Monday, March 7, 2011

Jasmine Revolution


Những Lý Do Nào Đưa Đến Cuộc Cách Mạng Hoa Nhài?

“Các chế độ độc tài không thể dùng phát triển kinh tế để mua sự ổn định chính trị và để chính thống hóa quyền cai trị lâu dài.”

Vào đầu năm nay, những người yêu chuộng tự do trên thế giới vui mừng đón nhận cuộc cách mạng nhân dân thành công tại hai nước Tunisia và Ai cập. Cuộc cách mạng này hiện đang tiếp diễn tại những quốc gia khác ở trong vùng như Libya, Yemen, Algeria, Barhain, Jordan, Morocco, Oman, … Chắc hẳn tất cả những ai lưu tâm đến thời cuộc đều tự hỏi những lý do nào đưa đến cuộc cách mạng hiện nay ở Trung Đông và Bắc Phi.(Hình phải:Cuộc Cách Mạng Hoa Nhài lan sang Trung Quốc)

Khát vọng tự do dân chủ

GS Kinh Tế Chính Trị Học Dani Rodrik của Đại Học Harvard cho rằng “Những người chống đối ở Tunis và Cairo biểu tình không phải vì thiếu cơ hội kinh tế hoặc dịch vụ xã hội tồi tệ. Họ biểu tình để chống lại một chế độ chính trị thiển cận, cô lập, độc đoán, và thối nát.” [1]

Thật vậy, theo chỉ số phát triển con người (human development index) của Liên Hiệp Quốc, một con số thống kê hỗn hợp bao gồm ba yếu tố tuổi thọ, giáo dục, và lợi tức trung bình đầu người (đo mức sống), Tunisia được xếp vào hạng cao ở thứ 81 trong 169 nước và Ai Cập thuộc hạng trung bình ở thứ 101.

Tuy nhiên theo GS Dani Rodrik, kinh tế tốt không phải luôn luôn là chính trị tốt (Good economics need not always mean good politics)... Kinh tế phát triển không luôn luôn tạo ra ổn định chính trị ngoại trừ các định chế chính trị được phép thay đổi, phát triển và trưởng thành. Trên thực tế, kinh tế phát triển lại phát sinh ra những chuyển động về xã hội và kinh tế, một nguồn gốc của bất ổn chính trị.

GS Dani Rodrik dẫn chứng nhận định của nhà chính trị học Samuel Huntington đã công bố 40 năm trước đây rằng “Thay đổi xã hội và kinh tế - đô thị hóa, gia tăng trình độ giáo dục và biết đọc biết viết, công nghiệp hóa và phát triển thông tin đại chúng – tăng cường sự hiểu biết về chính trị, tạo ra những đòi hỏi chánh trị, mở rộng sự tham gia vào chính trị.”

Phát triển kinh tế không đương nhiên đưa đến dân chủ nhưng nó tạo ra một môi trường thích hợp hơn cho việc phát triển dân chủ. [2] Các chế độ độc tài không thể dùng phát triển kinh tế để mua sự ổn định chính trị và để chính thống hóa quyền cai trị lâu dài. Đó là trường hợp của hai nước Tunisia và Ai Cập. Đây cũng là một lời cảnh báo nghiêm chỉnh cho Việt Nam và Trung Quốc.

Tính cách chính thống của chế độ độc tài ở Tunisia mới đây đã bị thiệt hại thêm rất nhiều sau khi Wikileaks đã tiết lộ rằng những nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã xem Tunisia như một quốc gia Mafia cai trị bởi Ben Ali và vợ thứ hai Leila Trabelsi bị dân chúng thù ghét. Chính quyền Mubarak cũng bị dân chúng xem như một thứ bù nhìn của Hoa Kỳ vì chánh sách ngoại giao thân Mỹ của Mubarak trong những lãnh vực Do Thái – Palestine, không đếm xỉa gì đến dư luận quần chúng. Cả hai ông cựu Tổng Thống Tunisia và Ai Cập đều đã già nua nhưng đều toan tính nhường ngôi lại cho con rể và con ruột của mình.

