Tân chính khí ca
Video Chinh khi Viet
Chính khí ca là thi phẩm ca tụng sự tuẫn tiết của Hoàng Diệu khi Pháp đánh chiếm Hà Nội năm 1882. Tuẫn tiết là tự hủy thân xác và chết vì nghĩa lớn, vì lý tưởng mà mình theo đuổi. Nghĩa lớn nhất trong đời người là nghĩa đối với nhân loại, quốc gia, dân tộc(Hình phải:Anh hùng Trần văn Bá tuẩn tiết ngày 01-01-1985 bởi bạo quyền CSVN). Tuẫn tiết là nét đặc thù của một số nước Đông Á như Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản. Riêng Việt Nam, nhiều cuộc tuẫn tiết rất anh hùng đã diễn ra trong lịch sử, đặc biệt nhất vào năm 1975, khi chính thể Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.
1.- TUẪN TIẾT QUA CÁC GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ
Không kể thời kỳ tiền sử, từ khi Ngô Quyền lập quốc sau chiến thắng Bạch Đằng Giang năm 938 cho đến ngày nay, nước ta trải qua các chế độ quân chủ, quốc gia dân chủ và cộng sản. Nói theo ngôn ngữ chính trị, đó là ba ý thức hệ khác nhau: ý thức hệ quân chủ, ý thức hệ dân chủ và ý thức hệ cộng sản
Thời kỳ quân chủ: Các triều đại quân chủ cai trị nước ta từ thời nhà Ngô (939-965) đến thời nhà Nguyễn (1802-1945). Chế độ quân chủ dựa trên nền tảng Nho giáo, một triết lý chính trị hậu thuẫn mạnh mẽ cho chế độ quân chủ, theo đó vua là trung tâm quyền lực của xã hội, đứng đầu trong xã hội, trên cả cha mẹ (quân, sư, phụ). Đất đai là đất đai của vua. Cuộc sống của người dân do vua quyết định. Trung với nước là trung với vua và ngược lại trung với vua là trung với nước. Trung quân ái quốc là hai khái niệm song hành, hòa quyện nhau, tuy có khi khác nhau tùy hoàn cảnh.
Trong các cuộc tranh chấp quyền lực giữa các thế lực chính trị trong nước, tức tranh chấp nội bộ, ví dụ giữa nhà Trần với nhà Hồ, giữa nhà Lê với nhà Mạc, giữa họ Nguyễn (Tây Sơn) với họ Nguyễn (Phú Xuân), thì tinh thần trung quân được đề cao. Tuy nhiên, trong cuộc tranh đấu chống ngoại xâm, thì tinh thần ái quốc mới là chính. Ví dụ câu nói bất hủ của Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam, không thà làm vương đất Bắc”; hoặc trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, những thanh niên, trí thức nhà Trần bỏ đất Bắc (có nhà hậu Trần), vào Thanh Hóa, gia nhập lực lượng kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi; hoặc vào thế kỷ 18, những quan lại nhà Lê giúp nhà Tây Sơn chống quân Thanh. Nói cho cùng, dưới thời quân chủ, quan niệm trung quân ái quốc vẫn đặt căn bản trên nền tảng dân tộc và lấy đất nước, dân tộc làm gốc.
Thời kỳ quốc gia dân chủ: Pháp bảo hộ nước ta năm 1884. Nền quân chủ thất bại. Dân chúng thất vọng, mất dần niềm tin vào triều đình, tinh thần trung quân bị phai lạt nhưng lòng ái quốc vẫn không giảm. Các cuộc khởi nghĩa chống Pháp tiếp diễn khắp nơi.
Bên cạnh các phong trào võ trang chống Pháp, vào đầu thế kỷ 20, Phan Châu Trinh mở phong trào Duy tân, hô hào cải cách đất nước đồng thời kêu gọi phát huy dân chủ, dân quyền, nhằm tiến đến việc giành độc lập dân tộc. Theo Phan Châu Trinh, “dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được”. Đây là mở đầu tiến trình vận động dân chủ tại nước ta.
