Monday, April 23, 2012

VHHN


Kỷ Niệm Tháng Tư:
Sài Gòn ơi! Nỗi nhớ khôn nguôi


Tôi sinh ra tại Hà Nội, cố đô của ngàn năm văn hiến, nhưng lại lớn lên ở Sài Gòn, thành phố đã một thời được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Ðông. Hà Nội với đường Cổ Ngư êm đềm và thơ mộng, với Hồ Gươm hai bờ liễu rủ, ảo mờ trong màn sương những sáng mùa Ðông, tuy có để lại trong tôi ít nhiều xao xuyến nhưng nỗi nhớ chỉ bàng bạc như khói sương, ẩn khuất đâu đó như những bóng hình trong huyền thoại.

Với Sài Gòn thì khác. Sài Gòn với tôi là tất cả. Mảnh đất này là nơi ôm giữ gần trọn cuộc đời tôi, từ khi tôi tập tành làm thiếu nữ, biết soi dung nhan mình trong tấm kính xinh xinh, đến khi rời xa thì đầu đã pha hai màu tóc. Sài Gòn, nơi chôn giấu tất cả các kỷ niệm tôi, sung sướng lẫn khổ đau của một kiếp làm người.

Năm 1954, gia đình tôi theo đoàn người di cư bỏ miền Bắc, dắt dìu nhau đặt chân lên mảnh đất miền Nam với bao nhiêu lạ lẫm thuở ban đầu. Từ đồng bạc giấy xé đôi để thành hai tờ năm cắc đến trái cóc dầm tẻ hoa xanh xanh vàng vàng, cắn vào giòn tan vị chua chua ngọt ngọt nhớ đời... Bản chất người dân miền Nam chân chất và thành thật, thân thiện và xởi lởi, khiến những người bỏ xứ ra đi như chúng tôi cảm thấy thật ấm lòng.

Dần dà theo năm tháng, Sài Gòn, thủ đô của miền Nam tự do trở thành thành phố đẹp đẽ và sung túc nhất nhì vùng Ðông Nam Châu Á. Thành phố với sức sống ào ạt, hầu như không lúc nào im tiếng động. Mới 3, 4 giờ sáng, người ta đã bị đánh thức dậy bởi tiếng nổ inh tai của những chiếc xe ba bánh hay những chiếc xích lô máy chất đầy rau quả đưa về các chợ. Tiếng xe ngựa lóc cóc trên mặt đường nhựa chở những người buôn thúng bán bưng bắt đầu cho một ngày mới. Trong các xóm nhỏ vang vang tiếng trẻ con rao báo, tiếng hàng quà rong, nào xôi, nào cháo, nào bánh, nào rau, ôi thôi không thiếu một loại hàng nào... Sài Gòn đầy dẫy những quán cóc ở đầu mỗi hẻm nhỏ, sáng tinh mơ đã sực nức mùi cà phê thơm ngát. Nơi đây là chỗ gặp gỡ đầu ngày của giới bình dân, xích lô, ba gác hoặc công nhân các hãng xưởng, cầu đường... Phì phèo điếu thuốc, nhâm nhi ly nước đen ngòm, chút vị ngọt pha đầy vị đắng mà thiếu nó thì sẽ ra ngẩn vào ngơ như thiếu người tình...

Sài Gòn với tôi còn là một thời áo trắng Trưng Vương, đầy ắp kỷ niệm ngọt bùi với phấn trắng bảng đen, với bạn bè chia nhau những niềm vui tuổi ngọc, những mộng ước thanh xuân. Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm với hai hàng cây cao bóng mát, những lá me xinh xinh rơi đầy trên vai áo, rắc kín mặt đường vào lúc chớm Thu. Quanh quẩn đâu đó, hình ảnh những anh chàng tình si, đôi mắt ngẩn ngơ tìm kiếm trong đàn thiên nga vừa vỡ tổ, hình bóng nàng thơ mà chàng đang ấp ủ:

