Trung Quốc Muốn Gì Ngoài Đông
Hải
Thuyết trình trước cuộc Hội
thảo "Vấn Đề Tranh Chấp Biển Đông" ngày Thứ Bảy, mùng bốn Tháng
Tám, 2012 tại Trung Tâm Công Giáo - Santa
Ana, California
Những Nghịch Lý Và Mâu Thuẫn Đáng Chú Ý
Với thế giới, từ một năm nay,
dư luận đang phát giác một chuyện lạ: khu vực rộng lớn có nhiều triển vọng kinh
tế nhất địa cầu cũng lại là thùng thuốc súng nổi trôi trên biển. Đó là vùng biển
Đông Nam Á, nơi sinh hoạt trọng yếu cho gần bốn tỷ người dân Á châu, từ Ấn Độ
dương qua Thái bình dương. Lý do là thái độ ngang ngược của Trung Quốc. Nhưng
thật ra, cũng chính thái độ ấy lại tạo ra một lợi thế cho Việt Nam, một lợi thế
chưa từng thấy từ trăm năm nay.
Vì sao lại có nghịch lý này?
Nếu có thể trình bày cho ngắn
gọn thì Trung Quốc là quốc gia có lãnh thổ bát ngát mà thiếu nước, đói ăn và
khát dầu. Việc lãnh đạo xứ này muốn giành chủ quyền trên thềm lục địa của Việt
Nam để khai thác tài nguyên ngoài khơi và dưới đáy biển là điều có thể hiểu
được, nhưng không thể chấp nhận.
Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ
muốn cưỡng đoạt tài nguyên của thiên hạ mà còn muốn biến Đông hải làm vùng trái
độn quân sự tương tự như các khu vực biên trấn bên trong. Mục tiêu an ninh đó
khiến xứ này trở thành một vấn đề của quốc tế.
Vậy mà sự thể còn phức tạp hơn
vậy. Trung Quốc có cái thế của một quốc gia hung đồ, mà chưa có cái lực. Bên
trong còn gặp nhiều vấn đề nan giải nên có thể tan rã.
Nhìn từ giác độ kinh tế, bài
tiểu luận khá dài và gồm bốn phần sau đây sẽ cố giải thích nghịch lý đó khi nhấn
mạnh đến nhiều mâu thuẫn của Trung Quốc ở phần cuối.
1.
Bối Cảnh của
Vấn đề
Nhu cầu xác định nội dung của
đề tài, trước hết là về tên gọi, khiến chúng ta mở lại tấm bản đồ của khu vực Á
châu Thái bình dương, nơi mà với diện tích lãnh thổ khoảng 10 triệu cây số
vuông, Trung Quốc là một nước lớn tại Đông Á.
Về vị trí địa dư, đây là một
quốc gia Đông Bắc Á, tương tự như Liên bang Nga, Cộng hòa Mông Cổ, Nam Bắc Hàn
hay Nhật Bản. Khu vực Đông Á này tiếp giáp với Thái bình dương, nhưng từ đất
liền mà ra tới đại dương thì còn phải vượt qua nhiều vùng biển cận duyên. Xin
tạm gọi là biển xanh lục để phân biệt với biển xanh dương của đại dương.
Cách đặt tên vùng biển cận
duyên này xuất phát từ sự tiện dụng của các nhà hải dương học hay địa dư học Âu
châu từ nhiều thế kỷ trước. Sau này, các quốc gia hay tổ chức quốc tế mới có
cách gọi đôi khi không thống nhất. Nhưng nói chung, ta có thể phân biệt hai vùng
biển Bắc và Nam.
Tại khu vực Đông Bắc Á, người
ta quen dùng tên "East China Sea" mà ta có thể gọi là Đông hải của Trung
Quốc. Và chữ "của" này không nhất thiết là một sự khẳng định về chủ quyền.
Thí dụ như khu vực Tây Á có
Vịnh Ba Tư nằm giữa Iran của sắc tộc Ba Tư với Bán đảo Á Rập. Vịnh này thuộc vào
Ấn Độ dương mà không là chủ quyền của xứ Ian. Hoặc Vịnh Thái Lan nối liền Ấn Độ
dương với Thái bình dương không là chủ quyền của Thái Lan hay Ấn Độ dương chẳng
là chủ quyền của xứ Ấn Độ.
Khu vực Đông hải của Trung Quốc
bao trùm lên một diện tích khoảng một triệu 200 ngàn cây số vuông ở ngoài biển.
Đây là vùng biển cận duyên tiếp giáp với bán đảo Triều Tiên và Hoàng hải, với
biển Nhật Bản ở phía Đông của Triều Tiên, với chuỗi quần đảo Ryu Kyu hay Lưu Cầu
nối liền Nhật Bản với Đài Loan.
Đi xuống hướng Nam, tại khu vực
Đông Nam Á, người ta quen dùng tên "South China Sea", biển Nam của Trung Hoa hay
biển Hoa Nam để gọi vùng biển cận duyên tiếp giáp với Vịnh Bắc Bộ, đảo Hải Nam
của Trung Quốc và nằm giữa Việt Nam với Phi Luật Tân, Brunei, Mã Lai Á, Nam
Dương hay Indonesia và qua đến Vịnh Thái Lan. Ra khỏi biển cận duyên này thì mới
tới Thái bình dương về bên kia, về phía Đông thì có Hoa Kỳ.
Việt Nam gọi mặt biển này là
Đông hải, các nước Đông Nam Á gọi đó là biển Đông Nam Á. Đề tài trình bày ở đây
chủ yếu nói về Đông hải của Việt Nam, hay vùng biển Đông Nam Á, một diện tích
rộng lớn bao trùm lên ba triệu rưởi cây số vuông ngoài biển.
