Wednesday, April 11, 2012

VHHN


THÀNH CÁT TƯ HÃN VÀ CON CHIM ƯNG

Trong chuyến viếng thăm Kazakhtan, ở vùng Trung Á, tôi có dịp đi cùng với một nhóm thợ săn, những người này vẫn còn dùng chim ưng như một vũ khí của họ. Tôi không muốn đào sâu vào chuyện “đi săn”, mà chỉ muốn nói rằng, trong trường hợp này, Thiên Nhiên chỉ đơn giản hành động theo lý lẽ uyên nguyên của nó.

Tôi không có thông dịch viên, nhưng chuyện không may mà lại hoá may. Không thể nói chuyện với họ, tôi để ý kỹ hơn đến những gì họ đang làm. Nhóm chúng tôi dừng lại. Người đàn ông có con chim ưng trên cánh tay vẫn ở cách xa chúng tôi một quãng ngắn, tháo chiếc mũ nhỏ bằng bạc trên đầu con chim ưng ra. Tôi không biết tại sao ông ta đã dừng lại ở đó, và tôi cũng không có cách nào để hỏi.

Con chim bay lên, lượn vài vòng, đâm bổ thẳng xuống một khe núi rồi ở dưới đó. Khi chúng tôi đến gần, chúng tôi thấy dưới vuốt chân con chim ưng có một con cáo. Cảnh tượng đó lặp lại một lần nữa trong buổi sáng hôm ấy.

Khi trở lại ngôi làng, tôi gặp những người bạn đang đợi tôi ở đó và tôi hỏi họ làm sao người ta có thể huấn luyện cho con chim ưng làm những việc mà tôi đã thấy, thậm chí việc nó đứng ngoan ngoãn trên cánh tay chủ nó (và trên tay của tôi nữa; họ để một dải băng tay bằng da lên cánh tay tôi và tôi có thể thấy những móng vuốt sắc nhọn của con chim rất gần).
Đó là một câu hỏi vô nghĩa. Không ai giải đáp được. Họ nói rằng nghệ thuật đó được lưu truyền từ đời này qua đời khác — cha truyền cho con trai, và cứ thế mà tiếp tục. Nhưng điều khắc sâu trong tâm trí tôi là phong cảnh núi tuyết sừng sững, bóng những con ngựa và những tay kỵ mã, con chim ưng bay lên từ cánh tay một người đang cưỡi ngựa, và cái đâm bổ chí tử của nó.

Và điều làm tôi nhớ mãi là câu chuyện của một người trong nhóm kể lại trong lúc chúng tôi ăn trưa.

Buổi sáng nọ, một chiến sĩ Mông-Cổ, Thành Cát Tư Hãn, và các thuộc hạ của ông đi săn. Những người cùng đi với ông mang theo cung tên, nhưng Thành Cát Tư Hãn mang theo trên cánh tay của ông con chim ưng mà ông yêu thích: nó sẽ bắt mồi nhanh hơn và chính xác hơn bất cứ mũi tên nào, bởi vì nó có thể bay vút lên trời cao và nhìn thấy mọi vật mà con người không thể thấy.

Tuy nhiên, mặc cho mọi cố gắng nhiệt tình của họ, họ vẫn không thể tìm thấy gì cả. Thất vọng, Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại, và để khỏi phải cáu kỉnh với đám thuộc hạ, ông rời nhóm, cỡi ngựa đi một mình. Họ đã ở lại trong rừng lâu hơn dự tính, và Thành Cát Tư Hãn cảm thấy vô cùng mệt mỏI và khát nước. Trong sức nóng của mùa hè, mọi dòng suối đều khô cạn, và ông không tìm được nước để uống. Thế rồi, hết sức ngạc nhiên, ông nhìn thấy một dòng nước nhỏ chảy ra từ một tảng đá ngay trước mặt ông.

Ông nhấc con chim ưng ra khỏi cánh tay, và lấy ra chiếc cốc bằng bạc mà lúc nào ông cũng mang theo bên mình. Thật lâu nước mới chảy đầy cốc và, ngay lúc ông đưa chiếc cốc lên môi mình, con chim ưng bay lên và giật chiếc cốc từ tay ông rồi ném nó xuống đất.

Thành Cát Tư Hãn giận lắm, nhưng vì con chim ưng rất được ông yêu thích nên ông cho rằng có lẽ nó cũng khát nước. Ông cúi xuống nhặt chiếc cốc lên, lau sạch bụi đất, và lại hứng nước vào cốc. Lần này, khi nước chỉ mới được nửa cốc, con chim ưng lại lao đến tấn công và làm đổ nước lần nữa.

Thành Cát Tư Hãn rất quý con chim, nhưng ông không thể chấp nhận sự vô lễ như thế trong bất cứ hoàn cảnh nào; không chừng có ai đó nhìn thấy cảnh này từ xa và, sau đó, sẽ kể lại cho các chiến binh của ông rằng một nhà chinh phục vĩ đại mà lại không thể thuần hoá nổi chỉ một con chim.

Lần này, ông rút kiếm ra khỏi vỏ, nhặt chiếc cốc và lại hứng nước, một mắt canh chừng dòng nước chảy, còn mắt kia để ý đến con chim ưng. Ngay lúc ông có đủ nước trong cốc và sắp uống, thì con chim ưng lại bay lên và lao về phía ông. Thành Cát Tư Hãn, với một nhát kiếm, đâm thủng qua lồng ngực con chim.

Tuy nhiên, dòng nước kia cũng đã khô cạn; và Thành Cát Tư Hãn quyết định tìm một cái gì đó để uống, ông leo lên tảng đá để tìm nguồn suối. Ông kinh ngạc khi thấy quả nhiên có một vũng nước, và ngay giữa vũng nước đó là xác một con rắn độc nguy hiểm nhất của miền đất này. Nếu ông lỡ uống nước đó, chắc hẳn ông đã chết rồi.

Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại, ôm theo xác chết của con chim ưng. Ông ra lệnh làm một bức tượng chim bằng vàng, và trên một cánh chim, ông khắc dòng chữ:

Thậm chí khi một người bạn làm điều gì đó anh không thích, người đó vẫn cứ là bạn của anh.

Và trên cánh bên kia, ông khắc dòng chữ:

Bất cứ hành động nào được thực hiện trong sự giận dữ đều là hành động đưa đến sự thất bại.

Coelho, Paulo
Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm
Dịch theo bản tiếng Anh của Margaret Jull Costa, “Genghis Khan and his Falcon”, trong Paulo Coelho, Like the Flowing River: Thoughts and Reflections (Sydney: HarperCollins, 2007), 29-32.