Wednesday, March 30, 2011

Libya

Nghịch Lý

Video world/video

Tình hình biến-động tại Libya cho thấy một vài sự kiện được ghi nhận là nghịch lý.

Cơ-quan quốc-tế Liên Hiệp Quốc ra nghị-quyết thiếp-lập vùng cấm bay trên không phận Libya cho phép các nước, Tây phương và Trung Đông được áp-dụng mọi biện-pháp cần-thiết để bảo-vệ sinh-mạng thường dân...Libya vì nhà cầm-quyền đã có hành-động dã-man, tàn-ác với chính dân chúng của nước ấy qua các hành-động quân-sự trong đó có việc tuyển-dụng và sử dụng...lính đánh thuê Phi châu để giết chóc người Lybia.

Libya là một quốc-gia có chủ quyền và là hội-viên chính-thức của...Liên Hiệp Quốc.

Thế-giới Hồi giáo thường là đoàn-kết nhưng lần này Liên-Minh Ả Rập đã biểu-lộ sự khó chịu đối với Libya về việc chính-phủ của nước này đã tàn-ác với dân chúng của họ từ lời nói cho đến hành-động đến nỗi gần như kêu nài LHQ cần phải hành-động càng sớm càng tốt để cứu dân chúng Libya khỏi bàn tay sắt máu của...Moammar Gadhafi.

Chỉ một thời-gian ngắn sau khi nghị-quyết cấm bay được Hội-Đồng Bảo-An thông-qua, mọi người, từ dân chúng Libya ở các thành-phố miền đông của nước này, cho đến các nước trong Liên Minh Ả Rập và các nước Tây phương vui như tết. Phi-đạn từ các tàu chiến và tiềm thủy đỉnh Anh Mỹ đậu ở ngoài khơi Địa Trung Hải bắt-đầu được khai hoả hàng loạt, phi cơ oanh-tạc của Pháp đã bay vào không-phận Libya, từ phi-đạn cho tới phóng pháo cơ trực chỉ các dàn cao-xạ phòng không, các địa-điểm đặt dàn-phóng hỏa tiễn SAM, phi-trường, phi-cơ đang đậu dưới đất, xe tăng của phe Gadhafi đánh phá. Chỉ sau một ngày, Tổng Thư Ký của Liên-Minh Ả Rập Amr Moussa đã lên tiếng phản-đối kịch-liệt Tây phương, ông ấy bảo rằng Anh Pháp Mỹ đã làm quá lố! Theo ông ấy, duy-trì lệnh cấm bay có nghĩa là liên quân Tây phương dùng phi-cơ bay tuần-phòng để ngăn cản phi-cơ của Libya ở trên trời tránh cho dân chúng Libya ở bên dưới khỏi bị ăn bom và đạn của Gadhafi chứ không phải là không kích ồ ạt các địa điểm quân-sự của Libya dưới đất làm chết cả thường dân như thế!

Mục-đích của các trận oanh-kích của Tây phương là để bảo-vệ sinh mạng của thường dân và sự tiếp-tế nhân-đạo, nhưng ai cũng hiểu mục-đích tối-hậu của chiến-dịch quân-sự lần này là triệt-hạ nhà độc tài Gadhafi.