Sau đó, tại Hà Nội, Nguyễn Thái Học và nhóm Nam Đồng Thư Xã tiến xa hơn, thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng tối 25 rạng 26-12-1927. Điều lệ đảng ghi rõ: “Mục đích và tôn chỉ của Đảng là làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Độc lập Cộng hòa.” (Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Sài Gòn 1970, tr. 33.) Nhiều đảng viên VNQDĐ đã hy sinh trong giai đoạn nầy mà cao điểm là Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí bị Pháp đưa lên máy chém tại Yên Bái ngày 17-6-1930. Mười ba nhân vật nầy là những anh hùng tuẫn tiết đầu tiên cho lý tưởng quốc gia dân tộc sau thời kỳ quân chủ.
Sau vụ Yên Bái, hoạt động của những nhà chính trị theo chủ nghĩa dân tộc bị Pháp đàn áp và gặp nhiều khó khăn một thời gian, cho đến khi Pháp lúng túng trong thế chiến thứ hai và nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương bị Nhật Bản khống chế. Những đảng phái mới và những tên tuổi mới xuất hiện: Trương Tử Anh, Nguyễn Hữu Thanh (Lý Đông A), Nguyễn Tường Tam…
Hồ Chí Minh, mặt trận Việt Minh (VM) và đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) cướp chính quyền ngày 2-9-1945, thành lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH). Khuynh hướng chính trị dân tộc lại bị CS đàn áp, khủng bố và tiêu diệt. Những người theo đường lối quốc gia dân tộc với lập trường tự do dân chủ bị dồn vào thế tranh đấu sống còn với VMCS. Họ muốn mưu cầu độc lập dân tộc, nhưng ở thế chẳng đặng đừng phải tạm thời liên kết với Pháp, tìm kiếm một giải pháp chính trị để chống cộng, vì hiểm họa cộng sản nguy hiểm hơn cho đất nước, cho tự do dân chủ và cho chính sinh mạng dân tộc.
Giải pháp chính trị đó là sự thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam (QGVN) theo Hiệp định Élysée ngày 8-3-1949, thừa nhận Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp. Chính thể QGVN hoàn toàn đối lập với chính thể VNDCCH do đảng CS điều khiển. Từ đây, vươn lên mạnh mẽ tất cả những khuynh hướng chính trị theo chủ trương dân tộc, tôn trọng dân quyền, dân chủ tự do, chống lại chủ thuyết và chế độ cộng sản độc tài đảng trị theo quốc tế cộng sản.
Hiệp định Genève (20-7-1954) chia hai đất nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị). Miền Bắc, VNDCCH theo chủ nghĩa CS, do Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản cai trị. Miền Nam là QGVN do cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng và Ngô Đình Diệm giữ chức thủ tướng. Ông Diệm thành lập Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ngày 26-10-1955, theo chính thể dân chủ tự do.
Thời kỳ cộng sản: Tại Nga, sau cuộc cách mạng ngày 7-11-1917, đảng Cộng Sản lên nắm chính quyền. Ổn định xong tình hình trong nước, đảng CS Nga thành lập Cộng Hòa Liên bang Xô Viết (viết tắt là Liên Xô) cuối năm 1922, muốn bành trướng thế lực ra nước ngoài, cạnh tranh với các nước Tây phương, thành lập một đế quốc đỏ kiểu mới do CS thống trị, nên Liên Xô đưa ra chiêu bài giải phóng dân tộc, xúi giục các nước bị đô hộ (thuộc địa) nổi lên giành độc lập, rồi gia nhập khối Liên Xô. Hồ Chí Minh (lúc đó có tên là Nguyễn Ái Quốc), một gián điệp xuất thân từ Học Viện Thợ Thuyền Đông Phương ở Moscow, được gởi qua Á Châu năm 1924 để thi hành sứ mạng nầy.
Trong khi VNQDĐ hoạt động ở trong nước, thì tại Hương Cảng, vâng lệnh Đệ tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS), ngày 6-1-1930, Hồ Chí Minh lúc đó có tên là Lý Thụy, đứng ra thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), đổi thành đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD), và ngày thành lập cũng đổi thành 3-2-1930. Đảng CSĐD đổi tên thành đảng Lao Động năm 1951 và đảng Lao Động đổi trở lại thành đảng CSVN năm 1976. Tuy thay đổi nhiều danh xưng, nhưng chung quy đảng CSVN cũng chỉ là một đảng do ĐTQTCS thành lập, thi hành chủ nghĩa CS trên đất nước Việt Nam.
