Saturday, November 30, 2013

China

Tư Bản Trung Quốc Tháo Chạy

Nhà giàu Trung Quốc đổ tiền ra nước ngoài 
Còn nhà giàu Việt Nam thì sao ?
 
Người giàu Trung Quốc hiện được ước tính có khoảng 658 tỷ USD tài sản ở nước ngoài. Các lĩnh vực ưa thích của họ là bất động sản, các bộ sưu tập, tác phẩm nghệ thuật hay kim cương.

Theo WealthInsight, người giàu Trung Quốc hiện có khoảng 658 tỷ USD tài sản ở nước ngoài. Còn hãng tư vấn Boston Consulting cho rằng con số này chỉ là 450 tỷ USD, nhưng sẽ tăng gấp đôi trong ba năm tới.

Nghiên cứu khác của Bain Consulting thì tiết lộ một nửa giới siêu giàu nước này (những người có tài sản từ 16 triệu USD trở lên) đang có của cải ở bên ngoài. CNBCnhận xét đây là một trong những cuộc dịch chuyển tài sản lớn và nhanh nhất hiện nay.

Không chỉ đổ tiền ra nước khác, ngày càng nhiều nhà giàu Trung Quốc cũng di cư sang theo. Nghiên cứu mới nhất của tạp chí Hurun và Bank of China cho thấy hơn một nửa triệu phú Trung Quốc đang cân nhắc hoặc chuẩn bị di cư ra nước ngoài.

Nhiều chuyên gia cho biết người giàu muốn bảo vệ tài sản, sức khỏe cho họ và gia đình. Họ cũng muốn có môi trường tốt hơn cho con cái, như trường học hàng đầu và không khí trong lành. Peter Joseph – thành viên Hiệp hội Đầu tư tại Mỹ cho biết: “Dù là vì lý do chính trị, học tập hay môi trường, khi kết hợp các yếu tố này với nhau, anh sẽ nhận ra với khối tài sản hiện tại, người giàu Trung Quốc muốn tìm kiếm cơ hội mới cũng là điều dễ hiểu”.

Một số người cho rằng đây là hệ quả tất yếu của việc giàu lên. Oliver Williams – nhà phân tích tại WealthInsight cho biết người giàu Trung Quốc để khoảng 13% tài sản tại nước ngoài. Tỷ lệ này vẫn thấp hơn trung bình toàn cầu 20% – 30%.

Tuy nhiên, phần lớn người Trung Quốc đưa tài sản ra bên ngoài theo cách bất hợp pháp hoặc nằm trong hệ thống kinh tế ngầm. Trung Quốc kiểm soát dòng vốn rất chặt. Công dân nước này thường không được phép mang quá 50.000 USD ra khỏi quốc gia. Vì thế, họ đã mang đi chính xác bao nhiêu tiền là số liệu rất khó nắm được.
 
Thời gian gần đây, người Trung Quốc đua nhau đầu tư ra nước ngoài. Trong 12 tháng, tính đến hết tháng 3, nhà giàu nước này đã mua tổng cộng hơn 8 tỷ USD bất động sản Mỹ, theo Hiệp hội bất động sản nước này. Zhang Xin – một trong những phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, đồng thời là CEO hãng bất động sản SOHO China cũng mua một căn nhà ở Manhattan (Mỹ) với giá 26 triệu USD.
 
Nhà giàu nước này còn đổ tiền vào các bộ sưu tầm và tác phẩm nghệ thuật. Wang Jianlin, người giàu nhất Trung Quốc, đồng thời là nhà sáng lập hãng bất động sản Dalian Wanda tháng trước đã mua một bức tranh của Picasso trong phiên đấu giá của Christie's với 28 triệu USD. Theo các nhà đấu giá và phòng triển lãm, khách Trung Quốc luôn rất mạnh tay trong các sự kiện như thế này.
 
Kim cương và rượu vang cũng không phải ngoại lệ. Các nhà buôn cho biết hơn nửa số kim cương được Christie's đấu giá ngày hôm qua thuộc về người mua Trung Quốc. Hôm 23/11, thùng rượu vang đắt nhất thế giới với các chai Romanée-Conti năm 1978 cũng được bán tại Hong Kong (Trung Quốc) với giá 476.000 USD cho một người Trung Quốc.
 
HÀ THU
@bvb.blog

Friday, November 29, 2013

dainamaxtribune.blog

Vô Tình Chiết Liễu

Khi Bà Mỹ Bóp Cò Thì Ngân Hàng Trung Quốc Sụp Đổ 
 
Hôm Thứ Năm 14, bà Janet Yellen ra điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Hoa Kỳ. Đấy là thủ tục thông thường để Quốc hội biểu quyết và phê chuẩn đề nghị của Tổng thống là bổ nhiệm bà Yellen vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang, nôm na là làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, kể từ đầu năm tới. ( Thống đốc Ben Bernanke và người sẽ kế nhiệm, bà Janet Hellen )

Đang ngồi ghế Phó Thống đốc bên Chủ tịch Ben Bernanke sắp mãn nhiệm, Janet Yellen là kinh tế gia nổi tiếng, có ông chồng George Akerlof cũng là giáo sư kinh tế, đã đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001. Bà sẽ là phụ nữ đầu tiên lên lãnh đạo hệ thống ngân hàng trung ương của nước Mỹ.  Chuyện ấy đã hấp dẫn.

Hấp dẫn hơn vậy, giới nghiên cứu về đầu tư theo dõi rất sát cuộc điều trần, để từ chủ trương đường lối của bà Yellen mà dự đoán quyết định sắp tới của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Nhưng tại Bắc Kinh hay Thượng Hải, lãnh đạo kinh tế và ngân hàng của Trung Quốc cũng chú ý tới chuyện này. Vì Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ có thể vô tình làm sụp đổ hệ thống ngân hàng của Bắc Kinh và gây ra một vụ suy thoái kinh tế, tức là một vụ khủng hoảng chính trị.

Đó là chuyện vô tình chiết liễu... liễu tan hoang.

Chúng ta phải đi từ đầu câu chuyện kinh tế mang ý nghĩa như một.... câu phú tử vi: "cố ý trồng hoa, hoa chẳng mọc!..."
***
 
Từ vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 rồi nạn suy trầm kinh tế 2008-2009 và sự hồi phục quá yếu ớt sau đó, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã cắt lãi suất tới sàn. Thực tế là áp dụng "Chính sách ZIRP" - là lãi suất bằng số không. Tiếp theo là ba đợt bơm tiền qua một thuật lạ gọi là "quantitative easing" (nâng mức lưu hoạt tiền tệ có định lượng) vào Tháng 11 năm 2008, rồi Tháng 11 năm 2010 và Tháng Chín năm 2012. Quyết định lần thứ ba (QE3) có kích thước rất lớn là mỗi tháng bơm ra 85 tỷ đô la.

Nói cho dễ hiểu là làm cho kinh tế có tiền nhiều và rẻ hơn, với hy vọng giảm bớt và thu hồi lại nếu kinh tế phục hoạt, thất nghiệp giảm và lạm phát tăng...

Tháng Năm vừa qua, Chủ tịch Ben Bernanke thông báo là nhờ tình hình kinh tế khả quan hơn, Ngân hành Trung ương có thể "vuốt lại chính sách tiền tệ" – "tapering" - kể từ Tháng Chín. Nôm na là giảm bớt lượng tiền bơm ra hàng tháng và còn hút về lượng tiền đang lưu hành. Kết quả là tiền sẽ hiếm hơn nên lãi suất có thể tăng.

Chúng ta đụng vào một nghịch lý là tin mừng về kinh tế (chỉ dấu phục hoạt), lại dẫn tới tin buồn về tài chánh (làm tăng lãi suất ngân hàng và phân lời trái phiếu), khiến trị trường chứng khoán sụt giá mạnh. Và cả thế giới bị chấn động, vì sau nhiều năm tiền nhiều và rẻ khiến Mỹ kim sụt giá thì người ta đi vào một chu kỳ mới, là hối suất Mỹ kim sẽ tăng cùng lãi suất tại Hoa Kỳ. May là tình hình kinh tế Hoa Kỳ chưa khả quan, biện pháp thu hồi tiền tệ chưa được áp dụng.