Bất công xã hội


GS Kinh Tế và Chính Trị Học Barry Eichengreen của Đại Học California ở Berkeley phân tách thêm rằng, “Tại cả hai nước Tunisia và Ai Cập, chánh quyền đã tăng cường chính sách vĩ mô và đã thi hành những biện pháp nới rộng nền kinh tế. Những cải tổ của hai nước này đã đem lại những kết quả tốt. Kể từ năm 1999, kinh tế đã tăng trưởng trung bình 5.1% hàng năm tại Ai Cập và 4.6% tại Tunisia – chắc chắn không phải là mức tăng trưởng như của Trung Quốc, tuy nhiên có thể so sánh với những nước đang nổi lên và thành công về mặt kinh tế như Brazil và Nam Dương.” [3] (Hình (Getty Images): Cựu Tổng Thống Tunisia Zine El-Abidine Ben Ali (thứ hai từ bên trái) đến bệnh viện thăm viếng thanh niên 26 tuổi Mohamed Al Bouazzizi (right).

Anh đã tốt nghiệp đại học nhưng buộc phải bán rau và trái cây ở đường phố vì thất nghiệp. Bị tịch thu xe bán rau và trái cây lại còn bị cảnh sát sách nhiễu, Mohamed Al Bouazzizi đã tự thiêu vào ngày 17-12-2010 và đã chết tại bệnh viện. Cái chết của Mohamed Al Bouazzizi đã châm ngòi cho sự vùng lên đòi quyền sống và tự do tại các nước Bắc Phi và Trung Đông.

Nhưng sự bất ổn chính trị đã bắt nguồn từ thất bại của chánh quyền trong việc phân chia lợi tức một cách công bằng, đặc biệt đối với những giai cấp bị thiệt thòi trong xã hội đó là giới trẻ, nông dân và công nhân. Họ không được hưởng lợi ích của sự phát triển kinh tế mà còn có thể trở thành nạn nhân vì gia tăng giá cả do sự tiêu sài phung phí của giới quyền thế và giầu có. Cách biệt giầu nghèo rất lớn trong những nước độc tài. Trong kinh tế, sự phân chia lợi tức quốc gia một cách công bằng cũng quan trọng không kém gì sự phát triển lợi tức.

Nhiều người đồng ý rằng cựu Tổng Thống Tunisia Zine el-Abidine Ben Ali và cựu Tổng Thống Ai Cập Hosni Mubarak bị lật đổ bởi sự cách biệt lợi tức và nạn lạm phát. Trong suốt 30 năm dưới quyền cai trị của ông Mubarak, Ai Cập cách biệt lợi tức ngày càng mở rộng. Khoảng một nửa số dân Ai Cập sống bằng $2/ngày hoặc ít hơn. Trong khi đó lợi tức trung bình mỗi đầu người là $6,200/năm theo CIA World Fact Book.

Vấn đề chính của Ai Cập là nạn thất nghiệp nhất là trong giới trẻ. Tỉ lệ thất nghiệp của giới sinh viên tốt nghiệp cao gấp 10 lần so với những người chỉ học xong tiểu học. Mỗi năm số người tìm kiếm việc làm gia tăng 4% do những thanh niên lần đầu tiên gia nhập vào thị trường nhân công. Mỗi năm có 700,000 sinh viên tốt nghiệp mà chỉ có 200,000 việc làm mới cho họ. [4] (Hình (Youssef Chouhoud): Biểu tình của quần chúng tại Tahir Square, thủ đô Cairo, Ai Cập.)

Mặc dù Ai Cập, Tunisia, và nhiều nước khác ở Trung Đông đã thành công một phần về mặt phát triển kinh tế, chứ không phải là thất bại, nhưng những chánh thể độc tài này được lãnh đạo bởi một thiểu số có liên hệ gia đình hay phe cánh. Do đó bất công xã hội đầy rẫy. Chỉ số tham nhũng của Tunisia và Ai Cập trong năm 2010 là 59 và 98 trong số 178 quốc gia được điều nghiên.

