Tuesday, March 1, 2011

China


Mạt Lợi Hoa thật bất lợi!

Trích đoan :

Trung Quốc: Ðiện giựt trong khúc quanh:Thứ Bảy mùng năm này(05-03-2011), Quốc Hội Trung Quốc sẽ họp và thông qua Kế hoạch Ngũ niên thứ 12 cho năm năm 2011-2015 - xin viết tắt là KH12. Ðược thai nghén từ nhiều năm và hoàn tất tháng 10 năm ngoái sau hội nghị ban chấp hành trung ương kỳ V của Ðại hội khóa 17, KH12 sẽ đưa Trung Quốc vào khúc quanh. Chúng ta nên nhớ sự kiện này về tình hình Trung Quốc...

...Dù sự thể có khác biệt ở hai khu vực địa dư, sau Tết Tân Mão, lãnh đạo đảng đã tới tấp họp hành và ra lệnh cấm loan mọi tin liên quan tới “Ai Cập” và “Mubarak” - phiên âm ra Hán ngữ thành “Mục Ba Lập Khắc”.

Hôm 12, một ngày sau khi Tổng Thống Hosni Mubarak từ chức tại Ai Cập, Bộ Chính Trị thảo luận về cách ứng phó nếu Trung Quốc gặp làn sóng chống đối tương tự. Một tuần sau, ngày 19, trang web Boxun.com lại dùng mạng lưới điện toán kêu gọi dân chúng Hoa Lục biểu tình vào hôm sau tại 13 thành phố!

Lần này, chính Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào phải lên lưới.

Hôm 19, ông phát biểu tại “Trung ương đảng hiệu” - Trường đảng Trung ương: “Trung Quốc vẫn ở vào hoàn cảnh mà nhiều xung đột có thể xảy ra và phải quyết liệt sửa sai những thói tật thiếu lành mạnh”! Ðã đành là thiếu lành mạnh ngay trong đảng, mà trong xã hội cũng vậy...

Chỉ thị của Hồ là phải cải thiện lề lối làm việc của bộ máy công quyền từ cấp cơ sở lên, nhưng cũng phải kiểm soát việc sử dụng Internet trên không gian ảo. Thuật ngữ chuyên môn của Hoa Lục gọi là “không nghĩ xã quần”, là cộng đồng cư dân trên mạng không gian, virtual community.

Bộ Tuyên Truyền Trung Ương của đảng ra lệnh cấm loan tải tin tức về cách mạng hoa nhài (“Mạt Lợi Hoa Cách Mạng”), chỉ dùng tin được Tân Hoa Xã lọc trước. Và triệt để kiểm soát mọi giao dịch đối thoại qua các diễn đàn thông tin điện tử, các blogs hay mini-blogs và mạng “truyền thông xã hội”.

Boxun.com vốn chỉ là hộp thư ảo tại tiểu bang North Carolina của Hoa Kỳ, với cái tên có thể dịch là “Bác Tân” từ chữ “Bác tấn Tân văn cương” - “mạng lưới hỏi han mách bảo và tra xét rộng lớn” - và nối kết nhiều thành phần khác nhau. Vậy mà tại Hoa Lục lại có những người chẳng là quần chúng của Internet cũng đi biểu tình ở nhiều nơi ngoài 13 địa điểm nói trên! Họ liên lạc làm sao, rỉ tai nhau thế nào? Ðang dẫn gia đình đi chơi tại Bắc Kinh, Ðại Sứ Mỹ John Huntsman cũng ghé ngang tìm hiểu. Khi có người nhận ra, ông phải lánh để khỏi bị hiểu lầm là Mỹ xúi biểu tình!

Xưa nay, dân chúng Hoa Lục đã từng biểu tình, mỗi thành phần lại vì một lý do địa phương hay cục bộ - chống viên chức cường hào ác bá hay nạn tham ô, trường chưa xây đã sụp trên đầu học trò, sữa có chất độc melamine, v.v... Lần này, lời kêu gọi lại là biểu tình quy mô vì 13 lý do mở rộng là nhắm thẳng vào chế độ! Vì vậy, nhiều thành phần xưa nay chưa quen thuộc với các phương tiện mới như Facebook, Twitter hay YouTube cũng thấy lò dò đi biểu tình. Chẳng hiểu là ai gọi ai, bằng cách nào!

Khi người hèn hay người khờ mà cũng dám đi làm cách mạng thì chế độ lâm nguy!