Đấy là lúc giới đầu tư chú ý đến người sẽ lên thay ông Bernanke làm Thống đốc vào năm tới....
Mà chuyện ấy liên quan gì tới Trung Quốc?

Thưa rằng vì trái đất hình tròn và đồng tiền biết lăn.
***
 
Đồng tiền mà nằm bên Mỹ thì ăn lời rất ít vì lãi suất quá thấp. Người khôn ngoan bèn vay tiền rất rẻ bên Mỹ để kiếm lời ở nơi cao giá nhờ có lãi suất cao hơn. Khôn nhất là các đấng con trời tại Bắc Kinh hay Thượng Hải, Hong Kong, Singapore, v.v....

Họ vay đô la rẻ tại Mỹ, chuyển sang đồng Nguyên, có cái tên rất bịp là "Nhân dân tệ", Renminbi, dưới nhiều hình thức như đầu tư trực tiếp hay xuất cảng, để cho vay với lãi suất cao hơn. Phần sai biệt giữa hai lãi suất Hoa-Mỹ là mức lời bỏ túi. Thuật ngữ kinh tế gọi phép kinh doanh đó là "carry trade", nếu dịch là "giao dịch lợi sai" hay "dung tư xáo lợi" thì cũng chẳng rõ nghĩa hơn!

Mà không chỉ có vậy.

Năm 2008, khi Hoa Kỳ cắt lãi suất thì cũng là lúc Trung Quốc ào ạt bơm tiền để kích thích kinh tế vì tình trạng co cụm của thị trường xuất cảng cả Âu lẫn Mỹ. Lãnh đạo xứ này bơm qua hai ngả là tín dụng và công chi. Vì đặc tính xã hội chủ nghĩa của xứ này là khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tín dụng từ hệ thống ngân hàng của nhà nước ưu tiên rót vào doanh nghiệp cũng của nhà nước, hay các công ty đầu tư địa phương do các cấp chính quyền địa phương lập ra.

Khối tín dụng tăng vọt từ những năm 2009 tạo ra phép ảo là kinh tế tăng trưởng mạnh khi toàn cầu đang bị suy trầm. Cái phép ảo còn kinh hại hơn vậy là nạn bong bóng đầu cơ trên thị trường gia cư địa ốc. Đất đai vốn thuộc quyền sở hữu của toàn dân, nhưng do nhà nước thống nhất quản lý. Và nhà nước phân quyền cho các địa phương tha hồ giành giật chia chác, vì đem lại 40% thu nhập ngân sách địa phương. Do đó, các ngân hàng của nhà nước, doanh nghiệp của nhà nước, cùng các đảng bộ ở địa phương thi nhau thổi bóng và tay chân cùng thân nhân của đảng viên cán bộ đều trở thành đại gia trong nền kinh tế ảo diệu này.

Đó là chuyện "cố ý trồng hoa, hoa chẳng mọc"....

Khi núi nợ đã lên quá cao, lãnh đạo Bắc Kinh muốn kiểm soát hệ thống ngân hàng thì lại gặp một quy luật kinh tế khác, là "bít lỗ hà ra lỗ hổng".

Đó là sự xuất hiện của các hình thức tín dụng ảo, là nghiệp vụ "shadow banking", những hình thức đầu tư và cho vay mờ ám, thiếu sổ sách phân minh mà thừa rủi ro. Núi nợ tín dụng của Trung Quốc nay đã cao gấp đôi Tổng sản lượng nội địa và phân nửa là loại "ảo ảnh" sẽ bốc thành khói. Bên trong là những khoản tiền cho vay bằng kỹ thuật "carry trade", vay tiền Mỹ với giá rẻ để tài trợ bằng loại tiền âm phủ là đồng Nguyên. Gọi là tiền âm phủ vì có giá trị của vàng mã.

Đấy là lúc ta trở về với vụ chiết liễu, chứ không phải tiếp liễu, của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ.
***

Trong quá khứ, nhiều nước Đông Á cũng đã khôn ngoan như vậy là vay tiền rẻ của Mỹ theo loại tín dụng ngắn hạn để tài trợ các nghiệp vụ làm ăn, nhiều khi là dài hạn.

Khi Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ nâng lãi suất là nhà nhà đều lật đật rút tiền về Mỹ. Các giới đầu tư quốc tế bèn chạy theo. Nạn "tư bản tháo chạy" như thủy triều rút đã gây ra vụ khủng hoảng tài chánh Đông Á vào năm 1997, dẫn tới suy thoái kinh tế 1998, và khủng hoảng ở nhiều nơi khác, kể cả Liên bang Nga.

Nhưng chính là vụ khủng hoảng khiến các nước Đông Á phải cải cách. Bị trước tiên mà sợ liều thuốc đắng, Thái Lan trì hoãn cải cách đến hơn chục năm mới thấy khá. Nam Hàn thì nuốt liều thuốc đắng và tháo gỡ vai trò của các tập đoàn "chaebol" – nguyên nghĩa là "tài phiệt" – nên sau khi chìm rất sâu thì đã bật lên rất mạnh.

Khi biến cố này bùng nổ vào đầu Tháng Bảy năm 1997, Bắc Kinh còn đang hồ hởi với vụ Hương Cảng hồi quy cố quốc trước đó một ngày. Mà thời đó, kinh tế Trung Quốc chưa hội nhập vào thế giới hình tròn của "toàn cầu hóa", của nền kinh tế "nhất thể hóa". Ngày nay thì đã khác xưa.

Luồng tư bản nóng đã như thủy triều chảy vào Trung Quốc và nhờ định hướng của nhà nước với màu sắc Trung Hoa, đã dẫn đến nạn đầu cơ và cho vay ảo. Khi Ngân hàng Hoa Kỳ điều chỉnh chính sách tiền tệ và nâng lãi suất, ta sẽ thấy thủy triều rút. Để lại đằng sau là những trái bóng bể, là các ngân hàng vỡ nợ dây chuyền, và sau cùng là nạn suy thoái kinh tế. Vì vậy, chúng ta sẽ chứng kiến một sự lạ.

Đó là Hoa Kỳ bóp cò bên này, bên kia đại dương là hàng loạt bóng bể và ngân hàng phơi thây.

Hoa Kỳ không là thủ phạm, nhưng dân Trung Quốc vẫn là nạn nhân, chỉ vì lãnh đạo kiêu căng và tay chân thì tham lam tưởng bở. Phải chăng, "tham sân si" cũng là một quy luật kinh tế?
 
Nguyễn-Xuân Nghĩa

Thursday, November 28, 2013

Kinh tế VN

Về triết lý kinh tế « Mèo Trắng Mèo Đen » của Đặng Tiểu Bình
(Trung Hoa cộng sản) và thuyết “Kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa » của Việt Nam cộng sản.

Theo tài liệu lịch sử cận đại của Trung hoa cộng sản, có một câu nói của ông Đặng Tiểu Bình liên quan đến Cộng sản Việt nam, tiếng Pháp như sau : Si les petits enfants sont désobéissants, il faut leur donner une bonne fessée, tạm dịch Nếu con cháu không vâng lời thì phải cho chúng một trận đòn vào đít. Ông Đặng Tiểu Bình đã nói như vậy với Tổng thống Hoa kỳ Jimmy Carter trong cuộc viếng thăm vào năm 1979, với ẩn ý là báo trước việc Trung cộng sắp xua quân tràn qua biên giới đánh Việt nam để cho một bài học. Thời đó, Cộng sản Việt nam đang dựa vào đàn anh Liên xô, đã tấn công Kampuchia để lật đổ « Khờ me đỏ » mà « Khờ me đỏ » thì đang được Trung cộng che chở. Đặng Tiểu Bình còn nói lên nhiều câu triết lý « để đời », chẳng hạn như : Phải làm việc nhiều và nói ít (On devrait travailler plus et moins bavarder) - Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất của chân lý (La pratique est le seul critère de la vérité) - Để cho một số người làm giàu trước tiên, sau đó những người khác sẽ làm theo, rồi sự giàu có sẽ thành sự giàu có cho tất cà mọi người. (Laisser certains s’enrichir d’abord, les autres suivront et la richesse sera générale)…

 Nhưng câu nói có tính cách lịch sử đã tạo nên bước tiến nhảy vọt cho nền kinh tế của nước Trung hoa trong hơn ba thập niên qua là : Mèo đen, mèo trắng, con mèo tốt là con mèo bắt được chuột ( Chat noir, chat blanc, le bon chat est celui qui attrape les souris ). Đặng Tiểu Bình (ĐTB) nói ra câu nầy từ năm 1962 trong bối cảnh  của một nước Trung hoa đang gặp khó khăn và nền kinh tế có nguy cơ sẽ bị khủng hoảng trầm trọng. Một số chiến dịch do Mao Trạch Đông phát động đã gây thiệt hại to lớn và làm cản trở sự phát triển của nước Trung hoa như :

Cải cách ruộng đất năm 1953. đấu tố địa chủ, làm nhiều người làm ăn tử tế bị thiệt mạng.