Những cuộc biểu tình chống đối chính quyền tại những nước độc tài có nhiều lý do khác nhau mang cả ba mầu sắc chính trị, kinh tế, cũng như xã hội. Thật sự khó mà có một cuộc cách mạng nào thuần túy mang một mầu sắc riêng biệt. Những lý do có thể là giá thực phẩm lên cao, nạn thất nghiệp, cảnh sát lạm dụng quyền lực, vi phạm nhân quyền, đàn áp chính trị, v.v. Tuy nhiên nạn tham nhũng thường chiếm hàng đầu.

Trong triều đại Hosni Mubarak, những thương gia trong đảng cầm quyền National Democratic Party (NDP) và trong Quốc Hội là những người có nhiều thế lực và giầu có. Tờ báo Al-Masry al-Youm ước tính rằng gia sản của ông Ahmed Ezz, cựu thư ký của NDP, trị giá 3 tỉ Mỹ kim. Công Tố Viên Ai Cập nói rằng trước khi tham gia chính quyền Mubarak, ông Ahmed Ezz chỉ có khoảng 300,000 Mỹ kim vào năm 1989. [5] Gia tài của mỗi bộ trưởng đáng giá từ 1.8 tỉ Mỹ kim đến 2.2 tỉ Mỹ kim cũng theo báo Al-Masry al-Youm. Đã có ba ông bộ trưởng tìm cách ra nước ngoài nhưng bị từ chối vì họ đang bị điều tra. Môt người dân trung bình Ai Cập chỉ kiếm được có 60 Mỹ kim một tuần theo số thống kê của chính phủ. Con số trung bình này xem ra còn cao hơn rất nhiều so với lợi tức của riêng lớp người nghèo ($2/ngày).

“Võ khí” chống độc tài hiệu quả

Có rất nhiều võ khí để chống độc tài. Một số võ khí gần đây qua cuộc nổi dậy của dân chúng ở Trung Đông, Bắc Phi và Đông Âu đã tỏ ra rất hiệu quả.

Thứ nhất là biện pháp tịch thu tài sản mà những kẻ độc tài đã ăn cắp của dân chúng còn ở trong nước cũng như đã tẩu tán ra ngoại quốc. Theo một bản tin của Associated Press, cách đây vài ngày, Công Tố Viện Ai Cập đã ra lệnh tịch biên tài sản của cựu Tổng Thống Hosni Mubarak và gia đình, ước tính có từ 1 tỉ đến 70 tỉ Mỹ kim, ở trong nước cũng như tại ngoại quốc. Ngoài ra, tài sản của một vài viên chức trong Đảng Dân Chủ Quốc Gia (National Democratic Party – NDP) của cựu Tổng Thống Hosni Mubarak và bốn cựu bộ trưởng cũng chịu chung một số phận. [6]

Thể theo lời yêu cầu của Tunisia, Liên Hiêp Âu Châu đã đồng ý tịch biên tài sản của cựu Tổng Thống Zine el-Abidine Ben Ali và gia gia đình. Theo những nguồn tin ngoại giao, tài sản của một số cựu viên chức thân cận với cựu Tổng Thống Ben Ali cũng bị tịch biên.[7]

Thứ hai là luật trừng phạt những kẻ phạm tội ác chống nhân loại. Trong trường hợp, dân chúng biểu tình một cách ôn hòa để bầy tỏ nguyện vọng chánh đáng với nhà cầm quyền. Nếu dân chúng bị đàn áp bằng võ lực, những kẻ ra lệnh đàn áp sẽ bị kết tội ác chống nhân loại (crime against humanity) theo Quy Chế Rome của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế. Luật này bao hàm những tội phạm mang tính cách thù hận và xúc phạm đến nhân phẩm hoặc nhục mạ trầm trọng danh giá một hay nhiều người. Những tội phạm này không có tính cách cô lập hoặc bộc phát, mà là một phần thuộc chính sách của chánh quyền hoặc cách hành sử tàn bạo thông thường được áp dụng bởi chánh phủ (government) hoặc giới chức cầm quyền trên thực tế (de facto authority).