Thừa thắng xông lên, hôm 22, Boxun kêu gọi biểu tình nữa vào ngày Chủ Nhật 27, tại 23 thành phố. Không chỉ kêu gọi “Trung Quốc nhân” mà cả “Hoa nhân” - người Hoa trong và ngoài nước. Trong ngoài tương ứng là vậy! Và thiên hạ lại có người xuống đường nữa: Cứ ra đường nhìn nhau cười cười thôi, chả nói gì mà chính quyền cũng nhột. Cảnh sát, công an, mật vụ và xe tưới nước xuất hiện khắp nơi, vung gậy và phun nước tung tóe. Và luống cuống hành hung cả ký giả ngoại quốc, khiến Ðại Sứ Huntsman lại lên tiếng than phiền! Biểu tình ảo gây tổn thất thật!

Trưa Chủ Nhật 27 đó, đến lượt Ôn Gia Bảo phải lên lưới, lần này trong nghĩa đen.

Ông lên lưới điện toán đối thoại trực tuyến với người hỏi và trong hơn một giờ đã vừa công vừa thủ, vừa phát động tuyên truyền vừa biện bạch: Giảm mức tăng trưởng mức 7% để chú trọng đến phẩm chất, công bằng xã hội, môi sinh, và sẽ thẳng tay diệt trừ tham nhũng...

Nhưng bài này không viết về biểu tình, mà chỉ nói đến một ưu tiên mới của Bắc Kinh khi thấy hoa nhài tỏa hương.

Hôm 21, ủy viên Bộ Chính Trị cầm đầu ban “Chính pháp Trung ương” - an ninh và tình báo của đảng - là Chu Vĩnh Khang nói với bí thư các tỉnh và các bộ trưởng của Quốc Vụ Viện về nhiệm vụ “quản lý xã hội”: Ðảng và nhà nước từ nay phải có trách nhiệm hàng đầu là ngăn ngừa mọi chống đối và mọi sự cố như biểu tình. Và phải cải thiện việc đăng ký hộ khẩu để kiểm soát chặt chẽ mọi sự di chuyển...

Ðâm ra, vừa thai nghén KH12 để cải cách chế độ hộ khẩu nhằm khai thông vấn đề kinh tế và chính trị cho khúc quanh sắp tới thì lãnh đạo lại bị điện giựt. Và giữa ngần ấy yêu cầu như kinh tế, xã hội và chính trị, an ninh bỗng thành ưu tiên số một!

Chúng ta có thể hiểu là trong xã hội Trung Quốc ngày nay, có ba thành phần sẵn sàng lên tiếng chống đối.

Ðó là những người bất đồng chính kiến, dân có học, hành nghề tự do, hoặc trí thức có tinh thần khai phóng tương tự như Tây phương. Họ chỉ là thiểu số. Thứ hai, đông hơn một chút, là thanh niên sinh viên có lý tưởng hay tham vọng chính trị và muốn thay đổi hệ thống hiện tại. Thứ ba, đông hơn cả, là quảng đại quần chúng bất mãn về cả ngàn chuyện bất công hay gai mắt trong đời sống.

Hai thành phần đầu thì có điều kiện giao tiếp với mạng lưới “truyền thông xã hội”, vào Internet trao đổi tin tức, mà cũng có quan hệ gia đình để phần nào hiểu được cách suy tư của đảng. Nhưng họ chưa thể gây ra cách mạng - dù với cái trớn của “cách mạng hoa nhài” và phương tiện kỹ thuật hiện đại. Trung Quốc có 400 triệu người có thể truy cập Internet nhưng cũng có một hệ thống kiểm soát Internet quy mô vĩ đại nhất thế giới.

Nhưng bây giờ - năm nay - xứ này bị hạn hán nặng nhất kể từ 60 năm, lương thực, giá xăng dầu, nhà cửa và lạm phát đang khiến số dân bất mãn gia tăng. Và sự lạc hậu của chế độ hộ khẩu thì đã mười mươi đến nỗi đảng sẽ phải cải cách. Nếu thiểu số cứ gọi là “ưu tú” và “tiến bộ” - hai thành phần đầu tiên - mà vươn tới và huy động được thành phần quần chúng kia thì khúc quanh sắp tới của đảng sẽ là khúc hiểm nghèo.

Ðâm ra yêu cầu “quản lý xã hội” của Chu Vĩnh Khang là cây gậy thọc ngang bánh xe ở khúc quanh! Chuyện nên theo dõi...


Đọc toàn bài tại : nguoivietonline

Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguồn:nguoivietonline