Có hai thành-phần của Libya đang đối đầu với nhau hiện nay: Ở phía tây với thủ đô Tripoli "chính-phủ" Gadhafi đang cố-gắng ra sức thu tóm giang-sơn vào trong bàn tay kiểm-soát của mình, một mình đơn thân độc mã đương cự với cả thế giới. Các bạn vàng, từ Venezuela, Trung quốc, Nga, Ấn Độ, Ba Tây, Đức cho đến Việt Nam kỳ dư chỉ đánh võ mồm yểm-trợ. Ở phía đông, thành-phần đối-ứng với Tripoli được báo chí gọi là "quân phiến loạn" thì lại nhận được sự ủng-hộ nhiệt-thành của cả Tây phương lẫn khối Ả Rập. Cho đến bây-giờ, Tây phương cũng không biết rõ phiến loạn là người nào! Quân chính-phủ có tổ-chức, có hỏa-lực mạnh, còn phiến quân thì thiếu tổ-chức và lại trang-bị yếu. Với tình-trạng này, phe chống-đối khó lòng mà toàn thắng được. Họ đang nhắm tiến về hướng thủ-đô và địa-điểm trước mắt là quê-hương của Gadhafi, Sirte. Nếu may-mắn thành-công nhờ các thành-phần thân chính-quyền lần-lượt tan-rã, không biết họ có đủ khả-năng ổn-định tình-hình và lãnh-đạo đất nước hay không. Tướng tư-lệnh phiến quân là Hamdi Hassi nói rằng, có Gadhafi và rồi có cả những lớp người ủng-hộ chung-quanh ông ấy và rằng từng lớp từng lớp đang từ từ rã ra và biến mất và rằng nếu con số này gia-tăng phe ông tướng sẽ gặp dễ-dàng hơn. Trận chiến Sirte lần này sẽ là một trận thư hùng sống mái giữa hai bên. Trong trường-hợp cận chiến như thế, phi-cơ của Tây phương khó lòng can-thiệp và yểm-trợ hữu-hiệu phe nhà, mà nếu phe miền đông không thành-công và bị thiệt-hại nặng lần này thì tương-lai của họ sẽ đen tối ngay!

Sau chuyến công du Nam Mỹ một tuần-lễ trở về Washington, Tổng Thống Obama đang ở thế bị động. Lúc còn là ứng-cử-viên Tổng Thống, ông Obama chủ-trương hòa-hoãn với thế-giới, không muốn can-dự vào quân-sự tại các vùng trên thế giới. Không những thế ông ấy còn chủ-trương rút quân từ Iraq và Afghanistan về nước. Tình-hình Trung Đông biến-chuyển ào-ạt, ông ấy chỉ can-thiệp bằng mồm, thận-trọng tối-đa tránh đi vào vết xe của người tiền-nhiệm. Ông ấy có vẻ bình chân như vại trước tình hình biến-chuyển tại Libya. Ông Obama xác-định lập-trường của Hoa Kỳ là không đơn-phương kết-ước vào một cuộc chiến nào nữa, Hoa Kỳ đã quá mệt với Iraq và Afghanistan rồi. Thế rồi, tình-hình đưa đẩy. Nhà độc-tài Gadhafi đàn-áp dân chúng của ông ấy dã man quá, Liên Minh Ả Rập không chịu đựng nổi, đã phải yêu-cầu LHQ can-thiệp. Thêm vào với sự hỗ-trợ của Tây phương, nghị-quyết cấm bay ra đời. Không đầy 24 tiếng đồng-hồ sau, hỏa tiễn và phi-đan từ các tàu chiến của Mỹ được phóng lên, phi cơ Hoa Kỳ lâm chiến, tất cả đều nhắm vào các mục-tiêu quân-sự trong nội địa Libya. Có giải-thích thế nào đi nữa, hành-động oanh-kích các địa-điểm quân-sự của Libya như thế mặc-nhiên được xem là tuyên-chiến với Libya rồi. Với lập-trường trái ngược với Tổng Thống George W. Bush bỗng dưng một sớm một chiều, ông Obama đã làm giống người tiền-nhiệm của mình, can-dự quân-đội Hoa Kỳ, mặc dù chỉ gồm có Không quân và Hải quân, vào một cuộc chiến mới. Các đối thủ chính-trị của ông Obama chỉ chờ có thế. Vào năm tới, cuộc bầu cử Tổng Thống sẽ mở màn. Cơ hội tấn công đối phương đã tới. Ở địa vị của ông Obama, mọi người thấy ông ở vào một hoàn-cảnh tiến thối lưỡng nan, khó mà làm khác được. Ông ấy đã rào đón khá kỹ trước khi cho phép Hải quân không kích Libya. Ông Obama đã bình-tĩnh chờ-đợi trước sự hồi-hộp của nhiều người trước lời đe dọa và hành-động tàn-sát không nhân-nhượng dân chúng Libya của Gadhafi. Lãnh tụ Libya xếp những người chống đối ông ấy vào thành-phần khủng-bố. Ông Obama chờ cho đến khi khối Ả Rập đồng-ý can-thiệp và cuối cùng là LHQ bật đèn xanh, ông Tổng Thống mới ra lệnh cho quân-lực Hoa Kỳ hành-động. Trước các lời chỉ-trích chính-phủ Mỹ, ngày hôm qua, ông Obama đã cố-gắng bào-chữa cho việc làm của Hoa Kỳ. Ông ấy bảo là việc Hoa Kỳ can thiệp vào Libya là để ngăn-ngừa một cuộc tàn-sát lương dân nhờ thế mà lương-tâm thế-giới không bị hoen ố, và nhờ thế nước này không phản-bội lại bản-chất người Mỹ.

