Tuesday, November 19, 2013

US vs Philippines


Thăng trầm trong
mối quan hệ lịch sử Hoa Kỳ - Philippines

Không chỉ vì những dự tính từ con người, thiên tai bão Haiyan là thêm cơ hội để sự gắn bó trở lại của Hoa Kỳ với Philippines thêm phần bền vững. Mặc dầu Philippines vẫn được coi là nước thân thiện với Hoa Kỳ nhất trên thế giới, nhưng trong lịch sử hơn 100 năm qua, giữa hai quốc gia đã có nhiều hợp tác tốt đẹp cũng như không thiếu thời gian mối quan hệ trở nên gai góc (Tàu bệnh viện USNS Mercy. sẽ được phái tới Philippines cứu trợ bão Haiyan. (Hình: US Navy))
 
Cuối thế kỷ 19, sau 2 thế kỷ xây dụng chế độ dân chủ tự do, phát triển nền kinh tế tư bản, nước Mỹ đã tiến lên vị trí cường quốc. Dù không mang nặng tư tưởng thuộc địa thực dân như các nước đế quốc Âu Châu lúc ấy, nhu cầu kinh tế thương mại và đồng thời yếu tố tâm lý vẫn thúc đẩy Hoa Kỳ có ý muốn hiện diện ở nhiều vùng đất trên thế giới.

Với lực lượng đã ngang tầm các nước lớn, chiến lược của hải quân Hoa Kỳ ngoài việc phòng thủ tổ quốc còn có sứ mạng bảo vệ giao thông hàng hải của nước mình trên Đại Tây Dương và Thái Binh Dương. Đó là thời đại Hoa Kỳ bành trướng ảnh hưởng trong vùng biển Caribbean, sát nhập Hawaii và chiếm Philippines, thuộc địa của Tây Ban Nha từ 300 năm trước.

Trong cuộc chiến tranh  với Tây Ban Nha năm 1898, Hoa Kỳ đã nhân danh giải phóng để lôi kéo sự ủng hộ của dân Philippines. Nhưng rồi sau đó Philippines trở thành xứ thuộc địa phù hợp với tất cả mọi nhu cầu của Hoa Kỳ. Hơn hẳn Hawaii quá xa lục địa, quần đảo Philippines là đầu cầu tốt nhất để tạo lập sức mạnh ở châu Á và bảo vệ đường hàng hải cho tàu bè Mỹ trên vùng Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Nước cộng hòa Philippines và những chính quyền địa phương độc lập hình thành trong lúc chiến tranh không được Hoa Kỳ nhìn nhận và Hoa Kỳ hoàn toàn nắm quyền chiếm đóng Philippines. Cuộc nổi dậy của người Philippines bị đập tan và hàng ngàn binh sĩ Hoa Kỳ đã ổn định được tình thế sau đó. Nhưng rồi dần dần Hoa Kỳ cũng cho gia tăng quyền tự trị và đến năm 1935 Philippines được dành quy chế quốc gia trong khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth). Hoa Kỳ chỉ còn giữ lại căn cứ hải quân ở vịnh Subic, mục tiêu chính của mình khi đến Philippines.

Khúc ngoặt quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa hai dân tộc Mỹ - Phi xảy ra trong Thế Chiến II khi Nhật Bản xâm lăng Philippines. Cũng tương tự như với Hoa Kỳ, quân đảo Philippines là vị trí chiến lược trong chính sách bành trướng Đại Đông Á của Nhật Bản và kiểm soát đường vận chuyển dầu lửa từ Indonesia về Nhật Bản. Vì vậy ngay sau khi đánh Honolulu, Hawaii, Nhật Bản đem quân chiếm Philippines đầu năm 1942. Quân đội Mỹ ở Philippines quá yếu phải đầu hàng và Tổng Thống Franklin Roosevelt ra lệnh cho đại tướng Douglas McArthur rời khỏi Philippines qua Australia tổ chức lại USAFFE (Quân Lực Hoa Kỳ ở Viễn Đông). Thật ra USAFFE không hề có lực lượng như vậy và quyết định của Tổng Thống Roosevelt chỉ là tránh cho tướng McArthur bị Nhật bắt làm tù binh,