Vì nối liền Thái bình dương với
Ấn Độ dương, khu vực này là nơi sinh sống của 600 triệu dân Đông Nam Á tại trung
tâm và gần ba tỷ người từ Trung Quốc đến bán đảo Ấn Độ. Tức là cuộc sống của gần
bốn tỷ trong bảy tỷ người trên địa cầu có liên hệ đến vùng biển này.
Trong lề lối sinh hoạt hiện nay
của nhân loại, 90% lượng hàng hóa giao dịch từ lục địa này qua lục địa khác đều
dùng phương tiện hàng hải, là vận chuyển bằng tầu bè qua biển vì ohí tổn thấp
nhất. Nói về trọng lượng thì phân nửa số hàng hóa ấy chuyển vận qua Đông hải của
Việt Nam, có trị giá bằng một phần ba trị giá hàng hóa buôn bán giữa các lục
địa.
Nhưng việc chuyển vận đó, từ Âu
Châu qua Trung Đông, qua Ấn Độ dương đến Thái bình dương, từ khu vực Đông Bắc Á
xuống tới Úc Châu, phải qua các eo biển nhỏ, như Eo biển Malacca nằm giữa bán
đảo Mã Lai và đảo Sumatra của Nam Dương, hay hai Eo biển Sunda và Lombok của Nam
Dương.
Các eo biển này là có thể là
yết hầu hay nút chặn việc lưu thông hàng hóa giữa các nước, cho nên ngoài vấn đề
chủ quyền thì quyền lưu thông tự do qua các dòng hải lưu là một đòi hỏi khách
quan của kinh tế và phải được quốc tế tôn trọng, hay bảo vệ.
Là một siêu cường hải dương,
Hoa Kỳ giữ vị trí quan trọng nhất cho việc bảo vệ quyền lưu thông qua các dòng
hải lưu đó. Mà không chỉ là lưu thông hàng hải. Việc vận chuyển quân sự cho mục
tiêu hòa bình, thí dụ như cứu trợ thiên tai hay ngăn ngừa hải tặc, cũng là một
quyền tự do được nước Mỹ đề cao và kêu gọi các nước cùng đảm bảo.
Cuộc thao dượt trên vành cung
Thái bình dương, gọi là RIMPAC, đang được 22 quốc gia tiến hành từ ngày 27 Tháng
Sáu đến mùng bảy Tháng Tám thể hiện nỗ lực đó. Hoa Kỳ đề xướng việc thao dượt
hai năm một lần kể từ năm 1971 và ngày càng có nhiều nước tham gia để nâng cao
khả năng phối hợp quân sự của các nước khi có biến động như xung đột, thiên tai,
hải tặc hay khủng bố.
Nếu tại vùng biển Đông hải của
Trung Quốc ở miền Bắc, xứ này gặp các lân bang tương đối phú cường, như Liên
bang Nga, Nhật Bản hay Đại Hàn, thì tại vùng biển Đông hải của Việt Nam, Trung
Quốc đối diện với một chục quốc gia nhỏ và yếu hơn. Đó là các thành viên của
Hiệp hội ASEAN 10 Quốc gia Đông Nam Á. Với lãnh đạo Bắc Kinh thì đấy là những
mục tiêu "mềm", dễ được thôn tính.
Như tại nhiều nơi khác trên thế
giới, mâu thuẫn về chủ quyền ngoài lãnh hải có thể xảy ra giữa các nước và
thường phải giải quyết qua đàm phán thương thảo.
Tại vùng biển Đông Nam Á, mâu
thuẫn về chủ quyền ngoài thềm lục cũng có giữa tám quốc gia là Trung Quốc, Đài
Loan. Việt Nam, Mã Lai Á, Singapore, Indonesia, Brunei và Phi Luật Tân. Khu vực
có mâu thuẫn gay gắt nhất là thềm lục địa, nơi có các quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa theo tên gọi của Việt Nam. Ba quốc gia đang có tranh chấp nặng chính
là Trung Quốc ở một bên, Việt Nam và Phi Luật Tân ở bên kia.
Tranh chấp về chủ quyền ngoài
thềm lục địa càng có ý nghĩa chiến lược khi bên dưới có một kho tài nguyên rất
lớn. Đây là nơi có trữ lượng đã xác định của bảy tỷ thùng dầu thổ và khoảng 900
ngàn tỷ thước khối khí đốt. Nếu thăm dò tìm hiểu nhiều hơn thì khu vực này còn
có tiềm năng của 130 tỷ thùng dầu thô, nghĩa là một nơi có nhiều dầu nhất địa
cầu, sau Saudi Arabia.
Riêng với Việt Nam, chúng ta
không quên rằng ngoài dầu thô và khí đốt, vùng biển này là một nguồn thủy sản
lớn lao cho kinh tế và trước hết cho người dân.
Như vậy, bối cảnh chung của khu
vực cho thấy Đông hải của Việt Nam có ý nghĩa chiến lược toàn cầu. Hai yếu tố
đáng chú ý ở đây là an ninh và kinh tế. An ninh là quyền tự do lưu thông trên
các dòng hải lưu, và kinh tế là quyền khai thác tài nguyên ngoài biển, hay dưới
đáy biển.
Trong bối cảnh đó, chúng ta mới
tìm hiểu về mục tiêu của Trung Quốc ở nơi đây.
2.
Từ Thời Sự Đến
Chiến Lược
Thời sự kinh tế quốc tế ghi
nhận rằng sáng Thứ Hai 23 Tháng Bảy vừa qua, tập đoàn dầu khí hải dương CNOOC
của Trung Quốc dạm mua trọn phần vốn của tổ hợp Nexen của Gia Nã Đại, hay
Canada, với cái giá rất cao là 27,50 đô la một cổ phiếu. Tức là cao hơn giá yết
trên thị trường hôm Thứ Sáu 20 đến 62%.: vị chi là lên tới hơn 15 tỷ đô la, con
số kỷ lục cho một vụ thụ đắc của một doanh nghiệp Trung Quốc.