Đại nhảy vọt (1958-1961) (1)  gây nên thảm hoạ kinh tế với 20 triệu người bị chết đói.

Cách mạng văn hoá (1966-1971) (2)  giết hại tầng lớp trí thức và huỷ hoại nền khoa học trong nườc.

 ĐTB là tướng quân đội và từng là phó Thủ tướng dưới thời Mao nhưng trong thời kỳ Cách mạng văn hoá bị Mao buộc tội là hữu khuynh và bắt đi lao động cải tạo cho đến năm 1976. Khi Mao chết, Hoa quốc Phong lên thay đã khôi phục lại ĐTB, và sau đó ĐTB đã trở thành nhà lãnh đạo cao nhất.

. Vì muốn thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, trong ngành nông nghiệp, một số địa phương đã áp dụng hình thức khoán sản lượng đến từng hộ gia đình. Mặc dầu hình thức nầy giúp phần nào khôi phục sản xuất nhưng trong cơ chế quản lý tập thể xã hội chủ nghiã, hình thức nầy bị coi là bất hợp pháp. ĐTB đã dùng cách so sánh « mèo trắng, mèo đen » để diển tả ý nghĩa là, trong quan hệ sản xuất, không thể hoàn toàn áp dụng một hình thức cố định, bất biến. Hình thức nào, tại địa phương nào, có thể khôi phục sản xuất và phát triển thì áp dụng hình thức đó.

 Trong thời gian ĐTB lãnh đạo Cộng hoà nhân dân Trung hoa (CĐNDTH), sau đây là một số biểu hiện cụ thể của triết lý kinh tế «  Mèo trắng mèo đen » :

Từ năm 1978, CHNDTH bắt đầu đợt cải cách triệt để về kinh tế. Kinh tế thị trường, là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản, không bị coi là xấu nữa.. Cho phép kinh tế tư nhân, miễn sao phát triển được kinh tế. Các hợp tác xã nông nghiệp, là mô hình của nông nghiệp XHCN, được xoá đi, phân lại đất cho nông dân tư hữu, nhằm tăng sản lượng nông nghiệp.

 Về mặt đối ngoại, CHNDTH giao dịch với bất cứ chế độ chính trị nào, bất cứ thế lực cầm quyền nào, miễn sao có lợi về kinh tế. Không còn phân biệt « địch, ta » về ý thức hệ nữa. Chẵng hạn như khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan thì TH chơi với Taliban, nhưng khi Taliban bị lật đỗ thì TH lại chơi ngay với Chính phủ mới lên thay, nhằm chiếm giữ quyền khai thác khoáng sản.

Theo triết lý « mèo trắng, mèo đen » thì tên gọi tư bản hay cộng sản không quan trọng, miễn sao có lợi về kinh tế.

 Một trong những biện pháp quan trọng để thực hiện đường lối kinh tế cởi mở của ĐTB là mô hình các đặc khu kinh tế (ĐKKT)  được thành lập từ năm 1980.

Đầu tiên, có 4 ĐKKT ở gần biên giới Hongkong, đặc biệt là Thâm quyến. Các doanh nhân từ Hong kong sang, thành lập các xí nghiệp ngành may mặc, sản xuất đồ chơi, giày dép.. Chẵng bao lâu sau đó, Thâm quyến có sân golf, nhà chọc trời, những con đường mới…Đến cuối năm 1980, có thêm ĐKKT thứ năm là Hải Nam. Theo tài liệu của Ngân Hàng Thế Giới, đến năm 1993, đã có tới 3000 ĐKKT (thường được xây dựng dọc theo duyên hải, dài hơn 14 000 km).

Các ĐKKT  được thành lập phỏng theo mô hình của Hongkong, dành rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư về thuế khoá, cơ sở vật chất…với mục đích thu hút đầu tư từ nước ngoài, kích thích thương mại quốc nội, tiếp thêm sức lực cho sự tăng trưởng kinh tế. Thể chế ưu tiên của các ĐKKT, khác hẵn với thể chế áp dụng trong nước  tới mức «  một quốc gia trong một quốc gia », có sức hấp dẫn để thu hút đầu tư về vốn, về kỹ thuật, phương pháp quản lý…

 Kết quả 30 năm áp dụng chủ nghĩa thực dụng của ĐTB, từ năm 1978, tổng sản lượng mỗi năm tăng khoảng 9, 10 % . CHNDTH trở thành nước xuất cảng nhiều nhất thế giới. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR : Center for Economic & Business Research), Anh quốc, đưa ra ngày 16/12/2012, dự báo danh sách 10 nền kinh tế mạnh nhất thế giới năm 2012 và trong 10 năm tới, CHNDTH đứng hàng thứ hai, chỉ sau Hoa kỳ :

Hoa kỳ : GDP năm 2012 là 15.643 tỷ USD

             GDP năm 2022 là (dư báo) là 23.496 tỷ USD

CHNDTH : GDP năm 2012 là 8249 tỷ USD

               GDP năm 2022 (dự báo)  là 19516 tỷ USD

 (1)   Đại Nhảy Vọt là kế hoạch xã hội và kinh tế của CHND Trung hoa thực hiện từ 1958 đến 1960 nhằm mục tiêu sử dụng nhân số khổng lồ để chuyển tiếp nhanh chóng Trung hoa  từ môt nền kinh tế nông nghiệp dựa vào nông dân là chính sang một xã hội công nghiệp cộng sản hiện đại. ĐNV là môt đại thảm họạ kinh tế , số người chết lên đến trên 20 triệu.

(2)   Đại Cách mạng văn hoá giai cấp vô sản là một giai đoạn hỗn loạn xã hội diễn ra trong 10 năm (1966 – 1976), gây tác động lớn lên mọi mặt của cuộc sống, làm thay đổi quan niệm xã hội, chính trị và đạo đức. Mục tiêu chính thức của cuộc cách mạng nầy là loại bỏ những phần tử « tư sản tự do ». Nhưng mục đích chính của Mao là lấy lại quyền lực  sau sự thất bại của Đại Nhảy Vọt  và loại bỏ những người bất đồng ý kiến như Lưu thiếu Kỳ, Đặng tiểu Bình, Bành đức Hoài…

 ****

 Sai lầm lớn nhất của người cộng sản Việt Nam là đã cho áp dụng ngay mô hình kinh tế của miền Bắc cho cả nước ngay sau khi thôn tính được miền Nam năm 1975, khẳng định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội cho cả nước.. Các biện pháp thi hành tại miền Nam sau ngày 30 tháng tư đã xoá bỏ những yếu tố tích cực của nền kinh tế tư nhân và của thị trường tự do tại  miền Nam :  cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các ngành sản xuất  canh nông,  kỹ nghệ và thương mại, xoá bỏ tư sản « mại bản », đưa người ở thành phố Sài gòn về các « vùng kinh tế mới », thống nhất tiền tệ (đổi tiền).