Nhưng tướng McArthur khi ra đi đã hứa hẹn với quân đội Hoa Kỳ và dân chúng Philippines chống nhiều hành động tàn ác của quân đội xâm lược Nhật Bản và chính quyền do họ dựng lên, là sẽ có ngày trở lại. Lời hứa này có một yếu tố tâm lý và tinh thần quan trọng khi đại tướng McArthur được cử làm Tư Lệnh Chiến Trường Tây Nam Thái Bình Dương đã nhắm Philippines là mục tiêu chính để bẻ gẫy sức mạnh của quân đội Nhật.

69 năm trước, ngày 20 tháng 10 năm 1944 quân đôi Hoa Kỳ mở trận hành quân tái chiếm Philippines và tướng Douglas McArthur từ tàu đổ bộ lôi xuống nước đặt chân lên bãi biển Palo, 5 dặm phía Nam Tacloban, thành phố mới đâyv ừa bị tàn phá bởi trận bão Haiyan. Trận đánh quyết liệt trên đảo Leyte, hòn đảo lớn phía Đông nằm giữa hai đảo chính của Philippines là Luzon và Mindanao, kéo dài trong 10 tuần lễ với thương vong của quân đội Mỹ là 16,000 và phía Nhật Bản khoảng gần 50,000 tử trận. Quân kháng chiến Philippines tích cực hợp tác cùng quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến đấu và dân quân trợ giúp đắc lực bằng công tác khiêng đạn dược, lương thực qua rừng núi ở những nơi không có đường giao thông để tiếp vận cho chiến trường.

Trận hải không chiến ở vịnh Leyte cũng là trận đánh lớn nhất trong lịch sử thế giới về số tàu tham chiến cũng như mức độ khốc liệt. Hải quân Nhật huy động những chiến hạm mạnh nhất còn lại của họ vào trận chiến và lần đầu tiên dùng tới phi đội cảm tử Thần Phong (Kamikaze) với những phi công tự sát lái máy bay mang bom lao thẳng vào chiến hạm địch. Trận chiến ở đảo Leyte đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của quân Nhật trong Thế Chiến II, và 250,000 quân Nhật còn lại trên đảo Luzon không còn khả năng giữ Philippines, cũng như Nhật Bản không còn khả năng phòng thủ đất nước cho dù không bị ném hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki tháng 8 năm 1945.

Cũng trong thời gian chiến tranh trên đảo Leyte, hải quân, không quân và hơn 4 sư đoàn bộ binh Hoa Kỳ, đã phải trải qua nhiều ngày thời tiết bão tố, thiên tai xảy ra nhiều lần hàng năm trên quần đảo này.
Với sự hợp tác của người Philippines trong chiến tranh và trong bối cảnh tình hình thế giới cũng như địa phương sau Thế Chiến II, Hoa Kỳ quyết định trao trả độc lập hoàn toàn cho Philippines. Ngày 4 tháng 7 năm 1946 là cờ Hoa Kỳ được hạ xuống lần cuối cùng ở Manila. Tuy nhiên Hoa Kỳ tiếp tục giữ lại hai căn cứ hải quân Subic Bay và không quân Clark Field, hai căn cứ sau đó qua giai đoạn Chiến Tranh Lạnh đã đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam và Đông Nam Á.