Được gọi tắt là CNOOC trên các
thị trường quốc tế, tập đoàn có tên là "Trung Quốc Hải Dương Thạch Du Tổng Công
Ty" là doanh nghiệp nhà nước do trung ương quản lý, đứng hàng thứ ba trong các
tổng công ty dầu khí của Trung Quốc. Trong danh mục 500 tổ hợp kinh doanh lớn
nhất thế giới do tạp chí Fortune vừa công bố cuối Tháng Bảy, CNOOC đứng hạng
101. Đây là một đại gia Trung Quốc, chuyên về năng lượng ngoài khơi với 100% vốn
liếng là của nhà nước.
Nexen của Canada là tổ hợp tư
doanh dầu khí có hội sở tại Calgary của tỉnh Alberta, hoạt động từ hơn 40 năm
nay và hiện có tài sản đầu tư – là các giếng dầu hay khí đốt – tại Canada, tại
Bắc Hải của Âu Châu, tại Vịnh Mễ Tây Cơ gần Hoa Kỳ, tại Colombia và qua đến Tây
Phi Châu. Với tài sản ước lượng ở khoảng hơn tám tỷ Mỹ kim, Nexen được Trung
Quốc dạm mua với giá gần gấp đôi. Vì sao Bắc Kinh lại hào phóng như vậy?
CNOOC từng có nhiều dự án liên
doanh với Nexen và thấy rõ hai ưu điểm của tổ hợp này.
Thứ nhất là tài sản đầu tư trải
rộng ra nhiều nơi, nhất là ở ngoài biển, mà lại là Bắc Hải tiếp cận với Anh quốc
và Vịnh Mễ Tây Cơ tiếp cận với Hoa kỳ. Thứ hai, Nexen có kinh nghiệm và kiến
năng tiên tiến về kỹ thuật khai thác dầu khí ở ngoài khơi. Từ hai sự kiện đó,
Bắc Kinh nhìn ra bốn mối lợi.
Nếu CNOOC làm chủ Nexen, Trung
Quốc sẽ thụ đắc trình độ kỹ thuật ngang ngửa với các tổ hợp số một như Shell hay
ExxonMobile. Thứ hai, nhờ kiến năng hiện đại của các doanh nghiệp Bắc Mỹ để gạn
đá ra dầu và khí đốt, Trung Quốc có thể khai thác được tiềm năng này của mình ở
nhà. Thứ ba, từ nay Trung Quốc có thể bung ra thụ đắc các giếng dầu hay khí đốt
trên toàn cầu và làm chủ nhiều giếng dầu khí của thế giời. Và thứ tư, nhờ đó họ
có thể chi phối sản lượng và ảnh hưởng tới giá dầu trên thế giới, thay vì thụ
động chấp nhận cái giá lên xuống của thị trường.
Khi theo dõi chuyện này, ta tự
hỏi vì sao Canada có thể chấp nhận một vụ sát nhập hay thôn tính như vậy? Vì sao
Canada lại có thể bán cho Trung Quốc loại tài sản chiến lược là năng lượng và kỹ
thuật khai thác năng lượng? Chính quyền Canada đang cân nhắc chuyện ấy, nhưng có
một câu trả lời cho thắc mắc lại khá gần với chúng ta ở bên Mỹ:
Canada dự tính bán cho Hoa Kỳ
qua dự án thiết lập mạng lưới dẫn dầu Keystone Pipeline từ tỉnh Alberta qua tám
tiểu bang của Mỹ đến Illinois và Houston ở Texas. Nhưng do áp lực của các nhóm
bảo vệ môi sinh, Chính quyền Barack Obama tạm thời bác bỏ dự án và gây khó chịu
không ít cho chính quyền Canada, tỉnh Alberta cà các doanh nghiệp Gia Nã Đại.
Đâm ra, do một quyết định của
Mỹ thật ra không chính đáng và cực bất lợi về kinh tế và công việc làm, Trung
Quốc có thể đạt ưu thế đáng ngại ở ngoài Đông hải của chúng ta. Vì CNOOC chính
là tập đoàn đang tiến vào thềm lục địa Việt Nam và đòi khai thác chín lô dầu nằm
trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên một diện tích là 160 ngàn cây
số vuông.
Với hậu thuẫn quân sự của Hải
quân Trung Quốc, với mồi nhử hợp tác đầu tư về năng lượng và với dàn khoan tương
đối tối tân mang mã số 981 có khả năng đào dầu ở độ sâu 3.000 thước dưới mặt
biển, tập đoàn này có thế mạnh để mời chào các tổ hợp năng lượng quốc tế ngay
trên thềm lục địa của Việt Nam. Họ tính toán rằng vì doanh nghiệp quốc tế ham
làm ăn kiếm lời mà mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên vùng quần
đảo đang có tranh chấp với các nước Đông Nam Á, trước tiên là Việt Nam và Phi
Luật Tân.
Như vậy, khi muốn khai thác dầu
khí ngoài Đông hải, các doanh nghiệp quốc tế có thể cân nhắc là hợp tác với Việt
Nam, Phi Luật Tân hay Trung Quốc, giải pháp nào thì có lợi và an toàn hơn?
Cùng với vụ CNOOC dạm mua tổ
hợp Nexen của Canada, thời sự kinh tế cũng nhắc đến tổ hợp dầu thô và khí đốt
Videsh của Ấn Độ.
