Ðại học Mỹ đưa đề tài
gây sốc để xét óc sáng tạo sinh viên xin học
Mỗi năm, khi các học sinh lớp 12 khởi sự nộp đơn xin vào các trường đại học, họ thường sẽ gặp phải những đề tài luận văn để nhà trường biết về đời sống và mục tiêu tương lai của mình.
Những đề tài thường thấy này có thể như: “Hãy cho chúng tôi biết bạn thích câu chuyện giễu nào nhất và tại sao.”
Tuy nhiên, tại một số trường đại học được coi là chọn lọc của Mỹ, đang có khuynh hướng thay đổi đề tài để dùng những bài luận văn này để xét về tinh thần sáng tạo của ứng viên.
Các trường đại học nổi tiếng như University of Chicago hay Brandeis University năm nay đã bỏ những đề tài quá thường như nêu trên bằng những câu hỏi khác lạ. Như câu hỏi của trường Brandeis: “Năm tới, bạn có sự lựa chọn để sẽ phải sống trong thời đại của quá khứ hay tương lai. Bạn sẽ chọn năm nào đến sống và tại sao?”(Giáo Sư Eugene Fama, người được giải Nobel Kinh Tế 2013, nói chuyện với sinh viên trong một lớp học ở đại học University of Chicago. (Hình minh họa: Scott Olson/Getty Images)
Năm nay, câu hỏi được bàn tán nhiều nhất là ở trường Tufts University, về ý nghĩa của “YOLO” chữ viết tắt của “You Only Live Once” (Bạn Chỉ Sống Một Lần) của tay rapper Drake.
Nhưng ngay cả các câu hỏi này cũng có vẻ “bình thường” so với một số câu hỏi của vài năm trước, như “Nếu bạn có thể được chọn để được nuôi dưỡng bởi người máy, khủng long thời tiền sử hay người hành tinh thì bạn sẽ chọn ai? (câu hỏi của trường Brandeis), hay “Play-Doh có liên hệ gì với Pluto?” (của Ðại Học Chicago).
Các trường đại học cho rằng những câu hỏi loại này cho họ nhận ra sự khác biệt giữa các ứng viên, dù rằng những người nộp đơn xin học có quyền chọn câu hỏi mà họ muốn trả lời. Ðây cũng là một chiều hướng đang ngày càng thấy nhiều hơn ở các trường đại học, nhất là các trường đại học danh giá, vốn không muốn các sinh viên của họ chỉ là những người có khả năng đạt điểm cao mà cũng phải có tinh thần suy nghĩ độc lập.
Các câu hỏi “gây sốc” này là phương cách giúp đại học nhận ra trong số những học sinh học toàn điểm A, có điểm thi rất cao, có nhiều hoạt động khác bên cạnh việc học hành - ai mới là người có đầu óc sáng tạo.
Phần lớn các đại học “danh giá” nay dùng hệ thống “Common Application,” vốn chỉ gồm các câu hỏi với đề tài căn bản, nhưng cũng đòi hỏi người nộp đơn phải viết về các đề tài do chính họ soạn ra.
“Trong thời buổi của Common App, có tình trạng là trường nào cũng giống như nhau, do đó chúng tôi muốn cho thấy sự khác biệt về trường chúng tôi cũng như người sinh viên mà chúng tôi muốn thâu nhận,” theo lời Andrew Flagel, giám đốc đặc trách sinh viên vụ tại Brandeis.
Tuy có những ứng viên than phiền là những câu hỏi “khác thường” này tạo thêm áp lực vốn đã nặng nề đối với người học sinh năm cuối trung học, nhiều học sinh khác sẵn sàng đón nhận điều này vì coi đây là cơ hội để nói về chính họ.
Một số các nhà tư vấn về ghi danh vào các trường đại học cho hay các câu hỏi này tạo khó khăn cho các học sinh từ các quốc gia khác.
“Chúng tôi có những học sinh từ Brazil hay Nicaragua, đối với họ việc hiểu câu chuyện diễu đã là khó, chứ đừng nói đến việc phải giải thích về nó,” theo lời Don MCMillan, một nhà tư vấn ở Boston.
Lê Tâm (theo NYT)
@nguoiviet
@nguoiviet