Sunday, August 26, 2012

ANVN


Nhạc Sĩ Đỗ Kim Bảng
Vòng Tay Giữ Trọn Ân Tình
 
Dân gốc Quảng Nam ra đời tại Huế (1932), nhưng trải suốt tuổi thơ ở Ðà Lạt cho đến năm 1945, sau khi Việt Minh cướp chính quyền, thì theo cha mẹ về lại quê.
 
Học lở dở lớp đệ thất ở trường Phan Chu Trinh (Hội An) thì phải tản cư về lại bản quán (làng Phú Phước, huyện Duy Xuyên). Cha mất cuối năm 1946. Theo mẹ về quê ngoại ở Huế. Suốt cấp trung học phổ thông, học ở trường Khải Ðịnh. Trong thời kỳ này học đàn với nhạc sĩ Lê Quang Nhạc, học lỏm nhạc lý tây phương với nhạc sĩ Văn Giảng và một ít nhạc cổ truyền với nhạc sĩ Nguyễn hữu Ba. Cũng trong thời kỳ này, hoạt động văn nghệ trong trường cũng như trong Gia Ðình Phật Tử với các bạn: Phạm mạnh Cương, Hoàng Nguyên, Hồ Đăng Tín (Nhạc), Lữ Hồ(Văn, họa), Kiêm Ðạt, Diên Nghị, Tạ Ký (thơ), Minh Tuyền (Nhiếp ảnh).... Sáng tác được dăm ba bài hát cho sinh hoạt học đường hay cho Phật giáo mà hai bài được biết đến nhiều là bài Mùa Thi (1951) đã được ban hợp ca Thăng Long chọn làm nhạc cảnh, từng được trình diễn ở Sàigòn và đến năm 1954 lại được vinh dự theo chân ban Gió Nam (chủ chốt là ban Thăng Long và quái kiệt Trần văn Trạch) ra mắt khán giả Hà Nội; và bài Mục Kiền Liên (1949), bản nhạc Phật vẫn được trình bày trong mùa Vu Lan. Ra Hà Nội đầu thu 1953. Học tại trường Văn khoa và Cao đẳng sư phạm. Trong thời gian này học thêm nhạc với nhạc sĩ Hùng Lân. Cuối năm 1954 theo đoàn sinh viên Bắc Việt di cư vào Sàigòn, tiếp tục học tại hai trường nói trên cho đến năm 1955, tốt nghiệp Sư Phạm. Sau đó được Bộ Giáo Dục biệt phái qua Bộ Quốc Phòng, phụ trách văn hoá tại trường Võ bị Quốc gia Ðàlạt từ khóa 12 cho đến khoá 14 (1955 -1960). Trong thời kỳ này viết được một ít bản tình ca và hùng ca, trong đó có bài Khúc Hát Ngày Mai - một tiểu khúc liên khúc - đã được Ban Thăng Long trình bày một ít lần trên đài Sàigòn và đài Quân Ðội.
 
Năm 1960 trở lại về Bộ Giáo Dục, dạy tại trường Trần Lục rồi Nguyễn Du cho đến năm 1965 thì nhận giấy nhập ngũ khóa 21 trường Võ bị Thủ Ðức. Sau khi mãn khóa Võ bị với cấp bậc Chuẩn Úy được chọn về phục vụ tại phòng Văn Nghệ cục Tâm lý Chiến. Cùng với các bạn nhạc sĩ khác như Trầm tử Thiêng, Duy Khánh, Lam Phương, Song Ngọc, Anh Việt Thu, Phạm Minh Cảnh, Trương Hoàng Xuân... làm việc dưới quyền thi sĩ Tô Kiều Ngân (Ðại úy trưởng phòng) và thi sĩ Tô Thùy Yên(Trung úy phụ tá trưởng phòng). Tại đây biết và quen thêm một số văn nghệ sĩ cùng Cục như: Trần Thiện Thanh, Trần Trịnh (nhạc sĩ), Du Tử Lê, Mai Trung Tĩnh, Tường Linh, Chinh Yên, Phạm Lê Phan, Huy Phương (thơ). Mai Chững (họa). Ðặng Trần Huân, Lâm Tường Dũ, Băng Ðình, Trần Xuân Thành, Nguyễn Nhơn Phúc (văn), và Tạ Tỵ. Viết rất nhiều nhưng đáng kể nhất là bản trường ca độc nhất trong đời là bản "Những người đi giữ quê hương". Bản nầy dài gần một tiếng đồng hồ, đã được ban hợp ca Quân Ðội dưới quyền điều khiển của Nhạc sĩ Vũ Minh Tuynh và Ngô Mạnh Thu tra mắt khán giả tại rạp Thống Nhất, nhân ngày Quân Lực 1969.
 