NGC Videsh Ltd. là doanh
nghiệp lớn của Ấn, đứng hạng 357 trên danh mục Fortune Global 500, và đang do dự
với dự án liên doanh cùng Việt Nam để thăm dò hầu có thể khai thác dầu thô trên
hai lô 127 và 128. Cách đây hai tháng, Videsh hay OVL đã tính rút lui hoặc tạm
hoãn vì thấy ít có triển vọng sinh lời. Nôm na là phải đầu tư trăm triệu rồi mới
biết là có dầu hay có lời hay không.
Nhưng khi CNOOC của Trung Quốc
đòi gọi thầu khai thác chín lô dầu ở ngoài khơi Việt Nam thì Ấn Độ bị kẹt. Vì
trong chín lô này, có lô 128 vẫn đang được Videsh thăm dò cùng Việt Nam.
Tức là tại địa điểm của một dự
án liên doanh Ấn-Việt bỗng có CNOOC của Trung Quốc nhảy vào đòi rao bán cho
thiên hạ. Nếu vì yếu tố thuần túy kinh doanh, tổ hợp Videsh thấy không có lời mà
rút lui thì Ấn Độ rơi vào nan đề ngoại giao vì có vẻ lánh mặt hay bỏ chạy trước
sức ép của Trung Quốc.
Vì thế mà nhân thượng đỉnh của
Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á họp tại Phnom Penh của Cam Bốt vào Tháng Bảy vừa
qua, Chính quyền New Dehli tiến xa hơn lời kêu gọi cố hữu của mình, như các nước
phải tôn trọng quyền tự do lưu thông ngoài biển. Ấn Độ còn yêu cầu 26 quốc gia
và Liên hiệp Âu châu trong Diễn đàn Khu vực ARF của Hiệp hội ASEAN phải bảo đảm
quyền khai thác tài nguyên theo đúng nguyên tắc của luật lệ quốc tế.
Khi theo dõi tin tức kinh doanh
hay kinh tế như vậy, những ai quan tâm đến quyền lợi của dân Việt sẽ không thờ ơ
được. Câu chuyện về năng lượng vừa qua đặt ra một bài toán cứ tưởng là kinh
doanh mà thật ra là chiến lược.
Bài toán ấy có hai cách giải
khác nhau.
Trong mối quan hệ với Trung
Quốc, các nước có giải pháp là song phương hợp tác, như qua các dự án liên doanh
về dầu khí với CNOOC, để truy tìm quyền lợi kinh tế. Giải pháp kinh doanh này
mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa - và thỏa mãn mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh.
Các nước đang có tranh chấp với
Trung Quốc như Việt Nam hay Philippines có thể nghĩ đến giải pháp thứ hai. Đó là
mời một quốc gia thứ ba vào liên doanh và thực tế là dựng thế liên minh đối diện
với sức ép của Trung Quốc, thí dụ như với Videsh của Ấn, Gazprom của Nga,
ExxonMobil của Mỹ hay BP của Anh, Total của Pháp chẳng hạn.
Nhưng làm sao thuyết phục được
các quốc gia đệ tam ấy vào làm ăn với mình khi mà trình độ kỹ thuật còn thấp kém
và nhiều khi mức độ tham nhũng lại quá cao như ta đã thấy tại Việt Nam?
Đi từ những chuyện cụ thể và
nóng hổi ấy của thời sự, chúng ta sẽ tiến sâu hơn vào câu hỏi về mục tiêu chiến
lược của Trung Quốc ngoài Đông hải.
3.
Một Cường Quốc
Đại Lục Đang Mò Ra Biển
Trong bốn ngàn năm có sử của xứ
này, Trung Quốc là cường quốc đại lục, với đất sinh hoạt truyền thống tập trung
vào vùng châu thổ của sông Hoàng hà và Dương tử ở hướng Đông. Vây quanh là các
thảo nguyên, sa mạc hay núi non hiểm trở ở hướng Tây và hướng Bắc. Xứ này có ba
khu vực khác biệt là miền Đông gần duyên hải, là các tỉnh lạc hậy bị khóa trong
lục địa và đất phiên trấn khô cằn mà cũng là nơi xuất phát những vụ tấn công và
khuất phục của dị tộc.
Thật ra, Trung Quốc chỉ là một
ốc đảo, một "oasis", bên bờ Thái Bình
dương.
Một ốc đảo không chỉ thiếu nước
- với diện tích nước thấp nhất châu Á - mà còn thiếu đất canh tác với diện tích
canh tác trung bình cho một đầu người ở khu vực trù phú nhất tại miền Đông chỉ
bằng một phần ba của trung bình thế giới.
Hình thể Trung Quốc còn có yếu
tố "tam phân" từ tiền kiếp, mà giải
pháp kinh tế là phát triển đồng đều cả ba khu vực lại trực tiếp liên hệ đến bài
toán an ninh. Sáu chục năm sau khi thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc, đảng
Cộng sản Trung Hoa chưa giải quyết được bài toán kinh tế bên trong và rất sợ
chuyện an ninh ở bên ngoài.
Nhờ lãnh thổ rộng lớn, dân số
rất đông và một hậu phương rất sâu, các vụ uy hiếp của Âu Châu, hoặc chiếm đóng
như của Nhật Bản từ Mãn Châu tràn xuống sau năm 1931, không thể đánh bại được
chính quyền và kiểm soát được Trung Quốc. Ngày nay, các cường quốc đều công nhận
rằng Trung Quốc là một xứ rất khó tấn công bằng trận địa chiến và càng khó kiểm
soát.
Nhưng ngược lại, Trung Quốc
cũng khó đưa quân ra xâm lăng các nước bên ngoài.