Em tan trường về,
Ðường mưa nho nhỏ
Chim non dấu mỏ
Trong cội hoa vàng...
(Ngày xưa Hoàng Thị - Phạm Thiên Thư)

Trong cặp của mỗi cô nàng Trưng Vương, có một ngăn kín đáo nhất, là nơi cất giữ những tờ giấy pelure mỏng tanh màu hồng phấn, màu xanh phơn phớt da trời chép chi chít những bài thơ tình học trò của Nguyên Sa, những bài thơ đầy hấp lực với những nàng con gái vừa đến tuổi mộng mơ, biết thẹn thùng giấu mặt khi vô tình chạm vào ánh mắt của ai kia đang đăm đắm hướng về mình:

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím...
(Màu kỷ niệm)

Không có anh nhỡ một mai em chết
Thượng đế hỏi anh sao mắt em buồn?
Sao tay gầy? Sao đôi mắt héo hon?
Anh sẽ phải cúi đầu đi vào địa ngục...
(Cần thiết)

(Ôi bạn bè ta, những người đã chia sớt với ta cả một thời hoa mộng, nay đã tan tác nơi đâu ? Ai còn, ai mất?)

Nhớ đến Sài Gòn, người ta không thể không nhớ đến chợ hoa Nguyễn Huệ mỗi độ Xuân về. Mai, đào, hồng, cúc, thủy tiên, mãn đình hồng... thôi thì trăm nghìn thứ hoa, trăm nghìn màu sắc, muôn hồng ngàn tía khoe sắc khoe hương. Nam thanh nữ tú, ông già bà trẻ, chen vai thích cánh nhau trên con lộ rộng nhất nhì thành phố. Lòng người vui theo cái vui của mọi người, rộn rã theo cái rộn rã của phố phường ngày giáp Tết.

Sài Gòn còn là những đêm Giáng Sinh ngập tràn dòng người trên khắp các con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tự do... dẫn về nhà thờ Ðức Bà. Người ta đi lễ thì ít mà đi ngắm nhau thì nhiều. Ở đó có bao nhiêu cặp tình nhân tay trong tay, mắt trong mắt. Ðêm của gặp gỡ, đêm của hẹn hò. Ðêm như chảy hội, đêm như thác lũ...

Ta đi bên nhau giấu tình trong đôi mắt
Giấu lời hẹn hò trong mỗi bước chân êm...

Sài Gòn còn là những cơn mưa đầu mùa Hạ. Trời đang nắng chang chang, nắng như đổ lửa, nắng rát thịt da.. bỗng đâu cơn mưa ập đến. Mưa ào ạt, mưa tới tấp, mưa như trút nước... rồi tạnh rất mau.

Anh còn nhớ không anh, chiếc xích lô chở đôi ta đi dưới trời mưa tầm tã. Lời thầm thì ngọt ngào hơn khúc hát tình ca. Mưa ơi cứ dài thêm đi nhé cho tim ta thơm đủ một vườn hồng...

Sài Gòn ơi, một thời ta mới lớn
Mỗi con đường đều ngát hương ngọc lan
Mỗi hàng cây đều có tổ chim non
Ríu rít hót bài ngợi ca hạnh phúc...

Tình yêu lớn theo năm tháng và những đứa con bé bỏng lần lượt chào đời.
Tôi dắt con đi giữa lòng Sài Gòn êm ả. Ðây Givral với những ly kem mát lạnh, món giải khát không thể thiếu mỗi lần dạo phố cho các cô cậu bé con . Ðây nhà sách Khai Trí, với vô vàn sách truyện mà mẹ thường say mê đọc cọp thời còn là nữ sinh. Ðây quán cà phê La Pagode, nơi không hẹn mà thường xuyên có mặt bố với các bạn bè.

Biết bao nhiêu tên gọi của Sài Gòn thân yêu đã đi qua trí nhớ non nớt của tuổi thơ các con tôi...

