Về triết lý kinh tế « Mèo Trắng Mèo Đen » của Đặng Tiểu Bình
(Trung Hoa cộng sản) và thuyết “Kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa » của Việt Nam cộng sản.
Theo tài
liệu lịch sử cận đại của Trung hoa cộng sản, có một câu nói của ông Đặng Tiểu
Bình liên quan đến Cộng sản Việt nam, tiếng Pháp như sau : Si les petits
enfants sont désobéissants, il faut leur donner une bonne fessée, tạm dịch Nếu
con cháu không vâng lời thì phải cho chúng một trận đòn vào đít. Ông Đặng
Tiểu Bình đã nói như vậy với Tổng thống Hoa kỳ Jimmy Carter trong cuộc viếng
thăm vào năm 1979, với ẩn ý là báo trước việc Trung cộng sắp xua quân tràn qua
biên giới đánh Việt nam để cho một bài học. Thời đó, Cộng sản Việt nam đang dựa
vào đàn anh Liên xô, đã tấn công Kampuchia để lật đổ « Khờ me đỏ » mà
« Khờ me đỏ » thì đang được Trung cộng che chở. Đặng Tiểu Bình còn
nói lên nhiều câu triết lý « để đời », chẳng hạn như : Phải làm
việc nhiều và nói ít (On devrait travailler plus et moins bavarder) - Thực tiễn
là tiêu chuẩn duy nhất của chân lý (La pratique est le seul critère de la
vérité) - Để cho một số người làm giàu trước tiên, sau đó những người khác sẽ
làm theo, rồi sự giàu có sẽ thành sự giàu có cho tất cà mọi người. (Laisser
certains s’enrichir d’abord, les autres suivront et la richesse sera générale)…
Nhưng câu
nói có tính cách lịch sử đã tạo nên bước tiến nhảy vọt cho nền kinh tế của nước
Trung hoa trong hơn ba thập niên qua là : Mèo đen, mèo trắng, con mèo tốt
là con mèo bắt được chuột ( Chat noir, chat blanc, le bon chat est celui qui
attrape les souris ). Đặng Tiểu Bình (ĐTB) nói ra câu nầy từ năm 1962 trong bối
cảnh của một nước Trung hoa đang gặp khó khăn và nền kinh tế có nguy cơ
sẽ bị khủng hoảng trầm trọng. Một số chiến dịch do Mao Trạch Đông phát động đã
gây thiệt hại to lớn và làm cản trở sự phát triển của nước Trung hoa như :
Cải cách
ruộng đất năm 1953. đấu tố địa chủ, làm nhiều người làm
ăn tử tế bị thiệt mạng.
Đại nhảy vọt
(1958-1961) (1) gây nên thảm hoạ kinh tế với 20 triệu người bị chết đói.
Cách mạng
văn hoá (1966-1971) (2) giết hại tầng lớp trí thức và
huỷ hoại nền khoa học trong nườc.
ĐTB là tướng
quân đội và từng là phó Thủ tướng dưới thời Mao nhưng trong thời kỳ Cách mạng
văn hoá bị Mao buộc tội là hữu khuynh và bắt đi lao động cải tạo cho đến
năm 1976. Khi Mao chết, Hoa quốc Phong lên thay đã khôi phục lại ĐTB, và sau đó
ĐTB đã trở thành nhà lãnh đạo cao nhất.
. Vì muốn
thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, trong ngành nông nghiệp, một số địa phương đã áp
dụng hình thức khoán sản lượng đến từng hộ gia đình. Mặc dầu hình thức nầy giúp
phần nào khôi phục sản xuất nhưng trong cơ chế quản lý tập thể xã hội chủ
nghiã, hình thức nầy bị coi là bất hợp pháp. ĐTB đã dùng cách so sánh
« mèo trắng, mèo đen » để diển tả ý nghĩa là, trong quan hệ sản xuất,
không thể hoàn toàn áp dụng một hình thức cố định, bất biến. Hình thức nào, tại
địa phương nào, có thể khôi phục sản xuất và phát triển thì áp dụng hình thức
đó.