Luật trừng phạt tội ác chống nhân loại đã được sử dụng để kết án những tội phạm của quân phiệt Nhật và Đức Quốc Xã xẩy ra trong Thế Chiến Thứ Hai. Liên Hiệp Quốc vào năm 1976 đã kết án chính phủ Nam Phi vi phạm tội ác chống nhân loại vì những hành động ngược đãi có hệ thống để chống lại các nhóm sắc tộc da đen. Gần đây hơn, lần lượt vào 1993 và 1994, Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận để Tòa Án Hinh Sự Quốc Tế xét sử các tội ác chống nhân loại tại cựu quốc gia Nam Tư và Rwanda. Tòa Án Hình Sự Quốc Tế đã ban nhiều án khác nhau từ phạt tù nhiều năm, hay suốt đời, cho đến tử hình.

Chánh quyền Moammar Gadhafi đã phải giảm bớt việc sử dụng vũ khí chống dân biểu tình sau khi các tổ chức nhân quyền quốc tế, chánh phủ Hoa Kỳ và Âu châu lên tiếng cảnh cáo libya về tội ác chống nhân loại. Một khi được bảo vệ chống lại sự đàn áp tàn bạo của chính quyền bằng vũ khí giết người, dân chúng rất mạnh dạn hơn để thi hành quyền phát biểu tự do.

Thứ ba là hệ thống truyền thông đại chúng rất phổ thông hiện nay như Internet, Facebook, và Twitter. Hai cuộc nổi dậy tại Tunisia và Ai Cập đã chứng tỏ rằng những hệ thống thông tin đại chúng này tỏ ra vô cùng lợi hại. Khoảng 55 triệu trong gần 80 triệu dân Ai Cập có điện thoại di động và khoảng 20 triệu có Internet. [8] Wael Ghonim, một Giám Đốc Điều Hành trẻ tuổi của Google tại thủ đô Cairo đã thiết lập một nhóm Facebook gọi là “We Are All Khaled Saeed”, tên một nạn nhân bị Cảnh Sát Ai Cập đánh chết. Nhóm này đã thu hút được hàng trăm ngàn thành viên khắp nơi trên thế giới tham gia vào cuộc nổi dậy. Một phụ nữ tên là Asmaa Mahfouz đã đưa lên mạng một đoạn truyền hình kêu gọi mọi người tham gia biểu tình công khai và đã tạo ra một khích động lớn.

Tuy nhiên, ngoài những phương tiện thông tin hiện đại kể trên, báo chí địa phương và lời truyền miệng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến tin tức trong cuộc nổi dậy của dân Ai Cập. Chính vì vậy, sau khi chính quyền Mubarak ngăn chặn tất cả những phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục và còn tăng cường mạnh mẽ hơn.

Từ chế độ độc tài đến dân chủ

Ngoài ra, còn có một “võ khí” vô cùng lợi hại, nhưng ít người để ý đến đó là hai cuốn cẩm nang hướng dẫn cách mạng bất bạo động của GS Gene Sharp với 198 “võ khí” bất bạo động. [9]

(1) Waging Nonviolent Struggle: 20th Century Practice and 21st Century Potential, viết chung với Joshua Paulson, 2005.

(2)
From dictatorship to democracy: A conceptual framework for liberation, 2002. [10]

Hai cuốn sách này đã dịch ra nhiều thứ tiếng gồm cả tiếng Ả Rập. Danh sách của những võ khí đấu tranh được phổ biến ngay tại “Quảng Trường Giải Phóng” (Tahir Square) giữa thủ đô Cairo trong cuộc nổi dậy của dân chúng Ai Cập. Vào mùa xuân năm nay sắp đến, Ruaridh’s Film sẽ phát hành cuốn phim “Gene Sharp: How to Start a Revolution.” GS Gene Sharp đề nghị tám bước căn bản để phát động một cuộc cách mạng bất bạo động như sau:

-Phát triển một chiến lược để dành tự do và một viễn tượng của một xã hội mong muốn.

-Vượt qua sự sợ hãi trước hết bằng những hành động chống đối nhỏ.

-Sử dụng mầu sắc hoặc biểu tượng để bầy tỏ sự đoàn kết và sức mạnh tập thể.

-Rút kinh nghiệm từ sự thành công của những phong trào cách mạng bất bạo động trước.

-Sử dụng những “võ khí” bất bạo động.