 Về ngành nông nghiệp, theo kế hoạch hợp tác hoá, ruộng đất được tập hợp lại để tổ chức canh tác tập thể, sản phẩm được phân chia căn cứ theo mức đóng góp. Máy móc của người nông dân bị trưng mua để thành lập các tập đoàn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các tập đoàn sản xuất có nghĩa vụ bán sản phẩm của Nhà nước theo giá kế hoạch, thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Bù lại, Nhà nước cung cấp vật tư và hàng hoá tiêu dùng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế miền Nam không thích hợp với mô hình hợp tác hoá vì chương trình « Người cày có ruộng » của Việt nam Cộng Hoà vào đầu thập niên 1970 đã phân phối ruộng đất khiến đa số nông dân miền Nam thuộc hạng trung nông với năng suất khá cao. Do đó, nông dân không hưởng ứng, các tổ chức  (1286 hợp tác xã và hơn 15.000 tổ sản xuất) tan rã vào cuối năm 1979. Hậu quả là sản xuất nông nghiệp sút giảm trong khi dân số tăng, gây ra cảnh thiếu thực phẩm, dân chúng miền Nam lần đầu tiên phải « ăn độn » bo bo, khoai,sắn.. đồng thời Việt Nam phải nhập cảng 5,6 triệu tấn thực phẩm từ năm 1976 đến năm 1980. Nạn đói kém  đã xảy ra tại nhiều nơi.

 Về các ngành công thương nghiệp,
Vào năm 1975, thành phố Sài gòn của VNCH đã có một cơ sỏ vật chất, kinh tế, kỹ thuật lớn nhất miền Nam, là nơi tập trung hơn 80% năng lực sản xuất,  với 38.000 cơ sở kỹ nghệ, tiểu công nghê lớn nhỏ, 766 công ty.  Sau hai đợt cải tạo công thương nghiệp, nhà cầm quyền cộng sản đã quốc hữu hoá tài sản của 171 tư sản mại bản. 59 tư sản thương mại cở lớn, cho thành lập 400 xí nghiệp quốc doanh, 14.000 cơ sở tiểu công nghệ.

 Chiến dịch đánh vào tư sản mại bản bắt đầu từ tháng 9 năm 1975. Nhiều nhà tư bản lớn của miền Nam đã bị bắt, tài sản của họ bị tịch thâu.

Nhà cầm quyền Việt Nam còn gián tiếp cho phép (có thâu tiền) người Việt gốc Hoa  tổ chức vượt biển hàng loạt, trốn sang nước ngoài, gọi là « vượt biên bán chính thức ».

Một số đông gia đình người Việt Nam đã lo lót với Việt cộng để có giấy tờ giả là người Hoa và nộp tiền để vượt biên trong dịp nầy

 Song song với việc cải tạo công thương nghiệp, còn có chiến dịch di dân thành phố về nông thôn, đưa những người buôn bán về các vùng kinh tế mới . Thừa dịp nầy, Cộng sản Việt Nam đã buộc những gia đình có hợp tác với chế độ VNCH đi ra khõi thành phố. Phương pháp cưỡng bức dân thành thị đi vùng kinh tế mới gồm có thu hồi hộ khẩu, rút thẻ mua gạo và các nhu yếu phẩm, và cấm trẻ em nhập học.. Chỉ tiêu là 1.200.000 dân  trong thành phố Sài gòn phải bỏ nhà cửa đi ra vùng kinh tế mới để sinh sống. Các vùng kinh tế mới là một sự thất bại lớn về kinh tế, đã gây ra sự đau thưong cho bao nhiêu gia đình và cũng là môt cách trả thù thâm độc của Cộng sản đối với những người quốc gia.

Đổi tiền

Nhà cầm quyền Cộng sản đã dùng phương thức đổi tiền nhiều lần từ ngày 30 tháng tư năm 1975, mục đích là « tước đoạt lại phần thu nhập của bọn đầu cơ tích trử, bọn ăn cắp và những nguồn thu nhập không chính đáng khác, gópphần đấu tranh nhằm xoá bỏ bóc lột, xoá bỏ lối làm ăn phi pháp, phá rối thị trường của tư thương, phục vụ và thúc đẩy cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, hoàn thiện quan hệ sản xuất ở miền Bắc, đưa cả nước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa ».

 Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, tiền VNCH phải đổi thành tiền Giải phóng vớí giá 500 đồng VNCH cho mỗi đồng Giải Phóng.

Vào năm 1976, say sưa trong chiến thắng, đảng Lao động đổi tên là đảng Cộng sản, giải tán Chánh phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt nam và cho ra đời Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam. Đồng tiền được thống nhất bằng cuộc đổi tiền vào tháng 5 năm 1978. Tỷ giá đổi tiền là, ở miền Bắc, 1 đồng cũ thành 1 đồng Thống Nhất, ở miền Nam, 1 đồng Giải Phóng thành 0,80 đồng tiền Thống Nhất. mỗi hộ đôc thân được đổi đến mức tối đa, ở thành thị là 100 đồng, ở nông thôn là 50 đồng.

 Cải cách giá-lương-tiền năm 1985 với nội dung chính như sau :

-Tính đủ chi phí hợp lý vào sản xuất

- hực hiện cơ chế một giá trong toàn bộ hệ thống giá cả

-Đảm bảo tiền lương thực tế

-Xác lập quyền tự chủ về tài chánh của các ngành và các cơ sở kinh tế

Cuộc cải cách nầy  đã làm cho nền kinh tế bị khủng hoảng nghiêm trọng.

Chi ngân sách Nhà nước cho tiền lương tăng vọt nhưng thu ngân sách lại không tăng bao nhiêu. Lạm phát bùng nổ. Những vòng xoáy điều chỉnh giá-lương-tiền càng làm cho lạm phát leo thang nhanh chóng trong năm 1986. Tiền phát hành nhiều mà vẫn không đủ. Vật tư , hàng hoá khan hiếm. Giá bán lương thực dầu tăng 10 lần vẫn không đủ bù đắp chi phí.. Sản xuất nông nghiệp sa sút. Đầu tư trong ngành kỷ nghệ giảm. Tháng 12 năm 1986, giá bán lẻ hàng hoá tăng 845,3% (587% so với năm 1985). Do đồng tiền mất giá, người ta quay sang lấy vàng làm bản vị, khiến giá vàng tăng vọt, còn nhanh hơn cả sự gia tăng của giá hàng hoá. Khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Việt Nam không thực hiện được mục tiêu cơ bản là ổn định tình hình kinh tế, xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Theo đảng cộng sản Việt nam, các nguyên nhân chính của sự khủng hoảng là :

-Chủ quan, nóng vội trong con đường đi lên xã hội chủ nghĩa

-Áp dụng mô hình chủ nghĩa xã hội bao cấp

-Công nghiệp hoá giản đơn, tập trung vào công nghiệp nặng

 Sai lầm về kinh tế  của Chính phủ : Bệnh chủ quan, duy ý chí - Lối suy nghĩ về hành động đơn giản – Nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan – Khuynh hướng buông lỏng quản lý kinh tế xã hội – Không chấp hành nghiêm chĩnh đường lối nguyên tắc của đảng, vừa tả khuynh, vừa hữu khuynh.

 Trong bối cảnh đó, đảng cộng sản Việt nam, vào tháng 12 năm 1986 đã quyết định chủ trương « Đổi mới ». Mô hình «  kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa » ra đời. Theo đảng cộng sản Việt nam, đổi mới không có nghĩa là thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà được hiểu là thay đổi cách thức để đạt được mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Đổi mới về kinh tế sẽ chuyển động từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường trong đó cải cách giá cả là vấn đề then chốt, kế đến là việc giải toả tình trạng ngăn sông cấm chợ. Lâu nay tình trạng nầy làm cản trở sự lưu thông hàng hoá tự do trên thị trường. Đồng thời phải để quy luật cung cầu được vận hành, đưa hàng hoà từ nơi thừa đến nơi thiếu. Đổi mới sẽ xoá bỏ kinh tế bao cấp, thực hiện kinh tế nhiều thành phần, đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế, cơ chế kế hoạch hoá, theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Về phương diện chính trị, đổi mới quan hệ hợp tác quốc tế theo chiều hướng mở cửa, kêu gọi và hợp tác đầu tư với nước ngoài. Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 là văn bản luật đầu tiên góp phần tạo ra khung cảnh pháp lý cho việc hình thành nền kinh tế thị trường tại Việt nam. Phải đợi đến năm 1991, luật doanh nghiệp tư nhân và luật công ty mới ra đời. Sau đó là luật đất đai, luật thuế, luật phá sản, luật môi trường…và các cải cách hành chánh giai đoạn 2001-2010 về các thủ tục hành chánh, về cơ chế quản lý kinh tế cần thiết cho nền kinh tế thị trường.