Khác với các cường quốc thế
giới, Trung Quốc là đại cường bị khóa và thường xuyên có cảm giác bị đe dọa vì
quả là đã từng bị ngoại bang chinh phục nhiều lần. Mà khi phải thu vào bên trong
để tự phòng thủ, như vào các đời Minh, Thanh và ba chục năm của Mao Trạch Đông,
thì không phát triển được và lụn bại dần vì nội loạn.
Ba chục năm sau khi cải cách từ
1979, Trung Quốc tìm lại vị trí cường quốc nhưng càng mở ra thì lại càng thấy
mâu thuẫn "tam phân" bên trong có thể
phát tác thành nội loạn. Và càng mở ra ngoài để phát triển thì lại càng lệ thuộc
hơn vào luồng giao lưu quốc tế mà lãnh đạo không kiểm soát được: xứ này đã mất
nguyên một thế kỷ 20 để đứng dậy, khi chạy ra thì thấy như bị chặn và có thể bị
khóa tại các eo biển chung quanh.
Tiến trình công nghiệp hoá và
chánh sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình dẫn đến hai hiện tượng chưa từng có trong
lịch sử Trung Quốc. Xứ này cần bên ngoài, qua đầu tư, chuyển giao kỹ thuật và
thị trường ngoại quốc, để ra khỏi tình trạng nghèo khốn truyền thống. Thứ hai,
nơi bung ra không là đường bộ qua ngả Trung Á như thời xưa, mà là Thái bình
dương.
Hai hiện tượng đó gây bất an
cho lãnh đạo.
Bất an thứ nhất là đặc tính "nhất quốc tam kinh": khu vực hướng ngoại
tại miền Đông vội chạy ra ngoài, theo Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu Châu. Vừa học ngoại
quốc để làm giàu cho mình vừa bỏ rơi hai khu vực kia ở đằng sau. Nan đề phát
triển thiếu hài hòa của ba khu vực trở thành bài toán an ninh vì miền Đông càng
thịnh vượng thì càng khác xưa và càng dễ ra khỏi vòng kiềm toả của trung
ương.
Bất an thứ hai là Thái bình
dương nay lại là khu vực phát triển của quốc tế, do Hoa Kỳ bảo vệ với một lực
lượng hải quân mạnh chưa từng thấy trên địa cầu và đã dày kinh nghiệm hơn Trung
Quốc cả trăm năm. Muốn bung ra ngoài thì làm sao bảo vệ được hệ thống chuyển vận
sinh tử cho một nền kinh tế nay đã lệ thuộc vào các thị trường bên ngoài? Cho
nên vấn đề không chỉ là kinh tế cho một xứ đói ăn, khát dầu và cần năng lượng ở
bên ngoài, vấn đề còn là an ninh.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã
từng bị tấn công từ hướng Đông, từ ngoài biển vào, nhưng thật ra liệt cường của
thế giới vẫn không kiểm soát được lục địa Trung Hoa. Ngày nay, lãnh đạo xứ này
lại rất e ngại một đe dọa khác đến từ biển Đông: mối nguy kinh tế và tư
tưởng.
Ảnh hưởng kinh tế của sự xâm
nhập từ Đông hải vào mới có tác dụng dây chuyền làm tan rã cái thế quân bình
thật ra mong manh trong mối quan hệ giữa trung ương và địa phương của Trung
Quốc. Một trong những tác dụng đó là sự thịnh vượng của một lớp người hợp tác
(hay liên doanh, nói theo kiểu mới) với ngoại bang.
Một tác dụng còn nguy hiểm hơn
vậy, là tư tưởng và kỹ thuật tổ chức có thể làm biến đổi trật tự Trung Hoa.
Với tinh thần duy tâm chủ quan,
Mao Trạch Đông giải quyết bài toán Đông hải đó bằng chính sách bế môn tỏa cảng.
Ông khóa kín các tỉnh duyên hải, tiêu diệt mọi phần tử bị Tây phương ảnh hưởng,
từ trí thức duy tân đến thương nhân tư sản, và đưa tinh thần bài ngoại, ghét
người ngoại quốc, thành chủ nghĩa ái quốc. Trung Quốc lụn bại vì sự hoang tưởng
đó.
Đặng Tiểu Bình hiểu ra sự thể
và củng cố lại mục tiêu chiến lược hay mệnh lệnh vô hình của lãnh đạo truyền
thống: kiểm soát trật tự bên trong, bảo vệ vùng trái độn bên ngoài. Rồi mở ra
Đông hải để tìm nguồn lực phát triển xứ sở. Trong mục tiêu thứ ba này, họ Đặng
chấp nhận một rủi ro rất lớn là mở cửa kinh tế thì cũng nhận vào nhiều yếu tố
độc hại.
Ông chủ động mở ra để đón nhận
có chọn lọc những yếu tố ngoại nhập mà không gây bất ổn hay phân hóa bên trong
và nhất là không để khu vực duyên hải trở thành bãi đáp cho các thế lực thù
nghịch từ bên ngoài vào. Quả nhiên là nước cờ táo bạo của Đặng Tiểu Bình đã tạo
ra chuyển biến lớn lao và 30 năm sau, Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh
tế.
Nhưng trên đỉnh quang vinh này
thì những rủi ro mà ông e ngại lúc ban đầu đang phát tác. Và rơi lên đầu các thế
hệ lãnh đạo mới, thứ tư và thứ năm, sau ba thế hệ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình
và Giang Trạch Dân.
Lãnh đạo Trung Quốc đang lúng
túng về các thứ tự ưu tiên mà chúng ta tạm gọi là "trong/ngoài".