-Tìm hiểu những thế mạnh của chế độ độc tài và phát triển một chiến lược làm suy giảm những thế lực này từng thế và từng phần một.

-Sử dụng những hành động đàn áp và tàn bạo của chế độ để tuyển mộ thành viên cho phong trào cách mạng.

-Cô lập hoặc loại ra ngoài phong trào những người chủ trương bạo động.

Trong khoảng 10 năm qua, người ta đã chứng kiến những cuộc cách mạng chống độc tài nhiều hay ít mang mầu sắc như GS Gene Sharp mô tả: cuộc “Cách Mạng Xe Ủi Đất” (2000) ở Serbia, cuộc “cách Mạng Mầu Hồng” (2003) ở Georgia, cuộc “Cách Mạng Da Cam” (2004-2005) ở Ukraine, cuộc “Cách Mạng Cedar” (2005) ở Lebanon, cuộc “Cách Mạng Hoa Tulip” (2005) có phần bạo động ở Kyrgyzstan, cuộc “Cách Mạng Hoa Lan” (2006) ở Thái Lan, cuộc “Cách Mạng Mầu Xanh” (2009) nhưng không thành công ở Iran, và gần đây nhất là cuộc “Cách Mạng Hoa Nhài” (2011) ở Tunisia và Ai Cập và đang tiếp diễn tại Libya.

Nhân loại ngày càng hiểu biết và văn minh hơn. Các chế độ phong kiến, đế quốc, thực dân, phát xít, kỳ thị chủng tộc, và cộng sản đều là những vết nhơ trong quá khứ. Kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, số quốc gia dân chủ đã gia tăng một cách rõ ràng. Theo World Forum on Democracy, thế giới hiện nay đã có 120 nước dân chủ trên tổng số 192 quốc gia với tỉ lệ đa số 62.5%. Nhưng 41.8% nhân loại vẫn phải sống dưới các chế độ độc tài trong đó có Việt Nam, Bắc Hàn, và Trung Quốc. Người ta hi vọng một ngày không xa thế giới văn minh sẽ là một thế giới gồm toàn những nước tự do dân chủ.

[1] Dani Rodrik, “The Poverty of Dictatorship,” Project Syndicate, February 9, 2011.
[2] Nguyễn Quốc Khải, “Liệu Cải Tổ Kinh Tế Và Mở Cửa Buôn Bán Với Thế Giới Có Mang Lại Tự Do Và Dân Chủ Cho Việt-Nam Hay Không ?”, Thế Kỷ 21, 10-11-2003.
[3] Barry Eichengreen, “Why Egypt Should Worry China,” Project Syndicate, February 8, 2011.
[4] Duncan Green, “What Caused the Revolution in Egypt,” the Guardian, February 17, 2011.
[5] All Headline News, “Obama Optimistic about Egypt as negotiators make concessions,” February 7, 2011.
[6] Maggie Michael and Salah Nasrawi, “Egypt freezes ousted President Mubarak's assets and those of family,” AP, February 21, 2011.
[7] VOA, “EU Freezes Deposed Tunisian President's Assets,” January 31, 2011.
[8] Duncan Green, “What Caused the Revolution in Egypt,” the Guardian, February 17, 2011.
[9] Ông Gene Sharp là Giáo Sư Chính Trị Học (hiện là emeritus professor) tại University of Massachusetts và đồng thời là giữ nhiều chức vụ nghiên cứu tại Harvard University kể từ 1972. GS Sharp cũng là người sáng lập và chủ tịch của Albert Einstein Institution.
[10] Khởi đầu cuốn sách này xuất bản tại Bangkok vào 2003 bởi Ủy Ban Phục Hưng Dân Chủ Tại Miến Điện” (Committee for the Restoration of Democracy in Burma) sau khi chế độ quân phiệt Miến Điện bắt giam Bà Aung San Suu Kyi mấy năm trước và hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử vào năm 1990 với sự thắng lớn của National League for Democracy (NLD) với Bà Aung San Suu Kyi làm Tổng Thư Ký mặc dù Bà còn đang ở trong nhà tù.

Nguyễn Quốc Khải
03-03-2011
@vietvungvinh