Trong thời
gian ĐTB lãnh đạo Cộng hoà nhân dân Trung hoa (CĐNDTH), sau đây là một số biểu
hiện cụ thể của triết lý kinh tế « Mèo trắng mèo đen » :
Từ năm 1978,
CHNDTH bắt đầu đợt cải cách triệt để về kinh tế. Kinh tế thị trường, là đặc
trưng của chủ nghĩa tư bản, không bị coi là xấu nữa.. Cho phép kinh tế tư nhân,
miễn sao phát triển được kinh tế. Các hợp tác xã nông nghiệp, là mô hình của
nông nghiệp XHCN, được xoá đi, phân lại đất cho nông dân tư hữu, nhằm tăng sản
lượng nông nghiệp.
Về mặt đối
ngoại, CHNDTH giao dịch với bất cứ chế độ chính trị nào, bất cứ thế lực cầm
quyền nào, miễn sao có lợi về kinh tế. Không còn phân biệt « địch,
ta » về ý thức hệ nữa. Chẵng hạn như khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan
thì TH chơi với Taliban, nhưng khi Taliban bị lật đỗ thì TH lại chơi ngay với
Chính phủ mới lên thay, nhằm chiếm giữ quyền khai thác khoáng sản.
Theo triết
lý « mèo trắng, mèo đen » thì tên gọi tư bản hay cộng sản không quan
trọng, miễn sao có lợi về kinh tế.
Một trong
những biện pháp quan trọng để thực hiện đường lối kinh tế cởi mở của ĐTB
là mô hình các đặc khu kinh tế (ĐKKT) được thành lập từ năm
1980.
Đầu tiên, có
4 ĐKKT ở gần biên giới Hongkong, đặc biệt là Thâm quyến. Các doanh nhân từ Hong
kong sang, thành lập các xí nghiệp ngành may mặc, sản xuất đồ chơi, giày dép..
Chẵng bao lâu sau đó, Thâm quyến có sân golf, nhà chọc trời, những con đường
mới…Đến cuối năm 1980, có thêm ĐKKT thứ năm là Hải Nam. Theo tài liệu của Ngân
Hàng Thế Giới, đến năm 1993, đã có tới 3000 ĐKKT (thường được xây dựng dọc theo
duyên hải, dài hơn 14 000 km).
Các
ĐKKT được thành lập phỏng theo mô hình của Hongkong, dành rất nhiều ưu
đãi cho các nhà đầu tư về thuế khoá, cơ sở vật chất…với mục đích thu hút đầu tư
từ nước ngoài, kích thích thương mại quốc nội, tiếp thêm sức lực cho sự tăng
trưởng kinh tế. Thể chế ưu tiên của các ĐKKT, khác hẵn với thể chế áp dụng
trong nước tới mức « một quốc gia trong một quốc gia », có sức
hấp dẫn để thu hút đầu tư về vốn, về kỹ thuật, phương pháp quản lý…
Kết quả 30
năm áp dụng chủ nghĩa thực dụng của ĐTB, từ năm 1978, tổng sản lượng mỗi năm
tăng khoảng 9, 10 % . CHNDTH trở thành nước xuất cảng nhiều nhất thế giới. Theo
kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR :
Center for Economic & Business Research), Anh quốc, đưa ra ngày
16/12/2012, dự báo danh sách 10 nền kinh tế mạnh nhất thế giới năm 2012 và
trong 10 năm tới, CHNDTH đứng hàng thứ hai, chỉ sau Hoa kỳ :
Hoa
kỳ : GDP năm 2012 là 15.643 tỷ USD
GDP năm 2022 là (dư báo) là 23.496 tỷ USD
CHNDTH :
GDP năm 2012 là 8249 tỷ USD
GDP năm 2022 (dự báo) là 19516 tỷ USD
(1)
Đại Nhảy Vọt là kế hoạch xã hội và kinh tế của CHND Trung hoa thực hiện
từ 1958 đến 1960 nhằm mục tiêu sử dụng nhân số khổng lồ để chuyển tiếp nhanh
chóng Trung hoa từ môt nền kinh tế nông nghiệp dựa vào nông dân là chính
sang một xã hội công nghiệp cộng sản hiện đại. ĐNV là môt đại thảm họạ kinh tế
, số người chết lên đến trên 20 triệu.