Cho đến nay, chính đảng Cộng sản Việt nam cũng thừa nhận rằng chưa nhận thức rõ, cụ thể và đầy đủ về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chỉ có giải thích nguyên lý chung rằng, đó là « nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. » Người cộng sàn Việt nam cho rằng hệ thống kinh tế nầy hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Thật ra, đó là một lối lập luận để chối bỏ sự « theo đuôi » chủ thuyết kinh tế tư bản của họ. Ông Adam Smith là người có công lớn nhất xây dựng một hệ thống lý luận về chủ thuyết kinh tế  tư bản tự do (3) đã nói rõ về khái niệm kinh tế thị trường (market economy) và về danh từ thị trường. Thị trưòng (market) là một bàn tay vô hình hướng dẫn quyền lợi cá nhân của mỗi người, là một cơ chế vận hành tốt nhất cho nền kinh tế. Trong một nền kinh tế thị trường, các quyết định của các cá nhân về tiêu dùng các mặt hàng nào, các quyết định của các doanh nghiệp về sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và các quyết định của người công nhân về việc làm cho ai đều được thực hiện dưới sự tác động của giá cả thị trường . Khác hẵn với kinh tế thị trường là nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung (command-economy hay centrally-planned economy) theo chủ thuyết Cộng sản, là nền kinh tế mà trong đó chính phủ đưa ra mọi quyết định về sản xuất và phân phối. Cơ quan kế hoạch của chính phủ quyết định sẽ sản xuất ra cái gì, sản xuất như thế nào và phân phối cho ai. Theo Marx, lập luận về ưu thế của nền kinh tế kế hoạch tập trung là như sau :

-Không lãng phí các nguồn lực vì không tạo ra sản phẩm thừa.

-Hưóng nguồn lực khan hiếm vào những ngành sản xuất có ích cho quá trình phát triển.

-Triệt tiêu sự bất công vì thặng dư của quá trình sản xuất sẽ được đưa vào ngân sách rồi tái phân phối cho người lao động.

Mô hình đó đã thất bại vì nó dựa trên quá nhiều giả định không tưởng về bản chất con người va đi ngược lại các quy luật cơ bản của cơ chế thị trường theo chủ nghĩa tư bản  với những nguyên tắc là :

-Tam quyền phân lập

-Có sự phân chia và kiểm soát giữa các nhánh quyền lực

-Công khai và minh bạch trong các lãnh vực hoạch định, thi hành chính sách. 

 Vì chủ trương kinh tế nhà nưóc  giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên Công sản Việt nam cho thành lập hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước lớn như các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty. Từ đó, có thể nói kinh tế Việt nam đã trở thành kinh tế tư bản nhà nước. Tuy nhiên, hiện không ít doanh nghiệp nhà nước lớn nầy hoạt động không hiệu quả hoặc thua lỗ triền miên ( như trường hợp Tổng công ty Vinashin, đã thua lỗ hơn 4 tỷ USD), đã dẫn tới yêu cầu tái cấu trúc và cổ phần hoá các doanh nghiệp nầy.

 Vì nhà nước (thông qua các doanh nghiệp nhà nước) nắm quyền chi phối phần lớn tài nguyên của nền kinh tế bao gồm đất đai, khoáng sản, tín dụng, vv.. nên có sư lạm dụng tiêu cực, cán bộ tham nhũng, có sự thất thoát lãng phí. Do đó, nền kinh tế đạt hiệu quả thấp.. Kém hiệu quả nhất là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguyên nhân là do các báo cáo lỗ, do việc chuyễn giá giữa công ty mẹ với các công ty con. Ví dụ, để có giá trị tăng thêm tương đương với 1 đồng, thì Việt nam phải đầu tư 5,1 đồng (năm 2008) so vói 4,1 đồng của Thái lan. Muốn trở thành một nưóc công nghiệp hoá như Đại hàn, Singapore, Đài loan, Hongkong, Việt nam phải tốn kém gấp 1,5 lần. Như vậy, mục tiêu công nghiệp hoá sẽ khó đạt được.

Có người cho ràng vì khái niệm kinh tế thị trưòng định hưóng xã hội chủ nghĩa (KTTTĐHXHCN) còn rất mập mờ nên cần đưọc xác định lại, để tránh trường hợp áp dụng kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Đúng lý ra thì nhà nước XHCN phải bảo đảm sự công bình tương đối về xã hội và có chế độ an sinh xã hội cho người dân. Nhưng trên thực tế, hiện nay không có sự bảo đảm nầy. Người dân vẫn phải đóng bệnh viện phí, vẫn phải đóng học phí. Mới đây, nhà nước cộng sản còn quyết định tăng bệnh viện phí và học phí, làm tăng thêm gánh nặng cho người dân nghèo.

 Tại sao, sau hơn 20 năm chuyển sang kinh tế thị trường mà doanh nghiệp vẫn còn èo uột, và chủ yếu lấy cơ chế « xin-cho » làm tôn chỉ hành động, không tăng được năng lực cạnh tranh?  

Theo tin báo chí truyền thông, mới đây, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt nam Nguyễn phú Trọng đã nói « …xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ nầy, không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt nam hay chưa ». Ngày nào đảng Cộng sản Việt nam còn tồn tại thì vận mệnh của đất nước Việt nam vẫn còn đen tối !. Ông Tràn Phương nguyên là phó Thủ tướng và hiện là Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt nam đã khuyến cáo đảng CS VN là đừng tiếp tục lừa bịp dân và cần đoạn tuyệt với CNXH Mác-Lê nin để theo con đường kinh tế thị trường của các nước thuộc thế giới tự do theo đúng nghĩa của nó.

 CNXH chỉ là một ảo tưởng. còn nói chi đến chủ nghĩa cộng sản, là ý thức hệ của người cộng sản,  với các thuyết tam vô (vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo) và « làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu » !. Cũng chỉ là ảo tưởng, không bao giờ thành tựu được! Thực tế đã chứng minh nó sai. Sau 70 năm xây dựng tại Liên xô, người dân đã dứt khoát từ bỏ nó và Liên xô đã tan rã, kéo theo sự từ bỏ CNXH của các nước  chư hầu XHCN tại Đông Âu.

  (3)   Adam Smith « The wealth of nations (An inquiry into the nature and causes of the wealth of nations) – 1776

 Nguyễn Thanh Bạch

 Tham khảo:

1 -  Oded Shenkar, “The Chinese Century-The rising Chinese economy and its impact on the global economy…” Wharton School Publishing, New Jersey USA, 2006.

2 – “The evolving role of China in the global economy”, edited by Yin-Wong Cheung and Jakob de Haan, MIT Press, Cambridge , Massachusetts, 2013.

3 - “ The Vietnamese economy and its transformation to an open market system”, William T. Alpert, editor, M.E.Sharpe Armonk, Neww York, 2005.

4 -  “Ombres et lumières sur le Vietnam actuel”, AAFV, L’ Harmattan, Paris, 2003.

5 – Wikipedia.  

TRẦN GIA PHỤNG

 Học Trò Trong Quảng Ra Thi
 
Trình bày tại Đại hội Quảng Nam-Đà Nẵng ngày 9-11-2013 tại Toronto)
 
Quảng Nam do vua Lê Thánh Tông thành lập năm 1471. Từ đó, Quảng Nam trải qua giặc giã liên miên cho đến đầu thế kỷ 19. Năm 1802, vua Gia Long thống nhất đất nước, tổ chức lại nền cai trị và tổ chức lại nền giáo dục.