Năm 1991, hai căn cứ quân sự bị tổn thất nặng nề vì tro bụi của núi lửa Pinatubo và bão tố. Đồng thời Thượng Viện Philippines thông qua một đạo luật cấm việc tái tục thỏa thuận mới về căn cứ quân sự, một quyết định phản ánh phản ứng của những thành phần chủ trương độc lập và  tự chủ,  cũng như sự chống đối của dư luận quần chúng về những tệ nạn xã hội xảy ra do sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Chính quyền Hoa Kỳ vào thời gian ấy không thấy có sự cần thiết hiện diện tại gần châu Á, đã không sửa chữa hai căn cứ và trao trả hoàn toàn về cho Philippines. Nhưng nền kinh tế quốc gia này còn kém mở mang, cùng với tính trạng tham nhũng tràn lan và những cuộc tranh chấp chính trị liên tục, qua nhiều năm hai căn cứ đã không được tu sửa hay sử dụng cho mục đích gì khác.

Thế rồi thời cuộc quốc tế thay đổi với hoạt động của khủng bố và Philippines cũng không tránh khỏi bất ổn do hoạt động của những tổ chức ly khai trong dân thiểu số Hồi Giáo có liên hệ với al-Qaeda. Trong tình hình ấy, Philippines đã nhận để những đơn vị lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ tới huấn luyện và trợ lực. Rồi trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc, tranh chấp biển đảo khiến Philippines có nhu cầu tăng cường lực lượng  quốc phòng, trang bị thêm vũ khí, tháng 6 năm 2012 Philippines đã ký kết thỏa hiệp để Hoa Kỳ có thể sử dụng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình và nhận sự bảo đảm an ninh phòng thủ quốc gia.

Những sự kiện này xảy ra đúng vào lúc chính quyền Tổng Thống Obama đề ra chiến lược “chuyển trục về Châu Á” và sự hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia trở lại bền chặt hơn bao giờ hết. Khi xảy ra thiên tai bão Haiyan, Hoa Kỳ đã nhanh chóng thi hành trách nhiệm cứu trợ nhân đạo, với tư cách một nước đồng minh và bằng nghĩa vụ quốc tế chứ không phải nước mẫu quốc  thuộc địa. Thêm vào đó, thái độ phản ứng chiếu lệ với nghĩa vụ cứu trợ thiên tai hay vì sự thù nghịch đang tồn tại trong những tranh chấp, Trung Quốc tỏ ra kém cỏi không ý thức được vai trò nước lớn và bằng hành đông vụng về ngoại giao đã tự đặt họ xa lánh nhân dân nước láng giềng. Nói cách khác, ngoài sự dự tính, Hoa Kỳ đang có cơ hội tốt nhất để hoàn thành sứ mạng nhân đạo, chính trị, ngoại giao ở Philippines mà không bị một trở ngại gì.

Hơn tất cả các quốc gia Âu Châu như Anh, Đức, Pháp và mọi nước khác, Hoa Kỳ có đầy đủ phương tiện và tài nguyên để huy động vào sứ mạng cứu trợ nhân dân Philippines. Hàng không mẫu hạm nguyên tử USS George Washington được điều phối cùng với nhiều chiến hạm khác đến Philippines, và theo những tin tức mới nhất có thể các chiến hạm đổ bộ như USS Ashland và USS Germantown sẽ đến thay thế vì chức năng thích hợp hơn trong công tác cứu trợ gần 1 triệu dân chúng sẽ còn phải kéo dài trong một thời gian nhiều tháng.

Hiện tại ở phi trường Tacloban đã đầy máy bay các loại từ vận tải C-130 chở hàng cứu trợ, đến trực thăng dùng cho công tác cấp cứu ở những nơi đường giao thông đã bị cắt đứt, kể cả trực thăng cánh thẳng V-22 Osprey chở được trên dưới 30 người rất thích hợp với nhu cầu ở vùng thiên tai. Bộ Tư Lênh Hải Quân Hoa Kỳ ở Thái Binh Dương cho biết đang điều động tàu bệnh viện USNS Mercy (T-AH-19) từ San Diego đến nơi trong khoảng 3 tuần lễ. Mercy chỉ có vận tốc thấp nhưng là một bệnh viện nổi với đầy đủ nhân sự và trang bị y khoa cần thiết phục vụ tới 1,000 bệnh nhân.

HÀ TƯỜNG CÁT