(2)
Đại Cách mạng văn hoá giai cấp vô sản là một giai đoạn hỗn loạn xã hội
diễn ra trong 10 năm (1966 – 1976), gây tác động lớn lên mọi mặt của cuộc sống,
làm thay đổi quan niệm xã hội, chính trị và đạo đức. Mục tiêu chính thức của
cuộc cách mạng nầy là loại bỏ những phần tử « tư sản tự do ». Nhưng
mục đích chính của Mao là lấy lại quyền lực sau sự thất bại của Đại Nhảy
Vọt và loại bỏ những người bất đồng ý kiến như Lưu thiếu Kỳ, Đặng tiểu
Bình, Bành đức Hoài…
****
Sai
lầm lớn nhất của người cộng sản Việt Nam là đã cho áp dụng ngay mô hình kinh tế
của miền Bắc cho cả nước ngay sau khi thôn tính được miền Nam năm 1975, khẳng
định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội cho cả nước.. Các biện pháp thi hành
tại miền Nam sau ngày 30 tháng tư đã xoá bỏ những yếu tố tích cực của nền kinh
tế tư nhân và của thị trường tự do tại miền Nam : cải tạo xã
hội chủ nghĩa đối với các ngành sản xuất canh nông, kỹ nghệ và
thương mại, xoá bỏ tư sản « mại bản », đưa người ở thành phố Sài gòn
về các « vùng kinh tế mới », thống nhất tiền tệ (đổi tiền).
Về ngành
nông nghiệp, theo kế hoạch hợp tác hoá, ruộng đất được tập hợp
lại để tổ chức canh tác tập thể, sản phẩm được phân chia căn cứ theo mức đóng
góp. Máy móc của người nông dân bị trưng mua để thành lập các tập đoàn phục vụ
sản xuất nông nghiệp. Các tập đoàn sản xuất có nghĩa vụ bán sản phẩm của Nhà
nước theo giá kế hoạch, thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Bù lại, Nhà nước
cung cấp vật tư và hàng hoá tiêu dùng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế miền Nam
không thích hợp với mô hình hợp tác hoá vì chương trình « Người cày có
ruộng » của Việt nam Cộng Hoà vào đầu thập niên 1970 đã phân phối ruộng
đất khiến đa số nông dân miền Nam thuộc hạng trung nông với năng suất khá cao.
Do đó, nông dân không hưởng ứng, các tổ chức (1286 hợp tác xã và hơn
15.000 tổ sản xuất) tan rã vào cuối năm 1979. Hậu quả là sản xuất nông nghiệp
sút giảm trong khi dân số tăng, gây ra cảnh thiếu thực phẩm, dân chúng miền Nam
lần đầu tiên phải « ăn độn » bo bo, khoai,sắn.. đồng thời Việt Nam
phải nhập cảng 5,6 triệu tấn thực phẩm từ năm 1976 đến năm 1980. Nạn đói
kém đã xảy ra tại nhiều nơi.
Về các ngành
công thương nghiệp,
Vào năm
1975, thành phố Sài gòn của VNCH đã có một cơ sỏ vật chất, kinh tế, kỹ thuật
lớn nhất miền Nam, là nơi tập trung hơn 80% năng lực sản xuất, với 38.000
cơ sở kỹ nghệ, tiểu công nghê lớn nhỏ, 766 công ty. Sau hai đợt cải tạo
công thương nghiệp, nhà cầm quyền cộng sản đã quốc hữu hoá tài sản của 171 tư
sản mại bản. 59 tư sản thương mại cở lớn, cho thành lập 400 xí nghiệp quốc
doanh, 14.000 cơ sở tiểu công nghệ.
Chiến dịch
đánh vào tư sản mại bản bắt đầu từ tháng 9 năm 1975. Nhiều nhà tư bản
lớn của miền Nam đã bị bắt, tài sản của họ bị tịch thâu.
Nhà cầm
quyền Việt Nam còn gián tiếp cho phép (có thâu tiền) người Việt gốc Hoa
tổ chức vượt biển hàng loạt, trốn sang nước ngoài, gọi là « vượt biên bán
chính thức ».
Một số đông
gia đình người Việt Nam đã lo lót với Việt cộng để có giấy tờ giả là người Hoa
và nộp tiền để vượt biên trong dịp nầy
Song song
với việc cải tạo công thương nghiệp, còn có chiến dịch di dân thành phố về nông
thôn, đưa những người buôn bán về các vùng kinh tế mới . Thừa dịp nầy,
Cộng sản Việt Nam đã buộc những gia đình có hợp tác với chế độ VNCH đi ra khõi
thành phố. Phương pháp cưỡng bức dân thành thị đi vùng kinh tế mới gồm
có thu hồi hộ khẩu, rút thẻ mua gạo và các nhu yếu phẩm, và cấm trẻ em nhập
học.. Chỉ tiêu là 1.200.000 dân trong thành phố Sài gòn phải bỏ nhà cửa
đi ra vùng kinh tế mới để sinh sống. Các vùng kinh tế mới là một sự thất
bại lớn về kinh tế, đã gây ra sự đau thưong cho bao nhiêu gia đình và cũng là
môt cách trả thù thâm độc của Cộng sản đối với những người quốc gia.