Ðêm về trên bánh xe qua
Nhớ tôi Xa Lộ, nhớ nhà Hàng Xanh
Nhớ em kim chỉ khứu tình
Trưa ngoan lớp học, chiều lành khóm tre
Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do...
(Ðêm nhớ trăng Sài Gòn - Du Tử Lê)

Tháng 3, 1975, hàng ngày tin tức chiến sự từ xa đưa về toàn là tin xấu. Pleiku mất, Ðà Nẵng mất, rồi Nha Trang cũng chẳng còn... Từ miền Trung xa xôi, miền Tây trù phú, người người lũ lượt kéo về, Sài Gòn trở thành một thành phố cực kỳ rối loạn. Rối loạn từ ngoài đường phố đến trong lòng mọi người. Nhìn đâu cũng thấy những khuôn mặt hốc hác, lo âu, những đôi mắt thất thần, những đôi môi khô héo, gặp nhau chỉ hỏi một câu duy nhất “ở hay đi?”

Mà đi thì đi đâu chứ? Và đi bằng cách nào?

Ðầu tháng 4, 1975 những biến động chính trị ở miền Nam càng ngày càng dồn dập và anh, dẫu đang là luật sư của văn phòng phụ tá về luật pháp Phủ Tổng Thống lại bị chính ông tổng thống ra lệnh bắt giữ. Em cuống cuồng như con chim mắc bẫy, giãy giụa trong tuyệt vọng, nào biết đâu số phận đang an bài cho mình những tháng năm nghiệt ngã, khốn cùng...

Bất ngờ trưa ngày 27 tháng 4 anh được thả về, đúng vào những giây phút cuối cùng khi Sài Gòn đang giãy chết.

29 tháng 4, dắt díu nhau, chúng ta tìm đường chạy trốn nhưng mọi ngả đường đều là tuyệt lộ!

Trưa 30 tháng 4, 1975, lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh như tiếng đạn pháo kích phá toang lồng ngực người dân Sài Gòn. Nỗi bàng hoàng làm thân thể tôi dường như mất hết gân cốt...

Cơn bão lốc đã hoàn toàn ngự trị thành phố. Rực khắp nơi chỉ thấy một màu cờ:

Tôi bước đi,
Không thấy phố,
Không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ
(Trần Dần)

Mỗi sáng tiếng loa phóng thanh vang lên chát chúa lời người xướng ngôn viên, toàn là một giọng điệu tuyên truyền xảo trá và bịp bợm, ca tụng cái xác ướp đã bao năm, ca tụng cái chiến thắng đầy máu xương và hận thù. Những bài hát hoàn toàn lạ lẫm: “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng...” Ðại thắng ư? Thành phố của ta - Thành phố có người lãnh đạo vừa lên tiếng đầu hàng, đang thảm thương như người mẹ tuyệt vọng ôm lũ con mình đầy thương tích trong vòng tay run rẩy mà lau đi những giọt lệ bi ai - mỉa mai thay cho hai từ “đại thắng”!

Thành phố của anh
Nhục nhằn duyên cưỡng ép
Cay đắng phận rau răm
Tim lay lắt chập chờn nỗi đợi
Mòn mỏi nén nhang khuya...
(Giã biệt - Tô Thùy Yên)

Tiếp theo là hàng loạt thanh trừng dành cho kẻ bại trận. Trước hết là lệnh tập trung toàn bộ sĩ quan và công chức chế độ miền Nam. Không chút nghi ngờ, anh bảo:

“Em đừng xếp nhiều quần áo cho anh, chỉ đi có 10 ngày thôi mà...”
Chỉ 10 ngày thôi ư? Chính phủ cách mạng sao mà khoan dung, độ lượng thế nhỉ?
Thương thay cho cái ngu ngơ của dân miền Nam và cái gian manh, xảo quyệt của lũ hình người dạ thú.
10 ngày đã trở thành 10 năm hay hơn nữa, nào ai học được chữ ngờ!