Ông Obama nói từ bỏ trách-nhiệm như là của một nước ở vị thế lãnh-đạo và sâu-xa hơn nữa những trách-nhiệm của người Mỹ đối với đồng loại trong hoàn-cảnh như thế là một sự phản-bội với chính họ. Tổng Thống Obama cho rằng Libya không phải là Iraq, thành ra công chúng không có gì phải lo. Ông ấy khôn khéo không đưa bộ binh Hoa Kỳ vào Libya. Ngoài ra, ông ấy xác-định vai-trò chính của Khối Minh-Ước Bắc Đại Tây Dương trong vụ Libya và rằng Hoa Kỳ chỉ đóng vai-trò yểm-trợ khiêm-nhường, một vai-trò phụ, cho Liên Minh này mà thôi. Hành-pháp không sẵn-sàng đóng vai chủ-động tại Libya, không yêu-cầu Quốc Hội chuẩn-chi chiến-phí mới cho vụ Libya và đâu có tuyên-chiến với ai, như thế sao lại gọi là tham-gia chiến-tranh được! Tổng Thống Obama cho biết việc can-thiệp bằng không-lực vào Libya từ Thứ Tư trở đi là việc làm của NATO. Nói tóm lại, ông Obama tin-tưởng rằng lý-do mà Hoa Kỳ và đồng-minh can-thiệp vào Libya là vì quyền-lợi quốc-gia của chính mình.

Tình-trạng Libya không những gây ra một sự tranh-luận giũa các chính-trị gia Hoa Kỳ mà nó còn khiến cho chính-giới Nga lâm vào tình-trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược nữa.

Nga là nước đã cùng với Trung quốc, Ba Tây, Ấn Độ và Đức bỏ phiếu trắng thiết-lập vùng cấm bay Libya ngày 17 tháng 3 vừa qua tại trụ-sở HĐBA LHQ. Sau khi các căn-cứ quân-sự của Libya bị lãnh bom và hỏa tiễn của liên quân Tây phương, Thủ Tướng Nga Putin tuyên-bố nghị quyết Liên Hiệp Quốc cho lập vùng cấm bay ở Libya là “cuộc thập tự chinh thời Trung cổ.”

Trong thời-gian qua, ông Tổng Thống và ông Thủ Tướng lãnh-đạo nước Nga thường kín đáo không công-khai để lộ cho thế giới thấy sự khác-biệt quan-điểm của họ đối với tình-hình quốc-tế. Ấy thế mà Tổng Thống Medvedev đã biểu-lộ sự bất-đồng với ông Thũ Tướng khi ông ấy nói với báo-chí hôm Thứ Hai rằng: “Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thể chấp nhận được khi đưa ra những phát biểu có thể dẫn đến xung đột giữa các nền văn minh, chẳng hạn như thập tự chinh.” Ông Medvedev bênh vực hành-động bỏ phiếu trắng của Nga cho nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và rằng việc ấy chẳng có gì sai cả trước các hành-động tôi phạm của chính quyền Libya đối với dân chúng của nước ấy.