Đổi tiền
Nhà cầm
quyền Cộng sản đã dùng phương thức đổi tiền nhiều lần từ ngày 30 tháng tư năm
1975, mục đích là « tước đoạt lại phần thu nhập của bọn đầu cơ tích
trử, bọn ăn cắp và những nguồn thu nhập không chính đáng khác, gópphần đấu
tranh nhằm xoá bỏ bóc lột, xoá bỏ lối làm ăn phi pháp, phá rối thị trường của
tư thương, phục vụ và thúc đẩy cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, hoàn thiện
quan hệ sản xuất ở miền Bắc, đưa cả nước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ
nghĩa ».
Sau ngày 30
tháng tư năm 1975, tiền VNCH phải đổi thành tiền Giải phóng vớí giá 500 đồng
VNCH cho mỗi đồng Giải Phóng.
Vào năm
1976, say sưa trong chiến thắng, đảng Lao động đổi tên là đảng Cộng sản, giải
tán Chánh phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt nam và cho ra đời Công hoà xã
hội chủ nghĩa Việt nam. Đồng tiền được thống nhất bằng cuộc đổi tiền vào tháng
5 năm 1978. Tỷ giá đổi tiền là, ở miền Bắc, 1 đồng cũ thành 1 đồng Thống Nhất,
ở miền Nam, 1 đồng Giải Phóng thành 0,80 đồng tiền Thống Nhất. mỗi hộ đôc thân
được đổi đến mức tối đa, ở thành thị là 100 đồng, ở nông thôn là 50 đồng.
Cải cách
giá-lương-tiền năm 1985 với nội dung chính như sau :
-Tính đủ chi phí hợp lý vào sản xuất
- hực hiện cơ chế một giá trong toàn bộ hệ thống giá cả
-Đảm bảo tiền lương thực tế
-Xác lập quyền tự chủ về tài chánh của các ngành và các cơ sở kinh tế
Cuộc cải
cách nầy đã làm cho nền kinh tế bị khủng hoảng nghiêm trọng.
Chi ngân
sách Nhà nước cho tiền lương tăng vọt nhưng thu ngân sách lại không tăng bao
nhiêu. Lạm phát bùng nổ. Những vòng xoáy điều chỉnh giá-lương-tiền càng làm cho
lạm phát leo thang nhanh chóng trong năm 1986. Tiền phát hành nhiều mà vẫn
không đủ. Vật tư , hàng hoá khan hiếm. Giá bán lương thực dầu tăng 10 lần vẫn
không đủ bù đắp chi phí.. Sản xuất nông nghiệp sa sút. Đầu tư trong ngành kỷ
nghệ giảm. Tháng 12 năm 1986, giá bán lẻ hàng hoá tăng 845,3% (587% so với năm
1985). Do đồng tiền mất giá, người ta quay sang lấy vàng làm bản vị, khiến giá
vàng tăng vọt, còn nhanh hơn cả sự gia tăng của giá hàng hoá. Khủng hoảng kinh
tế trầm trọng. Việt Nam không thực hiện được mục tiêu cơ bản là ổn định tình
hình kinh tế, xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Theo đảng cộng sản Việt nam,
các nguyên nhân chính của sự khủng hoảng là :
-Chủ quan, nóng vội trong con đường đi lên xã hội chủ nghĩa
-Áp dụng mô hình chủ nghĩa xã hội bao cấp
-Công nghiệp hoá giản đơn, tập trung vào công nghiệp nặng
Sai lầm về
kinh tế của Chính phủ : Bệnh chủ quan, duy ý chí - Lối suy nghĩ về hành
động đơn giản – Nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan – Khuynh hướng buông
lỏng quản lý kinh tế xã hội – Không chấp hành nghiêm chĩnh đường lối nguyên tắc
của đảng, vừa tả khuynh, vừa hữu khuynh.