 Nền giáo dục triều Nguyễn dựa trên Nho giáo vì Nho giáo là một triết thuyết chính trị hậu thuẫn cho chế độ quân chủ. Nền giáo dục Nho giáo triều Nguyễn dùng chữ Tàu làm chuyển ngữ. Chương trình học gồm Tứ thư, Ngũ kinh trong Nho giáo, cùng sử Việt và sử Trung Hoa, không có các môn khoa học. Tổ chức thi cử gồm các khoa thi Hương, thi Hội và thi Đình. Thi Hương 3 năm 1 lần. Thi Hội 1 năm sau thi Hương. Thi Đình tiếp theo ngay sau kỳ thi Hội.
 
TẠI SAO HỌC TRÒ TRONG QUẢNG RA THI?
 
Thi Hương là thi tại địa phương, nhưng không phải tỉnh nào cũng có trung tâm thi. Dưới thời nhà Nguyễn, có khoảng 30 tỉnh, và có từ 5 đến 6 trung tâm thi Hương trên toàn cõi Việt Nam. Học trò từ 3 hay 4 hoặc 5 tỉnh tập trung lại cùng dự thi chung một trung tâm.

 Riêng tại miền Trung, trung tâm Thừa Thiên (Huế), lúc đầu cho học trò 5 tỉnh dự thi là Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Sau đó chỉ có 3 tỉnh từ Quảng Trị vào Quảng Nam. Như vậy, muốn thi Hương thì học trò xứ Quảng phải ra Huế dự thi.

 Khoa thi Hương có 4 kỳ thi gọi là 4 trường. Đậu cả 4 trường được cấp bằng cử nhân. Đậu 3 trường, rớt trường tư gọi là tú tài. (Tú tài chỉ là danh xưng an ủi cho những người đạt điểm cao nhưng chưa đủ điểm đậu). Cử nhân có nghĩa là cử người ra làm quan với triều đình, tức đậu cử nhân mới được triều đình chính thức tuyển chọn ra giữ chức vụ hành chánh.

 Những người đậu cử nhân, học thêm một năm nữa, thì hội nhau lại tại kinh đô để thi, gọi là thi Hội. Thi Hội luôn luôn được tổ chức tại kinh đô Huế. Vì vậy những cử nhân Quảng Nam đều phải tiếp tục ra Huế dự thi.

 Thi Hội có kết quả, tức có người đậu, kẻ rớt, nhưng không có sắp hạng. Những người trúng tuyển kỳ thi Hội vào thi Đình ngay sau đó để phân thứ hạng cao thấp. “Đình” là cái sân. Thi Đình là thi tại sân cung điện nhà vua, thường là sân điện Cần Chánh. Thi Đình không có người rớt, chỉ phân thành hai hạng: đậu cao thì gọi là tiến sĩ, đậu thấp thì gọi là phó bang.
 
KẾT QUẢ THI CỬ CỦA HỌC TRÒ TRONG QUẢNG
Sau một thời gian cầm quyền, vua Gia Long mở khoa thi Hương đầu tiên năm 1807, nhưng chỉ từ Nghệ An trở ra bắc, vùng đất cũ, mới có thí sinh thi Hương khoa nầy, còn từ Thừa Thiên vào nam thì chưa có thi Hương vì mới xây dựng nền giáo dục, chưa có sĩ tử. Khoa thi Hương năm 1813 mới có thêm học trò ở Thừa Thiên và các tỉnh phía nam.

 Từ năm 1813 đến năm 1918, trước sau có 42 khóa thi Hương tại Thừa Thiên, tổng số 1263 thí sinh trúng tuyển cử nhân, trong đó có 251 người Quảng Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 20%.

 Cũng trong thời gian nầy, có 39 khoa thi Hội và thi Đình trên toàn quốc. Trong 39 khoa thi nầy, số tiến sĩ trúng tuyển là 281 người, Quảng Nam được 15 người tức khoảng hơn 5%; và số phó bảng trúng tuyển là 264 người, Quảng Nam được 24 người, tỷ lệ khoảng 9%.

 Chẳng n
hững số lượng cử nhân, phó bảng và tiến sĩ Quảng Nam vào hạng khá cao so với hơn 30 tỉnh trên toàn quốc dưới thời nhà Nguyễn, mà tỉnh Quảng Nam còn có hai khoa thi nổi tiếng, vẫn còn được nhắc nhở cho đến ngày nay trong lịch sử khoa cử Nho học.
Thứ nhứt, vào khoa thi Đình năm 1898 (mậu tuất), Quảng Nam có ba người đậu tiến sĩ (Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn) và hai người đậu phó bảng (Ngô Truân, Dương Hiển Tiến), tạo thành huyền thoại Ngũ phụ tề phi. (Năm chim phụng cùng bay) mà người Quảng Nam rất hãnh diện.

 Thứ hai, trong khoa thi Hương trường thi Thừa Thiên năm 1900 (canh tý), có 14 thí sinh Quảng Nam trúng tuyển trong tổng số 42 người thi đậu, đạt tỷ lệ 30%, và 4 thí sinh Quảng Nam đậu đầu, từ thứ nhứt đến thứ tư. (Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Lê Bá Trinh.)

 Tóm lại, để tham dự các khoa thi Nho học dưới thời nhà Nguyễn, từ thi Hương đến thi Hội hoặc thi Đình, học trò Quảng Nam đều phải ra kinh đô Huế dự thi. Đi đường bộ thì qua đèo Hải Vân. Đi đường biển thì dùng ghe men theo bờ biển ra Thừa Thiên.

 Kết quả thi cử của học trò xứ Quảng trong các khoa thi nầy khá khả quan, cho thấy người Quảng Nam, dầu khó khăn, ngheo khổ, vẫn luôn luôn cố gắng học hành để tiến thân, tạo thành truyền thống ham học của người Quảng Nam. Truyền thống nầy tồn tại mãi cho đến ngày nay.

 Trước khi kết thúc, xin lưu ý là câu “Học trò trong Quảng ra thi”, thường đi đôi với câu thứ hai là “Thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Có hai cách giải thích xuất xứ hai câu nầy. Thông thường, nhiều người nghĩ rằng đây là hai câu ca dao. Tuy nhiên, có tài liệu cho rằng đây là hai câu thơ của thi sĩ Xuân Tâm (tên thật là Phan Hạp), người làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mà không cho biết nguyên văn bài thơ. Giai thoại kể rằng Xuân Tâm ghi hai câu nầy trên một quyển sách tặng vợ. Viết trên sách tặng, thì không biết là thơ Xuân Tâm hay là đây là hai câu ca dao có trước, rồi Xuân Tâm viết tặng vợ, và người ta tưởng là của Xuân Tâm?

 Dầu hai câu thơ nầy là của ai, thực tế cho thấy khi đến viếng cố đô, đúng là khá nhiều du khách “thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Gần đây, Phan Xuân Sinh, một nhà thơ Quảng Nam khác, đã thốt lên
 
“Ta chết điếng một thời em Thượng Tứ,
Bởi nụ cười môi mọng gái thâm cung.”
(Chút tình cho Huế).

Các bạn thanh niên Quảng Nam ngày nay nghĩ sao?
 
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 9-11-2013)

Tuesday, November 26, 2013

Nước Mỹ

Nước Mỹ số một

“Đi cho biết đó biết đây

Ở hoài một chỗ, biết ngày nào “khôn”

Ông bà ta từ ngàn xưa đã có cái “nhìn xa trông rộng” thấy được nhu cầu phát triển sự hiểu biết, sự “khôn” lên qua việc đi đó đây. Vì thế ngày nay du lịch là ngành “kỹ nghệ không khói” nhưng đem lại lợi nhuận lớn cho rất nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra nhờ đi đó đây, ta mới có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh để “biết mình, biết người”.
 