Hồ Chí Minh và đảng CS luôn luôn sử dụng chiêu bài dân tộc để hô hào và quy tụ quần chúng, nhưng tất cả những hoạt động của Hồ Chí Minh và đảng CS chỉ nhắm mục đích duy nhất là phục vụ đảng CS, phục vụ QTCS. Trong Đại hội lần thứ 2 đảng CSĐD từ 11 đến 19-2-1951 tại huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Đảng ta có một chủ nghĩa cách mạng nhất, sáng suốt nhất, đó là chủ nghĩa của ba ông kia kìa: [chỉ Marx, Engels, Lénine]… Với chủ nghĩa như thế, với Ông thày, Ông anh như thế, với lòng trung thành và kiên quyết của nhân dân ta, của Đảng ta, nhất định chúng ta thắng lợi.” (Báo HỌC TẬP – Nội san đảng bộ Liên Khu Bốn (Chỉ lưu hành trong nội bộ), Số 35, năm thứ tư, tháng 4 – 1951, trang 1-8. Nguồn: Talawas, 28-09-2010.)
Sau đó, trên báo Tin Tức (Liên Xô) số đặc biệt ngày 1-7-1951, Hồ Chí Minh nhận rằng VNDCCH là một tiền đồn của chủ nghĩa cộng sản: “Như vậy là ở Đông Nam Á, chúng tôi đã đứng ở tiền đồn của mặt trận dân chủ và hòa bình toàn thế giới chống chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh.” (Hồ Chí Minh toàn tập tập 9, 1958-1959, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tr. 309.)
Sau năm 1954, Hồ Chí Minh và đảng CS cai trị phía bắc vĩ tuyến 17, áp dụng nền kinh tế chỉ huy, thi hành Cải cách ruộng đất, đàn áp báo chí, thủ tiêu đối lập, đồng thời quyết định tiếp tục xâm lăng miền Nam Việt Nam, đưa ra chiêu bài mới là “chống Mỹ cứu nước”, vừa để bành trưóng quyền lực, vừa để cầm chân và làm cho Hoa Kỳ suy yếu, giúp Liên Xô và Trung Quốc rảnh tay bành trướng ở các nơi khác trong chiến tranh lạnh toàn cầu. Lê Duẫn, lúc đó là bí thư thứ nhất đảng Lao Động (tức đảng Cộng Sản) đã tuyên bố: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc.” (Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 422.)
Nói cách khác, CSVN không xuất phát từ dân tộc, lý thuyết CSVN không đặt căn bản trên nền tảng dân tộc, hoàn toàn mất gốc dân tộc, đặt quyền lợi của đảng CS và Quốc tế Cộng sản lên trên quyền lợi quốc gia, dân tộc. Rõ rệt nhất là lòng yêu nước của người cộng sản biến đổi mục tiêu theo khẩu hiệu do đảng CS đã đặt ra: “Yêu tổ quốc là yêu chủ nghĩa xã hội”. Người CS xem các lãnh tụ ngoại bang còn cao hơn cả cha mẹ mình: “Thương cha, thương mẹ, thương chồng,/Thương mình thương một, thương ông thương mười.” (Tố Hữu). Ngay cả Hồ Chí Minh, người sáng lập đảng CSVN, cho đến khi chết cũng không muốn trở về với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, mà chỉ muốn đi gặp các lãnh tụ cộng sản “…Vì vậy tôi để sẵn mấy lời nầy, fòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Cac Mac, cụ Lênin và các vị c. m. đàn anh khác…” (Di chúc Hồ Chí Minh).