Năm 1969 được biệt phái về Bộ Giáo Dục. Tiếp tục dạy học cho đến tháng 4/75 thì... mất dạy. Sau đó cùng với hàng trăm sĩ quan VNCH khác nổi trôi nhục nhằn từ trại tù nầy qua trại tù khác để "học tập", nhưng mãi vẫn chưa "tốt nghiệp"! Mãi đến cuối năm 1978 mới được thả từ chuồng nhỏ ra chuồng lớn nhờ... học tập tốt!
 
Năm 1980, vì tương lai các con, cả gia đình vượt biển và định cư tại Mỹ cùng năm. Ði học lại và trở về nghề cũ. Hiện nay (1999), đang "thảnh thơi thơ túi rượu bầu" sau 16 năm "gõ đầu trẻ" ở Boston.
Suốt thời kỳ ở Mỹ sáng tác chậm. Có được một ít bài hát về quê hương, một số bài về cuộc sống riêng tư và một ít bài thơ phổ nhạc mà bài tác giả thích nhất và cũng mới nhất là bài "Tháng ba đi hàng quân" thơ của Trần Hoài Thư.
 
Thời gian sống tại Sài Gòn (1960 - 1975) học hỏi được nhiều nhờ quen biết với các nhạc sĩ đàn anh như Phạm Duy, Lê Trọng Nguyễn, Lan Ðài, Nguyễn Hiền, Mạnh Phát, Châu Kỳ và cũng sáng tác nhiều nhờ sự hợp tác và khuyến khích của các nhạc sĩ đồng lứa như Y Vân, Hoàng Nguyên, Trầm Tử Thiêng, Trúc Phương. Có một số bài đã được trình bày trên các đài phát thanh, được thu dĩa và các nhà xuất bản nhạc ấn hành. Trong số các bài đó được biết đến nhiều hơn là các bài: "Mưa đêm ngoại ô" (1960), và "Bước chân chiều chủ nhật" (1963)
 
 
Em mơ một vòng tay
Dìu nhau bao tháng ngày
Vì đời người tựa áng mây
Sợ nguồn vui chóng phai
Tuổi xuân sẽ không trở lại
Em yêu một vòng tay
Một vòng tay ấm nồng
Nào ngờ chẳng trọn ước mong
Tình bọt bèo chóng tan
Anh lãng quên sao dành
Anh ơi! ai người nâng giấc nồng
Tình nào theo giấc mộng
Tay nào se kết đôi lòng
Đừng sầu, đừng quên lúc xuân thì
Đừng để ướt làn mi
Anh ơi! anh về nhé
Em mong người về đây
Ðể mùa Đông bớt dài
Ðể nụ cười đẹp cánh môi
Tình đượm làn tóc mây
Trọn tình trong đôi tay
Em yêu một vòng tay
Từ ngày quen biết người
Thầm tưởng rằng đời ấm vui
Nào ngờ tình chóng phai
Vùi theo lối hoang miệt mài
Em thương một người trai
Lạnh lùng đi giữa đời
Thường gục đầu vào cánh tay
Nụ cười không đến môi
Quên mất tình yêu rồi
Em mơ một bàn tay
Làm dịu đôi má gầy
Ðể hận thù thành bóng mây
Ðể đời lại ấm vui
Trọn tình trong đôi tay
 
Anh ơi! em chờ trên bến ngày xưa.
 
 @xuquang.com