Trong bối
cảnh đó, đảng cộng sản Việt nam, vào tháng 12 năm 1986 đã quyết định chủ trương
« Đổi mới ». Mô hình « kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa » ra đời. Theo đảng cộng sản Việt nam, đổi mới không
có nghĩa là thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà được hiểu là thay đổi cách
thức để đạt được mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Đổi mới về kinh tế sẽ chuyển động
từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường trong
đó cải cách giá cả là vấn đề then chốt, kế đến là việc giải toả tình trạng ngăn
sông cấm chợ. Lâu nay tình trạng nầy làm cản trở sự lưu thông hàng hoá tự do
trên thị trường. Đồng thời phải để quy luật cung cầu được vận hành, đưa hàng
hoà từ nơi thừa đến nơi thiếu. Đổi mới sẽ xoá bỏ kinh tế bao cấp, thực
hiện kinh tế nhiều thành phần, đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế, cơ chế kế
hoạch hoá, theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Về phương
diện chính trị, đổi mới quan hệ hợp tác quốc tế theo chiều hướng mở cửa,
kêu gọi và hợp tác đầu tư với nước ngoài. Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 là
văn bản luật đầu tiên góp phần tạo ra khung cảnh pháp lý cho việc hình thành
nền kinh tế thị trường tại Việt nam. Phải đợi đến năm 1991, luật doanh nghiệp
tư nhân và luật công ty mới ra đời. Sau đó là luật đất đai, luật thuế, luật phá
sản, luật môi trường…và các cải cách hành chánh giai đoạn 2001-2010 về các thủ
tục hành chánh, về cơ chế quản lý kinh tế cần thiết cho nền kinh tế thị trường.
Cho đến nay,
chính đảng Cộng sản Việt nam cũng thừa nhận rằng chưa nhận thức rõ, cụ thể và
đầy đủ về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chỉ có
giải thích nguyên lý chung rằng, đó là « nền kinh tế vận hành theo cơ chế
thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn
minh. » Người cộng sàn Việt nam cho rằng hệ thống kinh tế nầy hoàn toàn
mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Thật ra, đó là một lối lập luận để chối
bỏ sự « theo đuôi » chủ thuyết kinh tế tư bản của họ. Ông Adam
Smith là người có công lớn nhất xây dựng một hệ thống lý luận về chủ thuyết
kinh tế tư bản tự do (3) đã nói rõ về khái niệm kinh tế thị trường (market
economy) và về danh từ thị trường. Thị trưòng (market) là một bàn
tay vô hình hướng dẫn quyền lợi cá nhân của mỗi người, là một cơ chế vận
hành tốt nhất cho nền kinh tế. Trong một nền kinh tế thị trường, các quyết định
của các cá nhân về tiêu dùng các mặt hàng nào, các quyết định của các doanh
nghiệp về sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và các quyết định của người
công nhân về việc làm cho ai đều được thực hiện dưới sự tác động của giá cả thị
trường . Khác hẵn với kinh tế thị trường là nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung
(command-economy hay centrally-planned economy) theo chủ thuyết Cộng sản, là
nền kinh tế mà trong đó chính phủ đưa ra mọi quyết định về sản xuất và phân
phối. Cơ quan kế hoạch của chính phủ quyết định sẽ sản xuất ra cái gì, sản xuất
như thế nào và phân phối cho ai. Theo Marx, lập luận về ưu thế của nền kinh tế
kế hoạch tập trung là như sau :
-Không lãng phí các nguồn lực vì không tạo ra sản phẩm thừa.
-Hưóng nguồn lực khan hiếm vào những ngành sản xuất có ích cho quá trình phát
triển.
-Triệt tiêu sự bất công vì thặng dư của quá trình sản xuất sẽ được đưa vào ngân
sách rồi tái phân phối cho người lao động.
Mô hình đó
đã thất bại vì nó dựa trên quá nhiều giả định không tưởng về bản chất con người
va đi ngược lại các quy luật cơ bản của cơ chế thị trường theo chủ nghĩa tư
bản với những nguyên tắc là :
-Tam quyền phân lập
-Có sự phân chia và kiểm soát giữa các nhánh quyền lực
-Công khai và minh bạch trong các lãnh vực hoạch định, thi hành chính sách.
Vì chủ
trương kinh tế nhà nưóc giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa nên Công sản Việt nam cho thành lập hàng loạt các
doanh nghiệp nhà nước lớn như các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng
công ty. Từ đó, có thể nói kinh tế Việt nam đã trở thành kinh tế tư bản nhà
nước. Tuy nhiên, hiện không ít doanh nghiệp nhà nước lớn nầy hoạt động
không hiệu quả hoặc thua lỗ triền miên ( như trường hợp Tổng công ty Vinashin,
đã thua lỗ hơn 4 tỷ USD), đã dẫn tới yêu cầu tái cấu trúc và cổ phần hoá các
doanh nghiệp nầy.