Thoát khỏi hơn trăm năm lụn
bại, Trung Quốc ngày nay đã đạt mục tiêu chiến lược về quân sự và chính trị
trong tư thế đệ nhị cường quốc kinh tế có dân số cao nhất và đạo quân đông nhất
địa cầu, dưới sự lãnh đạo của một đảng chính trị độc quyền và có nhiều đảng viên
nhất thế giới. Trên bề mặt, xứ này hiện vẫn kiểm soát được các vùng trái độn
truyền thống và không bị một cường quốc nào trên đại lục Âu-Á uy hiếp như đã
từng bị nhiều lần trong lịch sử.
Trong lịch sử mấy ngàn năm,
chưa khi nào Trung Quốc lại có sức mạnh kinh tế như ngày nay. Nhưng cũng chưa
khi nào mà cần thế giới bên ngoài như vậy. Tâm trạng đó khiến lãnh đạo Bắc Kinh
lúng túng về thứ tự ưu tiên trong hay ngoài và về những mối lo đầy tính chất tự
kỷ ám thị: các thế lực thù địch có thể gây bất ổn ở bên trong qua "diễn biến hòa
bình". Hoặc phong tỏa sức phát triển của Trung Quốc qua những thỏa thuận quốc tế
về quyền tự do chuyển vận ngoài biển. Mà hải quân Trung Quốc thì mới chỉ ở vao
giai đoạn phôi thai mà thôi.
Chính là nỗi e ngại đó mới
khiến họ xây dựng một cái vỏ rất cứng. Trong khi cái ruột vẫn có những nhược
điểm....
4.
Những Mâu Thuẫn
Khó Dung Hoà
Đang chuyển mình từ một cường
quốc đại lục thành cường quốc hải dương, thật ra, Trung Quốc gặp rất nhiều mâu
thuẫn.
Ngay từ năm 1947, Trung Hoa
Quốc dân đảng đã vẽ bản đồ 11 khúc để đòi chủ quyền của Trung Hoa Dân Quốc trên
các quần đảo ngoài khơi biển Hoa Nam. Khi ấy, các nước Đông Nam Á còn dồn trọng
tâm vào việc tranh đấu cho độc lập nên không có phản ứng. Các nước cũng chẳng có
phản ứng khi Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc ra đời từ năm 1949, thay Quốc dân đảng
làm chủ Hoa lục và vẽ thành bản đồ chín khúc để đòi chủ quyền của mình và chính
thức công bố từ năm 1953. Khi ấy, các nước Đông Nam Á cũng chẳng có phản ứng,
nhiều nước còn nương tựa vào đảng Cộng sản Trung Hoa để giành độc lập!
Đảng Cộng sản Việt Nam phải
lãnh trách nhiệm đó với dân tộc.
Ngày nay, toàn khu vực Đông
Nam Á bị kẹt trong vụ tranh chấp về chủ quyền do Trung Quốc gây ra. Nhưng kẹt
nhất không phải là các nước Đông Nam Á mà chính là Trung Quốc.
Mâu thuẫn đầu tiên của cường
quốc này là có bờ biển rất dài, trải dọc từ Hoàng Hải bên bản đảo Triều Tiên
xuống tới Vịnh Bắc Việt, mà trong lịch sử lại không kiểm soát được vùng biển cận
duyên và thường chỉ giữ thế thủ. Nguyên nhân chính là mối nguy cho Trung Quốc
không đến từ biển Đông và mọi ngả giao lưu cần thiết cho kinh tế đều nằm trong
đất liền. Thứ nữa, tình trạng phân hóa và cát cứ khiến lãnh đạo xứ này phải ưu
tiên thống nhất được nội tình trên một lãnh thổ bát ngát.
Ngày nay, Trung Quốc đang ra
khỏi mâu thuẫn truyền thống đó và muốn kiểm soát được vùng biển cận duyên nhờ
sức mạnh hải quân thì lại gặp nhiều mâu thuẫn khác. Nói vắn tắt là có cái thế
làm cho thiên hạ sợ mà chưa có cái lực. Có cái tiếng mà cái miếng vẫn còn
mềm!
Sau khi cải cách từ năm 1979,
Đặng Tiểu Bình ưu tiên giải quyết các vấn nạn kinh tế và chính trị bên trong để
ra khỏi khủng hoảng và xây dựng lực lượng. Với bên ngoài, ông chủ trương "thao
quang dưỡng hối" nhằm che giấu sức mạnh sau chiến lược hòa dịu với các nước Đông
Nam Á: chúng ta hãy tạm gác một bên những tranh chấp về chủ quyền để cùng hợp
tác và khai thác tài nguyên chung ở ngoài khơi. Năm chục năm nữa nói chuyện cũng
chưa muộn. Nôm na thì "cái gì của ta là của ta – cái gì của người thì đôi ta
cùng khai thác".
Trong chiến lược âm nhu đó,
lãnh đạo Bắc Kinh khéo áp dụng thủ thuật "bẻ đũa từng chiếc": uy đàm phán song
phương với từng nước qua mua chuộc hay hăm dọa, để tránh phản ứng tập thể của
các nước Đông Nam Á. Tính toán ở đây là 50 năm sau thì Trung Quốc đã có thực lực
khác nên khỏi cần đàm phán hay thương thuyết gì cả. Quả nhiên là trong hai chục
năm liền, dù có tranh chấp hay xung đột nhỏ ở ngoài khơi, kể cả với Việt Nam vào
năm 1988, chiến lược hòa dịu hình thức vẫn được áp dụng.
Nhưng ngày nay đề nghị "hãy
cùng phát triển khu vực có tranh chấp" không đem lại kết quả dự tính. Lý do là
một mâu thuẫn bất ngờ khác.