Do đó, chúng ta không lấy làm lạ nhà cầm quyền CSVN trong nước hiện nay thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc cộng sản xâm lược; bắt giam, hành hạ, tù đày những người tham gia các cuộc biểu tình chỉ vì lòng yêu nước. Những đảng viên CSVN chỉ còn biết có đảng CS và vì quyền lợi của đảng CS. Bảng pa-nô lớn treo ở Hà Nội năm 2010 cho thấy đầy đủ lý tưởng của người cộng sản: CHỈ BIẾT CÒN ĐẢNG, CÒN MÌNH.
2.- TUẪN TIẾT NĂM 1975
Hoàn cảnh: Sau năm 1954, Nam Việt Nam theo chính thể QGVN rồi VNCH, tồn tại trong 21 năm và bị Bắc Việt Nam cưỡng chiếm năm 1975. Dù bị hạn chế vì chiến tranh, chính thể Nam Việt Nam luôn luôn tôn trọng nền tự do dân chủ(Hình phải:(HONNEUR à nos SOLDATS morts pour la LIBERTÉ (Vinh danh những chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh vì tự do) (Paris 27-4-1975 – Nguồn: Hình Internet) . Trong 21 năm nầy, lãnh đạo QGVN và VNCH ở tất cả các cấp có thể chia thành hai thế hệ kế tiếp nhau. Thứ nhất là thế hệ những người còn lại từ chế độ cũ. Thứ hai là thế hệ những người được đào tạo trong lòng chế độ mới ở trong nước.
Sau 1954 Nam Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhưng lúc đầu những cán bộ, công chức chính phủ từ trung ương xuống tới địa phương, kể cả tổng thống Diệm, đều do Pháp đào tạo. Những chuyên viên như kỹ sư, bác sĩ, thậm chí cả những giáo chức đều xuất thân từ các trường Pháp. Các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp cũng từ quân đội Pháp. Vì vậy, trong thời Đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam, cán bộ và chuyên viên thời kỳ nầy vẫn còn chịu ít nhiều ảnh hưởng của Pháp, dầu không còn người Pháp.
Quốc trưởng Bảo Đại, và nhất là tổng thống Ngô Đình Diệm đã có công xây dựng những cơ sở đào tạo một lớp cán bộ, chuyên viên, cán sự mới cho miền Nam Việt Nam, như các trường sĩ quan Nam Định, Thủ Đức, Đà Lạt, trường Quốc Gia Hành Chánh, các trường chuyên nghiệp, các viện đại học, các trường sư phạm… Từ đây xuất thân một lớp công chức, quân nhân, cán bộ và chuyên viên hoàn toàn mới trong tinh thần quốc gia dân tộc.
Những người tốt nghiệp từ các trường nầy được bổ sung và thay thế dần dần các lớp đàn anh, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm thực tế, rồi sau đó mới thực sự trưởng thành. Từ đầu thập niên 60, hầu như tất cả các ngành, kể cả quân đội, mới có những chuyên viên, những nhà lãnh đạo thực sự tốt nghiệp ở trong nước. Quân đội có những sĩ quan tinh nhuệ gốc từ các trưòng võ bị Nam Định, Thủ Đức, Đà Lạt. Bệnh viện thêm nhiều tân bác sĩ, cán sự y tế xuất thân từ Sài Gòn và Huế. Trường học do các giáo chức từ các trường sư phạm điều hành và giảng dạy. Mọi ngành nghề đều có những cán bộ, công chức lớn lên dưới chính thể Quốc Gia thời quốc trưởng Bảo Đại hoặc chính thể VNCH, được đào tạo ở trong nước, tin tưởng vào giá trị nhân bản và dân tộc, dân chủ của chế độ, làm việc và cọ xát với xã hội, thực sự gắn bó với chính thể, và chiến đấu hết mình nhằm bảo vệ nền tự do dân chủ của miền Nam Việt Nam. Chỉ tiếc một điều là khi thế hệ mới nầy thực sự làm chủ đất nước, chiến đấu vì nền tự do dân chủ của miền Nam Việt Nam, chưa kịp củng cố chế độ thì thời thế thay đổi, bàn cờ thế giới xoay chiều, nên quân dân miền Nam đành buông súng.