Ở Mỹ lâu năm, quen hưởng những tiện nghi đời sống căn bản của mọi người trong xã hội (kể cả người nghèo), riết trở thành quen, thấy bình thường và xem đó là lẽ đương nhiên. Ví dụ như nhu cầu vệ sinh: ở Mỹ cầu tiêu công cộng có ở khắp nơi, giấy vệ sinh, giấy lau tay xài thoải mái, vòi nước uống cũng được thiết kế khắp nơi. Các công viên, các khu “rest area” dọc các xa lộ, thậm chí ở những buổi meeting, hội chợ... cũng có những cầu tiêu tạm cho mọi người dùng khi cần đến và chẳng bao giờ phải tốn một xu nào.
 
Nhưng khi du lịch ra nước ngoài mới “thấm thía”! Cái gì cũng phải trả tiền, kể cả nhu cầu vệ sinh (giá từ 1$ - 1.5$/1 lần, tùy nơi, tùy nước). Không phải chỉ tốn tiền mà còn “gian nan” khi hữu sự, để tìm cho ra “nơi cần đến”, ngay cả ở những thủ đô văn minh lẫy lừng lâu đời của thế giới! Tôi nhớ có một lần khi thăm thủ đô Paris, một người trong đoàn cần toilet, bác tài chạy xuôi, chạy ngược, vòng vòng mãi mà vẫn không tìm ra! Cuối cùng một sáng kiến được nêu ra: tới một nhà hàng nào đó vô mua bất kỳ món gì đó để được đi toilet! Đó là nỗi khổ tâm lớn của các vị cao niên khi đi du lịch châu Âu, các vị phải nhắc nhau nhịn uống nước (điều này lại rất hại cho sức khỏe) để khỏi “khốn đốn” khi hữu sự! Tôi nhớ một lần ở Rome, hướng dẫn viên dẫn một bà đi mãi qua đường này, tới ngõ nọ mà vẫn không tìm ra “nơi phải đến”, “” quá bèn hỏi:

- Bà có chịu tốn 10 Euro để vô restaurant kia mua thứ gì đó để được đi WC không?

- Nín hết nổi rồi, bây giờ không phải 10 Euro mà 20 Euro tôi cũng chịu luôn!

Có những WC có người ngồi thâu tiền còn đỡ, có những nơi, họ thiết kế sẵn phải bỏ đúng số tiền (cắc) quy định thì cổng mới mở cho vô. Khi đi du lịch đâu phải ai cũng có sẵn tiền cắc (Euro) trong túi, có một bà “mắc” quá nhưng không đổi được tiền cắc, nên phải mượn tứ tung trong đoàn, mỗi người thương tình móc hầu bao bỏ vô máy một ít, máy nuốt hết nhưng còn thiếu mấy xu, chưa đủ tiền, máy không mở cổng! Thật khốn đốn với máy móc vô tình!

Ở một số nước châu Á như Trung quốc, khách du lịch phải luôn thủ sẵn giấy vệ sinh trong bóp, vì trong toilet không có giấy vệ sinh. Tôi cứ bị ấn tượng mãi về một lần thăm Bắc Kinh (cách đây hơn 10 năm), đoàn du khách được một dàn các cô gái trẻ đẹp mặc xường xám đón chào tưng bừng ngay từ lối vào nhà hàng. Nhà hàng thiết kế rực rỡ sang trọng, đèn đuốc sáng choang như... cung đình. Sau bữa ăn khi cần đi WC, tôi ngạc nhiên khi bước vào thấy có một bàn trải khăn trắng bóc, trên bàn có một bình hoa tươi thật to, đẹp, và một cô gái xinh đẹp rực rỡ mặc xường xám ngồi đó chỉ để làm nhiệm vụ phát cho mỗi khách 1- 2 miếng giấy vệ sinh nhỏ. Ôi “cung đình” mà không có giấy vệ sinh! Đúng là Cộng Sản, hình thức trình diễn thì xôm tụ, nhưng nhu cầu căn bản thì không được đáp ứng.
 
Trong đời sống có những nhu cầu xem ra có vẻ nhỏ nhặt, tầm thường, nhưng khi cần đến mà không có thì nó trở thành một trở ngại lớn, khiến người ta “điêu đứng” vì nó. Nghe kể có một đoàn du khách nước ngoài viếng các lăng tẩm của triều đình Huế, đi từ lăng này đến lăng kia, cảnh đẹp hùng vĩ bao la..., bỗng một du khách cần đi WC, hướng dẫn viên tìm hoài không ra, bèn chỉ khách vào bụi cây xài đỡ, khách cương quyết không chịu! Vậy là cả đoàn phải ngưng tham quan, ra xe trở về khách sạn.

Phi trường ở Mỹ, ghế ngồi chờ đợi cho hành khách là ghế nệm dày và lúc nào cũng dư thừa, thậm chí lúc ít khách có thể nằm ngủ thoải mái. Toilet và vòi nước uống có khắp nơi, bây giờ lại có thêm những chỗ cho hành khách charge pin điện thoại, laptop, I pad, I phone... Nhưng khi tới phi trường Paris (CDG) những nhu cầu căn bản đó hình như biến mất. Thực ra trước đây tôi đã đến phi trường Paris nhiều lần, nhưng đều đi ra ngay luôn. Lần này chuyến bay chuyển ở Paris trước khi tới Berlin nên tôi mới có cơ hội thâm nhập CDG.
 
Trước hết khi máy bay đáp xuống CDG, tôi ngạc nhiên khi thấy phải đi cầu thang sắt xuống, với va li carry-on, nếu kéo đi thì nhẹ nhàng, nhưng phải xách nó lên và leo mấy chục bậc thang xuống thì không dễ chút nào! Sau đó, leo lên xe buýt chở vô phi trường. Vô đây tôi lại tiếp tục chạy vòng vòng, mệt “bở hơi tai” vì phải xách carry-on lên xuống cầu thang nhiều lần đi từ khu này qua khu khác, phải qua khu x-ray (khám bằng tay là chính) rồi mới tới được cổng đổi chuyến bay! Khu nhà kiếng tương đối nhỏ nhưng có tới 12 cổng, mỗi cổng chỉ vỏn vẹn có một quầy nhỏ và một computer. Có một số băng ghế sắt trong khu vực cho hành khách ngồi đợi nhưng quá ít so với nhu cầu, nên hành khách ngồi la liệt dưới đất, khắp lối đi. Một số ông thì ngồi vắt vẻo trên các lan can, bờ tường. Tôi vừa mỏi chân, vừa mệt vừa khát nước, nhưng nhìn quanh cả khu vực không thấy có vòi nước uống nào, cả WC cũng không có, chỉ thấy toàn người là người.

Khi lên được máy bay Air France, ngồi yên chỗ quan sát, tôi có cảm tưởng nó là “xe đò bay” thì đúng hơn (khi so sánh với máy bay Mỹ mà tôi vừa đi) vì ghế ngồi và thiết bị cũ kỹ như từ thế kỷ trước. Lúc máy bay cất cánh tôi nghe nó gầm gừ “phành phành” rồi “ạch ạch” như đang cố sức nâng cái thân già nua bốc lên khỏi mặt đất, tôi chỉ lo nó rớt (may là tôi có mua bảo hiểm rồi nên đỡ lo). Cuối cùng sau một hồi “lắc lư con tàu” nó cũng bay lên được. Yên tâm rồi, tôi mệt mỏi ngủ thiếp đi (vì chẳng có phương tiện giải trí nào: nhạc, tivi...).

Cơn khát nước làm tôi chợt tỉnh, thấy chung quanh ai cũng có ly nước, tôi bèn yêu cầu một nam tiếp viên cho xin ly nước, nhưng hắn trố mắt ra ngó tôi như tôi đang đòi hỏi một điều gì quá đáng, rồi hắn phớt lờ (đúng là tính “ga lăng” của đàn ông Pháp đã trở thành quá khứ). Có lẽ họ cho rằng họ chỉ phát nước theo giờ của họ, hết giờ là hết phát? Sau khi yêu cầu 2 lần không được, khát quá tôi đợi lúc bà tiếp viên trưởng đi ngang để lập lại yêu cầu, bà bảo tôi đợi một lát và mang đến cho tôi một ly nước nhỏ. Hình như nước trở thành hiếm quý và cách phục vụ lịch sự cũng hiếm quý luôn! Ôi Air France! một thuở mơ ước khi tôi còn học trung học ở Saigon, lúc nhìn những hình ảnh quảng cáo của Air France trên các tạp chí nước ngoài! Ôi mộng và thực đúng là “nghìn trùng xa cách”! Xin tạm biệt Air France và phi trường Paris (kinh đô ánh sáng một thời) mà không mong ngày gặp lại! Có lẽ từ đây nếu có du lịch châu Âu, tôi phải lo học thuộc lòng câu của William Shakespear: “I always feel happy, you know why? Because I d'ont expect any thing from anyone.”