Hai chục năm sau khi quyết
định sẽ phải kiểm soát được vùng biển cận duyên làm khu vực trái độn, Hải quân
Trung Quốc đã lớn mạnh. Nhưng nhu cầu kiểm soát các dòng hải lưu để bảo vệ luồng
vận chuyển hàng hóa cho một nền kinh tế lệ thuộc vào thị trường quốc tế lại
khiến các nước e ngại. Quy tắc ứng xử ngoài biển Đông ký kết với Hiệp hội ASEAN
10 Quốc gia Đông Nam Á vào năm 2002 vẫn không trấn an được.
Đã thế, khi Hoa Kỳ vướng bận
vào cuộc chiến chống khủng bố từ 2001, lãnh đạo quân sự Trung Quốc còn nhìn ra
cơ hội bành trướng và dẫn tới phản ứng ngược: các quốc gia Đông Nam Á đều kêu
gọi Hoa Kỳ trở lại giữ thế đối trọng với đà bành trướng của Trung Quốc.
Mà không chỉ các nước Đông
Nam Á đang có tranh chấp về chủ quyền trên vùng biển chín khúc của Trung Quốc.
Cái lưỡi bò chín khúc khiến cho chín quốc gia cùng nhìn thấy một mối nguy. Đó là
Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai Á, Brunei và cả Đài
Loan. Ngần ấy quốc gia đều trông đợi vào phản ứng của Hoa Kỳ, nay đã tái xác
định vai trò cường quốc Á Châu và nhấn mạnh đến nhu cầu bảo vệ quyền tự do lưu
thông ngoài biển.
Chúng ta đi tới các bài toán
hiện tại của Bắc Kinh, trong giai đoạn mà tiến thoái gì cũng bất
tiện.
Từ chiến lược không can dự
vào nội tình xứ khác, lãnh đạo Bắc Kinh đang ráo riết mua chuộc, uy hiếp hay
lũng đoạn từng nước. Rốt cuộc thì chứng tỏ bản chất đế quốc của một nước vẫn đề
cao tinh thần "quật khởi hòa bình" để
ra khỏi tình trạng lạc hậu.
Lập luận truyền thống của mấy
chục năm qua, rằng Trung Quốc là một nước kém phát triển, nạn nhân của liệt
cường và nay đang cố gắng công nghiệp hoá trong tinh thần hiếu hòa, lập luận đó
đã hết công hiệu. Và trên các diễn đàn quốc tế lẫn trong dư luận các nước kém
phát triển Á, Phi hay Trung Nam Mỹ, Trung Quốc có bộ mặt thực dân đế quốc. Đấy
là một vấn đề về lý luận với hậu quả phản tuyên truyền, bài toán thứ
nhất.
Chuyện thứ hai, chiến lược
đối thoại song phương để bẻ đũa từng chiếc cũng thất bại và khi Bắc Kinh chuyển
qua giải pháp đối thoại quốc tế thì gặp kết quả trái ngược.
Người ta cứ nói đến phản ứng
của Cam Bốt trong hội nghị Tháng Bảy vừa qua của khối ASEAN khi tránh nêu vấn đề
tranh chấp ngoài Đông hải và coi đó là một thắng lợi của Bắc Kinh. Nghĩa là cái
đũa Cam Bốt đã gẫy. Thật ra, nhận thức của các nước về lập trường ngoại giao của
Bắc Kinh đã xoay chuyển. Thế giới thấy Trung Quốc dùng thủ thuật song phương để
lũng đoạn từng nước, đến khi bước vào giải pháp đối thoại đa phương trên các
diễn đàn quốc tế, cường quốc này chỉ có chủ đích phá hoại.
Càng dùng quyền phủ quyết
trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để bênh vực Iran hay Syria, hoặc có lập
trường ngoại giao nhằm bao che cho Bắc Hàn, Sudan hay Venezuela, Bắc Kinh càng
cho thấy Trung Quốc không là một cường quốc hữu trách và biết điều. Tại Đông
hải, tính toán hòa dịu của Cam Bốt đã gây phản ứng trong các nước còn lại của
ASEAN. Đấy là bài toán thứ hai.
Sau hai chục năm chỉ nhìn
thấy quyền lợi của mình trong mối quan hệ với các nước và bị bất ngờ khi các chế
độ thân hữu bỗng dưng sụp đổ, Bắc Kinh đang muốn xoay qua một đường lối chủ động
và tích cực hơn.
Lãnh đạo Bắc Kinh đã bị bất
ngờ tại Sudan, khi thân chủ bị xé làm hai, với sự xuất hiện của Cộng hoà Nam
Sudan trên một vùng đất nhiều tài nguyên và được Tây phương bảo vệ. Bắc Kinh
cũng bị bất ngờ khi chế độ độc tài Muamar Ghaddafi bị sụp đổ tại Libya. Những
trường hợp trở
tay không kịp như vậy xảy ra
nhiều hơn là chúng ta nghĩ. Ngày nay, Bắc Kinh đang muốn chuyển qua chiến lược
khác, là chủ động xử lý các hồ sơ liên quan đến quyền lợi của mình thay vì mơ hồ
đề ra những nguyên tắc chung chung.
Kết quả là không chỉ nói về
"cửu đoạn tuyến" ngoài Đông hải, Bắc
Kinh chủ động trưng bày sức mạnh. Cùng với việc nâng cấp hành chánh cho Tam Sa,
Trung Quốc đưa tầu ngư chính và hải đội của mình vào vùng tranh chấp với Phi
Luật Tân và Việt Nam, xẵng giọng với Nhật Bản vì hồ sơ Điếu Ngư Đài (Senkaku của
Nhật). Hậu quả của sự chuyển hướng chủ động ấy là gây hấn với mọi quốc gia và
càng khiến Hoa Kỳ có lý do chính đáng để xác định vị trí và sức mạnh trên vùng
biển Thái Bình dương, từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á. Đấy là bài toán thứ
ba.