Những cuộc tuẫn tiết: Ngày 30-4-1975, trong khi Quốc tế cộng sản hậu thuẫn cho quân đội cộng sản Bắc Việt tấn công miền Nam Việt Nam thì miền Nam Việt Nam bị Đồng minh bỏ rơi. Chính thể VNCH sụp đổ. Rất nhiều người đã tuẫn tiết. Tuẫn tiết ngay ngày 30-4-1975 hay tuẫn tiết âm thầm trong các trại tù cộng sản trên rừng thiêng nước độc. Càng ngày người ta càng phát hiện những anh hùng vô danh tuẫn tiết sau ngày 30-4-1975.
Nhận xét thứ nhất, những người tuẫn tiết là những nhân vật trung nghĩa với chính thể VNCH, can trường, dũng cảm, tinh thần trách nhiệm cao, lấy cái chết để đền nợ nước non, vì tự cảm thấy không đủ sức bảo vệ nền dân chủ tự do son trẻ của miền Nam Việt Nam. Hầu như toàn thể những người tuẫn tiết ngày 30-4-1975 và ở trong các trại tù cộng sản đều thuộc vào thế hệ những người đã được đào tạo dưới chính thể QGVN và VNCH, tận lực chiến đấu để bảo vệ miền Nam Việt Nam, bảo vệ lý tưởng dân tộc, tự do dân chủ của chính thể Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam.
Nhìn vào lịch sử, chưa có thời kỳ nào, chưa có chế độ nào sụp đổ mà những người tuẫn tiết nhiều như thời kỳ 1975. Cũng nhìn vào lịch sử, chưa có thời kỳ nào, chưa có chế độ nào mà những người tuẫn tiết đa dạng như thế. Dưới chế độ quân chủ, chỉ có một số ít, rất ít các tướng lãnh và quan lại cao cấp hy sinh vì lòng trung quân ái quốc. Với chủ nghĩa cộng sản, chỉ những thường dân hay binh sĩ cấp nhỏ bị nhồi sọ và bị lừa phỉnh nên đã hy sinh hoặc bị làm vật hy sinh cho đảng CS và cho các lãnh tụ đảng CS. Đàng nầy, chính thể VNCH sụp đổ, không ai bắt họ tuẫn tiết, nhưng họ vẫn nhất quyết hy sinh. Những người tuẫn tiết năm 1975 không phải chỉ có hàng tướng lãnh, mà rất nhiều sĩ quan trung cấp và binh sĩ tuẫn tiết. Còn có một số quân nhân tuẫn tiết tập thể. Những anh hùng nầy tự nguyện tuẫn tiết vì lý tưởng tự do dân chủ VNCH chứ không vì một cá nhân nào cả.
Khi quyết định khởi nghĩa năm 1930, dầu trong thế yếu, Nguyễn Thái Học đã khuyến khích đồng đội: “Không thành công thì thành nhân.” Câu nầy bắt nguồn từ ý nghĩa của thành ngữ chữ Nho: “Sát thân thành nhân”, nghĩa là chịu chết (tự giết mình) để hoàn thành đạo “nhân”, tức đạo làm người, xem đạo làm người lớn hơn thân mình.
Những người tuẫn tiết năm 1975 đúng là những người “sát thân thành nhân”, thực hiện đạo làm người đối với dân tộc, tận trung báo quốc. Chẳng những thế, những anh hùng tuẫn tiết năm 1975 còn tự sát thân để phản đối chế độ CS diệt chủng, phi nhân, báo động cho toàn thể nhân loại nguy cơ CS trên thế giới. Mãi đến hơn 30 năm sau, ngày 25-1-2006, Quốc hội Âu Châu họp tại Strasbourg (Pháp) với đa số áp đảo, 99 phiếu thuận, 42 phiếu chống, mới đưa ra nghị quyết số 1481, lên án chủ nghĩa cộng sản là tội ác chống nhân loại, và các chế độ toàn trị cộng sản đã vi phạm nhân quyền tập thể. Nghị quyết nầy càng làm sáng tỏ và tăng giá trị những anh hùng tuẫn tiết ở miền Nam Việt Nam năm 1975.