Các trại tù mọc khắp từ Nam ra Bắc để giam giữ những người bại trận. Bao nhiêu người đã ngã xuống trước họng súng của cai tù? Và bao nhiêu người đã vùi thây nơi thâm sơn cùng cốc vì nhục hình, trốn trại, đói khát, bệnh tật?...

Không bị nhốt trong các ngục mang tên Hàm Tân, Thanh Hóa, Nam Hà, Xuân Phước, v.v... nhưng người dân Sài Gòn và cả miền Nam cũng sống trong một trại tù khác, khổng lồ hơn và nghẹt thở với đủ các đợt trả thù: đổi tiền, đốt sách, đánh tư sản, đuổi đi kinh tế mới, giam giữ, v.v...

Kẻ chiến thắng đóng các cửa ngõ với thế giới bên ngoài, ôm cái vinh quang thấm đầy máu và nước mắt để hát hò, để xưng tụng... trong khi gạo và thực phẩm do chính sách hợp tác xã ngu đần đã cạn kiệt. Kết quả là sau năm 1977 từ Bắc vào Nam, ruộng đồng bát ngát như thế mà thóc gạo thì chẳng còn, người dân phải ăn khoai mì khoai lang hà độc, ăn bo bo, thứ thực phẩm chỉ dành để nuôi ngựa!

Tội nghiệp con bé út 3, 4 tuổi của tôi. Trông thấy bát bo bo là nó vừa cười méo xệch cái miệng thật xinh, vừa giả bộ xoa xoa cái bụng lép kẹp mà nói: “Mẹ ơi, con no rồi,” để đừng phải nhai cái bát bo bo đến trẹo quai hàm! Bữa tối sang nhất là có chút cơm với 3 phần gạo hẩm và 1 phần sạn, những cục sạn nếu nhặt không kỹ sẽ vỡ răng như chơi!

Ðó là những năm tháng Sài Gòn chìm trong bể khổ. Quanh mình, từ xóm giềng đến trường lớp, con mắt nào cũng là con mắt của soi mói, dò xét. Mỗi lời nói ra dường như có cái máy thâu âm vô hình lắp đặt ở đâu đó sẵn sàng ghi lại. Sai sót ư? Nhẹ nhất là kiểm thảo trước tổ dân phố hay ngoài đồn công an, không thì đi kinh tế mới, còn nếu bị ghép vào tội phản động thì tù đầy chẳng hẹn ngày về...

Ôi Sài Gòn thân yêu, còn đâu hình ảnh của Hòn Ngọc Viễn Ðông vui tươi, phồn thịnh ngày nào. Sài Gòn đang héo khô như hoa cỏ mùa nắng hạn. Sài Gòn đang quằn quại như người thiếu phụ trong giờ vượt cạn mà kẻ phụ tình đã cao chạy xa bay...

Ở đây, địa ngục chín từng sâu,
Cả giống nòi câm lặng gục đầu,
Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt,
Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau.
(Mùa hạn - Tô Thùy Yên)

Làm thân cô giáo như tôi, sớm chiều phải túc trực tại trường sở để học tập đường lối chính sách mới, để được dạy dỗ rằng mình là vợ một tên lính “ngụy,” kẻ tội đồ của dân tộc! Cuộc sống là những ngày nối tiếp ngày tràn ngập lo lắng và sợ hãi. Ðêm đêm trên đường đến lớp dạy bổ túc văn hóa tại trường Lê Quý Ðôn, khi chiếc xe đạp lọc xọc chạy ngang qua câu lạc bổ thể thao (cercle sportif) trên đường Hồng Thập Tự, trái tim tôi dường như bị mũi dao đâm trúng. Trời có mưa không mà mặt tôi nhạt nhòa... “Anh ơi anh đâu rồi...?” Hình như mới hôm qua hay hôm kia thôi, chiều đến, sau giờ tan sở, chồng tôi còn về đón mấy mẹ con đến câu lạc bộ này cho các con bơi lội, chơi đùa... Thôi giấc mơ đời đã vội tan!