Trên toàn cảnh, lãnh đạo Bắc
Kinh còn thấy mình thất thế do chiến lược "vô tư trung lập".
Đặng Tiểu Bình từ bỏ chủ
trương cách mạng toàn cầu và thường trực của Mao Trạch Đông và chấm dứt yểm trợ
các phong trào cộng sản trên thế giới, nhất là tại Á Châu. Ông còn tích cực hơn
vậy khi đưa ra lập trường trung lập: Trung Quốc không can dự vào tranh chấp của
các nước, không liên minh với một phe để tấn công một phe thứ ba, và giữ thái độ
vô tư với mọi phe.
Trong khi ấy, Hoa Kỳ tích cực
phát triển quan hệ với một chuỗi quốc gia bán đảo, hải đảo hay quần đảo chung
quanh lãnh thổ Trung Quốc, từ Nam Hàn, Nhật Bản đến nhiều nước Đông Nam Á qua
tới Ấn Độ dương và Úc Đại Lợi. Kết cuộc thì Bắc Kinh thiếu bạn mà Mỹ lại có
nhiều đồng minh! Lãnh đạo Bắc Kinh phải tính lại.
Trung Quốc bắt đầu xuất hiện
như một đối tác đáng tin của quốc tế khi cần ngăn ngừa hải tặc hay khủng bố và
tìm cách hợp tác với các nước, từ nhóm ASEAN+3 (với Nam Hàn và Nhật Bản), đến
Pakistan và cả Ấn Độ. Nhưng làm sao xây dựng được sự khả tín với các nước khi
Bắc Kinh cũng chủ động can thiệp và xác định sức mạnh của mình trong khu vực có
tranh chấp? Đấy là bài toán thứ tư.
Lãnh đạo Bắc Kinh muốn áp
dụng giải pháp ôn nhu để mời các nước – và doanh nghiệp quốc tế -
cùng hợp tác và phát triển.
Trong hợp tác, họ muốn các nước ít nhiều công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên
các vùng tranh chấp. Kết quả xảy ra trái ngược với dự tính: các quốc gia đều
nghi ngờ và phản đối. Nhiều nước đối tác đã xoay ngược lập trường, như Phi Luật
Tân dưới sự lãnh đạo của một Tổng thống khác, chứ không dễ mua dễ bảo như Gloria
Macapagal-Arroyo.
Khi xẵng giọng và dùng sức
mạnh quân sự bù đắp cho thế yếu về ngoại giao, nghĩa là tự lột trần bản chất
bành trướng, Trung Quốc chỉ lung lạc nổi các nước nhỏ và yếu, ở ngoài vòng tranh
chấp – như Lào hay Cam Bốt – nhưng gây phản ứng mạnh từ các nước
khác.
Khi cần xoa dịu dư luận quốc
tế và trở lại luận điệu ôn hoà thì lãnh đạo Bắc Kinh gặp phản ứng từ bên trong:
ngư phủ Trung Quốc liều lĩnh lấy những rủi ro có thể dẫn tới xung đột và các
tướng lãnh lại nhân cơ hội nhấn tới.
Trong khi chuẩn bị Đại hội 18
để đưa một thế hệ mới lên lãnh đạo Trung Quốc, đảng Cộng sản Trung Hoa cần xoa
dịu sự bất mãn lan rộng của quần chúng bằng lý luận dân tộc cực đoan và bằng tư
thế cường quốc trước diễn đàn quốc tế. Đồng thời, ngần ấy phe đang vận động ngầm
ở bên trong để củng cố thế lực sau Đại hội 18 đều cần tới hậu thuẫn của quân
đội. Và để các tướng lãnh lên giọng đề cao giải pháp bá quyền nước lớn!
Chính là những bất trắc nội
bộ trong giai đoạn giao thời này, khi Bắc Kinh phải chuyển hướng đối ngoại, mới
khiến Trung Quốc lâm thế kẹt. Đấy là bài toán thứ năm.
Bung ra thì bị thiên hạ tri
hô và chặn cửa, thu vào thì gặp sự chống đối ở bên trong!
Kết luận
Trong phần thảo luận, chúng ta
có thể góp ý về sự thể éo le này, về mối nguy của Trung Quốc và mối nguy cho
Trung Quốc. Người viết chỉ xin tóm lược vào một chuyện là nghịch lý về thế và
lực.
Mối nguy của Trung Quốc là cái
thế bành trướng để kiểm soát lãnh thổ và lãnh hải xứ khác làm vùng trái độn quân
sự cho mình. Mối nguy cho Trung Quốc là trên cái thế rất mạnh và đáng ngại đó,
xứ này lại có cái lực rất yếu. Sự yếu kém đó xuất phát từ những mâu thuẫn bên
trong về địa dư, kinh tế lẫn tổ chức và lý luận.
Trước hoàn cảnh đó, Việt Nam
tính sao?
Câu hỏi này không nằm trong nội
dung của đề tài và câu trả lời phải xuất phát từ mọi người Việt. Riêng người
viết thì chỉ có vài ý kiến nhỏ nhoi để kết luận:
Những mục tiêu của Trung Quốc
càng chứng minh là đảng Cộng sản Việt Nam không thể tồn tại. Người ta cứ tưởng
mâu thuẫn quốc cộng đã kết thúc, nhưng ít ai ngờ rằng Trung Quốc đã kết thúc sự
hoang tưởng của người Việt về chủ nghĩa cộng sản hay tương lai đảng Cộng sản sau
80 năm hiện hữu của đảng này.
Còn lại, người Việt Nam phải
tìm ra giải pháp kết thúc vấn đề Trung Quốc của Việt Nam để cùng quốc tế giải
quyết vấn đề Trung Quốc của thế giới.
Nguyễn-Xuân Nghĩa