Vai trò lịch sử: Chủ nghĩa dân tộc bị người Pháp đàn áp và bị cộng sản quốc tế đánh phá, bắt đầu được phục hồi với dưới các chính thể QGVN và VNCH, lại bị CS chôn vùi lần nữa vào năm 1975.
Những anh hùng tuẫn tiết năm 1975 thuộc thế hệ lớn lên và đào tạo thời QGVN và VNCH, chính là kết quả của nền giáo dục ở miền Nam Việt Nam là nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng, lấy con người làm trọng, theo truyền thống văn hóa dân tộc, không có tính cách giáo điều hay nhồi sọ bất cứ lý thuyết chính trị hay tôn giáo nào.
Những cuộc tuẫn tiết năm 1975 đã làm sáng tỏ hơn nữa chính nghĩa chiến đấu của quân dân miền Nam, để bảo vệ miền Nam tự do, chống lại chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Những anh hùng tuẫn tiết đã hy sinh sự sống của họ, nhưng chính những sự tuẫn tiết đó trở thành sự sống vĩnh cửu của VNCH trong lịch sử dân tộc, đồng thời đã thổi một luồng sinh khí mới vào sinh mệnh chính trị VNCH, lưu truyền chính nghĩa VNCH, dầu chính thể VNCH sụp đổ năm 1975.
Chính nhờ thế, cho đến nay, gần bốn chục năm sau, dầu không chính quyền, không lãnh thổ, dòng sống VNCH vẫn tồn tại khắp nơi trên thế giới. Chính nghĩa VNCH dựa trên nền tảng dân tộc là điểm tựa tinh thần cho toàn thể người Việt hải ngoại quy tụ lại với nhau dưới lá Cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của chính thể VNCH. Có thể nói, quanh khắp quả địa cầu nầy, Cờ vàng ba sọc đỏ hiên ngang phất phới tung bay khắp bốn phương trời, trong khi lá cờ CSVN, tượng trưng cho chế độ đang cai trị hiện nay ở trong nước, thì núp trong nhà, chỉ ru rú trong các tòa đại sứ hay các tòa lãnh sự mà thôi. Trong lịch sử thế giới, chưa có một hiện tượng nghịch lý nào lạ lùng như thế.
Điểm đáng nói nữa là trong gần bốn chục năm qua, khi làm lễ Kỷ niệm ngày Quốc hận 30-4, đồng bào hải ngoại luôn luôn dâng hương tưởng niệm những anh hùng tuẫn tiết. Anh hồn những anh hùng tuẫn tiết đã hòa nhập vào hồn thiêng sông núi, nuôi dưỡng vững chắc niềm tin vào chính nghĩa dân tộc và tình tự quê hương trong lòng người Việt khắp thế giới.(HONNEUR à nos SOLDATS morts pour la LIBERTÉ (Vinh danh những chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh vì tự do) (Paris 27-4-1975 – Nguồn: Hình Internet)
KẾT LUẬN
Tóm lại, trong thời kỳ quân chủ hay quốc gia dân chủ, người Việt chiến đấu, hy sinh vì quyền lợi dân tộc. Trong thời kỳ cộng sản, người cộng sản cho rằng họ chiến đấu vì quyền lợi dân tộc, nhưng thật sự họ bị tập đoàn lãnh đạo CSVN phỉnh gạt và sử dụng công sức của họ để phục vụ cho quyền lợi của quốc tế CS như Lê Duẫn đã tuyên bố: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc.” Ngày nay, QTCS không còn, nhưng CSVN vẫn tiếp tục thần phục Trung Cộng.
Năm 1975, VNCH sụp đổ. Những anh hùng tuẫn tiết năm 1975 đã viết lên một bản chính khí ca mới, bản tân chí khí ca, làm sáng tỏ đại nghĩa dân chủ tự do, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, tạo động lực thúc đẩy toàn dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc tranh đấu, chống chế độ cộng sản độc tài toàn trị lệ thuộc Trung Cộng. Cuộc tranh đấu mới nầy có thể chậm, nhưng chắc chắn sẽ thành công. Việt Nam thân yêu sẽ trở lại tự do, dân chủ và độc lập.
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 15-4-2012)