Vào năm 2003, Tổng Thống Mỹ George W. Bush đã hớ-hênh gọi sự tiến quân của lực-lượng Hoa Kỳ vào Iraq là "thánh chiến". Ngày nay, Thủ Tướng Nga lại sử dụng từ ngữ tương-tự đối với Không quân và Hải quân Tây phương. Xem ra, các nhà lãnh-đạo đôi khi quên mất vị thế của mình thường quan-trọng hóa vấn-đề làm sự việc trở nên phức-tạp và nguy-hiểm một cách không cần-thiết! Rõ-ràng, lý do của sự can-thiệp này có tính-cách nhân đạo chứ chẳng liên-hệ gì đến tôn-giáo ở đây cả!

Cái nghịch-lý cuối cùng là việc các đại-diện ngoại-giao của gần 40 nước trên thế-giới, gồm có Tây phương, LHQ và Ả Rập, sau khi họp-hành với nhau tại Luân Đôn vào Thứ Ba về tình-hình Libya đã đi đến cùng một kết-luận là Gadhafi phải ra đi. Ngoại Trưởng Đức Guido Westerwelle nói:"Một điều hoàn-toàn rõ-ràng và phải được làm cho thật rõ-ràng đối với Gadhafi là: Thời-gian của đương-sự đã hết. Ông ta phải ra đi thôi. Chúng ta phải hủy diệt cái ảo-tưởng là có một cách để trở lại sinh-hoạt bình-thường nếu ông ta xoay-sở bấu-víu vào quyền-lực." (One thing is quite clear and has to be made very clear to Gadhafi: His time is over. He must go. We must destroy his illusion that there is a way back to business as usual if he manages to cling to power). Làm cách nào cho Gadhafi từ bỏ quyền-lực thì các nhà ngoại-giao không đưa ra cụ thể. Họp-hành kêu gọi bằng mồm kiểu này gặp phải Gadhafi cũng thích lý-sự rồi sẽ chẳng đi đến đâu! Một sự nghịch-lý thấy rõ là các nhà ngoại-giao thế-giới chẳng có tư-cách gì để thay-đổi nhà lãnh-đạo hợp-pháp của một nước. Bảo là Gadhafi dã-man, không còn tư-cách hợp-pháp chính-đáng để lãnh-đạo Libya, nhưng lại không có nước nào công-khai tuyên-bố và thực-sự hành-động để đem quân vào để diệt một cá-nhân tham-quyền cố-vị, độc-tài khát máu Gadhafi. Chưa bao giờ hơn 30 nước lớn bé đồng lòng chống lại một nước bé xíu Bắc Phi đang trong tình-trạng chia hai lại tỏ ra lúng túng như thế này! Không có nước nào dám chắc là tình-hình biến-chuyển tại Libya sẽ đưa đến một khuôn mặt lãnh-đạo mới như thế nào sau khi Gadhafi không còn hiện-diện trên chính-trường. Không khéo Libya sẽ trở thành Iraq hay Afghanistan. Nước ấy sẽ phải chịu đựng sự thao túng của nhóm Hổi giáo quá khích hay Al Qaeda thì nguy to cho cả thế-giới và chính dân chúng Libya! Cái nhóm này đang thập-thò xuất-hiện tại Libya.

Libya là một nước sản-xuất dầu, ấy thế mà dân chúng Tripoli đã phải xếp hàng để mua xăng mà không có xăng để bán. Giá xăng trên thế-giới đang bò lên nhè nhẹ mỗi ngày. Rồi ra, thực-phẩm và quần áo phải bớt đi; bớt ăn, bớt mặc, để mà lấy tiền đổ xăng đi làm. Cái thời ăn, xài mặc sức nay còn đâu! Cái viễn ảnh 5 đô la một ga-lông xăng đang hiện rõ dần trước mắt mọi người!

Cả thế-giới lúng túng với "tên điên của Trung Đông", không biết phải làm thế nào cho phải lẽ !

Nguyễn Văn Huy
@china