Sunday, November 24, 2013

Hoàng Hậu Nam Phương


 
Pháp: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh
Hoàng Hậu Nam Phương (10/11/1913-2013)
 
Bà là vợ của Hoàng Đế Bảo Đại, vua của nước Việt Nam, khuê danh bà là Nguyễn Hữu Thị Lan (còn có tên khác là Maria Therese Nguyễn Hữu Hào) là ái nữ của nhà đại điền chủ phú hào Phước Mỹ Quận Công Nguyễn Hữu Hào, người xứ Gò Công miền tây nam phần. Bà cũng là cháu của ông Lê Phát Đạt tức ông Huyện Sỹ một trong những người giàu nhất Nam Kỳ vào thế kỷ XX. 

Ông Bảo Đại có cho biết trong cuốn Con Rồng An Nam: Cô Nguyễn Hữu Thị Lan học tại trường Couvent des Oiseaux tại Pháp, và trở về nước vào năm 18 tuổi. Dịp này, do sự sắp đặt cố ý của nhà toàn quyền Pasquier, ông bà Hào và bà Charles (mẹ đở đầu của ông vua tại Pháp) bà gặp vua Bảo Đại tại Đà Lạt. 

Trai tài gái sắc hạp ý mến mộ rồi yêu nhau và quyết định đi đến hôn nhân. Ngày 20 tháng 3 năm 1934, một lễ cưới uy nghi diễn ra tại hoàng cung, và trong ngày trọng đại này, cô tiểu thư Nguyễn Hữu Thị Lan được vinh dự hưởng một biệt lệ lần đầu tiên trong triều đình nhà Nguyễn. Bà được tấn phong là Nam Phương Hoàng Hậu (với ý nghĩa tôn quý là hương thơm của miền Nam). Ngoài ra bà cũng được phép mặc phẩm phục màu vàng da cam, là màu sắc chỉ dành cho Hoàng Đế (Trong triều đình nhà Nguyễn. Hoàng Hậu chỉ được phép tấn phong sau khi nhà Vua đã băng hà). 

Theo như tài liệu của ông Nguyễn Văn Lục, bà Hoàng Hậu là người phụ nữ đầu tiên có tân học, ảnh hưởng nếp sống nếp suy nghĩ phương Tây. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên ở nước ta cùng vua tiếp khách ngoại quốc như tiếp Thống chế Tưởng Giới Thạch, Quốc trưởng Shianouk… Trong những lễ lạc tiếp kiến, bà đóng vai trò đệ nhất phu nhân. 

Bà cũng là Hoàng Hậu đầu tiên xuất cung, tham gia các sinh hoạt xã hội như đi thăm cô nhi viện, trường học hoặc những cơ sở xã hội ..v..v.. Ngày Chủ Nhật, bà đi lễ nhà thờ Phú Cam như mọi người dân bình thường. 

Toàn quyền Decoux đã hết lời khen ngợi bà là một người đức hạnh, nề nếp hài hoà giữa hai nếp sống Đông Tây. Về phía quốc tế, Hoàng Hậu nhận được những bằng khen của Hàn Lâm Viện Y khoa Pháp và của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế. 

Trong những năm tháng hạnh phúc, bà sinh hạ được 2 Hoàng tử và 3 Công chúa. Đến tháng 9 năm 1945 triều đình đến hồi mạt vận quốc phá gia vong, vua Bảo Đại do sự thúc ép của Việt Minh buộc phải từ chức thoái vị và hạnh phúc của bà mỏng dần trong những mối tình trăng hoa của chồng. 
 
Càng ngày ông Vĩnh Thụy (tên tộc của Bảo đại) càng sa đoạ trác táng thì bà Vĩnh Thụy càng im lặng nghiêm trang, có lẽ vì muốn giữ uy tín cho Hoàng tộc và cho cả con cái mình cho nên bà cứ cam chịu theo cái cách của người vợ có học và có nhân cách. 

Vào năm 1950 bà Vĩnh Thụy quyết định mang các con sang Pháp, chấm dứt những liên hệ dây dưa với những tai tiếng của chồng. Trong những năm dài cuối đời, bà sống trong sự lẽ loi nhưng kiêu hảnh. Bà là một vị mệnh phụ uy nghi, đẹp trang trọng quý phái, nhưng trên hết, dù trong bất hoàn cảnh nào, bà vẫn sống một cách đàng hoàng đúng bậc mẫu nghi của một bà hoàng hậu. 

Ngày 14 tháng 9 năm 1963. Bà đột ngột nhẹ nhàng lặng lẽ qua đời tại làng Chabrignac cách thủ đô Paris khoảng 500 km. 

Trong một cuốn sách có đoạn thật buồn bã mà ông Bảo Đại đã kể về bà trong ngày cưới như sau: Vâng, bây giờ, chung quanh đầy văn võ bá quan, Bà vẫn cô đơn, và cả đời bà sau này cũng cô đơn. 

Trong suốt mười năm sống ở Huế, bà vẫn cô đơn như thế giữa đám thị nữ, quan thần, dòng tộc, giữa những sắc thái dị biệt, miền, tiếng nói, tôn giáo, nếp sống, văn hoá, học vấn. Chỉ những sự khác biệt đó thôi cũng đẫy bà vào tư thế một mình. Và đã theo đuổi suốt đời còn lại của bà.