Tới phi trường Berlin (TXL) lại cũng phải đi cầu thang sắt xuống, rồi đi xe bus vô phi trường, xem ra phi trường này còn nhỏ và thiếu tiện nghi hơn phi trường Paris, tôi lại tiếp tục xách carry-on mệt nghỉ, chứ không kéo đi nhẹ nhàng như ở các phi trường Mỹ. May mà hai nước Pháp và Đức là hai nước lớn lại có nền kinh tế vững mạnh trong khối châu Âu!

Đúng là có đi ra ngoài mới thấy nước Mỹ là số một, đó là chưa kể đến vụ so sánh giá cả hàng hóa ở Mỹ và châu Âu, hàng hóa ở Mỹ vừa nhiều vừa rẻ. Sau này về đến phi trường LAX tôi thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái, tất cả đều được chuẩn bị phục vụ chu đáo nhanh gọn, lịch sự. Đúng là “sweet home” Ôi! “My beautiful America”. Bây giờ tôi mới cảm thấy thực sự yêu mến và tự hào về quê hương thứ 2 của tôi : Nước Mỹ yêu dấu! Quả là:

Phải chờ đến xế chiều
Ta mới thấy ánh sáng ban ngày rạng rỡ biết bao!

Nói đến niềm tự hào về nước Mỹ, tôi lại nhớ đến sự việc trên chuyến Cruise Coastal vừa đi. Ngày thứ hai lên tàu thì toilet trong phòng bị nghẹt, tôi gọi điện cho họ sửa mấy lần mà tình trạng vẫn không thay đổi, tôi phải xuống chỗ “Customer Service” để xếp hàng đi khiếu nại.Thật ngạc nhiên khi họ “tỉnh bơ” cho biết không phải chỉ riêng phòng tôi mà các phòng ở tầng 2,5,8 đều bị như vậy, họ đang sửa, khi nào xong họ sẽ thông báo. Tôi bèn hỏi:

- Trong khi chờ sửa, thì khách giải quyết vụ toilet ra sao?

- Đi kiếm mấy cái toilet công cộng mà xài

- Nhưng chúng ở đâu?

Sau một hồi thắc mắc tới lui, họ mới chịu lục sơ đồ ra để tìm và cho biết một cái ở lầu 9, một cái khác ở lầu 4. Nghĩa là khi hữu sự phải “ôm bụng” chạy vòng vòng mấy tầng lầu để đi tìm cái toilet công cộng và xếp hàng chờ tới phiên. Chắc là dân châu Âu quen kiểu này rồi nên không thấy phiền?

Trở về phòng, tôi bực bội kể lại cho chị bạn cùng phòng nghe, chị là bác sĩ hưu trí ở Đức. Sáng nay chị đã là nạn nhân “ôm bụng” chạy vòng vòng, may mà tình cờ tôi nhớ ra cái toilet công cộng ở lầu 9 cạnh bên nhà hàng, nên chỉ cho chị. Do đó tôi tưởng chị là “đồng minh” bèn nói:

-Hệ thống phục vụ trên tàu quá tệ! Đã vậy xem ra họ còn thản nhiên cho đó là chuyện nhỏ, không hề có một lời xin lỗi khách hàng. Ở Mỹ thì họ đã xin lỗi ríu rít rồi...

Không ngờ chị phản ứng mạnh:

- Mệt quá, Mỹ cái gì cũng tốt, cũng ngon lành hết! Dân Mỹ được nuông chiều quá hóa hư! Bởi vậy trên thế giới, Mỹ đi đâu cũng bị chúng ghét, bị khủng bố cho chết hết là đúng rồi! Lúc nào cũng đòi hỏi thứ này, thứ kia , còn đòi xin lỗi...“nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”...

Chị mắng cho một hồi “tràng giang đại hải” mà vẫn chưa hả cơn giận. Tôi ngơ ngác vì bỗng dưng mình bị “giũa” một trận te tua chỉ vì là “dân Mỹ” mà nào tôi có đòi hỏi điều gì cao cấp đâu, chỉ là những nhu cầu căn bản thôi. Thôi “một sự nhịn chín sự lành”, nên tôi nín nhịn vì chị lớn hơn tôi nhiều, coi như mình nhịn “chị hai” trong nhà cho mọi chuyện êm xuôi tốt đẹp trong chuyến đi chơi!
 
Suy ra mới biết tinh thần “bài Mỹ” ở các nước Âu châu khá mạnh (ghé vô Nga 1 ngày tham quan cũng phải nộp tiền làm đơn xin visa). Kiểu này qua các nước Trung Đông chắc bị “xơi tái” quá, nhưng tôi nhớ một lần cách đây 5,6 năm dân Mỹ qua Ai cập thì lại được đối xử như VIP, đi đâu cũng được ưu tiên và có xe jeep hộ tống “tiền hô, hậu ủng” rất oai!

Hôm sau tâm sự với một chị bạn khác về nỗi ấm ức bị mắng oan. Chị trả lời:

- Chắc tại chị ấy ở Đức lâu, nên ngấm tinh thần “tự tôn dân tộc” của dân Đức, không muốn nước nào qua mặt, mà như vậy là tự ái dân tộc dỏm, vì dù gì mình cũng là người Vyết Nam! (Chị cười) Ai bảo Mỹ giàu hơn, mạnh hơn nên dễ bị chúng ghét!

Tôi chán ngán:

- À thì ra vậy! Hèn gì em nghe người ta thường nói “ở đời mình thua chúng khinh, mình hơn chúng ganh ghét, mình bằng chúng nói xấu”.

Không biết đến bao giờ các dân tộc trên thế giới sẽ sống với nhau trong tâm trạng “để hận thù người người lắng xuống” hầu không còn ai cảm thấy:

Đôi khi ta muốn thoát ly
Đi thật xa khỏi cuộc đời này
Xa lìa chuyện ganh đua với chê bai
” (L.H.H.)

Dù sao nhờ có đi ra ngoài, có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh, tôi mới biết trân quý hơn những điều tôi đang được hưởng mỗi ngày ở xã hội này, mà đôi khi quá quen, tôi cứ xem đó là lẽ đương nhiên, là chuyện thường tình (giống như trong đời sống gia đình có nhiều người có phước có được những bà vợ, ông chồng rất tốt, rất tử tế, nhưng họ không hề biết quý và cứ nghĩ đó là chuyện đương nhiên và bình thường, cho đến khi không còn nữa mới hối tiếc thì đã muộn!). Khi ý thức lại những tiện nghi của đời sống ở Mỹ mà tôi vẫn xem đó là chuyện bình thường, tôi mới biết đôi khi nó là niềm ước mơ của biết bao người trên thế giới nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng. Họ không chỉ cần những nhu cầu vật chất căn bản của đời sống nhưng còn cần những nhu cầu căn bản về tinh thần (quyền làm người, quyền tự do...) mà họ khát khao nhưng không hề được đáp ứng!

Xin cám ơn Chúa, xin cám ơn đời đã cho tôi có một cuộc sống tương đối an lành trên xứ Mỹ này, để từ đó tôi biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn với những mảnh đời bất hạnh khác nơi quê nhà, vì có thể “Một tình thương cho cuộc sống đang chờ đợi ta” bởi:

Tình yêu là trái chín của mọi mùa
Nằm trong tầm với của mọi bàn tay.

(Mẹ Theresa)
 
Phượng Vũ
9/2013
@internet