Sài Gòn còn chứng kiến biết bao cảnh chia lìa vì những cuộc trốn chạy trên những chiếc bè mỏng manh như chiếc lá giữa mặt bể mênh mông trùng trùng sóng dữ hay những cuộc vượt rừng một sống mười chết giữa cạm bẫy của súng đạn, rắn độc, bọ cạp và lạc đường... Hình ảnh hai anh tôi quỳ lạy mẹ và ôm tôi từ biệt trước khi ra đi là những kỷ niệm đau đớn tận cùng, dẫu đã cố chôn vùi để quên đi nhưng mỗi năm cứ gần đến Tháng Tư oan khuất hay tháng 7 giỗ kỵ , nước mắt tôi tự nhiên chứa chan không sao cầm giữ được. Ðứa cháu trai 16 tuổi, đứa con trai duy nhất của anh cả tôi đang giam thân trong trại tù đã do chính tay tôi dắt cháu ra khu chợ cũ Sài Gòn để xuống tàu ở bến Bạch Ðằng trong cái ngày oan nghiệt đó. Trước lúc chia ly, cháu nắm chặt bàn tay tôi, đôi mắt trong sáng đầy tin yêu nhắn lại “Cô ơi, bố về cô nói giùm con yêu bố. Con đi, sẽ lo cho cả nhà”! Chuyến tàu định mệnh đó mang theo 10 người thân yêu của tôi ra đi và đi mãi vào trong lòng biển thẳm.

“Khôi ơi, cô xin lỗi con, lời nhắn của con cô đã vĩnh viễn chôn vùi vì không dám khơi dậy trong lòng bố con vết thương mãi mãi chẳng lành!”

Ðêm đêm tôi thường mất ngủ vì những toan tính lúc nào cũng ngập ngụa trong đầu. Làm sao với cái thân thể còm cõi, cô đơn này, tôi có thể gánh vác nổi một gia đình 6 con còn thơ dại, chồng mòn mỏi trong ngục tù đói khát ốm đau, mẹ già liệt nửa thân mình kèm với những cơn đau tim vật vã xác thân kể từ sau ngày hai anh và các cháu ra đi mà biệt vô âm tín? Làm sao để các con tôi đừng biết rằng ngày mai mẹ chúng không còn đồng xu trong túi, sẽ sẵn sàng bỏ học để lao ra chợ đời phụ mẹ kiếm sống với cái tuổi lên 10, 12, 13?
Những câu hỏi cứ chằng chịt ám ảnh tâm trí tôi mà không có lời giải đáp. Tôi sụm xuống như một bà già tàn tạ. Hình như tôi không còn nước mắt để khóc cho thân phận mình mà trong cõi lòng lúc nào cũng chỉ đầy ắp sự lo lắng và nỗi sợ hãi tận cùng...

Năm 1992, gia đình tôi rời Việt Nam đi định cư tại Mỹ. Tôi bỏ lại sau lưng nắm tro xương của Mẹ, bỏ lại người anh ruột độc nhất còn lại trên thế gian này, bỏ lại thành phố Sài Gòn mà mỗi cành cây, ngọn cỏ, mỗi con đường, khu phố, căn nhà... còn âm vang, còn réo gọi trong tôi những kỷ niệm thiết tha của gần 40 năm gắn bó...

Khi chiếc phi cơ rời khỏi phi trường Tân sơn Nhất, bay vút lên trời cao, lòng tôi bỗng vỡ vụn những cảm giác xót xa, mất mát!

Sài Gòn ơi tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời
Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi
Những nụ cười nát trên môi,
Những giọt lệ ôi sầu đắng...
(Vĩnh biệt Sài Gòn - Nam Lộc)

Những tháng năm dài nhớ quê hương...

Dương Vân Ðình