành nghề này sẽ ảnh hưởng đến an sinh của người và ngành nghề khác. Bưu điện Hoa Kỳ với một lực lượng nhân sự và xe cộ lớn như thế, với một mãi lực mạnh như thế nếu bị phá sản sẽ ảnh hưởng to tát đến hoạt động của các lãnh vực khác, từ nhà thương, nhà băng, nhà hàng, mua sắm, xe cộ, xăng nhớt, chủ đất, chủ nhà, du lịch v.v...Sự thiệt hại chung trong trường hợp này xảy ra chưa được chuyên viên kinh tế nào tính toán rõ ràng, nhưng chắc chắn sẽ không nhỏ.

Các nước Đức, Anh, Hòa Lan và Tân Tây Lan thoát được hiểm nghèo là tự do hoá được ngành bưu điện của họ, áp dụng được các cải cách thích ứng là nhờ họ có thái độ dứt khoát, không bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục, và nhất là nước họ nhỏ, phạm vi hoạt động và tổ chức bưu điện của họ không phức tạp và cồng kềnh.

Theo giới chức Bưu điện Hoa Kỳ, nếu không cải tổ nhanh, cơ quan này sẽ có số lỗ lã hàng năm lên đến 18.2 tỉ vào năm 2015, và nguy cơ phá sản sẽ trở thành hiện thực.

Có người cho rằng các biện pháp cắt xén mà Bưu điện muốn thi hành để nhằm tiết kiệm tiền bạc trên thực tế không những sẽ chẳng đạt được mục đích mà rồi lỗ lã lại còn cao hơn nữa, chẳng là vì giảm bớt nhân viên, dẹp bớt địa điểm nhưng số tiền cơ quan bắt buộc phải đóng vào quỹ y tế cho nhân viên về hưu vẫn không giảm hay được ngưng.

Chẳng lẽ giải pháp rốt ráo và dứt khoát để cứu nguy Bưu điện Hoa Kỳ sẽ không gì khác hơn là tư hữu hóa toàn diện ngành .

Nguyễn Văn Huy
April-05/2012