Vì nhà nước
(thông qua các doanh nghiệp nhà nước) nắm quyền chi phối phần lớn tài nguyên
của nền kinh tế bao gồm đất đai, khoáng sản, tín dụng, vv.. nên có sư lạm dụng
tiêu cực, cán bộ tham nhũng, có sự thất thoát lãng phí. Do đó, nền kinh tế đạt
hiệu quả thấp.. Kém hiệu quả nhất là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài, nguyên nhân là do các báo cáo lỗ, do việc chuyễn giá giữa công ty mẹ với
các công ty con. Ví dụ, để có giá trị tăng thêm tương đương với 1 đồng, thì
Việt nam phải đầu tư 5,1 đồng (năm 2008) so vói 4,1 đồng của Thái lan. Muốn trở
thành một nưóc công nghiệp hoá như Đại hàn, Singapore, Đài loan, Hongkong, Việt
nam phải tốn kém gấp 1,5 lần. Như vậy, mục tiêu công nghiệp hoá sẽ khó đạt
được.
Có người cho
ràng vì khái niệm kinh tế thị trưòng định hưóng xã hội chủ nghĩa (KTTTĐHXHCN)
còn rất mập mờ nên cần đưọc xác định lại, để tránh trường hợp áp dụng kinh tế
kế hoạch hoá tập trung. Đúng lý ra thì nhà nước XHCN phải bảo đảm sự công bình
tương đối về xã hội và có chế độ an sinh xã hội cho người dân. Nhưng trên thực
tế, hiện nay không có sự bảo đảm nầy. Người dân vẫn phải đóng bệnh viện phí,
vẫn phải đóng học phí. Mới đây, nhà nước cộng sản còn quyết định tăng bệnh viện
phí và học phí, làm tăng thêm gánh nặng cho người dân nghèo.
Tại sao, sau
hơn 20 năm chuyển sang kinh tế thị trường mà doanh nghiệp vẫn còn èo uột, và
chủ yếu lấy cơ chế « xin-cho » làm tôn chỉ hành động, không tăng được
năng lực cạnh tranh?
Theo tin báo
chí truyền thông, mới đây, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt nam Nguyễn phú Trọng
đã nói « …xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ nầy,
không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt nam hay chưa ». Ngày
nào đảng Cộng sản Việt nam còn tồn tại thì vận mệnh của đất nước Việt nam vẫn
còn đen tối !. Ông Tràn Phương nguyên là phó Thủ tướng và hiện là Chủ tịch Hội
khoa học kinh tế Việt nam đã khuyến cáo đảng CS VN là đừng tiếp tục lừa bịp
dân và cần đoạn tuyệt với CNXH Mác-Lê nin để theo con đường kinh tế thị
trường của các nước thuộc thế giới tự do theo đúng nghĩa của nó.
CNXH
chỉ là một ảo tưởng. còn nói chi đến chủ nghĩa cộng sản, là ý thức hệ của người
cộng sản, với các thuyết tam vô (vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo) và
« làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu » !. Cũng chỉ là ảo tưởng,
không bao giờ thành tựu được! Thực tế đã chứng minh nó sai. Sau 70 năm xây dựng
tại Liên xô, người dân đã dứt khoát từ bỏ nó và Liên xô đã tan rã, kéo theo sự
từ bỏ CNXH của các nước chư hầu XHCN tại Đông Âu.
(3)
Adam Smith « The wealth of nations (An inquiry into the nature and causes
of the wealth of nations) – 1776
Nguyễn Thanh Bạch
Tham khảo:
1
- Oded Shenkar, “The Chinese Century-The rising Chinese economy and its
impact on the global economy…” Wharton School Publishing, New Jersey USA, 2006.
2
– “The evolving role of China in the global economy”, edited by Yin-Wong Cheung
and Jakob de Haan, MIT Press, Cambridge , Massachusetts, 2013.
3
- “ The Vietnamese economy and its transformation to an open market system”,
William T. Alpert, editor, M.E.Sharpe Armonk, Neww York, 2005.
4 -
“Ombres et lumières sur le Vietnam actuel”, AAFV, L’ Harmattan, Paris, 2003.
5 –
Wikipedia.